Sáng thứ Sáu, ngày 17.03.2017, Linh mục Raniero Cantalamessa, O.F.M. Cap., giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng, đã có bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay đầu tiên cho Giáo triều Roma năm nay. Bài giảng có chủ đề là “ Làm gì với đức tin vào Chúa Kitô”. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài giảng của ngài:

Linh mục Raniero Cantalamessa, O.F.M. Cap.

Bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho Giáo triều Rôma

Năm 2017 - Bài 2: LÀM GÌ VỚI ĐỨC TIN VÀO CHÚA KITÔ

1. Đức tin của Công đồng Nicêa

Liên hệ về vấn đề, trước hết chúng ta lưu ý đến một hiện tượng trên thế giới. Từ khá lâu, đã xuất hiện một phong trào gọi là phong trào “những người Do thái thiên sai”, tức những người Do thái theo Kitô giáo (từ gốc tiếng do thái Mêsia, thiên sai, mà có những chữ Kitô, Kitô hữu, Kitô giáo). Người ta ước tính (nhưng không đúng) có khoảng 150.000 tín đồ, chia thành nhiều nhóm khác nhau, phát triển mạnh ở Hoa kỳ, Israel và một số nước châu Âu.

Những người Do thái này tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô đã được báo trước, là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa, nhưng nhất quyết không muốn từ bỏ căn tính và truyền thống Do thái của họ. Họ không chính thức tháp nhập vào bất cứ Giáo hội Kitô nào, vì mục tiêu của họ là liên kết lại với Giáo hội sơ khai của các Kitô hữu gốc Do thái, muốn làm cho nó sống lại.

Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Kitô khác không bao giờ cổ võ cho phong trào này, thậm chí không muốn đề cập nó, vì đang đối thoại với Do thái giáo chính thức. Tuy vậy, giờ đây người ta cảm thấy không thể không nói về nó, không thể từ chối nó. Một nhóm thần học gia ở Đức nghiên cứu hiện tượng này. Trong một cuộc điều tra xem do đâu mà những người đó tin Đức Kitô, có 60% những người được hỏi đã trả lời : tiên vàn là nhờ Chúa Thánh Thần biến đổi nội tâm, tiếp đến là do đọc sách Thánh, và cuối cùng do tiếp xúc cá nhân. Như vậy, có thể xác nhận là chính Chúa Thánh Thần giúp cho người ta biết Đức Kitô cách chân thật và sâu xa.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại lịch sử. Bao lâu đức tin Kitô giáo còn gắn chặt với môi trường Kinh thánh và Do thái giáo, thì việc tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa (“Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô..”) làm thỏa mãn mọi đòi hỏi, và biện minh cho việc tôn thờ Đức Giêsu “như là Thiên Chúa”. Nơi Israel, Chúa, Adonai, là một tước hiệu không thể lẫn lộn, là Đấng chỉ thuộc về Thiên Chúa. Vậy gọi Đức Giêsu là Chúa tương đương với việc tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa. Chúng ta có bằng chứng chắc chắn là trong phụng vụ của Giáo hội sơ khai, tước hiệu Chúa được gán cho Đức Kitô. Người ta đã thấy chữ Maran-atha (Chúa đến), Marana-tha (Lạy Chúa, xin hãy đến) như một công thức phụng vụ trong Phaolô (1 Cr 16,22). Đó là một trong những chữ hiếm hoi được duy trì trong ngôn ngữ của cộng đồng Kitô giáo tiên khởi.

Thế nhưng, kể từ khi Kitô giáo tiếp xúc với thế giới Hy La, thì tước hiệu Chúa (Kyrios) không còn đủ nữa. Trong thế giới ngoại giáo, có nhiều chúa khác nhau, mà chúa đầu tiên phải kể đến là hoàng đế Rôma. Bởi vậy, Giáo hội thấy cần phải tìm những cách khác bảo đảm cho đức tin đầy đủ vào Chúa Kitô, và cho việc tôn thờ Ngài. Thì khủng hoảng lạc giáo Ariô giúp cho Giáo hội có cơ hội đó.

