CẦN MỘT ĐỐI THOẠI NGÔN SỨ CHO NHỮNG VẤN ĐỀ TRUYỀN GIÁO HÔM NAY

Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD[1]

WHĐ (13.7.2020) – Năm nay Giáo hội kỷ niệm 100 năm ngày ban hành tông thư truyền giáo Maximum Illud. Nhìn về lại lịch sử chúng ta thấy vào năm 1919, những thập niên đầu của thế kỷ 20, trong hoàn cảnh khủng hoảng đức tin, cũng như nhưng biến cố của đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918), Châu Âu bước vào một cuộc phân cực sâu sắc trong xã hội, tình hình công giáo và đời sống đức tin đang trong tình trạng xáo trộn, khủng hoảng về việc truyền giáo cũng đang được đặt lại, đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ truyền giáo thế kỷ XIX. Vì thế, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV ban hành tông thư truyền giáo Maximum Illud này với phụ đề về việc truyền bá đức tin Kitô Giáo trên khắp thế giới, là tông thư đầu tiên trong 5 thông điệp về truyền giáo được các giáo hoàng công bố trong suốt 40 năm tiếp theo cho đến công đồng Vaticanô II. Tông thư này không cung cấp một cơ sở thần học cho hoạt động truyền giáo. Các mục tiêu truyền giáo từ tông thư này cho tới công đồng Vaticanô II là chinh phục người ta trở lại đạo (conversio model) và thiết lập các giáo hội địa phương (plantatio ecclesiae model) để củng cố lại và định hướng cho sứ vụ của Giáo hội trong hoàn cảnh khủng hoảng này. Sau tông thư, Giáo hội đã đánh dấu được những khởi hứng mới mang tính quốc tế như việc thành lập Hội Đồng Truyền Giáo Quốc tế (International Missionary Council) năm 1921.[2]

Từ năm 1919 đến nay, 100 năm qua Giáo hội và thế giới chứng kiến nhiều thay đổi, Giáo hội Chính Thống Phương Đông phải đối diện với với những hậu quả của cuộc cách mạng Nga (1917), các nhà truyền giáo đối diện với tình trạng bị bắt bớ, bạo lực và bị trục xuất khỏi những nước xã hội chủ nghĩa và cộng sản như Trung Quốc, Việt Nam và những nước có chế độ cộng sản nắm quyền. Các Giáo hội Châu Âu chứng kiến sự trỗi dậy của Hitler năm 1933 và Thế Chiến thứ 2 (1939-1945), sự cáo chung của chế độ thuộc địa, sự bùng nổ của nhiều cuộc chiến địa phương, làn sóng di dân, sự trỗi dậy trở lại của Hồi Giáo[3] những cuộc cách mạng về chính trị, kinh tế và truyền thông… những yếu tố đó tác động rất lớn đến thế giới, con người và hoạt động truyền giáo của Giáo hội. Trong bối cảnh thế giới, xã hội và con người đó, Giáo hội đã cố gắng tìm những phương thức định hình cho sứ vụ truyền giáo trong hoàn cảnh của toàn cầu hóa và tục hóa bằng những phương thức hội nhập và đối thoại khác nhau nhằm thăng tiến con người, trong ý thức thông truyền Đức Kitô và hội nhập những giá trị Tin Mừng vào cuộc sống bằng một sứ vụ mang tính ngôn sứ hôm nay.

1. Định Hình Những Hướng Đi Của Truyền Giáo

Dọc suốt thế kỷ 20, ngoài việc đối diện với những cuộc khủng hoảng như trình bày ở trên, người Kitô giáo (bao gồm Công Giáo và Tin Lành) lại phải chống chọi với chủ nghĩa cộng sản vô thần tại các nước Đông Âu và một số nước Á Châu, khi sự trỗi dậy của chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh xã hội và thế giới đang xáo trộn và định hình lại trật tự, sứ vụ của Giáo hội trong công việc truyền giáo lúc bấy giờ cho đến công đồng Vaticanô II, với 2 mẫu thức truyền giáo như đã nói ở trên là vẫn dựa trên 2 trường phái là cải giáo và xây dựng Giáo hội. Hai mô hình này xoay quanh chủ đề về ý muốn cứu độ của Thiên Chúa [conversio animarum thuộc trường phái Muenster (Đức)] và thiết lập giáo hội địa phương [plantatio ecclesiae thuộc trường phái Louvain (Bỉ và Pháp)]. Tuy nhiên, trong lúc làm sứ vụ và đặc biệt quan tâm đến con người là đối tượng của sứ vụ, khoa nhân chủng học truyền giáo ra đời để hỗ trợ cho sứ vụ truyền giáo. Khoa nhân chủng này được khởi xướng bởi Wilhelm Schmidt, SVD, một nhà ngôn ngữ và nhân chủng học đa tài của Dòng Ngôi Lời, ông sáng lập viện nghiên cứu Anthropos Institute để nghiên cứu về mối phát triển liên kết nhân chủng, văn hóa và tôn giáo để hỗ trợ cho việc thực hành truyền giáo.[4] Bên cạnh đó, có một sự đóng góp rất lớn cho nền thần học truyền giáo và thần học về các tôn giáo của Yves Congar, Karl Rahner và nhiều thần học gia khác đã góp phần hình thành những suy tư thần học cho Công đồng Vaticanô II. Từ đó việc tìm hiểu để biết rõ những gì liên hệ đến con người, văn hóa và các tôn giáo được quan tâm trong sứ vụ truyền giáo của Giáo hội. Để đến Công đồng Vaticanô II, có một bước đột phá trong ý hướng truyền giáo với Sắc lệnh Truyền Giáo Ad Gentes và Tuyên ngôn Tự Do Tín Ngưỡng Nostra Aetate đặt nền tảng thần học và vạch ra nhiều phương thức cho sứ vụ truyền giáo hậu công đồng mà Lumen Gentium số 16 đã định hướng nền tảng tín lý và thần học cho sứ vụ. Hiến chế đã dựa theo nền tảng thần học của thánh Tôma Aquinô và những giáo huấn truyền thống khi khẳng định rằng “những người không nhận biết Phúc âm của Chúa Kitô và Giáo hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi” (LG 16).

