Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 7 Thường Niên năm C (23/02/2025) - Năm Thánh các Phó tế năm 2025 Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 7 Thường Niên năm C (20/02/2022) - Tại sao lại yêu kẻ thù? |
Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 7 Thường Niên năm C (23/02/2025) - Năm Thánh các Phó tế năm 2025
Anh chị em thân mến, đặc biệt là các phó tế rất thân yêu, cũng như những người trong ít phút nữa, qua nghi thức đặt tay, sẽ được lãnh nhận thánh chức phó tế, tôi rất hân hạnh được chia sẻ bài giảng mà lẽ ra chính Đức Thánh Cha Phanxicô trực tiếp nói với tất cả anh chị em trong Chúa Nhật đặc biệt này.
Trong khi cử hành bí tích Thánh Thể, nơi sự hiệp thông đạt đến mức trọn vẹn và ý nghĩa nhất, chúng ta cảm nhận Đức Thánh Cha Phanxicô, dù đang nằm trên giường bệnh, vẫn ở gần và vẫn hiện diện giữa chúng ta. Điều này càng thôi thúc chúng ta gia tăng lời cầu nguyện cách mạnh mẽ và tha thiết hơn, để xin Chúa nâng đỡ ngài trong thời khắc thử thách và đau bệnh.
Thông điệp từ các bài đọc chúng ta vừa nghe có thể được tóm gọn bằng một từ: sự vô vị lợi. Một từ chắc chắn rất thân thuộc với các thầy phó tế, những người đang quy tụ tại đây để cử hành Năm Thánh. Chúng ta hãy cùng suy ngẫm về chiều kích nền tảng này trong đời sống Kitô hữu và trong thừa tác vụ của các thầy, đặc biệt qua ba khía cạnh: tha thứ, phục vụ vô vị lợi và hiệp thông.
Thứ nhất: tha thứ
Loan báo sự tha thứ là một nhiệm vụ thiết yếu của phó tế. Đây là yếu tố không thể thiếu trong mọi hành trình của Giáo hội và là điều kiện cho mọi sự chung sống giữa con người. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của điều này khi Người nói: “Hãy yêu kẻ thù” (Lc 6,27). Quả thật, để cùng nhau lớn lên, chia sẻ những ánh sáng và bóng tối, thành công và thất bại của nhau, chúng ta cần biết tha thứ và xin tha thứ, nối lại các mối quan hệ và không loại trừ khỏi tình yêu của chúng ta ngay cả những người làm tổn thương và phản bội chúng ta. Một thế giới mà kẻ thù chỉ nhận được sự hận thù là một thế giới không có hy vọng, không có tương lai, và sẽ bị xé nát bởi chiến tranh, chia rẽ và những cuộc trả thù bất tận, như thật đáng buồn chúng ta thấy ngày nay ở nhiều nơi và với nhiều cấp độ. Do đó, tha thứ có nghĩa là chuẩn bị một ngôi nhà đón nhận, an toàn cho tương lai, trong chính chúng ta và trong cộng đoàn của chúng ta. Và phó tế, mang nơi chính mình một thừa tác vụ dẫn đến những vùng ngoại biên của thế giới, dấn thân nhìn thấy – và dạy người khác nhìn thấy – nơi mọi người, kể cả những người lầm lỗi và gây đau khổ, một người chị em và người anh em bị thương trong tâm hồn, và vì thế cần được hòa giải, hướng dẫn và giúp đỡ hơn ai hết.
Sự mở lòng này được nói đến trong bài đọc thứ nhất, khi trình bày tình yêu trung thành và quảng đại của Đavít đối với Saun, vua của ông, nhưng cũng là kẻ bách hại ông (x. 1Sm 26,2.7-9.12-13.22-23). Điều này cũng được nhắc đến trong một bối cảnh khác, qua cái chết gương mẫu của thánh phó tế Stêphanô, người đã ngã xuống dưới trận gạch đá, trong khi tha thứ cho những kẻ ném đá mình (x. Cv 7,60). Nhưng trên hết, chúng ta thấy điều này nơi Chúa Giêsu, mẫu gương của mọi thừa tác vụ phó tế, Đấng trên thập giá, “đã hủy mình ra không” đến nỗi hiến mạng sống vì chúng ta (x. Pl 2,7), cầu nguyện cho những kẻ đóng đinh Người và mở cửa Thiên đàng cho người trộm lành (x. Lc 23,34.43).
