NĂM 1994: “ĐỨC KITÔ ĐÃ YÊU THƯƠNG HỘI THÁNH, VÀ HIẾN MÌNH VÌ HỘI THÁNH”
Đây là bài giảng của Đức Hồng y Raniero Cantalamessa OFM Cap, giảng thuyết Phủ Giáo Hoàng, vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1994 với sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng và Giáo triều Roma. Mở đầu bài giảng, ngài nói:
“Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra.” (Ga 19,34). Suy nghĩ về những lời trên đây, có một lúc Giáo Hội như bị một mạc khải làm cho choáng váng. Thánh Gioan Kim Khẩu kêu lên:
“Bạn thân mến, đừng vội đi bên rìa mầu nhiệm này, vì tôi có một cách giải thích thần bí để trình bầy cho bạn. Máu và nước này là biểu tượng của phép rửa tội và phép Thánh Thể, từ đó Giáo Hội đã được sinh ra. Chính từ cạnh sườn của Đức Kitô mà Giáo Hội được hình thành, như Evà đã được hình thành từ cạnh sườn Ađam… Và cũng như Evà được lấy ra từ cạnh sườn Ađam lúc ông đang ngủ, cũng vậy Đức Kitô đã ban máu và nước sau khi chết. Như vậy cái chết lúc này là giấc ngủ khi ấy. Bạn hãy xem Đức Kitô đã gắn bó với hiền thê của mình như thế nào?[1]”
Bên Tây phương, thánh Augustinô cũng làm vọng lại những lời trên đây:
“Người đàn bà đầu tiên hình thành từ cạnh sườn của người đàn ông đang ngủ, và bà đã được gọi là sự sống và là mẹ của các người sống. Ở đây, Ađam thứ hai, khi gục đầu xuống, ngủ trên thập giá, để như thế hiền thê của mình hình thành từ máu và nước vọt ra từ cạnh sườn của mình[2].”
Tất cả những điều đó giúp cho chúng ta thấy trong một ánh sáng mới mẻ phụng vụ chúng ta đang cử hành. Thoạt nhìn, người ta hẳn có thể nghĩ là phụng vụ ngày Thứ Sáu Thánh thuộc loại các thrènes, tức những bài thán ca đọc lên khi có người chết hoặc dựa vào một người chết; hoặc thuộc loại épinicte, qua đó người ta mừng một cuộc chiến thắng. Có điều gì đó đúng trong cả hai cách giải thích: chúng ta khóc thương một cái chết và cử hành một cuộc chiến thắng, vì trên thập giá, “Sư tử xuất thân từ chi tộc Giuđa đã chiến thắng (enikèsen)” (Kh 5,5).
Tuy vậy phụng vụ Thứ Sáu Thánh đặc biệt là một épithalame, một bài ca hôn lễ. Trong Kinh Thánh, có một thánh vịnh mang tựa đề “Bài ca mừng hôn lễ Quân Vương”, được sáng tác cho hôn lễ của hoàng tử và hoàng hậu, mà truyền thống áp dụng cho Đức Kitô và Giáo Hội. Thánh vịnh mở đầu như sau: “Lòng trào dâng những lời cẩm tú, miệng ngâm thơ mừng chúc thánh quân.” (Tv 45,2) Có lời chép về quân vương: “Giữa thế nhân, ngài vô song tuyệt mỹ” (Tv 45,3), về hoàng hậu: “Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào, đưa mắt nhìn và hãy lắng tai, quên dân tộc quên đi nhà thân phụ. Sắc nước hương trời Quân Vương sủng ái” (Tv 45,11-12). Trong cả bài ca này, người ta nói về vẻ đẹp.
