THIẾU NHI THÁNH THỂ VIỆT NAM

BẢN TỔNG KẾT
HỘI NGHỊ THIẾU NHI THÁNH THỂ TOÀN QUỐC 2022

Thời gian: ngày 26 - 28 tháng 10

Địa điểm: Trung tâm Mục Vụ TGP Sài Gòn

Tổng có 95 tham dự viên, gồm: 38 Tuyên Úy, 4 Trợ Úy, 55 Huynh Trưởng các Liên Đoàn và 35 Huynh Trưởng Liên Đoàn Anrê Phú Yên - TGP. Sài gòn trong các ban phục vụ.

Hội nghị Khai mạc với Giờ Chầu Thánh Thể và được bắt đầu vào 19g00, ngày 26 tháng 10.

Các đề tài được thảo luận như sau:

I. CÁC GIÁO PHẬN CHIA SẺ

1. Những thành quả và sáng kiến mục vụ

Sáng kiến: Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều Liên đoàn có sáng kiến dạy trực tuyến, làm các Video giáo dục Thiếu nhi: mỗi tháng một vị Thánh, những câu truyện sống đức tin và nhân bản... Một số Liên đoàn sử dụng phần mềm để quản trị đoàn sinh. Kinh Thánh được vận dụng vào các phương pháp sinh hoạt vui, thi đua … giúp các em tiếp cận Lời Chúa.

Về huấn giáo: Nhiều Giáo phận trong Sa mạc huấn luyện đã đẩy mạnh tinh thần và nhiệt huyết truyền giáo nơi các Sa mạc sinh. Nhiều nơi Ban Nghiên huấn được mời chia sẻ TNTT tại Chủng Viện, Nhà dòng…, mở sa mạc cho các Trợ Úy. Có Giáo Phận kết hợp TNTT với Giáo lý làm một: Huấn luyện Giáo Lý Viên đồng thời với Huynh Trưởng “Huynh trưởng phải là GLV” (Hải Phòng, Kontum…). Các Khối giáo lý đưa vào các ngành TNTT.

Cầu nguyện: Các Liên đoàn luôn hướng các Huynh Trưởng và các đoàn sinh lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể: Xứ đoàn có giờ Chầu Thánh Thể hàng tuần, … Hiệp thông Bó hoa thiêng cùng Tổng Liên Đoàn cầu nguyện cho đại dịch: chầu thánh thể, lần chuỗi Mân côi…

Bác ái: Huynh trưởng và thiếu nhi đóng góp làm từ thiện: ủng hộ vùng dịch, giúp đỡ những người khó khăn lũ lụt, xây nhà tình thương.

Như vậy, Thiếu nhi Thánh Thể là cánh đồng chăm sóc đức tin rất lớn, là phương thế giúp các em sống đức tin tốt nhất, và cái nôi đào tạo nhân sự cho Giáo xứ sau này: Ơn gọi tu trì, Hội đồng Mục vụ, các ban ngành cốt cán nhiệt thành phục vụ trong Giáo xứ và Giáo phận.

2. Những thuận lợi

Nhiều Giáo phận được Đức Cha động viên, quan tâm, thăm hỏi và hiện diện trong những dịp quan trọng, hỗ trợ tài chính, … Có những Giáo phận, Bề trên còn ra văn thư yêu cầu các cha thành lập Xứ đoàn. Nhiều cha xứ quan tâm, thao thức với thiếu nhi và giới trẻ.

Các Cha Tuyên Úy trong Giáo tỉnh liên kết chặt chẽ, hỗ trợ nâng đỡ nhau. Các Cha Tuyên Úy Liên Đoàn, Hiệp đoàn nhiệt huyết, luôn thao thức và quan tâm đến việc thăng tiến Liên Đoàn, Hiệp đoàn và đến từng Xứ đoàn.

Nhiều Liên đoàn có các Cha dòng, các Trợ tá các dòng tu cộng tác nhiệt thành vào việc huấn luyện.

Nhiều Liên đoàn có Ban điều hành nhiệt tình, có kinh nghiệm và trưởng thành, có tiếng nói trong việc điều hành.

3. Những khó khăn

Nhiều Giáo phận chỉ tổ chức được Sa mạc cấp 1, số Huynh trưởng tham dự cấp 2 và Cấp 3 rất ít. Huấn luyện miễn phí nên chất lượng chưa tốt, các em chưa ý thức, nhiều khi đi cho vui. Giới trẻ đi học và đi làm ăn xa nhiều nên khó cho việc đào tạo và sinh hoạt. Các Giáo Lý Viên lớn tuổi nên khó nắm bắt để huấn luyện làm Huynh trưởng.

