Đức Lêô XIV, Bài giảng Chúa nhật 6 Phục sinh năm C (25/5/2025) - Lắng nghe
(Bài giảng trong thánh lễ tiếp quản Ngai tòa Giám mục Rôma tại Đền thờ Gioan Lateran)
Tôi thân ái chào các Đức Hồng y đang hiện diện, đặc biệt là Đức Hồng y Đại diện, các Giám mục phụ tá và toàn thể các Giám mục, các linh mục rất thân mến – các linh mục quản xứ, các linh mục phó xứ và tất cả những người, với nhiều tư cách khác nhau, đang cộng tác vào việc chăm sóc mục vụ trong các cộng đoàn của chúng ta –; cũng như các phó tế, tu sĩ nam nữ, các nhà chức trách và toàn thể anh chị em tín hữu rất thân mến.
Giáo hội Rôma là người thừa kế một lịch sử vĩ đại, bắt nguồn từ chứng tá của thánh Phêrô, thánh Phaolô và vô số các vị tử đạo, và Giáo hội này có một sứ mạng độc nhất, được thể hiện rõ qua những gì được viết trên mặt tiền của Nhà thờ chính tòa này: trở thành Mater omnium Ecclesiarum, Mẹ của tất cả các Giáo hội.
Đức Thánh Cha Phanxicô thường mời gọi chúng ta suy ngẫm về chiều kích hiền mẫu của Giáo hội (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, số 46-49, 139-141; Bài Giáo lý, ngày 13 tháng 1 năm 2016) và về những đặc điểm riêng của Giáo hội: sự dịu dàng, sự sẵn sàng hy sinh và khả năng lắng nghe không chỉ cho phép giúp đỡ, mà còn thường cảm thấy trước những nhu cầu và kỳ vọng, ngay cả trước khi chúng được bày tỏ. Đây là những nét mà chúng ta mong muốn thấy phát triển khắp nơi trong dân Chúa, cả tại đây nữa, trong gia đình giáo phận lớn của chúng ta: nơi các tín hữu, nơi các mục tử, và nơi tôi trước hết. Những bài đọc chúng ta đã nghe có thể giúp chúng ta suy nghĩ về điều này.
Đặc biệt, trong sách Công vụ Tông đồ (x. 15, 1-2, 22-29), kể lại cách cộng đoàn nguyên thủy đối mặt với thách thức mở ra với thế giới ngoại giáo trong việc loan báo Tin Mừng. Đó không phải là một quá trình dễ dàng: điều đó đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn và lắng nghe lẫn nhau; điều đó trước hết xảy ra trong cộng đoàn Antiokia, nơi các anh em, thông qua đối thoại – thậm chí là tranh luận – đã cùng nhau xác định được vấn đề. Nhưng sau đó, Phaolô và Banaba đã lên Giêrusalem. Họ không tự mình quyết định: họ tìm kiếm sự hiệp thông với Giáo hội Mẹ và đến đó với lòng khiêm nhường.
Phêrô và các Tông đồ đã lắng nghe họ. Như vậy là bắt đầu cuộc đối thoại cuối cùng dẫn đến quyết định đúng đắn: nhận ra và cân nhắc đến những khó khăn của các tân tòng, các ngài đã đồng ý không áp đặt gánh nặng quá mức cho họ, nhưng chỉ giới hạn mình vào việc yêu cầu họ những điều thiết yếu (x. Cv 15, 28-29). Vì vậy, những gì có vẻ như là một vấn đề đã trở thành cơ hội để mọi người suy ngẫm và phát triển.
Tuy nhiên, bản văn Thánh Kinh cho chúng ta biết nhiều hơn thế, vượt lên trên động lực phong phú và thú vị của con người trong sự kiện này.
Điều này được tiết lộ qua những lời mà các anh em ở Giêrusalem gửi thư cho những người ở Antiokia, thông báo cho họ những quyết định đã được đưa ra. Họ viết: “Thánh Thần và chúng tôi” (Cv 15, 28). Quả thế, các ngài nhấn mạnh rằng trong toàn bộ câu chuyện này, việc lắng nghe quan trọng nhất, việc lắng nghe khiến mọi thứ khác trở nên khả thi, chính là lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Các ngài nhắc nhở chúng ta rằng sự hiệp thông được xây dựng trước hết bằng việc “quỳ gối”, trong lời cầu nguyện và trong cam kết liên tục hoán cải. Thực vậy, chỉ trong sự quy hướng này, mỗi người mới có thể nghe thấy trong chính mình tiếng nói của Chúa Thánh Thần và kêu lên: “Abba! Cha ơi!” (Gal 4, 6) và, do đó, lắng nghe và hiểu người khác như là những người anh em.
Bài Tin Mừng cũng tái khẳng định sứ điệp này với chúng ta (x. Ga 14, 23-29), cho chúng ta biết rằng chúng ta không đơn độc trong những lựa chọn của cuộc sống. Chúa Thánh Thần nâng đỡ chúng ta và chỉ cho chúng ta con đường để bước theo, “dạy dỗ” chúng ta và “làm cho chúng ta nhớ lại” mọi điều Chúa Giêsu đã nói với chúng ta (x. Ga 14, 26).
Trước hết, Chúa Thánh Thần dạy chúng ta những lời của Chúa bằng cách in sâu những lời đó vào trong chúng ta, theo hình ảnh Thánh Kinh về luật không còn được viết trên những tấm bia đá nữa, nhưng trong lòng chúng ta (x. Gr 31, 33); một ân huệ giúp chúng ta trưởng thành đến độ trở thành “bức thư của Chúa Kitô” (x. 2 Cr 3, 3) đối với nhau. Và cũng vậy: chúng ta sẽ có khả năng rao giảng Tin Mừng hơn nhiều, khi chúng ta để cho mình được chinh phục và biến đổi, bằng cách để cho quyền năng của Chúa Thánh Thần thanh tẩy chúng ta trong sâu thẳm con người mình, làm cho lời nói của chúng ta đơn sơ, mong muốn của chúng ta trung thực và rõ ràng, hành động của chúng ta quảng đại.
Và chính ở đây, động từ khác xuất hiện: “nhớ lại”, nghĩa là, đưa sự chú ý của trái tim trở lại những gì chúng ta đã sống và học được, để thâm nhập sâu hơn vào ý nghĩa và thưởng thức vẻ đẹp của nó.
Về vấn đề này, tôi nghĩ đến con đường đầy đòi hỏi mà Giáo phận Rôma đã tiến bước từ nhiều năm qua, được thể hiện ở nhiều cấp độ lắng nghe khác nhau: hướng đến thế giới xung quanh, để chào đón những thách thức của nó, và trong các cộng đoàn, để hiểu được nhu cầu của họ và thúc đẩy các sáng kiến khôn ngoan và mang tính ngôn sứ về loan báo Tin Mừng và bác ái. Đây là một con đường khó khăn, vẫn đang tiếp diễn, tìm cách nắm bắt một thực tế rất phong phú nhưng cũng rất phức tạp. Tuy nhiên, điều này xứng đáng với lịch sử của Giáo hội này, nơi đã nhiều lần chứng minh khả năng nhìn thấy “lớn” của mình, bằng cách đầu tư toàn tâm toàn ý vào các dự án can đảm và thậm chí tham gia vào việc đối mặt với những kịch bản mới và đầy đòi hỏi.
