NỘI DUNG CHÍNH

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm C (22/12/2024) - Ngạc nhiên và biết ơn trước mầu nhiệm sự sống

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm C (19/12/2021) - Trỗi dậy và lên đường

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm C (23/12/2018) – Đức Mẹ Maria, mẫu gương đức tin và đức ái

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm C (20/12/2015) - Các nơi tạo ra sự kinh ngạc trong cuộc sống

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm C (23/12/2012) - Vẻ đẹp của sự tiếp đón

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm C (20/12/2009) – Belem, nơi Đấng Cứu Thế sinh ra


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm C (22/12/2024) - Ngạc nhiên và biết ơn trước mầu nhiệm sự sống

Anh chị em thân mến, chúc một Chúa nhật tốt lành!

Hôm nay, Tin Mừng kể cho chúng ta việc Đức Maria, sau khi được Thiên thần Thần truyền tin, đã vội vã lên đường đến thăm bà Êlisabét, người chị họ cao tuổi cũng đang mang thai (x. Lc 1,39-45). Đây là cuộc gặp gỡ của hai người phụ nữ tràn đầy niềm vui vì hồng ân kỳ diệu của thiên chức làm mẹ: Đức Maria vừa thụ thai Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế (x. Lc 1,31-35), và bà Êlisabét, dù lớn tuổi, cũng mang thai Gioan Tẩy Giả, người sẽ dọn đường cho Đấng Mêsia (x. Lc 1,13-17).

Cả hai đều hết sức vui mừng, nhưng chúng ta có thể cảm thấy các ngài quá xa vời, vì những phép lạ này hiếm khi xảy ra trong đời sống chúng ta. Tuy nhiên, sứ điệp mà Thánh sử muốn nói với chúng ta, đặc biệt trong những ngày cận kề lễ Giáng Sinh, lại khác. Việc chiêm ngắm những dấu lạ từ hành động cứu độ của Thiên Chúa không bao giờ được làm cho chúng ta cảm thấy xa cách Người, nhưng giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện và tình yêu gần gũi của Người, ví dụ qua hồng ân của mỗi sự sống, của mỗi em bé và mỗi người mẹ. Hồng ân sự sống thật đẹp. Tôi đã đọc được trong chương trình “Theo hình ảnh Người” một câu rất ý nghĩa rằng: “Không có đứa trẻ nào lại là một sai lầm”. Hồng ân sự sống.

Tại Quảng trường, hôm nay cũng có những bà mẹ cùng con cái, và có thể có cả những bà mẹ đang mang thai. Chúng ta đừng thờ ơ với sự hiện diện của họ, hãy học cách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những người mẹ đang chờ sinh con, như bà Êlisabét và Đức Maria. Hãy chúc phúc cho các bà mẹ và ngợi khen Thiên Chúa vì phép lạ sự sống! Tôi nhớ khi còn ở giáo phận trước, khi tôi đi xe buýt, tôi rất thích cảnh một phụ nữ mang thai bước lên xe buýt và người ta nhường ghế cho phụ nữ ấy: đó là cử chỉ của hy vọng và tôn trọng!

Anh chị em thân mến, trong những ngày này, chúng ta thích tạo không khí lễ hội với ánh sáng, trang trí và nhạc Giáng Sinh. Nhưng hãy nhớ rằng, chúng ta vui mừng mỗi khi gặp một người mẹ bồng con trên tay hoặc đang mang thai. Và khi gặp điều ấy, chúng ta hãy cầu nguyện trong lòng và nói như bà Êlisabét: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc!” (Lc 1,42); hay ca ngợi như Đức Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1,46). Ước gì mọi tình mẫu tử đều được chúc phúc và và nơi mỗi người mẹ trên thế giới, danh Chúa được tạ ơn và tôn vinh vì Người đã trao phó cho người nam và người nữ khả năng trao tặng sự sống.

