Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 22 Thường Niên năm B (01/9/2024) - Thanh sạch thực sự trong con tim

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 22 Thường Niên năm B (29/8/2021) - Không đổ lỗi nhưng học cách nhận lỗi

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 22 Thường Niên năm B (02/9/2018) - Hành động không được ô nhiễm bởi đạo đức giả

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 22 Thường Niên năm B (30/8/2015) – Cần hoán cải con tim để thực sự trong sạch

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 22 Thường Niên năm B (02/9/2012) - Lề Luật là dấu chỉ tình yêu hiền phụ của Thiên Chúa


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 22 Thường Niên năm B (01/9/2024) - Thanh sạch thực sự trong con tim

Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!

Trong Tin Mừng phụng vụ hôm nay (xem Mc 7,1-8.14-15.21-23), Chúa Giêsu nói về sự thanh sạch và ô uế: một chủ đề rất quen thuộc với những người đương thời với Chúa, chính yếu liên quan đến việc tuân giữ các nghi thức và luật lệ về hành vi, tránh mọi tiếp xúc với những đồ vật hoặc những người bị coi là ô uế và, nếu điều đó xảy ra, thì phải “tẩy uế” (xem Lv 11-15). Đó gần như là một sự ám ảnh của một số chức sắc tôn giáo thời bấy giờ: sự thanh sạch và ô uế.

Một số luật sĩ và người Pharisêu, những người tuân giữ nghiêm ngặt các quy tắc này, tố cáo Chúa Giêsu đã cho phép các môn đệ của Người dùng bữa mà không rửa tay. Chúa Giêsu nhận lấy sự khiển trách này của những người Pharisêu đối với các môn đệ để nói về ý nghĩa của sự “thanh sạch”.

Chúa Giêsu nói, sự thanh sạch không liên quan đến những nghi thức bên ngoài, nhưng trước hết liên quan đến những gì bên trong. Vì vậy, để được thanh sạch, thì rửa tay nhiều lần cũng chẳng có ích gì nếu lúc đó bên trong bạn còn nuôi dưỡng những cảm xúc ác độc như tham lam, đố kỵ và kiêu ngạo, hoặc những ý định xấu xa như lừa dối, trộm cắp, phản bội và vu khống (xem Mc 7,21- 22). Chúa Giêsu thu hút sự chú ý để nói về chủ nghĩa nghi thức, không làm cho người ta lớn lên về sự tốt lành; thậm chí, đôi khi nó có thể dẫn đến việc sao lãng, hoặc thậm chí biện minh, với bản thân hay với người khác, về những lựa chọn và thái độ trái ngược với đức ái, làm tổn thương tâm hồn và khép kín con tim.

Và điều này cũng quan trọng đối với chúng ta: chẳng hạn, chúng ta không thể khi vừa rời khỏi Thánh lễ, lúc còn ở sảnh nhà thờ, đã dừng lại tám những chuyện xấu và thiếu thương xót về mọi thứ và mọi người. Hoặc tỏ ra ngoan đạo trong cầu nguyện nhưng ở nhà lại đối xử lạnh lùng và tách biệt với những người trong gia đình, hoặc bỏ bê cha mẹ già, những người cần sự giúp đỡ và đồng hành (xem Mc 7,10-13). Đây là cuộc sống hai mặt và chúng ta không thể như vậy. Đây là điều những người Pharisêu đã làm: sự thanh sạch bề ngoài mà chẳng có thái độ tốt lành bên trong, thái độ thương xót đối với người khác. Hoặc cũng không thể tỏ ra rất công bằng với mọi người, thậm chí có thể thực hiện một số hoạt động tình nguyện và một số cử chỉ từ thiện, nhưng bên trong lại nuôi dưỡng lòng hận thù đối với người khác, coi thường người nghèo và người kém cỏi hoặc cư xử không trung thực trong công việc.

