BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

LỄ VỌNG PHỤC SINH NĂM A

Các bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Vọng Phục Sinh năm A:

Đức Phanxicô:

08.04.2023 - Hồi nhớ và lên đường

11.04.2020 - Quyền hy vọng

15.04.2017 - Nhịp tim của Đấng Phục Sinh

19.04.2014 - Trở về Galilêa


Đức Phanxicô, ngày 08.04.2023 - Hồi nhớ và lên đường

Đêm sắp tàn và những ánh bình minh đầu tiên ló rạng, khi những người phụ nữ lên đường hướng về mộ Chúa Giêsu, họ tiến bước một cách bấp bênh, lạc lối, với trái tim bị xé nát bởi nỗi đau của cái chết đã cướp đi Đấng Yêu Dấu. Nhưng đến nơi, thấy mồ trống, họ đã quay lại, đổi hướng; họ rời khỏi mộ và chạy đi loan báo một hành trình mới cho các môn đệ: Chúa Giêsu đã sống lại và đang đợi các ông ở Galilê. Cuộc đời của những người phụ nữ này thực sự đã phục sinh, có nghĩa là một cuộc vượt qua: thực tế, họ đi từ con đường buồn bã tới ngôi mộ đến việc chạy đi loan báo cho các môn đệ trong niềm vui, để nói với họ không chỉ rằng Chúa đã sống lại, mà còn có một đích đến cần thực hiện ngay lập tức, Galilê. Cuộc hẹn với Đấng Phục Sinh ở phía trước, Đấng Phục Sinh dẫn đường tới đó. Sự tái sinh của các môn đệ, sự sống lại của tâm hồn họ trải qua từ Galilê. Chúng ta cũng bước vào cuộc hành trình của các môn đệ đi từ ngôi mộ đến Galilê.

Tin Mừng thuật lại rằng các phụ nữ “đi thăm mộ” (Mt 28:1). Họ nghĩ rằng Chúa Giê-su đang ở nơi chết chóc và rằng mọi sự đã chấm dứt mãi mãi. Đôi khi chúng ta cũng nghĩ rằng niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu đã thuộc về quá khứ, trong khi hiện tại chúng ta biết trên hết là những ngôi mộ bị niêm phong: những nỗi thất vọng, những cay đắng và ngờ vực của chúng ta, những nỗi niềm “không còn làm được gì nữa”, “mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi”, “tốt hơn hết là sống cho qua ngày” bởi vì “không có gì chắc chắn về ngày mai”. Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta từng bị đau đớn dày xéo, bị đè nén bởi nỗi buồn, tủi nhục vì tội lỗi, cay đắng vì thất bại nào đó hay ám ảnh bởi ưu tư nào đó, đã nếm trải vị đắng của mệt mỏi và đã thấy niềm vui phai nhạt trong lòng.

Đôi khi chúng ta chỉ đơn giản là cảm thấy mệt mỏi khi tiếp tục với cuộc sống hàng ngày, mệt mỏi khi mạo hiểm bản thân trước bức tường cao su của một thế giới nơi quy luật của kẻ khôn khéo nhất và kẻ mạnh nhất dường như luôn thắng thế. Vào những lúc khác, chúng ta cảm thấy bất lực và nản lòng trước sức mạnh của sự dữ, những xung đột chia rẽ các mối quan hệ, logic của tính toán và sự thờ ơ dường như chi phối xã hội, căn bệnh tham nhũng, bất công tràn lan, các cơn gió băng giá của chiến tranh. Và, thêm nữa, có lẽ chúng ta đã thấy mình đối mặt với cái chết, bởi vì nó đã cướp đi sự hiện diện ngọt ngào của những người thân yêu của chúng ta hoặc vì nó đã chạm vào chúng ta trong bệnh tật hoặc tai họa, và chúng ta dễ dàng trở thành con mồi của sự vỡ mộng và dập tắt nguồn hy vọng của chúng ta. Do đó, trong những tình huống này hay những tình huống khác, con đường của chúng ta dừng lại trước những ngôi mộ và chúng ta bất động khóc lóc và hối tiếc, cô đơn và bất lực để lặp lại câu “tại sao” của mình.

Thay vào đó, các phụ nữ trong ngày Phục sinh không bị tê liệt trước ngôi mộ, nhưng Tin Mừng kể lại, “vội vã rời khỏi mộ, vừa sợ vừa mừng, họ chạy đi báo tin cho các môn đệ của Người” (c. 8). Họ mang đến tin tức sẽ thay đổi cuộc sống và lịch sử mãi mãi: Chúa Kitô đã sống lại! (xem câu 6). Đồng thời, họ giữ và truyền đi lời của Chúa, lời mời gọi của Người cho các môn đệ: hãy đi đến Galilê, vì ở đó họ sẽ được gặp Người (x. c. 7). Nhưng đi đến Ga-li-lê nghĩa là gì? Hai điều: một mặt, thoát ra khỏi sự đóng cửa của phòng tiệc ly để đi đến vùng dân ngoại (x. Mt 4:15), thoát ra khỏi nơi ẩn náu để mở lòng với sứ vụ, thoát khỏi sợ hãi để tiến về phía tương lai. Mặt khác, nó có nghĩa là trở về cội nguồn, bởi vì tất cả đã bắt đầu ở Galilê. Tại đó Chúa đã gặp và gọi các môn đệ lần đầu tiên. Vì thế, đi đến Galilê là trở về với ân sủng nguyên thủy, là để lấy lại ký ức làm tái sinh niềm hy vọng, “ký ức của tương lai” mà chúng ta đã được đánh dấu bởi Đấng Phục Sinh.

Vậy, sự Phục Sinh của Chúa có tác dụng gì? Nó thúc đẩy chúng ta tiến tới, thoát ra khỏi cảm giác thất bại, lăn tảng đá khỏi ngôi mộ mà chúng ta thường giam hãm niềm hy vọng của mình, để tin tưởng nhìn về tương lai, bởi vì Chúa Kitô đã sống lại và đã thay đổi hướng của câu chuyện; nhưng, để làm được điều này, sự Phục Sinh của Chúa đưa chúng ta trở lại quá khứ ân sủng, đưa chúng ta trở lại Galilê, nơi bắt đầu câu chuyện tình yêu của chúng ta với Chúa Giêsu, nghĩa là, nó đòi hỏi chúng ta sống lại khoảnh khắc đó, hoàn cảnh đó, kinh nghiệm đó, nơi chúng ta đã gặp Chúa, cảm nghiệm được tình yêu của Người và nhận được một cái nhìn mới và sáng ngời về chính chúng ta, về thực tại, về mầu nhiệm của cuộc sống. Để sống lại, để bắt đầu lại, để tiếp tục cuộc hành trình, chúng ta luôn cần phải trở về Galilê, nghĩa là không phải trở lại với một Chúa Giêsu lý tưởng, trừu tượng, mà là trở về với ký ức sống động, cụ thể và rung động của cuộc gặp gỡ đầu tiên với Người. Vâng, thưa anh chị em, phải nhớ rằng khi bước đi, chúng ta phải hồi nhớ; để có hy vọng, chúng ta phải nuôi dưỡng ký ức. Đây là lời mời gọi: hồi nhớ và lên đường! Nếu bạn tìm lại được tình yêu ban đầu, sự ngạc nhiên và niềm vui khi gặp Chúa, thì bạn sẽ tiến bước. Hồi nhớ và lên đường.

