Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 18 Thường Niên năm B (05.08.2018) - Cơn đói của linh hồn Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 18 Thường Niên năm B (02.08.2015) - Vượt quá các nhu cầu vật chất |
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 18 Thường Niên năm B (04.08.2024) - Của cải vật chất không lấp đầy cuộc sống
Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!
Hôm nay Tin Mừng kể cho chúng ta về Chúa Giêsu, Người đã mời gọi đám đông đang tìm kiếm Người sau phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, hãy suy ngẫm về những gì đã xảy ra để hiểu được ý nghĩa thực sự (x. Ga 6:24-35).
Đám đông đã ăn một bữa ăn được chia sẻ và đã chứng kiến việc làm thế nào với một ít tài nguyên, bằng sự quảng đại và can đảm của một cậu bé khi cậu chia sẻ những gì mình có cho người khác, mọi người đã được ăn no nê (xem Ga 6,1-13). Dấu hiệu thật rõ ràng: nếu mỗi người cho người khác những gì họ có, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, thì dù ít, tất cả mọi người cũng có thể có được thứ gì đó.
Nhưng họ không hiểu: họ tưởng nhầm Chúa Giêsu là một ảo thuật gia và họ quay lại tìm Người, hy vọng Người sẽ lặp lại phép lạ như thể đó là một phép thuật (xem c. 26).
Họ là những nhân vật chính của một kinh nghiệm trên bước đường của họ, nhưng họ không hiểu được ý nghĩa: sự chú ý của họ chỉ tập trung vào bánh và cá, vào lương thực vật chất, điều này kết thúc ngay lập tức. Họ không nhận ra rằng đây chỉ là một phương tiện qua đó Chúa Cha, khi thỏa mãn cơn đói của họ, đã mạc khải cho họ một điều quan trọng hơn nhiều. Chúa Cha đã mạc khải điều gì? Con đường sự sống tồn tại vĩnh cửu và hương vị của bánh vượt trên mọi phép đo lường. Tóm lại, bánh đích thực là Chúa Giêsu, là Con yêu dấu đã làm người (xem câu 35), Đấng đã đến chia sẻ sự nghèo khó của chúng ta để hướng dẫn chúng ta đến niềm vui hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và với anh chị em chúng ta (xem Ga 3,16).
Của cải vật chất không lấp đầy cuộc sống. Chúng giúp chúng ta tiến về phía trước và quan trọng nhưng chúng không lấp đầy cuộc sống. Chỉ có tình yêu mới làm được điều đó (xem Ga 6,35). Và để điều này xảy ra, con đường phải đi là con đường bác ái, không giữ gì cho riêng mình nhưng chia sẻ mọi thứ. Lòng bác ái chia sẻ tất cả.
Và điều này chẳng phải cũng xảy ra trong gia đình chúng ta sao? Chúng ta đều thấy. Chúng ta hãy nghĩ đến những bậc cha mẹ phải vất vả cả đời để nuôi dạy con cái và để lại cho chúng một điều gì đó cho tương lai. Thật đẹp biết bao khi thông điệp này được hiểu, và con cái biết ơn cha mẹ, và đến lượt họ, họ sẽ giúp đỡ nhau như anh chị em. Tuy nhiên, thật đáng buồn khi họ tranh giành quyền thừa kế - tôi đã thấy nhiều trường hợp thật đáng buồn - họ tranh giành nhau, cũng chẳng nói với nhau qua nhiều năm chỉ vì tiền. Thông điệp của cha và mẹ, di sản quý giá nhất cho con cái, không phải là tiền bạc, nhưng là tình yêu Tình yêu là thứ mà qua đó họ cho con cái tất cả những gì họ có, giống như Thiên Chúa đã làm với chúng ta, và như thế họ dạy cho con cái biết yêu thương.
Vậy chúng ta hãy tự hỏi: tôi liên hệ như thế nào với của cải vật chất? Tôi là nô lệ của chúng hay tôi sử dụng chúng với sự tự do như những phương tiện để cho và nhận tình yêu? Tôi có biết nói “cám ơn” với Thiên Chúa và với anh chị em về những món quà đã nhận được và tôi có biết chia sẻ với người khác không?