Tuy vậy, trong Tân Ước cũng có một bài ca hôn lễ, cố ý viết cho tân hôn của Đức Kitô và Giáo Hội. Đó là thư gửi tín hữu Ephêsô. Chúng ta đọc thấy như sau:
“Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh, để thánh hóa Hội Thánh [..] để trước mặt Người có một Hội Thánh xinh đẹp, lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền [..] Có ai ghét thân xác mình bao giờ, trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh [..] Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh.” (Ep 5,25-27.29.31-32)
***
Trong thư Ephêsô có một sự tiến triển đầy ý nghĩa khi nói về Giáo Hội, một loại nỗ lực vào sâu hơn trong mầu nhiệm Giáo Hội. Trước hết, Giáo Hội được trình bầy như một công trình xây dựng, như “nhà của Thiên Chúa” có “đá tảng góc tường là chính Đức Kitô” (Ep 2,20). Tương quan giữa Đức Giêsu và Giáo Hội được đồng hóa với tương quan giữa nền móng và ngôi nhà được xây dựng trên đó. Trước đó trong cũng lá thư, Giáo Hội được trình bầy như Thân Thể Đức Kitô. Người ta thấy trong đó Thiên Chúa đặt kẻ này làm tông đồ, người nọ làm tiên tri, “để xây dựng Thân Thể Đức Kitô” (Ep 4,11-12). Ở đây, tương quan giữa hai bên được đồng hóa với tương quan giữa đầu và thân thể: “Chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu.” (Ep 4,15)
Tuy nhiên, thánh Tông Đồ dương như chưa hài lòng với những hình ảnh tòa nhà và thân thể; ngài còn cho chúng ta một hình ảnh khác: hình ảnh hiền thê. Khi Ađam trông thấy Evà, ông đã kêu lên: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thị bởi thịt tôi!” (St 2,23). Đó chính là điều giờ đây Đức Kitô nói về Giáo Hội của Ngài.
Khác nhau ở chỗ nào? Tòa nhà không phải là một “đối tác”, một người đương đối để đối thoại. Ngay cả thân thể của chúng ta cũng không phải là một nhân vị đối diện với tôi cách tự do, người tôi có thể yêu và có thể yêu lại tôi. Nhưng hiền thê, chính nàng, là tất cả những cái đó. Ađam mới cũng tìm kiếm “một người đương đối” với Ngài, và đã tìm thấy!
***
Nhưng tới giai đoạn này, để làm thành của tôi những lời vị Giáo Phụ xưa mà tôi đã nhắc đến ở trên, tôi phải nói lại rằng: “Bạn thân mến, đừng đi qua nhanh quá, vì tôi còn có một nhận xét khác để đề nghị với bạn”. Quả quyết của thánh Tông Đồ “Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh” hàm ý một câu hỏi; quả quyết ấy làm cho câu hỏi này vang dội trên không, nếu có thể nói được như thế. Đức Kitô đã yêu thương Giáo Hội: vậy bạn, bạn có yêu thương Giáo Hội không?
“Không ai ghét thân xác mình”, nghĩa là hiền thê của mình. Đức Kitô lại càng không. Vậy thưa bạn, sao bạn lại nói: “Yêu mến Thiên Chúa thì được, nhưng yêu thương Giáo Hội thì không?” Tại sao bạn dễ dàng chỉ ngón tay tố cáo mẹ mình khi nói: “Chỗ này Giáo Hội lầm, chỗ kia Giáo Hội lầm; lẽ ra Giáo Hội nên nói, lẽ ra Giáo Hội nên làm…?” Chúa nói: “Ngươi là ai mà dám tố cáo hiền thê Ta yêu”. “Đâu là tờ ly hôn mà Ta đã viết để rẫy mẹ các ngươi?” (Is 50,1) Thiết nghĩ lời trên đây cũng là nói cho nhiều người Kitô hữu hôm nay: “Ở đâu nói rằng Ta đã rẫy mẹ các ngươi, rằng bà ấy không còn phải là hiền thê của Ta nữa?”
Giáo Hội cũng là “phiến đá thợ xây nhà loại bỏ” (Cv 4,11 và Tv 118,22), những người thợ xây đắp văn minh trần thế hiện đại. Giáo Hội là “hiền thê bị rẫy”, nhưng là bị con người rẫy chứ không phải Thiên Chúa: “Thiên Chúa thì trung tín” (1Cr 1,9; 10,13; 2Cr 1,18). Có một kiểu nói tiếng Anh thích hợp để chỉ loại người tín hữu này: unchurched Christians, những Kitô hữu không Giáo Hội. Họ không nhận ra rằng, bằng cách này, họ không những mất đi Giáo Hội mà còn mất đi cả Đức Kitô (trừ khi họ lấy lý do không biết hoặc vì ý ngay). Những gì Đức Giêsu nói về hôn nhân càng có giá trị cho Đức Kitô và Giáo Hội: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6).