Khi làm như vậy, tương quan với Thiên Chúa chỉ còn là những cử chỉ bên ngoài, còn bên trong thì vẫn trơ cứng trước hoạt động thanh luyện của ân sủng Chúa, bằng cách đắm chìm trong những suy nghĩ, thông điệp và hành vi thiếu tình thương.

Chúng ta được tạo dựng cho một điều khác. Chúng ta được tạo dựng cho sự thanh sạch thực sự của cuộc sống, cho sự diệu dàng và cho tình yêu.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi: tôi có sống đức tin của mình một cách nhất quán, nghĩa là những gì tôi làm trong nhà thờ, tôi cũng cố gắng thực hiện bên ngoài với cùng một tinh thần không? Bằng cảm xúc, lời nói và hành động, tôi có thể hiện cụ thể những gì tôi nói trong cầu nguyện, trong sự gần gũi và tôn trọng đối với anh chị em mình không?

Xin Mẹ Maria, Người Mẹ thanh sạch nhất, giúp chúng ta biến cuộc sống của chúng ta, trong tình yêu, trở thành một việc thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1).

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 22 Thường Niên năm B (29/8/2021) - Không đổ lỗi nhưng học cách nhận lỗi

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng Chúa nhật tuần 22 Thường Niên cho thấy một số người Pharisêu và kinh sư ngạc nhiên trước thái độ của Chúa Giêsu. Họ lấy làm chướng mắt khi thấy các môn đệ dùng bữa nhưng không thực hiện các nghi thức truyền thống. Họ nghĩ cách làm này của các môn đệ là trái với thực hành tôn giáo. Chúng ta cũng có thể tự hỏi: nhưng tại sao Chúa Giêsu và các môn đệ bỏ qua các truyền thống này? Về cơ bản những truyền thống này không xấu, nhưng chỉ là những tập quán nghi lễ tốt, rửa tay sạch trước khi dùng bữa. Nhưng tại sao Chúa Giêsu không chú ý đến điều này? Bởi vì đối với Chúa điều quan trọng là phải đưa đức tin trở lại trung tâm của nó. Trong Tin Mừng chúng ta luôn thấy điều này: đưa đức tin trở lại trung tâm. Hãy tránh rơi vào nguy cơ này, đối với các kinh sư cũng với chúng ta, đó là: tuân giữ các nghi thức bên ngoài trong khi đặt trọng tâm của đức tin ở vị trí thứ yếu. Chúng ta cũng hay trang điểm cho linh hồn… theo hình thức bên ngoài và không quan tâm đến trọng tâm của đức tin. Đó là nguy cơ của một tôn giáo bề ngoài: tỏ ra tốt đẹp bên ngoài, nhưng lại bỏ qua việc thanh tẩy tâm hồn. Luôn có cám dỗ thực hiện một số việc sùng kính bên ngoài, nhưng Chúa Giêsu không hài lòng với việc thờ phượng này. Chúa không muốn hình thức bên ngoài, Chúa muốn một đức tin chạm đến con tim.

Thực vậy, ngay sau đó, Chúa gọi đám đông dân chúng để nói một chân lý tuyệt vời: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được” (c 15). Nhưng “từ bên trong, từ lòng người” (c 21) phát xuất những ý định xấu. Những lời này mang tính cách mạng, bởi vì vào thời đó, tâm thức con người cho rằng một số thức ăn hoặc sự tiếp xúc bên ngoài làm cho người ta ra ô uế. Chúa Giêsu lật đổ quan điểm đó: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra là cái làm cho con người ra ô uế.