Chút nữa đây chúng ta sẽ làm phép các tượng ảnh “Chúa Hài Đồng” - Tôi cũng mang theo tượng của tôi: tượng này được Đức Tổng Giám mục của Santa Fé tặng tôi, tượng được làm bởi những thổ dân Ecuador. Anh chị em mang theo những tượng Chúa Hài Đồng của anh chị em. Vậy chúng ta có thể tự hỏi: tôi có tạ ơn Chúa vì Người đã làm người như chúng ta, để chia sẻ sự hiện hữu của chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi không? Tôi có ca ngợi Chúa và chúc tụng Người về mỗi trẻ em được sinh ra không? Khi tôi gặp một bà mẹ đang mang thai, tôi có tử tế với họ không? Tôi có ủng hộ và bảo vệ giá trị thiêng liêng của sự sống trẻ em từ khi chúng được thụ thai trong lòng mẹ không?

Xin Mẹ Maria, Đấng được chúc phúc giữa mọi người phụ nữ, giúp chúng ta có khả năng cảm thấy ngạc nhiên và biết ơn trước mầu nhiệm sự sống được sinh ra.

Nguồn: vaticannews.va


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm C (19/12/2021) - Trỗi dậy và lên đường

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng trong phụng vụ hôm nay, Chúa nhật thứ tư Mùa Vọng, kể lại việc Đức Maria viếng thăm bà Êlisabét (x. Lc 1,39-45). Sau khi nhận được lời truyền tin của thiên thần, Đức Trinh Nữ không ở nhà và suy nghĩ về những gì đã xảy ra và xem xét các vấn đề và khó khăn tiềm ẩn, những điều chắc chắn là không thiếu, bởi vì người thiếu nữ tội nghiệp này không biết làm gì với tin thiên thần mang đến, với nền văn hoá của thời đó, và cũng bởi vì Mẹ không hiểu. Ngược lại, thay vì co cụm lại trước những vấn đề, trước tiên Mẹ nghĩ đến người gặp khó khăn và Mẹ nghĩ đến bà Êlisabét, người họ hàng đã lớn tuổi của Mẹ, và hiện đang mang thai.

Mẹ Maria ra đi với lòng quảng đại, không để mình bị cản trở bởi những khó khăn vất vả của cuộc hành trình, nhưng đáp lại sự thôi thúc trong lòng mời gọi Mẹ phải gần gũi và giúp đỡ. Nhưng một đoạn đường dài, hàng cây số, và hồi đó không có xe buýt để đi, Mẹ phải đi bộ. Và Mẹ đã ra đi để giúp đỡ. Bằng cách chia sẻ niềm vui của Mẹ. Mẹ Maria mang đến cho bà Êlisabét niềm vui của Chúa Giêsu, niềm vui mà Mẹ đang mang trong tâm hồn và trong cung lòng của Mẹ. Mẹ đến với bà và nói ra những tâm tình của Mẹ, và những tâm tình được xướng lên đã trở thành lời kinh Magnificat mà tất cả chúng ta đều biết. Bản văn Kinh Thánh cho biết, Đức Mẹ “đã trỗi dậy và vội vã lên đường” (câu 39).

Mẹ đã trỗi dậy và lên đường. Trong đoạn cuối của hành trình Mùa Vọng, chúng ta hãy để mình được hướng dẫn bởi hai động từ này. Trỗi dậy và vội vã lên đường: đây là hai chuyển động mà Mẹ Maria đã thực hiện và Mẹ cũng mời gọi chúng ta thực hiện khi Giáng sinh đến gần. Trước hết là trỗi dậy. Sau lời truyền tin của thiên thần, một giai đoạn khó khăn đang đến với Đức Trinh nữ: việc mang thai ngoài ý muốn khiến Mẹ bị hiểu lầm và thậm chí bị trừng phạt nghiêm khắc, ngay cả bị ném đá, theo văn hoá thời bấy giờ. Hãy tưởng tượng Mẹ đã có bao nhiêu băn khoăn và lo lắng! Tuy nhiên, Mẹ không nản lòng, Mẹ không thất vọng: Mẹ đã trỗi dậy.