Ai không yêu mến Giáo Hội (ít nhất một khi đã biết Giáo Hội) thì cũng không yêu mến Đức Kitô. Thánh Cyprianô nói: “Không thể có Thiên Chúa là Cha người nào không có Giáo Hội là mẹ[3].” Và có Giáo Hội là mẹ không chỉ có nghĩa là đã được rửa tội trong Giáo Hội, mà còn là quý mến, kính trọng, yêu thương Giáo Hội như một người mẹ, cảm thấy liên đới với Giáo Hội trong điều tốt nhất cũng như trong điều tệ nhất.
Từ ngoài đường, nếu nhìn vào cửa sổ kính mầu ở các đại thánh đường cổ, người ta chỉ thấy những ô kính mầu tối được các que chì đen gắn lại với nhau. Nhưng nếu vượt qua ngưỡng của nhìn từ trong ra, đối diện với ánh sáng, chúng ta sẽ thấy một khung cảnh đầy mầu sắc với những hình thể làm chúng ta phải sửng sốt. Đó chính xác là những gì đang xẩy ra cho Giáo Hội. Bất cứ ai lấy con mắt thế gian nhìn từ bên ngoài, thì chỉ thấy những góc cạnh tăm tối và những chuyện khó chịu, nhưng ai lấy mắt đức tin nhìn từ bên trong và coi mình như thuộc thành phần của Giáo Hội, sẽ thấy điều thánh Phaolô đã thấy: một tòa nhà tuyệt vời, một thân thể có thể tạng tốt, một người vợ không tỳ ố, một “mầu nhiệm lớn”! Bất cứ ai đứng bên ngoài nhà thờ này nhìn vào cửa sổ kính mầu nhỏ trước mắt sẽ không thấy gì đặc biệt, mà chỉ thấy một cửa kính mờ tối; nhưng chúng ta là những người đang ở đây, chúng ta thấy rõ ở đó một con chim bồ câu sáng láng: Chúa Thánh Thần.
***
Có lẽ bạn sẽ nói: “Coi, Giáo Hội lộn xộn, rời rạc, có những gương mù mà ngay cả một số Giáo Hoàng cũng đã gây ra, không phải sao?” Chắc chắn bạn nói điều đó vì bạn suy luận theo con người, một con người xác thịt, và bạn không thể chấp nhận điều này là Thiên Chúa bày tỏ quyền năng và tình yêu của Ngài qua sự yếu đuối. Chính bạn không thể đạt tới chỗ vô tội, và bạn đòi hỏi điều đó nơi Giáo Hội, trong khi Thiên Chúa đã quyết định bày tỏ vinh quang và sự toàn năng của mình qua sự yếu đuối này và qua sự bất toàn kinh khủng này của con người, kể cả những “người của Giáo Hội”, và chính Giáo Hội này mà Ngài đã chọn làm hiền thê, một hiền thê tuyệt vời ở chỗ làm sáng lên nơi mình lòng thương xót của Ngài. Con Thiên Chúa đã đến thế gian này, được Giuse dậy cho thành một thợ mộc giỏi, thu thập những mảnh ván nhỏ có thể dùng được nhất, lỗ chỗ nhiều mắt nhất mà Ngài có thể tìm thấy, từ đó Ngài làm ra chiếc thuyền có thể đi biển từ hai ngàn năm nay!
Tội lỗi của Giáo Hội! Bạn có tin rằng Đức Giêsu biết rõ hơn bạn chăng? Ngài không biết Ngài chết cho ai, cũng không biết các môn đệ lúc ấy ở đâu sao? Tuy vậy Ngài đã yêu Giáo Hội thực tế này, không phải một Giáo Hội tưởng tượng hay lý tưởng nào.. Ngài đã chết “để làm cho Giáo Hội được thánh thiện và tinh tuyền”, và không phải vì Giáo Hội đã thánh thiện và tinh tuyền. Đức Kitô đã yêu thương Giáo Hội “trong hy vọng” (x. Rm 8,24): không chỉ vì điều mà Giáo Hội “là”, nhưng còn vì điều mà Giáo Hội “sẽ là”: đó là Giêrusalem trên trời “sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (Kh 21,2).