Xin Mẹ Maria, Đấng đã trao hiến cho Chúa Giêsu cả cuộc đời, dạy chúng ta biến mọi sự trở thành khí cụ của tình yêu.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 18 Thường Niên năm B (01.08.2021) - Cần tự hỏi tại sao tôi tìm kiếm Chúa?
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Phần mở đầu của Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay (x. Ga 6, 24-35) cho chúng ta thấy một số con thuyền tiến về Ca-phác-na-um: đám đông đang đi tìm Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nghĩ rằng đó là một điều rất tốt. Tuy nhiên, Tin Mừng dạy chúng ta rằng tìm kiếm Chúa thôi chưa đủ, chúng ta còn phải tự hỏi: tại sao chúng ta tìm kiếm Người. Thật vậy, Chúa Giê-su khẳng định: “Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng bởi vì các ông đã được ăn bánh no nê” (c. 26). Thật vậy, người ta đã chứng kiến sự kỳ diệu của việc hoá bánh ra nhiều, nhưng không hiểu được ý nghĩa của cử chỉ đó: họ đã dừng lại ở phép lạ bên ngoài và dừng lại ở chiếc bánh vật chất: họ chỉ ở đó, không đi xa hơn đến ý nghĩa của điều này.
Vì vậy, đây là một câu hỏi đầu tiên mà tất cả chúng ta có thể tự hỏi: tại sao chúng ta tìm kiếm Chúa? Tại sao tôi tìm kiếm Chúa? Đâu là lý do cho đức tin của tôi, cho đức tin của chúng ta? Chúng ta cần phải phân biệt điều này, bởi vì trong số rất nhiều cám dỗ mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống, trong số rất nhiều cám dỗ, có một cám dỗ mà chúng ta có thể gọi là cám dỗ thần tượng. Đó là điều thúc đẩy chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa để sử dụng và tiêu dùng, để giải quyết các vấn đề, để nhờ vả Người về những gì chúng ta không thể tự mình có được, vì mối lợi. Nhưng với cách này, đức tin vẫn còn hời hợt và đức tin vẫn là chạy theo dấu lạ: chúng ta tìm kiếm Chúa để nuôi sống mình và sau đó chúng ta quên Người khi chúng ta no đủ. Ở trung tâm của đức tin non nớt này, không có Chúa, chỉ có những nhu cầu của chúng ta. Tôi nghĩ đến sở thích của chúng ta, nhiều thứ ... Chúng ta trình bày những nhu cầu của mình với Chúa là đúng, nhưng trên hết Chúa, Đấng hành động vượt xa sự mong đợi của chúng ta, mong muốn sống với chúng ta bằng một mối quan hệ yêu thương. Và tình yêu đích thực là vị tha, là hoàn toàn nhưng không, miễn phí: người ta không yêu để nhận lại một mối lợi!
Một câu hỏi thứ hai có thể giúp ích cho chúng ta, câu hỏi mà đám đông hỏi Chúa Giê-su: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn” (c. 28). Điều này giống như, được Chúa Giêsu gợi mở, họ hỏi: “Làm sao chúng tôi có thể thanh lọc việc tìm kiếm Thiên Chúa của chúng tôi? Làm thế nào để chuyển từ một đức tin tìm dấu lạ, vốn chỉ nghĩ đến nhu cầu của bản thân, sang một đức tin đẹp lòng Chúa?”. Và Chúa Giêsu đã chỉ đường: Người trả lời rằng việc Chúa muốn các ông làm là đón nhận Đấng mà Chúa Cha đã sai đến, tức là đón tiếp chính Người, Giêsu, chứ không phải là làm thêm các thực hành tôn giáo hay tuân giữ các giới luật đặc biệt; là chào đón Chúa Giêsu, đón nhận Người vào cuộc sống chúng ta, là sống một câu chuyện tình yêu với Chúa Giêsu. Chính Người sẽ thanh luyện đức tin của chúng ta. Một mình chúng ta không thể. Nhưng Chúa mong muốn có một mối tương quan yêu thương với chúng ta: yêu mến Người trước những điều chúng ta lãnh nhận và làm. Có một mối tương quan với Người, vượt lên trên luận lý lợi ích và toan tính.
