Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 3 Phục sinh năm C (14/4/2013) - Sức mạnh để làm chứng |
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 3 Phục sinh năm C (01/5/2022) - Can đảm đến bên bờ hồ để bắt đầu lại với Chúa Giêsu
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng phụng vụ hôm nay (Ga 21,1-19) thuật lại lần hiện ra thứ ba của Chúa Giêsu Phục Sinh với các tông đồ. Cuộc gặp gỡ diễn ra bên bờ hồ Galilê và trước hết dành cho Simon Phêrô. Tất cả bắt đầu với Thánh Phêrô khi ông nói: “Tôi đi đánh cá đây” (câu 3). Điều này chẳng có gì lạ, vì ông là một ngư dân, nhưng đã bỏ nghề này một thời gian, chính ở bờ hồ này, ông đã để lưới lại và theo Chúa Giêsu. Và giờ đây, trong lúc Đấng Phục Sinh bắt các ông chờ đợi, thì Thánh Phêrô có lẽ có chút thất vọng, đề nghị các tông đồ khác trở lại cuộc sống trước đây. Và các môn đệ chấp nhận điều này: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Nhưng “Đêm đó họ không bắt được gì cả” (câu 3)
Điều này cũng có thể xảy ra với chúng ta, vì mệt mỏi, thất vọng, và có lẽ lười biếng, chúng ta quên Thiên Chúa và bỏ bê những chọn lựa tốt đẹp mà chúng ta đã thực hiện, để bằng lòng với điều khác. Ví dụ, trong gia đình chúng ta không dành giờ để nói chuyện với nhau, thích dành thời gian cho chính mình; quên cầu nguyện, chỉ quan tâm cho nhu cầu riêng; không thực thi bác ái, viện cớ cần phải làm những việc cấp bách hàng ngày. Nhưng khi làm như thế, chúng ta thất vọng: với mẻ lưới trống rỗng, như Thánh Phêrô. Đây là con đường đưa anh chị em lùi lại phía sau và không làm cho anh chị em hài lòng.
Và Chúa Giêsu đã làm gì với Phêrô? Chúa trở lại bờ hồ nơi Người đã chọn Phêrô, Anrê và Gioan. Chúa không khiển trách, nhưng gọi các môn đệ với sự dịu dàng: “Này các chú” (câu 5). Rồi như trước đây, Chúa mời các ông can đảm thả lưới. Và một lần nữa lưới đầy cá không thể tin được. Anh chị em thân mến, trong cuộc sống có những lúc lưới của chúng ta trống rỗng, nhưng đó không phải là lúc để than khóc, lơ đãng, trở lại thú tiêu khiển cũ. Đây là lúc bắt đầu lại với Chúa Giêsu, tìm lại can đảm để bắt đầu lại, để đến bên bờ hồ với Người. Khi đối diện với sự thất vọng hoặc cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa. Chúng ta hãy luôn: khởi hành lại, bắt đầu lại, ra khơi.
Thánh Phêrô cần “cú sốc” đó. Khi ông nghe Thánh Gioan kêu lên “Chúa đó!” (câu 7), ngay lập tức ông nhảy xuống nước và đến với Chúa Giêsu. Đây là một hành động của tình yêu, vì tình yêu vượt lên trên ích lợi, thuận tiện và bổn phận; tình yêu tạo ra sự ngạc nhiên, truyền cảm hứng cho những sáng tạo, biết ơn. Như thế, trong lúc Thánh Gioan - người trẻ hơn, nhận ra Chúa, còn Thánh Phêrô lớn tuổi hơn nhảy xuống nước để gặp Chúa. Trong hành động này có tất cả sự nhiệt thành được tìm lại của Simon, được gọi là Phêrô.
Anh chị em thân mến, hôm nay, Chúa Kitô Phục Sinh mời chúng ta một sự nhiệt thành mới, dấn thân vào điều tốt và không sợ mất điều gì đó, không tính toán quá nhiều, không chờ đợi người khác bắt đầu. Vì để đi gặp Chúa Giêsu cần phải liều mình. Chúng ta hãy tự hỏi: tôi có khả năng biểu lộ lòng quảng đại, hay tôi kiềm hãm sự thôi thúc trong tâm hồn và đóng mình trong những thói quen, trong sợ hãi? Hãy liều mình, hãy nhảy xuống nước.
