NĂM 1990: “NGƯỜI ĐÃ HỦY MÌNH RA KHÔNG”
Đây là bài giảng của Đức Hồng y Raniero Cantalamessa OFM Cap, giảng thuyết Phủ Giáo Hoàng, vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1990 với sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng và Giáo triều Roma. Mở đầu bài giảng, ngài nói:
Năm 630 công nguyên, hoàng đế Héraclius của Byzance, khi chiến thắng vua Ba Tư là Chosroès, đã đoạt lại di tích Thánh giá mà 14 năm trước đây đã bị ông này mang đi khỏi Giêrusalem. Lúc đưa thánh tích này về lại Vương cung Thánh đường do Constantinô xây trên đồi Canvê, đã xẩy ra một sự kiện lạ lùng, được phụng vụ mhắc lại trong lễ Suy tôn Thánh Giá, 14 tháng 9. Chúng ta đọc thấy trong thần vụ cũ của ngày lễ này như sau: “Héraclius vận phẩm phục bằng vàng và đá quý, đi qua cửa dẫn lên Canvê, nhưng ông không tới được đó. Càng cố tiến tới, ông càng cảm thấy như dậm chân tại chỗ. Mọi người đều ngạc nhiên. Bấy giờ Giám mục Dacaria lưu ý cho hoàng đế biết có lẽ bộ cẩm bào khải hoàn của ông không phù hợp với thái độ khiêm nhượng của Đức Giêsu khi vác thánh giá qua cửa này. Ngay lập tức hoàng đế cởi bỏ cẩm bào, đi chân trần, ăn mặc như một người bình thường, dễ dàng vượt qua quãng đường còn lại, và tới nơi phải đặt lại thánh giá.”
Nghi thức mà Đức Giáo hoàng thực hiện khi ngài, lát nữa đây, mặc lễ phục và đi chân trần, đến hôn thánh giá, bắt nguồn từ tình tiết ấy như để tưởng niệm. Nhưng sự kiện này cũng có một ý nghĩa thiêng liêng và tượng trưng liên hệ đến mọi người đang có mặt ở đây, cho dù chúng ta không đi chân trần lên hôn kính thánh giá. Nó cho ta thấy không thể đến gần Đấng Chịu Đóng Đinh, nếu tiên vàn không rũ bỏ những tự phụ cao sang của chúng ta, những tước hiệu của chúng ta; nói tắt, sự kiêu căng khoe khoang của chúng ta. Đơn giản là không thể; chúng ta sẽ bị loại bỏ mà không ai thấy.
Đây chính là việc chúng ta muốn làm trong phụng vụ hôm nay. Hai việc rất đơn giản: trước hết, đặt dưới chân Đấng Chịu Đóng Đinh mọi tội lỗi kiêu ngạo của chúng ta và của thế giới; tiếp đến, mặc lấy sự khiêm nhường của Đức Kitô, và nhờ nó chúng ta trở về nhà mà được “nên công chính”, như người thu thuế đi cầu nguyện trên Đền thờ (x. Lc 18,14).
***
“Người phàm tự kiêu sẽ bị khuất phục, và con người ngạo nghễ rồi sẽ bị hạ xuống; ngày đó chỉ một mình Đức Chúa được suy tôn” (Is 2,17)
“Ngày đó”, chính là ngày hoàn tất của Đấng Thiên Sai, ngày Đức Kitô đã nói, khi trên thập giá Ngài kêu lên: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). Nói tóm lại, ngày đó chính là ngày hôm nay! Thiên Chúa đã hạ kiêu căng của con người như thế nào? Làm cho họ khiếp sợ chăng? Bày tỏ cho họ sự cao cả và quyền năng khả úy của Người chăng? Làm họ tiêu tan chăng? Không phải, Ngài đã hạ bệ sự kiêu căng bằng cách hủy mình ra không:
“Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị nganghàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống người phàm, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình.” (Pl 2,6-8)
Humiliavit semetipsum : Ngài đã hạ nhục chính mình chứ không phải con người. Ngài đã hạ sự kiêu căng và nâng cao của con người từ bên trong chứ không phải từ bên ngoài! Chúng ta đừng để mình bị phỉnh phờ bởi sự hoành tráng của nơi này, bởi phụng vụ, bởi lời ca tiếng hát, bởi tất cả những vinh dự dành cho thánh giá ngày hôm nay. Đã có lúc thánh giá không phải là những cái đó, duy nhất chỉ là sự ô nhục. Một việc không nên nhìn, và thậm chí không nên nói đến[1].