Điều này đúng trong tương quan với Thiên Chúa, nhưng nó cũng đúng trong các mối quan hệ giữa con người và xã hội chúng ta: khi chúng ta chỉ lo tìm kiếm sự thỏa mãn nhu cầu của mình, chúng ta có nguy cơ sử dụng con người và khai thác các hoàn cảnh cho mục đích của mình. Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe người nào đó nói: “Họ sử dụng người ta rồi họ quên”. Sử dụng người khác vì lợi ích cá nhân: Thật là tồi tệ. Và một xã hội tập trung vào lợi ích thay vì con người là một xã hội không tạo ra sự sống. Lời mời gọi của Tin Mừng là thế này: thay vì chỉ quan tâm đến bánh vật chất nuôi sống chúng ta, chúng ta chào đón Chúa Giêsu như bánh hằng sống và bắt đầu từ tình bạn với Người, chúng ta học cách yêu thương nhau. Miễn phí và không tính toán. Yêu một cách tự do, không tính toán, không lợi dụng người khác, với tính nhưng không, với lòng quảng đại và cao cả.
Chúng ta cầu xin Đức Thánh Trinh Nữ, đấng đã sống một câu chuyện tình yêu đẹp nhất với Thiên Chúa, ban cho chúng ta ân sủng để chúng ta mở lòng gặp gỡ Con của Mẹ.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 18 Thường Niên năm B (05.08.2018) - Cơn đói của linh hồn
Anh chị em thân mến,
Trong những Chúa nhật gần đây, phụng vụ trình bày cho chúng ta thấy hình ảnh đầy dịu hiền của Chúa Giêsu khi Ngài đi gặp gỡ đám đông dân chúng và giúp giải quyết những điều họ cần thiết. Trong đoạn Tin mừng hôm nay (Ga 6, 24-35), khung cảnh đã thay đổi: đó là đám đông đã được Chúa Giêsu làm dịu cơn đói, lại bắt đầu tìm kiếm Chúa, đi gặp Chúa. Nhưng đối với Chúa Giêsu, dân chúng tìm kiếm Ngài thôi chưa đủ, Ngài muốn họ biết Ngài, Ngài muốn rằng họ tìm kiếm và gặp gỡ Ngài vì những nhu cầu vượt trên sự thỏa mãn nhất thời về những nhu cầu vật chất.
Chúa Giêsu đã đến để mang cho chúng ta nhiều hơn thế; Ngài đến để hướng mở sự hiện hữu của chúng ta đến một chân trời rộng mở hơn so với những lo lắng quan tâm hàng ngày về cơm ăn áo mặc, về danh vọng và rồi sẽ qua đi. Bởi thế, Chúa nói với đám đông: “Các ngươi tìm ta không phải vì đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã ăn bánh và được no thỏa.” (c. 26). Ngài khuyến khích họ tiến thêm một bước, tự hỏi mình về ý nghĩa của phép lạ, và không chỉ hưởng thụ chúng. Thật ra, việc làm cho bánh và cá hóa ra nhiều là dấu chỉ của một quà tặng lớn lao mà Chúa Cha đã ban cho nhân loại và đó là chính Chúa Giêsu!
Ngài chính là bánh sự sống thật (c. 35), muốn xoa dịu không chỉ cơn đói thể xác nhưng cả cơn đói của linh hồn khi ban lương thực thiêng liêng có thể thỏa mãn cơn đói sâu thẳm nhất. Vì vậy Ngài mời gọi đám đông đừng tìm kiếm lương thực hư nát, nhưng hãy tìm thứ lương thực tồn tại cho sự sống vĩnh cửu (c. 27). Đó là lương thực mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta mỗi ngày: Lời của Ngài, Mình Ngài, Máu Ngài.
