NĂM 1995: “MẦU NHIỆM THẬP GIÁ TỎA SÁNG”

Đây là bài giảng của Đức Hồng y Raniero Cantalamessa OFM Cap, giảng thuyết Phủ Giáo Hoàng, vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1995 với sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng và Giáo triều Roma. Mở đầu bài giảng, ngài nói:

Trọng tâm của phụng vụ mà chúng ta đang cử hành là thờ lậy thánh giá bắt đầu từ nghi thức mở khăn. Đức Thánh Cha nhận từ tay thầy phó tế thánh giá phủ khăn tím, rồi mồi lần mở một phần khăn, mở ba lần cho tới khi thánh giá được mở hoàn toàn. Có những lời hát long trọng đi kèm với nghi thức mở khăn này: “Ecce lignum crucis in quo salus mundi pependit - Đây là cây gỗ thánh giá nơi treo Đấng cứu độ trần gian.”

Tôi thấy mạc khải tiệm tiến của mầu nhiệm thánh giá qua các thế kỷ được tượng trưng trong nghi thức cổ kính này. Mỗi lần trong ba lần mở khăn biểu thị cho một thời kỳ hay một giai đoạn của lịch sử cứu độ: lần mở thứ nhất biểu thị cho thập giá được tiên trưng trong Cựu Ước; lần mở thứ hai biểu thị cho thập giá được thực hiện trong cuộc đời Đức Giêsu, “thập giá của lịch sử”; lần mở thứ ba biểu thị cho thập giá được cử hành trong thời kỳ Giáo Hội, “thập giá của đức tin”.

Như ta thấy, thập giá trải qua tất cả lịch sử cứu độ. Thập giá hiện diện trong Cựu Ước như hình bóng, hiện diện trong Tân Ước như biến cố và hiện diện trong thời kỳ Giáo Hội như bí tích hoặc như mầu nhiệm.

***

Gỗ hay cây trong Cựu Ước biểu thị cái gì? Nó là cây sự sống trồng giữa vườn, cây biết lành biết dữ, chung quanh nó hoàn tất cuộc phản loạn, con người tự phụ chính mình quyết định về điều tốt, điều xấu. Trong sách Đệ nhị luật, gỗ tái xuất hiện gắn liền với lời chúc dữ: “Người bị treo lên cây là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa!” (Đnl 21,23). Nhưng người ta cũng loan báo một vai trò tích cực cho gỗ trong những đoạn mà, dưới ánh sáng của sự hoàn tất tương lai, sẽ được coi là những lời tiên tri về thập giá. Chính bằng gỗ mà người ta đóng con tầu trong đó nhân loại được cứu thoát khỏi trận hồng thủy; chính gỗ của gậy chống được ông Môsê giơ trên Biển Đỏ làm cho nước rẽ ra (x. Xh 12,11); chính nhờ một khúc gỗ mà ông làm cho nước đắng ở Mara thành nước ngọt (x. Xh 15,23 tt).

Cây gỗ thập giá trong cuộc đời Đức Giêsu, tức không còn phải là hình bóng, nhưng là trong thực tại lịch sử, biểu thị điều gì? Biểu thị dụng cụ để lên án, để phá hủy hoàn toàn con người với tư cách là con người, điểm thấp nhất của sự tự hủy. Cây gỗ – xulon – (người ta thường gọi thập giá như thế) là khổ hình ô nhục nhất, dành cho những nô lệ phạm những tội nặng hơn. Cicéro nói rằng ngay cả tên của chúng cũng không được đến tai công dân Rôma. Tất cả được trù liệu để cho khổ hình này làm mất phẩm giá phạm nhân ngần nào có thể. Người bị kết án trước tiên phải bị đánh đòn, bị điệu tới nơi hành hình, phải vác trên vai nếu không cả cây thập giá thì ít nhất cũng là thanh ngang, bị lột trần và đóng đinh vào thập giá, ở đó hắn hấp hối trong những cơn co giật và đau đớn ghê gớm, cả thân xác nặng nề của hắn đè nặng trên các vết thương.