Điều này được chứng minh bằng công việc đáng kể được toàn thể giáo phận thực hiện trong những ngày này để chuẩn bị cho Năm Thánh, trong việc chào đón và đồng hành với khách hành hương và thông qua vô số sáng kiến khác. Nhờ vô số nỗ lực này, đối với những người đến đây, đôi khi từ rất xa, thành phố tỏ ra như một ngôi nhà lớn, cởi mở và chào đón, và trên hết là một trung tâm đức tin.
Về phần tôi, tôi bày tỏ mong muốn và cam kết tham gia vào dự án rộng lớn này bằng cách lắng nghe mọi người, hết sức có thể, để học hỏi, hiểu biết và cùng nhau quyết định: “Là Kitô hữu với anh chị em và cho anh em tôi là giám mục”, như thánh Augustinô đã nói (x. Diễn văn 340, 1). Tôi xin anh chị em giúp tôi thực hiện điều này trong nỗ lực chung của lời cầu nguyện và bác ái, khi nhớ lại lời của Thánh Lêô Cả: “Mọi điều tốt lành mà chúng ta đạt được trong khi thực hiện sứ vụ của mình đều là công trình của Chúa Kitô; chứ không phải của chúng ta, vì nếu không có Người, chúng ta không thể làm gì được, nhưng chúng ta được vinh quang trong Người, là Đấng ban cho chúng ta mọi hiệu quả trong hành động của mình” (Bài giảng 5, de natali ipsius, 4).
Để kết thúc, tôi muốn thêm vào những lời này, những lời sau đây của Chân phước Gioan Phaolô I, người đã chào đón gia đình giáo phận mới của mình, vào ngày 23 tháng 9 năm 1978, với khuôn mặt rạng rỡ và thanh thản vốn đã mang lại cho ngài danh hiệu “Giáo hoàng của nụ cười”: “Khi trở thành Thượng phụ ở Venice, thánh Piô X đã thốt lên ở St-Marc : “Hỡi người dân Venice, tôi sẽ ra sao nếu tôi không yêu mến anh chị em?” Với người dân Rôma, tôi cũng sẽ nói điều tương tự; tôi có thể đảm bảo với anh chị em rằng tôi yêu mến anh chị em, tôi chỉ mong muốn được phục vụ anh chị em và trao cho anh chị em tất cả sức lực yếu ớt của tôi, chút ít ỏi những gì tôi có và chút ít ỏi những gì tôi là” (Bài giảng nhân dịp Lễ Tiếp quản Nhà thờ chính tòa Rôma, ngày 23 tháng 9 năm 1978).
Tôi cũng bày tỏ với anh chị em tất cả tình cảm của tôi, với mong muốn được chia sẻ với anh chị em, trên con đường chung của chúng ta, những niềm vui và nỗi buồn, những khó khăn và hy vọng. Tôi cũng trao cho anh chị em “chút ít ỏi mà tôi có và tôi là”, và tôi phó thác nó cho sự chuyển cầu của thánh Phêrô và thánh Phaolô và của rất nhiều anh chị em khác mà sự thánh thiện của họ đã chiếu sáng lịch sử của Giáo hội này và các đường phố của thành phố này. Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành và cầu bầu cho chúng ta.
Nguồn: xuanbichvietnam.net
Đức Lêô XIV, Huấn dụ Chúa nhật 6 Phục sinh năm C (25/5/2025) - Đừng dựa vào sức riêng
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một Chúa Nhật an lành!
Chỉ mới ít ngày nay, tôi đã bắt đầu sứ vụ giữa anh chị em. Trước hết, tôi muốn chân thành cảm ơn anh chị em vì tình cảm anh chị em dành cho tôi, đồng thời xin anh chị em tiếp tục nâng đỡ tôi qua lời cầu nguyện và sự gần gũi huynh đệ của anh chị em.
Trong mọi điều Chúa mời gọi chúng ta – dù trong hành trình cuộc sống hay trên con đường đức tin – chúng ta thường cảm thấy mình không đủ khả năng. Tuy nhiên, chính Tin mừng Chúa nhật hôm nay (x. Ga 14,23-29) lại nhắn nhủ chúng ta rằng: đừng dựa vào sức riêng, nhưng hãy tín thác nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã tuyển chọn chúng ta, hãy vững tin rằng chính Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn và dạy dỗ chúng ta mọi điều.
Trước nỗi bối rối và lo âu của các Tông Đồ trong đêm trước cuộc khổ nạn của Thầy, khi họ đang tự hỏi làm sao mình có thể tiếp nối và làm chứng cho Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã loan báo hồng ân Chúa Thánh Thần bằng một lời hứa tuyệt vời: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy; Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (c. 23).
Như thế, Đức Giêsu giải thoát các môn đệ khỏi nỗi sợ hãi và âu lo, Người nói với họ: “Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (c. 27). Thật vậy, nếu chúng ta ở lại trong tình yêu của Chúa, chính Người sẽ ngự đến và ở lại trong chúng ta; cuộc đời chúng ta trở thành đền thờ của Thiên Chúa. Và tình yêu ấy soi sáng chúng ta, đi vào trong cách nghĩ, trong chọn lựa, và lan tỏa tới tha nhân, chiếu rọi mọi khía cạnh đời sống chúng ta.
Anh chị em thân mến, việc Thiên Chúa ở lại trong chúng ta chính là hồng ân của Chúa Thánh Thần, Đấng nắm lấy tay chúng ta và giúp chúng ta cảm nghiệm – ngay giữa cuộc sống hằng ngày – sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa, để chúng ta trở thành nơi cư ngụ của Người.
Thật tuyệt vời biết bao khi mỗi người chúng ta chiêm ngắm ơn gọi của mình, nhìn đến những thực tại, những con người được trao phó cho mình, những bổn phận đang đảm nhận, và sứ vụ phục vụ trong Giáo hội, mỗi người trong chúng ta có thể thưa lên với lòng tín thác: Dù con yếu đuối, Chúa vẫn không xấu hổ vì thân phận con người của con; trái lại, Ngài còn muốn đến cư ngụ trong con. Ngài đồng hành với con bằng Thánh Thần của Ngài, soi sáng con và làm cho con trở nên khí cụ tình yêu của Ngài giữa nhân loại, giữa xã hội và thế giới hôm nay.
Anh chị em thân mến, đặt niềm tin tưởng trên lời hứa ấy, chúng ta cùng bước đi trong niềm vui của đức tin, để trở nên đền thờ sống động của Thiên Chúa. Chúng ta hãy dấn thân đem tình yêu của Người đến khắp mọi nơi, luôn ghi nhớ rằng: mỗi người chị em, mỗi người anh em đều là nơi cư ngụ của Thiên Chúa; và sự hiện diện của Người tỏ lộ cách đặc biệt nơi những người bé nhỏ, nghèo khó và đau khổ – những người đang mời gọi chúng ta hãy là những Kitô hữu tận tâm và biết cảm thương.