Hãy hồi nhớ Galilê của bạn và tiến về phía Galilê của bạn. Đó là “nơi” mà bạn đã gặp gỡ Chúa Giêsu cách cá vị, nơi mà đối với bạn, Người không còn là một nhân vật lịch sử như những người khác, nhưng đã trở thành con người của sự sống: không phải là một Thiên Chúa xa lạ, mà là một Thiên Chúa gần gũi, biết bạn hơn bất kỳ ai khác và yêu bạn hơn bất kỳ ai khác. Anh chị em, hãy nhớ về Galilê của anh chị em: về tiếng gọi của anh chị em, về Lời Chúa mà trong chính thời điểm đó đã nói với chính anh chị em; về kinh nghiệm mạnh mẽ đó trong Thần Khí, về niềm vui lớn lao nhất của sự tha thứ được cảm nhận sau lần Xưng tội đó, về khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khó quên đó, về ánh sáng chiếu rọi bên trong và biến đổi cuộc đời bạn, về cuộc gặp gỡ đó, về cuộc hành hương đó… Mỗi chúng ta biết nơi phục sinh nội tâm của chính mình, nơi khởi đầu, nơi sáng lập, nơi đã thay đổi mọi thứ. Chúng ta không thể để nó lại chỗ quá khứ, nhưng Đấng Phục Sinh mời gọi chúng ta đến đó để mừng Phục Sinh. Hãy nhớ Galilê của bạn, nhớ đến nó, làm sống lại nó hôm nay. Quay trở lại cuộc gặp gỡ đầu tiên đó. Hãy tự hỏi xem điều đó đã xảy ra như thế nào và khi nào, hãy làm sống lại bối cảnh, thời gian và địa điểm đó, trải nghiệm lại những cảm xúc và cảm giác đó, hồi tưởng lại màu sắc và hương vị của nó. Vì chính khi quên đi tình yêu thuở ban đầu ấy, quên đi lần gặp gỡ đầu tiên ấy, là khi bạn để bụi bặm bắt đầu bám vào tim và nếm trải nỗi buồn và, giống như các môn đệ, mọi thứ dường như chẳng còn triển vọng, với một hy vọng bị niêm phong bằng đá tảng. Nhưng hôm nay, sức mạnh Phục sinh mời bạn hãy lăn đi những tảng đá thất vọng và ngờ vực. Chính Chúa, chuyên gia trong việc lật đổ các bia mộ của tội lỗi và sợ hãi, muốn soi sáng ký ức thánh thiện, ký ức đẹp đẽ nhất của bạn, làm cho cuộc gặp gỡ đầu tiên của bạn với Người trở về hiện tại. Hồi nhớ và lên đường: hãy trở lại với Người, trở lại với ân sủng Phục Sinh của Chúa trong bạn!

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy theo Chúa Giêsu đến Galilê, chúng ta hãy gặp gỡ Người và thờ lạy Người ở đó, nơi Người đang chờ đợi mỗi chúng ta. Chúng ta, sau khi đã khám phá ra Người vẫn sống, hãy làm sống lại vẻ đẹp của lúc chúng ta đã tuyên xưng Người là Chúa của cuộc đời chúng ta. Hãy trở lại Galilê, mỗi người trở lại Galilê của chính mình, Galilê của lần gặp gỡ đầu tiên, và sống lại đời sống mới!

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, ngày 11.04.2020 - Quyền hy vọng

Sau ngày Sabbath (Mt 28: 1), những người phụ nữ đã đi đến ngôi mộ. Đây là cách Tin Mừng của Đêm Vọng thánh thiêng này bắt đầu: với ngày Sa-bát. Trong Tam Nhật Thánh, chúng ta thường có xu hướng bỏ qua ngày này bởi ta đang háo hức chờ đợi bước chuyển từ mầu nhiệm Thánh Giá của ngày Thứ Sáu sang lời hoan ca Alleluia của Chúa Nhật Phục Sinh. Tuy nhiên, năm nay, chúng ta đang trải nghiệm, hơn bao giờ hết, sự im lặng lớn lao của Thứ Bảy Thánh. Chúng ta có thể tưởng tượng mình ở vị trí của những phụ nữ vào ngày đó. Giống như chúng ta bây giờ, trước mắt họ là một thảm cảnh đau thương, một bi kịch xảy ra quá bất ngờ. Họ đã nhìn thấy sự chết và nó đè nặng lên trái tim họ. Nỗi đau xen lẫn nỗi sợ hãi: liệu họ có chịu chung số phận với Thầy mình? Rồi sau đó là nỗi sợ về viễn tượng tương lai và tất cả những gì cần phải được xây dựng lại. Một ký ức đau đớn, một niềm hy vọng bị cắt cụt. Giống như chúng ta bây giờ, đối với họ, đó là giờ phút đen tối nhất.

Tuy nhiên, trong tình huống này, những người phụ nữ không cho phép mình bị tê liệt. Họ không chịu khuất phục trước sự ảm đạm của đau khổ và tiếc nuối; họ không tự thu mình lại, hay trốn chạy khỏi thực tại. Họ đang làm một việc rất đơn sơ nhưng lại phi thường: chuẩn bị các hương liệu ở nhà để xức xác Chúa Giê-su. Họ không ngừng yêu thương; từ trong đêm tối của cõi lòng, họ thắp lên một ngọn lửa thương xót. Mẹ Maria của chúng ta đã trải qua ngày Thứ Bảy đó. Đó là ngày xứng đáng dành để tôn vinh mẹ, trong tâm tình nguyện cầu và hy vọng. Mẹ đã đáp lại nỗi buồn bằng niềm tin vào Thiên Chúa. Những người phụ nữ này không thể ngờ được rằng, từ trong bóng tối của ngày Sa-bát đó, chính họ đang thực hiện những sự chuẩn bị cho “Bình minh của ngày thứ nhất trong tuần”, ngày sẽ thay đổi lịch sử. Như hạt giống bị chôn vùi trong lòng đất, Đức Giêsu chuẩn bị làm cho đời sống mới được nở hoa trong thế giới này; và những người phụ nữ đó, bằng lời cầu nguyện và tình yêu, đã giúp tạo nên đoá hoa hy vọng đó. Trong những ngày buồn thảm này, có biết bao người cũng đã và đang làm những điều mà những phụ nữ kia đã thực hiện, đó là gieo hạt mầm hy vọng, với những cử chỉ bé nhỏ của lòng quan tâm, của tình thường và lời cầu nguyện.

Rạng sáng, những người phụ nữ đi đến ngôi mộ. Thiên thần nói với họ: “Đừng sợ. Ngài không ở đây; vì Ngài đã sống lại”(câu 5-6). Họ nghe thấy những lời của sự sống ngay cả khi họ đang đứng trước một ngôi mộ… Và sau đó họ gặp Đức Giê-su, đấng ban tặng tất mọi niềm hy vọng, Đấng xác chuẩn thông điệp và nói: “Đừng sợ”(câu 10). Đừng sợ, đừng lui bước trước sợ hãi: Đây là thông điệp của hy vọng. Nó được gửi đến chúng ta hôm nay. Đây là những lời mà Thiên Chúa lặp lại với chúng ta ngay trong đêm nay.

Đêm nay, chúng ta được trao một quyền cơ bản mà không bao giờ bị lấy mất: quyền hy vọng. Đó là niềm hy vọng hy sống động và mới mẻ đến từ Thiên Chúa. Đó không phải là thứ lạc quan tếu; nó không phải là một cái vỗ nhẹ vào lưng hay một lời khích lệ trống rỗng. Đó là một món quà từ thiên đường, thứ mà chúng ta không thể tự mình kiếm được. Trong những tuần này, chúng ta đã lặp đi lặp lại rằng ‘tất cả sẽ ổn thôi’. Đó là những lời nói bén rễ từ nét đẹp nhân bản và thúc đẩy những câu khích lệ nổi lên từ cõi lòng chúng ta. Nhưng khi ngày tháng trôi qua và nỗi sợ hãi tăng lên, ngay cả niềm hy vọng táo bạo nhất cũng có thể tan biến. Niềm hy vọng của Đức Giê-su mang lại thì rất khác. Ngài gieo vào lòng chúng ta niềm tin rằng Thiên Chúa có thể biến mọi thứ trở nên tốt lành, vì chưng ngay cả từ ngôi mộ Ngài cũng đã mang lại sự sống.