“Bị đóng đinh!”: từ thời các Tông đồ, người ta không thể nghe từ này mà không thấy toàn thân run sợ. Đối với một người Do Thái, thêm vào tất cả những chuyện đó còn có lời chúc dữ của Thiên Chúa, bởi vì Kinh Thánh nói: “Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ!” (x. Gl 3,13)

Nhưng thập giá biểu thị cái gì dưới ánh sáng sự phục sinh, theo mạc khải của Chúa Thánh Thần, nhờ trung gian của các Tông đồ, vào thời Giáo Hội? Thập giá là nơi mà “mầu nhiệm đạo thánh được hoàn tất” (x. 1Tm 3,16), nơi mà Ađam mới đã thưa lời xin vâng với Thiên Chúa, nhân danh mọi người cho đến mãi muôn đời; nơi mà Môsê đích thực, nhờ cây gỗ, đã mở ra một Biển Đỏ mới và, nhờ vâng phục, đã làm cho nước đắng của phản loạn trở thành nước ngọt của ân sủng và phép Rửa; nơi Đức Kitô “đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta, chính Người đã trở nên đồ bị nguyền rủa” (Gl 3,13). Thập giá là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24). Đó là cây mới “được trồng ở giữa quảng trường của thành” (x. Kh 22,2).

Điều gì đã xẩy ra mang tính quyết định như thế trên thập giá biện minh cho những quả quyết này? Xẩy ra ở đây là Thiên Chúa đã vĩnh viễn chiến thắng sự dữ mà không cùng lúc phá hủy sự tự do gây ra sự dữ đó. Ngài đã không phá hủy nó bằng cách dùng sự toàn năng của mình mà đánh bại nó, cũng không bằng cách đẩy nó trở lại biên giới vương quốc của nó, nhưng bằng cách tự mình gánh lấy những kết quả của nó trong Đức Kitô, và bằng cách dùng sự thiện chiến thắng sự dữ, điều đó có nghĩa là: dùng tình yêu chiến thắng hận thù, dùng vâng phục chiến thắng nổi loạn, dùng hiền lành chiến thắng bạo lực, dùng sự thật chiến thắng dối trá. Trên thập giá, Đức Giêsu “đã thiết lập hòa bình, đã tiêu diệt nơi mình sự thù ghét” (x. Ep 2,14-15). Đức Giêsu đã tiêu diệt sự thù ghét chứ không phải kẻ thù; Ngài đã tiêu diệt “nơi Ngài” chứ không nơi người khác.

***

Nói tắt, đó là mạc khải về mầu nhiệm thập giá, theo các tác phẩm của các Tông đồ. Mạc khải còn tiếp tục dưới hình thức khác – không còn phải là Kinh Thánh, nhưng là Truyền Thống – trong đời sống Giáo Hội. Trong một bài giảng ở thế kỷ II của một cử hành phụng vụ như phụng vụ chúng ta, để tôn kính cuộc Khổ Nạn, một giám mục đã dâng lên thập giá, cây sự sống mới, bài ca thần cảm sau đây:

Cây này đối với con là một cây cứu độ vĩnh cửu;

Nhờ cây này, con được nuôi dưỡng, được thỏa thích.

Nhờ rễ của nó, con đâm rễ,

Và nhờ cành của nó, con vươn ra,

Nhờ sương của nó, con được rửa sạch,

Nhờ Thần Khí của nó, như trước cơn gió, con được vun trồng tuyệt vời…

Cây này là lương thực cho cơn đói của con,

Một mạch nước cho cơn khát của con,

Một chiếc áo cho sự trần truồng của con…

Nó là sự bảo vệ của con khi con kính sợ Thiên Chúa,

Nó giữ con khi con lảo đảo,

Nó là vòng nguyệt quế khi con thắng trận.