Đây cũng là lúc bàn về phần được thêm vào kinh Tin kính thời Công đồng Nicêa năm 325: “sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha”.

Giám mục Alexandria là Athanasiô, chiến sĩ vô địch của đức tin Nicêa, cho biết : không phải ngài, cũng không phải Giáo hội thời ngài, đã khám phá ra thần tính của Đức Kitô. Tất cả công trình của ngài chỉ nhằm chứng minh rằng Giáo hội luôn tin vào thần tính ấy, và những gì được đưa ra mới đây, không phải là chân lý, nhưng là lạc giáo. Xác tín của ngài được củng cố qua lá thư của quan tổng trấn Plinô (cháu) gửi hoàng đế Rôma khoảng năm 111. Trong lá thư này, ông quả quyết là người Kitô hữu, mà ông biết rõ, có thói quen họp nhau trước rạng đông vào một ngày nhất định, và ca ngợi Đức Kitô như ca ngợi một vị thần (carmenque Christo quasi deo dicere).

Như vậy, trước đây các Kitô hữu đã tin vào thần tính của Đức Kitô rồi. Chỉ vì hoàn toàn không biết lịch sử, có người đã khẳng định chính hoàng đế Constantinô đã áp đặt tín điều này cho Công đồng Nicêa. Công lao của các Nghị phụ, nhất là của Athanasiô, là dẹp bỏ được những gì ngăn cản người ta công nhận thần tính của Đức Kitô, trong các cuộc tranh luận thần học.

Một trong những điều cản trở là định nghĩa yếu tính của Thiên Chúa bằng từ agenetos, không được sinh ra. Làm sao có thể tuyên xưng Ngôi Lời là Thiên Chúa thật, nếu Ngài là Con, nghĩa là do Chúa Cha sinh ra? Theo Ariô, được sinh ra tương đương với được tạo thành. Ông đã kết luận bằng câu nói nổi tiếng: “Vậy đã có lúc Ngài không có”. Tất cả vấn đề đều từ câu này. Ariô đã biến Đức Kitô thành một thụ tạo, cho dù không giống với các thụ tạo khác.

Athanasiô giải quyết cuộc tranh luận khi nói: “Hạn từ agenetos do người Hy lạp phát minh ra, vì họ chưa biết Chúa Con”. Ngài hăng hái bảo vệ công thức “được sinh ra mà không phải được tạo thành” (genitus non factus) của Nicêa.

Một yếu tố khác có mầu sắc văn hóa ngăn cản người ta công nhận đầy đủ thần tính của Đức Kitô, và Ariô đã dựa vào yếu tố này để đưa ra quan điểm của mình. Đó là giáo thuyết về một thần tính trung gian (deuteros theos : thần đệ nhị, thần loại hai, thần thứ cấp), được ủy thác nhiệm vụ tạo thành thế giới. Kể từ Platô, rất nhiều hệ thống tôn giáo và triết học thời cổ cũng chủ trương như vậy. Cám dỗ đồng hóa Chúa Con, “nhờ Người mà muôn vật được tạo thành”, với vị thần trung gian này còn kéo dài trong suy tư của Kitô giáo (các nhà Hộ giáo, Origen), cho dù  nó xa lạ với điều Giáo hội đã sống. Hậu quả là một lược đồ ba phần về hữu thể : ở chóp đỉnh là Chúa Cha, không được sinh ra ; vị trí thứ hai là Chúa Con (và sau này cũng là Chúa Thánh Thần) ; vị trí thứ ba là các loài thụ tạo.

Định tín của Nicêa về Chúa Con “được sinh ra mà không phải được tạo thành”, và “đồng bản thể” (homoousios), gạt bỏ được ngăn trở này, đồng thời cũng giúp cho Kitô giáo thoát khỏi quan niệm của người Hy lạp. Chỉ còn một đường phân cách theo chiều dọc của hữu thể. Chỉ còn hai cách hiện hữu : một của tạo hóa và một của thụ tạo. Chúa Con thuộc về cách thứ nhất, chứ không thuộc cách thứ hai.

