NĂM 2014: “GIUĐA, KẺ NỘP NGƯỜI, CŨNG ĐỨNG CHUNG VỚI HỌ”
Đây là bài giảng của Đức Hồng y Raniero Cantalamessa OFM Cap, giảng thuyết Phủ Giáo Hoàng, vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2014 với sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng và Giáo triều Roma. Mở đầu bài giảng, ngài nói:
Lịch sử Thiên Chúa và con người của Đức Giêsu chứa đựng nhiều câu chuyện ngắn về những người nam nữ bước vào những mảng sáng tối của nó. Bi thảm nhất là câu chuyện Giuđa Iscariốt. Một trong những sự kiện hiếm hoi được bốn Phúc Âm và phần còn lại của Tân Ước chứng thực, với tầm quan trọng ngang nhau. Cộng đồng Kitô giáo đầu tiên đã suy nghĩ nhiều về câu chuyện này và chúng ta sẽ sai lầm khi không làm như thế. Nó có nhiều điều để dạy chúng ta.
Giuđa đã được chọn ngay từ giây phút đầu tiên để trở thành một trong nhóm Mười Hai. Khi ghi tên anh ta vào danh sách các tông đồ, thánh sử Luca viết: "Giuđa Iscariot, người đã trở thành [egeneto] kẻ phản bội” (Lc 6,16). Vì vậy, Giuđa đã không sinh ra là kẻ phản bội, cũng không phải kẻ phản bội khi Đức Giêsu chọn anh; anh trở thành kẻ phản bội! Chúng ta đứng trước một trong những bi hài kịch đen tối nhất về sự tự do của con người.
Tại sao anh ta trở nên như vậy? Cách đây không lâu, khi luận đề về Đức Giêsu "cách mạng" đã lôi cuốn nhiều người, người ta đã tìm cách gán cho hành động của anh những động lực lý tưởng. Một số người thấy biệt danh "Iscariot" của anh là biến dạng của từ "sicariote", nghĩa là thuộc về nhóm người nhiệt thành cực đoan, ủng hộ việc sử dụng gươm (sica) chống lại người Rôma; những người khác nghĩ rằng Giuđa đã thất vọng về cách Đức Giêsu theo đuổi ý tưởng của Ngài về "Nước Thiên Chúa" và anh ta muốn buộc Ngài ra tay, thúc đẩy Ngài hành động trên phương diện chính trị chống lại những kẻ ngoại đạo. Đó là Giuđa của vở nhạc kịch nổi tiếng "Jesus-Christ Superstar" cũng như của các vở kịch và tiểu thuyết khác gần đây. Một Giuđa gần giống với Brutus, một kẻ nổi tiếng khác phản bội ân nhân của mình, người đã giết Giuliô Caesar, nghĩ rằng đó là cách cứu nước cộng hòa!
Những tái tạo câu chuyện này đáng được tôn trọng khi chúng có giá trị văn học hay nghệ thuật, nhưng chúng không có cơ sở lịch sử nào. Các Phúc Âm - nguồn đáng tin duy nhất chúng ta có về nhân vật - nói về một lý do tầm thường hơn: đó là tiền. Giuđa giữ túi tiền chung của nhóm; nhân dịp cô Maria xức dầu thơm ở Bêtania, anh ta đã phản đối chuyện cô đổ dầu thơm trên chân Ngài là lãng phí, không phải vì lo lắng cho người nghèo, như Gioan lưu ý, nhưng vì "y là một tên ăn cắp. Y giữ túi tiền và thường giữ lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12,6). Đề nghị của anh ta với các vị thượng tế là rõ ràng: "Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu? Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc.” (Mt 25,15)
***
Nhưng tại sao phải ngạc nhiên về lời giải thích này và thấy nó quá tầm thường? Hôm nay không phải như vậy sao? Mammon, thần tài, không phải là một ngẫu tượng trong số nhiều ngẫu tượng khác; đó là thần bằng antonomase: nghĩa đen là "thần bằng kim loại nóng chảy" (x. Xh 34,17). Và chúng ta hiểu tại sao. Khách quan mà nói, nếu không phải là chủ quan (nói cách khác, dựa trên sự kiện, nếu không phải là trên ý định) ai là kẻ thù thực sự, đối thủ cạnh tranh với Thiên Chúa, trong thế giới này? Satan chăng? Nhưng không ai quyết định phục vụ Satan mà không có lý do. Nếu người đó làm như vậy chính là vì anh ta tin rằng mình có được một quyền thế hoặc một lợi ích trần tục nào đó từ Satan. Dựa trên các sự kiện, ai là người chủ khác, người đối nghịch với Thiên Chúa? Đức Giêsu cho biết rõ về người đó: "Không ai có thể làm tôi hai chủ, hoặc sẽ gắn bó với chủ này và khinh dể chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24). Tiền hay thần tài là "thần hữu hình", ngược với Thiên Chúa thật sự là Đấng vô hình[1]."