Mẹ không nhìn xuống những vấn đề của mình, mà ngước mắt lên hướng nhìn về Chúa. Và Mẹ không nghĩ đến việc phải nhờ ai giúp đỡ nhưng nghĩ đến người cần sự giúp đỡ. Mẹ luôn nghĩ đến người khác: Mẹ Maria là như thế, luôn nghĩ đến những khốn khó của người khác. Mẹ cũng sẽ làm điều tương tự sau này, tại tiệc cưới Cana, khi nhận ra rượu đã hết. Đó là vấn đề của người khác, nhưng Mẹ nghĩ đến nó và tìm cách giải quyết. Mẹ Maria luôn nghĩ đến người khác. Mẹ cũng nghĩ đến chúng ta...

Chúng ta hãy học từ Mẹ cách phản ứng này: trỗi dậy, nhất là khi những khó khăn đe dọa đè bẹp chúng ta. Trỗi dậy, để không sa lầy vào những vấn đề, chìm đắm trong sự tủi thân và một nỗi buồn khiến chúng ta tê liệt. Nhưng tại sao phải đứng dậy? Vì Thiên Chúa cao cả và Người sẵn sàng nâng chúng ta lên nếu chúng ta tìm đến Người. Vì vậy, chúng ta hãy gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, những nỗi sợ hãi chặn đứng mọi động lực và ngăn cản chúng ta tiến về phía trước. Và rồi hãy làm như Mẹ Maria đã làm: hãy nhìn xung quanh mình và tìm kiếm người mà chúng ta có thể giúp đỡ! Có người cao tuổi nào đó mà tôi biết là tôi có thể giúp đỡ một tí, đồng hành với họ. Mỗi người hãy suy nghĩ. Hay là phục vụ một người, bày tỏ lòng tốt, hay gọi một cuộc điện thoại. Tôi trỗi dậy và giúp đỡ, bằng cách giúp đỡ người khác, chúng ta sẽ giúp chính mình trỗi dậy từ những khó khăn.

Chuyển động thứ hai là vội vã lên đường. Điều này không có nghĩa là thực hiện cách kích động, vội vàng. Không; thay vào đó, nó có nghĩa là sống những ngày sống của chúng ta với bước chân vui tươi, nhìn về phía trước với sự tin tưởng, không kéo lê đôi chân của chúng ta, như nô lệ của những lời phàn nàn, những lời phàn nàn huỷ hoại nhiều cuộc đời, bởi vì một người thường xuyên phàn nàn thì cuộc sống chìm xuống. Những lời phàn nàn khiến bạn luôn tìm ai đó để đổ lỗi.

Trên đường đến nhà bà Êlisabét, Mẹ Maria tiến bước với bước đi nhanh chóng của một người có tấm lòng và sự sống tràn đầy Thiên Chúa, tràn đầy niềm vui của Người. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: “bước đi” của tôi như thế nào? Tôi bước đi cách chủ động hay tôi nán lại trong sầu muộn? Tôi tiến về phía trước với hy vọng hay tôi dừng lại và cảm thấy tội nghiệp cho chính mình? Nếu chúng ta tiếp tục bước đi mệt mỏi với sự cằn nhằn và nhiều chuyện, chúng ta sẽ không mang Chúa đến cho bất cứ ai, nhưng chỉ mang sự cay đắng, những điều u buồn. Thay vào đó, sẽ thật tốt khi trau dồi khiếu hài hước lành mạnh, ví dụ như thánh Thomas More hoặc thánh Philipphê Nêri đã làm. Chúng ta có thể xin ơn này, ơn hài hước lành mạnh. Chúng ta đừng quên rằng hành động bác ái đầu tiên mà chúng ta có thể làm cho người lân cận của mình chính là mang đến cho họ một khuôn mặt thanh thản và tươi cười. Đó là mang lại cho họ niềm vui của Chúa Giêsu, như Mẹ Maria đã làm với bà Êlisabét.

Xin Mẹ của Thiên Chúa nắm tay chúng ta và xin Mẹ giúp chúng ta trỗi dậy và vội vã tiến tới Lễ Giáng Sinh!