Đối với con nó là

Lối hẹp và đường chật” (x. Mt 7,13-14)

Nó là chiếc thang Giacóp

Là con đường lên xuống của các thiên thần,

Chúa đứng” thật bên trên (x. St 28,13)[1]

Trước mắt Giáo Hội, thập giá có chiều kích vũ trụ. Nó không còn là một giai đoạn của linh sử nữa, nhưng là một biến cố làm thay đổ bộ mặt trái đất. Cũng bài ca trên còn tiếp:

“Với những chiều kích tuyệt vời, cây này vươn từ đất lên tới trời…Nó giữ cho mọi sự vững vàng, làm cho mọi sự được chắn chắn. Nó là sự nâng đỡ cho vũ trụ, là dây vũ trụ bảo đảm cho dự dính kết của yếu tính nhân loại hay thay đổi, khi gắn chặt nó lại với nhau nhờ những chiếc đinh của Thần Khí, để một khi gắn bó với thần tính, nó không tách khỏi thần tính nữa[2].”

Trong Sách Nguyện, một đoạn trích từ Tử Đạo Lục thuật lại rằng trước khi giang tay trên thập giá, thánh Anrê kính chào thập giá như sau: “Ôi thập giá, dụng cụ cứu độ của Đấng Tối Cao! Ôi thập giá, vòng nguyệt quế của Đức Kitô chiến thắng kẻ thù! Ôi thập giá trồng trên trái đất và sinh hoa quả trên trời! Ôi danh hiệu thập giá tràn đầy mọi sự! Con biết mầu nhiệm của thập giá![3]

 Nghệ thuật Kitô giáo đã góp phần vào cử hành mầu nhiệm thập giá. Trong một số tranh khảm hậu cung, như tại Saint-Apollinaire ở Ravenna, nổi bật lên trên nền trời đầy sao, trên tất cả bề mặt, là một cây thập giá lớn trang hoàng bằng đá quý, với hàng chữ ở bên dưới: Salus mundi – Ơn cứu độ của thế giới.

***

Năm 569 công nguyên, hoàng đế byzantin Giustinô II gửi làm quà cho hoàng hậu Cunégonde ở Orléans một thánh tích thập giá. Nhân dịp này, một thi sĩ Kitô giáo, Venance Fortunat, đã sáng tác hai thánh thi trong đó ông diễn tả bằng tiếng hát tất cả sự hiểu biết về mầu nhiệm thập giá đi theo phụng vụ của chúng ta hôm nay. Từ ngày ấy, chúng được sử dụng liên tục qua các thế hệ Kitô hữu, để diễn tả lòng biết ơn xúc động và nhiệt tình của họ dành cho thập giá. Nhờ sự hiệp thông các thánh, những thánh thi này đến với chúng ta, thấm nhuần tất cả sự phong phú của đức tin và lòng đạo đức này. Chính như thế mà Thiên Chúa lắng nghe, với phần đệm mênh mông này, như một ca đoàn độc nhất xuyên suốt các thế kỷ.

Vexilla regis prodeunt, fulget crucis mysterium – cờ Vua tiến lên, mầu nhiệm rạng rỡ.” “O Crux, ave, spes unica – Kính chào, ôi Thánh giá, nguồn hy vọng độc nhất!”

Chủ đề thập giá, cây sự sống, trải dài từ đầu tới cuối bài thánh thánh thi thứ hai:

“Ôi thánh giá trung thành, cây cao quý nhất trong các cây, không rừng nào sản xuất được cây giống như thế về lá, hoa và quả.”

Dulce lignum, dulces clavos, dulce pindus sustinet – cây gỗ êm dịu, những chiếc đinh êm dịu nâng đỡ một sức nặng êm dịu!” Chủ đề thập giá vũ trụ cũng không bị bỏ quên, vì thánh thi hát tiếp: “Terra, pontus, astramundus: quo lavantur flumine – Đất, biển, tinh tú, thế giới, chúng được rửa sạch bởi dòng sông nào!”