Ngài đã được Kinh Thánh nói trước là “chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong, chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích, bị đời khinh khi ruồng rẫy. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị khinh khi, bị Thiên Chúa giáng họa, phải chịu nhục nhã” (x. Is 53,2-4). Trừ Đức Giêsu ra, duy nhất một người trên thế gian thật sự biết thập giá là gì: đó là Đức Maria, Mẹ Ngài. Mẹ đã cùng với Ngài vác “nỗi khổ nhục” của thập giá (x. Dt 13,13). Những người khác, kể cả thánh Phaolô, đã biết đến “quyền năng” của thập giá (x. 1Cr 1,18), còn Mẹ thì biết đến cả sự yếu đuối của thập giá; những người khác biết đến thần học về thập giá, còn Mẹ thì biết đến thực tại của thập giá.
Thập giá là mồ chôn mọi thứ kiêu căng của con người. Cũng như Thiên Chúa phán với biển: “Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa; đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành” (G 38,11). Mọi đợt sóng cao của kiêu căng vỡ tan khi đập vào đá tảng Canvê, không thể vượt xa hơn. Bức tường Thiên Chúa xây để án ngữ chúng quá cao. Vực thẳm Ngài đào để ngăn cản chúng quá sâu. “Con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị hủy diệt.” (Rm 6,6) Sự kiêu căng của con người, đó là tội tiêu biểu nhất, tội ẩn núp sau mọi tội lỗi. “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá.” (1Pr 2,24). Ngài đã mang sự kiêu căng của chúng ta nơi thân thể Ngài.
Phần của chúng ta trong tất cả những cái đó là gì? “Phúc Âm”, nghĩa là tin vui, tin mừng, ở đâu? Chính là Đức Giêsu đã hạ mình cả cho ta nữa, thế chỗ của ta. “Nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết” (2Cr 5,14): nếu một người đã hạ mình vì mọi người, thì mọi người đều hạ mình. Trên thập giá, Đức Giêsu là Ađam mới vâng phục vì mọi người. Ngài là mẫu gốc, là khởi đầu cho một nhân loại mới. Ngài hành động thay cho mọi người, để giúp cho mọi người. Cũng như “nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ trở thành công chính” (Rm 5,19), cũng vậy, nhờ sự khiêm nhường của một người mà mọi người trở thành khiêm nhường.
Cũng như sự bất tuân, sự kiêu căng không còn thuộc về chúng ta nữa. Nó là cái riêng của Ađam cũ. Nó đã cũ kỹ, tiêu vong. Giờ đây sự mới mẻ chính là sự khiêm nhường. Nó tràn đầy hy vọng, vì mở ra một cuộc sống mới, dựa trên ân huệ, tình yêu, liên đới, không còn phải trên cạnh tranh, hãnh tiến, cũng không phải trên sự làm phiền nhau. “Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi!” (2Cr 5,17). Một trong những cái lạ lùng mới mẻ chính là sự khiêm nhường.
Thế cử hành mầu nhiệm thập giá “trong thần khí và sự thật” có nghĩa gì? Câu châm ngôn cổ “hiểu rõ điều anh em làm, bắt chước điều anh em cử hành” (Agnoscite quod agitis, imitamini quod tractatis) áp dụng cho những nghi thức chúng ta đang cử hành có nghĩa gì? Có nghĩa là: hãy thực hiện nơi mình những gì anh em đang thể hiện qua nghi thức; hãy thực hiện những gì anh em đang tưởng niệm!
