BÀI GIẢNG THỨ SÁU TUẦN THÁNH
CỦA VỊ GIẢNG THUYẾT PHỦ GIÁO HOÀNG

NĂM 1981: “ANH EM ĐÃ GIẾT ĐỨC GIÊSU NADARÉT”

Đây là bài giảng của Đức Hồng y Raniero Cantalamessa OFM Cap, giảng thuyết Phủ Giáo Hoàng vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1981 với sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng và Giáo triều Roma. Mở đầu bài giảng, ngài nói:

Ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô đứng chung với Nhóm Mười Một, nói với dân chúng một bài diễn từ có thể tóm tắt trong ba câu. Nhưng trong ba cầu này, mỗi câu lại như một tiếng sét ngang tai: “Anh em đã giết Đức Giẹsu Nadarét! […] Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại! […] Anh em hãy sám hối!” (x. Cv 2,23 tt)

Tôi muốn thu thập ba câu này và làm chúng sống lại nơi anh chị em, hy vọng chúng chọc thủng trái tim chúng ta, như đã chọc thủng trái tim của những người nghe chính miệng các tông đồ nói. Ba ngàn người nghe những lời tố giác kinh khủng của Phêrô chắc chắn không thuộc số những người đã đóng đinh trên đồi Canvê; có lẽ họ cũng không thuộc nhóm những người đã đòi Philatô đóng đinh Đức Giêsu. Vậy tại sao Phêrô nói họ đã giết Ngài? Bởi vì họ thuộc về dân đã giết Chúa. Bởi vì họ đã không đón nhận tin mừng Đức Giêsu đem đến cho họ: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vao Tin Mừng.” (Mc 1,15) Bởi vì có lẽ khi Đức Giêsu đi trên những đường phố ở Giêrusalem, họ đã hạ tấm rèm che của hàng bé nhỏ của họ, để khỏi phiền phức.

Cho tới đây, chúng ta gợi lại những sự việc này và cảm thấy khá bình thản. Chúng ta dường như thấy tất cả những chuyện đó có liên hệ với những người sống ở Palestin  thời Đức Giêsu, chứ không liên hệ gì đến chúng ta. Chúng ta cũng giống như vua Đavit, một hôm sau khi đã nghe tiên tri Nathan kể câu chuyện về một tội tầy đình trong thành phố, đã kêu lên: “Kẻ nào làm điều ấy thật đáng chết!” (2Sm 12,5).

Trong những năm sau Thế chiến II, người ta rất say mê với vấn đề ai chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Kitô, vì trong nhiều sự kiện, có bi kịch mà dân Do thái đã phải chịu. Sách vở và kịch nghệ về vụ án Đức Kitô có vô số. Những hệ quả quan trọng đã có thể phát xuất từ giải đáp cho vấn đề này, liên hệ đến cuộc đấu tranh giải phóng tại nhiều nơi trên thế giới, trong số những chuyện khác. Vấn đề về cái chết của Đức Kitô trở thành một vấn đề chủ yếu mang tính lịch sử, và như vậy là có nét trung tính. Nếu nó liên hệ đến chúng ta, thì chỉ là gián tiếp, đối với những hệ quả có thể rút ra cho ngày hôm nay; không phải cách trực tiếp, đến độ chúng ta có phần trong đó. Dầu sao, không phải với tư cách bị cáo, nhưng đúng hơn với tư cách nguyên cáo.

Một số người gán cho quyền lực tôn giáo tội làm cho Đức Giêsu phải chết, tức là cho những người Do thái đương thời. Một số khác gán cho quyền lực chính trị, tức cho người Rôma, và như vậy biến Đức Giêsu thành vị tử đạo cho cuộc đấu tranh giải phóng. Cuối cùng một số khác tố cáo một trật cả hai quyền lực đó. Giống như trong một vụ xử án mà mỗi người, với ít nhiều ý thức, lặp lại trong thâm tâm câu nói của Philatô: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này” (Mt 27,24).

