NĂM 2009: “CHO ĐẾN CHẾT VÀ CHẾT TRÊN CÂY THẬP TỰ”

Đây là bài giảng của Đức Hồng y Raniero Cantalamessa OFM Cap, giảng thuyết Phủ Giáo Hoàng, vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2009 với sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng và Giáo triều Roma. Mở đầu bài giảng, ngài nói:

“Christus factus est pro nobis oboediens usque ad mortem, mortem autem crucis – Vì chúng ta Đức Kitô đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,8) Trong lễ kỷ niệm hai ngàn năm ngày sinh của Tông Đồ Phaolô, chúng ta hãy lắng nghe một số lời nói bốc lửa của ngài về mầu nhiệm sự chết của Đức Kitô mà chúng ta đang cử hành. Không ai hơn ngài có thể giúp chúng ta hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của sự chết đó.

Ngài đã viết cho người Corintô như một bản tuyên ngôn: "Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.” (1Cr 1,22-24).

Cái chết của Đức Kitô có một phạm vi phổ quát: "Nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết." (2Cr 5,14). Cái chết của Ngài đã mang lại một ý nghĩa mới cho cái chết của từng người nam và từng người nữ.

Dưới mắt của Phaolô, thập giá mang một chiều kích vũ trụ. Trên thập giá, Đức Kitô đã phá đổ hàng rào ngăn cách, hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau khi giết chết thù ghét (x. Êp 2,14-16). Kể từ nay, truyền thống nguyên thủy sẽ phát huy chủ đề cây thập tự vũ trụ, với thanh dọc kết hợp trời và đất và thanh ngang hòa giải tất cả các dân tộc trên thế giới. Một biến cố vừa mang tính vũ trụ vừa hết sức cá nhân: "Người đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi" (Gl 2,20). Thánh Tông Đồ viết: Mỗi người là “người mà Đức Kitô đã chết cho" (Rm 14,15).

Từ tất cả những điều đó mà phát sinh tình cảm về thập giá, không còn là hình phạt, trách móc hay lý do phiền não, mà là vinh quang và niềm tự hào của người Kitô hữu, nghĩa là một sự chắc chắn vui mừng, kèm theo lòng biết ơn xúc động, mà con người đạt tới đó trong đức tin: “Ước gì tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Gal 6,14)

Phaolô đã trồng cây thập giá ở trung tâm Giáo Hội, giống như cột buồm lớn ở trung tâm con tàu; ngài biến thập giá thành nền tảng, trung tâm của Giáo Hội. Ngài ấn định mãi mãi khuôn khổ của việc rao giảng Kitô giáo. Các sách Phúc Âm, được viết sau ngài, sẽ theo lược đồ ấy, làm cho trình thuật về cuộc Khổ Nạn và cái chết của Đức Kitô trở thành điểm quy chiếu cho mọi sự khác.

Người ta ngạc nhiên trước công trình do thánh Tông Đồ thực hiện. Ngày nay chúng ta tương đối dễ dàng nhìn thấy mọi sự trong ánh sáng này, sau khi thập giá Đức Kitô, như thánh Augustinô nói, đã choán đầy vũ trụ và bây giờ tỏa sáng trên vương miện các vua[1]. Nhưng vào lúc Phaolô viết thư, thập giá vẫn còn đồng nghĩa với ô nhục, một cái gì đó thậm chí không được đề cập trong số những người có học.

Mục đích của Năm Phaolô không phải để hiểu rõ hơn tư tưởng của thánh Tông Đồ (điều này, các chuyên gia luôn thực hiện, chưa kể việc nghiên cứu khoa học luôn đòi hỏi thời gian lâu hơn một năm); như Đức Thánh Cha đã nhiều lần nói, đúng hơn là để học hỏi nơi Phaolô cách đối mặt với những thách thức hiện nay về đức tin.

Một trong những thách thức này, có lẽ công khai nhất từ trước đến nay, đã thể hiện bằng một khẩu hiệu quảng cáo được viết trên xe buýt ở London và các thủ đô khác của châu Âu: "Có lẽ không có Thiên Chúa. Vì vậy, đừng lo lắng và hãy tận hưởng cuộc sống" : “There’s probably no God. Now stop worrying and enjoy your life."

Yếu tố gây chú ý nhất của quảng cáo này không phải câu mở đầu "Không có Thiên Chúa", cho bằng câu kết luận: "Hãy tận hưởng cuộc sống!” Thông điệp ngấm ngầm là niềm tin vào Thiên Chúa không cho phép bạn tận hưởng cuộc sống, niềm tin ấy là kẻ thù của niềm vui. Không có niềm tin, sẽ có nhiều hạnh phúc hơn trên thế giới! Phaolô giúp chúng ta đáp lại thách thức này, bằng cách giải thích cho chúng ta nguồn gốc và ý nghĩa của mọi đau khổ, bắt đầu từ đau khổ của Đức Kitô.

