BẾP ĂN TÌNH THƯƠNG: DÌU NHAU QUA KHỐN KHÓ
Bài: Thanh Hoa
Ảnh: Quang Nam
WGPSG (13.05.2021) - Người Sài Gòn không còn xa lạ với những
quán ăn miễn phí, quán ăn 2000 đồng hay những nồi cháo tình thương, những xe
cơm từ thiện ở các bệnh viện. Nhưng có lẽ nhiều người Sài Gòn chưa kịp biết
đến những bếp ăn tình thương của người Công giáo - nơi nương nhờ của nhiều hoàn
cảnh khốn khó.
"Bếp
ăn tình thương"
Người từ tâm thường nhạy cảm với
nỗi khổ của anh chị em xung quanh mình. Người Công giáo từ tâm dường như
càng nhạy cảm với điều đó hơn nữa. Họ quan tâm đến những hoàn cảnh khốn khó
xung quanh, người này nói với người kia, dần dần danh sách những người khốn khổ
được lập ra sau khi đã tìm hiểu kỹ lưỡng. Mối quan tâm ấy được gửi đến những
đấng bản quyền, để rồi bằng tình thương và uy tín của người mục tử - các
Linh mục đã lập ra những bếp ăn tình thương để lo phần ăn cho cùng lúc hàng
trăm con người có hoàn cảnh tội nghiệp.
Bếp ăn của An dưỡng viện Phát
Diệm ra đời từ năm 2010, tặng 300 suất ăn cho những ai cần mỗi tuần 3
ngày. Từ Tết đến nay, bếp chỉ còn đủ sức lo được 250 suất. Và để lo kịp chừng
ấy suất ăn, các chị bếp đã phải chuẩn bị những thứ cần thiết từ ngày hôm trước.
Những người được bếp tặng phần ăn
là tất cả những người khốn khó được biết đến trong phạm vi quận Gò Vấp, không
phân biệt tôn giáo. Phần lớn danh sách nhận cơm là những người già cả, đi lại
khó khăn, nhà bếp đã đưa cơm đến tận nơi tặng họ.
Các chị bếp lên thực đơn cụ thể
và chi tiết để thức ăn và canh rau không bị lặp lại, người ăn không cảm
thấy ngán. Hơn nữa, các chị còn chọn nấu những món dễ ăn cho người già,
người bệnh. Bên cạnh cơm, bếp còn làm cả bánh giò để người già đổi vị và
dễ ăn. Những ngày lễ tết, các chị làm bếp đã tính toán để lo cho họ những bữa
ăn ngon và những phần quà tết tặng kèm theo.
Gặp các chị bếp tại bếp ăn, ngắm
nhìn gương mặt từng người, tôi thấy ánh lên một cảm giác ấm áp.
Hơn mười năm nay, vào các ngày
thứ 3, thứ 5, thứ 7 hàng tuần, cứ đúng 6g sáng là các chị, các mẹ của bếp ăn
tình thương An dưỡng viện Phát Diệm có mặt đông đủ. Nói là đông đủ, nhưng số
người có mặt để làm bếp mỗi ngày chỉ 5-6 người vì không phải ai cũng thu xếp
được việc riêng hay có đủ sức khỏe để tham gia tất cả các buổi nấu. Không ai
bảo ai, mỗi người một việc: nhặt rau, tráng nồi, cắt rửa, tẩm ướp gia vị...
chuẩn bị 300 suất ăn để kịp giờ trao đến tay người cần.