Cuối cùng Chúa Giêsu hướng về Thánh Phêrô, ba lần hỏi ông “Con có yêu mến Thầy không?” (câu 15, 16). Đấng Phục Sinh hỏi Thánh Phêrô và hôm nay Người cũng hỏi chúng ta: Con có yêu Thầy không? Bởi vì trong mùa Phục Sinh, Chúa Giêsu muốn tâm hồn chúng ta cũng được phục sinh; vì đức tin không phải là vấn đề của sự hiểu biết, nhưng là tình yêu. Con có yêu Thầy không? Chúa Giêsu hỏi anh chị em, những người đang có lưới trống rỗng và lo ngại bắt đầu lại. Chúa Giêsu hỏi Con có yêu Thầy không? Từ lúc đó, Thánh Phêrô ngừng đánh cá và dành trọn cuộc sống để phục vụ Chúa và anh chị em, đến mức hiến mạng sống tại đây. Và chúng ta, chúng ta có muốn yêu mến Chúa Giêsu không?
Xin Đức Mẹ, Đấng đã sẵn sàng thưa “xin vâng” với Chúa, giúp chúng ta tìm lại được sự nhiệt thành để làm điều tốt lành.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 3 Phục sinh năm C (05/5/2019) - Chúa kêu gọi, làm ngạc nhiên, và yêu thương
Anh chị em thân mến, Đức Kitô đã sống lại!
Thật tuyệt vời khi thấy cách mà những người Kitô hữu trong đất nước của anh chị em chào nhau trong niềm hân hoan của Chúa Phục sinh trong suốt mùa Phục sinh.
Trong toàn bộ chương mà chúng ta vừa nghe, trích từ các trang cuối cùng trong Tin mừng, giúp chúng ta đắm mình trong niềm vui mà Chúa yêu cầu chúng ta phải làm nó lan tỏa. Nó nhắc chúng ta nhớ đến ba điều kỳ diệu là một phần trong đời sống của chúng ta là những môn đệ của Người: Chúa kêu gọi, Chúa làm ngạc nhiên, Chúa yêu thương.
Chúa kêu gọi. Mọi việc xảy ra trên bờ biển hồ Galilê, nơi Chúa Giêsu lần đầu tiên lên tiếng gọi Phêrô. Ngài đã gọi ông bỏ lại sau lưng công việc của một ngư phủ để trở thành một người chài lưới người (x. Lc 5:4-11). Sau tất cả mọi việc đã xảy ra cho ông, sau kinh nghiệm chứng kiến Thầy của mình chết và nghe được tin Ngài sống lại, Phêrô quay trở về với cuộc sống trước đây của ông. Ông nói với các môn đệ khác, “Tôi đi đánh cá đây.” Và họ cũng họa theo ông: “Chúng tôi cùng đi với anh” (Ga 21:3). Dường như các ông bước lùi một bước; Phêrô đã gấp lưới và và bỏ nó lại đằng sau để theo Chúa Giêsu. Sức nặng của sự đau khổ, thất vọng, và của sự phản bội đã trở thành một khối đá tảng đè nặng tâm hồn của các môn đệ. Họ vẫn còn bị đè nặng bởi sự đau đớn và lỗi lầm, và tin vui của sự phục sinh đã không cắt được gốc rễ đó trong lòng các ông.
Chúa biết sự cám dỗ níu kéo chúng ta quay trở lại con đường của mọi sự trước đây là mạnh mẽ như thế nào. Trong Kinh Thánh, những tấm lưới đánh cá của Phêrô, giống như chốn ăn chơi của Ai Cập, là một biểu tượng của cám dỗ hoài niệm về quá khứ, muốn lấy lại những gì chúng ta đã quyết tâm bỏ lại sau lưng trước đây. Đứng trước sự vấp ngã, đau đớn, hay thậm chí có những lúc mọi việc không đi theo con đường chúng ta muốn, luôn có một cám dỗ tinh vi và nguy hiểm làm ngã lòng và từ bỏ. Đây là tâm lý đưa đám tang nhuộm mọi thứ với tông màu u ám chán nản và dẫn đưa chúng ta đến sự vỗ về trong cảm giác dễ chịu của sự tự thương cảm, mà nó giống như một con mọt, ăn sạch mọi hy vọng của chúng ta. Rồi điều tồi tệ nhất có thể xảy ra cho bất kỳ cộng đoàn nào bắt đầu xuất hiện – tính thực dụng đáng sợ của một đời sống trong đó mọi thứ diễn tiến có vẻ bình thường, trong khi thực tế thì đức tin đang bị mòn dần và thoái hóa trở nên tâm tính nhỏ nhen (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 83).