Thế nhưng, ngày hôm đó, tiên tri Nathan đã chỉ thẳng vào Đavít mà nói: “Kẻ đó chính là Đức vua!” Chính xác đó là điều Thiên Chúa nói với chúng ta, khi chúng ta muốn biết xem ai là người đã giết Đức Giêsu: Kẻ đó, chính là ngươi! Chính ngươi đã giết Đức Giêsu Nadaret’. Ngày hôm ấy, người đã ở đó. Người đã cùng đám đông hò hét: Đóng đinh nó đi!” Ngươi đã ở bên Phêrô khi Phêrô chối Ngài. Ngươi đã ở bên Giuđa khi Giuđa trao nộp Ngài. Ngươi đã ở bên quân lính khi chúng đánh đòn Ngài. Ngươi đã thêm chiếc gai nhọn của ngươi vào mạo gai, ngươi đã khạc nhổ thêm vào mặt Ngài. Sự chắc chắn này thuộc về trọng tâm chủ yếu nhất của những gì chúng ta tin: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta” (Rm 4,25). Từ xa xưa, tiên tri Isaia đã diễn tả trước chân lý này bằng kiểu nói kịch tính như sau:

“Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta.
Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm.
Người đã mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,4 tt)

Tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm về cái chết của Ngài, vì chúng ta đều phạm tội, và nếu chúng ta nói mình vô tội là chúng ta nói dối (x. 1Ga 1,10). Nhưng nói “Đức Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta” cũng có nghĩa là: “Chúng ta đã giết Đức Giêsu!” Về những người lại phạm tội sau khi chịu phép Rửa (tức chúng ta), thư Do thái nói rằng “họ đã tự tay đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá một lần nữa, và đã công khai sỉ nhục Người” (Dt 6,6).

Khi nghe những lời tố giác kinh khủng: “Anh em đã giết Đức Giêsu Nadarét”, 3000 người nghe đau đớn trong lòng và hỏi Phêrô cùng các Tông Đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2,37) Một nỗi lo sợ chiếm lĩnh tâm hồn họ, và cũng chiếm lĩnh tâm hồn chúng ta lúc này, nếu chúng ta không phải là gỗ đá. Làm sao không rụng rời khi nghĩ đến điều này: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Người Con Một duy nhất (x. Ga 3,16), trong khi để đáp lại, chúng ta đã giết Người Con này! Chúng ta đã giết chết Sự Sống! (x. Cv 3,15)

Bao lâu chúng ta chưa trải qua khủng hoảng nội tâm này, những “sợ và run” này (x. Pl 2,12), chúng ta không thật sự là những Kitô hữu đạt tới trưởng thành, nhưng chỉ là những Kitô hữu phôi thai đang tìm tới ánh sáng. Bao lâu bạn chưa cảm thấy, ít nhật một lần trong đời, thật sự hư mất, đáng bị phạt, như một người bị đắm chìm đáng thương, bạn không biết máu Đức Kitô cứu bạn như thế nào; bạn không biết mình nói gì khi bạn gọi Đức Giêsu là “Chúa Cứu” của bạn; nói cho nghiêm túc, bạn thậm chí không thể biết những đau khổ của Đức Kitô, cũng không biết khóc trên những đau khổ đó. Như thế hẳn là giả hình, vì chỉ người nào xác tín thâm sâu là chính mình đã làm cho Dức Kitô phải khổ, mới thực sự biết những đau khổ của Ngài. Đức Giêsu hẳn có thể nói với bạn, như Ngài đã nói với những phụ nữ đạo đức ở Giêrusalem: “Đừng khóc thương ta; có khóc thì khóc cho phận mình và tội lỗi của mình” (x. Lc 23,28).

***

Khủng hoảng này có thể được giải quyết theo hai cách: hoặc theo cách của Giuđa, người đã nói: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội”, và anh ta đi thắt cổ (x. Mt 27,4 tt), hoặc theo cách của Phêrô, ra ngoài “khóc lóc thảm thiết” (Mt 26,75). Cảm nghiệm được sức mạnh của sám hối, giờ đây Phêrô có thể chỉ cho các anh em mình con đường cứu độ, khi ông mạnh mẽ kêu lên: “Anh em hãy sám hối!” (Cv 3,19)

Thế nhưng lời trên đây có nghĩa gì? Thực hiện nó như thế nào? Nó được thực hiện khi người ta đi từ tình trạng quy tội sang tình trạng thú tội; khi mà, sau lúc đã nghe ai nói: “Bạn đã giết Đức Giêsu Nadarét!”, bạn đấm ngực và chân thành nói với chính mình: Phải, chính tôi đã giết Đức Giêsu Nadarét! Sự tiến triển này chỉ tùy thuộc vào chúng ta: nó là công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng “chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi” (Ga 16,8). Một điều gì đó giống như phép lạ. Khi điều đó xẩy ra, cũng những hiện tượng có thể quan sát thấy hôm đó trong thiên nhiên xẩy ra một cách thiêng liêng, trong tâm hồn một con người. Tấm khăn che phủ tâm trí của anh ta bị rách; trái tim đá của anh ta vỡ ra; nấm mồ trong đó anh ta bị giam giữ như tù nhân của tội lỗi mở toang; cuối cùng anh ta là một con người tự do. Anh được tái sinh vào một đời sống mới.