Thứ hai: phục vụ vô vị lợi
Trong Tin Mừng, Chúa mô tả điều này bằng một câu đơn giản nhưng rõ ràng: “Hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hy vọng được đền trả” (Lc 6,35). Một vài lời mang hương thơm của tình bạn. Trước hết là tình bạn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, và sau đó là tình bạn của chúng ta dành cho nhau. Đối với phó tế, thái độ này không phải là một khía cạnh phụ trong hành động của mình, mà là một chiều kích cốt yếu nơi hiện hữu của mình. Trong thừa tác vụ, phó tế được thánh hiến để trở thành “nhà điêu khắc” và “họa sĩ” của khuôn mặt nhân từ của Chúa Cha, chứng nhân của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Trong nhiều đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về chính mình trong ánh sáng này. Người nói với Philipphê trong nhà Tiệc Ly, ngay sau khi rửa chân cho Nhóm Mười Hai: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Cũng như khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, Người tuyên bố: “Thầy sống giữa anh em như người phục vụ” (Lc 22,27). Nhưng ngay cả trước đó, trên đường lên Giêrusalem, khi các môn đệ tranh luận xem ai là người lớn nhất, Người đã giải thích cho họ rằng “Con Người […] không đến để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (x. Mc 10,45).
Anh em phó tế thân mến, công việc vô vị lợi mà anh em thực hiện, như một biểu hiện của sự thánh hiến mình cho đức ái của Chúa Kitô, là lời loan báo đầu tiên của Lời Chúa, nguồn tin tưởng và niềm vui cho những ai gặp gỡ anh em. Đi kèm với điều đó bằng một nụ cười hết sức có thể, không than phiền và không tìm kiếm sự công nhận, hãy hỗ trợ lẫn nhau, ngay cả trong mối tương quan với các Giám mục và linh mục, “như một biểu hiện của một Giáo hội dấn thân lớn lên trong sự phục vụ Nước Trời bằng cách phát huy mọi cấp bậc của thừa tác vụ có chức thánh” (HĐGM Ý, Các phó tế vĩnh viễn trong Giáo hội tại Ý. Định hướng và quy tắc, 1993, 55). Hành động đồng lòng và quảng đại của anh em sẽ trở thành một cây cầu nối kết Bàn Thờ với đường phố, Thánh Thể với đời sống thường ngày của con người; đức ái sẽ là thánh lễ đẹp nhất của anh em và thánh lễ sẽ là sự phục vụ khiêm nhường nhất của anh em.
Thứ ba: sự vô vị lợi như nguồn mạch của hiệp thông
Cho đi mà không đòi hỏi gì đáp lại sẽ kết nối, tạo nên những mối dây liên kết, bởi vì nó diễn tả và nuôi dưỡng một sự hiệp nhất không có mục đích nào khác ngoài việc hiến dâng chính mình và làm điều tốt cho người khác. Thánh Lôrenxô, bổn mạng của anh em, khi bị những kẻ buộc tội yêu cầu giao nộp kho báu của Giáo hội, đã chỉ cho họ thấy những người nghèo và nói: “Đây là kho báu của chúng tôi!”. Đó là cách xây dựng sự hiệp thông: nói với anh chị em, bằng lời nói nhưng trên hết bằng hành động, cá nhân và như một cộng đoàn: “Đối với chúng tôi, bạn rất quan trọng”, “Chúng tôi yêu thương bạn”, “Chúng tôi mong muốn bạn tham gia cùng chúng tôi trên hành trình và trong cuộc sống của chúng tôi”. Đây là điều anh em làm: những người chồng, người cha và người ông sẵn sàng, trong sự phục vụ, mở rộng gia đình mình cho những người đang cần giúp đỡ, ngay tại nơi anh em sống.
Như vậy, sứ mạng của anh em, tách anh em ra khỏi xã hội để rồi đưa anh em trở lại đó và biến nó thành một nơi chào đón và mở rộng cho tất cả mọi người, là một trong những biểu hiện đẹp nhất của một Giáo hội hiệp hành và “đi ra”.