Ngôi mộ là nơi không ai bước vào. Nhưng Chúa Giêsu trỗi dậy vì chúng ta; Ngài đã sống lại cho chúng ta, để mang lại sự sống từ nơi của sự chết, để khởi đầu một lịch sử mới ở chính nơi bị chèn bởi tảng đá. Đấng đã lăn hòn đá bịt kín lối vào ngôi mộ cũng có thể loại bỏ những viên đá trong trái tim chúng ta. Vì vậy, chúng ta đừng nhụt chí; chúng ta đừng đặt tảng đá chắn mất niềm hy vọng. Chúng ta có thể và phải hy vọng vì Thiên Chúa là Đấng thành tín. Ngài không bỏ rơi chúng ta; Ngài đã viếng thăm ta và đã bước vào những cảnh huống đau thương, thống khổ và chết chóc của chúng ta. Ánh sáng của Ngài xua tan bóng tối của ngôi mộ; hôm nay Ngài muốn ánh sáng đó xuyên qua cả những góc tối nhất trong cuộc sống chúng ta. Thưa quý anh chị em, ngay cả khi chúng ta đã chôn vùi niềm hy vọng trong trái tim mình, chúng ta cũng đừng từ bỏ, vì Thiên Chúa vẫn luôn lớn hơn. Bóng tối và sự chết không có lời cuối cùng. Hãy mạnh mẽ lên, vì với Chúa không có gì là hư mất!

Lòng can đảm. Đây là một cụm từ thường được Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng. Chỉ một lần những người khác dùng cụm từ này để khích một người đang cần giúp đỡ: Hãy can đảm đứng dậy, Ngài đang gọi anh đó! (Mc 10:49). Chính Người, Đấng Phục Sinh, đã nâng chúng ta lên trong những lúc cần thiết. Trên hành trình cuộc sống, nếu ta cảm thấy yếu đuối, mỏng giòn, hoặc sa ngã, xin đừng sợ, Thiên Chúa sẽ đưa tay giúp đỡ và nói với ta: “Dũng cảm lên!”. Tựa như Don Abbondio (trong tiểu thuyết của Manzoni), chúng ta cũng có thể nói “can đảm chẳng phải là điều gì bạn có thể tự trao cho mình”(I Promessi Sposi, XXV). Đúng, ta không thể tặng nó cho chính mình, nhưng ta có thể nhận nó như một món quà. Tất cả những gì ta phải làm là mở lòng cầu nguyện và nhẹ nhàng lăn đi tảng đá chặn lối vào trái tim của ta để ánh sáng của Chúa Giê-su có thể rọi vào. Ta chỉ cần kêu cầu Ngài: “lạy Chúa Giêsu, hãy đến với con giữa nỗi sợ hãi này, và nói với con rằng: Hãy can đảm!” Có Ngài, ôi lạy Chúa, chúng con sẽ chịu thử thách nhưng không bị lung lay. Và, dù cho bất cứ nỗi buồn nào, chúng con sẽ được củng cố trong hy vọng, vì có Ngài, thập giá cũng dẫn đến sự phục sinh, bởi Ngài ở cùng chúng con trong màn đêm u tối; Ngài chính là sự vững vàng giữa những điều không chắc chắn của chúng con; Ngài là lời nói phát ra trong cơn thinh lặng của chúng con; và không gì có thể lấy đi tình yêu Ngài dành cho chúng con.

Đây là sứ điệp Phục Sinh, sứ điệp của hy vọng. Sứ điệp này chứa một phần nữa, đó là sứ mạng được sai đi. Đức Giê-se bảo các phụ nữ: “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê”(Mt 28:10). Thiên thần đã báo trước: “Người đi Ga-li-lê trước các ông”(Câu 7). Chúa đi trước chúng ta. Thật đáng khích lệ khi biết rằng Ngài đi trước chúng ta trong cuộc sống và trong cái chết; Ngài đến Galilê trước chúng ta. Với Đức Giê-su và các môn đệ, nơi này gợi nhớ tới cuộc sống hàng ngày, tới gia đình và công việc. Chúa Giêsu muốn chúng ta mang lại hy vọng ở đó, cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đối với các môn đệ, Galilê cũng là nơi đáng nhớ, vì đó là nơi đầu tiên họ được kêu gọi. Trở về Galilê có nghĩa là nhớ rằng chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương và kêu gọi. Chúng ta cần tiếp tục cuộc hành trình, nhắc nhở bản thân rằng chúng ta được sinh ra và tái sinh nhờ một lời mời gọi được trao tặng nhưng không cho chúng ta vì tình yêu. Đây luôn là điểm mà chúng ta luôn có thể làm mới lại, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng và thử thách.

Nhưng còn hơn thế nữa. Galilê là khu vực xa nhất tính từ chỗ họ đang ở, tức từ Jerusalem. Và không chỉ về mặt địa lý. Galilê cũng là nơi cách xa sự thánh thiêng của Thành Thánh nhất. Đó là khu vực của những người thuộc các tôn giáo khác nhau sinh sống: đó là “Galilee của Dân Ngoại” (Mt 4:15). Chúa Giêsu sai họ đến đó và yêu cầu họ bắt đầu lại từ đó. Điều này nói gì với chúng ta? Nó nói rằng thông điệp hy vọng không nên bị giới hạn vào những chốn thánh thiêng của riêng chúng ta, mà cần được mang đến cho mọi người. Bởi vì tất cả mọi người đang cần sự trấn an, và nếu chúng ta, những người đã chạm được vào “Lời của sự sống”(1Ga 1: 1), không trao ban sự trấn an đó thì ai sẽ làm thay? Đẹp biết bao khi trở thành những Kitô hữu mang đến sự an ủi, trở thành người mang vác gánh nặng của người khác, và thành người khích lệ: đó là những sứ giả của sự sống trong thời điểm chết chóc! Ước gì chúng ta có thể mang lời ca sự sống đến mọi thứ ‘Galilee’, mọi khu vực của gia đình nhân loại mà tất cả chúng ta thuộc về và là một phần của chúng ta, vì tất cả chúng ta đều là anh chị em. Chúng ta hãy làm cho những kêu gào của sự chết phải im lặng; cho mọi thứ chiến tranh phải dừng lại! Ước gì chúng ta có thể ngừng sản xuất và buôn bán vũ khí, vì chúng ta cần lương thực chứ không phải súng ống! Hãy kết thúc việc phá thai và giết hại người vô tội. Ước gì trái tim của những người dư dả có đủ sự cởi mở để trao ban các nhu cầu thiết yếu vào những đôi tay trống trơn của người nghèo.

Sau hết, những phụ nữ đó đã níu giữ chân Chúa Giê-su (Mt 28: 9). Đó là đôi chân đã đi rất xa để gặp gỡ chúng ta: đến tận mức đi vào và trỗi dậy từ ngôi mộ. Những phụ nữ ôm lấy đôi chân đã giẫm đạp cái chết và đã mở ra con đường hy vọng. Hôm nay, như những người lữ hành tìm kiếm hy vọng, chúng con muốn bám vào Ngài, lạy Đức Giê-su Phục Sinh! Chúng con quay lưng với cái chết và mở rộng trái tim cho Ngài, vì chính Ngài là Sự Sống.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, 15.04.2017 - Nhịp tim của Đấng Phục Sinh

Sau ngày Sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Maria, đã đến viếng mộ” (Mt 28,1). Chúng ta có thể hình dung ra những bước chân… đó là bước chân mà nó tiêu biểu cho người đi đến nghĩa địa: một bước chân mệt mỏi trước sự luống cuống, bước đi yếu ớt của kẻ không tin rằng, tất cả sẽ kết thúc theo cách này… Chúng ta có thể hình dung ra những khuôn mặt nhợt nhạt và đẫm nước mắt của họ… Và những câu hỏi: Tình Yêu mà chết thì nó sẽ ra sao?

Ngược hẳn lại với các môn đệ, họ ở đó – giống như họ đã từng đồng hành với những hơi thở cuối cùng của Thầy trên Thập Giá, và rồi đồng hành với việc an táng Ngài do Giu-se thành Arimathea thực hiện: hai người phụ nữ có khả năng không chạy trốn nhưng kiên vững; họ có khả năng chấp nhận cuộc sống như nó là, và chịu đựng hương vị cay đắng của sự bất công. Và giờ đây, họ ở đó, trước ngôi mộ, dưới những đau khổ, và không còn khả năng cam chịu cũng như không còn khả năng chấp nhận rằng, rồi tất cả cũng sẽ đều phải kết thúc.