Mammon là thần đối nghịch với Thiên Chúa vì nó tạo ra một vũ trụ tinh thần thay thế và làm cho những thần đức có một đối tượng khác. Đức tin, đức cậy và đức ái không còn dựa vào Thiên Chúa, nhưng vào tiền. Một sự đảo ngược đáng sợ mọi giá trị bắt đầu xẩy ra. “Mọi sự đều có thể đối với người tin” (Mc 9,23); nhưng người đời nói: "Mọi thứ đều có thể đối với người có tiền" (hoặc: “Có tiền mua tiên cũng được”). Và, ở một mức độ nào đó, tất cả các sự kiện dường như chứng minh anh ta đúng.
Kinh Thánh nói: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1Tm 6.10). Đằng sau mỗi tội ác trong xã hội chúng ta đều là tiền, hoặc ít nhất cũng là tiền. Tiền là Moléc của Kinh Thánh, thần mà để tế, người ta làm lễ thiêu các bé trai và bé gái (x. Gr 32,35), hay thần của người Aztec, thần mà để tế, người ta phải dâng hàng ngày một số nhất dịnh quả tim người. Có điều gì đàng sau việc buôn bán ma túy hủy hoại rất nhiều mạng sống của con người, việc khai thác mại dâm, hiện tượng các nhóm mafia khác nhau, tham nhũng chính trị, chế tạo và buôn bán vũ khí, thậm chí - nghĩ đến chuyện mà thấy kinh - đàng sau việc bán nội tạng trẻ em? Và cuộc khủng hoảng tài chính mà thế giới đã trải qua, và đất nước này vẫn đang trải qua, lại không phải phần lớn là do lòng "tham lam đáng nguyền rủa về vàng bạc", auri sacra fames[2], của một vài người sao? Giuđa đã bắt đầu bằng cách rút một ít tiền từ quỹ chung. Việc này không nói lên điều gì với một số người điều hành công quỹ sao?
Nhưng bỏ qua những biện pháp hình sự đối với việc tích lũy tiền bạc này, phải chăng không phải là một tai tiếng khi một số người lãnh lương và lương hưu cao hơn gấp năm mươi hoặc một trăm lần so với lương và lương hưu của những người làm việc cho họ và họ lên tiếng khi có một đề nghị đòi họ phải giảm lương, để xã hội được công bằng hơn sao?
Trong những năm bảy mươi và tám mươi, để giải thích những thay đổi chính trị bất ngờ ở Ý, những trò chơi ngầm về quyền lực, khủng bố và đủ loại huyền bí đánh vào cuộc sống dân sự, người ta quả quyết ý tưởng gần như huyền thoại về sự tồn tại của một "Bố Già”: một nhân vật xảo quyệt và quyền thế, người đứng sau hậu trường giật dây nhằm những mục đích mà chỉ mình ông ta biết. "Bố Già" này thực sự tồn tại, không phải là một huyền thoại; tên của ông ta là Tiền!
Giống như tất cả các ngẫu tượng, tiền là "giả tạo và dối trá": nó hứa an toàn nhưng lại lấy đi; hứa tự do nhưng lại phá hủy tự do. Thánh Phanxicô Assisi mô tả, thường một cách nghiêm trọng, giờ phút kết thúc cuộc đời của một người chỉ sống để tăng "vốn" của mình. Cái chết đang đến gần; một linh mục được mời đến. Linh mục hỏi người đang hấp hối: "Con có muốn được tha tội không?", ông lời: "Thưa cha, có". "Con có muốn dùng tài sản của con, nếu có thể, để sửa chữa lỗi lầm và trả lại cho những người con đã đánh cắp và lừa đảo không? Và ông nói: "Thưa cha, con không thể". "Sao lại không thể?" "Vì con nhờ họ hàng và bạn bè con giữ hết rồi". Như thế, ông chết đi mà không hối cải. Ông vừa mới chết, họ hàng và bạn bè của ông nói với nhau: "Thằng chết tiệt! Lẽ ra nó đã có thể thu tích nhiều hơn và để cho chúng ta tất cả tài sản của nó, thế mà nó lại không làm[3]!"