Rất nhiều Giáo phận thiếu nhân sự, đặc biệt là những Huynh trưởng có khả năng và tâm huyết. Có nơi mâu thuẫn giữa GLV và Huynh trưởng.

Quan niệm Bề trên và nhiều cha xứ về TNTT chưa thấu đáo nên chưa quan tâm. Nhiều cha sợ khó khi phải dấn thân với thiếu nhi và giới trẻ. Có những nơi đã được thành lập Xứ đoàn nhưng khi cha khác về thiếu nhi bị rời rạc và tan rã. Kinh phí nhiều nơi các cha Tuyên úy phải tự túc, không được sự hỗ trợ của Giáo phận.

Có Giáo phận địa bàn rộng, các Cha xứ không thể quan tâm hết được, nhiều vùng sâu vùng xa nên việc giáo dục và thành lập Xứ đoàn rất khó khăn. Số Xứ đoàn thành lập còn ít so với các giáo xứ, có Xứ đoàn thành lập nhưng hoạt động chưa tốt.

Các Giáo phận miền sơn cước do hoàn cảnh tôn giáo và tín ngưỡng phức tạp, mê tín dị đoan, ảnh hưởng chính sách xã hội…  nên rất khó truyền giáo, nhất là việc tổ chức giáo dục giới trẻ và thiếu nhi.

4. Một số đề nghị

Mong ước Bề trên Giáo phận cùng các cha xứ hiểu và quan tâm TNTT.

Xin các Liên đoàn mạnh quan tâm đến Liên Đoàn mới còn non trẻ.

Cùng là việc giáo dục đức tin cho thế hệ trẻ, nên ước mong Ban Giáo lý và TNTT có tiếng nói và phương pháp huấn giáo chung, để có thể hiệp nhất nên một.

II. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN VÀ THÀNH QUẢ KHI ÁP DỤNG NỘI QUY, QUY CHẾ HUẤN LUYỆN, NGHI THỨC

1. Thuận lợi – Thành quả

Có Nội quy và Quy chế huấn luyện mới làm thủ bản, nên việc huấn luyện và thăng tiến dễ dàng thuận lợi hơn.

Hầu hết các Giáo tỉnh đã tổ chức Sa mạc cấp 2 và Môsê: Các khóa sa mạc giúp SMS liên kết trong các giáo phận, học hỏi và tiếp lửa cho nhau. Khi vào sa mạc không chỉ truyền đạt kiến thức, mà giúp SMS kết hợp với Chúa, sống thân tình với nhau, đào tạo ra những con người yêu nghề, sống chết với sứ mạng …

Theo đường hướng của TNTT huấn luyện các em yêu mến Lời Chúa, tất cả các chương trình: học hỏi, trò chơi, thi đua… đều dựa trên Kinh Thánh giúp các em sống trong bầu khí Kinh Thánh như chia sẻ của 01 Cha Tuyên Úy “sặc mùi Kinh Thánh”, hướng tới sống Lời Chúa và ra đi truyền giáo.

Các Huynh trưởng đa số trẻ nên nhiệt tình, khi áp dụng hàng đội nghiêm tập các em rất nề nếp. Nhiều huynh trưởng lớn tuổi tham gia trước năm 1975 có sẵn nền tảng, kinh nghiệm và tâm huyết, nên khi tham gia rất chắc chắn và nhiệt tình.

2. Khó khăn

Đại dịch làm cho đóng băng mọi hoạt động, cùng với hoàn cảnh mỗi vùng miền khác nhau, nên việc áp dụng nội quy và quy chế còn khó khăn.

Khi áp dụng thủ bản, các Liên đoàn miền bắc đa số mới nên việc thực hành còn chậm. Chưa thống nhất việc thực hành nghiêm tập. Vấn đề Nghiêm tập còn khó khăn và giới hạn, chưa áp dụng triệt để.

Việc liên quan đến thẩm quyền và ủy quyền của Tổng liên đoàn nhiều khi khó khăn và trì trệ hơn. – Nếu ủy quyền tổ chức sa mạc thì nên ủy quyền ký giấy chứng chỉ cho thuận tiện.

