NĂM 2004: “VICTOR QUI VICTIMA – CHIẾN THẮNG VÌ LÀ TẾ VẬT”

Đây là bài giảng của Đức Hồng y Raniero Cantalamessa OFM Cap, giảng thuyết Phủ Giáo Hoàng, vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2004 với sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng và Giáo triều Roma. Mở đầu bài giảng, ngài nói:

Chúng ta sắp suy niệm bài ca thứ tư về người Tôi Trung của Thiên Chúa (Is 52,13-53,12), dưới ánh sáng của bản văn Tin Mừng về cuộc Khổ Nạn theo Thánh Gioan. Đoạn văn mở đầu bằng lời tự ngôn của Thiên Chúa; tiếp theo là lời độc thoại của một đám đông, giống như dàn hợp xướng trong một bi kịch Hy lạp, suy niệm về các sự kiện và đưa ra kết luận riêng của mình; kết thúc bằng cách trở lại với lời Thiên Chúa đưa ra phán quyết cuối cùng.

Biến cố là như vậy đến độ người ta chỉ có thể hiểu rõ về nó nếu bắt đầu từ câu cuối; vì vậy Thiên Chúa cho biết trước kết cục ngay từ đầu trình thuật: “Người Tôi Trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng.” Người ta đến với một chuyện gì đó mới lạ, với những dân tộc đang sững sờ, với các vua chúa đang câm miệng: chân trời mở rộng đến một sự tuyệt đối và phổ quát mà không có câu chuyện lịch sử nào, ngay cả câu chuyện Phúc Âm, có thể tập hợp, vì được xác định trong thời gian và không gian. Chính sức mạnh của lời tiên tri làm cho nó trở nên quý giá và cần thiết đối với chúng ta, ngay cả sau khi chúng ta đã thấy nó được hoàn tất.

***

Đám đông lên tiếng. Trước hết, như để bào chữa cho sự mù quáng của mình, họ giải thích vì sao không thể nhận ra người Tôi Trung. Người “chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong, đáng cho chúng ta ngắm nhìn”. Làm sao chúng ta có thể nhận ra “bàn tay của Thiên Chúa” trong những gì chúng ta thấy? “Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.” (Is 52,3)

Nhưng rồi đây là suy tư, là “mạc khải”, là hành vi tin trong “tình trạng phát sinh” của nó: “Chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, người đã bị sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” (Is 52,4-5)

Để hiểu điều gì đã xẩy ra cho đám đông vào lúc đó, chúng ta hãy nghĩ lại về những gì đã xẩy ra khi lời tiên tri thành hiện thực. Trong một thời gian ngắn, sau cái chết của Đức Kitô, điều chắc chắn duy nhất liên quan đến Ngài là Ngài đã chết và chết trên thập giá; là Ngài đã bị "Thiên Chúa nguyền rủa" theo những gì đã được viết trong sách Luật: “Đáng bị Thiên Chúa nguyền rủa người bị treo trên cây gỗ” (Đnl 21,23; Gl 3,13). Tiếp đến là Chúa Thánh Thần, Đấng “cho thế gian thấy về tội lỗi” và rồi đức tin vượt qua của Giáo Hội nẩy nở: “Đức Kitô đã bị trao nộp vì tội ta” (x. Rm 4,25); “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá.” (1Pr 2,24)

Không ai có thể ở bên cạnh Đức Giêsu; Ngài ở một bên còn bên kia là tất cả những người khác. “Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta.” (Is 53,6)

Nhà tiên tri đặt mình vào trong số “chúng ta”. Chúng ta không thể nghĩ ông nói về mình hay về một nhân vật nào đó trong quá khứ, mà không làm cho cả bài ca trở thành những lời phóng đại đạo đức. Và làm sao tin được rằng người Tôi Trung biểu thị cho một tập thể hoặc tất cả một dân, nếu chính vì tội lỗi của dân “mình” mà Ngài bị đánh phạt tới chết (x. Is 53,8)? Thánh Tông Đồ sẽ quét sạch mọi nghi ngờ về điểm này: “Mọi người, Do Thái cũng như Hy Lạp, đều bị tội lỗi thống trị […] không có khác biệt: mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa.” (Rm 3,9.22-23