Trong những ngày này, biết bao lần chúng ta lẽ ra đã phải nghĩ lại tiếng Đức Giêsu kêu lên với nhà phú hộ trong dụ ngôn đã miệt mài thu tích của cải và cảm thấy được bảo đảm cho đến hết đời: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20) Những người được đặt vào các vị trí có trách nhiệm không còn biết ngân hàng nào hoặc thiên đường thuế khóa nào đang tàng trữ tiền bạc mình có được do tham nhũng, đang ngồi trên ghế bị cáo, hoặc trong phòng giam của nhà tù, chính vào lúc họ chuẩn bị tự nhủ: "Hồn ta hỡi, bây giờ hãy tận hưởng đi". Họ đã làm điều đó cho ai? Có đáng không? Có phải họ thực sự làm điều tốt cho con cái và gia đình của họ, hay cho đảng phái họ, nếu đó là những gì họ tìm cách kiếm được? Hay không phải họ đã hủy hoại bản thân và những người khác sao? Thần tài có nhiệm vụ đích thân trừng phạt những người tôn thờ mình.
***
Sự phản bội của Giuđa vẫn tiếp tục trong lịch sử và "người bị phản bội" luôn luôn là Ngài, Đức Giêsu. Giuđa đã bán thủ lãnh, những người theo ông bán thân thể Ngài, vì những người nghèo là chi thể của Đức Kitô: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đay, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40) Nhưng sự phản bội của Giuđa không chỉ tiếp diễn trong những vụ việc vang dội như những vụ việc tôi vừa gợi ra. Tin như thế rất tiện lợi cho chúng ta, nhưng không phải vậy. Bài giảng của Don Primo Mazzolari[4] ngày Thứ Năm Tuần Thánh về "Người anh em Giuđa của chúng ta" vẫn nổi tiếng. Ngài nói với một vài giáo dân hiện diện trước mặt: "Hãy để tôi suy nghĩ một chút về Giuđa ở trong đáy lòng tôi, về Giuđa có lẽ cũng ở nơi bạn."
Người ta có thể phản bội Đức Giêsu vì những hình thức khen thưởng khác không phải là ba mươi đồng bạc. Ai phản bội vợ hoặc chồng là phản bội Đức Kitô. Thừa tác viên của Thiên Chúa không trung thành với bậc sống của mình, hay người thay vì chăn chiên lại chăn mình, người đó phản bội Đức Giêsu. Bất cứ ai phản bội lương tâm mình, là phản bội Đức Giêsu. Ngay cả tôi cũng có thể phản bội Ngài - và tôi run sợ về điều này - nếu trong khi giảng về Giuđa, tôi quan tâm đến sự đồng thuận của thính giả hơn là chia sẻ nỗi đau khổ bao la của Đấng Cứu Thế. Giuđa đã có những tình tiết giảm nhẹ mà chúng ta không có. Anh ta không biết Đức Giêsu là ai, chỉ nghĩ rằng Ngài là "một người vô tội" (Mt 27,4); Anh ta không biết Ngài là Con Thiên Chúa, còn chúng ta, chúng ta biết rõ.
Giống như mọi năm, khi gần đến lễ Phục sinh, tôi muốn nghe lại bản Cuộc Khổ Nạn theo thánh Matthêu của Bach. Có một chi tiết khiến mỗi lần nghe là mỗi lần tôi giật nẩy mình. Khi Đức Giêsu nói trước sự phản bội của Giuđa, tất cả các Tông đồ đều hỏi Ngài: "Thưa Thầy, có phải con không?" Herr, bin ich? Nhưng trước khi cho chúng ta nghe câu trả lời của Đức Kitô, hủy bỏ mọi khoảng cách giữa biến cố và việc tưởng niệm biến cố, nhà soạn nhạc đã xen một đoạn hợp xướng bắt đầu thế này: "Chính tôi, chính tôi là kẻ phản bội! Tôi phải ăn năn thống hối!" , Ich bin’s, ich solte buβen. Giống như tất cả các đoạn hợp xướng của tác phẩm này, đoạn này diễn tả tình cảm của dân chúng đang nghe; nó là một lời mời gọi để cả chúng ta cũng thú nhận tội lỗi của chúng ta.
