Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Thánh Gia năm C (29/12/2024) - Trong gia đình, lắng nghe quan trọng hơn hiểu
Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!
Hôm nay chúng ta mừng kính Thánh Gia Nazareth. Tin Mừng kể về việc Chúa Giêsu lúc 12 tuổi, vào cuối cuộc hành hương hàng năm lên Giêrusalem, bị lạc khỏi Đức Maria và Thánh Giuse. Sau đó, Đức Mẹ và thánh Giuse tìm thấy Người đang nói chuyện với các tiến sĩ trong Đền Thờ (xem Lc 2,41-52). Thánh sử Luca cho thấy tâm trạng của Đức Maria khi hỏi Chúa Giêsu: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” (c. 48). Và Chúa Giêsu trả lời với Mẹ: “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (câu 49).
Đó là một kinh nghiệm gần như bình thường của một gia đình khi xen kẽ những thời gian yên bình với những khoảnh khắc kịch tính. Có lẽ đây là câu chuyện về một cuộc khủng hoảng gia đình, một cuộc khủng hoảng của thời đại chúng ta, của một thiếu niên ương ngạnh và của bậc cha mẹ không thể hiểu được con. Chúng ta cùng dừng lại và nhìn vào gia đình này. Chúng ta biết tại sao Gia đình Nazareth lại là một hình mẫu? Bởi vì đó là một gia đình trò chuyện, lắng nghe nhau, nói với nhau. Đối thoại là một yếu tố quan trọng của một gia đình! Một gia đình không giao tiếp với nhau thì không thể là một gia đình hạnh phúc.
Thật tuyệt khi người mẹ không bắt đầu bằng một lời trách móc, mà bằng một câu hỏi. Đức Maria không buộc tội hay phán xét, nhưng cố gắng hiểu cách chào đón Người Con rất khác này bằng cách lắng nghe. Mặc cho sự cố gắng này, Tin Mừng nói rằng Đức Maria và Thánh Giuse “không hiểu lời Người vừa nói” (câu 50). Điều đó chứng tỏ rằng trong gia đình, việc lắng nghe quan trọng hơn là hiểu. Lắng nghe có nghĩa là coi trọng người khác, thừa nhận quyền hiện hữu và suy nghĩ độc lập của họ. Trẻ em cần điều này. Hãy suy nghĩ thật kỹ, các bậc cha mẹ, hãy lắng nghe nhu cầu của con mình!
Thời điểm đặc biệt để đối thoại và lắng nghe trong gia đình là trong bữa ăn. Thật vui khi được ngồi cùng bàn và nói chuyện. Điều này có thể giải quyết nhiều vấn đề, và trên hết là gắn kết các thế hệ: con cái nói chuyện với cha mẹ, cháu nói chuyện với ông bà... Đừng bao giờ khép kín bản thân hoặc tệ hơn nữa là cắm mắt vào điện thoại di động. Điều này không ổn... Không ổn chút nào. Trò chuyện, lắng nghe nhau, đây chính là cuộc đối thoại tốt cho chúng ta và giúp chúng ta trưởng thành!
Gia đình Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse là gia đình thánh thiện. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng ngay cả cha mẹ của Chúa Giêsu cũng không phải lúc nào cũng hiểu được Người. Chúng ta có thể suy ngẫm về điều này và đừng ngạc nhiên nếu đôi khi trong gia đình chúng ta không hiểu nhau. Khi điều này xảy ra với chúng ta, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta đã lắng nghe nhau chưa? Chúng ta đối mặt với các vấn đề bằng cách lắng nghe nhau hay chúng ta khép kín mình trong im lặng, đôi khi trong sự oán giận, kiêu hãnh? Chúng ta dành chút thời giờ để đối thoại? Điều chúng ta có thể học được từ Thánh Gia hôm nay là sự lắng nghe nhau.
Chúng ta phó thác mình cho Đức Trinh Nữ Maria và cầu xin ơn lắng nghe cho gia đình chúng ta.
Nguồn: vaticannews.va
Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Thánh Gia năm C (26/12/2021) - Noi gương Thánh Gia đi từ “tôi” đến “bạn”
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh Gia Nazareth. Thiên Chúa đã chọn một gia đình khiêm tốn và đơn sơ để đến ở giữa chúng ta. Chúng ta hãy chiêm ngắm vẻ đẹp mầu nhiệm này, đồng thời nhấn mạnh hai khía cạnh cụ thể cho gia đình chúng ta.
