Các Hội đoàn Công giáo Tiến hành tham gia
vào sứ mạng
Phúc âm hóa tại Việt Nam
Gm. Anphong Nguyễn
Hữu Long
Chủ tịch UB.LBTM / HĐGMVN
WHĐ, 15-05-2020 -
Tất cả chúng ta đều rõ Phúc Âm Hóa là sứ mạng được Chúa Giêsu trao phó cho toàn
thể Giáo Hội (GH), cho mọi Kitô hữu. Sứ mạng này mãi mãi là quan trọng, cấp
bách và không được phép sao lãng, và bản chất của Giáo Hội là ở đây. Ngày nào
Giáo Hội không ưu tư và không ưu tiên cho việc Loan Báo Tin Mừng (LBTM) thì
Giáo Hội không còn là Giáo Hội của Chúa Giêsu nữa!
Trong thời gian
qua, Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
(UBLBTM/HĐGMVN) đã lần lượt tổ chức các cuộc hội thảo với các linh mục trưởng
ban LBTM các giáo phận (2014), Đại hội LBTM toàn quốc lần thứ III (2015), hội
thảo với các hội dòng đời sống thánh hiến (2016), và năm nay hội thảo với các hội
đoàn Công Giáo Tiến Hành (CGTH).
Mục đích cuộc hội
thảo này nhằm trao đổi, học hỏi lẫn nhau, tìm cách đẩy mạnh công cuộc LBTM với
các hội đoàn CGTH. Chúng tôi không có tham vọng tổ chức quy mô, mà chỉ hạn hẹp
với một số hội đoàn trong hai giáo phận mạnh về hội đoàn CGTH là Sài Gòn và
Xuân Lộc. Thiết nghĩ với số tham dự viên hơn 200 vị như thế này cũng đủ để có
thể vạch ra hướng hoạt động trong tương lai. Đối với những hội đoàn không được
mời dự cuộc hội thảo này, chúng tôi xin thông cảm cho chúng tôi và xin cho biết
những hoạt động LBTM và góp ý để bổ túc cho UBLBTM những việc có thể và nên
làm.
Trong bài thuyết
trình này, tôi xin trình bày với Hội nghị một vài vấn đề liên quan đến đề tài của
cuộc hội thảo.
Khi đề cập đến sứ
mạng cao cả và cấp bách này, người ta thường nghĩ đến việc loan báo Tin Mừng
cho những miền xa xăm (ngoại vi) chưa hề biết Chúa, đến việc rửa tội cho người
ngoại để họ gia nhập vào Hội Thánh. Vì thế mà trước đây có những thuật ngữ như
“Truyền giáo”, “Truyền bá Đức Tin”, “Loan
báo Tin Mừng”. Những thuật ngữ này không lột tả đúng hoặc hết ý nghĩa, lại
có thể làm nhiều người dị ứng. Với thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, ta biết đến
hai thuật ngữ khác là “Tái Phúc Âm Hóa”
(Re-Evangelization) và Tân Phúc Âm Hóa (New
Evangelization). Gần đây cha Antôn Nguyễn Mạnh Đồng, Antôn Nguyễn Ngọc Sơn đã
có những bài viết phân tích ý nghĩa của các thuật từ chỉ về sứ mạng này, và đề
nghị với Ủy ban nên sử dụng thuật ngữ “Phúc Âm Hoá” thay cho các thuật ngữ
“truyền giáo”, “loan báo Tin Mừng”, (cũng thế, nên dùng từ “Ủy ban Phúc Âm Hoá”
thay vì “Ủy ban Loan báo Tin Mừng”. Phúc Âm Hóa là để Phúc Âm Chúa Giêsu thấm
nhập suy nghĩ, chi phối hành động và cuộc sống của toàn thể Giáo Hội cũng như mỗi
Kitô hữu, sau đó Phúc Âm Chúa lại ảnh hưởng tốt đẹp đến xã hội và thế giới. Từ
Phúc Âm Hóa gợi lên ý tưởng muối ướp mặn đời, men làm dậy thúng bột, ánh sáng
chiếu tỏa ra chung quanh...
II. Phúc Âm Hóa là quyền và trách nhiệm của mọi
Kitô hữu
Có nhiều tài liệu
của Huấn Quyền về vấn đề này, ở đây tôi chỉ xin trích hai khoản của Bộ Giáo Luật
1983 nói về quyền và trách nhiệm LBTM của mọi tín hữu.