Sắp tới, một số anh em, khi lãnh nhận Bí tích Truyền chức, sẽ “bước xuống” các bậc thang của thừa tác vụ. Tôi cố ý nói và nhấn mạnh rằng “bước xuống”, chứ không phải “bước lên”, bởi vì với việc Truyền chức, người ta không đi lên, mà đi xuống, trở nên nhỏ bé, hạ mình và từ bỏ chính mình. Dùng lời của Thánh Phaolô, trong sự phục vụ người ta từ bỏ “con người cũ” và trong đức ái mặc lấy “con người mới” (x. 1Cr 15,45-49).
Chúng ta hãy cùng suy ngẫm về những gì chúng ta sắp thực hiện, trong khi phó thác mình cho Đức Trinh Nữ Maria, người nữ tỳ của Chúa, và Thánh Lôrenxô, bổn mạng của anh em. Xin các ngài giúp chúng ta sống mọi thừa tác vụ của mình với một trái tim khiêm nhường và tràn đầy yêu thương, và trong sự nhưng không, trở thành những tông đồ của sự tha thứ, những người phục vụ vô vị lợi của anh chị em mình và những người xây dựng sự hiệp thông.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 7 Thường Niên năm C (20/02/2022) - Tại sao lại yêu kẻ thù?
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong bài Tin Mừng Phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu trao cho các môn đệ một số chỉ dẫn căn bản về cuộc sống. Người đề cập đến những tình huống khó khăn nhất, những tình huống trắc nghiệm chúng ta, những tình huống đặt chúng ta trước những kẻ thù và thù địch của chúng ta, những người luôn muốn làm hại chúng ta. Trong những trường hợp này, người môn đệ của Chúa Giêsu được mời gọi không nhượng bộ bản năng và hận thù, không nhượng bộ, nhưng hãy đi xa hơn, xa hơn nhiều. Chúa Giêsu nói: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc6,27). Và cụ thể hơn nữa: “Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa” (Lc 6,29). Khi chúng ta cảm nghiệm điều này, thì dường như chúng ta thấy Chúa yêu cầu điều không thể. Hơn nữa, tại sao lại yêu kẻ thù? Nếu bạn không phản ứng lại những kẻ bắt nạt, thì mọi hành vi lạm dụng đều tự tung tự tác, và điều này không công bằng. Nhưng nó có thực sự là như vậy không? Chúa có thực sự đòi hỏi chúng ta những điều không thể và hơn nữa, là sự bất công không? Có phải như thế không?
Trước hết, chúng ta hãy xem xét ý nghĩa của sự bất công mà chúng ta cảm thấy khi “giơ má bên kia ra”. Và chúng ta hãy nghĩ đến Chúa Giêsu. Trong cuộc khổ nạn, Người đã bị những tên lính tát vào mặt ngay trong cuộc xét xử bất công trước thầy thượng tế. Và Người đã cư xử như thế nào? Người đã không xúc phạm lại, không, không. Người nói với anh lính: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23). Người yêu cầu sự chứng minh về chỗ nào đã sai. Giơ má bên kia không có nghĩa là chịu đựng trong im lặng, nhượng bộ bất công. Với câu hỏi của mình, Chúa Giêsu tố cáo những gì là bất công. Nhưng Người làm điều đó mà không giận dữ hay bạo lực, mà là với sự dịu dàng. Người không muốn gây ra một cuộc tranh cãi, mà để xoa dịu sự hận thù, điều này quan trọng: cùng nhau dập tắt sự căm ghét và bất công, cố gắng chữa lành người anh em tội lỗi. Việc này không dễ nhưng Chúa Giêsu đã làm và mời gọi chúng ta cũng hãy làm như vậy. Đó chính là việc giơ má bên kia: sự hiền lành của Chúa Giêsu là một phản ứng mạnh mẽ hơn so với cái tát mà Người đã nhận. Giơ má bên kia không phải là hành động dự phòng của kẻ thua cuộc, mà là hành động của một người có nội lực lớn hơn, việc giơ má bên kia cho thấy sự chiến thắng cái ác bằng sự thiện, người mở ra một khe hở trong lòng kẻ thù, vạch trần sự phi lý của lòng căm thù. Hành động đó, hành động giơ má bên kia không được sai khiến bởi sự tính toán, bởi sự căm ghét, nhưng được hướng dẫn bởi tình yêu. Anh chị em thân mến, chính tình yêu thương nhưng không và không đòi đền đáp mà chúng ta nhận được từ Chúa Giêsu, để từ chính trong trái tim, chúng ta cũng thực hiện tương tự như Người và khước từ mọi sự trả thù. Và chúng ta đã quen với việc trả thù: “Anh đã làm điều này với tôi, tôi sẽ làm điều kia với anh…” hay giữ lại trong lòng mối hận thù này, một hận thù làm tổn thương, hủy hoại con người.