Có lúc thi sĩ nói với thập giá như với một thụ tạo sống, trong đoạn xúc động này: “Fleste ramos arbor alta, tensa laxa viscera… – Hãy uốn cong những cành của ngươi, hỡi cây cao, hãy làm giãn ra các sợi của ngươi. Hãy làm cho mềm sự cứng tự nhiên của ngươi và hãy nâng đỡ các chi thể của Vua chúng ta bằng những rầm mềm!”

***

Sự “khám phá” ra mầu nhiệm thập giá là như thế trải qua lịch sử cứu độ. Nhưng nó phải được đổi mới ở mỗi thời kỳ. Ngay cả ngày hôm nay, mầu nhiệm thập giá cũng phải tỏa sáng trước mắt thế hệ chúng ta. Sự khám phá trong nghi thức cũng phải có sự khám phá trong cuộc sống đi kèm, là sự khám phá được thực hiện trong đời sống và tâm hồn mỗi người. Nơi cây sự sống trồng ở giữa Giêrusalem mới, người ta thấy nó “sinh trái mười hai lần, mỗi tháng một lần” (x. Kh 22,2). Thập giá có một mùa gặt dự trữ và một mùa hoa quả cả cho mùa màng hiện nay của lịch sử và chúng ta phải cố gắng thu hoạch.

Tuy vậy làm thế nào để giúp cho một xã hội như xã hội của chúng ta, một xã hội đối lập lạc thú với thập giá ở mọi cấp độ, hiểu được mầu nhiệm thập giá; một xã hội nghĩ rằng đã dứt khoát chuộc lại được lạc thú, đã làm cho nó thoát khỏi sự ngờ vực không chính đáng và thoát khỏi việc lên án đè nặng lên nó; một xã hội dành những thánh thi cho lạc thú, như trước đây đã có những thánh thi dành cho thập giá; một văn hóa rút ra trực tiếp từ tiếng Hy Lạp hedonè (thú vui) tên gọi là "văn hóa khoái lạc", và, than ôi!, tất cả chúng ta đều thuộc về văn hóa đó với các mức độ khác nhau, ít nhất trong thực tế, ngay cả khi chúng ta dùng lời lẽ lên án nó?

Chính từ đó mà phát xuất nhiều vấn đề và sự thiếu hiểu biết giữa Giáo Hội và cái gọi là văn hóa thế tục hôm nay. Ít nhất chúng ta thử xác định mấu chốt thực sự của vấn đề là ở chỗ nào, để thấy nó có lẽ cấu thành một điểm xuất phát cho một cuộc đối thoại khách quan. Điểm chung là ai nấy đều nhận thấy trong cuộc đời này, vui thú và đau khổ nối tiếp nhau đều đặn giống như một cơn sóng vỗ trên biển nối tiếp một sự rút ra lôi về phía sau một người đắm tầu đang cố gắng bơi vào bờ. Vui thú và đau khổ đan xen nhau, không gỡ ra được.

Con người tìm cách tách anh em sinh đôi người Xiêm, tách lạc thú với đau khổ một cách tuyệt vọng. Đôi lúc họ tưởng đạt được điều ấy và trong lúc vui vẻ tột cùng, họ quên đi mọi sự và ăn mừng chiến thắng của nó. Nhưng chỉ một lúc chóng vánh thôi. Đau khổ vẫn còn đó, như một chất uống làm cho say, chất biến thành thuốc độc khi bị oxy hóa. Đây không phải là một sự đau buồn khác, không lệ thuộc hay lệ thuộc vào một lý do khác, nhưng là đau khổ phát xuất từ lạc thú. Chính lạc thú vô trật tự biến thành đau khổ. Và điều đó, hoặc một lượt, cách bi thảm, hoặc gần như đồng thời, vì nó không thể kéo dài và vì cái chết.

Đó là một sự kiện mà con người tự mình có thể nhận thấy và được minh họa bằng cả nghìn cách trong nghệ thuật và văn chương. Tính chất không thể tách biệt giữa tình yêu và sự chết, eros và thanatos, đã từng được người ngoại giáo Lucretius biết đến. Những “hoa đau khổ” – như thi sĩ cho chúng ta hay – vừa mới chớm nở thì mùi của tan rã và sự chết đã tỏa bay.