Đ. 211: “Tất cả các tín hữu có nghĩa vụ và quyền lợi
phải làm sao cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa càng ngày càng được truyền tới hết
mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi”.
Đ. 225 §1. Xét vì
các giáo dân, cũng như mọi tín hữu khác, được Thiên Chúa ủy thác làm việc tông
đồ do phép Rửa Tội và phép Thêm Sức, nên
họ có nghĩa vụ tổng quát và có quyền lợi xét như từng cá nhân hoặc kết hợp
thành hiệp hội, phải làm sao để sứ điệp cứu rỗi của Thiên Chúa được mọi người
khắp thế giới biết đến và đón nhận. Nghĩa vụ này lại càng thôi thúc hơn trong
những hoàn cảnh mà chỉ có thể nhờ các giáo dân, người ta mới có thể nghe Phúc
Âm và biết Đức Kitô.
§2. Tùy theo điều
kiện riêng của từng người, các giáo dân cũng có bổn phận riêng phải thấm nhập
và kiện toàn trật tự trần thế với tinh thần Phúc Âm; và như vậy họ làm chứng
cho Đức Kitô đặc biệt khi điều hành các sự việc thế trần cũng như lúc thi hành
các chức vụ trên đời”. Chúng ta sẽ trở lại các khoản giáo luật này trong phần
tiếp theo dưới đây.
Phúc Âm Hóa là bổn
phận chung của mọi tín hữu, dựa trên việc họ lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm
Sức. Bổn phận này không chỉ dành riêng cho những nhà thừa sai, hay linh mục, tu
sĩ, mặc dù đây là nhóm người có tầm quan trọng đặc biệt trong công cuộc Phúc Âm
Hóa (AG, 23-27). Không một Kitô hữu nào được miễn trừ sứ mạng này, mà mỗi người
phải tham gia tùy theo bậc sống, hoàn cảnh, khả năng, điều kiện. Thánh Phaolô
tông đồ dân ngoại đã nói: “Khốn cho tôi nếu
tôi không rao giảng Tin Mừng” (I Cr 9, 16). Chúng ta đừng dừng lại ở khía cạnh
nghĩa vụ, bổn phận, trách nhiệm đối với sứ mạng này, nhưng suy nghĩ tích cực về
vinh dự, tự hào và niềm vui được Chúa giao phó sứ mạng này, cộng tác trong vườn
nho hay cánh đồng của Ngài.
Sứ mạng Phúc Âm
Hóa nhằm ba đối tượng:
1. Những người chưa
biết Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài = người ngoại đạo (Missio ad Gentes);
2. Những người đang
giữ đạo tốt = tín hữu đạo đức (Missio inter Gentes). Họ cần được Phúc Âm Hóa
qua việc chăm sóc mục vụ các mặt, hầu đức tin của họ sâu xa và sống động hơn.
3. Những người hoặc
mất đức tin, hoặc dửng dưng với đức tin, không còn gắn bó với Giáo Hội = người
nguội lạnh, lơ là. Những người này cần được Tân Phúc Âm Hóa hay Tái Phúc Âm Hóa
(cf. RM, 33; EG, 14).
4. Phúc Âm Hóa không
chỉ dành cho người ngoại, nhưng cho cả các Kitô hữu đang giữ đạo và Kitô hữu dửng
dưng với đạo; không chỉ giới hạn trong việc rao giảng Tin Mừng đầu tiên
(kérygma), nhưng bao gồm cả giảng thuyết, giáo lý và thần học; không chỉ nhằm rửa
tội để gia nhập đạo, nhưng còn giúp cho mọi người gặp gỡ Chúa; không chỉ là đem
người ngoại đạo vào Giáo Hội, nhưng còn là đem người trong Giáo Hội ra với thế
giới; không chỉ là quảng bá mà còn là thăng tiến, là làm cho các giá trị Tin Mừng
thấm nhập vào đời sống Kitô hữu, các hoạt động của Giáo Hội và xã hội. Trong ý
hướng ấy, người ta nói đến Phúc Âm Hóa phụng vụ (evangelizing liturgy), giảng lễ
(evangelizing homily), giáo lý (evangelizing catechism), nhân sự và cơ cấu tổ chức của cộng đoàn đức tin
(evangelizing community)...