Đám đông lắng nghe lời mời gọi của Chúa nhưng họ không hiểu ý nghĩa lời Ngài –cũng như nhiều lần xảy ra với chúng ta – và họ hỏi Ngài: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” (c 28). Những thính giả của Chúa Giêsu nghĩ rằng Ngài yêu cầu họ tuân giữ các điều luật để có thể có những phép lạ khác như phép lạ hóa bánh ra nhiều. Điều này là một cám dỗ chung, đó là giảm thiểu tôn giáo đến mức độ chỉ cần thi hành các lề luật, thiết lập mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa theo hình ảnh mối quan hệ giữa các tôi tớ và người chủ: các tôi tớ phải làm các công việc chủ giao để được chủ nhân từ, đối xử tốt. Điều này tất cả chúng ta điều biết. Do đó đám đông muốn Chúa Giêsu chỉ cho họ biết những việc phải làm để làm hài lòng Thiên Chúa.
Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu không phải là điều họ chờ đợi: “Đây là công việc của Thiên Chúa: các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến” (c, 29). Những lời này của Chúa Giêsu cũng nói với cả chúng ta ngày nay: công việc của Thiên Chúa không phải là “làm” điều này điều kia, mà là “tin” vào Đấng Ngài sai đến; nghĩa là niềm tin vào Chúa Giêsu giúp chúng ta thực hiện những việc làm của Thiên Chúa. Nếu chúng ta để cho mình tham dự vào mối tương quan tình yêu và tin tưởng với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ có thể thực hiện những việc tốt lành tỏa hương thơm của Tin mừng, vì thiện ích và nhu cầu của anh chị em.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đừng quên rằng, nếu những lo lắng quan tâm về lương thực vật chất cần thiết thì việc vun trồng mối quan hệ với Ngài, củng cố niềm tin vào Ngài – Đấng là bánh sự sống, đã đến để giải cơn đói chân lý, cơn đói công bình và tình yêu của chúng ta – còn quan trọng hơn thế nữa.
Xin Đức Trinh nữ Maria, trong ngày chúng ta mừng lễ cung hiến đền thờ Đức Bà Cả ở Roma, Phần Rỗi của dân Roma, nâng đỡ chúng ta trên hành trình đức tin và giúp chúng ta phó thác chính mình cách vui tươi cho kế hoạch của Thiên Chúa dành cho cuộc đời chúng ta.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 18 Thường Niên năm B (02.08.2015) - Vượt quá các nhu cầu vật chất
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong ngày Chúa Nhật hôm nay tiếp tục bài đọc chương 6 Phúc Âm thánh Gioan. Sau việc nhân bánh ra nhiều dân chúng tìm Chúa Giêsu và sau cùng họ tìm thấy Người gần Capharnaum. Người hiểu rõ mục đích của sự hăng hái theo Người và vén mở nó một cách rõ ràng: “Các ngươi tìm tôi không phải vì các ngươi đã trông thấy các dấu lạ, nhưng vì đã ăn bánh và đuợc no nê” (Ga 6,26). Thật ra, những người ấy theo Chúa Giêsu vì bánh vật chất, mà hôm trước đã làm dịu cái đói của họ, khi Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều. Họ đã không hiểu rằng bánh đó bẻ ra cho biết bao người, cho nhiều người, diễn tả tình yêu của chính Chúa Giêsu.
Họ đã ban cho bánh đó nhiều giá trị hơn là Người cho bánh. Trước sự mù lòa tinh thần này Chúa Giêsu minh nhiên sự cần thiết đi xa hơn việc thỏa mãn lập tức các nhu cầu vật chất, và khám phá ra, nhận biết Đấng ban ơn, chính Thiên Chúa là ơn và là Đấng ban ơn. Và như thế từ bánh đó, từ cử chỉ đó dân chúng có thể tìm thấy Đấng cho nó là Thiên Chúa. Người mời gọi rộng mở cho một viễn tượng không chỉ là viễn tượng của các lo lắng thường ngày cho ăn, mặc, thành công, chức tước. Chúa Giêsu nói tới một lương thực khác, một thứ lương thực không thể hư nát; và tìm kiếm và tiếp nhận nó là điều tốt. Ngài khích lệ: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực không kéo dài, nhưng vì lương thực tồn tại cho cuộc sống vĩnh cửu mà Con Người sẽ ban cho” (c.27). Nghĩa là kiếm tìm ơn cứu rỗi, gặp gỡ với Thiên Chúa.