***

Giáo Hội quả quyết có câu trả lời cho bi kịch thực sự cùa cuộc sống con người. Tại sao lại từ chối cách cắt nghĩa của Giáo Hội, ngay cả trước khi đã thực sự nghe cắt nghĩa đó?

Đây là cách cắt nghĩa. Từ khởi thủy, đã có một sự chọn lựa tự nguyện của con người, có thể làm được nhờ vào bản chất hỗn hợp của họ, đưa con người đến chỗ hoàn toàn hướng khả năng vui mừng tới những sự vật hữu hình, khả năng mà anh ta được ban cho, để khao khát có được Thiên Chúa.

Trước thú vui chọn lựa chống lại Thiên Chúa và chống lại lý trí, Thiên Chúa đã liên kết đau buồn và sự chết xuyên qua chính thiên nhiên (x. St 3,16 tt). Đây là phương thuốc chữa hơn là hình phạt, để đừng xẩy ra là, khi chiều theo tính ích kỷ quá đáng, con người hoàn toàn hủy diệt mình, cũng đừng để xẩy ra là mỗi người hủy diệt người lân cận. Chính như vậy mà ta thấy từ đây sự đau khổ gắn liến với lạc thú như hình với bóng. Thế nhưng lạc thú và đau khổ không bù đắp cho nhau. Đau khổ này không chuộc lại lạc thú, vì chính nó là kết quả của lạc thú, một phần của cùng một biện chứng của tội lỗi.

Thập giá Đức Kitô cuối cùng đã phá vỡ dây liên kết này. Người là Đấng “đã khước từ niềm vui dành cho mình (niềm vui được làm theo ý riêng), mà cam chịu khổ hình thập giá” (proposito sibi gaudio, sustinuit crucem) (x. Dt 12,2), Ngài đã làm trái với những gì Ađam xưa đã làm và ngày nay mỗi người còn làm. Khi làm như vậy Ngài đã đưa vào thế giới một phẩm chất đau khổ mới; thứ đau không phải là kết quả của lạc thú hay lỗi lầm, thứ đau khổ thuần túy xẩy ra tức khắc, nhưng là thứ đau khổ vô tội và tự nguyện. Thánh Maximô Người Tuyên Tín, một trong những nhà tư tưởng sâu sắc nhất của Kitô giáo, đã viết:

“Khác với cái chết của những người khác, cái chết của Chúa không phải là món nợ được trả để đổi lấy lạc thú, mà đúng hơn là một điều gì đó chống lại chính lạc thú. Như vậy, qua cái chết này, Ngài đã thay đổi vận mệnh xứng đáng của con người[4].”

Nhưng mọi sự không chấm dứt ở đây. Thập giá chìm nghỉm trong trong chiến thắng: Đức Kitô đã phục sinh. Ngài đã mở đầu một niềm vui mới, một phẩm chất mới của lạc thú: lạc thú này không đi trước đau khổ như là lý do của nó, nhưng đi sau đau khổ như là kết quả của nó; lạc thú này bắt nguồn từ thập giá và tìm được hy vọng không chấm dứt, ngay cả với cái chết, hy vọng đời sống vĩnh cửu. Và điều này không chỉ có giá trị cho lạc thú thuần túy thiêng liêng, nhưng cho bất cứ niềm vui lương thiện nào, kể cả niềm vui mà đàn ông và đàn bà cảm thấy khi hiến thân cho nhau, trong việc sinh ra một sự sống, thấy con cái mình lớn lên; điều đó cũng có giá trị cho niềm vui nghệ thuật hay sáng tạo, vẻ đẹp, bạn hữu, công việc cuối cùng đi tới thành công; cho bất cứ niêm vui nào.