III. Các hội đoàn và phong trào CGTH tại Việt Nam
hiện nay
Công giáo tiến
hành được hiểu là việc tông đồ giáo dân dưới sự lãnh đạo của hàng giáo phẩm, gồm
các hội đoàn và các tổ chức (nhóm hay giới) hoạt động để thăng tiến xã hội và
làm vinh danh Chúa. Trước năm 1975, các hội đoàn CGTH được tự do sinh hoạt tại
miền Nam Việt Nam, trong khi tại miền Bắc không thể sinh hoạt gì. Sau năm 1975,
các hội đoàn tại miền Nam cũng rơi vào tình trạng bế tắc như miền Bắc. Gần đây,
các hội đoàn CGTH dần dần hồi sinh và hoạt động trở lại ở cả hai miền.
Các hội đoàn CGTH
chia làm hai loại:
1. Chuyên biệt, dành cho một giới tính, hạn tuổi, ngành nghề, môi trường hoạt động
nào đó, như Sinh viên Công giáo, Thanh Sinh Công, Thanh Lao Công, Thanh niên
Thánh nghiệp, Hiệp hội Giáo chức Công giáo, Pax Romana.
2. Không chuyên biệt, chung cho mọi thành phần giáo dân, như Liên
Minh Thánh Tâm, Bác Ái Vinh Sơn, Cursillo, Legio Mariae, Gia Đình Phạt Tạ,
Huynh đoàn Đaminh, Huynh đoàn Phan Sinh Tại Thế.
Theo Niên giám
2016, tại Việt Nam hiện có 24 hội đoàn CGTH hoạt động:
1. Hội đồng Mục vụ
Giáo xứ
2. Thiếu Nhi Thánh
Thể
3. Hùng Tâm Dũng Chí
4. Thanh Sinh Công
5. Hướng Đạo Công
Giáo
6. Giới Trẻ Con Đức
Mẹ
7. Hiệp Hội Thánh Mẫu
(Hiệp Sống)
8. Legio Mariae (Đạo
Binh Đức Mẹ)
9. Các Bà Mẹ Công
giáo
10. Gia đình Phạt tạ
Thánh Tâm Chúa Giêsu
11. Huynh Đoàn Đaminh
(Dòng Ba Đaminh)
12. Phan Sinh Tại Thế
(Dòng Ba Phan Sinh)
13. Dòng Ba Cát Minh
14. Hiệp hội Giáo Dân
Bác Ái
15. Caritas Việt Nam
16. Khôi Bình Việt
Nam
17. Gia Đình Cùng
Theo Chúa
18. Gia Đình Chúa
19. Hiệp hội Bác ái
Quốc tế tại Việt Nam (AIC)
20. Hiệp hội Mến
Thánh giá Tại Thế
21. Ca đoàn Công giáo
22. Phong trào
Cursillo
23. Cộng đoàn Lòng
Chúa Thương Xót
24. Giáo lý viên
Ngoài hội đoàn,
phong trào CGTH còn có các tổ chức theo giới, nhóm, bậc sống, sở thích hoặc nghề
nghiệp:
1. Chương trình
Thăng tiến Hôn nhân
2. Gia đình Phúc
Âm
3. Lòng Chúa Thương
Xót
4. Gia đình Tận Hiến
5. Hội Mân Côi
6. Gia đình Emmanuel
7. Giới Trẻ
8. Giới Gia Trưởng
9. Giới Hiền Mẫu
10. Giới Cao Niên
11. Giới Doanh nhân
Công giáo
12. Giới Y tế Công
giáo
13. Giới Giáo chức
14. Giới Văn nghệ sĩ
Công giáo
15. Nhóm Tác viên Tin
Mừng (Xuân Lộc)
Danh sách trên
đây còn thiếu sót, hoặc vì có hội đoàn mới được thành lập, và chỉ mới hoạt động
trong phạm vi một vài giáo phận. Xin Hội nghị bổ túc cho chúng tôi.
Tất cả các hội
đoàn CGTH, dù chuyên biệt hay không, đều phải quy về mục đích Phúc Âm Hóa, góp
phần vào việc đem Tin Mừng Đức Kitô đến với mọi người, phát triển đời sống vật
chất và tinh thần của người dân trong xã hội.
