ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
Đền thờ Thánh Phêrô
Chúa nhật, ngày 27/12/2009
[video]
Anh chị em thân mến,
Hôm nay là Chúa nhật kính Thánh Gia. Chúng ta có thể đồng hóa với các mục đồng ở Belem, vừa khi nhận được lời loan báo của thiên sứ, liền vội vã đến hang đá và họ gặp thấy “Mẹ Maria và thánh Giuse cùng với hài nhi nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16). Chúng ta hãy dừng lại để chiêm ngắm quang cảnh này và suy nghĩ ý nghĩa của nó. Các mục đồng, như là chứng nhân đầu tiên của việc Chúa Kitô giáng sinh, đã chứng kiến không chỉ có Hài nhi Giêsu, nhưng còn có một gia đình bé nhỏ: một bà mẹ, một người cha và môt trẻ sơ sinh. Thiên Chúa đã muốn tỏ mình bằng việc sinh ra trong một gia đình loài người, và vì thế gia đình trở nên bức hình của Chúa. Thiên Chúa gồm ba ngôi vị, là một sư hiệp thông tình yêu, và gia đình tuy dù là một thực thể phàm trần cách xa Thiên Chúa vô cùng, nhưng cũng là một biểu tượng, phản ánh mầu nhiệm không bờ của Thiên Chúa là tình yêu. Người nam và người nữ, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nhờ hôn nhân đã trở nên một thể xác (St 2,24), nghĩa là một sự thông hiệp tình yêu phát sinh sự sống mới. Gia đình nhân loại, theo một nghĩa nào đó, là bức hình của Chúa Ba Ngôi nơi tình yêu giữa ngôi vị và nơi tình yêu sinh sản.
Hôm nay phụng vụ trưng bày quang cảnh Chúa Giêsu lúc lên 12 tuổi đã ở lại trong đền thờ Giêrusalem mà song thân không biết. Ngỡ ngàng và xao xuyến, sau ba ngày các ngài đã tìm thấy Chúa ở trong đền thờ, đang đối thoại với các thầy dạy. Chúa đã trả lời cho thân mẫu hớt hải rằng mình phải ở trong nhà của Cha, nghĩa là nhà Chúa (xc. Lc 2,49). Trong câu chuyện này, cậu bé Giêsu tỏ ra nhiệt tình với Thiên Chúa và với đền thờ. Chúng ta thử hỏi: ai đã dạy cho cậu biết yêu mến những việc của Cha mình? Chắc hẳn rằng bởi vì là con, cho nên Người đã có sự hiểu biết tường tận về Thân phụ của mình, đã duy trì một mối tương quan thân thiết với Chúa, nhưng xét trong văn hóa cụ thể, chắc chắn rằng Người đã học những kinh nguyện, lòng yêu mến đền thờ và những thể chế của dân Israel bởi song thân của mình. Ở đây ta có thể nhận ra ý nghĩa đích thực của nền giáo dục Kitô giáo: nó là kết quả của sự hợp tác giữa những nhà giáo dục và Thiên Chúa. Gia đình Kitô giáo luôn ý thức rằng con cái là một món quà và một dự án của Thiên Chúa. Bởi vậy, họ không coi con cái như là sở hữu riêng tư, nhưng biết nhìn ra dự án của Thiên Chúa ở nơi chúng, họ cố gắng giáo dục chúng để đạt được tự do lớn hơn, đó là đáp lại “Xin vâng” với Chúa để thực thi ý ngài. Mẹ Maria là tấm gương tuyệt hảo của lời đáp “Xin vâng” như vậy.
Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ tất cả các gia đình, cầu nguyện cách riêng cho sứ mạng cao cả là giáo dục con cái.
Nguồn: archivioradiovaticana.va