Chiều nay, tôi phải trao phó con người kiêu căng của tôi cho Đức Kitô, để Ngài có thể phá hủy nó trong những việc làm, như Ngài đã đương nhiên phá hủy nó một lần vĩnh viễn trên thập giá. Hồi tôi còn nhỏ, trong xứ tôi ở miền quê, hôm trước một số lễ trọng, vào lúc chập tối, người ta có thói quen đốt những đám lửa lớn từ đồi này sang đồi khác, và mỗi gia đình mang đến phần củi hay cành cây của mình để giữ cho lửa cháy, trong khi người ta vây quanh lửa này để cầu nguyện và lần hạt. Có một điều gì đó giống như vậy phải xẩy ra cách thiêng liêng chiều nay. Mỗi người nên đến lấy tinh thần ném một cách thiêng liêng gánh nặng kiêu căng, khoe khoang, tự phụ, tự mãn của mình vào lò lửa lớn của cuộc Khổ nạn của Đức Kitô. Chúng ta phải bắt chước điều các thánh làm trên trời, trong phụng vụ thờ lậy Con Chiên của các ngài, mà phụng vụ của chúng ta rập khuôn theo đó, ở đây trên trần gian này. Các ngài từng đoàn tiến lên như sách Khải huyền nói, và đến trước Đấng ngự trên ngai, “đặt triều thiên của mình xuống trước ngai” (Kh 4,10). Các ngài thì đặt triều thiên đích thực của cuộc tử đạo của mình; còn chúng ta, chúng ta hãy vất bỏ những triều thiên giả đang đội trên đầu. Chúng phải “đóng đinh vào thập giá mọi hành vi khiêu căng[2]”.
***
Chúng ta không nên sợ làm mình giảm giá trị, từ bỏ địa vị làm người hoặc như rơi vào trạng thái tâm hồn bệnh hoạn. Hồi đầu thế kỷ này (thế kỷ XX), một văn sĩ đã tấn công Kitô giáo, tố cáo Kitô giáo đưa vào thế giới điều mà ông cho là “bệnh hoạn[3]” của khiêm nhường. Nhưng ngày hôm nay, chính triết học nói với chúng ta là cuộc sống duy nhất “đích thực” là cuộc sống thừa nhận sự “vô giá trị[4]” triệt để của mình. Kiêu ngạo là một con đường đưa tới thất vọng, bởi vì nó ngụ ý rằng chúng ta không chấp nhận mình như mình là, nhưng muốn một cách tuyệt vọng trở thành cái mà chúng ta sẽ không bao giờ có thể là, cho dù cố gắng mấy đi nữa, tức là độc lập, tự lập, không có ai ở trên chúng ta, mà chúng ta hẳn phải cảm tạ vì những gì chúng ta là[5].
Khoa tâm lý hiện đại về chiều sâu cũng đi đến cùng một kết luận bằng những con đường khác. Một trong những người chủ trương nổi tiếng nhất là C. G. Jung đã lưu ý một điều lạ lùng. Như ông nói, tất cả những bệnh nhân ở một tuổi nào đó đã nói với ông đều chịu một một điều gì đó mà người ta có thể coi như một sự thiếu khiêm nhường, và họ không được chữa khỏi bao lâu họ không có được một thái độ kính trọng và khiêm tốn trước một thực tại lớn hơn họ, nghĩa là có một thái độ tôn giáo.
Kiêu căng là một mặt nạ ngăn cản không cho ta làm những người người đích thực, trước khi làm một tín hữu. Ăn ở khiêm tốn là thuộc về con người! Những từ con người (homo) và khiêm nhường (humilitas) đều phát xuất từ humus, nghĩa là đất. Tất cả những gì nơi con người không phải khiêm nhường đều là dối trá. “Thật vậy, ai tưởng mình là gì, mà thực sự không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình.” (Gl 6,3)
***
Chúng ta vừa quyết định tống cổ kiêu căng ra khỏi chúng ta, thì chúng ta lại kinh hoàng mà nhận thấy nó xâm chiếm chúng ta tới mức nào, bên trong cũng như bên ngoài, chúng ta đầy kiêu ngạo biết bao nhiêu. Người ta nói hơn 70% thân thể con người là do nước. Có thể nói hơn 70% tinh thần con người là do kiêu ngạo. Ngay cả không khí mà chúng ta thở cũng bị những luồng sóng đủ mọi tần số chuyên chở những lời nói và sứ điệp chứa đầy kiêu ngạo xuyên qua. Cuối cùng, có những người tin là có thể “vượt qua” Đức Giêsu Kitô, và tuyên bố một thời kỳ mới mở ra, một “New Age”, không phải dựa trên Nhập thể, nhưng trên một chòm sao, chòm Verseau; không phải trên sự gặp nhau giữa thần tính và nhân tính, nhưng trên sự gặp nhau của các hành tinh. Mỗi năm xuất hiện những tôn giáo mới, những giáo phái mới, loan báo những con đường cứu độ mới, như thể con đường do Thiên Chúa mạc khải và xây dựng trên Đức Kitô không còn đủ cho những con người giờ đây khôn ngoan và trưởng thành hơn; như thể họ đã quá khiêm tốn. Tất cả những điều đó là gì, nếu không phải từ kiêu căng và tự phụ? “Hỡi những người Ga lát ngu xuẩn, ai đã mê hoặc anh em là những người đã được thấy hình ảnh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá phơi bầy ra trước mắt?” (Gl 3,1) Hỡi những Kitô hữu ngu xuẩn, ai đã mê hoặc anh em đến độ làm anh em nhanh chóng chuyển qua một Phúc Âm mới như thế?