Chúng ta đi đến sự phản đối khác (có thể nói là sự ám ảnh): liệu một người có thể yêu kẻ thù của mình không? Nếu phụ thuộc chỉ nơi chúng ta thì điều đó là không thể. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng khi Chúa yêu cầu một điều gì đó, thì Người cũng muốn ban điều đó. Thiên Chúa chưa bao giờ đòi hỏi chúng ta điều gì mà Người lại không ban điều đó cho chúng ta trước. Khi Người nói với tôi hãy yêu kẻ thù, thì Người muốn ban cho tôi khả năng làm như vậy. Nếu không có khả năng này, thì chúng ta sẽ không thể làm được, nhưng Người nói với chúng ta “hãy yêu kẻ thù” và Người trao cho chúng ta khả năng yêu thương. Thánh Augustinô đã cầu nguyện như thế này, anh chị em hãy lắng nghe lời cầu nguyện đẹp đẽ này: Lạy Chúa, “xin ban cho con điều Người đòi hỏi nơi con và hãy đòi hỏi con điều Người muốn” (Tự Thuật của Thánh Augustinô, X, 29,40), “xin ban cho con điều Người đòi hỏi nơi con và hãy đòi hỏi con điều Người muốn”, bởi vì Người đã ban cho con điều đó trước rồi. Chúng ta xin Người điều gì? Chúa hài lòng khi ban cho chúng ta điều gì? Sức mạnh để yêu, không phải là một sự vật, mà là Chúa Thánh Thần. Sức mạnh để yêu là chính Chúa Thánh Thần. Với Thánh Thần, chúng ta có thể đáp lại cái ác bằng điều thiện, chúng ta có thể yêu thương những kẻ làm hại mình. Người Kitô hữu hãy làm như vậy. Thật đáng buồn biết bao khi nhiều người và các dân tộc tự hào là Kitô hữu lại coi người khác là kẻ thù và nghĩ đến việc gây chiến! Thật là đáng buồn!
Còn chúng ta, chúng ta có cố gắng sống theo những lời mời gọi của Chúa Giêsu không? Hãy nghĩ về một người đã làm tổn thương chúng ta. Mỗi người hãy nghĩ về một ai đó, và ngay lập tức chúng ta thường thấy cái xấu của người ấy, chúng ta hãy suy nghĩ về người ấy. Có thể có một mối hận thù trong chúng ta. Thế nên, bên mối hận thù đó, chúng ta hãy đặt hình ảnh của Chúa Giêsu hiền lành, trong phiên toà xét xử Người sau khi Người bị tát. Và sau đó chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần tác động trong tâm hồn chúng ta. Cuối cùng, chúng ta hãy cầu nguyện cho người đó: cầu nguyện cho những người đã đối xử tệ với chúng ta (x. Lc 6,28) và khi có người làm hại chúng ta, chúng ta ngay lập tức đi nói với người khác và chúng ta cảm thấy mình là nạn nhân, nhưng thay vào đó, hãy dừng lại và cầu xin Chúa cho người ấy, giúp đỡ họ và như thế, cơn hận thù sẽ dần biến mất. Cầu nguyện cho người làm hại chúng ta là việc đầu tiên để chuyển hóa cái ác thành điều tốt. Đó là lời cầu nguyện. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta trở thành những con người hòa bình đối với mọi người, đặc biệt là đối với những người thù địch và không thích chúng ta.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 7 Thường Niên năm C (24/02/2019) - Yêu thương kẻ thù tạo nên một cuộc cách mạng của lòng thương xót
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (x. Lc 6, 27-38) đề cập đến trọng tâm và đặc nét của đời sống Kitô hữu: yêu thương kẻ thù. Những lời của Chúa Giêsu rất rõ ràng: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây : hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. (câu 27-28). Đó không phải là một tuỳ chọn, nhưng đó là một mệnh lệnh. Nó không dành cho tất cả mọi người, nhưng dành cho các môn đệ - những người mà Chúa Giêsu gọi là "những người đang lắng nghe". Hơn ai hết, Ngài hiểu rằng yêu thương kẻ thù quá sức, quá khả năng của chúng ta, nhưng chính vì điều này, Ngài đã trở nên người phàm: Ngài không bỏ rơi chúng ta, không để mặc chúng ta như chúng ta là, mà biến đổi chúng ta thành những con người biết sống một tình yêu vĩ đại hơn, như tình yêu của Chúa Cha – Cha của Người và cũng là Cha của chúng ta. Đó cũng chính là tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho những ai "lắng nghe Người". Và vì thế, yêu thương kẻ thù là điều có thể! Nhờ tình yêu của Người, nhờ Thần Khí của Người và với Người, chúng ta có thể yêu thương những người không yêu thương chúng ta, cũng như những người làm hại chúng ta.