Để tóm tắt ý tưởng của Nicêa, có thể nói thế này : Trong mỗi giai đoạn và mỗi văn hóa, Đức Kitô phải được công bố là “Thiên Chúa”, không phải theo nghĩa phái sinh hay nghĩa phụ, nhưng theo nghĩa mạnh nhất mà chữ “Thiên Chúa” được hiểu trong giai đoạn và văn hóa đó.

Chúng ta tự hỏi : đâu là động lực thúc đẩy Athanasiô cũng như các nhà thần học khác lao vào cuộc tranh luận này, làm sao các ngài có được sự tự tin và chắc chắn như thế? Động lực không phải do suy tư, nhưng từ cuộc sống; hoặc chính xác hơn, từ suy tư về kinh nghiệm mà Giáo hội, nhờ Chúa Thánh Thần, có được về ơn cứu độ của Đức Kitô.

Luận chứng cứu thế học không xuất hiện trong cuộc tranh luận với phái Ariô. Nó có trong tất cả các cuộc tranh luận Kitô học trước đó, từ chống phái ngộ đạo đến chống phái nhất chí. Công thức cổ điển phát biểu thế này: Cái gì không được đảm nhận, thì không được cứu độ (Quod non est assumptum, non est sanatum). Athanasiô phát biểu thêm : Cái gì không được đảm nhận bởi Thiên Chúa, thì không được cứu độ. Trong câu này, tất cả sức mạnh đều dồn vào những chữ “bởi Thiên Chúa”. Ơn cứu độ đòi hỏi không được để một ai đó làm trung gian gánh trách nhiệm, nhưng phải do chính Thiên Chúa. Athanasiô viết: “Nếu Chúa Con là một thụ tạo, con người sẽ vẫn phải chết, vì Ngài không kết hợp với Thiên Chúa”. Thánh Giám mục này còn viết: “Con người sẽ không được thần hóa, nếu Ngôi Lời trở thành xác phàm không có cùng một bản tính với Chúa Cha”.

Cuối cùng, có một xác định quan trọng cần lưu ý. Thần tính của Đức Kitô không phải là một định đề (postulat) của lý trí thực tiễn (theo Kant, sự hiện hữu của Thiên Chúa là một định đề như thế). Nó là một định đề, nếu người ta khởi đi từ một ý tưởng nào đó về ơn cứu độ, và từ đó kết luận là chỉ thần tính của Đức Kitô mới có thể thực hiện ơn cứu độ này. Nhưng ở đây, người ta khởi đi từ một kinh nghiệm về ơn cứu độ, và chứng minh rằng kinh nghiệm ấy không thể tồn tại, nếu Đức Kitô không phải là Thiên Chúa. Nói khác đi, thần tính của Đức Kitô không dựa trên ơn cứu độ, nhưng ơn cứu độ dựa trên thần tính của Đức Kitô.

2. Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?

Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ cuộc tranh luận trên? Thần tính của Đức Kitô là viên đá góc chống đỡ hai mầu nhiệm lớn của đức tin : mầu nhiệm Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập thể. Cả hai mầu nhiệm này giống như hai cửa cùng mở ra và cùng khép lại. Có những tòa nhà chỉ cần đụng vào chỗ nào đó thì tất cả đều sụp đổ. Tương tự như vậy là tòa nhà đức tin Kitô giáo, với viên đá góc là thần tính của Đức Kitô. Lấy viên đá này đi là mất hết, mà trước tiên là tín điều Ba Ngôi. Là vì, nếu Chúa Con không phải là Thiên Chúa, lấy ai để làm thành Ba Ngôi? Thánh Athanasiô đã minh nhiên cho thấy điều này khi chống lại phái Ariô: “Nếu từ đời đời Ngôi Lời không hiện hữu một trật với Chúa Cha, thì không có Ba Ngôi vĩnh cửu. Tiên vàn chỉ có một ngôi, rồi theo thời gian, nhờ gia tăng số ngôi mà Ba Ngồi hình thành”.