Mọi người chúng ta khó nhọc để được người khác chú ý. Nếu chúng ta có thể trực quan trình bày toàn bộ nhân loại như nó xuất hiện trước mặt Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy cảnh tượng của một đám đông khổng lồ những người đứng nhón chân, cố gắng vượt qua nhau, nghiền nát những người xung quanh họ, nếu cần, và mọi người hét lên, "Tôi cũng ở đây, tôi cũng ở thế giới này!"
Hư ảo chăng? Phù vân chăng? Chắc chắn là thế, mọi thứ kiêu căng này đều bốc hơi, thứ kiêu căng mà cái chết, giống như cơn gió, làm tan biến một ngày nào đó. “Quả là phù vân”, sách Giảng viên đã gọi như vậy (Gv 1,2). Không một chút kiêu căng nào sẽ cùng với chúng ta vượt qua ngưỡng cửa của vĩnh cửu, và nếu nó vượt qua được, thì sẽ lại biến ngay thành điểm chính để buộc tội và dằn vặt. Nhưng hiệu quả cả chúng thật đáng sợ. Nó giống như chiếc nấm bom nguyên tử đầy đe dọa bốc lên trời, như một nắm tay, nhưng rồi lại rơi xuống đất, gieo rắc chết chóc và phá hủy chung quanh.
Có phần chiến tranh quá khứ và hiện tại nào (kể cả phần diễn ra giữa những loạn đảng Kitô giáo trong một quốc gia bị đọa đầy) không phát xuất từ kiêu căng? Nỗi khổ của người nghèo lại không phát xuất phần lớn từ sự kiêu căng của một số lãnh tụ muốn có quyền thế, an toàn trên ngai của mình, trong mục đích này có quân đội hùng mạnh nhất, võ khí kinh khủng nhất, và đầu tư vào đó những tiềm lực có thể dùng để cải thiện những điều kiện sống, đôi khi kinh hoàng của dân mình chăng? Nhưng cả trên bình diện tương quan sống hằng ngày, trong gia đình cũng như trong các thể chế, chúng ta lại không gây đau khổ cho nhau vì sự kiêu căng của chúng ta, sự kiêu căng này không gây ra biết bao nước mắt sao?
***
Tuy vậy, chúng ta không được dừng lại ở đó. Nếu chỉ tố giác sự kiêu căng tập thể này, chúng ta hầu như chưa làm được gì. Thậm chí điều đó có thể là một sự kiêu căng thêm vào một sự kiêu căng khác. Tiến trình chúng ta phải làm chiều nay vừa hướng ra bên ngoài vừa hướng vào bên trong. Chúng ta phải xé lòng chúng ta chứ đừng xé áo (x. Gi 2,13). Sự kiêu căng đích thực, điều duy nhất tôi có thể dùng ý chí mà phá hủy, vì nó là sản phẩm của ý muốn của tôi mà thôi, sự kiêu căng ấy ở trong tâm hồn tôi, làm tổ ở đó.