Tại sao "Đức Kitô phải chịu khổ hình như thế để rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" (Lc 24,26) Một câu hỏi, mà đôi khi người ta đưa ra câu trả lời “yếu” và, theo một nghĩa nào đó, có tính trấn an. Bằng cách mạc khải chân lý của Thiên Chúa, Đức Kitô nhất thiết khơi ra sự chống đối của các quyền lực sự dữ và bóng tối và những quyền lực này, như đã xảy ra với các tiên tri, sẽ đưa đến chỗ từ chối và loại bỏ Ngài. Vậy câu "Đức Kitô phải chịu khổ hình như thế" hẳn phải được hiểu theo nghĩa "Đức Kitô phải chịu khổ hình như thế là chuyện không thể tránh được".

Phaolô đưa ra một câu trả lời "mạnh" cho câu hỏi này. Sự cần thiết không phải tự nhiên, mà là siêu nhiên. Trong các quốc gia còn giữ lại một đức tin Kitô giáo cổ xưa, ý tưởng về đau khổ và thập giá hầu như luôn gắn liền với hy lễ và chuộc tội: người ta nghĩ rằng, đau khổ là cần thiết để chuộc tội và xoa dịu sự công bình của Thiên Chúa. Chính điều này khiến người ta, trong thời hiện đại, loại bỏ mọi ý tưởng về hy lễ dâng lên Thiên Chúa và cuối cùng, chính ý tưởng về Thiên Chúa.

Không thể phủ nhận là các Kitô hữu chúng ta đôi khi đã giơ đầu chịu báng trước tố cáo này. Nhưng đây là một sự hiểu lầm, một sự hiểu lầm từ nay được làm sáng tỏ khi người ta biết rõ hơn tư tưởng của Phaolô. Theo ngài, Thiên Chúa đã đặt Đức Kitô "làm hy lễ xá tội" (Rm 3,25), nhưng sự xá tội này không tác động đến Thiên Chúa để Người nguôi giận, nhưng đến tội lỗi để xóa bỏ nó. "Người ta có thể nói rằng chính Thiên Chúa, chứ không phải con người, chuộc tội... Hình ảnh này giống như một vết bẩn ăn mòn được loại bỏ, hoặc như làm mất tác dụng của một loại virus chết người, hơn là hình ảnh của cơn giận được xoa dịu bằng sự trừng phạt[2].”

Đức Kitô đã đem lại cho ý tưởng hy lễ một nội dung triệt để mới mẻ. “Không còn phải là con người gây ảnh hưởng lên Thiên Chúa để làm Người nguôi ngoai. Đúng hơn, chính Thiên Chúa hành động để con người từ bỏ sự thù nghịch với Người và với người lân cận. Sự cứu rỗi không bắt đầu bằng việc con người xin hòa giải, nhưng bằng lời khuyên của chính Thiên Chúa: "Anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa" (2Cr 5,20)[3]."

Vấn đề là Phaolô coi trọng tội lỗi, không tầm thường hóa nó. Đối với ngài tội lỗi là nguyên nhân chính dẫn đến bất hạnh của con người, đó là từ chối Thiên Chúa, chứ không phải Thiên Chúa là nguyên nhân! Tội lỗi giam hãm con người trong "dối trá" và "bất công" (Rm 1,18tt; 3,23), lên án chính vũ trụ vật chất là "hư ảo" và "hư nát" (Rm 8,19tt); nó cũng là nguyên nhân cuối cùng của các tai họa xã hội làm ảnh hưởng đến nhân loại.

Chúng ta không ngừng phân tích cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trên thế giới và nguyên nhân của nó, nhưng ai dám đặt rìu vào gốc rễ và nói về tội lỗi? Giới tinh hoa tài chính và kinh tế thế giới đã trở thành một đầu máy điên cuồng chạy thả ga, bất kể phần còn lại của thế giới đang dừng lại, ở xa trên bến. Tất cả chúng ta đang đi "ngược chiều".

Thánh Tông Đồ định nghĩa lòng tham là "thờ ngẫu tượng" (Cl 3,5) và chỉ ra lòng ham muốn tiền bạc là "cội rễ sinh ra mọi điều ác" (1Tm 6,10). Chúng ta có thể chứng minh ngài sai không? Tại sao có bao nhiêu gia đình phải túng thiếu, hàng loạt công nhân không có việc làm, nếu không vì một số người khát khao lợi nhuận đến vô độ?