IV. Nhận định về các hội đoàn CGTH tại Việt Nam
1. Tích cực:
Các hội đoàn CGTH
tại Việt Nam được mọi người đón nhận, đáp ứng nhu cầu đạo đức của giáo dân Việt
Nam, được tổ chức có hệ thống từ cấp giáo họ, giáo xứ đến giáo phận. Niên giám
2016 cho biết số hội viên các hội đoàn CGTH trong cả nước lên đến trên 500.000 người.
Nhiều người tham gia hai ba hội đoàn một lúc.
Sinh hoạt của các
hội đoàn đều đặn, từ việc hội họp đến việc đạo đức, công bằng xã hội, bác ái từ
thiện, giáo dục, văn hoá... Có những hội đoàn sinh hoạt chặt chẽ với mức độ hằng
tuần.
Các hội đoàn CGTH
có vai trò đáng kể là bảo tồn và chấn hưng tinh thần đạo đức. Niên Giám năm
2016 ghi nhận như sau: . trong khi mức sống
vật chất tăng cao, thì đạo đức tinh thần của một bộ phận người dân Việt Nam
đang có nguy cơ bị sút giảm do sự cuốn hút của cuộc sống dễ dãi, hưởng thụ qua
các phim ảnh xấu, sách báo đồi trụy, do tiến trình toàn cầu hóa về kinh tế và về
cả văn hóa... Tình trạng sa sút này biểu lộ qua các tệ nạn xã hội như nghiện ngập,
trộm cắp, mãi dâm, tội phạm hình sự, các án ly hôn, số người phá thai mỗi năm một
tăng cao. Sự góp mặt của các phong trào CGTH thuần tuý đạo đức quả thật là một
nhu cầu cần thiết để giúp cho xã hội Việt Nam ổn định và phát huy những nội lực
quý giá của từng con người”.
Một số hội đoàn
tích cực với hoạt động Phúc Âm Hoá, đem được nhiều người đến với Chúa. Nhờ nhiệt
huyết tông đồ, các hội đoàn này gặp gỡ, đối thoại và dẫn dắt nhiều người đến với
Chúa và Giáo Hội, kể cả những người nguội lạnh, dửng dưng với đức tin nay trở lại
sống đạo.
2. Tiêu cực:
Xem ra các hội
viên CGTH tại Việt Nam dừng lại ở những việc đạo đức như kinh nguyện, dự lễ...,
nhằm thánh hóa bản thân, giữ đạo sốt sắng, để sau khi chết được hưởng tôn nhan
Chúa, mà quên rằng phải tham gia vào sứ mạng Phúc Âm Hoá.
Các hội đoàn CGTH
còn nặng hình thức bên ngoài như đoàn ngũ hóa cho đông đảo, đồng phục lộng lẫy
(màu cờ sắc áo), rước xách long trọng, tiệc tùng linh đình, hoành tráng... Có
khi cạnh tranh ảnh hưởng, công kích, bình phẩm làm mất đức bác ái trong giáo xứ.
- Việc huấn luyện,
đào tạo các hội viên CGTH về ý thức sứ mạng Phúc Âm Hóa còn sơ sài, nếu không
muốn nói là không có. Có người gia nhập hội mà chẳng hiểu rõ linh đạo, đường hướng
hoạt động của hội..., cho nên kết quả của việc Phúc Âm Hóa rất ít, không đáng kể!
Niên giám 2016 cho biết như sau: “Với số
lượng đoàn viên lên đến hơn 500.000 người, đáng lý các tổ chức này phải là những
nguyên tố tích cực trong công cuộc Phúc Âm Hóa ở Việt Nam. Tuy nhiên trong cả
trăm năm qua, tỷ lệ người Công giáo Việt Nam không phát triển được 1% dân số,
điều này chứng tỏ các đoàn viên CGTH chưa tích cực đóng góp cho công cuộc truyền
giáo. Phần trách nhiệm này thuộc về những vị lãnh đạo của các tổ chức và hội
đoàn, nhưng trên hết vẫn là của Hội đồng Giám mục và các Ủy ban trực thuộc, trước
khi nói đến trách nhiệm của từng tín hữu giáo dân hoặc những khó khăn do hoàn cảnh
đất nước gây nên”. Trong cuộc hội thảo này, chúng ta sẽ được nghe Đức Cha
Giuse Đinh Đức Đạo thuyết trình về việc đào tạo tinh thần Phúc Âm Hóa cho các hội
đoàn CGTH tại các Giáo Hội ở Á Châu. Chúng ta cảm phục các Giáo Hội Hàn Quốc, Ấn
Độ, Đài Loan, Nhật Bản. đã nỗ lực nhiều trong việc huấn luyện tông đồ cho giáo
dân. Giáo hội tại Việt Nam phải chuyển mình trong việc huấn luyện giáo dân mới
mong có kết quả trong sứ vụ Phúc Âm Hoá. (bảo thợ đi gặt lúa mà lại không cho họ
cái liềm hoặc cho họ cái liềm cùn thì làm sao gặt được!).