Các chị tất bật nhưng vui vẻ bởi
ai cũng mong có thể đem đến chút ấm áp yêu thương cho những người kém may mắn
hơn mình. Người bình thường nhìn vào hẳn khó mà hiểu được vì sao những con
người này lại sẵn sàng bỏ thời gian quý giá của bản thân, bớt thời gian dành
cho gia đình... để có mặt ở đây theo kiểu "ăn cơm nhà vác tù và hàng
tổng", đâu chỉ có một ngày, một tháng, hay một năm, mà đằng đẵng hơn 10
năm như thế. Khi được hỏi lý do nào để các chị tự nguyện làm việc không lương,
không khoản ưu đãi tại bếp ăn, một chị đã dí dỏm trả lời:
"Làm để mua Nước Thiên Đàng, cô ạ". Các chị cười vui vẻ sau câu trả
lời dễ thương đó. Tuy không nói ra nhưng ai cũng hiểu, các chị vui thích
với công việc này bởi những thôi thúc yêu thương tự bên trong và bởi
muốn làm sáng danh Chúa qua công việc hy sinh này.
Khi hỏi các chị mong mỏi điều gì,
các chị nói rằng “Chỉ cầu xin cho các ân nhân được khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi
để tiếp tục giúp cho bếp ăn, giúp cho người nghèo. Phần chúng tôi, chúng
tôi sẽ phục vụ đến khi cạn sức mới thôi".
Anh Sáu, anh Đạt, anh Tiến là
những người giao cơm của bếp ăn An dưỡng viện.
Các anh chia nhau theo từng khu
vực cho thuận đường để tiện giao thức ăn đến tay người nhận thật nhanh.
Nhờ đó, cơm, bánh đến tay người cần khi vẫn còn nóng hổi.
Ngày trước, anh Sáu cũng là người
trực tiếp phục vụ trong bếp. Khi bếp đủ người làm mà thiếu người giao cơm, anh
lại chủ động gánh phần trách nhiệm đó. "Thấy nhiều hoàn cảnh đáng thương
quá, mình không cầm lòng được, giúp được họ, lòng mình thấy vui lắm! Dù bận bịu
nhiều việc nhưng mình sẽ tiếp tục làm việc này cho đến khi không còn đủ sức làm
nữa mới thôi!"- Anh Sáu tâm sự.
Một bếp ăn khác có quy mô nhỏ hơn
nhưng đỏ lửa suốt sáu ngày trong tuần, đó là bếp ăn thuộc giáo xứ Hoàng Mai.
Mỗi ngày bếp tặng 70 phần ăn cho những người khó khăn trên địa bàn giáo xứ: các
ngày thứ 2, 4, 6, bếp tặng cơm; các ngày 3, 5, 7, bếp tặng cháo buổi sáng.
Những người khốn khổ nhờ những
bếp ăn ấm nồng yêu thương đó mà gần như suốt tuần được no lòng, bớt lo
lắng về miếng ăn vốn không đơn giản với hoàn cảnh của họ, nhất là trong những
ngày dịch bệnh khó khăn này.
Để bếp ăn đỏ lửa, không thể thiếu
những người như chị Lý, chị Xuân, anh Sáu, anh Đạt và các anh chị khác. Nhưng
để bếp ăn được duy trì, phải kể đến những mạnh thường quân giấu tên, giấu mặt.
Thông qua Linh mục quản lý, hàng tháng các ân nhân người ít kẻ nhiều đã
góp tiền, gạo, trứng, thịt... cho bếp. Họ không phải là người giàu, càng không
đợi đến lúc giàu có mới sẵn lòng chia cơm sẻ bánh cho người kém may mắn hơn
mình.
Nói về các ân nhân, chị Lan – một
người có tên trong danh sách được tặng phần ăn của bếp bày tỏ: "Những
người này có tình thương thật lớn lao, gia đình cũng thật sự thấu hiểu, yêu
thương và tạo điều kiện, họ mới có thể làm được việc này. Mỗi ngày, chị đều cầu
xin cho các ân nhân được bình an, có sức khỏe để tiếp tục thương mà giúp đỡ những
người khổ sở”.
Những phận người khốn khổ
của "Bếp ăn tình thương"
Theo xe anh Sáu, một trong ba
người phụ trách việc chở - phát cơm của bếp ăn tình thương An dưỡng viện Phát
Diệm, chúng tôi luồn lách qua những con hẻm ngoằn ngoèo khắp quận Gò Vấp để gặp
gỡ những mảnh đời cơ khổ.
