NỘI DUNG CHÍNH Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 5 Thường Niên năm C (07/02/2016) - Đừng sợ Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 5 Thường Niên năm C (07/02/2010) - Chúa gọi |
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 5 Thường Niên năm C (06/02/2022) - Chúa lên thuyền cuộc đời chúng ta và mời chúng ta ra khơi
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay đưa chúng ta đến bờ hồ Galilê. Đám đông vây quanh Chúa Giê-su trong khi một số ngư phủ thất vọng, trong đó có Si-môn Phêrô, đang giặt lưới sau một đêm đánh cá thất bại. Và Chúa Giêsu đã vào thuyền của Si-môn; rồi Người mời ông ra chỗ nước sâu và thả lưới lại (x. Lc 5,1-4). Chúng ta hãy dừng lại ở hai hành động này của Chúa Giêsu: trước tiên Người lên thuyền và kế đến, Người mời ra chỗ nước sâu. Dù đã trải qua một đêm chẳng được gì, nhưng Phêrô đã tin tưởng và ra chỗ nước sâu.
Trước hết, Chúa Giê-su lên thuyền của Si-môn. Để làm gì? Để giảng dạy. Người xin lên chiếc thuyền, không phải chiếc thuyền đầy cá mà là chiếc thuyền trở về trống trơn, sau một đêm vất vả và thất vọng. Đó là một hình ảnh đẹp đối với chúng ta. Mỗi ngày, con thuyền cuộc sống của chúng ta cũng rời bờ để ra biển các hoạt động thường ngày; Mỗi ngày chúng ta cố gắng “đánh bắt xa bờ”, nuôi dưỡng ước mơ, thực hiện các dự án, sống tình yêu trong các mối tương quan của chúng ta. Nhưng thường, giống như Phêrô, chúng ta chứng kiến “suốt đêm trắng lưới”, thất vọng vì làm việc chăm chỉ mà không thấy kết quả như mong đợi: “Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được gì” (câu 5). Chúng ta thường ở lại với cảm giác thất bại, trong khi tâm hồn thì sinh ra thất vọng và cay đắng; hai nỗi thống khổ hết sức nguy hiểm.
Rồi Chúa làm gì? Người chọn lên thuyền của chúng ta. Từ đó Người muốn loan báo Tin Mừng. Chính chiếc thuyền trống rỗng đó, biểu tượng cho sự bất lực của chúng ta, trở thành “ngai toà” của Chúa Giêsu, thành bục giảng mà từ đó Người công bố Lời. Đây là điều mà Chúa yêu thích làm: Chúa là Chúa của sự ngạc nhiên, của những phép lạ trong sự ngạc nhiên, Chúa bước vào con thuyền của cuộc đời chúng ta khi chúng ta không có gì để dâng Người; bước vào khoảng trống của chúng ta và lấp đầy chúng với sự hiện diện của Người; dùng sự nghèo khó của chúng ta để loan báo sự giàu có của Người, sự khốn khổ của chúng ta để loan báo lòng thương xót của Người. Chúng ta hãy nhớ điều này: Thiên Chúa không muốn một con tàu du lịch, nhưng một con thuyền tồi tàn “ọp ẹp” là đủ cho Người, miễn là chúng ta chào đón Người. Nhưng tôi tự hỏi, liệu chúng ta có để Người bước lên con thuyền cuộc đời mình không? Chúng ta có dành cho Người chút ít chúng ta có không? Đôi khi chúng ta cảm thấy không xứng đáng với Người vì chúng ta là tội nhân. Nhưng đây là một lối biện minh mà Chúa không thích, vì nó đẩy chúng ta ra xa Người! Người là Thiên Chúa của sự gần gũi, của lòng cảm thương, của sự dịu dàng. Người không tìm kiếm chủ nghĩa hoàn hảo, nhưng tìm sự chào đón. Người cũng nói với bạn: “Hãy để Ta bước vào con thuyền cuộc đời của con, như nó là”.