Nếu chân thành và tự do, thú tội là một việc làm lớn lao biết bao, xứng với con người. Nó cho phép Thiên Chúa là chính mình, nghĩa là “một Thiên Chúa tha thứ các tội lỗi” (x. Mk 7.18). Khi đứng về phía Thiên Chúa chống lại chính mình, con người đưa Thiên Chúa tới chỗ cũng làm như thế: đứng về phía con người, chống lại chính mình, chống lại sự công chính riêng của mình – vì thương xót, chứ không vì cần thiết. Quả thực, Thiên Chúa muốn minh chứng cho thấy Ngài thương xót thế gian, nhưng không thể làm điều đó nếu con người chối bỏ chính đối tượng thương xót của Thiên Chúa là tội lỗi của mình. Một “tấm lòng khiêm cung tan nát” (x. Tv 51,19; Is 57,15), đó là điều Thiên Chúa khó có được nhất. Để có được như thế, sự toàn năng của Ngài không đủ, còn phải có sự tự do của chúng ta. Đó cũng là sự việc cao quý nhất, làm cho trái tim Thiên Chúa xúc động nhất. Thiên Chúa phán: “Trời là ngai của Ta, và đất là bệ dưới chân Ta…Kẻ được Ta đoái nhìn, đó là người nghèo khó, người có tâm hồn tan nát.” (Is 66,1-2)

Thế nhưng chính đó lại là điều bất hạnh của chúng ta: chúng ta không thật sự và hoàn toàn nhận biết tội của chúng ta. Chúng ta nói: “Thực ra, tôi đã làm chi xấu?” Nhưng bạn hãy nghe tôi, vì lúc này tôi đang nói với tâm hồn tội lỗi của tôi, mà cũng nói với tâm hồn tội lỗi của bạn. Bạn không thấy tội lỗi của mình sao? Hãy biết rằng tội của bạn chính là đã không nhìn thấy tội của mình. Tội của bạn là tự cho mình là công chính; là cho mình hoàn toàn đang sống tốt với Thiên Chúa và với mọi người, ngay cả khi bạn nói mình là tội nhân. Chính vì đã mạnh mẽ tố giác tội này nơi các người biệt phái mà Đức Giêsu lại trở lại với thập giá.

Khi cho mình là công chính, cuối cùng bạn không còn hiểu thập giá của Đức Kitô, cũng không vác nó nữa. Bạn cho là chính bạn và mọi người đang phải chịu một nỗi đau buồn không tương xứng, quá lớn nên không đổ lỗi cho Thiên Chúa, Đấng cho phép nó xẩy ra. Ôi, ước gì chúng ta hiểu được một lần điều Kinh Thánh nói là “Có hạ nhục và làm khổ người ta, Thiên Chúa cũng chẳng vui vẻ gì” (x. Ac 3,33), và trước nỗi gian truân của dân Người, trái tim Người thổn thức trong Người và ruột gan Người bối rối (x. Hs 11,8). Khi ấy phản ứng của ta sẽ hoàn toàn khác, và chúng ta, đúng hơn, sẽ kêu lên: “Lậy Cha, xin tha thứ cho chúng con đã vì tội lỗi thúc bách mà đối xử tệ bạc với Con yêu dấu của Cha! Xin tha thứ cho chúng con lúc này đang buộc Cha phải làm khổ chúng tôi để chúng con có thể tự cứu mình, trong lúc Cha, giống như bất cứ người cha nào, và còn hơn đến vô cùng, chỉ muốn dành "những điều tốt đẹp" cho con cái Cha! Xin tha thứ cho chúng tôi vì đã buộc Cha phải tước đi niềm vui ban cho chúng tôi, ngay từ đời này, niềm hạnh phúc mà vì đó Cha đã tác tạo nên chúng con.”