***

Lời Chúa nói tiếp: “Nhờ nỗi thống khổ của minh, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.” (Is 53,11)

Điều gây ngạc nhiên nhất trong tất cả bài ca không phải là người Tôi Trung ở đó giống như một con chiên hiền lành, đòi Thiên Chúa thực hiện công lý hay trả thù, như Gióp, Giêrêmia và những vịnh gia khác, trong những hoàn cảnh tương tự. Điều mới lạ to lớn nhất là Thiên Chúa thậm chí không có ý định trả thù cho người Tôi Trung cũng không trả lại công lý cho ông. Đúng hơn, công lý Ngài làm cho người Tôi Trung không ở chỗ trừng phạt những kẻ bách hại ông, nhưng là cứu họ, làm cho họ nên công chính!

Đó là những gì tông đồ Phaolô thấy được thực hiện nơi Đức Kitô và ngài tuyên bố cách đắc thắng trong thư gửi tín hữu Rôma: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu: Thiên Chúa đã đặt Người làm hy tế xá tội.” (Rm 3,23-25)

Điều "chưa từng nghe thấy" cho đến nay vừa mới xảy ra. Những đám đông kinh ngạc và hoán cải, những vua chúa vẫn câm miệng (x. Rm 3,19): điều đó đã qua hai mươi thế kỷ, và còn kéo dài trước mắt mọi người. Hàng tỷ người đã nói về Đức Kitô, không chút do dự; và chính tôi nhắc lại ngày hôm nay: "Ngài là sự cứu rỗi của tôi! Nhờ những vết thương của Ngài, tôi đã được chữa lành!"

Đúng là vẫn còn một bóng tối trong hành động của Thiên Chúa đối với người Tôi Trung của mình: “Đức Chúa dã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ.” (Is 53.10) Chúng ta rùng mình sợ hãi khi nghĩ về một Thiên Chúa "muốn" làm cho Con mình phải khổ và, nói chung, bất kỳ sinh vật nào. Nhưng chúng ta có thể tự hỏi liệu Ngài có thực sự "muốn" không và chính xác Ngài "muốn" điều gì? Dĩ nhiên không phải là phương tiện, nhưng là mục đích! Không phải sự đau khổ của người Tôi Trung, nhưng là ơn cứu rỗi của muôn muôn người. Thánh Bênađô giải thích: “Non mors placuit sed voluntas sponte morientis.[1]”; không phải cái chết làm hài lòng, nhưng là ý muốn sẵn sàng chết.

Điều thực sự làm hài lòng Thiên Chúa, điều người Tôi Trung đã hoàn tất với niềm vui lớn lao chính là: “Ta sẽ ban cho người muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, người sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân, nhưng thật ra, người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi.” (Is 53,12)

***

Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, được Đệ nhị Isaia mô tả trên bình diện tiên tri và được Phúc Âm mô tả trên bình diện lịch sử, mang lại một sứ điệp đặc biệt cho thời đại chúng ta đang sống. Sứ điệp này là: nói không với bạo lực. Người Tôi Trung đã không có bất kỳ hành động tàn bạo nào; ngược lại, mọi bạo lực trên thế giới đều đổ dồn vào ông: bị đánh, bị đâm, bị ngược đãi, bị đòn vọt, bị kết án và cuối cùng bị ném vào một ngôi mộ tập thể (“ông bị chôn cất giữa bọn ác ôn”). Trong tất cả những điều đó, ông không mở miệng kêu ca, xử sự như con chiên bị đem đi làm thịt, ông không đe dọa ai, đã hiến thân làm lễ vật đền tội và cầu bầu cho những ai giết mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23.33) (Chính như thế mà chúng ta biết rằng những người đóng đinh Đức Kitô đã được cứu và được ở với Ngài trên Thiên đàng, ít nhất là những người đã thực sự hành động mà không biết, vì rõ ràng là Chúa Cha, Đấng đã luôn lắng nghe Ngài, không thể không đáp lại lời cầu xin cuối cùng của Ngài!) Chính như thế mà Đức Kitô đã chiến thắng bạo lực. Ngài chiến thắng không phải bằng bạo lực lớn hơn, nhưng bằng cách chịu đựng nó, cho thấy thất cả sự bất công và hão huyền của nó. Qua đó Ngài đã khai mào một hình thức chiến thắng mới mà thánh Augustinô gói gọn trong ba từ: “Victor quia victima – Ngài chiến thắng vì là tế vật[2]”.