Thứ nhất: gia đình là lịch sử, từ nơi đó chúng ta đến. Mỗi người chúng ta đều có một lịch sử riêng, không có ai sinh ra bằng một chiếc đũa thần, mỗi chúng ta có một lịch sử và một gia đình, từ đó chúng ta đến. Tin Mừng Phụng vụ hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng: Chúa Giêsu cũng là con của một lịch sử gia đình. Chúng ta thấy Chúa đi lên Giêrusalem với Mẹ Maria và Thánh Giuse dịp lễ Vượt Qua; sau đó, Chúa làm cho cha mẹ lo lắng khi hai ông bà không thấy Chúa đâu; rồi khi tìm được, Chúa trở về nhà với hai ông bà (Lc 2,41-51). Thật là đẹp khi nhìn ngắm Chúa Giêsu được đưa vào gia đình, được sinh ra và lớn lên trong sự âu yếm và quan tâm của cha mẹ. Điều này đối với chúng ta cũng quan trọng. Chúng ta đến từ một lịch sử được đan xen bằng những tương quan tình thương. Có thể chúng ta không sinh ra trong một gia đình ngoại lệ, một gia đình không có vấn đề, nhưng đây là lịch sử của chúng ta - mỗi người phải nghĩ: đây là lịch sử của tôi -, đây là cội nguồn của chúng ta: nếu chúng ta cắt đứt chúng, cuộc sống sẽ khô héo! Chúa không tạo dựng chúng ta để trở thành những người lãnh đạo đơn độc, nhưng để cùng nhau bước đi. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho gia đình chúng ta. Thiên Chúa nghĩ đến chúng ta và muốn chúng ta cùng nhau: biết ơn, hiệp nhất, có khả năng giữ gìn cội nguồn. Chúng ta phải nghĩ đến điều này, đến chính lịch sử của chúng ta.
Khía cạnh thứ hai: cần phải học mỗi ngày để trở thành một gia đình. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy ngay cả trong Thánh Gia, mọi việc đều không suôn sẻ: có những vấn đề bất ngờ, lo lắng, đau khổ. Không có Thánh Gia của những bức tranh bé nhỏ. Đức Mẹ và Thánh Giuse đã bị lạc mất Chúa Giêsu và lo lắng tìm kiếm Người, và chỉ ba ngày sau đó, hai ông bà mới tìm được Chúa. Và khi ngồi giữa các bậc thầy trong Đền thờ, Chúa trả lời rằng: Chúa phải lo bổn phận của Cha, Đức Mẹ và Thánh Giuse không hiểu. Hai ông bà cần thời gian để học biết Chúa. Đối với chúng ta cũng vậy: hàng ngày, trong gia đình cần học cách lắng nghe và hiểu nhau, cùng nhau bước đi, cùng nhau đối diện với những xung đột và khó khăn. Đó là một thách đố hàng ngày, và vượt qua được nhờ thái độ đúng đắn, qua các cử chỉ đơn giản, quan tâm đến các chi tiết các mối tương quan của chúng ta. Và điều cũng giúp chúng ta rất nhiều là khi chúng ta nói chuyện với nhau tại bàn ăn. Việc cha mẹ, con cái, anh chị em nói chuyện với nhau sẽ giúp mọi người sống cội nguồn của gia đình, bắt nguồn từ ông bà, vì vậy cần phải nói chuyện với cả ông bà.