Để xác định lại tầm quan trọng của việc truyền giáo và bản chất của mình, Giáo hội qua Công đồng Vaticanô II xác định bản chất của mình là truyền giáo (x. AG 2), theo đó nếu Giáo hội không ý thức và không quan tâm đến sứ vụ truyền giáo của mình là mất bản chất mà mất bản chất thì Giáo hội không còn là mình nữa. Quả vậy, để đem ra một định hướng chung cho việc truyền giáo, công đồng đã dung hòa những trường phái khác nhau trong những phương thức của sứ vụ: cải giáo, xây dựng giáo hội địa phương và quan tâm đến con người trong các nền văn hóa và tôn giáo. Công đồng Vaticanô II dựa trên bối cảnh thần học này, đã cố gắng mô tả ý nghĩa đặc thù của sứ mạng truyền giáo: “(Việc) Truyền giáo là một thuật ngữ thường được dùng để chỉ ‘tất cả những công cuộc đặc biệt trong đó các nhà rao giảng Phúc Âm đã được Giáo hội sai đi khắp thế gian thực hiện nhiệm vụ rao giảng Phúc Âm, và ‘vun trồng’ Giáo hội nơi các dân tộc, cũng như những nhóm người chưa tin Chúa Kitô” (AG 6).

Tuy nhiên, với một định nghĩa cô đọng như vậy nếu không có những hướng dẫn cụ thể, chắc chắn công việc truyền giáo của Giáo hội cũng chỉ dừng lại ở lý thuyết và thần học. Vì thế, cách thức mà Giáo hội muốn và thế giới ngày nay đang cổ võ đó là làm cách nào để tiếp cận với con người. Xem ra các phương thức của đối thoại, hội nhập văn hóa, thăng tiến con người như là những cách tiếp cận của sứ vụ trong thời hiện đại này.

2. Đối Thoại Như Một Cách Tiếp Cận Cho Hướng Đi Của Truyền Giáo

Đối thoại là một thuật ngữ khá phổ biến và là một cách tiếp cận trong tương giao cuộc sống với con người ở mọi thời đại khác nhau.

Con người không thể sống mà không có đối thoại. Khi đối thoại, các đối tác của nhau sẽ hiểu nhau hơn, biết về nhau, thông cảm nhau hơn, có thể đi đến hợp tác với nhau trong nhiều lãnh vực của cuộc sống. Khi đối thoại, chắc chắn chúng ta sẽ giảm bớt được nguy cơ đối đầu, đối kháng, đối lập, đối chọi, đối chất… Mà ý nghĩa đặc thù của đối thoại là cùng khiêm nhường lắng nghe nhau và tôn trọng nhau. Vì thế, khi bàn thảo về sứ vụ truyền giáo tại Á Châu, các giám mục Á Châu đã tìm một “con đường riêng và mới để là Giáo hội tại Á Châu đó là đối thoại” để làm phương tiện cho phục vụ Tin Mừng trong thế giới đa dạng văn hóa và đa nguyên tôn giáo ngày nay, cũng như trong một xã hội phân cực giàu nghèo. Giáo hội cũng muốn tạo những tương quan với thế giới trong tinh thần đối thoại. Thật vậy, trong Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói lên ý thức sứ mạng của Giáo hội với “ước muốn đối thoại không phải chỉ là một chiến lược để chung sống hòa bình giữa các dân tộc; nó còn là một phần thiết yếu của sứ mạng Giáo hội, bởi vì nó có nguồn gốc trong cuộc đối thoại cứu rỗi đầy tình yêu của Chúa Cha với nhân loại qua Chúa Con trong quyền lực Chúa Thánh Thần.”[5] Điều này được Đức Phaolô VI định hướng theo tinh thần đổi mới của Công đồng Vaticanô II, mà thông điệp Ecclesiam Suam giới thiệu như là một phương thức truyền giáo qua đối thoại. Bản thông điệp này vẫn được mệnh danh là bản hiến chương về đối thoại của Giáo Hội. Vì trong Thông Ðiệp Ecclesiam Suam, Ðức Phaolô VI đã tuyên bố về vấn đề liên hệ giữa Giáo Hội và thế giới hiện đại, là một trong những vấn đề quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Ngài viết rằng ‘sự hiện hữu của nó và sự cấp bách của nó, như thể tạo nên một gánh nặng trên tâm hồn chúng ta, tạo ra một sự khuyến khích, một ơn gọi’. Kể từ ngày Công đồng, Giáo hội luôn chứng tỏ mình muốn theo đuổi liên hệ đó trong tinh thần đối thoại.[6]

Tuy nhiên, ‘đối thoại cũng không được hiểu như một thủ thuật khôn khéo và tế nhị để loan truyền danh xưng và sứ điệp của Đức Kitô cho các tín hữu.’ Trong bối cảnh toàn cầu hóa hôm nay, chúng ta phải hiểu đối thoại là một chọn lựa ưu tiên trong thế giới phân cực và đa cực. Trong tiến trình đối thoại, nó thực sự và phải bao gồm một khoảnh khắc rao giảng, mỗi người rao giảng cho nhau. Vì thế ‘đối thoại hoàn toàn không thay thế việc rao giảng hay nhu cầu mời gọi sự hoán cải Kitô giáo.’ Nhưng một cách sâu xa nhất, đối thoại ngày nay là ‘quy tắc và cung cách cần thiết của mọi hình thức truyền giáo Kitô giáo.’ Vì việc truyền giáo là tham dự vào sứ vụ của Thiên Chúa, và bản tính và hành động của Thiên Chúa mang tính đối thoại. Việc Thiên Chúa tự mặc khải cho thấy một sự hiệp thông trong đối thoại được diễn tả một cách cụ thể nơi con người của Đức Giêsu, trong Giáo hội nhờ Thánh Thần. Đó là cách Thiên Chúa đối xử tự do và tôn trọng trong đối thoại đối với loài người và toàn thể tạo thành.[7] Quả vậy, Tuyên ngôn Dominus Jesus xác định: “Đối thoại chắc chắn không thể thay thế, nhưng đúng hơn, đi kèm theo sứ vụ truyền giáo, hướng về mầu nhiệm hiệp nhất từ đó mà tất cả người nam và người nữ, những kẻ được cứu chuộc, chia sẻ dù cách khác nhau, cùng một mầu nhiệm cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô, nhờ Thần Khí của Người.”[8] Như vậy, trong việc đối thoại, một mặt ta phải luôn trân trọng những gì là chân thiện mỹ nơi các tôn giáo, nhưng mặt khác ta không thể lãng quên hay đánh mất căn tính của mình là đem Tin Mừng cho các dân tộc. Công đồng Vatican II định hướng rõ ràng cho việc đối thoại liên tôn là cùng nhau khám phá và làm triển nở những yếu tố “chân lý và ân sủng do sự hiện diện tiềm ẩn của Thiên Chúa nơi mọi tôn giáo.”[9]