 Chỉ mình Đức Kitô có thể thật sự chuộc lại lạc thú và niềm vui nhân loại của sự lên án đã và đang đè nặng trên họ, không những vì tội lỗi mà còn vì bản tính là thực tại hư nát, phải chết: “Luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết.” (Rm 8,2)

Thập giá không buộc bạn phải chối bỏ lạc thú, nhưng bắt lạc thú lụy phục ý Thiên Chúa, tìm kiếm và sống nó trong sự vâng phục Lời Ngài và lề luật Ngài đã ban, không phải để phá rối thú vui của con người, nhưng để giữ cho nó khỏi đau khổ và khỏi sự chết bao gồm trong đó. Để xuyên qua những niềm vui nho nhỏ mà con người gặp thấy trên đường, họ khao khát niềm vui không bao giờ kết thúc.

***

Ý muốn của Thiên Chúa là “thập giá” của lạc thú. Nhưng nếu bạn còn ngã, nếu bạn không sẵn sàng đón nhận ngay mọi ý muốn của Thiên Chúa, hãy nhớ rằng thập giá cũng là lời hứa tha thứ và thương xót cho người sa ngã. Bạn không bị buộc phải hao mòn trong lầm lỗi.

Trong thế kỷ chúng ta xuất hiện một cuốn tiểu thuyết nhan đề Vụ án. Trong đó có một nhân vật, một hôm bị bắt giữ mà không ai biết tại sao, lúc anh đang sống bình thường và hoạt động trong nghề nghiệp của mình. Khi đó, anh ta cố hết sức tìm hiểu lý do và điểm chính của các cáo buộc, tòa án, các thủ tục tố tụng. Nhưng không ai có thể nói cho anh ta bất cứ điều gì, ngoại trừ việc anh ta thực sự đang bị xét xử. Cho đến một ngày, người ta đến để đưa anh ta đi xử tử. Chính là lịch sử của nhân loại tranh đấu tới chết, có cảm tưởng về một lầm lỗi thầm kín mà không có thể thoát khỏi.

Trong vụ việc này, người ta được biết anh bắt gặp ba tình huống có thể xẩy ra: thật sự được tha bổng, bề ngoài được tha bổng và hoãn xét. Tuy nhiên, bề ngoài được tha bổng và hoãn xét sẽ không giải quyết được gì; chúng sẽ chỉ khiến cho bị cáo phải ở trong tình trạng bấp bênh chết người trong suốt cuộc đời. Ngược lại, trong trường hợp được thực sự tha bổng, "các biên bản vụ kiện phải được hủy bỏ hoàn toàn, chúng không còn tròng thủ tục tố tụng nữa, không chỉ lời cáo buộc, mà cả vụ án và thậm chí bản án bị phá hủy, mọi thứ đều bị phá hủy[5].” Tuy nhiên người ta không biết liệu việc tha bổng thật sự này, mà anh hằng mong muốn, đã có ngày nào xẩy ra chưa; chỉ có những tiếng nói theo nghĩa này, không gì khác hơn là “những chuyện hoang đường rất hay”. Cũng như tất cả các tiểu thuyết khác của tác giả, tác phẩm kết thúc thế này: có một cái gì đó mà người ta thoáng thấy từ xa, người ta mơ tưởng, nhưng không bao giờ đạt được.

Ngày Thứ Sáu Thánh, chúng ta có thể kêu lên với hàng triệu người có tình trạng được người bị cáo kia minh giải: có sự tha bổng thực sự, không chỉ là chuyện hoang đường, một sự việc tuyệt vời nhưng ngoài tầm với. Không. Đức Giêsu đã xóa “sổ nợ của chúng ta; đã hủy bỏ nó đi bằng cách đóng đinh nó vào thập giá” (x. Cl 2,14). Ngài đã phá hủy tất cả. “Những ai ở trong Đức Kitô Giêsu, thì không còn bị lên án nữa” (Rm 8,1). Không còn án phạt nữa! Bất cứ loại nào! Cho những ai tin vào Đức Kitô Giêsu!