Nhưng điều này được thực hiện như thế nào? Chúng ta hãy ngắm nhìn Đức Maria trong Tin Mừng hôm nay, Mẹ nói với Chúa Giêsu: “Cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con” (câu 48). Cha con và mẹ, không phải mẹ và cha con. Trước khi nói về mình, Đức Mẹ nhắc đến Thánh Giuse trước! Để bảo vệ sự hòa thuận trong gia đình, cần phải đấu tranh với sự độc tài của cái “tôi”. Thật nguy hiểm khi thay vì lắng nghe nhau, chúng ta lại trách móc nhau về lỗi lầm; khi thay vì có những cử chỉ quan tâm dành cho nhau, chúng ta lại tập trung vào những nhu cầu của mình; khi thay vì đối thoại, chúng ta tự cô lập mình với điện thoại, thật là buồn khi tại bàn ăn mỗi người với điện thoại, nói chuyện với điện thoại, không nói chuyện với nhau; khi chúng ta tố cáo nhau, luôn lặp lại những cụm từ giống nhau, diễn lại một cảnh cũ, trong đó, mỗi người muốn là người có lý và rồi luôn kết thúc trong im lặng, lạnh lùng. Tôi nhắc lại một lời khuyên: vào buổi tối, khi mọi thứ đã kết thúc, hãy làm hòa. Đừng bao giờ đi ngủ khi chưa làm hòa, nếu không, hôm sau sẽ có “chiến tranh lạnh”! Và điều này thật nguy hiểm vì sẽ bắt đầu một câu chuyện trách móc, hờn giận. Đã bao lần, thật không may, xung đột bắt nguồn từ những bức tường gia đình do thời gian im lặng kéo dài và từ sự ích kỷ không được kiểm soát! Đôi khi điều này thậm chí kết thúc bằng bạo lực về thể chất và đạo đức. Điều này xé nát sự hòa hợp và giết chết gia đình. Chúng ta hãy hoán cải, biến đổi từ “tôi” thành “bạn”. Và mỗi ngày, xin hãy dành chút thời gian để cùng nhau cầu nguyện, xin Chúa ban bình an. Và tất cả chúng ta hãy dấn thân - cha mẹ, con cái, Giáo hội, xã hội - để nâng đỡ, bảo vệ và gìn giữ gia đình!
Xin Đức Trinh Nữ Maria, hôn thê của Thánh Giuse và Mẹ Chúa Giêsu nâng đỡ gia đình chúng ta.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Thánh Gia năm C (30/12/2018) - Lo âu đau khổ vì vắng Chúa
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta cử hành lễ Thánh gia và phụng vụ mời gọi chúng ta suy tư về kinh nghiệm của Mẹ Maria, thánh Giuse và Chúa Giêsu, được liên kết bởi tình yêu sâu xa và được hướng dẫn bởi niềm tín thác vô bờ vào Thiên Chúa.
Đoạn Tin mừng hôm nay (x. Lc 2,41-52) thuật lại cuộc hành trình lên Giêrusalem, của gia đình Nadarét, để tham dự lễ Vượt Qua. Nhưng trên đường trở về, cha mẹ của Chúa Giêsu nhận ra rằng đứa con 12 tuổi của mình không ở trong đoàn bộ hành. Sau 3 ngày tìm kiếm và lo lắng, họ đã tìm thấy Chúa Giêsu đang ở trong đền thờ, ngồi giữa các tiến sĩ, tranh luận với họ. Khi nhìn thấy con mình, Mẹ Maria và thánh Giuse “kinh ngạc ngỡ ngàng” (c. 48) và Mẹ Maria đã nói cho Chúa Giêsu biết nỗi lo âu đau buồn của các ngài: “Cha con và mẹ đã lo lắng đau khổ tìm kiếm con”. Kinh ngạc và lo âu đau khổ là hai yếu tố mà tôi muốn anh chị em chú ý.
Trong gia đình Nadarét không bao giờ thiếu sự kinh ngạc, ngay cả trong giờ phút bi thảm khi lạc mất Chúa Giêsu: đó là khả năng kinh ngạc trước sự tỏ mình tiệm tiến của Con Thiên Chúa. Đó cũng chính là sự kinh ngạc đã đánh động các tiến sĩ trong đền thờ, họ ngưỡng mộ “về sự thông minh và những lời đối đáp của Chúa” (c. 47). Thái độ kinh ngạc ngỡ ngàng trái ngược với thái độ xem mọi sự là hiển nhiên, trái ngược với việc giải thích thực tế xung quanh ta và các biến cố lịch sử theo những tiêu chuẩn của chúng ta. Một người hành động như thế này thì không biết được thế nào là ngưỡng mộ, kinh ngạc.
Kinh ngạc là mở lòng trí mình ra với người khác, hiểu các lý do của người khác: thái độ này rất quan trọng để hàn gắn các mối quan hệ bị tổn thương giữa mọi người và nó cũng không thể thiếu để chữa lành những vết thương đang tồn tại trong gia đình. Khi trong gia đình có những vấn đề, chúng ta nói cách đương nhiên rằng chúng ta có lý và chúng ta đóng cửa với người khác. Ngược lại, chúng ta cần suy nghĩ: “Nhưng người này có điều gì tốt?”, và ngạc nhiên về điều tốt đó. Và điều này giúp cho sự hiệp nhất của gia đình. Nếu anh chị em gặp vấn đề trong gia đình, hãy nghĩ về những điều tốt của người trong gia đình mà đang có vấn đề với anh chị em và hãy ngạc nhiên về điều này. Cách này giúp chữa lành các vết thương trong gia đình.