Công việc khó khăn biết bao! Người mò ngọc trai ở những biển phía nam, muốn tời đáy biển, có kinh nghiệm về sức cản kinh khủng của nước đẩy họ trồi lên, với sức mạnh cũng bằng và tương xứng với thể tích của họ. Họ trải nghiệm nguyên lý của Archimède mà không hay. Bất cứ ai cố gắng dìm mình dưới gương nước tĩnh lặng của những ảo tưởng của mình, tự làm bẽ mặt và biết chính mình thật ra là gì, người đó trải nghiệm sự thúc đẩy còn mạnh mẽ hơn của sự kiêu căng đưa anh ta lên, trồi lên, ở lại trên mặt mước. Chúng ta cũng đi tìm một viên ngọc quý, quý nhất có thể để dâng cho Thiên Chúa, Viên ngọc ấy có tên là: một tấm lòng “tan nát giày vò” (x. Tv 51,19).
Chúng ta phải làm gì để có một tâm hồn tan nát giày vò? Trước hết hãy nài xin Chúa Thánh Thần; rồi hãy từ bỏ những tự vệ và chống cự của chúng ta. Giờ đây hãy nhìn mình một lúc nếu đạt tới chỗ đó trong tấm gương lương tâm của chúng ta. Chỉ một mình chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Có nhiều kiêu căng, hư ảo, tự mãn, giả hình và khiêm nhường giả dối; trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác, trong thái độ này hay thái độ khác. Và có lẽ trong chính lúc này. Biết bao lần tỏ ra “cái tôi”! Thánh Bênađô tự nhủ: “Hãy xấu hổ hỡi tro bụi kiêu ngạo: Thiên Chúa hạ mình còn ngươi lại tôn dương mình sao[6]?” Trước ngài, thánh Augustinô đã từng nói: “Chúa của bạn thì khiêm nhường, còn bạn lại kiêu căng ư[7]?”
Trời đất đầy vinh quang Thiên Chúa, chỉ trừ tâm hồn con người, vì chứa đầy vinh quang của mình chứ không phải vinh quang của Thiên Chúa. Nó chỉ quan tâm đến mình, đến nỗi sử dụng ngay cả những sự vật dành cho Thiên Chúa để phục vụ cho vinh quang riêng của mình. Thậm chí sử dụng cả Thiên Chúa nữa! Tuy vậy “bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh?” (2Cr 4,7)
Để có một tâm hồn tan nát giày vò, một ngày nào đó phải trải nghiệm trường hợp bị bắt quả tang, như người phụ nữ trong Phúc Âm bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, chị đứng đó, yên lặng cúi mặt xuống chờ đợi phán quyết (x. Ga 8,3 tt). Chúng ta là những người bị bắt quả tang ăn trộm vinh quang Thiên Chúa. Nếu khi ấy thay vì nghĩ phải trốn đi nơi khác, hoặc nổi giận tự nhủ: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi?” (x. Ga 6,60), chúng ta cúi mặt đấm ngực và tự đáy lòng mà thưa lên như người thu thuế: “Lay Chúa, xin thương xót tôi là kẻ có tội!” (Lc 18,13), khi ấy sẽ bắt đầu có phép lạ về một tâm hồn tan nát giày vò. Cũng như người phụ nữ đứng trước việc kết án, chúng ta cảm nghiệm được niềm vui của ơn tha thứ. Chúng ta sẽ có một quả tim mới.
***
Đám đông chứng kiến cái chết của Đức Kitô “đều đấm ngực trở về” (x. Lc 23,48). Ước gì chúng ta có thể bắt chước họ thì tốt đẹp biết mấy. Tốt đẹp biết mấy nếu ở đây giữa chúng ta lại xẩy ra cảnh ba ngàn người, ngày lễ Ngũ Tuần, cảm thấy “đau đớn trong lòng” khi nghĩ mình đã giết Đức Giêsu Nadarét, nên nói với Phêrô và các Tông Đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” (x. Cv 2,37). Đó sẽ thực sự là “noi theo điếu chúng ta cử hành”.