3. Đối Thoại Là Quy Tắc Chung Cần Thiết Cho Mọi Hình Thức Truyền Giáo

Từ những định hướng cụ thể như đã nêu trên, và chúng ta cũng đã biết “đối thoại là quy tắc chung và là cung cách cần thiết của mọi hình thức truyền giáo Kitô giáo,” cũng như của mọi khía cạnh của nó, dù ta hiểu về nó như là một sự hiện diện và chứng tá, phục vụ đơn sơ, hay là rao giảng trực tiếp. Trong mọi hoạt động truyền giáo, dù áp dụng phương thức nào cũng phải luôn đặt trong ý thức rằng mọi ý nghĩa của truyền giáo mà không thấm nhuần một tinh thần đối thoại như thế sẽ là đi ngược lại những đòi hỏi của nhân loại đích thực và đi ngược lại các huấn giáo của Tin Mừng.[10] Khi thấy được những sức năng động của phương thức này, Văn phòng Đối Thoại Liên Tôn đã đem ra những phương cách cụ thể để quá trình đối thoại trong sứ vụ đi theo được những lộ trình nhất định nhằm đạt tới hiệu quả cho từng giai đoạn.

Hoạt động đối thoại được diễn tả trong nhiều cách mà số 42 trong văn kiện “Ðối Thoại và Rao Truyền” đã tóm tắt những hình thức có tính nguyên tắc như sau: 1) Ðối thoại bằng đời sống: Ðây là môi trường mà con người cố gắng sống trong tinh thần cởi mở và thân thiện láng giềng; cùng nhau chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, những khó khăn cũng như những lo toan của con người trong cuộc sống. 2) Ðối thoại bằng hành động: Các Kitô hữu và những người khác cộng tác với nhau trong việc phát triển toàn diện và sự tự do của các dân tộc. 3) Ðối thoại bằng cách trao đổi về thần học: Các chuyên viên đào sâu hơn sự hiểu biết của họ về các di sản của các tôn giáo và đánh giá đúng về những giá trị tinh thần của mỗi tôn giáo. 4) Ðối thoại bằng kinh nghiệm tôn giáo: Các tín đồ của các tôn giáo có thể chia sẻ cho nhau những điều tốt đẹp trong tôn giáo của mình. Chẳng hạn về vấn đề cầu nguyện, chiêm niệm, niềm tin và các cách thế tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm Ðấng Tuyệt Ðối.[11] Văn Phòng Đối Thoại Liên Tôn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong đối thoại là “đừng xem thường tính cách đa dạng này của các hình thức đối thoại.”[12] (DP 43) Từ những định hướng chung đó, qua việc đối thoại, việc truyền giáo của Giáo hội có thể áp dụng cho mọi đối tượng trong sứ vụ. Như việc đối thoại liên tôn, đối thoại đại kết, đối thoại văn hóa, đối thoại với người nghèo, đối thoại với tạo vật…

Thông Điệp Redemptoris Missio số 55 đã nói về khía cạnh đối thoại cách rõràng vàchi tiết. Đối thoại liên tôn là một phần trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo hội. Hiểu như một phương pháp và phương tiện hiểu biết lẫn nhau và làm cho nhau nên phong phú, đối thoại không đối lập với sứ mạng truyền giáo; thực ra, nó liên kết đặc biệt với nhiệm vụ này và là một trong những biểu hiện của nó. Trong ánh sáng của nhiệm cục cứu độ, Giáo hội không thấy có sự xung khắc nào giữa rao giảng về Chúa Kitô và tham gia vào các cuộc đối thoại liên tôn. Thay vào đó, Giáo hội cảm thấy cần thiết phải liên kết cả hai trong bối cảnh truyền giáo. Hai yếu tố này vừa phải duy trì được sự liên kết sâu sắc đồng thời cũng phải giữ được những đặc trưng phân biệt rõ ràng.[13]

Tông huấn Giáo hội tại Á Châu xác định và nhấn mạnh việc không thể loại bỏ các nguyên tắc, cũng không nên chủ trương hòa giải giả tạo, nhưng ngược lại, phải làm chứng lẫn cho nhau để cùng nhau tiến bước trên con đường tìm kiếm và sống kinh nghiệm tôn giáo, và đồng thời loại bỏ những tiên kiến, bất bao dung và hiểu lầm. Chỉ những người có đức tin Kitô giáo trưởng thành và xác tín, mới có tư cách dấn thân vào việc đối thoại liên tôn chân chính. Chỉ những Kitô hữu được dìm sâu vào trong mầu nhiệm Đức Kitô và sống hạnh phúc trong cộng đồng đức tin của họ, mới có thể dấn thân vào việc đối thoại liên tôn, mà tránh được sự liều lĩnh không đáng và có hy vọng hái được hoa quả tích cực. Do đó, điều quan trọng là cung cấp những kiểu mẫu xứng đáng cho cuộc đối thoại liên tôn – Phúc âm hóa trong đối thoại và đối thoại để Phúc âm hóa – và sự đào tạo xứng hợp cho những ai dấn thân vào đó.[14] Hơn thế nữa, trong tiến trình đối thoại, tín đồ thuộc các tôn giáo khác trên thế giới, tuy không bỏ các truyền thống riêng của mình, vẫn còn có thể dấn thân vào việc cầu nguyện và kiến tạo hòa bình thịnh vượng cho nhân loại. Giáo hội phải tiếp tục cố gắng gìn giữ và cổ võ, ở mọi cấp bậc, tinh thần gặp gỡ và hợp tác giữa các tôn giáo đó.[15] Từ những yếu tố tích cực và xây dựng đó trong tinh thần đối thoại, những đối tác của đối thoại sẽ thân thiện và niềm nở hơn với nhau như Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi: “Cuộc đối thoại này phải luôn phải diễn ra một cách thân thiện và niềm nở; không được bỏ qua liên hệ căn bản giữa đối thoại và rao giảng mà Giáo hội mang đến, phải tuân giữ đúng đắn và tăng cường liên hệ với những người chưa phải là Kitô hữu... Sự cởi mở chân thành cần nắm vững căn tính trong xác tín sâu xa nhất, nhưng cũng phải cởi mở để có thể hiểu người khác, trong ý thức, cuộc đối thoại sẽ làm phong phú cho cả đôi bên.”[16]

Việc gặp gỡ đối thoại thực sự trong một bối cảnh, với con người hay một tôn giáo dẫn đưa nhà truyền giáo hay người Kitô giáo khám phá ra sự viên mãn của Đức Kitô. Quả thực, trong thực tế khi đối thoại là lúc cho chúng ta một thời khắc bình an cho cả hai phía trong việc tuyên xưng đức tin có tính ngôn sứ; nó cho phép chúng ta biết về các tôn giáo, con người hoặc văn hóa không như lý thuyết và trừu tượng mà như những cách sống đã được sống bởi những con người và hoàn cảnh cũng như tôn giáo mà chúng ta đang cùng trở thành những người bạn và cộng tác. Hơn nữa, nó giúp chúng ta đào sâu sự hiểu biết của mình về những đối tác mà chúng ta đang đối thoại.