Nhưng chính trong lúc ngã lòng của Phêrô thì Chúa Giêsu xuất hiện, bước tới, kiên nhẫn đến với ông và gọi tên ông “Simon” (c. 15) – là tên Phêrô nhận được khi ông được gọi lần đầu. Chúa không chờ đợi những hoàn cảnh thuận lợi hay khi tâm trí ổn định: người tạo ra chúng. Người không mong chờ gặp gỡ những con người chẳng có vấn đề gì, không thất vọng, không tội lỗi hay giới hạn. Chính Ngài đã đối đầu với tội và sự thất vọng để khích lệ tất cả mọi người nam và nữ hãy kiên trì. Thưa anh chị em, Chúa không bao giờ mệt mỏi kêu gọi chúng ta. Tiếng gọi của Ngài là sức mạnh của Tình yêu đảo ngược mọi sự mong chờ và luôn sẵn sàng bắt đầu trở lại. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa luôn cung cấp cho chúng ta một cơ hội khác. Người lên tiếng gọi chúng ta mỗi ngày để đào sâu tình yêu với Người và được hồi sinh bởi tính mới mẻ muôn đời của Ngài. Mỗi buổi sáng, Ngài đến để tìm kiếm chúng ta tại nơi chúng ta ở. Ngài hiệu triệu chúng ta “hãy trỗi dậy khi nghe tiếng Người, hãy ngước nhìn và nhận ra rằng chúng ta được tạo dựng cho nước trời, không phải cho thế gian, cho những điều cao cả của sự sống chứ không phải cho những hố sâu của sự chết,” và hãy ngừng đi tìm “người sống ở giữa kẻ chết” (Bài giảng Đêm Vọng Phục sinh, 20 tháng Tư 2019). Khi chúng ta chào đón Ngài, chúng ta trỗi dậy cao hơn và ôm lấy một tương lai tươi sáng hơn, không phải là một điều có thể xảy ra nhưng là một thực tế. Khi tiếng gọi của Chúa Giêsu hướng dẫn cuộc đời chúng ta, tâm hồn chúng ta trở nên trẻ trung.
Chúa làm ngạc nhiên. Ngài là Chúa của những điều ngạc nhiên. Ngài mời gọi chúng ta không những biết ngạc nhiên nhưng cũng biết thực hiện những điều ngạc nhiên. Chúa gọi các môn đệ, và nhìn thấy các ông với những tấm lưới trống không, Ngài bảo các ông làm một điều kỳ cục: đánh cá vào ban ngày, đó là điều rất khác thường trên biển hồ đó. Ngài làm hồi sinh niềm tin của họ bằng cách thúc giục họ một lần nữa hãy phiêu lưu, đừng buông xuôi trước bất kỳ người nào hoặc bất kỳ điều gì. Ngài là Chúa của những điều ngạc nhiên, Đấng phá đổ những rào chắn làm tê liệt bằng cách đổ đầy trong chúng ta lòng can đảm cần thiết để vượt qua sự ngờ vực, hoài nghi, và sợ hãi mà chúng thường ẩn nấp sau quan niệm nói rằng, “Chúng tôi đã làm mọi việc theo cách này.” Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên bất cứ khi nào Ngài kêu gọi và yêu cầu chúng ta hãy ra biển khơi của lịch sử không chỉ với những tấm lưới của mình nhưng bằng cả con người của mình. Hãy nhìn đến đời sống của chúng ta và đời sống của người khác theo cách nhìn của Ngài, vì “trong tội, Người nhìn thấy những người con được phục hồi; trong cái chết, những người anh chị em được tái sinh; trong sự lẻ loi hiu quạnh, những tâm hồn được hồi sinh. Vậy, đừng sợ: Chúa yêu thương sự sống của chúng ta, ngay cả khi chúng ta e sợ nhìn đến nó và nâng niu nó trên tay” (nt.).