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm C (23/12/2018) – Đức Mẹ Maria, mẫu gương đức tin và đức ái

Anh chị em thân mến,

Phụng vụ Chúa nhật thứ tư Mùa Vọng hôm nay đặt lên hàng đầu hình ảnh Đức Mẹ Maria, trong khi chờ đợi sinh Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế. Chúng ta hãy ngắm nhìn Mẹ, mẫu gương đức tin và đức ái; và chúng ta có thể tự hỏi: Đâu là những tư tưởng của Mẹ trong những tháng chờ đợi ấy? Câu trả lời đến từ đoạn Tin Mừng hôm nay, trình thuật cuộc viếng thăm của Mẹ Maria nơi bà chị họ Elisabeth cao tuổi (Xc Lc 1,39-45). Sứ thần Gabriel đã tỏ cho Mẹ biết bà Elisabeth đang chờ đợi một người con và đã có thai đến tháng thứ 6 (Xc Lc 1,26.36). Khi ấy Đức Trinh Nữ đã chịu thai Chúa Giêsu do hoạt động của Thiên Chúa, Mẹ vội vã ra đi khỏi Nazareth, miền Galilea, để đến miền núi xứ Giudea, và thăm bà chị họ.

Tin Mừng kể lại: “Khi vào nhà ông Zacaria, Mẹ chào bà Elisabeth” (v.40). Chắc chắn Mẹ chúc mừng bà chị họ vì được làm mẹ, cũng như bà Elisabeth chào Mẹ Maria và nói: ”Em là người có phúc trong các phụ nữ và người con hoa trái trong lòng em cũng được chúc phúc! Bởi đâu chị được Mẹ của Chúa đến thăm?” (vv.42-43). Và bà ca ngợi niềm tin của Mẹ Maria: “Phúc cho người đã tin nơi sự viên mãn điều Chúa đã nói” (v.45). Và thật là hiển nhiên sự trái nghịch giữa Mẹ Maria người đã tin và Ông Zacaria, chồng bà Elisabeth, người đã nghi ngờ, không tin nơi lời hứa của Thiên Thần và vì thế ông bị câm cho đến khi Gioan sinh ra. Đó là điều tương phản.

Giai thoại này giúp chúng ta đọc mầu nhiệm cuộc gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa dưới một ánh sáng rất đặc biệt. Một cuộc gặp gỡ không phải dưới dấu hiệu những biến cố lạ lùng, nhưng đúng hơn dưới dấu hiệu đức tin và đức ái. Thực vậy, Mẹ Maria là người có phúc vì đã tin: cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa là kết quả của đức tin. Trái lại, Ông Zacaria không tin nên đã bị câm điếc, để được lớn lên trong đức tin qua thời kỳ thinh lặng dài như thế: nếu không có đức tin thì điều không thể tránh được, đó là ta điếc đối với tiếng nói an ủi của Thiên Chúa; và chúng ta không thể nói lên những lời an ủi và hy vọng cho các anh chị em chúng ta. Và chúng ta thấy điều đó hằng ngày: những người không có đức tin hoặc chỉ có một niềm tin yếu ớt, khi họ phải đến gần một người chịu đau khổ, họ nói những lời cho qua, nhưng không đi tới tận tâm hồn vì họ không có sức mạnh. Họ không có sức mạnh vì họ không tin, và nếu không có đức tin thì không có được những lời đi đến tận tâm hồn người khác.

Đức tin được nuôi dưỡng trong đức ái. Thánh Sử Tin Mừng kể lại rằng “Maria đứng dậy và vội vã lên đường” (v.39) đến gặp bà Elisabeth. “Mẹ đứng dậy”: đó là một cử chỉ đầy ân cần. Lẽ ra Đức Maria có thể ở lại nhà để chuẩn bị sinh con, nhưng trái lại Mẹ chăm lo cho những người khác trước khi cho bản thân, qua những cử chỉ đó Mẹ chứng tỏ mình đã là môn đệ của Chúa mà Mẹ mang trong lòng. Biến cố Chúa Giêsu sinh ra bắt đầu như thế, với một cử chỉ bác ái đơn sơ; vả lại đức bác ái chân chính luôn luôn là thành quả lòng yêu mến Thiên Chúa.