Đều đặn mỗi tuần 3 buổi thứ 3, 5
7, cứ đúng 9 giờ sáng, anh Sáu và các anh Đạt, Tiến lại đến bếp ăn tình thương
để giúp chuyển những phần ăn đầy ân nghĩa đến với người già neo đơn, bệnh tật,
khuyết tật, những người không còn khả năng lao động kiếm sống...
Anh Sáu dẫn chúng tôi đi qua từng
con hẻm, đến từng chỗ ở và tiếp xúc với từng người nhận phần ăn của bếp.
Mỗi người một hoàn cảnh, chẳng ai giống ai, nhưng nỗi thống khổ dường như lại
chẳng khác nhau là mấy:
- Đó là ông Thắng (*) già nua,
đau bệnh, cả ngày ngồi trước thềm nhà chật chội tồi tàn một mình vì mấy
người thân còn lại đã phải rời nhà đi kiếm sống từ sớm. Ngày này qua ngày khác,
ông cứ thế, mỏi mòn: hết ra thềm ngồi lại lê mình vào giường nằm chờ thời gian
chậm chạp trôi qua. Với người già, thời gian dường như trôi rất chậm.
- Đó là chị Lan gần như tàn tật sau hai lần bị tai biến. Chị Lan có hai con, một trai một gái. Con gái chị đã lấy chồng xa, nhưng cuộc sống cũng vô cùng chật vật, chẳng mấy khi về thăm mẹ được. Con trai chị lại lêu lổng, ham chơi. "Thằng con chị nó hư rồi, nó cứ bỏ nhà đi suốt. Nó cứ đi như thế, chẳng nói với chị một lời, cứ ba ngày lại về tấp vào nhà một đống áo quần dơ để bà mẹ liệt nửa người ấy lại phải giặt, phải phơi cho nó". Khi chúng tôi đến, trước căn nhà chỉ mấy mét vuông treo la liệt quần áo mới giặt của cậu con trai. Chị Lan chỉ mớ áo quần và chảy nước mắt kể lể, phân bua. Dường như chị thấy ngại khi bắt gặp ánh mắt của người đối diện. Chị Lan cũng có anh chị em ruột, nhưng không ai ở gần và cuộc sống của họ cũng rất khó khăn nên chị chẳng dám mở lời nhờ vả. Các chị em của chị thỉnh thoảng cũng ghé tới mua cho chị ít gạo, mắm và một ít nhu yếu phẩm để khi cần chị tự nấu nướng lấy. Được tặng phần ăn, chị vui lắm, mừng lắm. Lúc đầu chị ngần ngại, nhưng nghĩ lại thì vẫn phải ăn để sống nên chị đành xin suất ăn của bếp. "Được tặng những phần ăn thế này thường xuyên, chị thấy sướng lắm! Đỡ mệt, đỡ lo".
- Đó là mẹ con bà Tư bán vé số và
nhặt ve chai. Bà Tư 67 tuổi, người gầy gò, run rẩy với nhiều chứng bệnh trong
người. Bà bán vé số dạo kiêm lượm mót ve chai để nuôi người mẹ 85 tuổi đau ốm
triền miên. Hàng ngày, bà Tư bày cái bàn nhỏ với mấy tấm vé số ra trước căn nhà
tối tăm trong con hẻm nhỏ để mẹ già 85 tuổi ngồi bán. Nói là ngồi bán cho có
vẻ, chứ người mẹ già đau yếu của bà gần như dựa vào lưng cái ghế nhựa mà
ngủ ngồi cả ngày. Người trong hẻm có thương, mua vé số ủng hộ thì cũng tự lấy
vé, tự tính tiền, rồi lại gọi bà cụ dậy mà nhét tiền vào tay cho cụ. Những lúc
không ngủ, bà cụ lại ngồi ngẫm đến số phận hẩm hiu của mình và của người con
gái rồi lại bật khóc. Những giọt nước mắt đau khổ trên khuôn mặt già nua của cụ
khiến người chứng kiến không khỏi xót xa!