Nhưng chung quy, tại sao Giáo Hội của chúng ta lại quá nghèo nàn và chậm chạp đến vậy? Có bao giờ chúng ta tra vấn điều đó chưa? Ông Primo Mazzorali, người không tiếc lời khen Giáo Hội thể chế, đã viết: “Lậy Chúa, con là xác thịt ốm yếu của Chúa. Con đè lên Chúa như thập giá nặng nề, như vai không chống lại. Vì không muốn để con nằm dưới đất, Chúa vác đỡ gánh nặng của con và bước đi như Chúa có thể. Trong số những người Chúa mang đỡ, luôn có người trách móc Chúa không đi theo quy tắc và tố cáo Giáo Hội của Chúa là chậm chạp, không nhớ rằng vì chứa đầy những chất xỉ của con người mà Giáo Hội không thể cũng không muốn vất chúng xuống biển (đó là những con cái của mình!), mang đỡ có giá trị hơn là đến nơi.”
Chắc chắn là Giáo Hội chậm chạp. Giáo Hội chậm chạp trong việc Phúc Âm hóa, trong cách đáp lại những dấu chỉ thời đại, trong việc bênh vực người nghèo và vô số chuyện khác. Nhưng bạn biết vì sao Giáo Hội chậm trễ không? Vì Giáo Hội mang chúng ta trên vai, mà chúng ta lại đầy gánh nặng tội lỗi. Con cái tố cáo mẹ chúng đầy nếp nhăn, nhưng những nếp nhăn này, như trường hợp thực tế của con người, chính vì con cái mà bà phải chịu. Đức Kitô đã yêu thương Giáo Hội và đã nộp mình, để Giáo Hội được “không tỳ ố” và Giáo Hội sẽ không tì ố nếu chính chúng ta không tỳ ố. Giáo Hội hẳn sẽ ít nếp nhăn hơn nếu chúng ta đã phạm ít tội hơn. Một hôm Érasme ở Rotterdam đã trả lời cho một trong những nhà Cải Cách trách ông vẫn ở lại trong Giáo Hội công giáo, dù nó hư hỏng: “Tôi chịu đựng Giáo Hội này, mong nó trở nên tốt hơn, vì Giáo Hội này cũng buộc phải chịu đựng tôi, mong cho tôi trở nên tốt hơn.”
***
Tất cả chúng ta đều phải xin Đức Kitô tha thứ vì bao nhiêu phán đoán khinh suất và bao nhiêu xúc phạm đối với hiền thê của Ngài và do đó với chính Ngài. Hãy thử nói với một người thực sự đang yêu là vợ anh xấu dáng hoặc một “người chả ra gì”, bạn sẽ thấy bạn có thể xúc phạm anh ta nặng nề hơn chăng và bạn có thể phải đương đầu với cơn giận của anh ta chăng.
Mọi người chúng ta phải đặt ra cho mình một cách thức mới mẻ và ý thức hơn khi nói Giáo Hội là gì. Nói về quê hương mình trong thời kỳ đen tối của lịch sử của nó, Saint-Exupéry đã viết:
“Vì tôi thuộc về họ, tôi sẽ không bao giờ chối bỏ những người của tôi, dù họ làm gì đi nữa. Tôi sẽ không bao giờ nói chống lại họ trước mặt người khác. Nếu có thể bảo vệ họ, tôi sẽ bảo vệ. Nếu họ làm cho tôi xấu hổ, tôi sẽ giữ chặt sự xấu hổ này trong thâm tâm và tôi sẽ im lặng. Dù tôi có nghĩ thế nào về họ sau đó, tôi sẽ không bao giờ làm nhân chứng truy tố. Một người chồng không đi từ nhà này sang nhà khác kể cho hàng xóm biết vợ mình tham ăn. Anh sẽ không lấy tiếng theo kiểu đó, bởi vì vợ anh thuộc về nhà của anh. Anh không thể nâng cao phẩm giá mình bằng cách chê trách nàng. Một khi trở về nhà anh mới có quyền bày tỏ sự giận dữ của mình[4].”