Chúng ta cũng hãy phó thác mọi sự trong tay Đức Maria Rất Thánh. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã trở nên “Nơi cư ngụ thánh thiêng dành cho Thiên Chúa.” Với Mẹ, chúng ta cũng có thể cảm nghiệm niềm vui được đón rước Chúa, và trở nên dấu chỉ cũng như khí cụ tình yêu của Người.
Nguồn: vaticannews.va
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 6 Phục sinh năm C (22/5/2022) - Chúa Giêsu ban cho chúng ta bình an của Người
Anh chị em thân mến, chúc ngày Chúa nhật tốt lành!
Trong bài Tin mừng Phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu khi từ biệt các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, đã nói, gần như một loại chứng từ: “Thầy để lại bình an cho anh em”. Và ngay sau đó Người nói thêm: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27). Chúng ta hãy dừng lại ở những câu ngắn này.
Trước hết, Thầy để lại bình an cho anh em. Chúa Giêsu chia tay với những lời lẽ thể hiện tình cảm và sự thanh thản, nhưng ngài làm như vậy trong một khoảnh khắc không gì là bình an. Giuđa đã ra đi để phản bội Người, Phê-rô chuẩn bị chối Người, và hầu như tất cả đều bỏ rơi Người: Chúa biết điều này, nhưng Người không trách móc, Người không dùng lời lẽ nặng nề, Người không nặng lời. Thay vì tỏ ra bực tức, Người vẫn nhẹ nhàng đến cùng. Một câu châm ngôn nói rằng người ta chết theo cách mà người ta đã sống. Những giờ phút cuối cùng của Chúa Giêsu thực sự giống như thực chất của toàn bộ cuộc đời Người. Người cảm thấy sợ hãi và đau đớn, nhưng không có chỗ cho sự phẫn uất và phản kháng. Người không để mình đi đến chỗ cay đắng, Người không trút giận, không cáu gắt. Người bình an, một sự bình an đến từ trái tim hiền lành của Người, nơi có sự tin tưởng. Và từ đây tuôn chảy sự bình an mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta. Bởi vì bạn không thể để lại sự bình an cho người khác nếu bạn không có bình an nơi chính mình. Bạn không thể cho đi sự bình an nếu bạn không ở trong bình an.
Thầy để lại bình an cho anh em: Chúa Giêsu chứng tỏ rằng sự ôn hoà là có thể. Người đã thể hiện nó trong thời khắc khó khăn nhất; và Người cũng muốn chúng ta làm điều này, ngay cả chúng ta là người thừa kế bình an của Người. Cần có sự ôn hoà, cởi mở, sẵn sàng lắng nghe, có khả năng xoa dịu các tranh chấp và tạo nên sự hòa hợp. Đây là việc làm chứng cho Chúa Giêsu và nó có giá trị hơn một ngàn lời nói và nhiều bài giảng. Đó chính là chứng tá của hòa bình. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem tại nơi chúng ta đang sống, các môn đệ của Chúa Giêsu có cư xử như thế này không: chúng ta có xoa dịu căng thẳng và chấm dứt xung đột không? Có phải chúng ta cũng đang xích mích với ai đó, luôn sẵn sàng phản ứng, bùng nổ, hay chúng ta biết cách đáp lại bằng cách không bạo lực, chúng ta biết cách đáp lại bằng những cử chỉ và lời nói ôn hòa? Tôi phản ứng thế nào? Mọi người hãy tự hỏi mình.
Tất nhiên, sự ôn hoà này không dễ dàng chút nào: ở mọi cấp độ, việc xoa dịu những xung đột khó khăn đến dường nào! Ở đây, câu thứ hai của Chúa Giêsu có ích cho chúng ta: Thầy ban bình an của Thầy cho anh em. Chúa Giêsu biết rằng một mình chúng ta không thể giữ được bình an, rằng chúng ta cần được trợ giúp, rằng chúng ta cần một món quà. Sự bình an, trước hết là một món quà từ Thiên Chúa và cần sự dấn thân của chúng ta. “Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (c. 27). Bình an này là gì mà thế gian không biết và Chúa ban cho chúng ta? Sự bình an này là Chúa Thánh Thần, cũng là Thần Khí của Chúa Giêsu, là sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta, là “sức mạnh sự bình an” của Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng tháo cởi những cứng nhắc và dập tắt những cám dỗ tấn công người khác. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng nhắc nhở chúng ta rằng bên cạnh chúng ta có anh chị em, chứ không phải là các chướng ngại và đối thủ. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho chúng ta sức mạnh để tha thứ, để bắt đầu lại, khởi hành lại, vì với sức của chúng ta, chúng ta không thể làm được. Và chính với Chúa Thánh Thần, chúng ta trở nên những người nam và người nữ của hòa bình.
Anh chị em thân mến, không tội lỗi nào, không thất bại nào, không oán thù nào được phép làm chúng ta nản lòng khỏi việc kiên trì nài xin ơn Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho chúng ta bình an. Chúng ta càng cảm thấy tâm hồn mình xao động, càng cảm thấy bồn chồn, cố chấp, tức giận, thì chúng ta càng phải cầu xin Chúa ban cho chúng ta Thần Khí bình an. Chúng ta học cách nói mỗi ngày: “Lạy Chúa, xin ban cho con bình an, xin ban cho con Thánh Thần”. Đó là một lời cầu nguyện đẹp. Chúng ta sẽ cùng nhau lặp lại câu này: “Lạy Chúa, xin ban cho con bình an, xin ban cho con Thánh Thần”. Và chúng ta cũng hãy cầu xin điều đó cho những người sống bên cạnh chúng ta, cho những người chúng ta gặp hàng ngày, và cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia.
Xin Đức Mẹ giúp chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần để trở nên những người xây dựng hòa bình.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 6 Phục sinh năm C (26/5/2019) – Thánh Thần ở bên và hướng dẫn Giáo hội
Anh chị em thân mến,
Tin mừng Chúa nhật VI Phục sinh hôm nay trình bày cho chúng ta những lời của Chúa Giêsu nói với các tông đồ trong bữa Tiệc ly (Ga 14, 23-29). Ngài nói với các ông về hoạt động của Chúa Thánh Thần và Người hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (c. 26). Khi đến gần thời khắc của thập giá, thầy Giêsu bảo đảm cho các tông đồ rằng họ sẽ không bao giờ phải lẻ loi, Thần Khí – Đấng Bảo Trợ - sẽ luôn luôn ở cùng họ. Người sẽ giúp họ trong công cuộc truyền rao Tin mừng cho thế giới. Trong tiếng gốc Hy Lạp, từ “Bảo Trợ” nghĩa là Đấng ở gần bên để nâng đỡ và ủi an. Thầy Giêsu trở về cùng Chúa Cha, nhưng Người tiếp tục hướng dẫn và làm cho cộng đồng các môn đệ sống động qua hoạt động của Chúa Thánh Thần.