Bây giờ chúng ta chuyển đến điều kỳ diệu thứ ba: Thiên Chúa kêu gọi và Chúa làm ngạc nhiên vì Chúa yêu thương. Tình yêu là ngôn ngữ của Ngài. Đó là lý do tại sao Ngài yêu cầu Phêrô, và cả chúng ta, hãy học lấy ngôn ngữ đó. Người hỏi Phêrô: “Anh có yêu mến Thầy không? Và Phêrô trả lời rằng Có; sau rất lâu thời gian với Chúa Giêsu, bây giờ ông mới hiểu rằng yêu thương có nghĩa là hãy bỏ đi việc đặt cái tôi vào trung tâm. Bây giờ ông đặt Chúa Giêsu, chứ không phải ông nữa, là điểm xuất phát: “Thầy biết rõ mọi sự” (Ga 21:18), ông nói. Phêrô nhận ra sự yếu đuối của ông; ông nhận ra rằng ông không thể tự mình thực hiện sự tiến bộ. Và ông cậy dựa mọi việc vào Chúa và vào sức mạnh của tình yêu của Người, cho đến tận cùng. Chúa yêu thương chúng ta: đây là nguồn mạch của sức mạnh của chúng ta và chúng ta được kêu gọi hãy tái khẳng định nó mỗi ngày. Là một người Kitô hữu tức là nhận ra rằng tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn mọi thiếu sót và tội của chúng ta. Một trong những điều thất vọng và khó khăn lớn của chúng ta ngày nay không xuất phát từ việc biết rằng Thiên Chúa là tình yêu, nhưng xuất phát từ cách chúng ta tuyên xưng và làm chứng cho Ngài theo một cách, mà đối với nhiều người, đây không phải là danh của Người. Thiên Chúa là tình yêu luôn yêu thương, luôn trao tặng chính nó, nó kêu gọi và làm ngạc nhiên.
Ở đây chúng ta nhìn thấy phép lạ của Chúa, Đấng làm cho cuộc sống chúng ta trở thành những kiệt tác nghệ thuật chỉ khi chúng ta để cho bản thân được dẫn dắt bởi tình yêu của Người. Nhiều chứng nhân của sự Phục sinh trong miền đất được phúc lành này đã tác tạo nên những kiệt tác tuyệt vời, được truyền cảm hứng bởi niềm tin đơn sơ và tình yêu vĩ đại. Trao hiến cuộc đời của họ, họ trở thành những dấu chỉ sống động của Thiên Chúa, vượt qua sự thờ ơ bằng sự can đảm và đưa ra câu trả lời của Kitô giáo cho những lo lắng mà họ gặp (x. Tông huấn Christus Vivit, 174). Hôm nay chúng ta được kêu gọi hãy hướng mắt nhìn lên và nhận ra những gì Chúa đã làm trong quá khứ, và cùng bước đi với Ngài về tương lai, biết rằng dù chúng ta thành công hay thất bại, thì Người vẫn luôn ở đó và liên tục nói với chúng ta hãy thả lưới. Đến đây tôi muốn nhắc lại những gì tôi đã nói với giới trẻ trong Tông huấn mới đây của tôi. Một giáo hội trẻ, trẻ ở đây không theo ý nghĩ tuổi tác nhưng trong ơn sủng của Thần Khí, đang mời gọi chúng ta hãy làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô, một tình yêu truyền cảm hứng và hướng dẫn chúng ta hãy phấn đấu vì ích chung. Tình yêu này làm cho chúng ta có thể phục vụ người nghèo và trở nên những vai diễn chính của cuộc cách mạng của đức ái và sự phục vụ, có thể chống lại những căn bệnh của chủ nghĩa hưởng thụ và cá nhân chủ nghĩa thiển cận. Đầy tràn tình yêu của Đức Kitô, trở nên những chứng nhân sống của Tin mừng ở mọi góc của thành phố này (x. Tông huấn Christus Vivit, 174-175). Đừng sợ trở nên những vị thánh mà miền đất này đang rất cần. Đừng sợ trở nên thánh. Nó sẽ không lấy mất năng lượng, sức sống hay niềm vui của các bạn. Ngược lại, bạn và tất cả mọi người con trai và con gái của miền đất này sẽ trở nên đúng như những gì Chúa Cha đã ghi trong tâm trí khi Người tạo dựng nên bạn (x. Tông huấn Gaudete et Exsultate, 32).
Được gọi, được ngạc nhiên và được sai đi vì yêu!
Nguồn: daminhtamhiep.net
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 3 Phục sinh năm C (10/4/2016) - Chúng ta hãy thông truyền sức mạnh của Thiên Chúa Phục Sinh
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng ngày hôm nay thuật lại lần hiện ra thứ ba của Đức Giêsu phục sinh với các môn đệ, bên bờ biển hồ Galilea, với sự khắc họa của mẻ cá lạ (Ga 21,1-9). Trình thuật Tin Mừng được lồng ghép vào bối cảnh cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của các môn đệ. Họ đã trở về quê quán, trở về với công việc đánh cá sau những ngày buồn thảm thê lương với cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Đức Giêsu. Các môn đệ cảm thấy thật khó để có thể hiểu những gì vừa mới xảy ra. Trong khi tất cả dường như đã đặt dấu chấm hết, thì một lần nữa, Đức Giêsu lại ‘đi tìm’ các môn đệ của mình. Lần này, Ngài gặp các ông ở gần biển hồ. Các ông đã trải qua một đêm vất vả trên thuyền nhưng không bắt được gì cả. Những tấm lưới trống không, trong một ý nghĩa nào đó, giống như một sự lượng định về kinh nghiệm của các môn đệ với Thầy Giêsu: các ông đã gặp Giêsu, đã bỏ tất cả mọi sự để theo Người, đầy tràn hăng say và hy vọng… nhưng cuối cùng thì sao? Các ông đã thấy thầy sống lại nhưng sau đó lại nghĩ rằng: ‘Thầy đến nhưng rồi thầy cũng sẽ bỏ chúng ta … Mọi chuyện chỉ như một giấc mơ.’