Nhưng trước hết và trên hết, nó cho chúng ta một khám phá ra sự xác tín trong đức tin của chúng ta, để ta có thể cống hiến cách sống đức tin ấy cho người khác.[17] Vì thế chúng ta có thể đoan chắc rằng trong tinh thần đối thoại như thế phải nói lên được một tinh thần ngôn sứ.

4. Từ Phương Thức Đối Thoại Hướng Tới Đối Thoại Ngôn Sứ

Tại sao lại là đối thoại ngôn sứ? Để chuẩn bị cho Tổng Tu Nghị lần thứ 14, các thành viên của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời được cung cấp tài liệu Tổng Tu Nghị để cùng nhau cầu nguyện và học hỏi trong gần một năm trước đại hội và tu nghị để tìm ra một hướng truyền giáo cho toàn Hội Dòng trong vòng 6 năm theo nhiệm kỳ của Bề trên Tổng quyền. Trên tinh thần đó, kỳ đại hội và Tổng Tu Nghị năm 2000 các nghị viên đã chọn chủ đề truyền giáo bằng “Đối thoại Ngôn sứ” cho toàn Hội Dòng trong nhiệm kỳ 6 năm và Tổng Tu Nghị 2006 tiếp tục lặp lại chủ để đó cho 6 năm tiếp theo.

Tại sao Dòng Ngôi Lời lại chọn chủ đề “Đối Thoại Ngôn Sứ” cho sứ vụ suốt 12 năm cho của toàn dòng? Xảy ra là, trong các phiên họp của Tổng Tu Nghị năm 2000, các nghị viên đến từ các nước Châu Mỹ La Tinh bàn bạc và đề nghị phương thức truyền giáo cho thời đại mới phải mang yếu tố ngôn sứ trong việc quan tâm ưu tiên chọn lựa và giải phóng cho người nghèo, thăng tiến nhân sinh, gióng lên tiếng nói phản biện cho xã hội về công bằng và quyền lợi con người… Tất nhiên họ chịu ảnh hưởng từ một nền Thần học Giải phóng trong sứ vụ truyền giáo từ lục địa Mỹ La Tinh. Trong lúc đó, các nghị viên đến từ Châu Á, sống trong một lục địa bao la rộng lớn của người nghèo, đa dạng văn hóa và đa nguyên tôn giáo, và họ cũng chịu ảnh hưởng từ nền tảng thần học truyền giáo của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) đưa ra phương thức truyền giáo cho lục địa này là đối thoại.[18] Vì thế các nghị viên đến từ Châu Á đã ưu tiên chọn lựa cho phương thức truyền giáo là đối thoại. Trong hai lập trường của các nhóm thảo luận đó, một bên đưa ra yếu tố ngôn sứ trong truyền giáo, bên khác đưa ra ưu tiên đối thoại là phương thức cho sứ vụ của toàn dòng. Để dung hòa hai lập trường này, trong những phiên họp toàn thể các nghị viên đã bàn bạc và đi đến quyết định lấy cả hai phương thức nhập lại làm một làm chủ đề cho sứ vụ đó là Đối Thoại Ngôn Sứ, dung hòa hai nền Thần học Giải phóng và Thần học Đối thoại cùng những phương thức truyền giáo của các Châu lục khác để làm chủ đề truyền giáo cho toàn hội dòng trong thời đại toàn cầu hóa của thiên niên kỷ mới này.[19]

Nền tảng kinh thánh và thần học cho phương thức Đối Thoại Ngôn Sứ này được các nghị viên tu nghị của dòng lấy nền tảng trong câu chuyện Tin Mừng, “Chúa Giêsu đối thoại với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacop” (Ga 4, 4-42). Trên quan điểm truyền giáo và thần học đối thoại, Chúa Giêsu đóng vai trò một vị ngôn sứ đối thoại với người phụ nữ. Người phụ nữ xứ Samaria đóng vai trò của ba thành phần để đối thoại với Chúa Giêsu. Người phụ nữ này đóng vai một người mang màu sắc tôn giáo khi chị đối thoại với Chúa Giêsu, “cha ông chúng tôi truyền phải thờ Thiên Chúa trên núi này (Garizim), còn người Do Thái các ông lại thờ Thiên Chúa trong đền thờ Giêrusalem” (Ga 4,20). Chị ấy lại tiếp tục đóng vai của người nghèo để đối thoại với Chúa Giêsu, chị là một phụ nữ mà trong con mắt của người Do Thái người phụ nữ là người bị loại ra ngoài, người không được kể đến (“cho năm ngàn người ăn không kể đàn bà con nít”). Người phụ nữ này lại tiếp tục đóng vai một người mang màu sắc một nền văn hóa khác để đối thoại, nghĩa là Chúa Giêsu gặp gỡ người phụ nữ và chuyện trò với chị tại một nơi mà chỉ dành riêng cho phụ nữ ra kín nước nơi giếng Giacob “lúc 12 giờ trưa” (Ga 4,6), và hơn nữa “người Do Thái không được giao thiệp với người Samari” (Ga 4,9) mà đối với một Rapbi Do Thái thì không được phép nói chuyện với phụ nữ ở những nơi này. Vì thế, dựa trên nền tảng này chúng ta có thể nhận ra được một cuộc đối thoại ngôn sứ (Chúa Giêsu đóng vai trò ngôn sứ để đối thoại) ba chiều kích (người phụ nữ đóng ba vai trò: người nghèo, tôn giáo và văn hóa).

5. Đối Thoại Liên Tôn Mang Chiều Kích Ngôn Sứ

Nhìn lại trong những thập kỷ qua, Giáo hội đã chọn đối thoại như là một phương cách để phục vụ truyền giáo trong một thế giới luôn có xu hướng phân cực, đối đầu, bạo lực, xung đột và toàn cầu hóa. Trong quá khứ Giáo hội cũng đã từng cao ngạo hiếu chiến trong thành công của thời kỳ hoàng kim truyền giáo cũng như những thất bại trong sứ vụ của mình. Từ đó, Giáo hội đã nhìn lại mình và học nơi Chúa Giêsu đã từng ngạc nhiên trước đức tin của những người ngoại, hoặc những người mang một niềm tin khác ( x. Mt 15, 21-28; Ga 4, 4-42).