Anh chị em thân mến, điều này cũng có liên quan đến chúng ta. Thường chúng ta nghĩ rằng điều xấu chủ yếu đến từ bên ngoài: từ cách cư xử của người khác, từ những người nghĩ xấu về chúng ta, từ xã hội. Nhiều lần chúng ta đổ lỗi cho người khác, cho xã hội, cho thế giới, cho tất cả những gì xảy ra với chúng ta! Lỗi luôn là của “người khác”: của dân chúng, của người lãnh đạo, của rủi ro. Các vấn đề dường như luôn đến từ bên ngoài. Và chúng ta dành thời gian để đổ lỗi; nhưng dành thời gian để đổ lỗi cho người khác là lãng phí thời gian. Điều này làm cho chúng ta giận dữ, chua ngoa và làm con tim chúng ta xa Chúa. Giống như những người trong Tin Mừng, họ than phiền, gây cớ vấp phạm, tranh luận và không đón tiếp Chúa Giêsu. Chúng ta không thể là Kitô hữu luôn than phiền: giận dữ, oán hận và buồn chán đóng cửa lòng trước Chúa.

Hôm nay chúng ta cầu xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi việc đổ lỗi cho người khác. Chúng ta cầu xin ân sủng để không lãng phí thời gian làm ô nhiễm thế giới với những lời phàn nàn, bởi vì đây không phải là Kitô hữu. Tốt hơn, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào cuộc sống và thế giới khởi đi từ tâm hồn chúng ta. Nếu chúng ta nhìn vào bên trong, chúng ta sẽ thấy hầu hết mọi thứ chúng ta ghét, nó không ở bên ngoài. Và nếu chúng ta thành tâm cầu xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta, thì chúng ta sẽ bắt đầu làm cho thế giới trong sạch hơn. Bởi vì có một cách không thể sai lầm để chiến thắng cái ác: bắt đầu chinh phục nó bên trong chính mình.

Khi các Giáo phụ, các đan sĩ được hỏi: “Đâu là con đường nên thánh? Tôi phải bắt đầu như thế nào?”. Các vị trả lời: Bước đầu tiên là phải nhận lỗi về mình. Có bao nhiêu người trong chúng ta, vào lúc nào đó trong ngày hoặc trong tuần, có khả năng tự nhận lỗi về mình? Đây là sự khôn ngoan: học nhận lỗi về mình. Anh chị em hãy cố gắng làm điều này, nó sẽ làm anh chị em tốt hơn.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã thay đổi lịch sử nhờ sự tinh tuyền của tâm hồn, giúp chúng ta thanh tẩy chính mình, trước hết là vượt qua việc đổ lỗi cho người khác và phàn nàn về mọi thứ.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 22 Thường Niên năm B (02/9/2018) - Hành động không được ô nhiễm bởi đạo đức giả

Anh chị em thân mến,

Chúa Nhật tuần này chúng ta trở lại bài đọc Tin Mừng theo Thánh Marcô. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay (Mc 7,1-8.14-15.21-23) Chúa Giêsu đề cập đến một chủ đề quan trọng cho các tín hữu: tính xác thực trong sự vâng phục Lời Chúa của chúng ta, chống lại bất cứ sự ô nhiễm thế tục hoặc chủ nghĩa hình thức pháp lý.

Bài tường thuật bắt đầu với việc các biệt phái và luật sĩ phản đối Chúa Giêsu, họ cáo buộc các môn đệ Ngài không tuân giữ các tập tục theo truyền thống. Bằng cách này, những người đối thoại có ý định đánh vào sự tin cậy và thẩm quyền của Chúa Giêsu như là Thầy dạy. Nhưng Chúa trả lời: “Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: 'Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người'. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người" (Mc 7,6-7).

Những lời này của Chúa Giêsu thật rõ ràng và mạnh mẽ. Thật vậy, Chúa Giêsu muốn các biệt phái và luật sĩ phải lay động về những sai lầm họ đã vấp phạm, tức là bóp méo ý muốn của Thiên Chúa bằng cách bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người. Phản ứng của Chúa Giêsu thật nghiêm khắc. Đây là sự thật của mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, của đời sống tôn giáo đích thực. Kẻ đạo đức giả là kẻ nói dối; kẻ đó không thành thật.