Thánh Augustinô từng nói: “Không khó để tin rằng Đức Giêsu đã chết. Người ngoại giáo và mọi người cũng tin điều đó. Nhưng điều thực sự vĩ đại là tin Ngài đã sống lại. Đức tin của người Kitô hữu là sự Phục sinh của Đức Kitô”. Chúng ta nói như thế về sự chết và sự sống lại, nhưng cũng phải nói như thế về nhân tính và thần tính của Đức Kitô, được biểu lộ qua sự chết và sự sống lại. Ai nấy đều tin Đức Giêsu là “người”. Khác biệt giữa kẻ tin và kẻ không tin là ở chỗ tin hay không tin  Ngài là Thiên Chúa. Đức tin của người Kitô hữu là thần tính của Đức Kitô.

Ở đây, chúng ta cần đặt ra một câu hỏi nghiêm túc : Đức Giêsu có chỗ đứng nào trong xã hội hôm nay, và trong chính đức tin của người Kitô hữu? Có thể nói Ngài vừa có mặt vừa vắng mặt. Đức Giêsu có mặt rất nhiều trong các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong các câu chuyện, phim ảnh và sách báo, các tác giả tha hồ tô vẽ khuôn mặt của Ngài, đôi khi viện cớ có những tài liệu lịch sử mới về Ngài chưa được công bố. Hiện nay, đây là một thứ “mốt”, một thể loại văn chương. Người ta lợi dụng hình ảnh và tên tuổi của Chúa, được phần đông nhân loại biết đến, để tin chắc thu hút được công chúng. Quả là một hình thức ăn bám trong văn chương.

Như vậy ở một mức độ nào đó, có thể nói Đức Giêsu có mặt rất nhiều trong văn hóa hôm nay. Nhưng nếu nhìn tới lãnh vực đức tin, nơi mà lẽ ra Ngài phải có mặt, thì lại vắng mặt, một sự vắng mặt đáng lo ngại. Những người cho mình là tín hữu, ở châu Âu và nhiều nơi khác, thực sự họ tin gì? Nhiều người tin có một Đấng Tối Cao, Đấng Tạo Hóa, có một thế giới bên kia. Nhưng đó là niềm tin của tự nhiên thần giáo (foi déiste), chưa phải là đức tin Kitô giáo. Nhiều cuộc điều tra xã hội học cho thấy thực trạng này, cả trong những nước hay những miền có truyền thống Kitô giáo lâu đời. Trong một thứ tôn giáo như vậy, Đức Giêsu vắng mặt trên thực tế là đúng.

Cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin cũng không đề cập gì về Đức Kitô, vì đối tượng của nó là Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo. Con người lịch sử có tên là Giêsu Nadarét không có chỗ trong đó. Tương tự là cuộc đối thoại với triết học, vì triết học chỉ bận tâm với những khái niệm siêu hình, mà lơ là với những thực tại lịch sử. Đó là chưa kể đối thoại liên tôn, trong đó chỉ bàn về vấn đề hòa bình, môi trường…, không đả động gì đến Đức Giêsu.

Một thoáng nhìn vào Tân ước cũng đủ cho thấy, trong trường hợp này, còn lâu người ta mới hiểu được ý nghĩa nguyên thủy của chữ “tin”. Theo Phaolô, đức tin làm cho tội nhân nên công chính, ban cho ta Chúa Thánh Thần (x. Gl 3,2). Nói khác đi, đức tin cứu thoát là tin vào Đức Giêsu Kitô, trong mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Ngài.