Một tấm lòng tan nát giày vò, đó là “một tế phẩm dâng cho Thiên Chúa” (Tv 51,19). Hôm nay, Giáo Hội không cử hành Thánh lễ, vì lễ hy sinh của ngày hôm nay phải là lễ hy sinh của tâm hồn tan nát giày vò của chúng ta. Đức Chúa phán: “Trời là ngai của Ta, và đất là bệ dưới chân Ta. Các ngươi sẽ xây cho Ta nhà nào, và nơi nào sẽ là chốn Ta nghỉ ngơi? Tất cả những vật ấy, chính tay Ta đã làm. Tất cả những vật ấy đều là của Ta – sấm ngôn của Đức Chúa. Kẻ được Ta đoái nhìn, đó là người đau khổ, người có tâm hồn tan nát” (Is 66,1-2) Một tâm hồn tan nát, đó là thiên đàng dưới đất, là căn nhà Thiên Chúa thích chọn làm nơi Ngài ngự và mạc khải những bí mật của Ngài (x. Ga 14,21.23).
Mọi biến cố bên ngoài, dù lớn lao mấy đi nữa – kể cả những biến cố vừa mới trải qua hoặc chúng ta đang sống hôm nay, với sự sụp đổ của các nước Cộng sản Đông Âu – đều hàm hồ, và không ai có thể biết trước là mai kia sẽ vui mừng hay hối hận vì điều đó. Nhưng một tâm hồn tan nát và hoán cải thì không. Trước mặt Thiên Chúa, đó là điều xẩy ra quan trọng nhất trên mặt đất, một sự mới mẻ tuyệt đối.
***
Giờ đây, ít nhất bằng ý muốn, chúng ta đã đặt tất cả sự kiêu căng của chúng ta dưới chân thập giá, chúng ta còn phải vắn tắt làm một việc khác: mặc lấy sự khiêm nhường của Đức Kitô. “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; số dân còn sót lại nơi Israel sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa” (Xp 3,12-13). Trên thập giá, Đức Kitô đã bắt đầu cho dân nghèo hèn và bé nhỏ này, đã tin tưởng vào Chúa, được tồn tại; giờ đây, chính chúng ta phải bắt đầu dự phần thực tế vào dân đó, cũng như chúng ta đã dự phần theo luật vào dân đó nhờ phép Rửa Tội.
Trong Phúc Âm Đức Giêsu nói: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29) Đức Giêsu đã làm gì để nói là mình khiêm nhường. Phải chăng Ngài muốn hạ giá mình hay tự hạ giá mình, khi nói về mình? Ngược lại, Ngài đã công bố mình là “Thầy và là Chúa” (Ga 13,13). Ngài đã nói là Ngài còn hơn cả Giona, Salomon, Abraham, (x. Ga 8,53; Mt 12, 41-42), hơn cả mọi người. Vậy Ngài đã làm gì? “Ngài đã mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2,7). Ngài đã không coi mình là hèn mọn, không tuyên bố mình hèn mọn, nhưng làm cho mình thành hèn mọn và hèn mọn để phục vụ ta. Ngài là người đầu tiên biến mình thành “người rốt hết và phục vụ mọi người” (x. Mc 9,35). Đức Kitô không ngại làm hại cho thần tính của Ngài khi hạ mình làm người như những người khác.
Ngoài việc phục vụ, sự khiêm nhường của Đức Kitô còn được biểu hiện qua sự vâng phục. “Ngài đã hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,8). Ở đây, khiêm nhường và vâng phục hầu như đồng nghĩa. Đức Giêsu trên thập giá thì khiêm nhường vì Ngài không cưỡng lại ý muốn của Chúa Cha. Ngài đã “trao lại cho Thiên Chúa quyền năng của Ngài”, Ngài đã chu toàn “mầu nhiệm của đạo thánh” cao cả nhất (x. 1Tm 3,16). Sự kiêu căng bị đập tan bởi sự tùng phục và vâng lời Thiên Chúa cũng như các quyền bính được Thiên Chúa thiếp lập. Có những người suốt đời chỉ biết tranh luận với Thiên Chúa như thể coi mình ngang hàng với Ngài. Cuối cùng họ tin rằng họ có thể làm cho Thiên Chúa thất bại, vì họ đã làm cho con người và các bề trên của mình thất bại. Họ không bao giờ thực sự phục tùng và lụy phục Thiên Chúa. Chớ gì họ làm điều đó trước khi chết, nếu cuối cùng họ muốn cho tâm hồn mình được bình an. Chớ gì họ nhớ lại lời Kinh Thánh viết: “Thật khủng khiếp khi phải rơi vào tay Thiên Chúa hằng sống!” (Dt 10,31), hiểu là chết trong tình trạng không hối cải.