Có nguy cơ là người nào đó làm đúng điều bị lên án ở đây. Khi đoạn tuyệt với Giáo Hội, ông đi từ đại học này tới đại học khác, từ báo này tới báo khác, từ hội nghị này tới hội nghị khác, lặp lại những lời tố cáo gay gắt của mình chống lại Giáo Hội “thể chế”, như thể Giáo Hội hoàn toàn khác với lý tưởng về Giáo Hội ông nuôi dưỡng trong trí, tưởng rằng chống lại Giáo Hội như thế, ông cứu vãn được danh dự của mình. Chúng ta biết thế giới biếu nhiều tiền cho những ai làm cho Giáo Hội phải khuất phục. “Thực dễ thành công khi người ta chuyển qua phía quân thù!” Tertullianô nói như thế về những người từ bỏ Giáo Hội để gia nhập một lạc giáo, những người thấy mình lập tức được trao cho những chức vụ và vinh dự[5]. Người ta đưa ra những lời tố cáo chống lại Giáo Hội và các bề trên, thường chỉ là để che giấu việc mình mất đức tin.
Vậy mọi người cũng như lúc nào cũng phải yên lặng trong Giáo Hội sao? Không phải, Một khi “trở về nhà” sau khi đã cùng khóc với Giáo Hội và phục mình dưới chân Giáo Hội, Thiên Chúa có thể truyền cho bạn, như đã truyền cho những người khác trong quá khứ, lên tiếng chống lại “những vết thương của Giáo Hội”. Nhưng không phải trước lúc này, và bạn phải chết một cách nào đó trong sứ mệnh nguy hiểm này.
Các thánh cũng đã áp dụng cho Giáo Hội lời ông Gióp nói về Thiên Chúa: “Cho dù Ngài giết tôi, tôi vẫn phó thác nơi Ngài!” (x. G 13,15)
***
Một lời mời gọi đặc biệt cho các linh hồn tận hiến phát xuất từ những gì chúng ta đã chiêm ngắm trong Thứ Sáu Thánh này. Những linh hồn này đã nhiệt tình theo sự nghiệp Nước Trời. Chỉ nhờ ân sủng, họ đã cảm thấy nhu cầu về một điều gì đó uy nghi để yêu, và họ đã tìm thấy nơi Đức Kitô. Vì vậy họ được kêu gọi trở thành dấu chỉ hữu hình nói lên tình yêu hôn thê của Giáo Hội dành cho Đức Kitô.
Ngày nay, người ta nói nhiều về sự nhàm chán đang thịnh hành giữa lòng đời sống tu dòng truyền thống, về một khủng hoảng chân tính. Đó là những điểm người ta cố gắng làm sáng tỏ trong kỳ họp Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới với đề tái “Đời sống thánh hiến và sứ mệnh của nó trong Giáo Hội và trên thế giới”. Tôi nghĩ có nhiều cách giải thích cho sự nhàm chán này, nhưng có một cách giải thích căn bản: nơi nhiều người trong chúng ta, tình yêu đã nguội lạnh (x. Mt 24,12), tình yêu đối với Đức Kitô là khởi điểm sự lựa chọn của chúng ta.
Sách Khải huyền chứa đựng một lá thư có thể được gửi cho chúng ta, những tu sĩ khác; đó là thư gửi Giáo Hội ở
Ephêsô. Thư viết: “Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi […] Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải!” (Kh 2,2.4-5) Chúng ta cũng luôn có “những việc làm, nỗi vất vả, lòng kiên nhẫn” (tất cả những điều quý hóa này, đừng để mất), nhưng có lẽ điều cuối cùng còn thiếu sót, đó là linh hồn của tất cả những việc đó: tình yêu hôn thê đối với Đức Kitô. Tình yêu cần lời cầu nguyện để sống còn, như ngọn lửa cần ôxy để cháy. “Ai có tai thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh” và với các cộng đồng tu sĩ (x. Kh 2,7, v.v)
***
Cuối cùng, một lời mời gọi cũng dành cho các đôi vợ chồng Kitô hữu phát xuất từ những gì chúng ta chiêm ngắm hôm nay. Chính thánh Tông Đồ đã viết: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng […]. Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh.” (Ep 5,22.25) (Ngày nay chúng ta hẳn sẽ nói người vợ cũng phải yêu thương chồng, chính xác như chồng đối với mình). Những người vợ đừng có cảm tưởng mình bị nhỏ đi, như thể, qua biểu tượng này, họ được mời gọi biểu thị Giáo Hội, trong khi những người chồng biểu thị Đức Giêsu Kitô. Đúng hơn, họ hãy cảm thấy mình được tôn trọng vì tất cả nhân loại được biểu thị ở đây bởi một người nữ, bởi Evà là Giáo Hội. Trên thực tế, các người chồng ở đây cũng không được biểu thị bằng Đức Kitô nữa; họ không phải là phu quân, nhưng là hiền thê.