Tin mừng về cuộc viếng thăm của Mẹ Maria nơi bà Elisabeth chuẩn bị chúng ta sống tốt đẹp lễ Giáng Sinh, thông truyền cho chúng ta năng động của đức tin và đức ái. Năng động này là hoạt động của Chúa Thánh Linh: là Thánh Thần tình Yêu làm cho cung lòng trinh khiết của Mẹ Maria mang thai và thúc đẩy Mẹ chạy đi phục vụ bà chị họ cao tuổi. Đó là một động thái đầy vui mừng, như ta thấy trong cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ, tất cả là một bài ca vui mừng hân hoan trong Chúa, Đấng thực hiện những điều cao cả với những người bé nhỏ tín thác nơi Ngài.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp cho chúng ta được ơn sống Lễ Giáng Sinh hướng ra ngoài, nhưng không bị phân tán; ở chỗ đứng trung tâm không phải là cái tôi của mình, nhưng là Chúa Giêsu và anh chị em, nhất là những người đang cần được một bàn tay cứu giúp. Như thế chúng ta đã dành chỗ cho Đấng là Tình Thương, ngày hôm nay muốn nhập thể và đến ở giữa chúng ta.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm C (20/12/2015) - Các nơi tạo ra sự kinh ngạc trong cuộc sống

Anh chị em thân mến,

Tin Mừng Chúa Nhật Mùa Vọng hôm nay nhấn mạnh hình ảnh của Đức Maria. Chúng ta trông thấy Người đương đầu với cuộc hành trình từ Nagiarét vùng Galilea đến các núi non vùng Giuđêa để đi thăm và trợ giúp bà Elidabét, ngay sau khi đã thụ thai Con Thiên Chúa trong lòng tin. Thiên thần Gabriel đã vén mở cho Mẹ biết rằng người bà con cao niên không có con nhưng giờ đây đã có thai được sáu tháng (x. Lc 1,26.36). Chính vì thế Đức Mẹ mang trong mình một món quà và một mầu nhiệm còn cao cả hơn, đi tìm bà Elidabét và ở lại với bà ba tháng.

Trong cuộc gặp gỡ giữa hai người đàn bà, anh chị em hãy tưởng tượng xem: một người già, người kia trẻ, người phụ nữ trẻ là Maria lên tiếng chào trước: “Vào nhà ông Dakharia bà chào bà Elidabét” (Lc 1.40). Và sau lời chào ấy, bà Elidabét cảm thấy mình được bao bọc bởi sự kinh ngạc lớn lao, anh chị em đừng quên từ này “kinh ngạc”. Kinh ngạc. Ba Elisabét cảm thấy mình được bao bọc bởi sự kinh ngạc lớn lao, vang vọng lên trong các lời nói của bà: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (c. 43). Họ ôm nhau, hôn nhau, vui mừng, hai phụ nữ: người già ngưởi trẻ, cả hai đều mang thai.

Để cử hành lễ Giáng Sinh một cách hữu ích chúng ta được mời gọi dừng lại trên “các nơi” của sự kinh ngạc. Vậy đâu là các nơi của sự kinh ngạc trong cuộc sống thường ngày của chúng ta? Có ba nơi. Nơi thứ nhất là tha nhân, trong đó nhận ra một người anh em, bởi vì từ khi đã xảy ra biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu, thì mỗi một gương mặt đều mang các dấu ấn giống Con Thiên Chúa. Nhất là khi đó là gương mặt của người nghèo, bởi vì Thiên Chúa đã bước vào trần gian như người nghèo, và trước hết Ngài để cho người nghèo đến gần Ngài.