Trong ánh bình minh ló dạng phía chân trời, Đức Giêsu đứng trên bãi biển nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu (câu 4). Ngài nói với những chàng ngư phủ đang mệt mỏi và thất vọng ấy: ‘Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá’ (câu 6). Các ông đã tin và kết quả là có một mẻ cả dư đầy đến không thể tưởng tượng được. Ngay khi khi nhìn thấy mẻ cá ấy, Gioan nói với Phê-rô: ‘Chúa đó!’ (câu 7). Ngay lập tức, Phê-rô nhảy xuống biển và bơi vào bờ, đến với Đức Giêsu. Lời tuyên bố: ‘Chúa đó!’ chứa đựng tất cả mọi nhiệt huyết, hăng say của niềm tin tưởng phục sinh, tràn đầy niềm vui và ngỡ ngàng sung sướng. Điều ấy hoàn toàn đối lập với sự mất mát đau thương, với sự thất bại, bất lực đang chất chưa nơi tâm hồn của các môn đệ. Sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh làm biến đổi tất cả: Ánh sáng đã chiến thắng bóng tối, công việc đánh cá cả đêm tưởng chừng như vô ích nhưng lại trổ sinh hoa trái và chất chứa đầy hứa hẹn, sự mệt mỏi và cảm thấy bị bỏ rơi đã nhường chỗ cho một thôi thúc mới và cho một xác tín rằng Đức Giêsu đang ở với chúng ta.
Kể từ đó, chính tình cảm này đã không ngừng thôi thúc Giáo hội, thôi thúc Cộng Đoàn của Chúa Phục Sinh. Nếu thoạt nhìn chúng ta có thể cho rằng có đôi khi những tăm tối của sự dữ và nỗi vất vả của cuộc sống hằng ngày dường như chiếm ưu thế, nhưng Giáo hội xác tín rằng Đức Giêsu đã chiếu ánh sáng phục sinh vĩnh cửu trên những ai bước theo Ngài. Lời loan báo trọng đại về sự phục sinh thấm nhuần nơi tâm hồn các tín hữu một niềm vui sâu xa và một ánh lửa hy vọng không bao giờ tắt. Đức Kitô thực sự đã phục sinh! Ngay cả ngày hôm nay, Giáo hội cũng không ngừng ca vang lời loan báo chan chứa niềm vui này. Niềm vui và sự hy vọng tiếp tục tuôn chảy trong những con tim, trên gương mặt và trong từng lời nói, cử chỉ. Tất cả chúng ta, những Kitô hữu, được mời gọi thông truyền sứ điệp phục sinh đến tất cả những ai mà chúng ta gặp gỡ, đặc biệt là những người đang đau khổ, cô đơn; những người đang phải sống trong những điều kiện không an toàn, những bệnh nhân và những người bị gạt ra bên lề của xã hội. Chúng ta hãy làm cho ánh sáng của Đức Kitô Phục Sinh chiếu rọi đến hết mọi người một dấu chỉ về quyền năng thương xót của Thiên Chúa.
Xin Thiên Chúa đổi mới nơi chúng ra đức tin phục sinh. Xin Chúa giúp chúng ta luôn ý thức hơn về sứ mạng của chúng ta là ra đi rao giảng Tin Mừng và phục vụ anh chị em. Xin Chúa đổ đầy tâm hồn chúng ta Thần Khí, với lời chuyển cầu của Mẹ Maria, để cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta loan truyền sự vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa và sự giàu có phong nhiêu nơi lòng thương xót của Ngài.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 3 Phục sinh năm C (14/4/2013) – Loan báo, làm chứng và thờ lạy Chúa
Anh chị em thân mến,
Thật là một niềm vui cho tôi được cử hành Thánh Lễ với anh chị em trong Vương cung thánh đường này. Tôi mến chào Đức Hồng y Giám quản Đền thờ, James Harvey, và cám ơn Đức Hồng y vì những lời đã bày tỏ với tôi; cùng với Đức Hồng y, tôi chào thăm các tổ chức khác nhau của Đền thờ này và tất cả các anh chị em. Chúng ta ở tại mộ của thánh Phaolô, một tông đồ vừa khiêm hạ vừa vĩ đại của Chúa, thánh nhân đã rao giảng Chúa bằng lời nói, đã làm chứng cho Chúa bằng cuộc tử đạo và đã thờ lạy Chúa với trọn tâm hồn. Tôi muốn suy tư về 3 động từ này dưới ánh sáng Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe: loan báo, làm chứng và thờ lạy.