Tại sao trong vụ động đất mới đây ở Abruzzes, nhiều dinh thự vừa mới xây xong đã sụp đổ? Diều gì đã dẫn đến việc dùng cát biển thay cho xi măng?

***

Qua cái chết của mình, Đức Kitô không chỉ tố cáo và chiến thắng tội lỗi, Ngài còn mang lại cho đau khổ một ý nghĩa mới, kể cả đau khổ không phụ thuộc vào tội lỗi của bất cứ ai, như đau khổ của biết bao nhiêu nạn nhân của trận động đất làm rung chuyển khu vực lân cận Abruzzes. Ngài đã biến nó thành một con đường đưa tới sự sống lại và sự sống. Ý nghĩa mới Đức Kitô mang lại cho đau khổ không biểu lộ qua cái chết của Ngài, nhưng ở chỗ vượt qua cái chết, nghĩa là sự sống lại. Ngài là Đấng "đã bị trao nộp vì tội lỗi và đã được Thiên Chúa cho sống lại để chúng ta được nên công chính" (Rm 4,25): hai biến cố không thể tách rời trong tư tưởng của Phaolô và của Giáo Hội.

Đó là một kinh nghiệm phổ quát của con người: trong cuộc sống này, lạc thú và đau buồn nối tiếp nhau đều đặn giống như chỗ ngập làm người đắm tầu chìm xuống, tiếp theo sóng biển lại đưa người đó lên. Thi sĩ ngoại đạo Lucretius viết: "Tôi không biết có điều gì đó đắng đót vọt lên từ chỗ sâu thẳm nhất của mỗi lạc thú và làm chúng tôi đau khổ giữa cơn khoái lạc[4]". Việc sử dụng ma túy, lạm dụng tình dục, bạo lực giết người, gây ra khoái cảm vào thời điểm đó, nhưng đưa đến sự tan rã về luân lý, và thông thường cả thể lý nữa, của con người.

Nhờ cuộc khổ nạn và cái chết của mình, Đức Kitô đã lật ngược mối quan hệ giữa lạc thú và buồn đau. "Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá" (Dt 12,2). Không còn là một lạc thú kết thúc trong đau khổ, nhưng là một đau khổ dẫn đến sự sống và niềm vui. Đây không chỉ là một cách khác theo nhau đối với cả hai; chính là niềm vui có tiếng nói cuối cùng theo cách này, không phải là đau khổ, và niềm vui sẽ kéo dài mãi mãi. "Một khi Đức Kitô sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ còn chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người" (Rm 6,9). Và cái chết cũng sẽ không còn quyền gì đối với chúng ta nữa.

Mối quan hệ mới này giữa đau khổ và lạc thú được phản ánh trong cách Kinh Thánh đánh dấu thời gian. Theo tính toán của con người, ngày bắt đầu bằng buổi sáng và kết thúc bằng đêm; đối với Kinh Thánh, nó bắt đầu bằng đêm và kết thúc bằng ngày: "Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất", câu chuyện sáng tạo nói như vậy (St 1,5). Việc Đức Giêsu chết vào buổi chiều và sống lại vào buổi sáng có một ý nghĩa thật sự. Không có Thiên Chúa, cuộc sống là một ngày kết thúc bằng đêm; với Chúa, chính là một đêm kết thúc bằng một ngày và một ngày không có mặt trời lặn.

Do đó, Chúa Kitô đã không đến làm tăng sự đau khổ của con người cũng không rao giảng sự cam chịu với đau khổ; Ngài đến đem lại cho nó một ý nghĩa, và loan báo nó đã chấm dứt và bị vượt qua. Khẩu hiệu trên xe buýt ở London và các thành phố khác cũng được đọc cùng lúc bởi những bậc cha mẹ có đứa con ốm yếu, bởi những người độc thân hoặc những người đã mất việc làm, bởi những người lưu vong đã chạy trốn nỗi kinh hoàng của chiến tranh, bởi những người đã chịu những bất công nghiêm trọng trong cuộc sống... Tôi cố gắng hình dung phản ứng của họ bằng cách đọc những lời này: "Có lẽ không có Thiên Chúa: vậy hãy tận hưởng cuộc sống!" Và với cái gì?

Đau khổ chắc chắn vẫn là một mầu nhiệm đối với mọi người, đặc biệt sự đau khổ của những người vô tội, mà nếu không có niềm tin vào Thiên Chúa, nó chỉ có thể là vô cùng phi lý. Người ta thậm chí không còn hy vọng cứu chuộc cuối cùng nơi Ngài. Thuyết vô thần là một thứ xa xỉ mà chỉ những người có đặc quyền trong cuộc sống mới có thể có được, những người đã có tất cả, bao gồm cả khả năng cống hiến hết mình cho học tập và nghiên cứu.