Và khi chúng ta cố gắng hình dung một chút, thì rồi chúng ta sẽ có thể thấy được trong khuôn mặt của những người phụ nữ ấy khuôn mặt của rất nhiều người mẹ và người bà, thấy được khuôn mặt của những em nhỏ và của những người trẻ, mà họ đang phải chịu đựng những gánh nặng và những nỗi khổ đau của rất nhiều những bất công phi nhân. Chúng ta thấy, những khuôn mặt của tất cả những con người đang cảm thấy đau khổ vì những nỗi khốn cùng, vì sự bóc lột và vì nạn buôn người trong xã hội, phản chiếu thế nào trong những người phụ nữ ấy. Trong họ, chúng ta cũng thấy được những khuôn mặt của những con người đang phải trải qua sự khinh khi vì họ bị kỳ thị, không quê hương xứ sở, không nhà cửa và không có gia đình; những khuôn mặt của những con người đang phải cô đơn và bị bỏ mặc, vì họ cũng đang có đôi tay rất ư là nhăn nheo. Họ phản chiếu trong khuôn mặt của những phụ nữ và những người mẹ đang khóc vì thấy cuộc sống của con cái họ đang bị chôn vùi dưới gánh nặng của sự tham nhũng và hủ hóa như thế nào. Sự tham nhũng này cướp đi những quyền lợi của họ, và làm cho vô vàn những nỗ lực bị vỡ vụn dưới việc tìm kiếm cái TÔI hằng ngày, mà việc tìm kiếm cái TÔI ấy đang đóng đinh và chôn vùi niềm hy vọng của rất nhiều người, dưới một chế độ quan liêu hủ bại và vô dụng, mà chế độ quan liêu đó không cho phép thay đổi các vấn đề. Trong sự đau khổ của mình, họ mang theo khuôn mặt của tất cả những con người trong xã hội đang thấy nhân phẩm của mình bị đóng đinh.

Có rất nhiều khuôn mặt trong khuôn mặt của những người phụ nữ đấy, và có lẽ chúng ta cũng đang thấy được khuôn mặt của bạn và của tôi ở đó. Giống như họ, có thể chúng ta cảm thấy mình đang được thúc giục hãy lên đường để không cam chịu với thực tế rằng, tất cả đều phải kết thúc như thế. Đúng là chúng ta đang mang trong mình một lời hứa và một niềm tin tưởng vào sự tín trung của Thiên Chúa. Nhưng những khuôn mặt của chúng ta cũng nói về những vết thương, cũng nói về muôn vàn những điều bất tín – của chúng ta và của người khác -,  chúng cũng nói về những cơn cám dỗ và những trận thua. Con tim của chúng ta biết rằng, mọi sự đều có thể khác đi, nhưng đồng thời chúng ta lại không nhận ra điều đó, nhưng lại có thói quen sống với những nấm mồ và với sự thất vọng. Thậm chí chúng ta còn đi xa hơn nữa để làm cho mình tin rằng, đó là quy luật cuộc sống, trong khi chúng ta tự làm cho mình bị tê liệt với những lời biện minh thoái thác, mà chúng không đem lại bất cứ điều chi khác ngoài việc dập tắt niềm hy vọng mà Thiên Chúa đã đặt vào đôi tay chúng ta. Những bước đi của chúng ta thường là như thế, chúng ta đi giống như những phụ nữ ấy – đó là một bước đi giữa niềm khát khao Thiên Chúa với sự thất vọng không niềm vui. Không chỉ vị Thầy đã chết – nhưng niềm hy vọng của chúng ta cũng đang chết với Ngài.

Và kìa, đất rung chuyển dữ dội” (Mt 28,2). Bỗng dưng, các phụ nữ nhận được một cú hích mạnh mẽ, một cái gì đó giống như thể một ai đó làm cho mặt đất dưới chân các bà phải rung lên. Một ai đó tiếp tục đi đến với các bà và nói: Chị em đừng sợ!, nhưng lần này với sự bổ sung: Chúa đã sống lại như Ngài đã nói. Và đó là sứ điệp mà Đêm Thánh này trao cho chúng ta từ đời nọ tới đời kia: Chúng ta đừng sợ, anh chị em thân mến, Chúa đã sống lại như lời Ngài đã nói! Sự sống bị giày xéo, bị hủy hoại và bị tàn phá trên Thập Giá lại tái trỗi dậy, cũng như tái cử động (xc. R. Guardini, Der Herr, Würzburg 1951, S. 479). Nhịp tim của Đấng Phục Sinh tự giới thiệu với chúng ta như là ân sủng, là quà tặng và là đường chân trời. Nhịp tim của Đấng Phục Sinh được tặng ban cho chúng ta để chúng ta tiếp tục trao tặng nó đi, như được đòi hỏi từ chúng ta, mà về phía mình, với tư cách là sức mạnh biến đổi và là men của một nhân loại mới. Nhờ vào sự phục sinh của Ngài, Chúa Ki-tô đã không chỉ hất tung tảng đá, nhưng Ngài còn muốn làm nổ tung mọi rào cản mà chúng nhốt chúng ta lại trong những thái độ yếm thế vô bổ của chúng ta, cũng như trong thế giới quan đầy vụ lợi của chúng ta, mà những thái độ và thế giới quan đó sẽ dẫn chúng ta đi xa khỏi cuộc sống, cũng như nhốt chúng ta vào trong sự tìm kiếm những điều an toàn, và nhốt chúng ta vào trong những tham vọng vô độ của chính chúng ta, những tham vọng ấy có khả năng đùa cợt với phẩm giá của người khác.

Khi các thượng tế và những chức sắc tôn giáo đồng lõa với chính quyền Rô-ma tin rằng, có thể trù liệu tất cả; khi họ nghĩ rằng, lời cuối cùng đã được nói, và họ có quyền ấn định điều ấy, thì Thiên Chúa đã bất thần xuất hiện để thủ tiêu tất cả mọi tiêu chuẩn, và như thế, tạo điều kiện cho một cơ hội mới. Thiên Chúa đến với chúng ta nhiều lần để ấn định một thời đại mới, thời đại của Lòng Thương Xót, và củng cố thời đại ấy. Đó chính là lời hứa càng ngày càng trở nên chắc chắn, đó là sự gây ngỡ ngàng của Thiên Chúa đối với dân tín trung của Ngài: Hãy vui mừng, vì cuộc sống của bạn đang ấp ủ một hạt mầm phục sinh, một sự mời chào sự sống mà nó đang mong chờ được tái phát triển.

Đó chính là điều mà để công bố cho chúng ta, đêm nay đã thốt lên: nhịp tim của Đấng Phục Sinh – Chúa Ki-tô đang sống! Đó là điều đã biến đổi bước chân của bà Maria Magdala và bước chân của một bà khác cũng tên là Maria: Điều đó làm cho các bà vội vã lên đường và mau chóng đến cùng các môn đệ để công bố Tin Mừng (xc. Mt 28,8); điều đó mang các bà tới chỗ vội vã quay lại và thực hiện việc thay đổi cái nhìn; họ quay trở lại thành phố để gặp gỡ những người khác.

Giống như những người phụ nữ ấy, chúng ta cũng đã đến viếng ngôi mộ; và như thế, Cha mời gọi anh chị em, hãy đồng hành với các bà trong việc quay trở lại thành phố, hãy điều chỉnh những bước đi và những cách nhìn của mình. Chúng ta hãy đồng hành với các bà để công bố Tin Mừng, chúng ta hãy đi… đến tất cả mọi nơi mọi chỗ mà ở đó có vẻ như sự chết đang là giải pháp duy nhất, và nấm mộ đang có tiếng nói cuối cùng. Chúng ta hãy đi để loan báo Tin Mừng, để công bố và để chỉ cho mọi người thấy rằng, Chúa Ki-tô đang sống thực sự. Ngài đang sống và đang muốn sống lại trong rất nhiều những khuôn mặt đã chôn vùi mất niềm hy vọng, chôn vùi những giấc mơ và chôn vùi phẩm giá. Và nếu chúng ta không có khả năng trong việc để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta trên con đường này, thì rồi chúng ta sẽ không còn là các Ki-tô hữu nữa.