Chúng ta luôn ý thức rằng, mọi tôn giáo đều có mục đích tôn giáo: có giá trị, vì mầu nhiệm, Thần Khí và Lời đều phân biệt với nhau, nên các tôn giáo ấy cần lẫn nhau và vì thế cần đi vào đối thoại theo gương sự đối thoại thường hằng của Ba Ngôi. Mặc dầu Kitô giáo có thể đáp ứng đầy đủ nhất cho sự sung mãn của sự sống, nó vẫn còn là một biểu thị cục bộ của sự sung mãn ấy, và vì thế có thể khám phá ra những chiều sâu mới của mình nhờ đối thoại chân thành với các tôn giáo lớn cũng như các tôn giáo truyền thống.[20] Khi chúng ta là những nhà truyền giáo hoặc những Kitô hữu đi vào đối thoại thì cũng giống như những tín đồ trong các tôn giáo khác, họ mang theo niềm xác tín về sự thật của niềm tin mà họ sống và sẵn sàng tuyên xưng chân lý ấy. Nhưng đồng thời chúng ta cũng nhận ra rằng có nhiều điều phải học từ các tôn giáo và truyền thống khác. Vì rõ ràng đối thoại là một phần không thể thiếu của sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội và tất nhiên đối thoại đồng thời là một hoạt động ngôn sứ sâu xa.[21]

Vì thế, đối thoại liên tôn thực sự là đối thoại ngôn sứ. Là đối thoại như đã trình bày ở trên vì nó chú ý lắng nghe, các kỹ năng nói chuyện, đồng cảm, học hỏi, tôn trọng nhau. Là ngôn sứ nó đòi hỏi sự thành thật, xác tín, can đảm và đức tin. Rất nhiều khi đối thoại được mô tả như là sự tìm kiếm một “mẫu số chung thấp nhất” hay một thực tại lớn hơn vượt lên trên các cách diễn tả hay cách thực hành cụ thể của các tôn giáo[22] hay những tập tục văn hóa và cách sống của con người trong vùng văn hóa. Hơn nữa, khi nói đến đối thoại là đụng đến con người sống trong một khung cảnh lịch sử văn hóa cụ thể, để trong đối thoại tôn giáo cũng phải hiểu trong khung cảnh của văn hóa. Vì thế, “đối thoại tôn giáo cũng rất khẩn thiết trong bối cảnh của văn hóa. Ý niệm về văn hóa rộng hơn ý niệm về tôn giáo. Theo một quan niệm nào đó, tôn giáo tiêu biểu cho chiều kích siêu việt của văn hóa, do đó có thể nói nó là hồn của văn hóa.”[23] Chính vì vậy khi hội nhập văn hóa hay đối thoại văn hóa cũng cần phải ý thức đến vai trò ngôn sứ để sứ vụ truyền giáo không dừng lại ở khía cạnh thuần túy văn hóa, hoặc có những yếu tố văn hóa cũng cần “thanh tẩy” cho mục tiêu phẩm giá của con người và giá trị của Tin Mừng có thể đồng bộ.

6. Hội Nhập Văn Hóa Như Là Đối Thoại Ngôn Sứ

Như lời giáo huấn gần đây của Giáo hội về việc hội nhập Tin Mừng vào văn hóa và bản sắc hóa Tin Mừng trong cuộc sống, Đức thánh cha Phanxicô đã kêu gọi “phải rao giảng Tin Mừng cho các nền văn hóa để bản sắc hóa Tin Mừng. Ở những nước theo truyền thống Công Giáo, sẽ là đồng hành, chữa lành và củng cố sự phong phú đã có sẵn, và ở những nước có những truyền thống tôn giáo khác hay đã bị tục hóa một cách quá sâu xa, sẽ là đưa ra một tiến trình mới để loan báo Tin Mừng cho nền văn hóa... Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng mình luôn luôn được mời gọi để lớn lên. Mọi nhóm văn hóa và xã hội đều cần sự thanh lọc và trưởng thành.”[24] Chúng ta được mời gọi để lớn lên, từ đó có thể thanh lọc được một yếu tố văn hóa cho Tin Mừng trở thành bản sắc, đòi hỏi phải có một hành động ngôn sứ đích thực. Quả thật, “việc hội nhập văn hóa Tin Mừng là biết đối thoại với hoàn cảnh trong đó Tin Mừng được rao giảng hay cắt nghĩa, và biết lắng nghe và phân định cách nào là tốt nhất để liên kết các khía cạnh bất biến của đức tin Kitô với các khía cạnh thay đổi và thách thức của một kinh nghiệm cụ thể, văn hóa, khu vực xã hội hay những thay đổi xã hội tại một nơi cụ thể hay trong một dân tộc cụ thể.”[25] Vì văn hóa là địa hạt sống còn qua đó con người gặp gỡ được Tin Mừng... Khi nền văn hóa đổi thay, thì con người và não trạng của họ cũng phải thay đổi, thích nghi và hòa nhập. Từ viễn cảnh này, ta thấy rõ mối tương quan mật thiết giữa văn hóa và Tin Mừng là điều tự nhiên và thiết thực. Văn hóa không phải là Tin Mừng, nhưng không thể đem Tin Mừng đến với con người mà không thông qua nền văn hóa của họ.[26] Nói cách khác, hội nhập văn hóa được thực hiện tốt nhất trong đối thoại ngôn sứ.

Có thể nói, hội nhập văn hóa phải mang tính đối thoại sâu xa, vì trong đối thoại ta mới hiểu tường tận những chiều sâu của văn hóa và con người, và chắc chắn chúng ta không luôn luôn dễ hiểu được một bối cảnh từ bề mặt của nó… Hội nhập văn hóa còn mang đậm tính giáo hội theo nghĩa nó tôn trọng các giá trị và tập tục của giáo hội địa phương, nhưng nó biết mở ra để đón nhận sự sửa sai từ các giáo hội địa phương hay nền văn hóa khác và sẵn sàng đi vào đối thoại phê bình. Phải chăng đây là hành động ngôn sứ? Quả thế, hội nhập văn hóa là công việc của các cộng đồng, không phải của các cá nhân, vì thế cần phải có sự hỗ trợ của khoa nhân chủng học để trong quá trình đối thoại và hội nhập, chúng ta biết nhìn nhận bản chất xã hội sâu xa của nhân loại và cũng nhìn nhận sự tốt lành của kinh nghiệm nhân loại và tiến trình hình thành văn hóa của nhân loại.[27]