1. Trong bài đọc thứ I, ta thấy nổi bật sức mạnh của thánh Phêrô và các Tông Đồ khác. Trước lệnh truyền phải im lặng, không được giảng dạy nhân danh Đức Giêsu nữa, không được loan báo Sứ điệp của Chúa nữa, các Tông Đồ trả lời minh bạch rằng ”Cần phải vâng lời Thiên Chúa, thay vì vâng lời loài người”. Dù bị đánh đòn, các vị vẫn không ngừng rao giảng, dù bị lăng mạ và cầm tù cũng thế. Phêrô và các Tông Đồ can đảm loan báo trong tất cả sự thật điều mà các vị đã nhận lãnh, đó là Tin Mừng của Chúa Giêsu. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có khả năng đưa Lời Chúa tới các môi trường cuộc sống của chúng ta hay không? Chúng ta có biết nói về Chúa Kitô, về vị thế của Chúa đối với chúng ta trong gia đình, với những người thuộc về cuộc sống của chúng ta hay không? Đức tin nảy sinh từ sự lắng nghe, và được củng cố trong việc rao giảng.
2. Nhưng chúng ta hãy tiến thêm một bước: việc loan báo của thánh Phêrô và các Tông Đồ không phải chỉ bằng lời nói, nhưng sự trung thành với Chúa Kitô còn liên hệ tới trọn cuộc sống của các vị, một cuộc sống được biến đổi, được một hướng đi mới, và chính bằng cuộc sống mà các vị làm chứng về đức tin và loan báo Chúa Kitô. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu 3 lần yêu cầu thánh Phêrô chăn dắt đoàn chiên của Ngài, và chăn chiên với lòng yêu mến, và Chúa báo cho Phêrô biết trước: ”Khi con già nua, con sẽ giang tay ra, và người khác sẽ mặc áo cho con và đưa con đến nơi con không muốn” (Ga 21,18). Đó là một lời được gởi đến tất cả chúng ta là những mục tử: ta không thể chăn dắt đoàn chiên Chúa nếu không chấp nhận để thánh ý Chúa dẫn đưa tới nơi mà chúng ta không muốn, nếu ta không sẵn sàng làm chứng cho Chúa Kitô bằng sự hiến chính bản thân chúng ta, không do dự, không so đo, nhiều khi phải trả bằng chính mạng sống chúng ta. Nhưng điều này cũng giá trị đối với tất cả mọi người: Tin Mừng cần được rao giảng và làm chứng. Mỗi người phải tự hỏi: làm thế nào tôi làm chứng về Chúa Kitô bằng đức tin của tôi? Tôi có lòng can cảm của thánh Phêrô và các Tông đồ khác để suy nghĩ, chọn lựa và sống như Kitô hữu, vâng phục Thiên Chúa hay không? Chắc chắn là việc làm chứng tá đức tin có bao nhiêu hình thức khác nhau, như trong một bức bích họa to lớn, có nhiều mầu sắc và sắc thái khác nhau; nhưng tất cả những điều ấy đều quan trọng, cả những điều không trổi lên. Trong kế hoạch bao la của Thiên Chúa, mỗi chi tiết đều quan trọng, cả chứng tá bé nhỏ, khiêm hạ của bạn, của tôi, cả những chứng tá âm thầm của người sống đức tin đơn sơ của mình trong những quan hệ thường nhật của gia đình, nơi làm việc, với bạn bè, đều là điều quan trọng. Có những vị thánh hằng ngày, những vị thánh 'âm thầm', một thứ ”giai cấp trung của sự thánh thiện” mà tất cả chúng ta có thể là thành phần. Nhưng tại nhiều nơi trên thế giới, cũng có những người đang chịu đau khổ như thánh Phêrô và các Tông đồ, vì Tin Mừng; có những người hiến mạng sống để trung thành với Chúa Kitô bằng chứng tá được đánh dấu bằng giá máu. Tất cả chúng ta hãy nhớ điều này: ta không thể loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô mà không làm chứng tá cụ thể bằng cuộc sống. Ai nghe và nhìn chúng ta phải có thể đọc được trong những hoạt động của chúng ta điều mà họ nghe từ miệng chúng ta và chúc tụng vinh danh Thiên Chúa! Thái độ bất nhất của các tín hữu và các mục tử giữa điều họ nói và điều họ làm, giữa lời nói và lối sống làm thương tổn uy tín của Giáo Hội.