Chúng ta đang ở trong Năm Quốc Tế về Gia Đình, và Giáo Hội đang hết sức bảo về các quyền của gia đình và cổ võ các gia đình sống thánh. Nhưng gia đình sẽ không thánh thiện nếu gốc rễ – tương quan vợ chồng – không được tốt. Chính ở điểm này mà mọi sự được quyết định. Nếu tương quan này bị phá vỡ, thì cũng như dây thừng bảo đảm cho người leo núi bị đứt: tất cả những ai đang bám vào dây này đều rơi xuống khoảng không, và trước hết là con cái.
Một đôi vợ chồng Kitô hữu có thể học được gì nơi kiểu mẫu Đức Kitô-Giáo Hội? Một điều trên hết. Trên thế giới có hai mẫu tình yêu: một tình yêu đại lượng và một tình yêu đau khổ. Tình yêu đại lượng ở chỗ tặng quà cho người mình yêu; tình yêu đau khổ ở chỗ có khả năng chịu khổ cho người đó và vì người đó. Do việc tạo dựng, Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng một tình yêu đại lượng, nhưng trên thập giá, Ngài còn yêu chúng ta bằng một tình yêu đau khổ, đòi hỏi vô cùng.
Tuy nhiên, để chúng ta không nghĩ rằng mọi sự chỉ luôn là đau khổ, đừng quên nghững gì chính Đức Giêsu có ngày đã nói: “Cho thì vui hơn là nhận” (x. Cv 20,35). Vui vì khám phá thấy mọi sự trong viễn tượng mới về tình yêu, vui vì yêu như Thiên Chúa yêu, vì biết tình yêu là phần thưởng và niềm vui cho chính mình.
***
Trong sách Giêrêmia, chúng ta đọc thấy một lời tuyên sấm bí nhiệm: “Đức Chúa tạo ra điều mới lạ trên mặt đất: đó là đàn bà bao quanh đàn ông” (Gr 31,22). Nhà tiên tri muốn nói rằng, cho đến ngày ấy, chính người chồng là Thiên Chúa đi tìm ngươi vợ bất trung đã chạy theo các tà thần, nhưng một ngày kia sẽ trở lại không còn như thế nữa. Chính người vợ, tức cộng đồng của giao ước, sẽ tìm kiếm chồng mình và sẽ sát vào chồng.
Ngày ấy đã đến. Giờ đây mọi sự đều hoàn tất. Không phải vì nhân loại sẽ đột nhiên trở nên ngoan nguỳ và trung thành, nhưng vì đã đảm nhận nó và liên kết với nó trong một giao ước mới và vĩnh cửu. Tất cả phụng vụ Thứ Sáu Thánh cho thấy lời tiên tri trên được thực hiện. Lời ấy đã khởi sự ở Canvê với Đức Maria ôm lấy Con mình và hôn mặt Con vừa được đưa xuống khỏi thập giá, và giờ đây còn tiếp tục trong Giáo Hội mà Mẹ là hình bóng và ân huệ khởi đầu.
Giáo Hội, đi đầu là đấng kế vị thánh Phêrô, giờ đây sẽ cởi giầy ra để hôn tượng Chúa Chịu Nạn, là Người Vợ “sát vào chồng”, ôm lấy chồng, đầy lòng biết ơn và xúc động. Chính nàng nói như người tình trong sách Diễm ca: “Tôi đã gặp người lòng tôi yêu dấu; tôi vội níu lấy chàng và chẳng chịu buông ra!” (Dc 3,4)
[1] Gioan Kim Khẩu, Catéchèses baptismales, 7,17-18.
[2] Augustinô, Traités sur l’Evangile de Jean, 120,2.
[3] Cyprianô, De unitate Ecclesiae, 6.
[4] A. de Saint-Exupéry, Pilote de guerre, p.24
[5] Tertullianô, De la prescription contre les hérétiques, 41, 7.