Một nơi khác nữa của sự kinh ngạc, nơi thứ hai, trong đó, nếu chúng ta nhìn với đức tin, chúng ta cảm nhận được chính sự kinh ngạc là lịch sử. Biết bao lần chúng ta tưởng mình nhìn nó trong khía cạnh đúng đắn, nhưng trái lại chúng ta có nguy cơ đọc nó lộn ngược. Chẳng hạn điều này xảy ra, khi đối với chúng ta xem ra nó được xác định bởi kinh tế thị trường, được quy định bởi tài chánh, các vụ làm ăn và bị thống trị bởi các người quyền lực thay nhau chỉ huy. Thiên Chúa của lễ Giáng Sinh, trái lại, là một vì Thiên Chúa “trộn lẫn lộn các lá bài” – Ngài thích làm điều đó: như Mẹ Maria hát trong bài thánh thi Magnificat, chính Chúa lật nhào các người quyền thế khỏi ngai cao và nâng kẻ hèn mọn lên, ban tràn đầy của cải cho kẻ đói nghèo và đuổi người giầu có ra về tay không” (x. Lc 1,52-53). Đó là sự kinh ngạc thứ hai, sự kinh ngạc của lịch sử.

Một nơi thứ ba của sự kinh ngạc là Giáo Hội: nhìn nó với sự kinh ngạc của đức tin có nghĩa là không hạn hẹp chỉ coi Giáo Hội là một cơ cấu tôn giáo, nó là cơ cấu tôn giáo, nhưng cảm nhận Giáo Hội như là một Bà Mẹ, dù có các vết nhơ và nếp nhăn - chúng ta có biết bao nhiêu nếp nhăn - cũng vẫn để tỏa thoát ra các đường nét của Hiền Thê được Chúa Kitô yêu thương và thanh tẩy. Một Giáo Hội biết nhận ra nhiều dấu chỉ của tình yêu trung thành, mà Thiên Chúa liên tục gửi tới cho mình. Một Giáo Hội mà Chúa Giêsu sẽ không bao giờ là một chiếm hữu cần bảo vệ một cách ghen tương cho chính nó; ai làm như thế là sái lầm; nhưng luôn luôn là Đấng đến gặp gỡ nó, và Giáo Hội biết chờ đợi với lòng tin tưỏng và tươi vui, bằng cách trao ban tiếng nói cho niềm hy vọng của thế giới: Giáo Hội gọi Chúa “Lậy Chúa Giêsu, xin hãy đến!”. Giáo Hội mẹ luôn luôn có các cánh cửa mở toang để tiếp đón tất cả mọi người. Còn hơn thế nữa, Giáo Hội mẹ ra khỏi các cửa của mình để tìm kiếm với nụ cười của bà mẹ tất cả những người ở xa, và đem họ đến với lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó là sự kinh ngạc của lễ Giáng Sinh!

Trong lễ Giáng Sinh Thiên Chúa ban cho chúng ta tất cả chính Người bằng cách ban cho chúng ta Con Duy Nhất của Người, là tất cả niềm vui của Người. Và chỉ với con tim của Mẹ Maria, con gái Sion khiêm hạ và nghèo khó, đã trở thành Mẹ của Con Đấng Tối Cao, mới có thể nhảy mừng và vui sướng vì ơn trọng đại của Thiên Chúa và vì sự kinh ngạc không thể thấy trước được của Ngài.

Xin Mẹ giúp chúng ta nhận thức được sụ kinh ngạc – ba sự kinh ngạc tha nhân, lịch sử và Giáo Hội - đối với biến cố Chúa Giêsu sinh ra, là ơn của các ơn, là món quà nhưng không đem lại cho chúng ta ơn cứu độ. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu cũng sẽ làm cho chúng ta cảm thấy nơi mình sự kinh ngạc vĩ đại này. Nhưng chúng ta không thể có sự kinh ngạc này, chúng ta không thể gặp gỡ Chúa Giêsu, nếu không gặp gỡ Ngài nơi các người khác, trong lịch sử và trong Giáo Hội.

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm C (23/12/2012) - Vẻ đẹp của sự tiếp đón

Anh chị em thân mến,

Vào Chúa Nhật thứ tư của Mùa Vọng trước ngay lễ Chúa Giáng Sinh, Tin Mừng nói về chuyến viếng thăm của Mẹ Maria đến với người thân của Mẹ là bà Elizabeth. Giai thoại này không chỉ diễn tả một cử chỉ lễ phép đơn sơ, nhưng biểu thị một cách rất đơn sơ sự gặp gỡ giữa Cựu Ước và Tân Ước. Thật thế, cả hai phụ nữ đều mang thai nhập thể sự chờ mong và Đấng được trông đợi. Bà Elidabét cao niên biểu tượng cho dân Israel đang trông chờ Đấng Cứu Thế, trong khi Đức Maria trẻ tuổi mang trong mình việc thành toàn của sự chờ mong ấy lợi ích cho toàn nhân loại.