Phúc Âm mô tả Giuđa kết thúc cuộc đời mình khủng khiếp như thế nào: "Bấy giờ Giuđa, kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan. Nhưng họ đáp: Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh. Giuđa ném số bạc vào Đền thờ và ra đi thắt cố.” (Mt 27,3-5)
Nhưng chúng ta đừng vội xét. Đức Giêsu không bao giờ bỏ rơi Giuđa và không ai biết anh ta đã rơi xuống chỗ nào khi ông treo mình trên cây với sợi dây quanh cổ: không biết rơi vào tay Satan hay vào tay Thiên Chúa. Ai có thể nói điều gì đã xảy ra nơi tâm hồn anh trong những khoảnh khắc cuối cùng này? "Này bạn", đó là lời cuối cùng của Đức Giêsu nói với anh trong vườn cây dầu mà anh không thể quên, cũng như không thể quên ánh mắt của Ngài.
Đúng là khi nói về các môn đệ của mình với Chúa Cha, Đức Giêsu đã nói về Giuđa: "Không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng” (Ga 17,12), nhưng cũng như trong nhiều trường hợp khác, ở đây Ngài nói trong viễn tượng về thời gian chứ không phải về vĩnh cửu. Một lời khủng khiếp khác về Giuđa: "Thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn.” (Mc 14,21) cũng được giải thích bởi sự to lớn của sự kiện, không cần phải nghĩ đến một thất bại mãi mãi. Số phận vĩnh cửu của thụ tạo là một bí mật bất khả xâm phạm của Thiên Chúa. Giáo Hội bảo đảm với chúng ta rằng một người nam hay nữ được tuyên bố là thánh là người được hạnh phúc vĩnh cửu; nhưng Giáo Hội không thể quả quyết về một ai là người đó đang ở trong hỏa ngục. Trong Thần Khúc, tác giả Dante Alighieri, người cho thấy Giuđa bị giam ở tầng sau nhất nơi hỏa ngục, kể lại sự hoán cải vào phút chót của Manfred, con trai của Frédérique II, vua xứ Sicile. Mọi người khi đó nghĩ rằng anh ta bị phạt, vì chết khi bị vạ tuyệt thông. Bị tử thương trong một trận chiến, anh tâm sự với nhà thơ rằng vào giây phút cuối đời, anh đã khóc lóc đến với Đấng "sẵn sàng tha thứ" và, từ luyện ngục, qua nhà thơ, anh gửi thông điệp này về thế gian, một thông điệp cũng có giá trị đối với chúng ta:
“Tội lỗi của tôi thật kinh khủng;
Nhưng lòng nhân từ của Thiên Chúa có những cánh tay thật lớn lao
Đến độ ôm lấy những ai đến với mình[5]."
Đấy là những gì câu chuyện về người anh em Giuđa của chúng ta phải thúc đẩy chúng ta: đến với Đấng sẵn sàng tha thứ, nhào vào vòng tay của Đấng chịu đóng đinh. Trong câu chuyện về Giuđa, điều quan trọng nhất không phải là sự phản bội của anh ta, nhưng là câu trả lời Đức Giêsu dành cho anh ta. Ngài biết rõ những gì đang chín muồi trong lòng người môn đệ; nhưng Ngài không để lộ ra, Ngài muốn cho Giuđa cơ hội cuối cùng để quay trở lại, như thể đang bảo vệ anh ta. Ngài biết tại sao anh ta đến, nhưng trong vườn cây dầu Ngài không từ chối nụ hôn lạnh băng của anh ta, thậm chí đi đến chỗ gọi anh ta là "bạn" (x. Mt 26,50). Cũng như Ngài tìm kiếm khuôn mặt của Phêrô sau khi chối Ngài để tha thứ cho anh, ai dám chắc Ngài lại không tìm kiếm khuôn mặt của Giuđa ở ngã rẽ nào đó trên con đường thập giá cùa Ngài! Khi Ngài cầu nguyện trên thập giá: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34), chắc chắn Ngài không loại trừ Giuđa.