3. Nhưng tất cả những điều đó chỉ có thể nếu chúng ta nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô, vì chính Ngài đã kêu gọi chúng ta, đã mời gọi chúng ta tiến theo con đường của Ngài, đã chọn chúng ta. Loan báo và làm chứng là điều chỉ có thể nếu chúng ta gần gũi Chúa, như thánh Phêrô, Gioan và các tông đồ khác trong đoạn Phúc âm ngày hôm nay, quanh Chúa Giêsu Phục Sinh; có một sự gần gũi hằng ngày với Chúa, và các vị biết rõ Ngài là ai, họ biết Ngài. Thánh Sử Phúc Âm nhấn mạnh rằng ”không ai dám hỏi Ngài ”Thầy là ai?”, vì họ biết rõ Ngài là Chúa” (Ga 21,12). Đó là điểm quan trọng đối với chúng ta; sống một quan hệ khẩn trương với Chúa Giêsu: một cuộc sống thân mật trong đối thoại đến độ có thể nhìn nhận Ngài là ”Chúa”, thờ lạy Ngài. Đoạn sách Khải Huyền mà chúng ta đã nghe nói về sự thờ lạy: vô số các thiên thần, toàn thể các thụ tạo, các sinh vật, các kỳ lão, phủ phục thờ lạy trước Ngai Thiên Chúa và Chiên Con bị sát tế, là Đức Kitô, lời chúc tụng, vinh dự và vinh quang dành cho Người (Xc Kh 5,11-14). Tôi muốn tất cả chúng ta tự hỏi: Bạn, tôi, chúng ta có thờ lạy Chúa hay không? Chúng ta đến cùng Chúa phải chăng chỉ để cầu xin, cám tạ hay chúng ta cũng đến nơi Chúa để thờ lạy Ngài? Thờ lạy Chúa như vậy có nghĩa là gì? Có nghĩa là ở với Chúa, dừng lại đối thoại với Chúa, cảm thấy rằng sự hiện diện của Chúa là chân thực nhất, tốt lành nhất, quan trọng hơn tất cả mọi sự. Mỗi người chúng ta, trong cuộc sống của mình, một cách ý thức, và có lẽ nhiều khi không ý thức, có một thứ tự chính xác nơi những điều được coi là hơn kém quan trọng. Thờ lạy Chúa có nghĩa là dành cho Chúa chỗ thuộc về Ngài; thờ lạy Chúa có nghĩa là khẳng định, tin, nhưng không phải chỉ bằng lời nói, rằng chỉ có Chúa thực sự hướng dẫn cuộc sống chúng ta; thờ lạy Chúa có nghĩa là chúng ta xác tín trước Chúa rằng chỉ mình Ngài là Thiên Chúa, Chúa Tể đời sống và lịch sử của chúng ta.
Điều này có một hệ luận trong cuộc sống chúng ta: cởi bỏ bao nhiêu thần tượng lớn nhỏ mà chúng ta có và nương náu trong đó, chúng ta tìm kiếm trong đó và nhiều lần chúng ta đặt niềm tín thác nơi chúng. Đó là những thần tượng mà nhiều khi chúng ta giấu kín: đó có thể là tham vọng, ham muốn thành công, sự nghiệp, đặt mình ở trung tâm, xu hướng muốn trổi vượt hơn người khác, tự nhận mình là chủ tể độc nhật của đời mình, đó là vài thứ tội mà chúng ta gắn bó, và nhiều tội khác nữa. Chiều tối hôm nay tôi muốn một câu hỏi được vang dội trong tâm hồn mỗi người chúng ta và chúng ta hãy thành thật trả lời: tôi có nghĩ đến thần tượng nào ẩn náu trong cuộc sống của tôi hay không, thứ thần tượng cản trở tôi thờ lạy Chúa? Thờ lạy là cởi bỏ những thần tượng của chúng ta, cả những thần tượng thầm kín nhất, và chọn Chúa làm trung tâm, như con đường chủ yếu của đời ta.
