BỐN CỘT TRỤ CỦA LINH ĐẠO ĐAMINH
Chuyển ngữ: Dominic Trần
Từ: opcentral.org
WGPBC (7.8.2021) - Đã có nhiều cuốn sách và bài viết bàn về linh đạo Đa Minh. Nhiều đặc điểm được kể ra khi trình bày về đường tu đức Đa Minh, chẳng hạn như bảy đặc điểm theo Bách Khoa Toàn Thư[1], sáu đặc điểm theo tác giả William A. Hinnebusch[2]… Ở đây xin đưa ra bốn cột trụ nổi bật của linh đạo Đa Minh được đa số nhắc tới[3]:
Đời sống học hành
Thánh Đa Minh coi việc học hành là phần chính yếu trong sứ vụ giảng thuyết. Nhờ sự khơi mở của ĐTC Honoriô III, thánh Đa Minh đã gửi các tu sĩ đi học tập tại các trường đại học danh tiếng vào thời đó để có thể rao giảng tại chính các trung tâm học vấn cao cấp đó. Cách tiếp cận này vẫn còn được tiếp tục cho đến ngày nay.
Ưu tiên hàng đầu đối với học vấn Đa Minh là học hiểu Lời Chúa được mạc khải qua Thánh Kinh, Thánh Truyền, thế giới tự nhiên và qua sự mạc khải tròn đầy nhất nơi chính thân mình Chúa Kitô.
Kiến thức được trau dồi phải hướng đến việc phục vụ hữu ích cho phần rỗi của mình và tha nhân. Học hành vì thế được xem như là một công việc thiêng liêng, một hành động thương xót. Học hành để rao giảng chân lý một cách hiệu quả hơn nên cần được thúc đẩy bởi tình yêu đối với Chúa và đối với tha nhân.
Đối với tu sĩ Đa Minh, việc học hành nghiên cứu là công trình của cả đời người. Anh em không ngừng hấp thụ giáo huấn phong phú của Giáo hội và cách riêng sự uyên bác của Thánh Tôma Aquinô. Sự quan tâm của Ngài đối với các tranh luận hữu lý, sự chú tâm của Ngài dành cho các tranh biện và quan điểm khác biệt, sự bám trụ vững chắc của Ngài trong việc tìm kiếm sự hiểu biết nền tảng về Thiên Chúa nơi Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta hiểu biết, tin tưởng và mến mộ. Việc học hành này chỉ tìm thấy được ý nghĩa khi chúng ta biết chia sẻ điều mình học biết được với tha nhân.
Việc học hành đi đôi với cầu nguyện sẽ giúp tâm hồn và trí tuệ liên kết chặt chẽ với nhau. Chúng ta không thể yêu mến điều chúng ta không biết: vô tri bất mộ. Chúng ta trưởng thành hơn khi được nâng đỡ bởi điều chúng ta học biết về quyền năng cao cả, sự đại lượng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Thần học cung cấp dưỡng chất cho việc chiêm niệm, là hoa trái mà chúng ta sẽ thông truyền cho tha nhân qua việc giảng thuyết.
Đời sống cầu nguyện
Các tu sĩ Đa Minh đặt trọng tâm đời sống mình nơi Chúa Giêsu Kitô, Ánh Sáng thật, được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, phản chiểu sự hiện diện chữa lành của Chúa cho thế giới hôm nay. Các tu sĩ Đa Minh nghiền ngẫm Lời Chúa trong các việc cầu nguyện, suy niệm, học hành và rao giảng thường ngày, quen được gọi là Thánh Vụ Giảng Thuyết. Noi gương Mẹ Thiên Chúa, Đấng hằng nghiền ngẫm trong lòng những sự việc liên quan đến Chúa Cứu Thế, đời sống chúng ta cũng được dưỡng nuôi nhờ thấm nhuần Lời Chúa trong Thánh Kinh, trong cử hành Thánh Thể và trong những biến cố thường ngày trong cuộc sống.
Trung thành với giáo huấn của Thánh Phụ Đa Minh, việc cử hành trọng thể Thánh Lễ và Phụng Vụ các giờ kinh đóng vai trò trung tâm trong mỗi ngày sống. Vì thế, nhất là trong cử hành Thánh Thể, ơn cứu độ hiện tại và hiện thực hóa, chúng ta cùng chia sẻ, chiêm ngắm và rao truyền cho tha nhân một mầu nhiệm cao cả, để họ cũng được thông hiệp với Thân Mình Đức Kitô nhờ bí tích đức tin. Còn trong mỗi giờ kinh phụng vụ, chúng ta kêu cầu lên Cha đầy lòng thương xót cho toàn thể Hội thánh cũng như cho những nhu cầu và ơn cứu độ của toàn thể thế giới.
Noi gương các vị Thánh lớn trong Dòng, các tu sĩ Đa Minh cũng được tiếp xúc với Chúa cả trong thế giới chúng ta đang sống cũng như trong thinh lặng chiêm niệm. Thánh Albertô Cả (tk 13), Đấng đã giữ đức tin vững vàng về các chân lý tuyệt đối, đã tiên phong nghiên cứu thế giới tự nhiên cách toàn diện để hiểu biết Thiên Chúa trong tất cả sự khác biệt của Ngài. Sự hiểu biết của Thánh Nhân đã đóng góp vào việc hình thành các khoa học hiện đại, không phải như là thực thể tách biệt khỏi thần học, nhưng hỗ tương và đối thoại với nhau.