Như vậy Chúa đã xây dựng lại sự tin cậy của Phêrô. Khi đã lên thuyền, sau khi rao giảng, Người nói với ông: “Hãy ra chỗ nước sâu” (câu 4). Đó không phải là thời điểm thích hợp để đánh cá, trời đã sáng, nhưng Phêrô đã tin cậy Chúa Giê-su, điều đó không dựa trên chiến lược của những thợ đánh cá, những điều mà ông biết rõ, nhưng dựa vào sự mới lạ của Chúa Giê-su. Chúng ta cũng vậy: nếu chúng ta đón Chúa vào thuyền của chúng ta, chúng ta có thể ra chỗ nước sâu. Với Chúa Giêsu, chúng ta chèo thuyền trong biển đời mà không sợ hãi, không thất vọng khi không đánh bắt được gì và cũng không đầu hàng vì “không còn làm được gì nữa”. Trong cuộc sống cá nhân cũng như trong đời sống của Giáo hội và xã hội, luôn luôn có một điều gì đó cao đẹp và can đảm còn có thể làm được. Chúng ta luôn có thể bắt đầu lại, Chúa luôn mời gọi chúng ta quay trở lại sân chơi bởi vì Người mở ra những khả thể mới. Vì vậy, chúng ta hãy đón nhận lời mời: chúng ta hãy xua đuổi sự bi quan và ngờ vực, để ra khơi với Chúa Giêsu! Rồi chiếc thuyền nhỏ trống rỗng của chúng ta cũng sẽ chứng kiến một mẻ cá kỳ diệu.
Chúng ta hãy cầu xin với Mẹ Maria: một cách khác biệt, Mẹ đã đón Chúa vào thuyền cuộc đời, xin Mẹ khích lệ chúng ta và cầu bầu cho chúng ta.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 5 Thường Niên năm C (10/02/2019) - Chúa Giêsu giúp chúng ta tiến ra biển khơi
Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Lc 5: 1-11) thánh Luca tường thuật cho chúng ta lời mời gọi của Chúa Giêsu dành cho Thánh Phêrô. Chúng ta biết tên của ông là Simon, và là một ngư phủ. Chúa Giêsu lúc đó đang đứng trên bờ hồ Giênêsarét; Ngài trông thấy ông khi ông đang giặt lưới cùng với các ngư phủ khác. Ông mệt mỏi và chán nản, vì đêm đó các ông không lưới được cá. Và Chúa Giêsu làm ông ngạc nhiên bằng một cử chỉ bất ngờ: Ngài lên thuyền và xin ông đưa thuyền ra khỏi bờ một chút vì từ chỗ này Ngài muốn nói chuyện với dân chúng. Như thế, Chúa Giêsu ngồi trên thuyền của Simon và dạy dỗ đám đông tụ tập dọc bờ biển. Nhưng lời của Chúa Giêsu cũng mở lại tâm trí của Simon để ông tin tưởng. Sau đó, Chúa Giêsu, với một "động thái" ngạc nhiên khác, nói với ông Phêrô: "Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá " (câu 4).
Ông Simon phản đối lời đề nghị này: "Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết ...". Và, với tư cách là một ngư dân chuyên nghiệp, ông có thể nói thêm: "Nếu ban đêm chúng con không bắt được gì cả, huống chi ban ngày". Ngược lại, sự hiện diện của Chúa Giêsu đã truyền cảm hứng cho ông và Lời của của Ngài đã chiếu sáng trên ông, ông nói: "... nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới " (câu 5). Đây là lời đáp trả của đức tin, mà chúng ta cũng được mời gọi để tuân theo; đó là thái độ sẵn mà Chúa yêu cầu tất cả các môn đệ của Ngài, trên hết là những người có trách nhiệm trong Giáo hội. Và sự vâng lời tin tưởng của Phêrô mang lại một kết quả kỳ diệu: "Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá " (câu 6).