Ngày hôm nay, Chúa cũng mời gọi chúng ta từ bỏ mối nguy hiểm của hình thức mà hướng đến điều cốt yếu. Ngài kêu gọi chúng ta luôn nhận biết trung tâm trải nghiệm thực sự của đức tin, đó là Tình yêu của Thiên Chúa và người thân cận, thanh tẩy nó từ thói đạo đức giả của lề luật vụ hình thức.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay được củng cố qua lời của Thánh Giacôbê Tông đồ. Thánh Tông đồ cho chúng ta biết thế nào là tôn giáo thực sự; đó là: “thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế đời này” (c.27).

“Thăm viếng cô nhi quả phụ” nghĩa là thực hành bác ái đối với người thân cận, trước hết đó là những người nghèo, yếu đuối nhất. Họ là những người mà Thiên Chúa chăm sóc một cách đặc biệt và Ngài yêu cầu chúng ta cũng thực hành như vậy.

“Đừng để bị ô nhiễm bởi thế gian này”, nhưng không có nghĩa là cô lập và đóng kín trước thực tế. Đây cũng vậy, không phải là một thái độ bên ngoài nhưng cốt yếu của nội tâm: nghĩa là thức tỉnh cách suy nghĩ và hành động của chúng ta để không bị ô nhiễm tâm thức thế trần, đó là sự hư ảo, hà tiện, kiêu ngạo.

Hãy xét mình để chúng ta thấy mình đã đón nhận Lời Chúa như thế nào trong thánh lễ Chúa nhật. Nếu chúng ta lắng nghe Lời Chúa với một cách lơ đễnh, hời hợt, nó sẽ không giúp ích gì cho chúng ta. Trái lại chúng ta phải đón nhận Lời Chúa với một tâm trí và con tim rộng mở, như một mảnh đất tốt, để rồi nó được tiêu hóa và mang lại hoa trái trong cuộc sống cụ thể. Như thế chính Lời Chúa thanh tẩy tâm hồn và hành động của chúng ta và mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với người khác được giải thoát khỏi thói đạo đức giả.

Mẫu gương và lời cầu bầu của Đức Trinh nữ Maria giúp chúng ta luôn luôn tôn kính Thiên Chúa với con tin, làm chứng cho tình yêu của chúng ta đối với Ngài trong những lựa trọn cụ thể vì lợi ích của anh em chúng ta.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 22 Thường Niên năm B (30/8/2015) – Cần hoán cải con tim để thực sự trong sạch

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay kể lại một cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và vài người Pharisêu và ký lục, liên quan tới giá trị “truyền thống của người xưa” (Mc 7,3) mà Giêsu, trích lời ngôn sứ Isaia, định nghĩa là “luật của loài người” (c.7) và chúng không đuợc chiếm chỗ “giới răn của Thiên Chúa” (c. 8). Các điều luật cũ ở đây không chỉ bao gồm các điều luật Thiên Chúa mạc khải cho ông Môshê, mà cũng là một chuỗi các câu nói minh giải các chỉ dẫn của luật lệ Môshê nữa. Các người đối thoại áp dụng các điều lệ ấy một cách khá chi li, và trình bầy chúng như là các diễn tả lòng đạo dức đích thật. Chính vì thế họ quở trách Chúa Giêsu và các môn đệ Người là vi phạm chúng, đặc biệt là các điều luật liên quan tới việc thanh tẩy bề ngoài của thân xác. Câu trả lời của Chúa Giêsu có sức mạnh của một lời ngôn sứ: “Các ông tuân giữ truyền thống của người phàm mà lại lơ là giới răn của Thiên Chúa” (Mc 7,8). Chúng là các lời khiến cho chúng ta khâm phục vị Thầy của chúng ta: chúng ta cảm thấy rằng nơi Người có chân lý và sự khôn ngoan giải thoát chúng ta khỏi các thành kiến.

