NÓI BẰNG TRÁI TIM
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
WGPMT (15.05.2023) – Cha Giuse Vũ Văn Hiền,
Thư ký Ủy ban Truyền thông xã hội trực thuộc Hội đồng giám mục Việt Nam, phỏng
vấn Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, về Sứ điệp Truyền
thông 2023 của Đức Giáo hoàng Phanxicô.
1. Nhân dịp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm nay, Đức
Giáo hoàng Phanxicô đã gửi đến cho chúng ta một sứ điệp mang chủ đề: “Nói bằng
trái tim”. Bây giờ, xin kính mời quý vị lắng nghe những trao đổi với Đức Giám mục
Phêrô Nguyễn Văn Khảm, là thành viên của Bộ Truyền Thông Tòa thánh Vatican.
Ngài sẽ chia sẻ với chúng ta những suy tư về sứ điệp truyền thông năm nay của Đức
Giáo hoàng Phanxicô.
Kính thưa Đức Cha, như vậy là đã có 57 sứ điệp của các Đức
Giáo hoàng gửi đến cho chúng ta nhân dịp các Ngày Thế giới Truyền thông xã hội
của 57 năm qua, trong đó có 10 sứ điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Con còn nhớ
sứ điệp đầu tiên của Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi đến cho chúng ta trong Ngày Thế
giới Truyền thông xã hội năm 2014 có chủ đề là Văn hóa Gặp Gỡ. Truyền thông cần
phải xây dựng được Văn hóa Gặp Gỡ vì thế giới ngày hôm nay phải chịu những đau
đớn lớn lao do những xa cách, chia lìa. Những tiến bộ về truyền thông tưởng rằng
sẽ làm cho con người gần gũi nhau nhiều hơn, nhưng có khi nó lại gây ra những
điều ngược lại. Người ta có thể dùng các phương tiện truyền thông để tấn công
nhau, loại trừ nhau, lãng quên nhau, xa lìa nhau. Vì thế, cần phải học biết
cách sử dụng truyền thông mà xây dựng Văn hóa Gặp Gỡ.
Văn hóa Gặp Gỡ bàng bạc trong những sứ điệp truyền thông
của Đức Giáo hoàng Phanxicô và được ngài đặc biệt triển khai trong 3 sứ điệp
truyền thông mới nhất của 3 năm vừa qua. Văn hóa Gặp Gỡ đòi hỏi những người làm
truyền thông phải đến tận nơi mà xem và lắng nghe để nói với tất cả trái tim của
mình. Đó là điều đầu tiên người ta có thể cảm nhận được khi đọc sứ điệp Ngày Thế
giới Truyền thông xã hội năm nay của Đức Thánh Cha Phanxicô. Còn đối với Đức
Cha thì cảm nhận đầu tiên của Đức Cha khi đọc sứ điệp truyền thông năm nay của
Đức Giáo hoàng là gì ạ?
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đọc Sứ điệp Truyền Thông 2023
là nhớ về một kỷ niệm. Tôi bắt đầu dạy học cho các thầy tại Đại chủng viện
Thánh Giuse - Sài Gòn khoảng năm 1996, phụ trách môn Giảng Thuyết. Khi phải soạn
giáo trình, tôi đã đặt tựa đề cho giáo trình ấy là Cor ad cor loquitur (Con
tim nói với con tim).
Trong Sứ điệp Truyền Thông 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng
nhắc đến câu Cor ad cor loquitur, và ngài giải thích cho mọi người
biết đó là câu nói nổi tiếng của thánh Phanxicô Salêsiô, thánh bổn mạng của giới
truyền thông, và thánh John Henri Newman – nhà thần học lớn của thế kỷ XX, đã lấy
câu đó làm châm ngôn cho đời mình.
Khi lấy câu Cor ad cor loquitur làm tựa đề
cho giáo trình môn Giảng thuyết, cách nào đó tôi muốn diễn tả suy nghĩ của mình
về nhiệm vụ giảng Lời Chúa sau gần 20 năm làm linh mục: linh hồn của giảng thuyết
không phải là kỹ năng hùng biện như trước kia người ta thường gọi là hùng
biện thánh (eloquence sacré), nhưng là cảm nhận của con tim, tức là phải
giảng từ đáy lòng mình mới có thể hi vọng chạm đến cõi lòng người khác, như văn
hào Cicero từng nói: “Diễn văn hay nhất là diễn văn phát xuất từ trái tim”. Vì
thế khi Đức Thánh Cha Phanxicô chọn chủ đề cho Sứ điệp Truyền Thông là “Nói bằng
trái tim”, tôi thấy rất vui.