Đây là một đợt lưới cá kỳ diệu, chỉ cho thấy sức mạnh của lời Chúa: khi chúng ta quảng đại phục vụ Thiên Chúa, Ngài làm những điều tuyệt vời trong chúng ta. Chúa hành động trong mỗi người chúng ta: Ngài yêu cầu chúng ta đón tiếp Ngài trên chiếc thuyền cuộc đời chúng ta, để bắt đầu lại với Ngài và tiến đến một vùng biển mới, ở nơi mà Ngài sẽ cho chúng ta thấy điều bất ngờ. Lời mời của Chúa dành cho chúng ta đó là hãy tiến ra biển khơi nhân loại trong thời đại ngày nay, để trở thành nhân chứng tốt lành và lòng thương xót, mang lại ý nghĩa mới cho sự hiện hữu của chúng ta, một sự hiện diện mà đôi khi thường có nguy cơ trở nên phẳng lặng.
Đôi khi chúng ta có thể ngạc nhiên và do dự khi đối diện với lời kêu gọi mà Vị Thầy Chí Thánh dành cho chúng ta, và chúng ta bị cám dỗ từ chối vì nó không phù hợp với chúng ta. Thánh Phêrô cũng vậy, sau mẻ cá đầy ngạc nhiên đó, đã thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi" (câu 8). Một lời cầu xin khiêm nhường và đẹp: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông Simon sụp lạy dưới chân Người mà giờ đây ông đã nhận ra là "Chúa". Và Chúa Giêsu khích lệ ông: "Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta" (câu 10), bởi vì Thiên Chúa, nếu chúng ta tin cậy Ngài, Ngài sẽ giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và mở ra trước chúng ta một chân trời mới: cộng tác sứ mệnh của Ngài.
Phép lạ vĩ đại hơn mà Chúa Giêsu đã thực hiện đối với Simon và các ngư phủ khác, những người đang chán nản và mệt mỏi, không phải là mẻ lưới đầy cá, vì đã giúp họ không trở thành nạn nhân của thất vọng và chán nản khi đối diện với thất bại; mà là Chúa đã hướng mở cho các ông để các ông trở thành những người loan báo và làm chứng cho Lời của Ngài và vương quốc của Thiên Chúa. Và sự đáp trả của các môn đệ là sẵn sàng và hoàn toàn: "Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người" (câu 11).
Đức Trinh Nữ Maria, mẫu gương vâng phục Thánh ý Thiên Chúa, giúp chúng ta cảm nhận được sự lôi cuốn của lời kêu gọi của Chúa và khiến chúng ta sẵn sàng cộng tác với Ngài để loan truyền ơn cứu độ của Ngài khắp nơi.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 5 Thường Niên năm C (07/02/2016) - Đừng sợ
Anh chị em thân mến, chào anh chị em
Tin Mừng chúa nhật này kể lại - theo bản của Luca - việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên (Lc 5,1-11). Sự kiện diễn ra trong một bối cảnh đời sống thường nhật: có một vài ngư phủ bên bờ hồ Galilea, sau một đêm làm việc mà không bắt được con cá nào, lúc đó họ đang rửa và xếp lại lưới. Chúa Giêsu lên một trong những con thuyền của họ, thuyền của ông Simon, cũng gọi là Phêrô và ngài xin ông chèo ra ngoài bờ một ít và bảo ông hãy thả lưới. Simon đã biết Chúa Giêsu và cảm nghiệm quyền năng của Lời ngài, nên ông thưa với ngài: “Thưa Thầy, chúng con đã vất vả cả đêm mà chẳng được gì, nhưng theo lời Thầy con sẽ thả lưới” (v. 5). Và niềm tin này của ông không làm thất vọng: thực vậy lưới đầy cá đến độ như muốn rách (Cf. v. 6). Đứng trước biến cố lạ thường ấy, các ngư phủ rất sợ hãi. Simon sấp mình xuống dưới chân Chúa Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin xa con ra, vì con là kẻ tội lỗi” (v.8). Phép lạ ấy đã làm cho ông xác tín Chúa Giêsu không phải chỉ là một bậc thầy đáng sợ, lời Ngài là chân thực và quyền năng, nhưng Ngài còn là Chúa, là sự biểu hiện của Thiên Chúa. Và sự hiện diện gần gũi ấy khơi dậy nơi Phêrô một cảm thức về sự nhỏ bé và bất xứng của mình. Về phương diện loài người, ông nghĩ phải có một sự cách quãng giữa tội nhân và vị Thánh. Chính tình trạng của ông như một tội nhân đòi hỏi Chúa phải không xa cách anh ta, cũng như một thầy thuốc không thể xa tránh bệnh nhân.
Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Simon Phêrô vừa có tính cách trấn an vừa quyết liệt: “Đừng sợ; từ nay con sẽ là kẻ lưới người”. Và người ngư phủ xứ Galilea lại đặt niềm tín thác nơi Lời Chúa, bỏ tất cả và theo Đấng đã trở nên Thầy và Chúa của ông, cả Giacôbê và Gioan, đồng nghiệp của Phêrô cũng làm như vậy. Đây là tiêu chuẩn hướng dẫn sứ mạng của Chúa Giêsu và sứ mạng của Giáo Hội, đó là ra đi tìm kiếm, “lưới” người, không phải để chiêu dụ tín đồ, nhưng để trả lại cho tất cả phẩm giá trọn vẹn và tự do, nhờ sự tha thứ tội lỗi. Cốt tủy của Kitô giáo là: phổ biến tình thương tái sinh và nhưng không của Thiên Chúa, với thái độ đón tiếp và từ bi đối với tất cả, để mỗi người có thể gặp được sự dịu dàng của Thiên Chúa và được sự sống sung mãn. Và ở đây, đặc biệt tôi nghĩ đến các vị giải tội: họ là những người trước tiên phải trao ban lòng thương xót của Chúa Cha, theo gương Chúa Giêsu, như hai vị thánh tu sĩ, cha Leopoldo và cha Pio đã làm.
Tin Mừng hôm nay gọi hỏi chúng ta: chúng ta có biết thực sự tín thác nơi Lời Chúa hay không? Hoặc chúng ta để cho mình bị nản chí vì những thất bại của chúng ta? Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này chúng ta được kêu gọi củng cố những người cảm thấy mình là người tội lỗi và bất xứng trước Chúa và bị xuống tinh thần vì những lỗi lầm của mình, nói với họ những lời của Chúa Giêsu: “Đừng sợ', lòng thương xót của Chúa Cha lớn hơn những tội lỗi của bạn! Đừng sợ!
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta ngày hiểu rằng làm môn đệ của Chúa có nghĩa là bước đi theo vết mà Thầy để lại: đó là những dấu vết ơn thánh của Chúa tái sinh sự sống cho tất cả mọi người.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 5 Thường Niên năm C (10/02/2013) - Loan báo Chúa Kitô cho mọi người mà không bao giờ nản lòng
Anh chị em thân mến,
Trong phụng vụ hôm nay, Tin Mừng theo Luca trình bày câu chuyện về lời kêu gọi của các môn đệ đầu tiên, với một phiên bản gốc khác với phiên bản của hai Tin Mừng nhất lãm khác, Matthêu và Marcô (xem Mt 4: 18-22; Mc 1:16-20). Thật thế, đi trước lời kêu mời là giáo huấn Chúa Giêsu ban cho dân chúng và phép lạ đánh cá được hoàn thành bởi ý muốn của Chúa (Lc 5,1-6). Quả vậy trong khi dân chúng chen chúc nhau trên bờ hồ Ghênêdarét để lắng nghe Chúa Giêsu, thì Người đã thấy ông Simon mất tin tưởng vì cả đêm đã không bắt được con cá nào. Trước hết Người xin có thể lên thuyền của ông để giảng cho dân đứng cách xa bờ một chút, rồi sau khi giảng xong, người truyền cho ông ra khơi với các bạn ông và tha lưới đánh cá (c. 5). Ông Simon vâng lời và họ bắt được một số lượng cá không tin được. Như thế, thánh sử cho thấy các môn đệ đầu tiên tin và đi theo Chúa Giêsu, bằng cách tin tưởng nơi Người, cậy dựa trên Lời Người, được đi kèm bằng các dấu lạ. Chúng ta ghi nhận rằng trước khi có dấu chỉ này Simon gọi Đức Giêsu là “Thầy” (c. 5), trong khi sau đó ông gọi Người là “Chúa” (c. 7). Đó là sư phạm lời mời gọi của Thiên Chúa, là Đấng không nhìn vào các đặc tính của những người được tuyển chọn, cho bằng nhìn vào đức tin của họ, như đức tin của ông Simon kẻ đã nói: “Dựa trên lời Thầy con sẽ thả lưới” (c. 5).