Yếu tố thứ hai tôi muốn rút ra từ Tin mừng đó là sự lo âu đau khổ mà Mẹ Maria và thánh Giuse đã trải qua khi các ngài không thể tìm thấy Chúa Giêsu. Nỗi lo lắng này cho thấy vị trí trung tâm của Chúa Giêsu trong gia đình thánh Nadarét. Đức Trinh nữ và hôn phu của Mẹ đã đón nhận Người Con đó, chăm sóc và nhìn thấy Người Con này lớn lên theo năm tháng, khôn ngoan và đầy ân sủng ở giữa các ngài, nhưng trên hết là Người Con đã lớn lên trong lòng các ngài; và tình thương và sự hiểu biết đối với Người con này đã tăng dần lên, từng tí từng tí một. Đó là lý do tại sao gia đình Nadarét thánh thiện: bởi vì gia đình này đặt Chúa Giêsu ở trung tâm, tất cả sự quan tâm chú ý của Mẹ Maria và thánh Giuse đều dành cho Người.
Sự đau khổ lo lắng mà các ngài đã trải qua trong 3 ngày lạc mất Chúa Giêsu cũng phải là sự đau khổ của chúng ta khi chúng ta sống xa Chúa. Chúng ta phải cảm thấy đau khổ khi chúng ta thiếu Chúa trong hơn 3 ngày, không cầu nguyện, không đọc Tin mừng, không cảm thấy cần sự hiện diện của Người và tình bạn an ủi của Người. Rất nhiều lần, nhiều ngày trôi qua mà tôi không nghĩ đến Chúa. Điều này thật là không tốt, rất tồi tệ. Chúng ta phải cảm thấy lo âu khi những điều này xảy ra.
Mẹ Maria và thánh Giuse đã tìm kiếm Chúa và các ngài đã tìm thấy Chúa trong đền thờ, đang giảng dạy: chúng ta cũng thế, đặc biệt là trong Nhà của Thiên Chúa, chúng ta có thể gặp Thầy Chí Thánh và đón nhận sứ điệp cứu độ của Người. Khi cử hành Thánh Thể, chúng ta sống kinh nghiệm với Chúa Kitô; Người nói với chúng ta, trao cho chúng ta Lời của Người, Lời soi sáng hành trình của chúng ta, ban cho chúng ta Thân mình Người trong Thánh Thể, từ đó chúng ta kín múc sức mạnh để đối phó với những khó khăn mỗi ngày.
Và hôm nay, anh chị em hãy trở về nhà với hai từ này: ngạc nhiên và lo âu. Tôi có biết ngạc nhiên khi tôi thấy những điều tốt của người khác và như thế giải quyết được những vấn đề trong gia đình? Tôi có cảm thấy lo lắng khi mình xa cách Chúa Giêsu không?
Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình trên thế giới, đặc biệt cho các gia đình mà vì những lý do khác nhau, đang thiếu bình an và hòa hợp. Đức Thánh Cha cũng phó thác các gia đình cho sự bảo vệ của thánh gia Nadarét.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Bài giảng Lễ Thánh Gia năm C (27/12/2015) - Cả gia đình đi hành hương
Các bài đọc kinh thánh đã giới thiệu với chúng ta hai gia đình đi hành hương về Nhà Chúa. Ông Elkana và bà Anna đem con là Samuel lên trung tâm thờ tự Shilo và thánh hiến con cho Chúa (x. 1 Sm 1,20-22.24-28). Cũng thế thánh Giuse và Mẹ Maria cùng với Chúa Giêsu hành hương lên Giêrusalem dịp lễ Vượt Qua (x. Lc 2,41-52).
