Cám dỗ

“Nếu ông là Con Thiên Chúa

thì hãy truyền cho hòn đá này hoá thành bánh đi!”

Nhưng Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng,

người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.” (Lc 4, 3-4)

Ghi nhận chú giải

Cả Chúa Giêsu lẫn tên cám dỗ đều trưng dẫn những văn bản Cựu Ước. Như vậy, vấn đề đặt ra là cách giải thích Thánh Kinh: Cựu Ước có nói về Chúa Giêsu hay không? Sách Tin Mừng nói rằng chính trong mối quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu mà Cựu Ước là Lời Thiên Chúa, là mạc khải chân lý cứu độ. Tách Cựu Ước ra khỏi Chúa Giêsu sẽ có nguy cơ bị biến thành dụng cụ của Phản Kitô. Vào thời điểm thánh Luca hay Matthêu viết sách Tin Mừng, đây là điểm nóng đang gây tranh cãi: một bên là cách giải thích Kitô giáo về Môsê và các tiên tri, một bên là cách giải thích cho rằng không có lời hứa nào đã được hoàn thành nơi Chúa Giêsu cả. Do đó, Chúa Giêsu chỉ là kẻ mạo nhận, hoặc kẻ phạm thượng như lời Caipha (Mt 27, 63).

Ở thế kỷ II – III, đây vẫn là cuộc tranh cãi lớn: Marcion và Ngộ đạo thuyết đặt Cựu Ước và Tân Ước ở thế đối nghịch với nhau: đối nghịch Thiên Chúa trong Cựu Ước với Thiên Chúa của Đức Giêsu. Ngay cả trong thế kỷ 20, vấn đề này vẫn là câu hỏi lớn: đâu là ý nghĩa đích thực của Lời Hứa trong Cựu Ước? Dựa vào chủ thuyết mác-xít và những chủ thuyết cứu thế trần tục, Ernst Bloch đưa ra cách giải thích mang tính vô thần về Cựu Ước và cho rằng đó là cách giải thích đúng đắn chủ nghĩa cứu thế của Do thái giáo. Cũng do ảnh hưởng của chủ thuyết mác-xít, thần học giải phóng giới hạn Chúa Giêsu vào Cựu Ước, coi Môsê là nhà giải phóng chính trị và lấy đó làm mẫu mực cho Chúa Giêsu, thay vì lấy Chúa Giêsu Kitô làm chuẩn mực để đọc và giải thích Cựu Ước. Khi đó, không phải thập giá nhưng chính cuộc Xuất hành trong Cựu Ước mới là tâm điểm Thánh Kinh, và Lời hứa của Thiên Chúa bị giới hạn lại trong ý nghĩa và mục đích chính trị, trần thế.

Hiểu như thế, vấn đề được đặt ra trong trình thuật cám dỗ là vấn đề hết sức thời sự và cho thấy gốc rễ của những vấn đề ngày nay.

Tập trung vào cơn cám dỗ thứ nhất

Tên cám dỗ đã giải thích Thánh Kinh ra sao? Hắn đề nghị Chúa Giêsu biến đá thành bánh, như thế nhắc lại phép lạ manna do Môsê thực hiện. Theo truyền thống rabbi, Đấng Mêsia là đấng ban cho con người bánh hằng sống để con người khỏi phải đói, và thiết lập một thế giới thịnh vượng hoàn toàn. Theo cách giải thích đó thì nếu ai thoả mãn cơn đói của con người, đem cơm áo cho mọi người và mãi mãi, thì người đó là Đấng Mêsia. Cơn cám dỗ này sẽ trở lại với Chúa Giêsu sau khi Người làm phép lạ hoá bánh ra nhiều.

Đề nghị của ma quỷ thật hấp dẫn. Đói kém là thảm kịch của nhân loại, vì thế cung cấp cơm áo cho con người đúng là vấn đề trung tâm của ơn cứu độ. Quả thật, Chúa Giêsu ban bánh cho ta, chỉ có điều bằng cách thế hoàn toàn khác cách thế của Satan. Chúa Giêsu trở nên bánh cho ta qua cái chết của ngài như hạt lúa được gieo vào lòng đất. Trong bí tích Thánh Thể, phép lạ hoá bánh ra nhiều được kéo dài đến tận thế. Vậy đâu là sự khác biệt giữa hai bên? Câu trả lời của Chúa Giêsu vén mở sự khác biệt căn bản: “Người ta sống không nguyên bởi bánh nhưng bởi mọi lời Thiên Chúa phán.” Có nghĩa là Lời Thiên Chúa phải chiếm vị trí tối thượng trong việc cứu độ con người. Con người không thể được cứu độ thực sự nếu thiếu vắng chân lý và tình yêu của Thiên Chúa, nếu không thoả mãn được cơn đói chân lý và chữa lành những tật bệnh linh hồn. Chính ở đây, ta khám phá sự lừa bịp của Satan khi nó cố gắng thuyết phục con người rằng: Thiên Chúa là đấng thừa thãi và xa xỉ, không cần thiết trong công cuộc giải phóng con người.

Để đạt mục tiêu này, ma quỷ sử dụng chiến thuật là nói sự thật nhưng chỉ là một phần sự thật. Đúng là con người cần cơm bánh nhưng không chỉ là cơm bánh mà thôi. Thế còn qua câu trả lời của Chúa Giêsu, ta hiểu được là với Satan, chỉ cần cơm bánh là đủ rồi! Dostoievski đã khai triển suy nghĩ này cách tuyệt vời trong câu chuyện về vị đại pháp quan trong tác phẩm Anh Em Nhà Karamazov. Nạn đói cũng như những bất công trong xã hội là sự ác khủng khiếp, thế nhưng chỉ loại trừ những nguyên nhân xã hội dẫn đến sự ác này mà thôi thì chưa tiêu trừ được gốc rễ những đau khổ của con người. Trong thực tế, phát triển kinh tế mà không có phát triển tinh thần chỉ tiêu diệt con người và thế giới.

Chính chúng ta lại chẳng rơi vào cơn cám dỗ này sao khi nghĩ rằng Thiên Chúa không cần thiết cho con người, và sự phát triển kinh tế kỹ thuật cần thiết hơn sự phát triển thiêng liêng? Ta lại chẳng nghĩ rằng những thực tại vật chất cần thiết hơn thực tại thiêng liêng sao? Chúng ta sẽ rơi vào cơn cám dỗ khi Thiên Chúa chỉ chiếm vị trí thứ hai trong đời ta, khi ta yêu thích sự thịnh vượng vật chất hơn sự cao cả và (đòi hỏi) hy sinh của chân lý.

Như thế, mục tiêu lớn nhất trong Mùa Chay, nhất là Mùa Chay trong Năm Thánh 2010, là phải tìm lại vị trí tối thượng của Thiên Chúa trong đời sống đức tin, thực sự nhìn nhận Thiên Chúa là nền tảng hiện hữu, cội nguồn mọi ân phúc và cùng đích tối hậu của đời người.