Tại sao hội nhập văn hóa tốt nhất được thực hiện trong đối thoại ngôn sứ? Một mặt những người có đức tin cần kính trọng đúng mức đối với văn hóa như là chứa đựng những “hạt giống của Lời.” Mặt khác “người Kitô hữu cần phải nhận ra rằng Tin Mừng sẽ luôn luôn có một thứ lưỡi dao kháng văn hóa đối với văn hóa.”[28] Đối thoại ngôn sứ cũng có thể diễn ra những biểu hiện cá nhân trong môi trường đời sống Tin Mừng tại địa phương cụ thể của văn hóa nhưng trong ý thức toàn thể của giáo hội hoàn vũ. Để có thể diễn tả cụ thể của việc hội nhập của Tin Mừng, trước hết chúng ta xác tín rằng đức tin vào Đức Kitô có khả năng diễn tả vô hạn, nó tạo ra ‘một nơi để cảm thấy như nhà mình.’ Nhưng nó không được tạo ra một nơi mà chúng ta cảm thấy quá thoải mái như nhà của mình đến độ không ai khác có thể đi vào và có thể sống trong đó. Chắc chắn đó không phải là thành trì vĩnh cửu.[29] Như Đức thánh cha Phanxicô đã diễn tả “tôi không thích một giáo hội có cảm giác và luôn muốn ở lại để được an toàn ở trong thành trì giả tạo.” Và ngài mong ước một “lựa chọn truyền giáo có sức biến đổi mọi sự, để những thói quen, những phong cách, thời gian, ngôn ngữ, và tất cả các cơ cấu Hội Thánh trở thành một kênh thích hợp cho việc truyền giáo cho thế giới ngày nay, hơn để tự bảo toàn.”[30] Đây quả thật là một chọn lựa mang tính ngôn sứ.

Con người thời nay đang đối diện với một nền văn hóa ảo, chỉ nhắm đến lợi nhuận mà không màng đến một mối nguy tiềm ẩn là sự suy thoái đạo đức. Trong nền văn hóa toàn cầu và thịnh hành, một loại hình văn hóa hướng con người ưa chuộng bề ngoài và những cái hời hợt và tạm thời; những gì có thật nhường chỗ cho những gì có vẻ bề ngoài. Nền văn hóa này dẫn đến sự suy thoái nhanh chóng của nền văn hóa gốc, cùng với cuộc xâm lăng của những xu hướng đến từ những nền văn hóa khác, có sự phát triển về kinh tế nhưng yếu đi về đạo đức.[31] Trong tâm thế của việc hội nhập và đối thoại này, nhà truyền giáo hay chương trình mục vụ truyền giáo của Giáo hội không thể thỏa hiệp cho một nền văn hóa mì ăn liền, một nền văn hóa phi nhân và phi đạo đức mà đánh đổi một nền văn hóa gốc. Vì thế, tiếng nói ngôn sứ và hành động ngôn sứ phải được gióng lên và cổ võ trong việc hội nhập và đối thoại văn hóa này. Từ một nền văn hóa toàn cầu nhằm mục đích hướng tới phát triển kinh tế và tiêu thụ sẽ tạo ra một nền văn hóa loại trừ mà nạn nhân của nó là người nghèo và người bị loại trừ. Giáo hội sẽ phải làm gì với những người được gọi là “nạn nhân” này?

7. Thăng Tiến Con Người Như Là Một Đối Thoại Ngôn Sứ Bằng Hành Động

Việc dấn thân phục vụ người nghèo, người bị loại trừ và thăng tiến con người được quan tâm nhiều hơn và được thực hiện trong mọi tôn giáo và các tổ chức xã hội dân sự khác trên khắp thế giới. Từ cuối thế kỷ 20 đến nay đã có những bước nhảy vọt trong nhận thức của con người về người nghèo và thăng tiến nhân sinh. Qua nhận thức và đánh giá chung, người ta nhận thấy việc phục vụ người nghèo và người bị bỏ rơi bằng các công việc bác ái từ thiện mà thôi thì chưa giải quyết được gì cho người nghèo; có chăng chỉ là những gói mì tôm tạm thời khi bụng đói, hết gói mì tôm bụng lại tiếp tục đói. Vậy thì chỉ tạo cho người nghèo một thói quen chờ gói mì tôm. Ngày nay cách hiểu về phẩm giá và sự bình đẳng con người cũng được nhận thức sâu sắc hơn trong văn hóa, chính trị, xã hội dân sự hay tôn giáo; từ đó Giáo hội và xã hội đã cùng nhau đánh giá để tìm ra nguyên nhân hệ thống dẫn đến tình trạng nghèo khổ và loại trừ trong hệ thống toàn cầu.

Trước hết, để đồng cảm với người nghèo, Giáo hội tìm cách đồng hành với họ bằng một chọn lựa liên đới để thực hành sứ vụ của mình. Khi ưu tiên chọn lựa người nghèo trong sứ vụ truyền giáo của mình; là chúng ta đang muốn nói đến lòng thương yêu của Thiên Chúa vươn ra mọi dân tộc; chúng ta tạo lập được một ý thức chung là cần phải có một sự ưu tiên và dấn thân cho người nghèo và người bị loại trừ trong một xã hội phân cực và bỏ rơi người nghèo. Lời gọi khẩn thiết của Đức thánh cha Phanxicô kêu mời sự chung tay của con người trong việc hành động cùng người nghèo. “Hãy mở to mắt để nhận ra tình trạng khốn khổ của thế giới, để thấy những vết thương của anh chị em chúng ta đang bị tước mất nhân phẩm, và ý thức rằng chính chúng ta được mời gọi lắng nghe tiếng họ kêu gào xin được cứu giúp. Ước gì bàn tay chúng ta nắm lấy đôi bàn tay họ và kéo họ đến với chúng ta. Ước chi tiếng nói của họ trở thành tiếng nói của chúng ta, và ước chi chúng ta có thể chung tay phá đổ những rào cản của thái độ dửng dưng lãnh đạm.”[32] Nếu không ý thức sự dấn thân chọn lựa này thì Giáo hội sẽ dễ dàng quên hoặc không chịu lắng nghe người nghèo. Họ là những người không phải chỉ ở vùng sâu, vùng xa về mặt không gian, địa lý mà còn là những người ở xa cõi lòng con người, là những người đang ở tận đáy của xã hội, đang chịu nhiều vùi dập, khốn khổ, bất công bởi xã hội, bởi chính đồng bào, đồng loại, thậm chí đồng đạo gây nên.[33]