Trong các ngày này cũng có biết bao người hành hương về các Cửa Thánh đã được mở trong tất cả mọi nhà thờ chính toà trên thế giới và tại biết bao nhiêu đền thánh. Nhưng điều đẹp nhất được Lời Chúa nêu bật hôm nay đó là cả gia đình đi hành hương. Cha, mẹ, con cái cùng nhau đi đến nhà Chúa để thánh hoá ngày lễ với lời cầu nguyện. Đây là một giáo huấn quan trọng được cống hiến cho cả các gia đình của chúng ta nữa. Thật vậy, chúng ta có thể nói rằng cuộc sống gia đình là một chuỗi các cuộc hành hương, cả lớn lẫn nhỏ.
Thật tốt cho chúng ta biết bao, khi nghĩ tới việc Mẹ Maria và cha thánh Giuse đã dậy Chúa Giêsu đọc các lời cầu nguyện! Và biết rằng trong ngày các ngài cùng nhau cầu nguyện, và vào ngày sabát các ngài cùng nhau đến hội đường để lắng nghe Sách Luật và các Ngôn sứ, và cùng toàn dân chúc tụng Chúa. Và chắc chắn khi hành hương lên Giêrusalem, các ngài đã hát các lời của thánh vịnh: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: Ta cùng trẩy lên Đền Thánh Chúa!”. Hỡi Giêrusalem, chân ta đã dừng trên các cửa của ngươi!” (Tv 122,1-2).
Thật quan trọng biết bao cho các gia đình của chúng ta cùng nhau bước đi và cùng nhau có chung một mục đích phải tới! Chúng ta biết rằng mình có một lộ trình chung phải đi, một con đường nơi chúng ta gặp phải các khó khăn, nhưng cũng có những lúc của niềm vui và sự an ủi. Trong cuộc hành hương này của cuộc sống chúng ta cũng chia sẻ lúc cầu nguyện. Có điều gì đẹp hơn đối với một người cha và một người mẹ là chúc lành cho con cái mình khi bắt đầu và kết thúc một ngày sống! Vẽ hình thánh giá trên trán chúng như trong ngày Rửa Tội. Đó lại chẳng phải là lời cầu nguyện đơn sơ nhất của các cha mẹ đối với con cái mình hay sao? Chúc lành cho chúng có nghĩa là phó thác chúng cho Chúa, để Chúa che chở và nâng đỡ chúng trong những lúc khác nhau của ngày sống. Thật quan trọng biết bao cho gia đình cùng nhau cầu nguyện trước các bữa ăn, để cảm tạ Chúa về các ơn và để học chia sẻ những gì đã nhận lãnh với người thiếu thốn hơn. Tất cả đều là các cử chỉ nhỏ nhặt, nhưng chúng diễn tả vài trò giáo dục lớn mà gia đình có được.
Sau khi cuộc hành hương kết thúc, Chúa Giêsu đã trở về Nagiarét và vâng phục cha mẹ Người (x. Lc 2,51). Cả hình ảnh này nữa cũng chứa đựng một giáo huấn đẹp đối với gia đình. Thật thế, cuộc hành hương không kết thúc với việc đạt mục tiêu của đền thánh, nhưng khi trở về nhà và lấy lại cuộc sống thường ngày, thực thi các hoa trái thiêng liêng của kinh nghiệm đã sống. Chúng ta biết Chúa Giêsu đã làm gì trong lần đó. Thay vì trở về nhà với cha mẹ, Người dã ở lại trong Đền Thờ Giêrusalem, gây ra cho Mẹ Maria và thánh Giuse một nỗi đau đớn lớn, vì đã không tìm thấy Người. Chắc chắn Chúa Giêsu cũng đã phải xin lỗi cha mẹ về “vụ trốn đi ấy”. Phúc Âm không nói đến, nhưng tôi tin là chúng ta có thể giả thiết như vậy. Câu Mẹ Maria hỏi biểu lộ một trách móc nào đó, minh nhiên cho thấy nỗi âu lo của Mẹ và thánh Giuse, Nhưng khi trở về nhà Chúa Giêsu đã ôm chặt các vị để chứng minh cho thấy tất cả lòng trìu mến và vâng lời của Người.
Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, ước chi mỗi gia đình có thể trở thành nơi ưu tiên trong đó chúng ta sống kinh nghiệm niềm vui của sự tha thứ. Sự tha thứ là nòng cốt của tình yêu biết hiểu lỗi lầm và sửa đổi. Chính bên trong gia đình mà người ta giáo dục tha thứ, bởi vì người ta xác chắc chắn được hiểu biết và nâng đỡ, mặc dù có các lỗi lầm đã phạm.