Nơi hai phụ nữ gặp nhau và nhận biết nhau trước hết các hoa trái lòng họ, là thánh Gioan và Đức Kitô. Pudenzio, thi sĩ kitô, chú giải rằng: “Qua miệng của thân mẫu mình trẻ thơ trong cung lòng già nua chào mừng Chúa Con của Đức Trinh Nữ” (Apotheosis 590: PL 59,970). Nỗi sướng vui của Gioan trong lòng bà Elidabét là dấu chỉ việc thành toàn của sự trông đợi: Thiên Chúa sắp viếng thăm dân Người. Trong biến cố Truyền Tin tổng lãnh thiên thần Gabriel đã nói với Đức Maria về việc bà Elidabét mang thai (x. Lc 1,36) như là bằng chứng quyền năng của Thiên Chúa: sự hiếm muộn, mặc dù ở tuổi đã cao, đã biến thành sự phong phú.

Khi đón tiếp Đức Maria, bà Elidabét nhận ra rằng lời Thiên Chúa hứa với nhân loại đang được hiện thực và bà kêu lên: “Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ, và người con em đang mang trong lòng cũng được chúc phúc! Bởi đâu tôi đựơc Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như thế này?” (Lc 1,42-43). Trong Thánh Kinh Cựu Ước kiểu nói “Em có phúc hơn mọi phụ nữ” được quy chiếu cho bà Giaele (Tl 5,24) và bà Giuđíchtha (Gđ 13,1), là hai phụ nữ chiến sĩ, dấn thân cứu dân Israel. Giờ đây trái lại, nó được hướng tới Đức Maria, là thiếu nữ hòa bình sắp sinh hạ Đấng Cứu Thế của thế giới. Như vậy sự nhảy mừng của Gioan (x. Lc 1,44) nhắc nhớ vũ điệu vua Đavít đã múa, khi hộ tống Hòm Bia Giao Ước vào thành Giêrusalem (x. 1 Sb 15,29). Hòm Bia chứa đựng Lề Luật, bánh manna và cây gậy của Aharon (x. Dt 9,4), đã là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người. Trẻ Gioan sẽ sinh ra nhảy mừng trước Đức Maria, Hòm Bia của Giáo ước mới, Đấng mang trong lòng Đức Giêsu Con Thiên Chúa làm người.

Cảnh viếng thăm cũng diễn tả vẻ đẹp của sự tiếp đón: ở đâu có sự tiếp đón nhau, lắng nghe nhau, và dành chỗ cho người khác, thì ở đó có Thiên Chúa và niềm vui đến từ Thiên Chúa. Chúng ta hãy noi gương Mẹ Maria trong mùa Giáng Sinh này, bằng cách viếng thăm những người đang sống cảnh khó khăn, cách riêng các anh chị em đau yếu, các tù nhân, người già và trẻ em. Và chúng ta cũng hãy bắt chước bà Elidabét tiếp đón khách trọ như tiếp đón chính Thiên Chúa: không ước ao Người chúng ta sẽ không bao giờ nhận biết Chúa, không chờ đợi Chúa chúng ta sẽ không bao giờ gặp gỡ Người, không kiếm tìm Chúa chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy Người. Với cùng niềm vui của Mẹ Maria vội vã đi thăm bà Elidabét (x. Lc 1,39), cả chúng ta nữa cũng hãy đi gặp Chúa đến.

Chúng ta hãy cầu nguyện để cho tất cả mọi người tìm kiếm Thiên Chúa, bằng cách khám phá ra rằng chính Thiên Chúa đến thăm chúng ta trước. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria, Hòm Bia của Giáo Ước Mới và Vĩnh Cửu, trái tim chúng ta để Mẹ làm cho nó trở nên xứng đáng hơn tiếp đón sự viếng thăm của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Giáng Sinh.