Vậy chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ theo ai, Giuđa hay Phêrô? Phêrô đã hối hận vì những gì mình đã làm, nhưng Giuđa cũng rất hối hận đến nỗi thốt lên: "Tôi đã phản bội nộp người vô tội" và trả lại ba mươi đồng bạc. Vậy đâu là sự khác biệt? Khác ở một điều thôi: Phêrô tin cậy vào lòng thương xót của Đức Kitô, còn Giuđa thì không! Tội lớn nhất của Giuđa không phải là đã phản bội Đức Giêsu, nhưng đã nghi ngờ lòng thương xót của Ngài.
Nếu chúng ta, người nhiều kẻ ít, đã bắt chước anh ta phản bội, đừng bắt chước anh thiếu lòng tin tưởng vào ơn tha thứ của Đức Kitô. Có một bí tích giúp chúng ta có thể cảm nghiệm được lòng thương xót của Đức Kitô, đó là bí tích hòa giải. Một bí tích thật đẹp! Thật là ngọt ngào khi trải nghiệm Đức Giêsu là Thầy, là Chúa, nhưng còn ngọt ngào hơn khi trải nghiệm Ngài là Đấng Cứu Chuộc: giống như Đấng đưa bạn ra khỏi vực thẳm, giống như lúc Ngài kéo Phêrô lên khỏi nước khi Phêrô chạm tới Ngài, giống như Ngài đã làm với người phong cùi, và nói với bạn: "Tôi muốn, anh sạch đi!” (Mt 8.3).
Sự xưng tội cho phép chúng ta sống những gì Giáo Hội nói về tội của Ađam trong bài ca Exultet: "Ôi, tội hồng phúc, vì cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc rất cao sang!" Tất cả tội lỗi của con người, một khi chúng ta ăn năn thống hối, thì Đức Giêsu biết biến thành “những tội hồng phúc”, những tội mà chúng ta không có ký ức nào về chúng, ngoại trừ kinh nghiệm về lòng thương xót và nhân từ của Thiên Chúa, mà tội lỗi đã tạo ra cơ hội!
Tôi có một ước nguyện cho bản thân tôi cũng như cho tất cả các cha, các anh chị em: chớ gì buổi sáng ngày Phục sinh, chúng ta có thể thức dậy và nghe vang lên trong trái tim ta những lời của một người hoán cải vĩ đại trong thời đại ta, nhà thơ và nhà viết kịch Paul Claudel:
“Lạy Thiên Chúa của con, con đã sống lại và con lại đang ở với Chúa!
Con đã ngủ và xuôi tay như một người chết trong đêm.
Thiên Chúa nói: Hãy có ánh sáng!
Con thức dậy vì một tiếng lớn được hô lên! […]
Cha của con đã sinh ra con trước Bình minh,
Con đặt mình trong sự Hiện diện của Chúa.
Trái tim con được tự do, môi miệng con trong sạch,
Thân xác và tâm trí con đang chay tịnh.
Con được tha mọi tội lỗi
Mà con đã xưng thú từng tội một.
Nhẫn cưới nơi ngón tay con và mặt mũi con được rửa sạch.
Con như một con người vô tội
Trong ân sủng mà Chúa đã ban cho con[6].”
Đó là những gì cuộc Vượt Qua của Đức Kitô có thể làm cho chúng ta.
[1] W, Shakespeare, Timon of Athens, act. IV, sc. 3.
[2] Virgilius, Enéide, 3, 56-57.
[3] Phanxicô Assisi, Lettre à tous fidèles, 12.
[4] Primo Mazzolari, còn gọi là Don Primo, 1890-1959, là một linh mục Công giáo người Ý, kháng chiến, sau đó vào năm 1949 sáng lập tạp chí Adesso. Là cha sở của Bozzolo, cha là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong giới Công giáo Ý trong nửa đầu thế kỷ 20. Tư tưởng của cha đã đi trước một số định hướng của Công đồng Vatican II, đặc biệt liên quan đến "Giáo hội của người nghèo", tự do tôn giáo, đa nguyên.
[5] Purgatoire, III, 118-120.
[6] Paul Claudel, “Prière pou le dimanche matin”, in Oeuvres poétiques, Gallimard, Paris, 1967, p. 377