Sứ mạng của Thánh Thần mà thầy Giêsu đã hứa là gì? Chính thầy Giêsu đã nói về món quà Thánh Thần rằng: “Người sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”. Trong cuộc sống trần thế của mình, thầy Giêsu đã trao cho các môn đệ tất cả những gì Người muốn bày tỏ cho các ông: Người đưa các ông đến sự thành toàn của mạc khải thánh thiêng. Đó là tất cả những gì Chúa Cha muốn nói cho nhân loại nơi sự nhập thể của Người Con. Công việc của Thánh Thần là nhắc nhớ, nghĩa là làm cho hiểu một cách đầy đủ, và thúc đẩy họ thực hiện những thầy Giêsu dạy cách cụ thể. Và đây chính là sứ mạng của Giáo hội, hiện thực hoá sứ mạng ấy bằng một lối sống cụ thể: tin cậy Thiên Chúa và tuân giữ Lời Người; Ngoan ngoãn trước những hoạt động của Chúa Thánh Thần, tiếp tục làm cho Chúa Phục Sinh sống và hiện diện; đón nhận bình an và lời chứng được trao phó cho mình với thái độ mở ra và gặp gỡ người khác.
Để đạt được tất cả những điều này, Giáo hội không thể giữ im lặng, nhưng, với sự tham gia tích cực của mỗi tín hữu đã lãnh nhận bí tích rửa tội, Giáo hội được kêu gọi để hành động như một Giáo hội lữ hành, được làm cho sống động và được nâng đỡ nhờ ánh sáng và sức mạnh của Thần Khí – Đấng làm cho tất cả mọi sự trở nên mới mẻ. Đó là việc thoát khỏi những ràng buộc thế gian với những quan điểm, hoạch định, mục tiêu của chúng ta, những điều thường cản trở hành trình đức tin của chúng ta, cũng như cản trở chúng ta đặt mình trong sự ngoan ngoãn lắng nghe Lời Chúa. Do đó, chính Thần Khí của Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta và hướng dẫn Giáo hội, để Giáo hội trở thành khuôn mặt đích thực, đẹp đẽ và sáng ngời theo ý muốn của Chúa Kitô.
Hôm nay, Thiên Chúa mời gọi chúng ta mở con tim mình với món quà của Thánh Thần, để xin Người hướng dẫn chúng ta đi theo con đường của lịch sử. Mỗi ngày, xin Người dạy chúng ta luận lý của Tin mừng, luận lý của tình yêu. Người dạy chúng ta mọi điều và nhắc nhớ chúng ta tất cả những điều thầy Giêsu nói với chúng ta. Lạy Mẹ Maria, Đấng mà chúng con tôn kính, cầu nguyện với lòng sùng kính đặc biệt trong tháng này, Mẹ là mẹ của chúng con ở trên trời. Xin Mẹ luôn bảo vệ Giáo hội và toàn thể nhân loại. Với đức tin khiêm tốn và can đảm, Mẹ đã hoàn toàn cộng tác với Thánh Thần để Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể. Xin giúp chúng con cũng biết để cho Đấng Bảo Trợ hướng dẫn. Ước gì chúng con cũng biết đón nhận Lời Chúa và làm chứng bằng đời sống của chúng con.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 6 Phục sinh năm C (01/5/2016) - Chúa Thánh Thần là Người Thầy nội tâm
Anh chị em thân mến,
Tin mừng ngày hôm nay mang chúng ta đến với bữa Tiệc ly. Trong bữa ăn tối cuối cùng ấy, trước khi chịu khổ hình và cái chết trên thập giá, Đức Giêsu đã hứa trao ban cho các Tông đồ một món quà, đó chính là Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ đến để dạy dỗ và làm cho mọi người trong cộng đoàn của các môn đệ nhớ lại tất cả mọi điều mà Đức Giêsu đã nói. Thật vậy, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: ‘Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.’ (Ga 14, 26). Dạy dỗ và làm nhớ lại. Đây chính là điều mà Chúa Thánh Thần thực hiện trong tâm hồn của chúng ta.
Trong những giây phút khi chuẩn bị trở về với Chúa Cha, Đức Giêsu đã nói trước với các môn đệ rằng Chúa Thánh Thần sẽ đến. Chúa Thánh Thần đến, trước hết, là để dạy dỗ các môn để hiểu một cách tròn đầy và chắc chắc hơn về Tin mừng; kế đến, là giúp các ông đón nhận Tin mừng trong cuộc sống hằng ngày, sống Tin mừng đó và sẵn sàng ra đi làm chứng. Trong khi nhắn nhủ những lời tâm huyết với các Tông đồ - hay nói đúng hơn là ‘sai đi’ – trong sứ mạng loan báo Tin mừng cho mọi loại thọ tạo trên khắp mặt địa cầu, Đức Giêsu hứa là sẽ không để các ông mồ côi, đơn độc. Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, sẽ ở với họ, luôn bên cạnh họ và ở trong họ để bảo vệ và gìn giữ họ. Đức Giêsu trở về với Chúa Cha nhưng vẫn tiếp tục đồng hành và huấn luyện các môn đệ ngang qua món quà tuyệt vời là Chúa Thánh Thần.
Điểm thứ hai nơi chiều kích sứ mạng của Chúa Thánh Thần được hàm chứa trong việc giúp các Tông đồ hiểu và nhớ lại tất cả mọi lời của Đức Giêsu. Thầy Chí Thánh đã nói với các Tông đồ tất cả mọi sự: với Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, sự mặc khải của Thiên Chúa đã được trọn vẹn. Thánh Thần sẽ làm cho họ nhớ lại những lời giáo huấn của Đức Giêsu trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau của cuộc sống, để họ có thể đặt những giáo huấn ấy vào trong thực hành. Đây cũng chính là điều diễn ra trong Giáo hội ngày hôm nay. Khi được hướng dẫn bởi ánh sáng và quyền năng của Chúa Thánh Thần, Giáo hội cũng có thể mang món quà cứu độ đến hết mọi người. Món quà ấy chính là tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi mỗi ngày anh chị em đọc một đoạn Tin mừng, hãy nài xin với Chúa Thánh Thần rằng: ‘Xin cho con hiểu và ghi nhớ mọi lời của Đức Giêsu.’ Rồi sau đó, anh chị em bắt đầu đọc Tin mừng và hãy đọc mỗi ngày.
Chúng ta không mồ côi: Đức Giêsu luôn bên cạnh chúng ta, ở giữa chúng ta và ở trong chúng ta! Sự hiện diện cách mới mẻ của Ngài trong lịch sử được thực hiện ngang qua Thánh Thần. Nhờ Thánh Thần, chúng ta có thể xây dựng một tương quan sống động với Đức Giêsu, Đấng đã chịu đóng đinh nhưng nay đã phục sinh. Chúa Thánh Thần, Đấng đã ngự vào tâm hồn chúng ta ngang qua Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thêm Sức, luôn hoạt động trong cuộc đời chúng ta. Ngài hướng dẫn chúng ta biết cách suy nghĩ, hành động, biết phân biệt những điều tốt xấu; giúp chúng ta biết thực hành lòng bác ái của Đức Giêsu, đó là trao ban chính mình cho người khác, đặc biệt những ai đang nghèo túng và cần kíp nhất.