2. Đức cha vừa nhắc đến câu nói nổi tiếng của thánh Phanxicô
Salêsiô và được ĐGH Phanxicô đề cao trong Sứ điệp Truyền Thông 2023. “Con tim
nói với con tim”, chỉ có một câu mà từ ‘con tim’ được nhắc tới 2 lần! Tại sao
ĐGH Phanxicô lại nhấn mạnh đến con tim nhiều như thế?
Nếu đọc kỹ Sứ điệp Truyền Thông 2023 sẽ thấy Đức Giáo hoàng
Phanxico6 đưa ra một số nhận định về thế giới hiện nay, những nhận định có vẻ
bi quan. Chẳng hạn ngài nói: “Thời đại chúng ta đang sống có khuynh hướng vô cảm
và phẫn nộ”; thời đại chúng ta cũng là “giai đoạn lịch sử được ghi dấu bằng những
thái cực và đối nghịch”. Thiếu vắng tình yêu nhưng lại thừa thãi hận thù và bạo
lực: “Thật đáng sợ khi nghe những lời kêu gọi hủy diệt con người và lãnh thổ được
nói ra cách dễ dàng đến thế. Thật không may là những lời lẽ ấy thường biến
thành những hành động hiếu chiến của bạo lực ghê tởm. Chính vì thế phải bác bỏ
mọi luận điệu hiếu chiến, cũng như mọi hình thức tuyên truyền xuyên tạc, bóp
méo sự thật vì mục đích ý thức hệ”.
Trong bối cảnh đó, hướng đi nền tảng và bao trùm của Đức
Giáo hoàng Phanxicô là tình yêu và lòng thương xót. Ngài kêu gọi Giáo Hội đi
ra, đi đến vùng ngoại biên, về địa lý cũng như hiện sinh, thế nên ngài quan tâm
đến những người dễ bị loại trừ trong xã hội cũng như trong Giáo hội, như người
nghèo, anh chị em di dân, những người ly dị tái hôn…
Trên bình diện quốc tế, ngài dứt khoát chọn lựa hòa bình hơn
chiến tranh đến nỗi bị phê phán là quá mềm mỏng và nhân nhượng. Chẳng hạn ngài
không ngần ngại quỳ xuống hôn chân hai lãnh tụ Nam Sudan để xin họ hãy chấm dứt
cuộc nội chiến đã gây quá nhiều đau khổ cho người dân (11/04/2019). Với cuộc
chiến giữa Nga và Ukraina cũng thế, ngài tìm mọi cách có thể để chấm dứt cuộc
chiến, cho người dân cả hai bên được sống yên lành.
Cũng thế trong các lãnh vực mục vụ, ngài thường xuyên đề cao
trái tim và tình yêu thương. Chẳng hạn, về Giáo dục, ngài nhấn mạnh giáo dục
không chỉ là cung cấp kiến thức nhưng phải quan tâm cả ba chiều kích, được diễn
tả bằng 3 chữ H trong tiếng Anh (Head, Heart, Hands); chúng ta cũng có thể dùng
3 chữ T trong tiếng Việt để diễn tả: Trí, Tâm, Tay. Với Truyền thông, ngài cũng
nhấn mạnh đến con tim yêu thương: nhìn bằng cặp mắt của con tim, lắng nghe bằng
đôi tai của trái tim, và nói bằng ngôn ngữ của con tim.
3. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm nay cũng
khá dài và khó mà nhớ hết được. Vậy theo Đức Cha, có câu nào của sứ điệp mà
chúng ta cần nhớ để có thể nắm bắt được toàn thể nội dung của sứ điệp này hay
không?
Khi đọc Sứ điệp này, câu mà tôi tâm đắc nhất và coi như cốt
lõi của Sứ điệp là khi Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Chúng ta không nên sợ phải
nói sự thật, kể cả khi phải chịu phiền toái, nhưng điều nên sợ là nói sự thật
mà không có con tim yêu thương”.
Đối với tôi, câu này rất quan trọng vì ngày nay nhiều người
đề cao việc nói sự thật và trích dẫn cả Lời Chúa: “Sự thật sẽ giải thoát anh
em” (Ga 8,32), nhưng lại không quan tâm đủ đến tình yêu. Trong thực tế, nhiều
khi người ta công bố sự thật không phải vì yêu thương nhưng vì nhiều lý do khác
nhau. Chẳng hạn công bố sự thật vì căm thù, thể hiện qua những từ ngữ cũng như
cách diễn tả khi nói lên sự thật ấy. Cũng có khi công bố sự thật để hạ nhục người
khác, chẳng hạn biết người khác có lỗi lầm gì đó, thay vì gặp trực tiếp để góp
ý thì lại vội vã tung tin trên mạng xã hội! chỉ trong nháy mắt, người đó trở
thành nạn nhân của biết bao lời xỉ vả, miệt thị, gây tổn thương trầm trọng đến
danh dự và đời sống họ. Khi ấy, điều mà người ta gọi là sự thật không còn là sự
thật giải thoát nhưng là sự thật hủy diệt, là vũ khí của bạo lực, bạo lực trong
ngôn từ, bạo lực trong hành động.