Chúng ta đừng mất tin tưởng nơi gia đình! Thật là đẹp luôn luôn rộng mở con tim cho nhau mà không giấu diếm gì cả. Nơi đâu có tình yêu, nơi đó cũng có sự thông cảm và tha thứ. Các gia đình thân mến, tôi xin phó thác tất cả anh chị em, phó thác cho cuộc hành hương gia đình sứ mệnh quan trọng này, mà thế giới và Giáo Hội cần đến hơn bao giờ hết.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Thánh Gia năm C (27/12/2015) - Niềm vui gia đình
Anh chị em thân mến,
Trong bầu khí tươi vui là lễ Giáng Sinh trong Chúa Nhật này chúng ta cử hành lễ Thánh Gia Thất. Tôi nghĩ tới cuộc gặp gỡ lớn ở Philadelphia hồi tháng 9 năm nay, tôi nghĩ tới biết bao gia đình đã gặp trong các chuyến tông du, và tôi nghĩ tới các gia đình trên toàn thế giới. Tôi muốn chào thăm tất cả các gia đình với lòng trìu mến và biết ơn, đặc biệt trong thời đại này của chúng ta, trong đó gia đình phải gánh chịu các hiểu lầm và khó khăn đủ loại làm cho nó suy yếu đi.
Phúc Âm hôm nay mời gọi các gia đình tiếp nhận ánh sáng của niềm hy vọng đến từ căn nhà Nagiarét, trong đó tuổi thơ của Chúa Giêsu đã phát triển trong tươi vui, và thánh sử Luca nói rằng Ngài “lớn lên trong khôn ngoan, tuổi tác và ơn thánh trước mặt Thiên Chúa và loài người” (Lc 2,52). Đối với mọi tín hữu và đặc biệt là các gia đình, tổ ấm gia đình của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse là một trường học Phúc Âm đích thực. Ở đây chúng ta khâm phục việc thành toàn chương trình của Thiên Chúa làm cho gia đình trở thành một cộng đoàn đặc biệt của sự sống và tình yêu thương. Ở đây chúng ta học biết rằng mỗi nhân tố gia đình kitô được mời gọi là “giáo hội tại gia”, để rạng ngời lên các nhân đức tin mừng và trở thành men sự thiện trong xã hội. Các nét dặc thù của Thánh Gia Thất là: tiếp đón và cầu nguyện, hiểu biết và tôn trọng nhau, tinh thần hy sinh, lao động và liên đới.
Từ gương sáng và chứng tá của Thánh Gia Thất, mọi gia đình có thể rút tỉa ra các chỉ dẫn quý báu cho kiểu sống và các lựa chọn trong cuộc sống, và có thể kín múc sức mạnh và sự khôn ngoan cho con đường cuộc sống mọi ngày. Đức Mẹ và thánh Giuse dậy tiếp nhận con cái như món quà của Thiên Chúa, sinh ra chúng, giáo dục chúng, cộng tác một cách tuyệt vời với công trình sáng tạo của Đấng Tạo Hoá, và trao ban cho thê giới một nụ cuời qua mỗi trẻ em. Chính trong gia đình hiệp nhất mà con cái làm cho cuộc sống của chúng trưởng thành, bằng cách sống kinh nghiệm ý nghĩa và hữu hiệu của tình yêu thương nhưng không, của lòng hiền dịu, của sự tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết nhau, của sự tha thứ và niềm vui.
Tôi muốn dừng lại nhất là trên niềm vui. Niềm vui đích thật, mà người ta kinh nghiệm trong gia đình, không phải là một cái gì tình cờ. Nhưng nó là một niềm vui kết quả của sự hoà hợp sâu thẳm giữa các con người với nhau, làm cho người ta nếm hưởng được vẻ đẹp của việc sống chung với nhau, nâng đỡ nhau trên con đường cuộc sống. Nhưng ở nền tảng của niềm vui luôn luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa, tình yêu tiếp đón thương xót và kiên nhẫn của Ngài đối với tất cả mọi người. Nếu không mở rộng cửa gia đình cho sự hiện diện của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, gia đình mất đi sự hoà hợp, các khuynh hướng duy cá nhân thắng thế và niềm vui bị dập tắt. Trái lại gia đình sống niềm vui, niềm vui của sự sống, niềm vui của đức tin, thông truyền nó một cách tự phát, thì là muối đất và ánh sáng thế gian, là men cho toàn xã hội.