Với các lời này Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng, ngoài cái đói của thân xác, con người còn mang trong mình một cái đói khác - tất cả chúng ta đều có cái đói này - một cái đói quan trọng hơn, không thể được làm no nê với thực phẩm thường tình. Đó là cái đói sự sống, cái đói sự vĩnh cửu, mà chỉ có Chúa Giêsu mới có thể thỏa mãn được mà thôi, vì Ngài là bánh sự sống (c. 35). Chúa Giêsu không loại bỏ sự lo lắng và kiếm tìm lương thực hàng ngày, không, Ngài không loại bỏ sự lo lắng cho tất cả những gì có thế khiến cho cuộc sống con người tiến bộ hơn.
Chúa Giêsu nhắc cho chúng ta biết rằng ý nghĩa đích thật cuộc sống của chúng ta trên trần gian này là ở tận cùng, trong sự vĩnh cửu, trong sự gặp gỡ với Ngài, là ơn và là Đấng ban ơn; và Ngài cũng nhắc cho chúng ta nhớ rằng lịch sử con người, với các khổ đau và niềm vui của nó, phải được sống trong một chân trời của sự vĩnh cửu, nghĩa là trong chân trời của cuộc gặp gỡ vĩnh viễn với Ngài. Và cuộc gặp gỡ này soi sáng tất cả mọi ngày sống của cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ tới cuộc gặp gỡ này, nghĩ tới ơn lớn lao này, nghĩ tới các ơn bé nhỏ của cuộc sống, cả các khổ đau, các lo lắng sẽ được soi sáng bởi niềm hy vọng của cuộc gặp gỡ đó. “Ta là bánh sư sống, ai đến với Ta sẽ không còn đói nữa, và ai tin vào Ta sẽ không bao giờ khát nữa” (c.35). Và diều này quy chiếu về Thánh Thể là ơn lơn nhất no thoả linh hồn và thân xác. Gặp gỡ và tiếp đón trong chúng ta Chúa Giêsu, “bánh sự sống”, trao ban ý nghĩa và niềm hy vọng cho con đường thường cong queo của cuộc sống. Nhưng “bánh sự sống “ này được ban cho chúng ta như là một nhiệm vụ, nghĩa là để tới lượt mình chúng ta làm no thoả cái khát tinh thần và vật chất của các anh chị em khác, bằng cách loan báo Tin Mừng khắp nơi. Với chứng tá của thái độ sống huynh đệ và liên đới đối với tha nhân, chúng ta khiến cho Chúa Kitô và tình yêu của Ngài hiện diện giữa loài người.
Xin Đức Trinh Nữ Thánh nâng đỡ chúng ta trong việc kiếm tìm và bước theo Con Mẹ là Chúa Giêsu, “bánh thật”, bánh hằng sống không hư nát và kéo dài cho cuộc sống vĩnh cửu.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 18 Thường Niên năm B (05.08.2012) - Tìm kiếm và tin vào Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống
Anh chị em thân mến,
Bài đọc chương sáu của Phúc âm thánh Gioan tiếp tục trong Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật này. Chúng ta đang ở trong hội đường Capharnaum, nơi Chúa Giêsu đã đưa ra bài giảng nổi tiếng của Người sau khi hóa bánh ra nhiều. Dân chúng đã tìm cách tôn Người làm vua, nhưng Chúa Giêsu đã rút lui trước hết là lên núi với Thiên Chúa Cha, rồi về làng Capharnaum. Khi không thấy Người, họ lên thuyền sang bờ hồ bên kia và sau cùng đã tìm thấy Người. Nhưng Chúa Giêsu biết rõ lý do của sự hăng hái ấy trong việc theo Người và Người nói rõ lên điều đó: “Các ngươi tìm Ta không phải vì đã trông thấy các dấu lạ gậy ấn tưng cho con tim, nhưng bởi vì đã được ăn bánh no nê”.