Trong cuộc đời trần gian của Đức Giêsu, “tin” có nghĩa là tin vào Ngài. Khi Chúa nói “lòng tin của ngươi đã cứu ngươi”, hoặc khi khiển trách các môn đệ “thiếu lòng tin”, Chúa không nói về một lòng tin chung chung vào Thiên Chúa, một điều hiển nhiên đối với người Do thái. Như vậy là đủ để loại bỏ chủ trương niềm tin vào  Đức Giêsu Kitô chỉ bắt đầu với sự kiện Phục sinh, còn trước đó chỉ có “Đức Giêsu của lịch sử”. Đức Giêsu lịch sử đã là Đấng đòi người ta phải tin vào Ngài. Và nếu các môn đệ đi theo Ngài, thì chính là vì họ đã có một đức tin nào đó vào Ngài, cho dù đức tin này còn rất bất toàn, trước khi Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày lễ Ngũ tuần.

Thế nên, câu hỏi Chúa đặt ra cho các môn đệ, khi các ông thuật lại điều người ta nói về Ngài, cũng phải là câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Hơn nữa, Chúa còn muốn hỏi đích danh từng người : Ngươi có tin không? Tin thật không? Tin hết lòng không? Vì, như thánh Phaolô nói, “Có tin thật trong lòng mới được nên công chính” (Rm 10,10). Còn thánh Augustinô thì bảo: “Đức tin vọt lên tự đáy lòng”.

Ngày xưa, bước thứ hai của tiến trình tin, tức tuyên xưng một đức tin chân thật, chính thuyết, đôi khi quan trọng đến nỗi người ta bỏ quên bước đầu của tiến trình, quan trọng hơn, xẩy ra trong tận thâm tâm. Hầu như tất cả các khảo luận thời cổ “Về đức tin” (De fide) đều chú ý đến những gì phải tin, chứ không phải sự kiện tin.

3. Ai là người chiến thắng thế gian?

Chúng ta phải mạnh dạn tái tạo những điều kiện cho đức tin vào thần tính của Đức Kitô, tái tạo đà tiến của đức tin, là đà tiến đã tạo nên công thức đức tin. Trước đây, Giáo hội đã có lần nỗ lực tối đa, giúp Giáo hội vượt lên trên mọi hệ thống do con người đặt ra, và vượt thắng mọi chống đối của lý trí. Thủy triều đã có lần lên tới mức cao nhất, để lại dấu vết trên đá. Dấu vết này chính là định tín của Nicêa, được chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Nhưng dấu vết này không đủ. Phải tái tạo mức cao nhất của thủy triều. Lặp lại trên môi miệng Kinh Tin Kính cũng không đủ. Phải tái tạo đà tiến của đức tin. Đà tiến này đã xẩy ra, liên hệ đến thần tính của Đức Kitô, và chưa bao giờ lại có được như vậy trong suốt dòng lịch sử.

Giáo hội cần đà tiến trên đây, tiên vàn nhằm giúp cho công cuộc Phúc âm hóa mới. Thánh Gioan viết: “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phỉ là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa?” (1 Ga 5,5). Phải hiểu cho đúng “thắng được thế gian” nghĩa là gì. Nó không có nghĩa là có được nhiều thành công hơn, thống trị trên mặt trận chính trị hay văn hóa. Nếu như vậy thì không phải là chiến thắng thế gian, nhưng là để thế gian chiến thắng mình. Đáng buồn là không hiếm trường hợp chúng ta rơi vào tình trạng hàm hồ này mà không biết. Cho dù không dùng những tiêu chuẩn hiện tại để phê phán quá khứ, nhưng thử nghĩ đến những lý thuyết về hai thanh gươm (cánh tay Thiên Chúa và cánh tay thế trần), về những vương quốc của Giáo hoàng. Chiến thắng đâu không thấy mà chỉ thấy những thiệt hại to lớn. Chúa đã từng nói trước cho các môn đệ về điều đó: “Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng” (Ga 16,20).