Chìm sâu trong chiêm niệm huyền nhiệm, một tu sĩ Đa Minh khác, thánh Catarina thành Siena, đã tâm sự đàm đạo với Chúa Giêsu đậm sâu tới mức Thánh Nữ đã được thúc đẩy và dẫn dắt tới Roma và Avignon để tranh luận và thuyết phục Đức Giáo hoàng.
Dầu rất khác biệt nhau, nhưng cả hai vị đều được tuyên phong là tiến sĩ Hội thánh và là biểu trưng cho những khía cạnh khác quan trọng của đời sống cầu nguyện Đa Minh. Mỗi tu sĩ Đa Minh cần thiết lập sự quân bình giữa chiều kích chiêm niệm và hoạt động. Sự quân bình này cần được không ngừng vun trồng, bởi vì đây không phải là điều chúng ta có thể làm một lần là xong.
Đời sống cộng đoàn
Các tu sĩ Đa Minh sống thành cộng đoàn, không chỉ dưới một mái nhà, nhưng còn là chan hòa tình nghĩa huynh đệ. Khía cạnh cộng đoàn của đời sống Đa Minh hướng tới lý tưởng “một trái tim, một tâm hồn trong Chúa”. Tuyên khấn trong Dòng Thuyết Giáo bao hàm lời tuyên hứa để đặt mọi sự làm của chung. Chúng ta sống chung, cầu nguyện chung, để mọi sự làm của chung, chia sẻ tầm nhìn chung trong sứ vụ giảng thuyết. Thánh Đa Minh mời gọi chúng ta noi gương bắt chước tinh thần nghèo khó tông đồ của Giêsu và Giáo hội sơ khai, để “không còn gì là của riêng” mà luôn sẵn lòng sẻ chia quảng đại hơn những phúc lành cho toàn thế giới.
Qua đời sống tuân theo lời khấn, tu sĩ thực hiện những lời hứa công khai sống theo lý tưởng được Chúa Giêsu kêu mời. Lời khấn khó nghèo mời gọi chúng ta sống cuộc sống giản dị, thanh thoát khỏi ham muốn sở hữu mọi sự. Khi khấn sống khiết tịnh, chúng ta sống thanh thoát trước chuyện dựng vợ gả chồng, để được tự do làm chứng cho tình yêu vô biên của Chúa dành cho mọi người. Lời khấn vâng lời giúp chúng ta phục vụ Giáo hội một cách quảng đại hơn, giải thoát chúng ta khỏi nhu cầu muốn đưa ra quyết định cuối cùng cho những việc chúng ta làm và nơi chúng ta ở. Cuộc sống theo lời khấn như thế luôn tràn đầy hứng khởi, nhưng cũng không thiếu thách đố.
Sứ vụ giảng thuyết
Các tu sĩ phục vụ Giáo hội qua việc rao giảng Danh Thánh Chúa Giêsu Kitô ở bất cứ nơi nào họ được kêu mời đến phục vụ. Đành rằng điều hiển nhiên là Giáo hội cần có một Hội Dòng dấn thân cho việc rao giảng, nhưng việc sáng lập Dòng Thuyết Giáo (Đa Minh) quả thực là một cuộc cách mạng. Việc các nhà giảng thuyết giáo dân đi đó đây giảng dạy vào thời đó (tk 13) thường bị coi là không chính thống và không được Giáo hội chấp thuận. Các tu sĩ “nghiêm chỉnh” thường chỉ ở yên một chỗ, hầu hết là tại các đan viện. Trong khi đó, các tu sĩ Đa Minh lại khám phá ra phong cách noi gương Chúa Kitô và các tông đồ bằng sống đời đơn sơ giản dị và đi khắp đó đây để loan báo Tin Mừng.
Là những nhà giảng thuyết, các tu sĩ Đa Minh chia sẻ nhiệm vụ của các giám mục là những đấng kế vị các thánh tông đồ. Ngay từ đầu, các tu sĩ Đa Minh đã được ĐTC Honoriô III ban quyền giảng dạy khắp nơi.
Sứ vụ giảng dạy mời gọi chúng ta thấm nhuần các mầu nhiệm luôn vượt quá trí hiểu của chúng ta, trình bày các chân lý cao siêu cả đời không thấu. Điều đó thúc bách chúng ta không ngừng cầu nguyện, suy tư và yêu mến. Vì thế, chúng ta phải tìm ra ngôn ngữ xác đáng để diễn tả hầu mưu ích cho tha nhân. Giảng dạy là một ơn gọi cao cả dành cho những ai được Thần Khí Sự Thật nâng đỡ, biết đáp trả lời mời gọi của Tin Mừng để “làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy”.
Nguồn: gpbuichu.org
[1] Năm đặc điểm chung: hướng thần, quy Kitô, đan tu, chiêm niệm và phụng tự; hai đặc điểm riêng: tông đồ và học hành. Cf. Từ điển bách khoa toàn thư Online, https://www.encyclopedia.com/religion/encyclopedias-almanacs-transcripts-and-maps/dominican-spirituality
[2] Chiêm niệm, tông đồ, phụng tự, học hành, huynh đệ, hy sinh. W.A. Hinnebusch, Dominican Spirituality: Principles and Practice, Wipf&Stock, Eugene, Oregon 1965.
[3] X. Dominican Friars – Province of St. Albert The Great, USA, “Four pillars of Dominican Spirituality”