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm C (20/12/2009) – Belem, nơi Đấng Cứu Thế sinh ra

Anh chị em thân mến,

Với Chúa nhật thứ Tư Mùa Vọng, lễ Giáng sinh đã gần kề rồi. Phụng vụ, qua lời của ngôn sứ Mikha, mời gọi chúng ta hãy nhìn về Belem, châu thành bé nhỏ của nước Giuđê, chứng tá của một biến cố vĩ đại: “Phần ngươi, hỡi Belem Ephratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel; nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mk 5,1). Một ngàn năm trước đức Kitô, Bêlem đã là sinh quán của đại vương Đavít, mà Kinh Thánh trình bày như là tổ tiên của đấng Mêsia. Tin mừng thánh Luca thuật lại rằng Chúa Giêsu đã sinh ra tại Belem bởi vì ông Giuse, chồng của bà Maria, “thuộc dòng dõi Đavit” phải trở về nơi ấy để kiểm tra dân số, và chính vào lúc ấy mà bà Maria đã hạ sinh đức Giêsu (x. Lc 2,1-7). Quả vậy, ông Mikha nói tiếp về sự ra đời nhiệm lạ như thế này: “Thiên Chúa sẽ bỏ mặc Israel cho đến thời một phụ nữ sinh con. Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó sẽ trở về con cái Israel” (Mk 5,2). Như vậy là đã có một kế hoạch của Thiên Chúa bao trùm và giải nghĩa thời điểm và nơi chốn của Con Thiên Chúa đến trần thế. Đó là một kế hoạch hoà bình, như ngôn sứ Mikha tiếp tục nói về đấng Mêsia: “Người sẽ dựa vào quyền lực Thiên Chúa, vào danh Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, vì bấy giờ Chúa Thượng sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất” (Mk 5,3).

Chính khía cạnh cuối cùng này của lời ngôn sứ, nói đến hòa bình vào thời Đấng Mêsia, lưu ý chúng ta rằng Belem là một châu thành biểu trưng của hòa bình ở Thánh địa cũng như cho toàn thế giới. Tiếc thay, vào thời nay, Belem không tượng trưng cho một nền hòa bình đã đạt được cách bền vững, nhưng vẫn còn là thứ hoà bình đang vất vả tìm kiếm mong đợi. Tuy nhiên, Thiên Chúa không mỏi mệt vì tình hình này, vì thế kể cả vào năm nay nữa, tại Belem và trên toàn thế giới, mầu nhiệm Giáng sinh sẽ được lặp lại trong Giáo hội như là lời tiên báo hòa bình cho mỗi người, và đòi hỏi mỗi người Kitô hữu hãy đặt chân đến những chỗ khép kín, những thảm cảnh, thường không được quan tâm để ý, những xung đột trong nơi sinh sống, mang theo những tâm tình của Chúa Giêsu, để trở nên công cụ và sứ giả hòa bình, đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi bị xúc phạm, đem niềm vui đến chốn ưu sầu, đem chân lý vào nơi lầm lạc, theo những lời đẹp đẽ của một kinh nguyện dòng Phan sinh.

Ngày hôm nay, cũng như vào thời Chúa Giêsu, lễ Giáng sinh không phải là chuyện thần kỳ dành cho nhi đồng, nhưng là lời đáp trả của Thiên Chúa cho nhân loại đang cầu mong hòa bình. Ngôn sứ nói về đấng Mesia như là “Người sẽ đem lại hòa bình cho chúng ta”. Phần chúng ta, chúng ta hãy mở rộng cửa để đón tiếp Người. Chúng ta hãy học hỏi Đức Maria và thánh Giuse: nhờ đức tin, chúng ta hãy phục vụ kế hoạch Thiên Chúa. Mặc dù không hiểu biết tường tận kế hoạch ấy, nhưng chúng ta hãy ký thác cho Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan và tốt lành. Tiên vàn chúng ta hãy tìm Nước Chúa, và Chúa Quan phòng sẽ giúp đỡ chúng ta.

Xin chúc mừng lễ Giáng sinh cho hết mọi người.

Nguồn: archivioradiovaticana.va