***
Trên thập giá, Đức Giêsu không chỉ mạc khải hoặc thực hành sự khiêm nhường, Ngài còn tạo ra sự khiêm nhường ấy. Khiêm nhường thật sự, khiêm nhường Kitô giáo từ đây hệ tại ở chỗ tham dự vào tâm hồn của Đức Kitô trên thập giá. Thánh Tông Đồ nói: “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,5). Có cùng những tâm tình đó, chứ không phải những tâm tình giông giống. Ngoài điều đó ra, người ta rất dễ coi là khiêm nhường những gì ngược lại với nó, hoặc những gì thuộc phẩm chất tự nhiên, hoặc sự nhút nhát, hoặc khuynh hướng thu mình lại, hoặc chỉ thuần túy là lương tri hay thông minh, khi không phải là một hình thức tế vi của kiêu ngạo.
Mặc lấy sự khiêm nhường của Đức Kitô, chúng ta sẽ dễ hoạt động cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, chưa kể những chuyện khác, vì sự hiệp nhất và bình an là những yếu tố thường đi theo sự khiêm nhường. Những yếu tố đó cũng có trong đời sống gia đình. Hôn nhân phát sinh từ một hành vi khiêm nhường. Chàng thanh niên đang yêu, quỳ gối xuống, như phong tục ngày xưa, xin cưới cô thiếu nữ, tức là đang làm một hành vi khiêm nhường căn bản nhất trong cuộc đời mình Anh ta trở thành người ăn xin, như thể muốn nói: “Hãy cho anh con người của em, vì con người của anh không đủ, anh không đủ cho chính anh”. Người ta hẳn sẽ nói Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ để họ học ăn ở khiêm nhường, ra khỏi mình, không kiêu kỳ cũng không tự cho mình là đủ, để họ khám phá ra hạnh phúc tùy thuộc vào người yêu họ. Thiên Chúa đã ghi khắc sự khiêm nhường tới tận da thịt của của chúng ta. Nhưng hỡi ôi! Biết bao lần sự kiêu căng lại chiếm ưu thế khiến người khác phải trả nhu cầu ban đầu mà người đó có về anh ta hay chị ta. Khi ấy một bức tường đáng sợ của sự kiêu căng và không thể thông cảm dập tắt mọi niềm vui được dựng lên giữa đàn ông và đàn bà. Chính cũng cho những cặp vợ chồng Kitô giáo mà lời mời gọi chiều nay được gửi tới cho họ, lời mời gọi đặt dưới chân thập giá tất cả mối oán giận, hòa giải với nhau bằng cách, nếu có thể, ngả vào vòng tay nhau, vì lòng yêu mến Đức Kitô, Đấng mà ngày hôm nay, trên thập giá, đã “tiêu diệt sự thù ghét” (x. Ep 2,16). Dưới chân thập giá, “dân khiêm nhường” đã được Đức Maria biểu thị, Đấng mà Công đồng Vatican II gọi là “người nữ đầu tiên giữa những người khiêm nhường và nghèo hèn của Chúa đang hết lòng tin tưởng chờ mong và nhận lãnh từ Ngài ơn cứu độ[8]”
Vì vậy, chúng ta dâng lên Mẹ lời cầu nguyện này: “Lạy Mẹ Maria, của đầu mùa của dân tộc khiêm nhường và số sót Israel, người nữ tỳ đau khổ bên cạnh Người Tôi Tớ đau khổ, là Evà mới vâng phục bên cạnh Ađam mới. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, xin cho chúng được Đức Giêsu ban ơn sống khiêm nhường. Xin dạy chúng con biệt hạ mình dưới bàn tay quyền năng của Thiên Chúa, như Mẹ đã hạ mình. Amen.
[1] x. Cicero, Pour Rabirius
[2] Thánh Augustinô, De doctrina christiana, 2, 7, 9.
[3] F. Nietzsche
[4] x. M. Heidegger, L’être et le temps.
[5] x. S. Kierkegaard, Traité du désespoir, “Que le désespoir est la maladie mortelle”.
[6] Laudes de la Vierge, I, 8.
[7] Homélie 354, 9, 9 (PL 39, 1568).
[8] Lumen Gentium, n.55.