Xin Chúa Giêsu, Mẹ Maria và cha thánh Giuse chúc lành và che chở tất cả mọi gia đình trên thế giới, để trong đó ngự trị sự thanh thản và niềm vui, công lý và hoà bình, mà Chúa Kitô đã đem tới như món quà cho nhân loại khi Ngài sinh ra.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Lễ Thánh Gia năm C (30/12/2012) - Gia đình nghèo nhưng rất thánh
Anh chị em thân mến,
Hôm nay là lễ Thánh Gia Nazareth. Trong phụng vụ, đoạn Tin Mừng theo thánh Luca trình bày cho chúng ta Đức Trinh Nữ Maria và thánh Giuse, trung thành với truyền thống, lên Jerusalem để mừng lễ Vượt Qua cùng với Chúa Giêsu 12 tuổi. Lần đầu tiên mà Chúa Giêsu vào Đền thờ của Chúa là 40 ngày sau khi Ngài sinh ra, khi cha mẹ Ngài dâng cho Chúa “một cặp chim gáy hoặc chim bồ câu non” (Lc 2,24), nghĩa là lễ vật của những người nghèo.
Trong toàn sách Tin Mừng theo thánh Luca, vốn là một Tin Mừng thấm đượm một nền thần học về người nghèo và về sự thanh bần, thánh nhân cho thấy... rằng gia đình Chúa Giêsu được kể vào số những người nghèo của Israel; thánh Luca cho chúng ta hiểu rằng chính nơi họ mà lời hứa của Chúa có thể được viên mãn” (L'infanzia di Gesù, 96). Hôm nay, Chúa Giêsu lại vào Đền Thờ, nhưng lần này với một vai trò khác, có liên hệ đích thị tới Ngài. Cùng với Mẹ Maria và Thánh Giuse, Ngài hành hương lên Jerusalem theo qui định của Lề Luật (Xc Xh 23,17, 34,23ss), cho dù Ngài chưa đầy 13 tuổi: đó là dấu chỉ lòng đạo đức sâu xa của Thánh Gia. Nhưng khi song thân Ngài lên đường trở về Nazareth, thi xảy ra một điều bất ngờ: Ngài ở lại Thành Thánh mà không nói gì cả. Suốt 3 ngày, Mẹ Maria và Thánh Giuse tìm kiếm và thấy Ngài trong Đền Thờ, đang nói chuyện với các Thầy Thông Luật (Xc Lc 2,46-47); và khi song thân hỏi lý do tại sao thì Chúa Giêsu trả lời rằng Thầy Mẹ không nên ngạc nhiên, vì xây chính là chỗ của con, đây là nhà của Ngài, nơi Cha Ngài là Thiên Chúa (Xc L'infanzia di Gesù, 143). Origène đã viết: “Ngài nói tiên tri sẽ ở trong Đền thờ của cha Ngài, Cha mà Ngài mạc khải cho chúng ta và Ngài nói là Con của Người” (Omelie sul Vangelo di Luca, 18,5).
Sự lo lắng của Mẹ Maria và Thánh Giuse về Chúa Giêsu cũng là sự lo lắng của mỗi cha mẹ trong việc giáo dục mỗi người con, dẫn con cái vào cuộc sống và hiểu biết thực tại. Vì thế, ngày nay chúng ta cần đặc biệt cầu xin Chúa cho tất cả các gia đình trên thế giới. Noi gương Thánh Gia Nazareth, các cha mẹ hãy nghiêm túc quan tâm đến sự tăng trưởng và giáo dục con cái mình, để chúng trưởng thành như những người có trách nhiệm và những công dân lương thiện, không bao giờ quên rằng đức tin là một hồng ân quí giá cần được nuôi dưỡng nơi chính các con cái, kể cả bằng gương sáng. Đồng thời chúng ta hãy cầu nguyện để mỗi để mỗi trẻ em được đón nhận như một món quà của Thiên Chúa, được tình thương của cha mẹ nâng đỡ, để có thể lớn lên như Chúa Giêsu, “càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và người đời” (Lc 2,52).
Ước gì tình yêu, lòng trung thành và tận tụy của Mẹ Maria và thánh Giuse là mẫu gương cho tất cả các đôi vợ chồng Kitô, họ không phải bạn hữu hay chủ nhân cuộc sống của con cái mình, nhưng là những người gìn giữ hồng ân khôn sánh này của Thiên Chúa.