Chúng ta hãy đi và hãy để cho mình được gây ngỡ ngàng bởi buổi sáng tinh sương, mà nó đã trở nên khác ấy; chúng ta hãy để cho mình được gây ngỡ ngàng bởi điều mới mẻ mà chỉ một mình Chúa Ki-tô mới có thể ban tặng. Chúng ta hãy để cho sự trìu mến và Tình Yêu của Ngài mang những bước chân của chúng ta vào trong sự chuyển động, hãy để cho nhịp tim của Ngài biến đổi nhịp tim yếu ớt của chúng ta!

Nguồn: daminhtamhiep.net (15.4.2017)


Đức Phanxicô, 19.04.2014 - Trở về Galilêa

Phúc Âm về cuộc phục sinh của Chúa Giêsu Kitô được bắt đầu bằng hành trình của các phụ nữ đến mồ vào lúc rạng đông của ngày sau ngày Hưu Lễ. Họ đến mồ để tôn kính thân thể của Chúa, nhưng họ lại thấy nó đã được mở ra và trở nên trống không. Một vị thiên thần quyền uy mới nói với họ rằng: Đừng sợ! (Mt 28:5) và truyền cho họ hãy đi nói với môn đệ rằng Người đã sống lại từ trong kẻ chết, và Người thực sự đến Galilêa trước các vị (câu 7). Các phụ nữ vội vàng lên đường và trên đường đi thì đích thân Chúa Giêsu gặp gỡ họ mà bảo: Đừng sợ; hãy đi mà nói cho các môn đệ của Thầy đến Galilêa; ở đó họ sẽ gặp Thày” (câu 10).

Sau cái chết của Thày mình, các môn đệ đã bị phân tán; đức tin của các vị hoàn toàn bị rung chuyển, mọi sự dường như chẳng còn gì nữa, tất cả những gì các vị tin tưởng đều trở nên tan tành và những gì các vị hy vọng đều tiêu tan. Thế nhưng, bấy giờ tin tức của các phụ nữ, bất khả tín thay, lại được mang đến với các vị như một tia sáng trong tăm tối. Tin tức được loan truyền ấy là Chúa Giêsu đã sống lại như Người đã phán. Rồi còn lệnh Người truyền cho các vị phải đến Galilêa nữa; các phụ nữ nghe thấy điều này 2 lần, lần thứ nhất từ thiên thần và sau đó từ chính Chúa Giêsu: Hãy báo cho họ đến Galilêa; ở đó họ sẽ gặp Thày.

Galilêa là nơi đầu tiên các vị được kêu gọi, nơi mọi sự được bắt đầu! Hãy trở về lại đó, trở về nơi các vị được gọi từ ban đầu. Chúa Giêsu đã bước đi dọc theo các bờ hồ khi những tay đánh cá ấy đang thả lưới. Người đã gọi các vị và các vị đã bỏ hết mọi sự mà theo Người (xem mathêu 4:18-22).

Việc trở lại Galilêa nghĩa là ôn lại hết mọi sự theo chiều hướng thập giá và cuộc vinh thắng của thập giá. Là ôn lại hết mọi sự Chúa Giêsu giảng dạy, làm phép lạ, lập cộng đồng mới, những hứng thú cùng với việc bỏ hàng ngũ ra đi, thậm chí cả việc bội phản, để ôn lại hết mọi sự từ một tận cùng lại là một khởi điểm mới, từ tác động yêu thương cao cả này.

Đối với cả từng người chúng ta nữa, cũng có một Galilêa ở vào khởi điềm cho cuộc hành trình của chúng ta với Chúa Giêsu. Việc đi đến Galilêa mang một ý nghĩa đẹp đẽ nào đó, nghĩa là tái nhận thức phép rửa của chúng ta như là một ngọn suối sống động, kín múc lấy một nghị lực mới từ nguồn mạch đức tin của chúng ta và cảm nghiệm Kitô hữu của chúng ta. Việc trở về Galilêa trên hết có nghĩa là trờ về với thứ ánh sáng rạng ngời mà nhờ đó ân sủng của Thiên Chúa đã chạm đến tôi ngay từ đầu của cuộc hành trình này. Từ ánh sáng ấy tôi có thể thắp lên một ngọn lửa cho hôm nay đây cũng như cho hết mọi ngày sống, và mang lại sức nóng cùng ánh sáng cho anh chị em của tôi. Ngọn lửa ấy làm bừng lên niềm vui nhẹ nhàng, một niềm vuị không thể bị mất đi bởi sầu đau và buồn khổ, một niềm vui tốt lành và êm dịu.

Trong đời sống của hết mọi Kitô hữu, sau phép rửa cũng có một thứ Galiêa sống động hơn nữa, đó là cái cảm nghiệm của một cuộc hội ngộ riêng tư với Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã kêu gọi tôi theo Người và tham phần vào sứ vụ của Người. Bởi thế, việc trở về với Galilêa nghĩa là trân quí trong lòng mình cái ký ức sống động về ơn gọi ấy, khi Chúa Giêsu đi qua đời tôi, thương hại nhìn vào tôi và xin tôi hãy theo Người (biệt chú của người dịch: câu này hoàn toàn phản ảnh câu tâm niệm của ĐTC “vì thương được chọn” xuất phát từ cảm nghiệm của ngài vào năm ngài 17 tuổi trước khi ngài dấn thân đáp lại tiếng Chúa gọi và theo Chúa cho đến nay trong vai trò đại diện Người để dẫn dắt Giáo Hội hiện nay). Nó có nghĩa là làm sống lại ký ức về giây phút mà ánh mắt của Người chạm phải đôi mắt của tôi, lúc mà Người làm cho tôi cảm thấy rằng Người đã yêu thương tôi.

Hôm nay, đêm nay, mỗi người chúng ta có thể đặt vấn đề là: Galilêa của tôi là gì? Galilêa của tôi ở đâu vậy? Tôi có nhớ nó hay chăng? Hay là tôi đã quên mất nó rồi? Phải chăng tôi đã bị lầm đường lạc lối nên quyên mất nó rồi? Chúa ơi, xin giúp con: xin hãy bảo cho con biết Galilêa của con là gì; vì Chúa biết rằng con muốn trở về đó để gặp gỡ Chúa và để cho con được tình thương của Chúa ấp ủ.

Bài Phúc Âm của Lễ Phục Sinh rất là rõ ràng, ở chỗ chúng ta cần trở về đó, để thấy Chúa Giêsu phục sinh và để trở thành những nhân chứng cho việc phục sinh của Người. Không phải là vấn đề trở về đó theo thời gian; không phải là một thứ nhung nhớ. Mà là cuộc trở về với tình yêu ban đầu của chúng ta, để nhận lấy ngọn lửa đã được Chúa Giêsu thắp lên trên thế giới này và mang ngọn lửa ấy cho tất cả mọi dân nước, cho đến tận cùng trái đất.

Một Galilêa của Dân Ngoại (Mathêu 4:15; Isaia 8:23)! Đó là chân trời của Chúa Phục Sinh, chân trời của Giáo Hội; với ước muốn thiết tha được gặp gỡ, nào chúng ta hãy lên đường!

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org (20.4.2014)


LỜI CHÚA

Bài Ðọc I: St 1, 1 - 2, 2

"Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm thật là tốt đẹp".

Bài trích sách Sáng Thế.

Từ nguyên thuỷ Thiên Chúa đã tạo thành trời đất. Ðất còn hoang vu trống rỗng, tối tăm bao trùm vực thẳm, và thần trí Thiên Chúa bay sà trên mặt nước.

Thiên Chúa phán: "Hãy có ánh sáng". Và có ánh sáng. Thiên Chúa thấy ánh sáng tốt đẹp, Người phân rẽ ánh sáng khỏi tối tăm. Thiên Chúa gọi ánh sáng là ngày, tối tăm là đêm. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất.

Thiên Chúa phán: "Hãy có một vòm trời ở giữa nước, phân rẽ nước với nước"; và Thiên Chúa làm nên vòm trời, và phân rẽ nước phía dưới vòm trời với nước phía trên vòm trời. Và xảy ra như vậy. Thiên Chúa gọi vòm đó là trời. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.