- Từ chỗ ý thức
không đủ, chẳng trách các hội đoàn CGTH dễ lấy những việc phụ làm chính yếu. Điểm
lại những hoạt động của các hội đoàn CGTH giáo phận, giáo hạt., ta thấy ít có kế
hoạch, đường hướng rõ ràng hướng đến việc Phúc Âm Hoá. Một nhận định: “Bước sang giai đoạn Tân Phúc Âm Hóa kể từ
năm 2015 này, chúng ta hy vọng các người có trách nhiệm của CGTH biết liên kết
và cộng tác với nhau cách chặt chẽ hơn, biết đưa vào trong chương trình huấn
luyện đoàn viên các bài học sống động thực tế để thăng tiến con người và cộng đồng
hơn là các sinh hoạt mang tính vui chơi, trình diễn hoặc thuần túy chỉ là những
bài kinh ở nhà thờ, biết tổ chức những hoạt động cụ thể để đem Phúc Âm đến cho
những người nghèo khổ, khuyết tật, mồ côi, bệnh hoạn hay bị gạt ra ngoài lề xã
hội như ĐGH Phanxicô mời gọi trong tông huấn “Niềm vui Phúc Âm”.
- Trong khi thế
giới và xã hội ngày nay chú trọng đến việc liên kết, hoạt động tập thể (liên
doanh, tập đoàn) thì tại Việt Nam, các hội đoàn CGTH vẫn hoạt động riêng lẻ, cá
thể, mạnh ai nấy làm, không kết hợp với nhau. Mỗi hội đoàn CGTH có cơ cấu tổ chức
riêng, hoạt động riêng, không ngồi bàn bạc, trao đổi, khó hoặc không có những
hoạt động chung. Chúng ta xem một nhận xét: “Mỗi tổ chức và hội đoàn Công giáo thực thụ không bao giờ mang hình thức
tranh chấp với các đoàn thể khác trong lòng Giáo Hội hoặc với các tổ chức xã hội
khác. Trái lại, các tham dự viên hay hội viên, đoàn viên, với tư cách là Kitô hữu,
nhờ ân sủng của Chúa và sự cố gắng của bản thân, sẽ sống hết mình để trở thành
men, thành muối, góp phần vào sự phát triển của xã hội và thế giới”.
- Các hội đoàn
CGTH hoạt động mạnh hay yếu, kết quả nhiều hay ít, phần lớn tùy thuộc vào các vị
lãnh đạo trong Giáo Hội, cụ thể là giám mục hay linh mục. Nếu linh mục quản xứ
nhiệt tình chăm sóc, khích lệ, nâng đỡ, đồng hành với các hội đoàn, thì họ sẽ
đem về nhiều kết quả tốt; ngược lại nếu linh mục quản xứ hờ hững, bỏ mặc, thậm
chí ác cảm, không tạo điều kiện cho họ hoạt động thì sẽ không có nhiều kết quả
tốt trong sứ vụ tông đồ.