Khi tôi còn bé, có một hôm tôi đã không nghe lời cha tôi khi đi chân không ở một nơi mà ông đã khuyên tôi đừng đi. Một mảnh thủy tinh lớn đã đâm vào gan bàn chân tôi. Lúc ấy đang có chiến tranh, và người cha đáng thương của tôi đã phải liều mạng đưa tôi đến nhà thương quân đội đồng minh gần nhất. Trong khi người ta cố lấy mảnh thủy tinh ra và săn sóc vết thương, tôi thấy cha tôi vặn tay tỏ vẻ thất vọng và quay mặt về phía tường để khỏi nhìn thấy. Nếu khi trở về nhà, tôi đã trách ông đã để cho tôi phải đau đớn như thế mà không làm gì cả, thì tôi là thứ con cái nào đây? Tuy vậy, chính đó là điều chúng ta làm nhiều lần đối với Thiên Chúa.

Thực ra điều ngược lại mới đúng. Chính chúng ta mới làm cho Thiên Chúa phải khổ, chứ không phải Thiên Chúa làm cho chúng ta đau khổ. Nhưng chúng ta đã làm cho chân lý này biến tính, đến độ tự hỏi sau mỗi tai họa mới: “Thiên Chúa ở đâu? Sao Thiên Chúa lại cho phép điều đó xẩy ra?” Đúng. Thiên Chúa hẳn cũng có thể cứu chúng ta mà không cần thập giá, nhưng đó lại là chuyện khác; và Người biết rằng một ngày kia chúng ta sẽ phải xấu hổ vì đã được cứu theo cách này, một cách thụ động, không cộng tác gì vào hạnh phúc của chúng ta.

Tất cả chúng ta đều đã phạm tội và bị tước đi vinh quang của Thiên Chúa (x. Rm 3,23); vì vậy lời của Phêrô là nói cho mọi người: “Anh em hãy sám hối!” (Cv 3,19). Sám hối: đó là lời cứu độ tuyệt hảo của ngày hôm nay. Sách Khải huyền chứa đựng bẩy lá thư gửi cho các giáo đoàn ở Tiểu Á (x. Cv 2-3). Mỗi lá thứ đều kết thúc bằng lời cảnh báo: “Ai có tai thì nghe điềuThần Khí nói với các HộiThánh” (Cv 2,7.11.17. 29; 3.6.13.22). Nếu chú ý đọc, chúng ta sẽ thấy trọng tâm của mỗi lá thư đều có từ metanòeson, tuyệt đối ưu tiên, có nghĩa là: “Hãy sám hối! Hãy ăn năn!” Ai có tai để nghe điều Thần Khí hôm nay nói với các Giáo hội, đều biết rằng cũng chỉ là lời: hãy sám hối!

Ngày 9/10/1963, ở vùng Frioules, đêm hôm trước lúc xẩy ra chuyện vỡ đập Vajont gây ra tai họa kinh khủng như chúng ta đều biết, người ta đã nghe thấy những tiếng vỡ nứt phát ra từ hướng đó nhưng không ai để ý. Một điều tương tự cũng xẩy ra nơi chúng ta, nếu chúng ta biết lắng nghe. Thế giới chúng ta xây dựng cho mình bằng những bất công và phản loạn vô trách nhiệm chống lại các điều răn của Thiên Chúa, thế giới đó cũng đang nứt vỡ. Có mùi khét trong không khí. Nếu Gioan Tẩy Giả còn sống thì ông đã phải kêu lên: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây. Các anh hãy sám hối!” (x. Mt 3,10)

Thế giới vô tín không thấy rõ nét lời đe dọa lơ lửng trên không này; nhưng họ phản ứng hoàn toàn khác: xây những hầm trú chống bom nguyên tử! Có những quốc gia đầu tư cho chương trình này một phần ngân sách đáng kể. Như thể, bằng cách đó, người ta có thể giải quyết vấn đề. Người Kitô hữu chúng ta cũng đang đi tìm một hầm trú chống bom nguyên tử, nhưng hầm trú chống bom nguyên tử của chúng ta, “con tầu ông Noe” của chúng ta, chính là điều mà chúng ta đã nói, tức là sám hối tội lỗi chúng ta. Người xây dựng cuộc đời trên đá tảng vững chắc là Thiên Chúa thì không gì cũng như không ai có thể làm cho họ phải sợ hãi. Họ cùng với tác giả Thánh vịnh ca lên:

“Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu
ta cũng chẳng sợ gì!”  (Tv 46,2-3)

Đối với thế giới không bị kiểm soát đe dọa hủy diệt chúng ta, tôi cảm thấy mình có thể nói trong đức tin: để cho con phải chịu điều xấu, Chúa không có một phần ngàn sức mạnh như con có để chịu đựng nó! Bởi vì “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,13). Đấng ấy đã nói: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Và tôi tin vào điều đó!