Cho nên phải loại trừ mọi hình thức đắc thắng, hãnh tiến (triomphalisme). Chiến thắng nói đây có bản chất khác hẳn : chiến thắng những gì mà chính thế gian cũng ghét và không chấp nhận, như sự ác, sự chết, sự lỗi thời.. Quả thực, đó là nghĩa tiêu cực của chữ “thế gian” (kosmos) trong Phúc âm. Và chính theo nghĩa này mà Đức Giêsu đã nói: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

Đức Giêsu đã thắng thế gian như thế nào? Chắc chắn không phải là đè bẹp kẻ thù bằng “cơ binh các thiên thần”, nhưng, như thánh Phaolô nói, “bằng cách tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16), tức là tất cả những gì làm chia cách con người với Thiên Chúa, người này với người kia, dân này với dân nọ. Để không ai còn nghi ngờ bản chất của sự chiến thắng này, Chúa đã thắng bằng chiến thắng của thập giá.

Chúa nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Thánh sử Gioan cũng tuyên bố rõ: “Nơi Người là sự sống…và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,4). Ánh sáng và sự sống, Phos và Zoè, hai từ Hy lạp có cùng một mẫu tự omega ở giữa, và thường viết đan chéo nhau, một viết theo chiều dọc, một theo chiều ngang, tạo thành một chữ kết hay hoa tự (monogramme) rất phổ biến về Đức Kitô.

Ánh sáng và sự sống, phỏng ai còn muốn gì hơn hai yếu tố đó? Khi sắp qua đời, thi sĩ Goethe đã lẩm bẩm: “Ước gì có thêm ánh sáng”. Có lẽ ông muốn có thêm ánh sáng tự nhiên trong phòng mình, nhưng người đời sau còn muốn gán – và gán đúng – cho câu trên một ý nghĩa ẩn dụ và thiêng liêng. Sau nhiều trải nghiệm tôn giáo, một người trở lại với đức tin công giáo đã viết một cuốn sách kể lại hành trình đức tin của mình, nhan đề “Người ăn xin ánh sáng”. Theo ông, thời điểm quan trọng nhất là lúc ông đang suy niệm thì chợt nghe thấy lời Chúa vang lên trong trí: “Thầy là con đường, sự thật và sự sống”.

Giống như tông đồ Phaolô đã nói cho dân Athêna xưa, chúng ta được mời gọi nói cho thế giới hôm nay biết rằng: “Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị…Thực sự Đấng ấy không ở xa chúng ta” (Cv 17,23.27).

Nhà vật lý học lừng danh Archimède, người phát minh ra đòn bẩy, đã tuyên bố: “Cứ cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng trái đất lên”. Ai tin vào thần tính của Đức Kitô, là người tìm thấy điểm tựa. “Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7,25).

4. Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy

Bài suy niệm giúp ích không những cho việc truyền giáo, mà còn cho đời sống cá nhân của ta.

Trong vở kịch “Người cha nhục nhã” của nhà văn và nhà thơ Pháp Paul Claudel, có một hồi rất gợi ý. Một thiếu nữ Do thái, rất đẹp nhưng lại mù, đi dạo trong vườn với người cháu của Đức Giáo hoàng, đồng thời cũng là người yêu cô. Cô thủ thỉ với anh: Anh nói là anh thấy, vậy anh đã làm gì với ánh sáng? Anh nói là anh sống, vậy anh đã làm gì với sự sống?

Những lời trên đây thật thú vị, khiến chúng ta không thể không nghĩ tới điều này : chúng ta nhận mình là tín hữu, vậy chúng ta đã làm gì với đức tin của chúng ta, đức tin vào Chúa Kitô? Hoặc một cách cụ thể và cá nhân hơn: tôi làm gì với đức tin của tôi vào Chúa Kitô?

Có lần Chúa nói với các môn đệ: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy” (Lc 10,23). Chúa còn nói như vậy trong những dịp khác nhau, để giúp các ông tự mình khám phá ra chân tính của Ngài, khi Ngài không thể mạc khải trực tiếp điều đó, vì các ông chưa sẵn sàng để đón nhận.