Anh chị em thân mến, Chúa kêu gọi chúng ta mỗi ngày hay can đảm theo Ngài trong niềm trung thành; Chúa ban cho chúng ta hồng ân lớn lao, Ngài chọn chúng ta như những môn đệ của Ngài; Ngài sai chúng ta đi loan báo Ngài trong niềm vui tươi như Đấng Phục Sinh, nhưng Chúa yêu cầu chúng ta thi hành điều đó bằng lời nói, và bằng cuộc sống chứng tá thường nhật. Chúa là Thiên Chúa duy nhất của đời ta và Ngài mời gọi chúng ta hãy cởi bỏ bao nhiêu thần tượng và thờ lạy một mình Chúa. Xin Đức Trinh Nữ Maria và thánh Phaolô Tông Đồ giúp chúng ta trong hành trình này và chuyển cầu cho chúng ta.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 3 Phục sinh năm C (14/4/2013) - Sức mạnh để làm chứng
Anh chị em thân mến, mến chào anh chị em!
Tôi muốn dừng lại một chút về trang sách Tông Đồ Công Vụ chúng ta đọc trong Phụng Vụ chúa nhật thứ ba Phục Sinh này. Đoạn văn nói về bài giảng đầu tiên của các Tông đồ ở Jerusalem, làm cho thành này tràn đầy tin Chúa Giêsu đã sống lại thật, theo Kinh thánh, và Ngài là Đấng Messia đã được các tiên tri báo trước. Các thượng tế và thủ lãnh dân thành tìm cách chặn đứng từ trong trứng nước cộng đoàn các tín hữu Kitô và bỏ tù các Tông Đồ, truyền cho các vị không được giảng dạy nhân danh Người nữa. Nhưng thánh Phêrô và 11 Tông Đồ trả lời: “Cần phải vâng lời Thiên Chúa thay vì vâng lời người phàm. Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Đức Giêsu sống lại.. Chúa đã nâng Người lên ngự bên hữu Ngài như thủ lãnh và là Đấng Cứu Thế… Chúng tôi và Thánh Thần là chứng nhân về những sự kiện ấy” (Cv 5,29-32). Bấy giờ họ ra lệnh đánh đòn các Tông Đồ và tái ra lệnh cho các vị không được nói về danh Chúa Giêsu nữa. Và các ông ra đi, “vui mừng vì được coi là xứng đáng chịu xỉ nhục vì danh Chúa Giêsu” (c.41)
Từ đâu các môn đệ đầu tiên tìm được sức mạnh để làm chứng như vậy? Không những thế: Từ đâu các vị tìm được niềm vui và can đảm để loan báo, mặc dù có những chướng ngại và bạo lực? Chúng ta đừng quên rằng các Tông Đồ là những người đơn sơ, không phải là các kinh sư hoặc các nhà thông luật, cũng chẳng thuộc giai cấp tư tế. Làm sao họ có thể làm đầy thành Jerusalem bằng những giáo huấn như thế, mặc dù có những giới hạn và bị nhà cầm quyền chống đối? (Xc Cv 5,28). Hiển nhiên là chỉ có sự hiện diện của Thánh Thần mới có thể giải thích được sự kiện ấy. Niềm tin của các vị dựa trên một kinh nghiệm bản thân rất mạnh mẽ về Chúa Kitô, Đấng đã chịu chết và sống lại, khiến các vị không sợ hãi điều gì và sợ ai, và thậm chí các vị coi những bách hại như một điều vinh dự, để theo vết Chúa Giêsu và trở nên giống Ngài qua việc làm chứng tá bằng chính cuộc sống.
Lịch sử về cộng đồng Kitô đầu tiên nói với chúng ta một điều rất quan trọng, có giá trị cho Giáo Hội trong mọi thời đại, và cho cả chúng ta: đó là khi một ngừơi thực sự biết Chúa Giêsu Kitô và tin nơi Chúa, cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống và sức mạnh sự phục sinh của Chúa, thì không thể không thông truyền kinh nghiệm ấy. Và nếu họ gặp phải những thái độ thiếu cảm thông hay chống đối, thì họ cư xử như Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn: Lấy tình thương và sức mạnh của chân lý để đáp lại.
Chúng ta cùng nhau cầu khẩn Nữ Vương Thiên Đàng, xin Mẹ Maria chí thánh phù trợ để Giáo Hội ở các nơi trên thế giới thẳng thắn và can đảm loan báo sự sống lại của Chúa và làm chứng tá hữu hiệu bằng những dấu chỉ tình yêu thương huynh đệ. Chúng ta đặc biệt cầu cho các tín hữu Kitô đang bị bách hại ở rất nhiều nước trên thế giới: xin cho họ cảm thấy sự hiện diện sinh động và an ủi của Chúa Phục Sinh.
Nguồn: archivioradiovaticana.va