Chúng ta không mồ côi! Dấu chỉ về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần cũng là bình an mà Đức Giêsu đã trao tặng cho các môn đệ: ‘Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.’ (câu 27). Điều này hoàn toàn khác với những gì mà con người thường cầu chúc cho nhau và cố gắng đạt được. Bình an của Đức Giêsu phát sinh từ sự chiến thắng trên tội lỗi, trên cái tôi ích kỷ ngăn cản chúng ta yêu tha nhân như anh em mình. Bình an là quà tặng của Thiên Chúa và là dấu chỉ sự hiện diện của Ngài ở giữa chúng ta. Mỗi môn đệ, mà ngày hôm nay được mời gọi bước theo Đức Giêsu vác thánh giá, đều nhận được sự bình an của Đức Kitô Phục Sinh trong sự chắc chắn về chiến thắng của Ngài và trong việc mong chờ sự ngự đến của Ngài trong vinh quang.
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta có tâm tình ngoan ngoãn để đón nhận Chúa Thánh Thần như là Người Thầy nội tâm và như là Ký Ức sống động về Đức Kitô trong cuộc hành trình dương thế hằng ngày của chúng ta.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 6 Phục sinh năm C (05/5/2013) - Tin mừng, Giáo hội và Thừa sai
(Thánh lễ Ngày của các Huynh đoàn, và lòng đạo đức bình dân)
Anh chị em thân mến,
Anh chị em thật can đảm đến đây dưới trời mưa thế này... Xin Chúa chúc lành thật nhiều cho anh chị em!
Trong hành trình Năm Đức Tin, tôi vui mừng cử hành thánh lễ này đặc biệt dành cho các Huynh Đoàn: đây là một thực tại truyền thống trong Giáo hội, thực tại này trong thời gian gần đây đã được canh tân và tái khám phá. Tôi thân ái chào thăm tất cả anh chị em, đặc biệt là các Huynh đoàn đến từ nhiều nơi trên thế giới! Xin cám ơn sự hiện diện và chứng tá của anh chị em!
Trong Tin mừng, chúng ta đã nghe một đoạn diễn văn từ giã của Chúa Giêsu, được thánh sử Gioan thuật lại trong khung cảnh bữa Tiệc Ly. Chúa Giêsu tâm sự với các tông đồ những tư tưởng cuối cùng của Ngài, như một di chúc tinh thần, trước khi giã từ họ. Đoạn sách hôm nay nhấn mạnh sự kiện đức tin Kitô hoàn toàn qui trọng tâm vào tương quan với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ai yêu mến Chúa Giêsu thì cũng đón nhận nơi mình chính Ngài và Chúa Cha, và nhờ Chúa Thánh Linh, họ đón nhận Tin mừng trong tâm hồn và cuộc sống họ. Ở đây chúng ta được chỉ cho thấy trung tâm từ đó mọi sự phải xuất phát và tất cả phải đồng qui về, đó là yêu mến Thiên Chúa, làm môn đệ Chúa Giêsu bằng cách sống Tin mừng. Đức Biển Đức 16 khi ngỏ lời với anh chị em, đã dùng từ này là “evangelicità”, đặc tính Tin mừng. Hỡi các huynh đoàn thân mến, lòng đạo đức bình dân mà anh chị em là một biểu hiện quan trọng, chính là một kho tàng của Giáo hội và các Giám mục Mỹ châu la tinh đã định nghĩa, một cách rất ý nghĩa, như là một linh đạo, một thần bí, là “một không gian gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô”. Anh chị em hãy luôn kín múc nơi Chúa Giêsu là nguồn mạch vô tận, hãy củng cố đời sống đức tin của anh chị em, chăm lo học hỏi về tu đức, cầu nguyện riêng và chung với cộng đoàn, tham dự phụng vụ. Qua các thế kỷ, các huynh đoàn đã là lò hun đúc đời sống thánh thiện cho bao nhiêu người, họ đã sống một cách đơn sơ tương quan nồng nhiệt với Chúa. Anh chị em hãy quyết liệt nên thánh; đừng hài lòng với một cuộc sống Kitô tầm thường, nhưng hãy làm sao để việc tham gia huynh đoàn là một kích thích, trước tiên cho anh chị em, để ngày càng yêu mến Chúa Giêsu Kitô hơn nữa.
Đặc tính Giáo hội
Cả đoạn sách Tông Đồ Công Vụ chúng ta đã nghe đọc, cũng nói với chúng ta về điều thiết yếu. Trong Giáo hội sơ khai, người ta cảm thấy ngay nhu cầu phải phân định xem đâu là điều thiết yếu để trở thành Kitô hữu, để theo Chúa Kitô, và đâu là điều không thiết yếu. Các tông đồ và trưởng lão đã có một cuộc họp quan trọng tại Jerusalem, một “công đồng” đầu tiên về đề tài này, về những vấn đề nảy sinh sau khi Tin mừng được loan báo cho dân ngoại, cho những người không phải là Do thái. Đó là cơ hội Chúa Quan Phòng xếp đặt để giúp hiểu rõ hơn điều gì là thiết yếu, nghĩa là tin nơi Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết và sống lại vì tội lỗi chúng ta, và yêu thương nhau như Chúa đã thương yêu chúng ta. Nhưng anh chị em hãy ghi nhận điều này là các khó khăn được khắc phục không phải ở bên ngoài, nhưng là bên trong Giáo hội. Và đây là yếu tố thứ hai mà tôi muốn nhắc nhở anh chị em, như Đức Biển Đức 16 đã làm, nghĩa là “Giáo hội tính”.
Lòng đạo đức bình dân là một con đường dẫn tới điều thiết yếu nếu được sống trong Giáo hội qua sự hiệp nhất sâu xa với các vị Chủ chăn của anh chị em. Anh chị em thân mến, Giáo hội rất yêu thương anh chị em! Anh chị em hãy hiện diện tích cực trong cộng đoàn như những tế bào sinh động, những viên đá sống động. Các Giám mục Mỹ châu la tinh đã viết rằng lòng đạo đức bình dân mà anh em là một biểu hiện, chính là “một thể thức hợp pháp để sống đức tin, một cách thức để cảm thấy mình là thành phần của Giáo hội” (Văn kiện Aparecida 264). Đây là điều thật đẹp! Một cách thức hợp pháp để sống đức tin, một phương thức để cảm thấy mình là thành phần của Giáo hội. Anh chị em hãy yêu mến Giáo hội! Hãy để cho Giáo hội hướng dẫn! Trong các giáo xứ, các giáo phận, anh chị em thực là một buồng phổi đích thực của đức tin và đời sống Kitô, một luồng gió mát! Tại quảng trường này, tôi thấy có rất nhiều loại dù khác nhau, nhiều mầu và dấu hiệu khác nhau. Giáo hội cũng thế: Giáo hội rất phong phú và có những cách thức diễn tả khác nhau, trong đó tất cả đều dẫn tới sự hiệp nhất, và hiệp nhất là gặp gỡ với Chúa Kitô.