Chúng ta biết lời Chúa nói “sẽ chẳng qua đi” (Mt 24,35). Đó là những lời hằng sống, nói cho bất cứ ai, ở bất cứ thời nào và nơi nào, biết lấy lòng tin mà lắng nghe. Vậy chính Ngài đang nói với ta ở đây và lúc này: “Phúc thay mắt được thấy điều ngươi thấy”. Nếu chưa bao giờ suy nghĩ nghiêm túc về sự may mắn đang có, là tin vào Đức Kitô, thì có lẽ đây là cơ hội làm điều đó. Sao lại là phúc, khi mà ở nhiều nơi cuộc sống của những người tin Chúa bị đe dọa? Chúa trả lời như sau : Vì anh em được thấy; vì anh em biết ý nghĩa của sự sống và sự chết; vì Nước Thiên Chúa thuộc về anh em, không theo nghĩa “thuộc về anh em và thuộc về ai khác”, nhưng là thuộc về anh em, theo nghĩa anh em đã dự phần vào đó, là những người đầu tiên được thưởng thức nó. Anh em đã có được Thầy.

Lời đẹp đẽ nhất mà hai vợ chồng có thể nói với nhau : Anh (em) đã làm cho em (anh) được hạnh phúc. Chúa Giêsu xứng đáng được hiền thê là Giáo hội nói với Ngài như thế tự đáy lòng. Mỗi người chúng ta cũng hãy nói với Chúa: Chúa đã làm cho con được hạnh phúc. Và nói ngay hôm nay kẻo quên!

LM Micae Trần Đình Quảng
Chuyển ngữ từ: cantalamessa.org (17.03.2017)
Nguồn: simonhoadalat.com




1.Ulrich Laepple, ed., Messianische Juden: Eine Provokation (Göttingen: Vandenhoeck & Ruprecht, 2016).

2.Ibid., p. 34.

3.Pliny the Younger, “Letter to Trajan about the Christians,” The Letters of the Younger Pliny, 10, 96, trans. Betty Radice (New York: Penguin, 1963), p. 294. See also Enchiridion fontium historiae ecclesiasticae antiquae, ed. Conradus Kirch, 9th ed. (Barcelona: Herder, 1965), p. 23.

4.Athanasius, “Defense of the Nicene Definition” (De decretis Nicenae synodi), 7, 31, in St. Athanasius: Select Work and Letters, series 2, vol. 4, Nicene and Post-Nicene Fathers, eds. Philip Schaff and Henry Wace (New York: The Christian Literature Co., 1882), p. 384.

5.See Gregory of Nazianzen, “Letter to Cledonius,” Select Letters of Saint Gregory Nanzianzen (London: Aeterna Press, 2016), p. 5; see also PG 37, 181.

6.Athanasius, Against the Arians, 2, 69, in St. Athanasius: Selected Works and Letters, p. 700.

7.Ibid., 2, 70, p. 701.

8.Immanuel Kant, Critique of Practical Reason (New York: Classical Books International, 2010), chapters 3 and 6.

9.Athanasius, Against the Arians, 1, 18, p. 34; see also PG 26, 48.

10.Augustine, Expositions of the Psalms 99-120, “Psalm 120,” 6, vol. 3/19, trans. Mario Boulding, ed. Boniface Ramsey, The Works of Saint Augustine, ed. John Rotelle (Hyde Park, NY: New City Press, 2003), p. 514; see CCL 40, p. 1791.

11.St Augustine, Tractates on John, 26, 2, vol. 7, Nicene and Post-Nicene Fathers, ed. Philp Schaff (New York: Cosimo, 2007), p. 168; see also PL 35, p. 1607.

12.The “two swords” or “two powers” theory was a medieval approach by Pope Gelasius on the relationship between the Church and the empire and the pope’s spiritual authority over kings and other rulers. “The triple reign” or the “triple crown” theory means, in some interpretations, that the pope is a universal pastor, a universal judge, and a temporal power.

13.Johann Wolfgang von Goethe, “Mehr licht!,” quoted in The Medico-chirurgical Review and Journal of Medical Science, 24 (1834): 501.

14.See Masterbee, Mendicante di luce: Dal Tibet al Gange e oltre (Cinisello Balsamo: San Paolo, 2006), pp. 223ff.

15.See Paul Claudel, The Humiliated Father, Act 1, sc. 3, in Three Plays (Boston: Luce, 1945).