Vấn đề bạo lực tấn công chúng ta, gây tai tiếng cho chúng ta, đặc biệt ngày nay khi nó phát minh ra những hình thức tàn ác và ngu ngốc mới mẻ đáng sợ và đã xâm chiếm chính những lãnh vực phải là phương dược chống lại bạo lực: thể thao, nghệ thuật, tình yêu. Người Kitô hữu chúng ta phản ứng kinh hoàng khi nghĩ rằng chúng ta có thể dùng bạo lực và giết chết nhân danh Thiên Chúa. Một số người có thể nêu vấn nạn: không phải chính Kinh Thánh chứa đầy những câu chuyện về bạo lực đó sao? Thiên Chúa không được gọi là: “Thiên Chúa các đạo binh” đó sao? Không phải Ngài ra lệnh hủy diệt toàn bộ những thành phố sao? Không phải trong Luật Môsê Ngài luôn quy định nhiều trường hợp án tử hình sao?

Nếu người ta nêu ra vấn nạn tương tự với Đức Giêsu trong cuộc đời của Ngài, chắc chắn Ngài sẽ lặp lại những lời Ngài nói về vấn đề ly dị: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu.” (Mt 19,8) Tương tự như vậy là về vấn đề bạo lực: “thuở ban đầu không có thế đâu.” Chương đầu tiên của sách Sáng thế ký cho ta thấy một thế giới trong đó bạo lực là chuyện không tưởng, cả giữa con người với nhau cũng như giữa con người và thú vật. Ngay cả để báo thù cho cái chết của Abel, cũng không được phép giết người (x. St 4,15).

Tư tưởng của Thiên Chúa ngay từ đầu được thể hiện trong giới răn "Ngươi không được giết người", hơn là trong những trường hợp ngoại lệ trong Luật, là những trường hợp nhượng bộ cho "sự cứng lòng" và phong tục của con người. Từ đây bạo lực là một phần của cuộc sống và Kinh Thánh phản ánh cuộc sống, thông qua pháp chế và án tử hình, ít nhất tìm cách truyền tải và ngăn chặn bạo lực để nó không bị thoái hóa thành sự tùy tiện cá nhân và để nó không xâu xé nhau[3].

Phaolô nói về một thời đặc trưng của sự khoan dung của Thiên Chúa (Rm 3,25). Thiên Chúa khoan dung cho bạo lực cũng như khoan dung cho sự đa thê, ly dị và những thứ khác, nhưng Ngài dậy dỗ dân mình để họ đạt tới ngày trong đó kế hoạch ban đầu của Ngài sẽ được “thâu họp” và được ca ngợi, như cho một sáng tạo mới. Thời gian này đến khi Đức Giêsu công bố trên núi: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Con Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu ai bị vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa […] Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghé kẻ thù. Con Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,38-39.43-44)

Nói "không" với bạo lực như Đức Kitô tuyên bố có tính chất chung cuộc, dứt khoát. Ngài không chỉ đối lập nó với bất bạo động, mà hơn thế nữa, còn với sự tha thứ, hiền lành và dịu dàng: “Hãy học với Tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29) Bài giảng thật sự trên núi không phải là bài Ngài tuyên bố trên một ngọn đồi ở Galilê; đó là bài mà giờ đây Ngài tuyên bố trên Núi Calvê, trong yên lặng, qua những sự kiện.