Nhưng hãy coi chừng! Với các lời này Chúa Giêsu muôn cảnh báo cả chúng ta ngày nay nữa, đừng cho rằng việc tuân giữ luật lệ bề ngoài là đủ để là các kitô hữu tốt. Cũng như xưa kia đối với người Pharisêu, ngày nay đối với chúng ta cũng có nguy cơ cho mình là yên ổn rồi, hay tệ hơn nữa, coi mình là tốt lành hơn những người khác, chỉ vì tuân giữ các luật lệ, các thói quen, cả khi chúng ta không yêu tha nhân, có trái tim cứng cỏi, vênh váo và kiêu căng. Việc tuân giữ từng chữ các điều luật là một cái gì vô bổ, nếu nó không biến đổi trái tim và không diễn tả ra bằng các thái độ cụ thể: rộng mở cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và Lời Ngài trong việc cầu nguyện, tìm kiếm công lý và hòa bình, cứu giúp người nghèo khổ, người yếu đuối và bị áp bức. Chúng ta tất cả đều biết, trong các cộng đoàn, các giáo xứ, các khu phố của chúng ta, họ làm hại biết bao cho Giáo Hội và gây gương mù gương xấu, những người nói rằng họ là tin hữu rất công giáo và thường đi nhà thờ, nhưng sáu đó trong cuộc sống thường ngày họ lơ là với gia đình, nói xấu các người khác vv… Đó là điều Chúa Giêsu lên án, bởi vì nó là một phản chứng kitô.

Tiếp tục lời khích lệ của ngài, Chúa Giêsu tập trung chú ý trên một khiá cạnh sâu xa hơn và khẳng định: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được. Nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (c. 15). Trong cách đó Người nhấn mạnh quyền tối thượng của nội tâm, nghĩa là quyền tối thượng của con tim; không phải những gì ở bên ngoài khiến cho chúng ta thánh hay không thánh, nhưng chính con tim diễn tả các ý hướng, các lựa chọn của chúng ta và ước muốn làm tất cả mọi sự vì tình yêu Chúa. Các thái độ bề ngoài là hậu quả của những gì chúng ta đã quyết định trong tim, chứ không phải điều ngược lại: với thái độ bề ngoài nếu trái tim không thay đổi, thì chúng ta không phải là các kitô hữu đích thực.

Ranh giới của thiện ác không đi qua bên ngoài chúng ta nhưng đúng hơn là đi qua bên trong lương tâm của chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi: con tim của tôi ở đâu? Chúa Giêsu nói: “Kho tàng của con ở đâu, thì trái tim của con ở đó” Kho tàng của tôi là gì? Có phải là Chúa Giêsu và giáo lý của Ngài không? Khi đó con tim tốt. Hay kho tàng là một cái gì khác?

Vì thế chính con tim phải được thanh tẩy và hoán cải. Khi không có một con tim được thanh tẩy, thì cũng không thể có các bàn tay thực sự sạch sẽ và miệng lưỡi nói lên các lời chân thành của tình yêu – mọi sự đều hai mặt, một cuộc sống hai mặt – miệng lưỡi nói lên các lời của lòng thương xót và tha thứ. Điều này chỉ có con tim chân thành và được thanh tẩy mới làm được thôi.

Chúng ta hãy xin Chúa, qua lời bầu cử của Đức Thánh Trinh Nữ, ban cho chúng ta một con tim trong sạch, tự do khỏi mọi giả hình. Đó là tính từ Chúa Giêsu nói với các người Pharisêu: “giả hình”, bởi vì họ nói một điều nhưng làm một điều khác. Một con tim tự do khỏi sự giả hình, như thế chúng ta có thể sống theo tinh thần của luật lệ và đạt tới mục đích của nó là tình yêu.

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 22 Thường Niên năm B (02/9/2012) - Lề Luật là dấu chỉ tình yêu hiền phụ của Thiên Chúa

Anh chị em thân mến,

Trong Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nổi bật lên đề tài Lề Luật của Thiên Chúa, điều răn của Người, là một yếu tố nòng cốt của Do thái giáo cũng như của Kitô giáo, nơi nó tìm thấy sự thành toàn trong tình yêu (x. Rm 13,10).