Thiên Chúa phán: "Nước dưới trời hãy tụ lại một nơi, để lộ ra chỗ khô cạn. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ khô cạn là đất, và Người gọi khối nước là biển. Thiên Chúa thấy tốt đẹp. Và Thiên Chúa phán: "Ðất hãy trổ sinh thảo mộc xanh tươi mang hạt giống; và cây ăn trái phát sinh trái theo giống nó, và trong trái có hạt giống, trên mặt đất. Và đã xảy ra như vậy. Tức thì đất sản xuất thảo mộc xanh tươi mang hạt theo giống nó, và cây phát sinh trái trong có hạt tuỳ theo loại nó. Và Thiên Chúa thấy nó tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba.

Thiên Chúa còn phán: "Hãy có những vật sáng trên vòm trời và hãy phân chia ngày và đêm, và trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng, để soi sáng trên vòm trời và giãi sáng mặt đất". Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã làm nên hai vầng sáng lớn: Vầng sáng lớn hơn làm chủ ban ngày, và vầng sáng nhỏ hơn làm chủ ban đêm; Và Ngài cũng làm nên các tinh tú. Thiên Chúa đặt chúng trên vòm trời để soi sáng trên mặt đất, và làm chủ ngày đêm, và phân chia ánh sáng với tối tăm. Thiên Chúa thấy nó tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư.

Thiên Chúa lại phán: "Nước hãy sản xuất những sinh vật bò sát, và loài chim bay trên mặt đất, dưới vòm trời. Vậy Thiên Chúa tạo thành những cá lớn, mọi sinh vật sống động mà nước sản xuất theo loại chúng, và mọi chim bay tuỳ theo giống. Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp. Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng: "Hãy sinh sôi nẩy nở cho nhiều, đầy nước biển; loài chim hãy sinh cho nhiều trên mặt đất". Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ năm.

Thiên Chúa lại phán: "Ðất hãy sản xuất các sinh vật tuỳ theo giống: gia súc, loài bò sát và dã thú dưới đất tuỳ theo loại". Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã dựng nên dã thú dưới đất tuỳ theo loại, gia súc, và mọi loài bò sát dưới đất tuỳ theo giống. Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp. Và Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất".

Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa, Chúa tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ.

Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: "Hãy sinh sôi nẩy nở cho nhiều, đầy mặt đất, và thống trị nó; hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất". Thiên Chúa phán: "Ðây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt đất và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi loài dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất". Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.

Thế là trời đất và mọi trang điểm của chúng đã hoàn thành. Ngày thứ bảy Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi.

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 32, 4-5. 6-7. 12-13. 20 và 22

Ðáp: Ðịa cầu đầy ân sủng Chúa.

Xướng: 1) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.

Ðáp: Ðịa cầu đầy ân sủng Chúa.

2) Do lời Chúa mà trời xanh được tạo thành, và mọi cơ binh chúng đều do hơi thở miệng Người. Chúa thu nước biển lại như để trong bầu, Người đặt những ngọn sóng trong kho chứa đựng.

Ðáp: Ðịa cầu đầy ân sủng Chúa.

3) Phúc thay quốc gia mà Chúa là chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Tự trời cao Chúa nhìn xuống, Người xem thấy hết thảy con cái loài người.

Ðáp: Ðịa cầu đầy ân sủng Chúa.

4) Linh hồn chúng tôi mong đợi Chúa, chính Người là Ðấng phù trợ và che chở chúng tôi. - Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

Ðáp: Ðịa cầu đầy ân sủng Chúa.


Bài Ðọc II: St 22, 1-18

"Của lễ hiến tế của Abraham, Tổ phụ chúng ta".

Bài trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa thử Abraham và nói với ông rằng: "Abraham, Abraham". Ông đáp lại: "Dạ, con đây". Chúa nói: "Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi". Sáng ngày, Abraham dậy sớm, thắng lừa và đem theo hai đứa đầy tớ của ông, cùng với Isaác con ông, ông chẻ củi dùng vào lễ thượng hiến, đoạn ông lên đường đến chỗ Thiên Chúa đã tỏ cho ông.

Ngày thứ ba, Abraham ngước mắt lên và thấy chỗ ấy từ đàng xa. Abraham mới bảo tôi tớ: "Các anh ở lại đây với con lừa; còn ta và đứa trẻ, chúng ta phải đi tới đằng kia mà thờ lạy, rồi chúng tôi sẽ về lại với các anh". Abraham lấy củi lễ thượng hiến và cho Isaác vác đi, còn ông thì cầm lấy lửa và dao phay, rồi cả hai cùng bước. Isaác cất tiếng nói với Abraham cha cậu rằng: "Cha!" Ông đáp: "Ta đây, con!" Cậu hỏi: "Này đây đã có lửa và củi, vậy hy sinh thượng hiến ở đâu?" Abraham đáp: "Chính Thiên Chúa sẽ tự liệu ra hy sinh thượng hiến, con ạ". Rồi cả hai cùng bước.

Khi hai người đến nơi Chúa đã chỉ, Abraham làm một bàn thờ và chất củi lên, rồi trói Isaac lại, đặt lên bàn thờ trên đống củi. Abraham giơ tay lấy dao để sát tế con mình. Bấy giờ thiên thần Chúa từ trời gọi ông rằng: "Abraham! Abraham!" Ông thưa lại: "Dạ, con đây". Người nói: "Ðừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây, Ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta". Abraham ngước mắt lên, thấy sau lưng mình có con cừu đực đang mắc sừng trong bụi cây, Abraham liền bắt nó và tế lễ thay cho con mình. Chỗ ấy Abraham gọi tên là "Thiên Chúa sẽ liệu", khiến ngày nay người ta còn nói: "Trên núi Thiên Chúa sẽ liệu".

Thiên thần Chúa gọi Abraham lần thứ hai và nói rằng: "Chúa phán: Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi. Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta".

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 15, 5 và 8. 9-10. 11

Ðáp: Lạy Chúa, xin bảo toàn con, vì con tìm nương tựa Chúa.

Xướng: 1) Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.

Ðáp: Lạy Chúa, xin bảo toàn con, vì con tìm nương tựa Chúa.

2) Bởi thế, lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy điều hư nát.

Ðáp: Lạy Chúa, xin bảo toàn con, vì con tìm nương tựa Chúa.

3) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời!

Ðáp: Lạy Chúa, xin bảo toàn con, vì con tìm nương tựa Chúa.

 

Bài Ðọc III: Xh 14, 15 - 15, 1

"Con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn".

Bài trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng: "Có gì mà kêu đến Ta? Hãy bảo con cái Israel cứ lên đường. Còn ngươi, đưa gậy lên, và giơ tay trên biển, hãy phân rẽ biển ra, cho con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn. Còn Ta, Ta sẽ làm cho lòng người Ai-cập ra chai đá, chúng sẽ rượt theo sau các ngươi. Bấy giờ Ta sẽ tỏ vinh quang cho Pharaon, toàn thể quân lực, chiến xa và kỵ binh của vua ấy biết. Người Ai-cập sẽ biết Ta là Chúa khi Ta tỏ vinh quang cho Pharaon, chiến xa và kỵ binh của vua ấy biết".

Sứ thần Thiên Chúa thường đi trước hàng ngũ Israel, liền bỏ trở lại sau họ. Cột mây thường đi phía trước, cũng theo sứ thần trở lại phía sau, đứng giữa hàng ngũ Ai-cập và hàng ngũ Israel. Và đám mây thường soi sáng ban đêm trở thành mù mịt, đến nỗi suốt đêm, hai bên không thể tới gần được. Môsê giơ tay trên biển, thì bằng một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, Chúa dồn biển lui và làm cho biển khô cạn. Nước rẽ ra và con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước dựng lên như bức thành hai bên tả hữu.