Nếu bạo lực vẫn còn, nó sẽ không bao giờ có thể, ngay cả từ xa, viện dẫn Thiên Chúa hoặc yêu sách dựa vào uy thế của mình. Làm như vậy có nghĩa là làm cho ý tưởng của Thiên Chúa thoái lui về một giai đoạn nguyên thủy và thô thiển, bởi lương tâm tôn giáo và dân sự của nhân loại. Bạo lực cũng sẽ không thể còn được biện minh nhân danh tiến bộ. Có người nói: "Bạo lực là bà đỡ của lịch sử" (Marx va Engels). Điều này đúng một phần. Đúng là các mệnh lệnh xã hội mới chính đáng nhất đôi khi phát sinh sau các cuộc cách mạng và chiến tranh, giống như điều ngược lại cũng hoàn toàn đúng: những bất công và tai họa tồi tệ là kết quả của cách mạng và chiến tranh.

Nhưng điều này cho thấy chính xác tình trạng rối loạn mà thế giới đang đổ dồn vào đó: sự kiện phải sử dụng bạo lực để diệt trừ cái ác, và người ta chỉ có thể có được điều thiện bằng cách làm điều ác. Ngay cả những người một thời gian vẫn tin rằng bạo lực là bà đỡ của lịch sử thì đã thay đổi ý kiến và nay đang diễu hành biểu dương hòa bình. 

Suy gẫm về các biến cố năm 1989 đã làm sụp đổ những chế độ toàn trị ở Trung Âu mà không đổ máu, Đức Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Centesimus annus, đã thấy trong đó kết quả hành động của những con người nam nữ đã biết làm chứng cho chân lý mà không dùng đến bạo lực. Ngài kết luận bằng cách mong muốn rằng, mười lăm năm sau, lời sau đây vang lên cấp bách hơn bao giờ hết: "Ước mong con người có thể học cách đấu tranh cho một công lý không có bạo lực[4]". Giờ đây chúng ta muốn bày tỏ mong ước này bằng một lời cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con không xin Chúa tiêu diệt những kẻ bạo động và những kẻ tìm cách gieo rắc khủng bố, nhưng xin thay đổi trái tim của họ và hoán cải lòng họ. Xin giúp chúng con cùng với Chúa thưa lên: "Lạy Chúa, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm." Xin phá vỡ sự điên cuồng chết chóc này, cũng như chuỗi bạo lực và trả thù khiến cả thế giới hồi hộp. Chúa đã tạo dựng trái đất trong hài hòa và bình an; xin cho nó không còn là nơi chúng con lấn quyền khiến chúng con trở nên tàn bạo[5]".

Trên thế giới có vô số người, giống như Chúa trong cuộc Khổ Nạn, "chẳng còn dáng vẻ chẳng còn oai phong, ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị đời khinh khi ruồng rẫy." (x. Is 53,3) Xin dạy chúng con không che mặt khi thấy họ, không chạy trốn họ, nhưng mang trên chúng con nỗi đau buồn và cô đơn của họ.

Lạy Mẹ Maria, "khi cùng đau khổ với Con mình trên thập giá, Mẹ đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt[6]": xin gợi hứng cho những con người nam nữ của thời đại chúng con những suy nghĩ về bình an, dịu hiền và tha thứ. Amen. 

Lm. Micae Trần Đình Quảng
Chuyển ngữ từ: Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié,
EdB, 2018, pp. 283-291




[1] Thánh Bênađô, Contre les erreurs d’Abélard, 8, 21 (PL 182, 1070).

[2] Thánh Augustinô, Confessions, X, 43.

[3] x. R. Girard, Des choses cachées depuis la fondation du monde, Lgf Poche, Paris, 1983.

[4] ĐGH Gioan Phaolô II, Lettre Encyclique Centesimus Annus, III, 23.

[5] Dante Alghieri, Le Paradis, XXII, 151.

[6] Lumen Gentium, n. 61.