Lề Luật của Thiên Chúa là Lời của Người hướng dẫn con người trên con đường cuộc sống, làm cho nó ra khỏi sự nô lệ của ích kỷ và dẫn đưa nó vào trong “miền đất” của sự tự do và sự sống đích thật. Vì thế, trong Thánh Kinh Lề Luật không bị coi như một gánh nặng, một sự hạn hẹp đàn áp, nhưng được coi như là ơn qúy báu nhất của Thiên Chúa, như chứng tá tình yêu hiền phụ của Người, của ý muốn sống gần gũi với dân Người, là Đồng Minh của họ và cùng họ viết lên một lịch sử tình yêu. Vì thế tín hữu đạo đức Do Thái mới cầu nguyện như sau: “Con vui thú với thánh chỉ Ngài, chẳng quên lời Ngài phán... Trên đường mệnh lệnh Chúa xin dẫn con đi, vì nơi chúng là hạnh phúc của con” (Tv 119,16.35). Trong Thánh Kinh Cựu Ước, ông Môshê là người nhân danh Thiên Chúa thông truyền Lề Luật cho dân. Sau lộ trình trong sa mạc, bên thềm Đất Hứa ông đã kêu lên như sau: “Giờ đây, hỡi Israel, hãy lắng nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Giavê Thiên Chúa của cha ông anh em ban cho anh em” (Đnl 4,1).

Và đây là vấn đề: khi dân định cư trong đất hứa và là nơi cất giữ Lề Luật, thì họ bị cám dỗ đặt để an ninh và niềm vui của họ nơi một cái gì khác không phải là Lời Chúa nữa, mà là nơi của cải, quyền bính, nơi các “thần linh” khác, mà thật ra chúng là hư không, vì chúng là các ngẫu tượng. Chắc chắn Lề Luật của Thiên Chúa còn đó, nhưng không phải là điều quan trọng nhất nữa, không phải là luật sống nữa; đúng hơn nó trở thành một lớp áo, một cái vỏ che, trong khi cuộc sống đi theo các con đường khác, các luật lệ khác, các lợi lộc thường là ích kỷ, cá nhân hay phe nhóm.

Và như thế tôn giáo lạc mất ý nghĩa đích thật của nó là sống trong thái độ lắng nghe Thiên Chúa để làm theo ý muốn của Người. - là chân lý của sự sống chúng ta - và như thế sống tốt đẹp trong sự tự do đích thật. Tôn giáo tự giản lược vào việc thi hành các thói quen phụ thuộc làm thỏa mãn nhu cầu của con người cảm thấy yên ổn với Thiên Chúa. Đây là một nguy cơ trầm trọng của mọi tôn giáo, Chúa Giêsu đã gặp thấy trong thời Người, và rất tiếc người ta cũng có thể kiểm thực trong kitô giáo nữa. Vì thế các lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay chống lại các kinh sĩ, và các Pharisêu cũng phải khiến cho chúng ta suy nghĩ. Chúa Giêsu lấy các lời của ngôn sứ Isaia làm của mình: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mc 7,6-7; x. Is 29,13). Và Chúa Giêsu kết luận: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7,8).

Cả tông đồ Giacôbê, trong thư của người, cũng cảnh cáo nguy cơ của một tôn giáo giả. Người viết cho các kitô hữu như sau: “Anh em hãy là những người thực hành Lời Chúa, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1,22). Xin Đức Trinh Nữ Maria, mà giờ đây chúng ta hướng tới trong lời cầu nguyện, giúp chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa với con tim rộng mở và chân thành, để Mẹ hướng dẫn các tư tưởng, các lựa chọn và hành động của chúng ta mỗi ngày.

Nguồn: archivioradiovaticana.va