Theo cách này, Chúa Giêsu muốn rằng nơi mỗi con tim tình yêu của Thiên Chúa chiến thắng sự oán ghét hận thù. Logic của tình yêu, mà đỉnh cao là nơi Thập giá của Chúa Kitô, là đặc nét của Kitô hữu, sẽ dẫn đưa chúng ta ra khỏi chính mình để gặp gỡ mọi người với con tim đượm tình huynh đệ.
Nhưng làm thế nào có thể vượt qua bản năng của con người và luật trả thù của thế gian? Câu trả lời của Chúa Giêsu là: "Hãy nhân từ, vì Cha của anh em là Đấng nhân từ" (c. 36). Bất cứ ai lắng nghe Chúa Giêsu, nỗ lực bước theo Người dù phải trả giá, thì trở nên con Thiên Chúa và bắt đầu nên giống Cha trên trời. Chúng ta có thể nói và làm những điều mà mình chưa từng nghĩ tới, chúng ta có thể trao ban niềm vui và bình an trong những điều mà chúng ta nghĩ rằng mình sẽ xấu hổ. Chúng ta không cần sống bạo lực nữa, dù là bằng lời nói hay hành động. Chúng ta nhận ra mình có khả năng sống ân cần, dịu dàng và tốt lành. Chúng ta nhận ra rằng tất cả những điều ấy không đến từ chính mình mà từ chính Người. Và vì thế, chúng ta không lấy làm tự hào về điều đó, nhưng chúng ta sống tâm tình biết ơn.
Không có gì lớn lao và sinh nhiều hoa trái hơn tình yêu: tình yêu tôn trọng, trao trả tất cả phẩm giá của con người, trong khi sự thù hận và oán ghét lại xem nhẹ và coi thường nó, làm mất đi vẻ đẹp của thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Người.
Mệnh lệnh này tạo ra một nền văn hoá mới trong thế gian, đối ngược lại với sự xúc phạm và làm tổn hại tới tình yêu: "văn hóa của lòng thương xót, văn hoá đem lại sự sống và một cuộc cách mạng thực sự" (Tông Thư Misericordia et misera, 20). Đó là cuộc cách mạng của tình yêu, mà nhân vật chính là những vị tử vì đạo của mọi thời đại. Và Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng thái độ và hành vi diễn tả tình yêu của chúng ta với những ai làm hại chúng ta sẽ không bao giờ mất đi. Người nói: “Hãy tha thứ và anh em sẽ được thứ tha. Hãy cho đi và anh em sẽ được cho lại [...], vì anh em đong bằng đấu nào, thì anh em sẽ được đong lại bằng đấu ấy” (c.37-38). Chúng ta phải tha thứ vì Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta, và Người luôn làm như thế. Nếu chúng ta không tha thứ cho tất cả, chúng ta không thể đòi hỏi hay nài xin được tha thứ. Ngược lại, nếu con tim của chúng ta mở ra với lòng thương xót, nếu sự tha thứ được ghi dấu bằng vòng tay đón lấy anh em và bằng mối dây thắt chặt tình hiệp thông, thì chúng ta có thể công bố cho thế giới biết rằng chiến thắng sự dữ bằng sự thiện là điều hoàn toàn có thể.
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta để chính mình được đụng chạm đến cốt tuỷ của lời thánh thiêng mà Chúa Giêsu nói với chúng ta, những lời bừng lửa yêu mến, những lời biến đổi chúng ta. Lời ấy làm cho chúng ta sống đức ái mà không cần đáp lại và làm chứng khắp mọi nơi về chiến thắng của tình yêu.
Nguồn: vaticannews.va/vi