Ước gì sự thinh lặng của thánh Giuse, người công chính (Xc Mt 1,19) và gương của Mẹ Maria, đã cẩn giữ mọi sự trong tâm hồn (Xc Lc 2,51) đưa chúng ta đi vào mầu nhiệm đầy đức tin và tình người của Thánh Gia. Tôi cầu chúc tất cả các gia đình Kitô sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa với cùng tình yêu và niềm vui của gia đình Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Lễ Thánh Gia năm C (27/12/2009) - Gia đình nhân loại là hình ảnh của Chúa Ba Ngôi
Anh chị em thân mến,
Hôm nay là Chúa nhật kính Thánh Gia. Chúng ta có thể đồng hóa với các mục đồng ở Belem, vừa khi nhận được lời loan báo của thiên sứ, liền vội vã đến hang đá và họ gặp thấy “Mẹ Maria và thánh Giuse cùng với hài nhi nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16). Chúng ta hãy dừng lại để chiêm ngắm quang cảnh này và suy nghĩ ý nghĩa của nó. Các mục đồng, như là chứng nhân đầu tiên của việc Chúa Kitô giáng sinh, đã chứng kiến không chỉ có Hài nhi Giêsu, nhưng còn có một gia đình bé nhỏ: một bà mẹ, một người cha và môt trẻ sơ sinh. Thiên Chúa đã muốn tỏ mình bằng việc sinh ra trong một gia đình loài người, và vì thế gia đình trở nên bức hình của Chúa. Thiên Chúa gồm ba ngôi vị, là một sư hiệp thông tình yêu, và gia đình tuy dù là một thực thể phàm trần cách xa Thiên Chúa vô cùng, nhưng cũng là một biểu tượng, phản ánh mầu nhiệm không bờ của Thiên Chúa là tình yêu. Người nam và người nữ, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nhờ hôn nhân đã trở nên một thể xác (St 2,24), nghĩa là một sự thông hiệp tình yêu phát sinh sự sống mới. Gia đình nhân loại, theo một nghĩa nào đó, là bức hình của Chúa Ba Ngôi nơi tình yêu giữa ngôi vị và nơi tình yêu sinh sản.
Hôm nay phụng vụ trưng bày quang cảnh Chúa Giêsu lúc lên 12 tuổi đã ở lại trong đền thờ Giêrusalem mà song thân không biết. Ngỡ ngàng và xao xuyến, sau ba ngày các ngài đã tìm thấy Chúa ở trong đền thờ, đang đối thoại với các thầy dạy. Chúa đã trả lời cho thân mẫu hớt hải rằng mình phải ở trong nhà của Cha, nghĩa là nhà Chúa (xc. Lc 2,49). Trong câu chuyện này, cậu bé Giêsu tỏ ra nhiệt tình với Thiên Chúa và với đền thờ. Chúng ta thử hỏi: ai đã dạy cho cậu biết yêu mến những việc của Cha mình? Chắc hẳn rằng bởi vì là con, cho nên Người đã có sự hiểu biết tường tận về Thân phụ của mình, đã duy trì một mối tương quan thân thiết với Chúa, nhưng xét trong văn hóa cụ thể, chắc chắn rằng Người đã học những kinh nguyện, lòng yêu mến đền thờ và những thể chế của dân Israel bởi song thân của mình. Ở đây ta có thể nhận ra ý nghĩa đích thực của nền giáo dục Kitô giáo: nó là kết quả của sự hợp tác giữa những nhà giáo dục và Thiên Chúa. Gia đình Kitô giáo luôn ý thức rằng con cái là một món quà và một dự án của Thiên Chúa. Bởi vậy, họ không coi con cái như là sở hữu riêng tư, nhưng biết nhìn ra dự án của Thiên Chúa ở nơi chúng, họ cố gắng giáo dục chúng để đạt được tự do lớn hơn, đó là đáp lại “Xin vâng” với Chúa để thực thi ý ngài. Mẹ Maria là tấm gương tuyệt hảo của lời đáp “Xin vâng” như vậy.
Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ tất cả các gia đình, cầu nguyện cách riêng cho sứ mạng cao cả là giáo dục con cái.
Nguồn: archivioradiovaticana.va