Chúa Giêsu hành xử hoàn toàn khác. Khi bị điệu đến dinh thượng
tế Caipha để tra hỏi, Chúa Giêsu trả lời và bị một tên lính vả vào mặt mà nói,
“Ông dám trả lời vị thượng tế như thế ư?”. Chúa Giêsu nói với kẻ đánh mình: “Nếu
tôi nói sai, anh hãy chỉ cho tôi thấy sai ở chỗ nào; nếu tôi nói phải, sao anh
đánh tôi?” (Ga 18,23). Chúa nói sự thật và khi bị đánh, Ngài chất vấn lại nhưng
không trả đũa bằng bạo lực!
Cũng vì thế, Chúa dạy chúng ta cách ứng xử với nhau khi có những chuyện không hay trong cộng đoàn Hội Thánh (x. Mt 18,15-18): Nếu người anh em trót phạm tội, thì trước hết đến gặp riêng để khuyên can; nếu họ không nghe thì mời thêm một hay hai người nữa; nếu cũng không nghe thì mới trình cho Hội Thánh. Những bước tiệm tiến như thế thể hiện sự tôn trọng và lòng mến chân thành, giúp nhau bước đi trong sự thật với cả tấm lòng.
4. Đức Giáo hoàng Phanxicô từng nói: con người khi sinh
ra là đã mang lấy một sứ mệnh rồi. Sứ mệnh là mệnh lệnh của Trời, mệnh lệnh của
Chúa, và mỗi người khi sinh ra là đã nhận lấy mà thi hành trong suốt cuộc đời của
mình. Cụ thể là mỗi tín hữu khi sinh ra đều có sứ mệnh truyền thông Tin Mừng và
ĐGH Phanxico dạy chúng ta cách truyền thông Tin Mừng tốt nhất là loan báo Tin Mừng
Sự Thật bằng ngôn ngữ yêu thương. Đây là bài học rất quan trọng cho tất cả
chúng ta, cách riêng là những anh chị em đang làm công tác trong ngành truyền
thông. Vậy theo Đức Cha, làm thế nào để có thể phổ biến nội dung sứ điệp Ngày
Thế giới Truyền Thông xã hội năm nay một cách rộng rãi và hữu hiệu?
Với anh chị em làm việc trong ngành truyền thông, tôi nhớ là
trong Sứ điệp Truyền Thông 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô có nhắc đến nhận xét của
Thánh Giáo hoàng Phaolô VI khi đọc các tác phẩm của thánh Phanxicô Salêsiô là
“thích thú, thêm hiểu biết, đánh động”. Theo cách hiểu của tôi, ba tính từ trên
diễn tả con người toàn diện: trí năng, tình cảm, hành động. Thêm hiểu biết vì
bài viết giúp người đọc mở mang sự hiểu biết; thích thú vì nó lôi cuốn người đọc;
đánh động vì nó thúc đẩy chúng ta sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn. Đây có thể là
những tiêu chuẩn căn bản để chúng ta đánh giá một bài viết, bản tin, chương
trình truyền thanh và truyền hình. Đây cũng là những tiêu chuẩn gợi ý cho chúng
ta biết “nói bằng trái tim” khi làm công tác truyền thông.
Không chỉ anh chị em trong ngành truyền thông nhưng tất cả
chúng ta đều có trách nhiệm truyền thông Tin Mừng như Đức Giáo hoàng Phanxicô dạy:
“Việc dấn thân truyền thông với trái tim và vòng tay rộng mở không chỉ dành
riêng cho những người trong lãnh vực truyền thông nhưng là trách nhiệm của mọi
người. Chúng ta được kêu gọi tìm kiếm và nói sự thật, và làm như thế với tình
bác ái”. Để thực hiện được điều này, hãy vun đắp con tim yêu thương, hãy thanh
tẩy tâm hồn khỏi những tính toán hận thù, ghen ghét. Cách cụ thể, tôi đề nghị
hãy lấy câu “Con tim nói với con tim” làm lời tâm niệm mỗi khi viết hay nói điều
gì với người khác.
Nguồn: giaophanmytho.net (15.05.2023)