3. Phương hướng - Đề xuất

Huấn luyện viên: mong ước quy tụ các HLV đã được huấn luyện trước cập nhật thêm kiến thức mới theo đúng nội quy của Tổng Liên Đoàn. – Giao lưu liên kết các HLV trong miền và toàn quốc để hỗ trợ.

Tài liệu: Hiệu đính lại các tài liệu cập nhật theo đúng Nội quy, Quy chế huấn luyện mới. Các tài liệu chính thức trước khi phát hành gửi cho các Liên đoàn đóng góp ý kiến.

Áp dụng thực hành nghiêm tập rộng rãi, giúp các em trưởng thành, nhanh nhẹn và ý thức hơn.

Khóa sa mạc: Do hoàn cảnh địa lý những giáo tỉnh xa nhau, vì thế thời gian Khóa Môsê nên rút ngắn lại để tạo điều kiện cho các SMS tham gia. Những đề tài về lý thuyết có thể học Online, hoặc gửi trước đề tài bài khóa để SMS tự nhiên cứu trước để khi học đúc kết cho nhanh. Các bài giảng mang tính lý thuyết ít đi, hướng tới thực hành nhiều hơn. Thời gian tổ chức Sa mạc: tốt nhất vào Thứ 6 - Chúa Nhật hay ngày nghỉ lễ.

III. BẦU CỬ BAN ĐIỀU HÀNH TỔNG LIÊN ĐOÀN

Trưởng Ban: Micae Ninh Đức Thành: 69 / 87

Phó đặc trách Quản trị: Giuse Trần Văn Hòa: 64/87

Phó đặc trách Nghiên huấn: Giuse Trần Văn Dũng: 53/86

IV. NỐI KẾT TRỰC TUYẾN

Sự hiện diện của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên tử Thái Lan, Đặc trách Thiếu Nhi Thánh Thể. Ngoài ra còn có sự góp mặt của Quý Cha Tuyên Úy và Quý Trưởng trong Ban Điều Hành TNTT/VN tại Hoa Kỳ, Pháp, Canada…

Qua thông tin chia sẻ của Cha Phanxicô Nguyễn Thanh Bình – Tổng Tuyên Úy TNTT/VN tại Hoa Kỳ và Trưởng Đaminh Hoàng Công Thái Dương – Chủ tịch Ban Chấp Hành Trung Ương TNTT/VN tại Hoa Kỳ, mọi người có thêm một số thông tin về các hoạt động TNTT/VN tại các nước Hoa Kỳ, Úc, Canada, Pháp và Nhật. Tất cả đều nói lên thao thức giáo dục thế hệ trẻ, hướng các em có lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, sống Đức tin và truyền giáo.

Mong ước của Đức Cha Đặc trách là đưa TNTTVN đến với nhiều quốc gia xung quanh: Thái Lan, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc…

V. HƯỚNG ĐẾN 100 NĂM THIẾU NHI THÁNH THỂ VIỆT NAM

Đi theo Bốn Tôn Chỉ của TNTT: Cầu Nguyện – Rước Lễ - Hy Sinh – Làm Tông Đồ. Trong việc mời gọi các em triệt để Sống Ngày Thánh Thể.

1. Giai đoạn 1: CẦU NGUYỆN (2023 - 2024)

2.Giai đoạn 2: RƯỚC LỄ - KẾT HỢP VỚI CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ (2025 - 2026)

3. Giai đoạn 3: ĐỜI SỐNG HY SINH (2027 - 2028)

4. Giai đoạn 4: ĐỜI SỐNG TÔNG ĐỒ (2029)

Như vậy, để hướng tới kỷ niệm 100 năm TNTTVN: lập BTC soạn thảo chương trình nội dung cụ thể, thống nhất và đưa ra tài liệu học hỏi thực hành.

Hội nghị kết thúc lúc 11 giờ, ngày 28 tháng 10 năm 2022 với giờ Chầu Thánh Thể tạ ơn. Trong tình yêu Chúa Giêsu Thánh Thể Người Huynh Trưởng Tối Cao và Mẹ Maria là Nữ Vương của TNTT, các tham dự viên sẵn sàng ra đi làm tông đồ cho Chúa, với niềm hăng say và thao thức của người Huynh trưởng, Trợ Úy và Tuyên Úy TNTT VN.

Làm tại TTMV TGP. Sài Gòn, Ngày 28 tháng 10 năm 2022

T/M Ban Thư Ký Hội Nghị

(đã ký)

Lm. Phêrô Vũ Văn Thìn
Tổng Thư Ký

WHĐ (03.11.2022)