Đặc tính truyền giáo
Tôi muốn thêm một lời thứ ba nói lên đặc tính của anh chị em, đó là đặc tính truyền giáo. Anh chị em có một sứ mạng đặc thù và quan trọng, đó là giữ cho quan hệ giữa đức tin và các nền văn hóa các dân tộc của anh chị em được luôn sinh động, và anh chị em thực hiện điều đó qua lòng đạo đức bình dân. Chẳng hạn, khi anh chị em đi rước Thánh Giá với tất cả lòng tôn kính và yêu mến đối với Chúa, anh chị em không chỉ thi hành một cử chỉ bề ngoài: anh chị em tỏ cho thấy vị thế trung tâm của Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa, cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Ngài, Đấng đã cứu chuộc chúng ta; anh chị em hãy chỉ cho bản thân mình trước tiên và cho cộng đoàn thấy rằng cần phải theo Chúa Kitô trong con đường cụ thể của cuộc sống để được biến đổi. Cũng vậy khi anh chị em biểu lộ lòng sùng kính sâu xa đối với Đức Trinh Nữ Maria, anh chị em chỉ cho thấy mức độ thành tựu cao nhất của đời sống Kitô, Mẹ là Đấng nhờ tin và tuân phục thánh ý Thiên Chúa, cũng như nhờ suy niệm về Lời dạy và các hành động của Chúa Giêsu, Mẹ trở thành môn đệ tuyệt hảo của Chúa (Xc LG 53). Niềm tin này nảy sinh từ sự lắng nghe Lời Chúa, anh chị em biểu lộ qua những hình thức có sự can dự của các giác quan, tình cảm, những biểu tượng của các nền văn hóa khác nhau.. Và khi làm như thế, anh chị em giúp truyền đạt niềm tin cho tha nhân, và đặc biệt là những người đơn sơ, những người mà trong Tin mừng Chúa Giêsu gọi là những người “bé mọn”. Thực vậy khi cùng nhau tiến về các Đền thánh và tham dự các biểu hiện khác nhau của lòng đạo đức bình dân, người ta thường dẫn theo con cái và đưa những người khác can dự vào, việc làm ấy tự nó là một hành động rao giảng Tin mừng” (Văn kiện Aparecida 264). Khi anh chị em đến các đền thánh, khi anh chị em mang gia đình, con cái đi theo, tức là anh chị em thi hành việc truyền giáo. Cần tiếp tục như vậy! Anh chị em cũng trở thành những người rao giảng Tin mừng đích thực.! Ước gì các sáng kiến của anh chị em là những nhịp cầu, những con đường để dẫn đến Chúa Kitô, để đồng hành với Ngài. Và trong tinh thần ấy, anh chị em hãy luôn luôn chú ý đến đức bác ái. Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn là thừa sai theo mức độ họ mang và sống Tin mừng, làm chứng về tình thương của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người, nhất là những người ở trong tình trạng khó khăn. Anh chị em hãy trở thành các nhà truyền giảng tình thương và sự dịu hiền của Thiên Chúa! Hãy trở thành những thừa sai của lòng từ bi Chúa, Đấng luôn luôn tha thứ cho chúng ta, luôn chờ đợi chúng ta và rất yêu thương chúng ta!
Tin mừng tính, Giáo hội tính và Thừa sai tính. 3 từ này xin anh chị em đừng quên! Chúng ta hãy cầu xin Chúa luôn hướng dẫn tâm trí chúng ta hướng về Ngài, như những viên đá sống động của Giáo hội, để mỗi hoạt động của chúng ta, toàn thể đời sống Kitô của chúng ta là một chứng tá rạng ngời về lòng từ bi và tình thương của Chúa. Như thế chúng ta sẽ tiến về mục tiêu cuộc lữ hành trần thế của chúng ta về Đần thánh rất đẹp là thành Jerusalem thiên quốc. Nơi đó chẳng còn đền thờ nào: chính Thiên Chúa và Chiên Con là Đền thờ của Ngài; và ánh sáng mặt trời mặt nhường chỗ cho vinh quang của Đấng Tối Cao. Amen.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Chúa nhật 6 Phục sinh năm C (13/5/2007) - Thánh Thần và chúng tôi quyết định
Kính thưa anh em quý mến trong hàng giám mục, kính thưa các linh mục và tất cả anh chị em thân mến trong Chúa.
Tôi không biết dùng lời lẽ nào để diễn tả niềm vui được ở với anh chị em, cử hành Thánh lễ long trọng khai mạc Hội nghị lần thứ 5 của hàng giám mục châu Mỹ latinh và Caraibi. Tôi xin gửi đến từng người lời chào thân ái, cách riêng là đến đức tổng giám mục Raymundo Damasceno Assis, và tôi cám ơn Đức cha vì những lời chào thăm tôi nhân danh toàn thể cử toạ, đến các vị chủ tích hội nghị này. Tôi xin kính chào những nhà cầm quyền dân chính và quân sự vì sự hiện diện của quý vị làm tăng thêm tính cách long trọng cho buổi lễ. Từ thánh điện này, tôi xin mở rộng tư tưởng, tâm tình và lời nguyện đến hết mọi người đang kết hợp với chúng tôi trong tinh thần, cách riêng là các cộng đoàn đời thánh hiến, các bạn trẻ dấn thân trong các hội đoàn và phong trào, các gia đình, cũng như những người ốm đau già cả. Tôi xin được nói với tất cả rằng “Nguyện xin ân sủng và bình an bởi Thiên Chúa là Cha và bởi Đức Chúa Giêsu Kitô ở cùng anh chị em” (1Cr 1,3).
Thật là hồng ân của Chúa quan phòng dành cho tôi vì được cử hành Thánh Lễ vào thời này và tại nơi này. Thời này là mùa Phục sinh, đã đến chúa nhật thứ 6 và gần kề lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, và Hội thánh được mời gọi hãy tăng gia việc kêu cầu Chúa Thánh Thần. Nơi là thánh điện toàn quốc dâng kính Đức Mẹ Aparecida, trung tâm Thánh mẫu của nước Brasil. Đức Maria đón tiếp chúng ta trong nhà Tiệc ly này, và như một người Mẹ và Giáo viên, Người giúp chúng ta nâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện đồng tâm và tin tưởng, Buổi cử hành phụng vụ này trở thành nền móng kiên cố của Hội nghị lần thứ 5 bởi vì đặt nền trên sự cầu nguyện và Thánh thể, bí tích Tình yêu (sacramentum caritatis). Thực vậy, duy chỉ có tình yêu của Chúa Kitô, được Thánh Thần phú ban, mới có thể biến cuộc họp này thành một biến cố của Hộí thánh, một thời điểm của ân sủng cho đại lục này và cho toàn thế giới. Chiều nay tôi sẽ có cơ hội đi vào những đề tài thảo luận tại Hội nghị. Bây giờ chúng ta hãy dành chỗ cho Lời Chúa mà chúng ta đã hoan hỉ cùng nhau đón nhận, theo gương của Đức Maria, người nữ thụ thai, với con tim cởi mở và ngoan ngoãn, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, Đức Kitô có thể “nhâp thể” lần nữa vào ngày hôm nay của lịch sử chúng ta.