***

Đây không phải là sự thiếu nhất quán duy nhất của quảng cáo này. "Có lẽ không có Thiên Chúa": vậy có thể có Ngài, người ta không thể hoàn toàn loại trừ thực tế là Ngài hiện hữu. Nhưng này người anh em không tin, nếu không có Thiên Chúa, tôi chẳng mất gì cả; ngược lại nếu có Thiên Chúa, bạn đã mất hết! Người ta hầu như nên cảm ơn người thúc đẩy chiến dịch quảng cáo này; chiến dịch này phục vụ cho sự nghiệp của Thiên Chúa hơn rất nhiều luận chứng hộ giáo của chúng ta. Chính nó cho thấy sự nghèo nàn về lý lẽ của mình và góp phần đánh thức nhiều lương tâm đang yên ngủ.

Nhưng Thiên Chúa có một ý niệm phán xét khác hẳn với chúng ta và nếu Người thấy một lòng ngay hoặc một sự vô tri không có lỗi, Người cũng cứu người nào đã hăng say chiến đấu với Người trong suốt cuộc đời. Những tín hữu chúng ta phải chuẩn bị cho những bất ngờ trong lãnh vực này. Thánh Augustinô kêu lên: "Có bao nhiêu chiên ở bên ngoài bầy chiên và bao nhiêu sói ở bên trong bầy!” “Quam multae oves foris, quam multi lupi intus![5]

Thiên Chúa có thể biến những người phủ nhận Người quyết liệt nhất thành những tông đồ say mê nhất của Người. Phaolô là bằng chứng. Saolê thành Tarsê đã làm gì để xứng đáng với cuộc gặp gỡ lạ thường này với Đức Kitô? Ngài đã tin gì, hy vọng gì, chịu đựng gì? Những gì thánh Augustinô nói về việc chọn lựa của Thiên Chúa thì áp dụng cho ngài: "Hãy tìm kiếm công đức, hãy tìm kiếm công lý, hãy suy gẫm và xem liệu bạn có tìm thấy điều gì khác ngoài ân sủng[6].". Chính như vậy mà ngài giải thích lời Chúa kêu gọi mình: "Tôi không đáng được gọi là tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa" (1Cr 15,9-10).

Thập giá Đức Kitô là lý do hy vọng cho mọi người và Năm Phaolô cũng là một dịp ân sủng cho người không tin và đang tìm kiếm. Có một điều ủng hộ họ trước mặt Thiên Chúa: đau khổ! Giống như phần còn lại của nhân loại, những người vô thần cũng phải chịu đau khổ trong cuộc sống; và kể từ khi Con Thiên Chúa gánh lấy nó, đau khổ có một quyền năng cứu chuộc gần như mang tính bí tích. Đức Gioan Phaolô II viết trong Tông thư Salvifici doloris: “Đó là một kênh, qua đó các năng lượng cứu độ của thập giá Đức Kitô được cung cấp cho nhân loại[7].”

Theo sau lời kêu gọi cầu nguyện sắp tới đây "cho những người không tin vào Thiên Chúa" là một lời cầu nguyện cảm động của Đức Thánh Cha, bằng tiếng Latinh. Lời đó thế này: "Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã đặt vào trái tim con người niềm khát vọng đi tìm kiếm Chúa, khiến con người chỉ được bình an khi đã gặp thấy Chúa. Xin cho mọi người khắp thế gian, dù đang sống giữa muôn vàn nghịch cảnh, vẫn có thể nhận ra những dấu chỉ của tình yêu Chúa; và khi thấy các tín hữu sống đời bác ái yêu thương, họ sẽ vui mừng tin nhận duy có Chúa là Thiên Chúa đích thực và là Cha của hết mọi người. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.” 

Lm. Micae Trần Đình Quảng
Chuyển ngữ từ: Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié,
EdB, 2018, pp. 337-345




[1] Augustinô, Enarr. in Psalmos, 54, 12.

[2] J. Dunn, The theology of Paul the Apostle, Grans Rapids, Mi, Eerdmans 1998.

[3] G. Theissen – A, Metz, Il Gesù storico. Un manuale, Queriniana, Brescia 2003, p, 573.

[4] Lucretius, De rerum natura, IV, 1129 et s.

[5] Augustinô, Traités sur l’Evangile de Jean, 45, 12.

[6] Augustinô, De la prédestination des saints 15, 30 (PL 44, 98).

[7] x. Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici doloris, số 23.