V. Một số đề nghị hướng về tương lai cho các hội
đoàn CGTH trong tương quan với sứ mạng Phúc Âm Hóa tại Việt Nam
Công đồng Vatican
II đã mở ra một chân trời mới cho sứ mạng Phúc Âm Hoá, đó là đề cao vai trò
giáo dân tham gia vào sứ mạng này. Trong những thế kỷ qua, Giáo Hội đã để mất
nguồn nhân lực rất lớn là giáo dân khi coi nhẹ vai trò của họ trong sứ mạng
Phúc Âm Hoá. Nay, Giáo Hội tại Việt Nam đã ý thức về việc cộng tác của giáo
dân, trong đó có các hội đoàn CGTH, về hình ảnh một Giáo Hội tham gia. Khoản
giáo luật 225 §1 trích dẫn ở đầu bài này nhìn nhận rằng có “những hoàn cảnh mà chỉ có thể nhờ các giáo
dân, người ta mới có thể nghe Phúc Âm và biết Đức Kitô”. Tông huấn Niềm vui
của Tin Mừng nói đến thuật ngữ kép “Môn Đệ - Phúc Âm Hoá”
(disciple-missionnaire). Giáo Hội, qua hàng giáo phẩm và giáo sĩ, cần khuyến
khích giáo dân tham gia tích cực vào sứ mạng này, đồng thời tạo điều kiện để họ
hoạt động.
Tông huấn Niềm
Vui của Tin Mừng cho biết để sứ mạng Phúc Âm Hóa có kết quả, cần phải có những
phẩm chất quan trọng sau đây:
Say mê Chúa Giêsu và say mê con người. Đó cũng là chủ đề sứ điệp ngày Phúc Âm Hóa thế
giới năm 2015. Lòng say mê này đòi hỏi bản thân người Phúc Âm Hóa kết mối thâm
tình với Chúa Giêsu. Khi say mê Chúa rồi, họ sẽ cảm thấy bị thôi thúc giới thiệu
Chúa cho người khác. Bao lâu không có lòng say mê Chúa thì đừng mong nói về
Chúa cho người khác. Phải chăng anh em Tin Lành đã có được niềm say mê này, nên
công cuộc Phúc Âm Hóa của họ có kết quả rất lớn (tại tỉnh Điện Biên, trong cùng
hoàn cảnh khó khăn mà nay có 100.000 tín đồ Tin Lành, còn Công giáo chỉ có khoảng
2.000- 3.000! Tại Lai Châu, trong khi Công giáo có 15 cộng đoàn (giáo họ) thì
Tin Lành có đến 200 điểm nhóm).
Công cuộc Tân
Phúc Âm Hóa đòi hỏi nhiệt huyết mới,
phương pháp mới và cách diễn tả mới cho hợp thời đại. Mỗi hội đoàn CGTH cần
phải hoạt động theo ba lăng kính trên:
Nhiệt huyết mới thật cần, bởi ngày nay, do ảnh hưởng trào lưu duy vật thực hành, lối
sống hưởng thụ vật chất, tính toàn cầu hoá, chủ nghĩa tương đối, nhiều người trở
thành “tín hữu vô thần” theo kiểu nói của ĐGH Phanxicô, đòi hỏi người tín hữu
Phúc Âm Hóa có nhiệt huyết cách mạnh mẽ, đam mê, xác tín mới có thể thuyết phục,
lôi cuốn người khác đến chỗ tin vào Chúa. Có những tín hữu cả đời không dám mở
miệng giới thiệu Chúa cho người khác!
Phương pháp mới và thích hợp với thời đại hôm nay. Với sự tiến bộ chóng mặt của công
nghệ thông tin, mạng lưới internet phủ
khắp toàn cầu, ở đâu và lúc nào, người ta, nhất là giới trẻ, đều có thể lướt net để cập nhật thông tin, nối kết với
người khác bằng các trang web, twitter,
facebook, instagram, email... chúng ta cần vận dụng các tiến bộ khoa học
này để PHÚC ÂM HOÁ. Một phương pháp mới thích hợp là “cộng đoàn cơ bản”, chúng
ta sẽ được nghe cha Công thuộc giáo phận Xuân Lộc trình bày. Rất khuyến khích
các hội đoàn CGTH vận dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin vào hoạt động
Phúc Âm Hóa như là phương pháp mới hợp thời đại.
Cách trình bày mới: Thời đại hôm nay cần cách trình bày mới, hấp dẫn
hơn, để PHÚC ÂM HOÁ, ví dụ “Kể chuyện Chúa Giêsu tại Á Châu” được đề ra tại Hội
nghị Phúc Âm Hóa Á Châu, tổ chức tại Chiang Mai (Thái Lan) năm 2006. Chúng ta
cũng sẽ được học hỏi cách mà nhóm “Tác viên Ba-lô” của giáo phận Xuân Lộc, tổ
chức Yao Phu của giáo phận Kontum (dùng anh em dân tộc rao giảng Phúc Âm cho
người dân tộc) đã dùng để loan báo Tin Mừng; hay những cách thức giới thiệu
Phúc Âm của cha Trương Thành Công tại giáo phận Cần Thơ.