Bài đọc Một, trích từ sách Công vụ tông đồ, nhắc lại “công đồng Giêrusalem” (theo như quen được đặt tên), nhằm giải quyết vấn đề xem những người ngoại khi trở lại Kitô giáo có buộc phải giữ luật Moisen hay không. Bài đọc đã bỏ qua cuộc tranh luận giữa các “tông đồ và kỳ mục” (câu 4-21) và kể lại quyết định chung kết, được thảo ra văn thư và trao cho hai đại biểu mang về cộng đoàn Antiokia (câu 22-29). Trang sách Tông đồ công vụ này rất thích hợp với chúng ta, bởi vì chúng ta cũng được quy tụ tại đây như một cuộc họp của Hội thánh. Nó nhắc nhớ chúng ta cảm thức về sự biện phân cộng đoàn liên quan đến những vấn đề trọng yếu mà Giáo hội gặp trên đường, và cần được phân định bởi các “tông đồ” và “kỳ mục” nhờ ánh sáng của Thánh Thần, Đấng mà theo bài sách Tin mừng hôm nay, nhắc lại lời dạy của Chúa Giêsu Kitô (xc Ga 14,26) và như thế Người giúp cho cộng đoàn Kitô hữu tiến bước đến chân lý sung mãn (xc Ga 16,13). Các nhà lãnh đạo Giáo hội tranh biện và đối chất với nhau, nhưng luôn luôn trong thái độ kính cẩn lắng nghe Lời Chúa Kitô trong Thánh Thần. Vì thế sau cùng họ có thể quả quyết rằng: “Chúng tôi đã quyết định, Thánh Thần và chúng tôi…” (Cv 15,28).
Đây là “phương pháp” mà chúng ta thực hành trong Giáo hội, trong những buổi họp lớn hay nhỏ. Đây không chỉ là chuyện thủ tục tiến hành, nhưng phản ánh bản tính của Giáo hội, là mầu nhiệm hiệp thông với Chúa Kitô trong Thánh Thần. Trong trường hợp những Hội nghị của hàng giám mục châu Mỹ Latinh và Caraibi, lần đầu tiên vào năm 1955 tại Rio de Janeiro, Đức giáo hoàng Piô XII đã gửi một bức thư. Tại những hội nghị kế tiếp, chính đức giám mục Rôma đích thân đến địa điểm nhóm họp để chủ toạ những phiên khai mạc. Với niềm biết ơn, chúng ta nghĩ đến các Tôi tớ Chúa đức Phaolô VI và Gioan Phaolô II, tại các Hội nghị ở Medellin, Puebla, và Santo Domingo đã mang đến chứng tá của Giáo hội hoàn vũ gần gũi với các Giáo hội tại châu Mỹ Latinh, chiếm phần đa số trong Cộng đoàn Công giáo.
“Chúa Thánh Thần và chúng ta”. Đó là Giáo hội: chúng ta, cộng đoàn Dân Chúa, cùng với các mục tử được kêu gọi hướng dẫn chỉ đường, cùng với Chúa Thánh Thần, Thần khí của Chúa Cha được phái đến nhân danh Đức Giêsu là Con Chúa, Thần khí của Đấng “lớn hơn” tất cả mọi người và được ban cho chúng ta nhờ Đức Kitô, kẻ trở nên “bé nhỏ” vì chúng ta. Thần khí là Đấng Paraclitus, Bào chữa và An ủi. Người giúp chúng ta sống dưới sự hiện diện của Thiên Chúa, lắng nghe Lời của Chúa, không bị ám ảnh bởi âu lo sợ hãi nhờ mang trong mình sự bình an mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta, bình an mà thế gian không thể nào ban được (xc Ga 14,26-2). Thần khi đồng hành Giáo hội trong suốt quãng đường kéo dài từ khi Đức Giêsu đến lần thứ nhất cho tới khi Người đến lần thứ hai. Người đã nói với các môn đệ: “Thầy ra đi và sẽ trở lại với các con” (Ga 14,28). Giữa cuộc ra đi và trở lại của Chúa Kitô thì có thời điểm của Giáo hội là Thân thể của Người, đã có hai ngàn năm lịch sử đã trôi qua; đã có 5 thế kỷ trong đó Giáo hội trở nên kẻ lữ hành tại châu Mỹ, ban phát cho các tín hữu sức sống của Chúa Kitô nhờ các bí tích và gieo vãi trên mảnh đất này hạt giống Tin mừng, hạt giống đã mang lại kết quả có nơi gấp 30, có nơi 60, có nơi 100 lần. Thời kỳ của Giáo hội, thời kỳ của Thánh Thần: chính Ngài là Thầy giáo huấn luuyện các môn sinh: Ngài làm cho họ yêu mến Đức Kitô; Ngài dạy dỗ họ lắng nghe Lời Chúa, chiêm ngắm Dung Nhan Chúa: Ngài uốn nắn họ nên hòa hợp với nhân loại của các mối phúc thật, tinh thần nghèo khó, âu sầu, hiền từ, khát khao công chính, khoan nhân, con tim trong trắng, kiến tạo hoà bình, bị bách hại vì công lý (xc Mt 5,3-10). Như vậy, nhờ tác động của Thánh Thần, Đức Giêsu trở thành “Đạo”, con đường đi của người môn sinh. “Nếu ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy”, Chúa Giêsu đã nói như vậy trong bài Tin mừng hôm nay. “Lời mà các con đã nghe không phải là của Thầy, nhưng là của Cha là Đấng đã sai Thầy” (Ga 14,23-24). Như Chúa Giêsu đã truyền thông lời của Chúa Cha thế nào, thì Thánh Thần cũng nhắc nhớ cho Giáo hội những lời của Chúa Kitô như vậy (xc Ga 14,26). Và cũng như việc Đức Giêsu yêu mến Chúa Cha đưa Người đến chỗ lấy việc tuân theo ý Cha làm lương thực như thế nào, thì việc chúng ta yêu mến Chúa Giêsu cũng được chứng tỏ qua việc vâng theo lời Chúa như vậy. Lòng trung thành của Đức Giêsu với ý muốn Chúa Cha có thể được thông đạt cho các môn sinh nhờ Thánh Thần, Đấng đô tràn lòng yêu mến Chúa vào lòng chúng ta (xc Rm 5,5).