- Đó là bà Bảy sống cô đơn trong
căn nhà nhỏ cũ kỹ. Bà Bảy đã 87 tuổi, mắt kém lắm, chân tay cũng run rẩy nhiều.
Bà kể: "Bà có người con bên chợ Cầu Đỏ bệnh nặng sắp chết. Mỗi tuần bà qua
thăm con một lần. Hàng xóm cho ve chai, cha xứ cho gạo. Bà có gạo nấu cơm ăn.
Mấy năm nay bà lại được bếp tặng suất ăn từ thiện thường xuyên nên không lo bị
đói”.
- Đó là ông bà Chín già nua đau
khổ trong căn phòng trọ chật chội, tối om. Ông bà đều đã 85 tuổi và mỗi
người chỉ còn một con mắt nhìn thấy được. Hai "con mắt" đó dựa
vào nhau mong đi qua tuổi già nhiều khổ lụy. Tưởng về già sẽ được tựa nương
con, ngờ đâu người con trai duy nhất của ông bà lại mắc căn bệnh ung thư máu
oan nghiệt. Sau một thời gian chạy chữa, khi đã hết sạch tiền và phải bán nhà
thì con trai cũng ra đi, để lại cho ông bà hai đứa cháu gái nhỏ và nỗi đau
không gì bù đắp nổi. Đưa tay quệt những giọt nước mắt rỉ ra từ đôi mắt mờ đục,
bà Chín kể tiếp: "Con dâu đi bước nữa đã mấy năm nay, vừa rồi xin ông bà
đưa theo bé gái nhỏ để phụ mẹ trông em. Còn bé gái lớn năm nay 14 tuổi đã phải
nghỉ học để đi làm, mong có thể nuôi thân và phụ giúp ông bà. Trầy trật mãi,
đứa nhỏ 14 tuổi mới có người thương nhận vào dạy việc và được nhận mức phụ cấp
học việc đủ cho nó trang trải. Còn hai ông bà, tiền trợ cấp người già từ
địa phương không đủ trả tiền trọ, phải nhờ vào những người quen và hàng xóm
thương phụ cho. Bữa ăn của ông bà nhờ cả vào bếp ăn tình thương, nhờ gạo
mắm mà các sơ tặng…
- Đó còn là ông Phương, bà Tình,
bà Thủy, ông Thái và nhiều người khác nữa... Người khuyết tật, kẻ mù lòa, người
nằm liệt giường, kẻ già yếu quá không đi lại nổi, người bị con cái bỏ rơi,
kẻ cố lê thân già đi bán vé số nhưng chẳng được bao. Có gia đình cả nhà đều
khổ: người thì mù, người già cả, người bệnh liệt giường... Gần bốn trăm con
người ấy mỗi ngày, đến giờ lại ngồi chờ đợi phần ăn từ những
"người dưng" giàu tình thương.
Những ngày này, khi đại dịch
Covid 19 đang bùng phát trở lại, người khỏe mạnh còn gặp khó khăn khi kiếm
miếng ăn huống chi là những người già cả neo đơn, bệnh tật...Nhưng họ
lại được tặng phần ăn đầy đủ theo lịch. Đó cũng là chút an ủi cho những
phận đời thiếu may mắn như họ.
Âm thầm, lặng lẽ mà ấm áp yêu
thương là cách mà các nhân viên của "Bếp ăn tình thương" trên đây đã
dành cho những người có hoàn cảnh khốn khó. Tình thương ấy đủ để mọi người
dìu nhau qua những ngày tháng gian nan của kiếp người.
-------
(*) Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi để tôn trọng sự riêng tư của họ.