Người Ai-cập đuổi theo, toàn thể binh mã của Pharaon, chiến xa và kỵ binh đi theo sau Israel vào giữa lòng biển. Lúc gần sáng, qua cột mây lửa, Chúa nhìn xuống hàng ngũ Ai-cập, gây rối loạn trong hàng ngũ chúng. Người lật đổ bánh xe, khiến xe tiến tới thật vất vả. Người Ai-cập nói: "Ta hãy chạy trốn Israel, vì Chúa chiến đấu giúp họ, chống chúng ta".

Chúa phán bảo Môsê: "Hãy giơ tay trên biển để nước trở lại vùi dập người Ai-cập, chiến xa và kỵ binh của chúng". Môsê giơ tay trên biển, và lúc tảng sáng, biển trở lại như cũ. Người Ai-cập chạy trốn, gặp ngay nước biển ập lại. Chúa xô chúng ngã giữa lòng biển. Nước trở lại, vùi dập chiến xa và kỵ binh. Toàn thể quân lực của Pharaon đã theo dân Israel xuống biển, không còn tên nào sống sót. Còn con cái Israel đã đi giữa lòng biển khô cạn, nước dựng như bức thành hai bên tả hữu. Ngày đó Chúa cứu Israel khỏi tay Ai-cập. Và họ thấy xác người Ai-cập trôi dạt đầy bờ, và thấy cánh tay oai hùng của Thiên Chúa đè bẹp Ai-cập. Toàn dân kính sợ Chúa, tin vào Chúa và vào Môsê tôi tớ người.

Bấy giờ Môsê cùng với con cái Israel hát mừng Chúa bài ca này:

(Không đọc: Ðó là lời Chúa).


Ðáp Ca: Xh 15, 1-2. 3-4. 5-6. 17-18

Ðáp: Tôi sẽ ca tụng Chúa, vì Người uy linh cao cả.

Xướng: 1) Tôi sẽ ca tụng Chúa, vì Người uy linh cao cả. Người đã ném ngựa và người xuống biển khơi. Chúa là sức mạnh và là khúc ca của tôi, chính Người đã cho tôi được cứu thoát. Người là Thiên Chúa tôi, tôi sẽ tôn vinh Người; Người là Chúa tổ phụ tôi, tôi sẽ hát ca mừng Chúa.

Ðáp: Tôi sẽ ca tụng Chúa, vì Người uy linh cao cả.

2) Chúa như là người chiến sĩ, danh thánh Người thật toàn năng. Người đã ném xe cộ và đạo binh của Pharaon xuống biển, và dìm xuống Biển Ðỏ các tướng lãnh của ông.

 Ðáp: Tôi sẽ ca tụng Chúa, vì Người uy linh cao cả.

3) Các vực thẳm đã chôn sống họ, họ rơi xuống đáy biển như tảng đá to. Lạy Chúa, tay hữu Chúa biểu dương sức mạnh; lạy Chúa, tay hữu Chúa đánh tan quân thù.

Ðáp: Tôi sẽ ca tụng Chúa, vì Người uy linh cao cả.

4) Chúa đem con cái Israel trồng trên núi gia nghiệp Chúa, nơi vững chắc Chúa làm nơi cư ngụ, ôi lạy Chúa, là cung thánh tay Chúa đã lập nên; Chúa sẽ thống trị muôn đời muôn kiếp.

Ðáp: Tôi sẽ ca tụng Chúa, vì Người uy linh cao cả.


Bài Ðọc IV: Is 54, 5-14

"Trong tình yêu vĩnh cửu, Chúa Cứu Chuộc đã xót thương ngươi".

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Ðấng đã tạo thành ngươi thống trị ngươi, danh Người là Chúa các cơ binh, Ðấng Cứu Chuộc ngươi là Ðấng Thánh Israel, Người sẽ được tôn xưng là Thiên Chúa khắp địa cầu.

Thiên Chúa ngươi đã phán: "Chúa gọi ngươi như gọi người thiếu phụ bị bỏ rơi và sầu muộn, và như người vợ bị bỏ rơi lúc còn xuân xanh. Trong một thời gian ngắn, Ta đã bỏ ngươi, nhưng Ta sẽ lấy lượng từ bi cao cả mà tụ họp ngươi lại. Trong lúc nóng giận, Ta tạm ẩn mặt Ta, nhưng vì lòng nhân từ vô biên, Ta thương xót ngươi, Chúa là Ðấng cứu chuộc ngươi đã phán như vậy.

Cũng như trong thời Noe, Ta đã thề rằng nước lụt Noe sẽ không tràn ngập đất nữa, thì Ta cũng đã thề rằng Ta sẽ không giận ngươi, không quở trách ngươi nữa.

Dù núi có dời, đồi có di chuyển, tình yêu của Ta đối với ngươi không thay đổi, và giao ước bình an của Ta cũng sẽ không lay chuyển, Chúa nhân từ của ngươi đã phán như vậy.

Hỡi thành vô phúc, bị bão táp tàn phá và không ai an ủi, này đây Ta sẽ sắp xếp các viên đá của ngươi cho trật tự, sẽ đặt nền móng ngươi trên ngọc thạch, sẽ lấy đá hồng xây cửa đồn ngươi, sẽ lấy thuỷ tinh làm cửa thành ngươi, sẽ dùng đá quý xây tường thành ngươi.

Tất cả con cái ngươi sẽ được Chúa dạy bảo, chúng sẽ vui hưởng một nền hoà bình lâu dài. Ngươi sẽ đứng vững trong công lý, và xa mọi đàn áp, ngươi sẽ không còn sợ, và sống xa mọi khủng bố, vì sẽ không có ai hãm hại được ngươi nữa".

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 29, 2 và 4. 5-6. 11 và 12a và 13b

Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con.

Xướng: 1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ.

Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con.

2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ.

Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con.

3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con. Lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con; lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời.

Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con.


Bài Ðọc V: Is 55, 1-11

"Hãy đến cùng Ta và hồn các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ ký kết với các ngươi một giao ước vĩnh cửu".

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa phán: Hỡi tất cả những ai khát nước, hãy đến uống nước; hỡi kẻ không tiền bạc, hãy đến mua lúa mà ăn; hãy đến mà mua rượu và sữa, không cần trả tiền, không cần đổi chác gì. Tại sao các ngươi không dùng tiền mà mua bánh, sao không dùng tiền lương mà mua đồ nuôi thân? Vậy hãy lắng tai nghe, hãy đến ăn đồ bổ và các ngươi sẽ được thưởng thức món ăn mĩ vị.

Hãy lắng tai và đến cùng Ta, hãy nghe, thì các ngươi sẽ được sống; Ta sẽ ký kết với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, đó là những hồng ân đã hứa cho Ðavít: Ðây Ta đặt ngươi làm nhân chứng cho các dân, làm tướng lãnh tôn sư cho các dân tộc. Này ngươi sẽ kêu gọi dân mà trước ngươi không biết, và các dân trước chưa biết ngươi, sẽ chạy đến cùng ngươi, vì Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Ðấng Thánh Israel, bởi vì Chúa làm cho ngươi được hiển vinh.

Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót, hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ. Vì tư tưởng Ta không phải tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thể ấy.

Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn; cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác.

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6

Ðáp: Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Ðấng Cứu Ðộ.

Xướng: 1) Ðây Thiên Chúa là Ðấng Cứu Chuộc tôi, tôi sẽ tin tưởng mà hành động và không khiếp sợ: vì Chúa là sức mạnh, là Ðấng tôi ngợi khen, Người sẽ trở nên cho tôi phần rỗi.

Ðáp: Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Ðấng Cứu Ðộ.

2) Hãy ca tụng Chúa và kêu cầu danh Người, hãy công bố cho các dân biết kỳ công của Chúa, hãy nhớ lại danh Chúa rất cao sang.

Ðáp: Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Ðấng Cứu Ðộ.

3) Hãy ca tụng, vì Người làm nên những việc kỳ diệu, hãy cao rao việc đó trên khắp hoàn cầu. Hỡi người cư ngụ tại Sion, hãy nhảy mừng ca hát, vì Ðấng cao cả là Ðấng Thánh Israel ở giữa ngươi.

Ðáp: Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Ðấng Cứu Ðộ.


Bài Ðọc VI: Br 3, 9-15. 32 - 4, 4

"Ngươi hãy đi trong đường ánh sáng của Chúa".