Sứ mạng Phúc Âm
Hóa là sứ mạng chung của mọi người, vậy phải liên kết với nhau trong hành động,
không làm cách tùy tiện, theo sở thích xu hướng riêng. Tài liệu chuẩn bị Thượng
Hội đồng (lineamenta) 2012 về Tân Phúc Âm Hóa cho chúng ta biết “Việc loan truyền đức tin không khi nào là một
công việc cá nhân và biệt lập, nhưng là một biến cố cộng đồng và mang chiều
kích Giáo Hội. Phúc Âm Hóa luôn là hành động của Giáo Hội để cùng một lúc ca tụng
Thiên Chúa và đem đến cho con người niềm vui do “một cảm nghiệm về sự thông hiệp
và tình anh chị em”, là cảm nghiệm duy nhất mạnh mẽ hơn mọi sức mạnh của việc
cô lập trong thế giới”. Vậy, các hội đoàn CGTH hãy liên kết với nhau trong
giáo xứ để cùng hoạt động.
- Vai trò quan trọng
của các linh mục trưởng ban LBTM giáo phận trong việc điều phối hoạt động Phúc
Âm Hóa của các hội đoàn CGTH trong giáo phận, cũng như tổ chức các khóa đào tạo
về sứ mạng Phúc Âm Hóa cho các hội viên hội đoàn CGTH.
- Để Phúc Âm Hoá,
nguyên lời nói không đủ mà phải sống điều mình nói, tức là chứng tá sống động của
người Phúc Âm Hoá. Nếu không sống điều chúng ta rao giảng thì sẽ vô ích, không
lôi cuốn được ai cả. Trong lễ phong chức linh mục, Đức giám mục nhắn nhủ các tiến
chức: “Con hãy tin điều con đọc, dạy điều
con tin, và thi hành điều con dạy”. Cũng như thế đối với người tín hữu hội
đoàn CGTH khi muốn Phúc Âm Hóa người khác.
- Cần hướng dẫn
cho các hội viên kỹ năng Phúc Âm Hóa, bao gồm tâm lý, kỹ thuật, cách ứng xử (đi
thăm lương dân mà nói những lời xúc phạm, khinh thị niềm tin tín ngưỡng của họ).
Thánh Phêrô dạy: “Hãy luôn luôn sẵn sàng
trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời
cách hiền hòa và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ
phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, thì chính họ phải xấu
hổ vì những điều họ vu khống, bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý
của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác” (1 Pr 3, 15- 18).
Dụ ngôn thợ làm vườn nho vào giờ thứ mười một có những lời đối đáp giữa
ông chủ và thợ như sau: “Sao các anh đứng
đây suốt ngày không làm gì hết? Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Ông bảo họ:
“Cả các anh nữa, hãy đi làm vườn nho cho tôi” (Mt 20, 6-7). Đúng vậy, Chúa
mời mọi người vào làm vườn nho cho Ngài, không phân biệt ai, không loại trừ người
nào. Mỗi người và mọi Kitô hữu hãy mạnh dạn bước vào cánh đồng của Chúa. ĐTC
Phanxicô kêu gọi: “Những ai nhờ ân sủng của
Thiên Chúa mà chấp nhận sứ mạng Phúc Âm Hóa, thì được kêu gọi sống sứ mạng này.
Đối với họ, việc rao giảng Đức Kitô trong nhiều vùng ngoại vi của thế giới trở
thành con đường của họ để theo Ngài, một con đường đem lại cho họ sự tưởng thưởng
lớn lao vì những khó khăn và hy sinh họ trải qua”.
Ước mong cuộc hội
thảo này sẽ giúp mỗi hội viên nói riêng và các Hội đoàn CGTH tại Việt Nam nói
chung, ý thức sâu xa và mạnh mẽ hơn về sứ mạng Phúc Âm Hóa là sứ mạng chi phối
sự hiện hữu và hoạt động của mình, để đồng tâm và chung tay thi hành sứ mạng
cao cả này, đem về cho Chúa và Giáo Hội nhiều nhánh lúa trĩu hạt.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN số 104 (Tháng 1 & 2, năm 2018)