Tân ước trình bày cho chúng ta Đức Kitô như là vị Thừa sai của Chúa Cha. Đặc biệt trong sách Tin mừng thánh Gioan, nhiều lần Đức Giêsu nói đến mối tương quan của mình với Chúa Cha Đấng đã sai mình đến thế gian. Trong đoạn văn hôm nay, Người nói: “lời mà Thầy nói với các con, không phải là của Thầy, nhưng là lời của Cha Đấng đã sai Thầy” (Ga 14,24). Giờ đây, các bạn thân mến, chúng ta được mời gọi hãy cắm mắt nhìn vào Người, bởi vì sứ vụ của Giáo hội chỉ tồn tại được trong tầm mức nối dài sứ vụ của Đức Kitô: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Và tác giả Tin mừng nêu bật rằng việc chuyển thông này diễn ra trong Thánh Thần: “Chúa Kitô đã thổi hơi lên họ và nói: hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22) . Đức Kitô đã thi hành sứ vụ trong tình yêu: Ngài đã thắp lên trong thế gian ngọn lửa của tình yêu Chúa (xc Lc 12,49). Chính tình yêu đem lại sự sống: vi vậy Giáo hội được mời gọi hãy truyền bá khắp thế gian tình yêu của Chúa Kitô, ngõ hầu mọi người và mọi dân “nhận được sự sống va sự sống dồi dào” (Ga 10.10). Cả với anh em nữa, những người đại diện của Giáo hội tại châu Mỹ latinh, tôi hân hạnh trao thông điệp Deus caritas est trong đó tôi muốn giới thiệu điều gì là thiết yếu trong sứ điệp của Kitô giáo. Hội thánh cảm thấy mình là môn sinh và thừa sai của Tình yêu đó: thừa sai vì là môn sinh, nghĩa là có khả năng để cho mình bị quyến rũ bởi Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta và đã đi bước trước trong tình yêu (xc 1Ga 4,10), Giáo hội không làm công tác tuyên truyên chiêu dụ. Giáo hội tăng trưởng bằng cách thu hút: cũng như Đức Kitô đã thu hút tất cả chúng ta bằng mãnh lực tình yêu với chóp đỉnh là hy lễ Thập giá, thì Giáo hội cũng thực hiện sứ vụ trong mức độ thực hiện mọi công tác hoạ theo tình yêu của Đức Kitô là Chúa mình.
Anh em thân mến!
Đó là kho tàng vô giá của đại lục Mỹ châu, đây là gia sản quý báu nhất: lòng tin vào Thiên Chúa là Tình Yêu, Đấng đã biểu lộ khuôn mặt nơi Đức Kitô Giêsu. Anh em đã tin vào Thiên Chúa Tình yêu; đây là sức mạnh của anh em, sức mạnh chiến thắng thế gian, niềm vui này không ai và không gì có thể cướp đoạt, sự bình an mà Đức Kitô đã tranh thủ cho anh em nhờ Thập giá! Đây là niềm tin biến đổi châu Mỹ thành đại lục của Hy vọng. Đây không phải là ý thức hệ chính trị, không phải là một phong trào xã hội, một chính sách kinh tế; đó là niềm tin vào Thiên Chúa Tình Yêu, đã nhập thể, chết và sống lại nơi đức Giêsu Kitô, nền tảng chính đáng của niềm hy vọng đã mang lại biết bao hoa trái kỳ diệu, kể từ khi rao giảng Phúc âm lần đầu cho đến nay, như được chứng tỏ qua đoàn ngũ các thánh và chân phước mà Thánh Thần đã gợi lên khắp nơi ở đại lục. Đức Gioan Phaolô II đã kêu gọi anh em hãy thực hiện một cuộc rao truyền Tin mừng mới, và anh em đã đón nhận uỷ nhiệm đó với lòng quảng đại và dấn thân. Tôi xin khẳng định điều đó, và với những lời của Hội nghị lần thứ 5, tôi xin nói với anh em “Hãy trở nên những môn đệ trung tín, ngõ hầu trở thành những thừa sai can đảm và hữu hiệu.
Bài đọc thứ hai đã trình bày thị kiến tuyệt vời về thành Giêrusalêm trên trời. Thực là một bức tranh tuyệt đẹp, nơi mà không cần đồ trang hoàng nữa, những tất cả đều phản ánh sự hoà điệu của Thành Thánh. Thánh Gioan viết rằng thành này từ trời xuống, rạng ngời vinh quang Thiên Chúa (Kh 20,10). Thế nhưng vinh quang Thiên Chúa là Tình Yêu; vì thế thành thánh Giêrusalem trên trời là bức icon của Hội thánh thánh thiện và rạng rỡ, không còn tì ố vết nhăn (xc Ep 5,27), được Thiên Chúa Tình Yêu chiếu rực ở trung tâm và ở khắp chốn. Hội thánh được mang tên là “hiền thê”, hiền thê của Chiên (Kh 20,9), bởi vì thể hiện hình ảnh hiền thê đã trải dài lịch sử mặc khải từ đầu cho đến cuối. Kinh thành Hiền thê là xứ sở của việc Thiên Chúa hiệp thông với con người; ở trong đó, không cần đền thờ hoặc nguồn ánh sáng nào nữa, bởi vì sự hiện diện của Thiên Chúa và của Chiên đã hiện thực và chiếu sáng.
Bức icon này mang tính cách cánh chung: nó diễn tả mầu nhiệm của vẻ đẹp hiện nay đã nặn lên Hội thánh, tuy chưa đạt tới mức độ viên mãn. Đây là đích điểm của cuộc lữ hành của chúng ta, quê hương đang chờ đợi chúng ta và chúng ta hiện đang mong mỏi. Nhìn nó với cặp mắt đức tin, chiêm ngưỡng và ước ao nó, không trở nên lý do để trốn tránh thoát khỏi lịch sử nơi Giáo hội sinh sống, và chia sẻ những niềm vui và hy vọng, những đau khổ và lo âu của nhân loại, cách riêng của những người nghèo khổ (xc Gaudium et spes 1). Nếu vẻ đẹp của Giêrusalem trên trời là vinh quang của Thiên Chúa, nghĩa là tình yêu, thì duy chỉ trong tình yêu mà chúng ta có thể đến gần nó và cách nào đó cư ngự trong nó. Ai yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ lời Người thì có thể cảm nhận ngay từ đời này sự hiện diện huyền nhiệm của Thiên Chúa Ba ngôi, như chúng ta đã nghe trong Phúc âm, “Chúng ta sẽ đến và cư ngụ ở nơi họ” (Ga 14,23). Vì thế mỗi nguời Kitô hữu được mời gọi hãy trở nên viên đá sống động của toà nhà tuyệt diệu của nơi Thiên Chúa cư ngự giữa loài người. Ôi ơn gọi cao quý biết chừng nào!
Một Giáo hội hoàn toàn được linh hoạt và huy động nhờ tình yêu Chúa Kitô, Chiên được hiến tế vì tình yêu, là hình ảnh trong lịch sử của thành Giêrusalem trên trời, tiền báo Thành thánh, rực rỡ bởi vinh quang của Thiên Chúa. Hội thánh bung ra một sức mạnh vô địch, đó là sức mạnh của sự thánh thiện. Xin Mẹ Maria cầu cho Hội thánh tại châu Mỹ latinh và Caraibi được khoác lấy sức mạnh từ trời cao (xc Lc 24,49) để chiếu tỏa trong lục địa này và trong toàn thế giới sư thánh thiện của Chúa Kitô. Nguyện chúc cho Người vinh quang, cùng với Chúa Cha và Thánh Thần, đế muôn thuở muôn đời. Amen.
Nguồn: archivioradiovaticana.va