***

Giờ đây, chúng ta đề cập lời khác trong lời rao giảng của Phêrô: “Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết.” (Cv 3,15) Khi cho Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết, Thiên Chúa đã biến đổi tội lớn nhất của chúng ta thành lòng thương xót lớn nhất. Khi giết Đức Giêsu, chúng ta đã giết chính tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã mang lấy. Chỉ người nào đón nhận tận đáy lòng lời sám hối, bây giờ mới có thể thưởng thức tràn trề ánh sáng và niềm vui ẩn chứa trong lời loan báo phục sinh vui mừng này. Ai biết người ta cảm thấy thế nào khi nói: “Tôi đã giết Đức Giêsu Nadaret”, người đó cũng biết “được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại” (x. Pr 1,3) nghĩa là gì. Giống như một người tin chắc mình đã giết một ai đó, phải chạy trốn, tuyệt vọng, nghĩ rằng từ đây không còn gì có thể cứu anh ta ở thế gian này, và đột nhiên anh biết người anh tưởng là đã bị giết vẫn đang sống, tha thứ cho anh, hơn nữa, còn đi tìm anh để kết thân với anh.

Chính tội lỗi cũng không làm chúng ta sợ nữa. vì chúng ta không chỉ một mình mang nó. Đức Giêsu “đã sống lại để chúng ta được nên công chính” (x. Rm 4,25), tức là để có thể mang lấy tội ta đổi lấy sự công chính của ta. Người sám hối là người cùng với Đức Giêsu xuống địa ngục, “được dìm vào trong sự chết của Ngài” (x. Rm 6,3), và kể từ nay, như được Đức Giêsu lôi kéo và cùng với Ngài ra khỏi mồ, hướng tới đời sống mới: “Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô.” (Ep 2,4-5)

Có thể bạn nghĩ rằng tin vui này không phải cho bạn, vì bạn đã thấy tấm màn xé ra và mắt bạn không trào ra những giọt lệ thống hối. Đừng buồn bã cũng đừng thất vọng: đấy chính là một ân huệ của Thiên Chúa, và Ngài có thể ban cho bạn một lúc nào đó, hoặc ban dần dần, có lẽ vào lúc bạn ít mong chờ nhất. Bạn chỉ cần tiếp tục nài van và ước ao ân huệ đó, đừng thấy mệt nhọc mà ngưng nghỉ, như chính tôi cũng đang làm như vậy. Nếu bạn nhiệt thành muốn sám hối, tức là bạn đã sám hối rồi! Hãy để bạn “được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động” (x. 1Pr 1,3); hãy bắt đầu sống như người được sống lại. Hãy nhìn xem hàng ngàn người chung quanh bạn và tự nhủ: “Đây là những người anh chị em tôi, tất cả đều là anh chị em tôi”. Hãy đi ra và nhìn với đôi mắt mới những người bạn gặp gỡ, những người trong gia đình, trong cộng đồng, trong nơi làm việc, và tự nhủ: “Đây là những anh chị em tôi, tất cả đều là anh chi em tôi!” “Tất cả đều được sinh ra trong trái tim Đức Giêsu bị đâm thâu vì tội lỗi của ta!

Lúc này, chính Đấng Phục Sinh đang nói với chúng ta. Đây là những lời đầy lòng tin và phấn khởi, trong một buổi phụng vụ như đang cử hành đây, do Đức Giám mục của một trong bẩy giáo đoàn Tiểu Á nói ra, cho những buổi đầu của Giáo hội:

“Chính Tôi đã phá hủy sự chết, đã chiến thắng kẻ thù, đã làm cho con người rất vui thích ở trên đỉnh trời. Nào, anh em hãy đến, tất cả mọi dòng giống nhân loại, đang chìm sâu trong tội lỗi. Hãy nhận lãnh ơn tha thứ tội lỗi, vì Tôi là ơn tha thứ của anh em. Chính Tôi là sự Vượt Qua cứu độ, là Con Chiên bị tế sát vì anh em, là giá chuộc của anh em, là sự sống của anh em, là sự sống lại của anh em, là ánh sáng của anh em, là vua của anh em. Tôi sẽ chỉ cho anh em thấy Cúa Cha” [Melitô Sarđê, Sur la Pâque, 102-103].

Lm. Micae Trần Đình Quảng
Chuyển ngữ từ: Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB, 2018, pp. 35-44
Nguồn: simonhoadalat.com