Hình ảnh đánh cá ám chỉ sứ mệnh của Giáo Hội. Thánh Agustinô chú giải điểm này như sau: “Hai lần các môn đệ bắt đầu đánh cá theo lệnh của Chúa: một lần trước cuộc khổ nạn và một lần sau khi phục sinh. Trong cả hai lần đánh cá toàn thể Giáo Hội được ám chỉ: Giáo Hội như là bây giờ và như sẽ là sau sự sống lại của các người chết. Bây giờ Giáo hội tiếp nhận một đám đông không thể đếm được, bao gồm ngươi tốt lành vả người gian ác; sau sự phục sinh nó sẽ chỉ bao gồm những người tốt lành mà thôi” (discorso 248,1). Kinh nghiệm của thánh Phêrô chắc chắn là đặc biệt, cũng là kinh nghiệm diễn tả ơn gọi từng tông đồ của Phúc Âm, không bao giờ được chán nản trong việc loan báo Chúa Kitô cho tất cả mọi người, cho tới tận cùng bờ cõi thế giới. Tuy nhiên, văn bản hôm nay làm cho chúng ta suy nghĩ về ơn gọi linh mục và đời thánh hiến. Nó là công trình của Thiên Chúa.
Con người không phải là tác giả ơn gọi riêng của mình, mà trả lời cho đề nghị của Thiên Chúa: và sự yếu đuối của con người không được khiến cho họ sợ hãi, nếu Thiên Chúa kêu gọi. Cần tin tưởng nơi sức mạnh của Người hành động trong chính sự nghèo nàn của chúng ta; cần phải luôn luôn tín thác hơn nơi quyền năng lòng xót thương của Người, biến đổi và canh tân chúng ta.
Anh chị em thân mến, Ước chi lời này của Thiên Chúa làm sống dậy nơi chúng ta và trong các cộng đoàn kitô của chúng ta sự can cảm, tin tưởng và lòng hăng say loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng. Ước chi các thất bại và các khó khăn không dẫn đưa chúng ta tới sự chán nản; chúng ta có bổn phận thả lưới, rồi Chúa làm chuyện còn lại.