Quả thế, Giáo hội được kêu gọi tham dự vào sứ vụ của Thiên Chúa để nói với và nói vì người nghèo. Điều mà chúng ta muốn nói với người nghèo là họ đang có một vị Thiên Chúa của công lý sẵn sàng bảo vệ và đứng về phía người nghèo. Tìm về trong lịch sử của Kinh Thánh, chúng ta thấy những kẻ quyền thế đã lợi dụng danh Thiên Chúa cho mục đích bất công của họ, họ cho rằng Thiên Chúa đứng về phía những người có thế lực; nhưng truyền thống ngôn sứ trong tôn giáo Do Thái luôn đứng lên phản đối khuynh hướng này để bảo vệ người nghèo và người bị áp bức. Khi dân tộc Do thái bị đàn áp bên Ai Cập, Thiên Chúa đã dùng “bàn tay mạnh mẽ và cánh tay uy quyền” (Đnl 11,2) để giải thoát dân qua sự dẫn dắt của Môsê; khi dân Do Thái lấy sự giàu có và quyền thế của mình để áp bức dân bản xứ nghèo khó, thì Thiên Chúa đã lên án họ qua tiếng nói răn đe của ngôn sứ Amos (Am 2,6-8); khi dân của Chúa bị lưu đày, Thiên Chúa nói lời an ủi và hy vọng qua các ngôn sứ (Isaia đệ nhị và đệ tam). Đặc biệt trong sứ vụ và cuộc đời của Chúa Giêsu, Người luôn đứng về phía người nghèo và người bị loại trừ để an ủi và giải thoát họ. Tại hội đường Nazaret, Chúa Giêsu tuyên bố sứ vụ của Người là đem Tin Mừng cho người nghèo, loan báo tự do cho người bị giam cầm, đem ánh sáng cho người mù và giải phóng cho tù nhân, đem niềm hy vọng và hồng ân cho một xã hội công bằng và bao dung hơn. (x. Lc 4, 18-19).[34] Từ đó, qua truyền thống Kinh Thánh, chúng ta thấy Thiên Chúa triệt để đứng về phía người nghèo, người bị áp bức, bị loại trừ như là một hành động ngôn sứ và Ngài kêu gọi con người cộng tác để thực hiện công trình giải thoát cho người nghèo.

Từ ý thức việc đồng hành với người nghèo, Giáo hội nhận thức việc truyền giáo không chỉ là giảm bớt tình trạng đau khổ và bị bỏ rơi của con người, nhưng còn phải bao gồm việc loại trừ hẳn gốc rễ của tình trạng ấy. Giáo hội không chỉ dấn thân vào các công cuộc tập thể qua các việc phục vụ từ thiện, mà còn phải tham gia vào việc phát triển con người, thực hành và thiết lập công lý và cuộc đấu tranh giải phóng con người. Chúng ta được kêu gọi để lắng nghe tiếng nói của người nghèo bị bỏ rơi, ủng hộ các mối quan tâm của họ, đóng góp vào các hành động thăng tiến sự phát triển của họ. Vì thế, trong sứ vụ của mình, Giáo hội được kêu gọi để nói với và nói cho những người nghèo và người bị bỏ rơi, giúp họ có khả năng nói bằng tiếng nói của chính họ, và sát cánh với họ trong một chọn lựa về tình liên đới và hành động ngôn sứ.[35] Chọn lựa người nghèo bao gồm một sự phân tích cùng người nghèo về các nguyên nhân gây nên tình trạng nghèo khổ của họ và tạo nên các kế hoạch hành động để loại trừ bớt nguyên nhân tạo ra sự loại trừ. Khi cùng làm việc và đối thoại với người nghèo, Giáo hội cần gây ý thức, giáo dục và tạo điều kiện để họ hành động cho chính họ. Vì sứ vụ của Giáo hội là bước ra để hướng đến người khác, đến tận ngoại vi nhân bản của con người, để mở rộng cánh cửa mà nhìn tận vào trong ánh mắt, trong lắng nghe, để đồng hành với những người đang đứng bên lề đường.[36]

Điều mà Giáo hội lên tiếng nói cho người nghèo đó là tiếng nói của công lý và hành động giải phóng mang tính ngôn sứ trong một thế giới bị thống trị bởi nhiều thế lực của sự dữ nấp bóng dưới các ý thức hệ khác nhau, các chế độ độc tài nhà nước, chủ nghĩa tư bản hay xã hội, ngay cả các tổ chức và kinh tế toàn cầu. Vì thế, cần một sự hiện diện và tham gia vào tiếng nói phản biện hoặc phải “vạch trần” để nói ra tình trạng bất công và góp ý tái xây dựng lại cấu trúc xã hội, khi trình bày những nguyên tắc và giá trị của Tin Mừng. Đặc biệt Giáo hội cần nói lên những định hướng của mình khi quan tâm đến những vấn đề của xã hội và con người trong Học Thuyết Xã Hội của Kitô giáo.[37] Tuy nhiên, để lồng vào những tiếng nói ngôn sứ của Giáo hội, chắc chắn phải cần sử dụng phương cách đối thoại chân thành và sự phê bình một cách chân thật trong tiếng nói và hành động ngôn sứ. Khi chúng ta dấn thân vì người nghèo và với thế giới thì tiếng nói của Thiên Chúa công bằng sẽ được lắng nghe và đón nhận. Nên chú ý rằng, có một nguyên tắc chung khi làm việc dấn thân cho người nghèo là không làm cho họ phụ thuộc hoàn toàn vào chúng ta hay một tổ chức nào, nhưng là giúp họ nói tiếng nói của chính họ, làm việc bằng đôi tay và đứng trên đôi chân của họ và tất nhiên được nói ra và hành động trong nền văn hóa, truyền thống và ngay chính trong tôn giáo của họ.

Tuy nhiên khi thực hiện hành động ngôn sứ để nói vì người nghèo mà không làm trong nguyên tắc đối thoại, chắc chắn chúng ta không thể tránh được những thách đố, vì người nghèo và người bị áp bức là nguồn lợi ích vô tận của những người giàu và thế lực áp bức như Đức Phanxicô đã cảnh báo trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng: “Ngày nay, ở khắp mọi nơi, người ta đòi hỏi một nền an ninh rộng lớn hơn. Nhưng bao lâu còn sự loại trừ và chênh lệch xã hội trong xã hội và giữa con người, thì sẽ không thể nhổ tận gốc bạo lực. Những người nghèo và rất nghèo bị kết án… những hình thức gây hấn và chiến tranh… sẽ bùng nổ.”[38]

Kết Luận

Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức thánh cha Phanxicô cũng đã cho thấy vấn đề người nghèo là một trong hai vấn đề thiết yếu ở thời điểm lịch sử này cùng với vấn đề hòa bình và đối thoại xã hội, chúng quyết định tương lai của nhân loại. Giáo hội đã nhận ra rằng chính nhu cầu lắng nghe tiếng kêu cứu này phát sinh từ hành động giải thoát của ân sủng trong mỗi người chúng ta, và vì thế đây không phải là sứ mạng chỉ dành riêng cho một số ít người. Mọi người cần cộng tác để loại trừ các cơ cấu gây nên đói nghèo, đồng thời cổ võ sự phát triển toàn diện của con người. Hành động đối thoại để tìm ra một sự đồng thuận trong các hoạt động và đời sống con người trong các tôn giáo, đời sống văn hóa hay thăng tiến chung của nhân loại thật cần thiết hơn bao giờ hết.