Chúa Giêsu muốn giúp người ta đi xa hơn việc thỏa mãn tức khắc các nhu cầu vật chất, dù chúng quan trọng. Người muốn mở ra một chân trời của sự hiện hữu, không phải chỉ đơn thuần là chân trời của các lo lắng thường ngày cho việc ăn, mặc và chức tước. Chúa Giêsu nói tới một lương thực không hư nát, quan trọng, cần phải tìm kiếm và tiếp nhận. Người khẳng định: ”Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ngươi” (Ga 6,27).
Đám đông không hiểu, họ tin rằng Chúa Giêsu đòi họ tuân giữ các điều luật để có thể tiếp tục có phép lạ, nên hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” (c. 28). Câu trả lời của Chúa Giêsu rõ ràng: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ngươi làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (c.29). Trung tâm cuộc sống, điều trao ban ý nghĩa và hy vọng vững vàng cho con đường thường khó khăn của cuộc sống là niềm tin nơi Đức Giêsu, là việc gặp gỡ Chúa Kitô.
Cả chúng ta nữa chúng ta cũng hỏi: “Chúng con phải làm gì để có sự sống đời đời?” Và Chúa Giêsu nói: “Hãy tin vào Ta”. Đức tin là điều nền tảng. Ở đây không phải là theo một ý tưởng, một dự án, mà là gặp gỡ Chúa Giêsu như một Người sống động, để cho mình hoàn toàn bị Người và Tin Mừng của Người lôi cuốn. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta không đừng lại ở chân trời thuần túy nhân loại, nhưng mở rộng cho chân trời của Thiên Chúa, chân trời của niềm tin. Người chỉ đòi hỏi một công việc duy nhất: tiếp nhận chương trình của Thiên Chúa, nghĩa là “tin nơi Đấng Thiên Chúa đã sai đến” (c. 29).
Ông Môshê đã cho dân Israel bánh manna, bánh từ trời, qua đó chính Thiên Chúa đã nuôi dân Người. Chúa Giêsu không cho đi cái gì, nhưng cho đi chính Người: chính Người là bánh thật, từ trời xuống”, chính Người là Lời hằng sống của Thiên Chúa Cha. Khi gặp gỡ Người là chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống.
“Chúng tôi phải làm gì để thực hiện các công việc của Thiên Chúa?” (c. 28) dân chúng hỏi và sẵn sàng hành động, để cho phép lạ hóa bánh ra nhiều tiếp tục. Nhưng Chúa Giêsu, bánh thật của sự sống thỏa mãn cái đói ý nghĩa, đói sự thật của chúng ta, mà không thể ”có được” với việc làm của con người, chỉ đến với chúng ta như là ơn tình yêu thương của Thiên Chúa, như là công việc của Thiên Chúa, cần cầu xin và tiếp nhận.
Các bạn thân mến, trong các ngày đầy bận rộn và vấn đề, cũng như trong các ngày nghỉ ngơi giản xã này, Chúa mời gọi chúng ta đừng quên rằng: nếu cần phải lo lắng cho bánh vật chất và củng cố sức lực, thì lại càng nền tảng hơn làm cho tương quan của chúng ta với Người gia tăng, củng cố đức tin của chúng ta nơi Đấng là ”bánh sự sống”, Đấng làm tràn đầy ước mong chân lý và tình yêu của chúng ta. Xin Đức Trinh Nữ Maria, mà hôm nay chúng ta kính nhớ lễ thánh hiến Vương cung thánh đường Đức Bà Cả ở Roma, nâng đỡ chúng ta trên con đường lòng tin.
Nguồn: archivioradiovaticana.va