Chúng ta cũng hãy tin thác nơi lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các Tông Đồ. Nghe lời Chúa gọi, tuy ý thức được sự bé nhỏ của mình Mẹ đã trả lời với lòng tín thác hoàn toàn: ”Này con đây”. Với sự trợ giúp hiền mẫu của Mẹ chúng ta hãy canh tân sự sẵn sàng của chúng ta theo Chúa Giêsu, là Thầy và là Chúa.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 5 Thường Niên năm C (07/02/2010) - Chúa gọi
Anh chị em thân mến,
Phụng vụ Chúa nhật thứ V mùa Thường niên trình bày cho chúng ta đề tài ơn gọi. Trong một thị kiến uy nghi, ngôn sứ Isaia cảm thấy mình hiện diện trước tôn nhan Thiên Chúa ba lần Thánh, khiến ông đâm ra hoảng sợ và nhận ra sự bất xứng của mình. Nhưng một thiên sứ Sêraphim đã thanh tẩy môi miệng của ông với cục than đỏ cháy và xóa bỏ tội lỗi của ông. Thế rồi ông cảm thấy sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa gọi, và thưa: “Lạy Chúa, này con đây, xin sai con đi” (x. Is 6,1-2-3-8). Những tâm trạng vừa nói cũng xảy ra trong câu chuyện mẻ cá lạ lùng được thuật lại trong đoạn Tin mừng. Chúa Giêsu mời ông Simon Phêrô và các bạn hãy thả lưới; các ông tin vào lời Chúa và đã đánh được một mẻ cá đầy. Đứng trước việc lạ lùng ấy, ông Simon Phêrô đã không ôm choàng đức Giêsu để tỏ bày niềm hoan hỉ vì thu lượm được nhiều cá quá mức trông mong, nhưng, theo như thánh sử Luca ghi lại, ông đã quỳ xuống trước mặt Người và thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con đi, bởi vì con là một kẻ tội lỗi”. Chúa Giêsu trấn an ông và nói: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ đi quăng lưới chài người” (x. Lc 5,10); và rồi ông đã từ bỏ tất cả để đi theo Người.
Cả ông Phaolô nữa, khi nhớ lại rằng mình đã từng là một kẻ bách hại Giáo hội, ông thú nhận mình không xứng đáng được gọi làm tông đồ, nhưng ông nhìn nhận rằng ơn Chúa đã thực hiện nơi mình nhiều điều kỳ diệu, và bất chấp những giới hạn của mình, Chúa đã trao cho ông nhiệm vụ và vinh dự được loan truyền Tin Mừng (x. 1Cr 15,8-10). Trong cả ba kinh nghiệm vừa kể, chúng ta thấy rằng cuộc tiếp xúc với Thiên Chúa đưa con người đến chỗ nhìn nhận sự nghèo nàn và bất xứng của mình, giới hạn và tội lỗi của mình. Tuy nhiên, bất chấp sự mỏng giòn ấy, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương và tha thứ, đã biến đổi cuộc đời của con người và kêu gọi nó hãy đi theo Người. Lòng khiêm tốn, được bày tỏ nơi ông Isaia, ông Phêrô, ông Phaolô, mời tất cả những ai đã nhận được ơn Chúa gọi thì đừng chú trọng đến những giới hạn của mình, nhưng hãy nhìn cắm mắt vào Chúa và lòng khoan nhân của Người, để thay lòng đổi dạ và hân hoan từ bỏ tất cả mọi sự vì Người. Thực thế, Chúa không nhìn điều mà người ta cho là quan trọng: “Người đời thấy vẻ bề ngoài, nhưng Chúa nhìn tấm lòng” (1Sm 16,7), và làm cho những kẻ nghèo nàn yếu ớt nhưng đặt niềm tin nơi Người, trở nên những tông đồ và những kẻ loan truyền ơn cứu độ kiên cường.
Trong Năm dành cho các linh mục, chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ruộng hãy gửi thợ đến vụ gặt, và xin cho những kẻ nghe thấy tiếng Chúa kêu mời đi theo Người, sau khi đã phân định chín chắn, được biết đáp trả với lòng quảng đại, không dựa trên sức lực của mình, nhưng mở rộng tấm lòng để cho ơn Chúa tác động. Cách riêng, tôi mời gọi tất cả các linh mục hãy làm sống lại tâm tình sẵn sàng hăng say để mỗi ngày đáp lại tiếng Chúa gọi với tấm lòng khiêm tốn và tin tưởng giống như ông Isaia, ông Phêrô và ông Phaolô.
Chúng ta hãy ký thác cho Mẹ Maria tất cả các ơn gọi, đặc biệt là ơn gọi vào đời sống thánh hiến và linh mục. Xin Mẹ hãy gợi lên trong lòng mỗi người lòng ước muốn đáp lại “Xin Vâng” với Chúa với niềm hân hoan và sẵn sàng.
Nguồn: archivioradiovaticana.va