Trong các hành động đối thoại mang tính ngôn sứ của Giáo hội, có thể nói đối thoại bằng hành động là điều khả thi. Điều có thể làm đó là các đối tác trong chương trình đối thoại (tôn giáo, văn hóa hay con người) tất cả cùng bắt tay nhau trong các hoạt động chung để cổ võ cho công lý, hòa bình, phát triển nhân sinh và sự toàn vẹn của tạo thành. Tuy nhiên, vẫn tôn trọng những khác biệt tôn giáo, văn hóa và phẩm giá con người của nhau, nhưng cùng nhau quan tâm đến vấn đề chung của công bằng, trật tự và ổn định xã hội; cân bằng và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao phẩm giá và quyền lợi chung của người nghèo. Nếu mọi người cùng đối thoại và bắt tay nhau để hợp tác vì lợi ích chung cho con người thì chắc chắn sẽ thành công. Đời sống tôn giáo của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau sẽ làm chứng trong vai trò ngôn sứ trong việc sống niềm tin tôn giáo, đời sống văn hóa và thăng tiến nhân sinh qua các hoạt động của bác ái vì con người.

Giáo hội đồng hành với thế giới và con người, cùng vui mừng và lo âu với con người, vui với người vui, khóc với người khóc (x. GS 1) để tìm ra những lời đáp cho con người và xã hội trong sứ vụ của mình dọc suốt lịch sử truyền giáo và phục vụ của Giáo hội. Để tìm ra một con đường và hướng dẫn con người đi trên con đường được xem là an toàn đó, Giáo hội không thể không dựa trên những gì mà mình kinh nghiệm về Thiên Chúa qua truyền thống Kinh Thánh và kinh nghiệm lịch sử truyền giáo đi qua trong mọi thời đại. Cái mà Giáo hội đang hướng tới để hoàn thiện hơn trong sứ vụ và đời sống của mình là cắm sâu vào kinh nghiệm đối thoại với Thiên Chúa và với con người trong hành động và đời sống của mình mang tính cách ngôn sứ; để hành động và việc làm của Giáo hội trong sứ vụ truyền giáo là một hành động của đức tin vì “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17).

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 117 (tháng 3 & 4 năm 2020)


[1] Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, dòng Truyền Giáo Ngôi Lời (SVD), hiện là Giám đốc Đào tạo của tỉnh dòng, đang phụ trách nhà Học viện Triết của tỉnh dòng tại Sài Gòn, dạy môn Thần học Truyền giáo và Thần học Mục vụ tại các học viện Thần học tại SG.

[2] X. Stephen B. Bevans, SVD và Roger P. Schroeder, SVD, Trung Thành và Thích Nghi: Một Thần Học Truyền Giáo cho hôm nay (bản dịch của Ngô Quang Tuyên, lưu hành nội bộ, 2005), tr. 295- 301.

[3] X. Sdd. tr.295-296.

[4] X. Sđd. tr.307

[5] Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia), số 29.

[6] X. Sđd., số 31.

[7] X. Bevans và Schroeder, Trung Thành và Thích Nghi, tr. 471.

[8] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên Ngôn Dominus Jesus, số 2.

[9] Công đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Truyền Giáo (Ad Gentes), (1965), số 9.

[10] Xem Văn phòng về Người ngoài Kitô Giáo, “the Attitude of the Church Toward the Followers of Other Religions: Reflections and Orientations on Dialogue and Mision,” No. 29.

[11] X. Văn Phòng Đối Thoại Liên Tôn thuộc Bộ Loan Báo Tin Mừng cho Các Dân Tộc, Văn kiện Đối Thoại và Rao Truyền (Dialogue and Proclamation), số 42.

[12] Sđd., số 43.

[13] X. Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu thế (Redemptoris Missio), (1990), số 55.

[14] X. Ecclesia in Asia, số 31.

[15] X. Sđd.

[16] Đức Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), (2013) số 251.

[17] X. Bevans và Schroeder, Trung Thành và Thích Nghi, tr. 472.

[18] Trong phiên họp toàn thể tại Đài Loan năm 1974, FABC đã đem ra định hướng cho sứ vụ truyền giáo tại Á Châu là đối thoại với người nghèo, với các tôn giáo và với các nền văn hóa.

[19] X. Stephen B. Bevans, SVD and Roger P. Schroeder, SVD, Prophetic Dialogue: Reflections on Christian Mission Today (Orbis Books, 2011), 59.

[20] X. Bevans và Schroeder, Trung Thành và Thích Nghi, tr. 477.

[21] X. HĐGH về Đối Thoại Liên Tôn, Văn kiện Đối Thoại và Rao Truyền (DP) số 9 và Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế (RM) số 55.

[22] X. Bevans và Schroeder, Trung Thành và Thích Nghi, tr. 479

[23] Văn kiện Đối Thoại và Rao Truyền (DP) số 45.

[24] Evangelii Gaudium, số 69.

[25] Bevans và Schroeder, Trung Thành và Thích Nghi, tr. 482

[26] X. Ecclesia in Asia, số 21.

[27] X. Bevans và Schroeder, Trung Thành và Thích Nghi, tr. 484

[28] Sđd., tr. 482.

[29] X. Andrew F. Walls, The Missionary Movement in Christian History: Studies in Transmission of Faith (Maryknoll: Orbis Books, 1996), 3-15.

[30] Evangelii Gaudium, số 27.

[31] X. Sđd., số 62.

[32] Đức Phanxicô, Tông Sắc Misericordiae Vultus, số 15.

[33] X. Sđd., số 15.

[34] X. Bevans và Schroeder, Trung Thành và Thích Nghi, tr. 460-461.

[35] X. Sđd., tr. 460.

[36] X. Evangelii Gaudium, số 46.

[37] X. Bevans và Schroeder, Trung Thành và Thích Nghi, tr. 462.

[38] Evangelii Gaudium, số 59.