***

Như vậy, ngày hôm nay mầu nhiệm thập giá vẫn còn tỏa sáng. Fulget crucis mysterium! Mới đây, nhân cuộc khủng hoảng hiện nay về sự thiêng thánh, một nhà xã hội học đã viết:

“Tâm hồn của Tây phương đã trở nên cằn cỗi. Đó là một đền chư thần, mở rộng cho hết mọi thần linh, nhưng nghèo nàn về thiêng thánh. Tôn giáo hình thức, tôn giáo xã hội, tôn giáo của những việc thiện không nói cho hết mọi người. Trong chiều sâu của xã hội, người ta cần một sự tiếp xúc với thần linh. Nó làm giãn nở tâm hồn và ban sức mạnh, niềm vui, hy vọng và một nhận thức tự hào về cuộc sống[6]”.

Đó chính là điều mà lời rao giảng về thập giá đã tiến hành trong những ngày đầu của Kitô giáo. Giống như một làn sóng hy vọng và niềm vui không thể kiểm soát, nó đã đổ dồn qua tất cả những gì con người của đế chế Rôma suy tàn tìm nơi ẩn náu: các tôn giáo huyền bí, ma thuật, thần giáo, tôn giáo mới. Người ta đã có cảm giác về “một mùa xuân mới của thế giới”.

Việc rao giảng về thập giá Đức Kitô có thể làm như vậy ngày hôm nay, trong “giai đoạn lo âu” của chúng ta, miễn là chúng ta mang lại cho nó hơi thở, sự nhiệt tình, niềm tin khi đó. Một Giáo Hội quốc gia châu Âu mới đây đã nói với một đại lý quảng cáo để biết xem có thể trình bầy sứ điệp Phúc Âm như thế nào, vào dịp lễ Phục Sinh. Và lời khuyên người ta được nghe là trước tiên hủy bỏ biểu tượng thập giá, bị coi là không hợp thời và quá buồn bã! Thật là một sự thiếu hiểu biết kinh khủng!

Việc cần làm là cũng phải “khám phá ra” thập giá trong tâm hồn người Kitô hữu, như điều đó đã xẩy ra trong lịch sử và trong phụng vụ, Chờ gì chúng ta cũng phải đi từ thập giá, dấu chỉ của hình phạt và chúc dữ, tới thập giá cứu độ và tha thứ, “niềm hy vọng duy nhất”, thập giá là lý do để tự hào. Đến độ chúng ta cảm thấy được thúc đẩy để vui mừng kêu lên như thánh Phaolô: “Ước gì tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô!” (Gl 6,14)

Lát nữa đây Đức Giáo Hoàng sẽ mở rộng thập giá bên trên đầu chúng ta, và cũng là người, trong Năm Thánh 2000, sẽ vượt qua cửa thánh, mang thập giá Đức Kitô trước ngài, là biểu tượng của Giáo Hội, một Giáo Hội hết năm này đến năm khác, hết thế kỷ này đến thế kỷ khác, hết thiên niên kỷ này đến thiên niên kỷ khác, chuyển đạt nguyên vẹn cho thế giới điều cao quý nhất mình nắm giữ: mầu nhiệm thập giá Đức Giêsu Kitô. Quả vậy, trong ngày hôm nay mầu nhiệm thập giá tỏa sáng: Fulget crucis mysterium!

Lm. Micae Trần Đình Quảng
Chuyển ngữ từ: Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié,
EdB, 2018, pp. 177-189




[1] Homélies pascales, 51, in Sources chrétiennes, n0 27, p. 177-178.

[2] Ibid.

[3] Actes d’André, dans Lipsius-Bonnet, Acta Apostolorum Apocrypha, II, p. 54 tt.

[4] Maximô Người Tuyên Tín, Capitoli vari, IV, cent. 39; in Philocalia, 2 Torino, 1983, p. 249.

[5] F. Kafka, Le Procès

[6] F. Alberoni, trong Il Corriere della sera 27 mars 1996, tr.1.