Bài trích sách Tiên tri Barúc.

Hỡi Israel, hãy nghe các giới răn ban sự sống; hãy lắng tai nghe để hiểu biết sự khôn ngoan.

Hỡi Israel, bởi đâu ngươi ở trong đất nước quân thù, ngươi mòn mỏi trên đất khách, nhiễm lây nhơ bẩn của người chết, bị liệt vào kẻ phải xuống địa ngục? Ngươi đã lìa bỏ nguồn khôn ngoan. Vì chưng nếu ngươi theo đường lối Chúa, thì ngươi đã luôn sống trong bình an. Ngươi hãy học xem đâu là sự khôn ngoan, đâu là sức mạnh, đâu là sự thông hiểu, để ngươi cũng hiểu biết đâu là trường thọ và sự sống, đâu là ánh sáng con mắt và bình an. Ai là người sẽ tìm được nơi cư ngụ của sự khôn ngoan, ai đi vào trong kho tàng của nó? Chính Ðấng thấu suốt mọi sự, Người biết nó: Người thấu suốt nó do đức khôn ngoan của Người.

Người là Ðấng đã an bài vũ trụ đến muôn đời, và cho các gia súc và các thú bốn chân sống đầy mặt đất. Người sai ánh sáng đi thì nó đi, gọi nó lại thì nó run sợ vâng lời Người. Các ngôi sao ở vị trí mình mà chiếu sáng và đều vui mừng. Người gọi chúng thì chúng trả lời rằng: "Có mặt". Chúng vui mừng chiếu sáng trước mặt Ðấng sáng tạo chúng.

Người là Thiên Chúa chúng ta, và không có chúa nào khác sánh được với Người. Người đã biết mọi đường lối khôn ngoan, đã ban nó cho Giacóp tôi tớ Người và cho Israel kẻ người yêu mến. Sau đó, Người xuất hiện trên mặt đất và sống giữa loài người.

Ðó là sách ghi các giới răn Chúa và lề luật tồn tại muôn đời, tất cả những ai tuân giữ lề luật thì được sống, còn ai bỏ thì phải chết. Hỡi Giacóp, hãy trở về và nắm giữ lề luật; hãy nhờ ánh sáng của Người mà tiến đến sự huy hoàng của Người. Ðừng trao vinh quang ngươi cho kẻ khác, cũng đừng trao đặc ân ngươi cho dân ngoại. Hỡi Israel, chúng ta có phúc, vì chúng ta đã được biết những gì là đẹp lòng Chúa.

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 11

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời.

Xướng: 1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời.

2) Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời.

3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy.

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời.

4) Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng, ngọt hơn mật và hơn cả mật chảy từ tàng ong.

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời.


Bài Ðọc VII: Ed 36, 16-17a. 18-28

"Ta sẽ đổ trên các ngươi nước trong sạch và sẽ ban cho các ngươi quả tim mới".

Bài trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây lời Chúa phán cùng tôi rằng: "Hỡi con người, khi dân Israel cư ngụ trên đất mình, họ đã làm dơ bẩn đất ấy bằng đời sống và việc làm của họ. Và Ta đã nổi giận họ, vì họ đã đổ máu trên phần đất ấy, và vì các thần tượng họ thờ làm dơ bẩn phần đất ấy. Ta đã phân tán họ đi khắp các dân tộc, và cho họ sống rải rác trong các nước; Ta đã xét xử theo đời sống và việc làm của họ. Họ đã đi đến các dân tộc và ở đó họ xúc phạm thánh danh Ta, vì thiên hạ nói về họ rằng: "Này là dân của Chúa, họ bị đuổi ra khỏi đất của Người". Và Ta đã thương hại thánh danh Ta mà nhà Israel đã xúc phạm nơi các dân tộc họ đến cư ngụ.

Vì thế, ngươi hãy nói với nhà Israel rằng: "Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: Hỡi nhà Israel, không phải vì các ngươi mà Ta hành động, nhưng vì thánh danh Ta đã bị các ngươi xúc phạm nơi các dân tộc mà các ngươi đi đến cư ngụ. Ta sẽ thánh hoá danh cao cả Ta đã bị xúc phạm giữa các dân tộc, nơi mà các ngươi đã xúc phạm danh thánh Ta, để các dân tộc biết Ta là Chúa, Thiên Chúa các đạo binh phán, khi Ta tự thánh hoá nơi các ngươi trước mặt họ.

Ta sẽ kéo các ngươi ra khỏi các dân tộc, sẽ quy tụ các ngươi từ các nước, và dẫn dắt các ngươi trên đất các ngươi. Ta sẽ dùng nước trong sạch mà rảy trên các ngươi, và các ngươi sẽ được rửa sạch mọi vết nhơ. Ta sẽ thanh tẩy các ngươi sạch mọi vết nhơ các bụt thần.

Ta sẽ ban cho các ngươi quả tim mới, đặt giữa các ngươi một thần trí mới, cất khỏi xác các ngươi quả tim bằng đá và ban cho các ngươi quả tim bằng thịt. Ta đặt thần trí Ta giữa các ngươi, làm cho các ngươi thực thi các huấn lệnh Ta, làm cho các ngươi tuân giữ và thực hành các lề luật Ta. Các ngươi sẽ cư ngụ trong xứ Ta đã ban cho tổ phụ các ngươi; các ngươi sẽ là dân Ta, còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi".

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 41, 3. 5bcd; Tv 42, 3. 4

Ðáp: Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi!

Xướng: 1) Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống: ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời?

Ðáp: Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi!

2) Tôi nhớ lúc xưa đi giữa muôn người, tôi đứng đầu đưa dân tiến vào nhà Ðức Chúa Trời, giữa muôn tiếng reo mừng, ca ngợi.

Ðáp: Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi!

3) Xin chiếu giãi quang minh và chân thực của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài.

Ðáp: Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi!

4) Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ mừng vui. Với cây cầm thụ, con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa của con.

Ðáp: Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi!

Hoặc (khi có Rửa tội): Tv 50, 12-13. 14-15. 18-19

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch.

Xướng: 1) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch.

2) Xin Chúa lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài.

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch.

3) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát; lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung.

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch.


Bài Ðọc Thánh Thư: Rm 6, 3-11

"Chúa Kitô, một khi tự trong cõi chết sống lại, Người không chết nữa".

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Giêsu Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi được thanh tẩy trong sự chết của người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế.

Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người, trong sự sống lại giống như vậy. Nên biết điều này: con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh khổ giá, để xác thịt tội lỗi bị huỷ đi, hầu cho chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa, vì con người đã chết, tức là được giải thoát khỏi tội lỗi.

Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô, một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã chết, tức là chết một lần dứt khoát đối với tội lỗi, mà khi Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Cả anh em cũng thế, anh em hãy tự kể như mình đã chết đối với tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23

Ðáp: Alleluia, alleluia, alleluia.

Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở".

Ðáp: Alleluia, alleluia, alleluia.

2) Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.

Ðáp: Alleluia, alleluia, alleluia.

3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.

Ðáp: Alleluia, alleluia, alleluia.


Phúc Âm: Mt 28, 1-10

"Ngài đã sống lại và sẽ đến xứ Galilêa".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Qua chiều ngày Sabbat, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa tảng sáng, Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ. Bỗng chốc đất chuyển mạnh vì Thiên Thần Chúa từ trời xuống và đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên đó. Mặt Người sáng như chớp và áo Người trắng như tuyết. Vì thế những lính canh khiếp đảm run sợ và hầu như chết. Nhưng Thiên Thần lên tiếng và bảo các người nữ rằng: "Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã chịu đóng đinh. Người không có ở đây vì Người đã sống lại như lời Người đã nói. Các bà hãy đến mà coi nơi đã đặt Người và đi ngay bảo các môn đệ Người rằng: Người đã sống lại, và kìa Người đến xứ Galilêa trước các ông: Ở đó các ông sẽ gặp Người. Ðây Ta đã báo trước cho các bà hay".

Hai bà vội ra khỏi mồ, vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Người. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta".

Ðó là lời Chúa.