Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 15 Thường niên năm C (11/7/2010) - Lý luận của tình yêu |
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 15 Thường niên năm C (10/7/2022) - Hãy nhìn và chạnh lòng thương như người Samaria
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay thuật lại dụ ngôn Người Samaria nhân hậu (x. Lc 10,25-37) mà chúng ta đều biết rõ. Bối cảnh của câu chuyện là con đường từ Giêrusalem đi xuống Giêrikhô; dọc con đường đó, có một người đàn ông bị những kẻ cướp đánh đập nhừ tử và cướp sạch. Một thầy tư tế đi ngang qua, nhìn thấy người này, nhưng không dừng lại; ông tránh qua một bên mà đi. Một thầy Lê-vi, người phục vụ trong đền thờ, cũng làm điều tương tự. Phúc Âm cho biết, "Nhưng một người Samaria đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương" (c. 33).
Anh chị em đừng quên câu này: "Ông chạnh lòng thương". Đó là điều mà Thiên Chúa cảm thấy mỗi khi Người nhìn thấy chúng ta gặp vấn đề, phạm tội, đau khổ. Người chạnh lòng thương.
Thánh sử Luca nói rõ rằng người Samaria này đang trên hành trình. Vì vậy, mặc dù đã có những kế hoạch riêng và đang đi đến một nơi xa, người Samaria đó không viện cớ nhưng để cho mình tham gia vào những gì đã xảy ra trên đường. Chúng ta hãy suy nghĩ: chẳng phải Chúa đang dạy chúng ta làm điều đó sao? Để nhìn về phía xa, để đến đích đến cuối cùng của chúng ta, hãy chú ý đến các bước cần thực hiện, ở đây và bây giờ, để đến được đó.
Thật là ý nghĩa khi các Kitô hữu tiên khởi được gọi là "những người đi theo Con Đường" - (những người theo Đạo) (x. Cv 9,2). Trên thực tế, người tín hữu rất giống người Samaria - giống như người này, người tín hữu đang trong cuộc hành trình, là một người đang lữ hành. Người tín hữu biết mình là người chưa "đi đến đích", nhưng muốn học hỏi mỗi ngày, bằng cách bước theo Chúa Giêsu, Đấng đã phán: "Ta là đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6). "Ta là đường". Môn đệ của Chúa Kitô bước đi theo Người và do đó trở thành "môn đệ của Con Đường". Người đó đi sau Chúa, không đứng im một chỗ, nhưng luôn bước đi. Trên đường đi, người đó gặp gỡ mọi người, chữa lành bệnh tật, viếng thăm các làng mạc và thành phố. Chúa Giêsu đã làm như thế, luôn luôn trên hành trình.
Do đó, "người môn đệ của Con Đường" - (người theo Đạo) - các Kitô hữu chúng ta, nhận thấy rằng cách suy nghĩ và hành động của mình dần dần thay đổi, ngày càng trở nên phù hợp hơn với suy nghĩ và hành động của Thầy mình. Đi theo bước của Chúa Kitô, người môn đệ trở thành một người lữ hành và - giống như người Samaria - học nhìn thấy và chạnh lòng thương. Trước hết là nhìn thấy, nghĩa là đôi mắt của họ đang mở ra với thực tế, chứ không phải khép kín một cách ích kỷ trong vòng suy nghĩ của chính mình. Trái lại, thầy tư tế và thầy Lê-vi nhìn thấy người đàn ông bất hạnh, nhưng họ đi ngang qua như không thấy người này. Tin Mừng dạy chúng ta nhìn thấy, nghĩa là hướng dẫn mỗi người chúng ta hiểu đúng về thực tế, ngày từng ngày, vượt qua những định kiến và chủ nghĩa giáo điều. Rất nhiều tín hữu ẩn trú trong chủ nghĩa giáo điều để biện minh cho mình trước sự thật. Tiếp đến, Tin Mừng dạy chúng ta đi theo Chúa Giêsu, bởi vì việc đi theo Chúa Giêsu dạy chúng ta phải chạnh lòng thương - chú ý đến người khác, đặc biệt là những người đau khổ, những người đang gặp khó khăn và can thiệp như người Samaria; dừng lại chứ không tránh đi.
Đứng trước dụ ngôn này của Phúc âm, có thể xảy ra là chúng ta đổ lỗi cho người khác hoặc tự trách mình, chỉ tay về phía người khác và so sánh họ với thầy tư tế hoặc thầy Lê-vi; hay thậm chí là tự trách bản thân, kể lể bao nhiêu lần mình thiếu quan tâm chú ý đến những người xung quanh. Nhưng tôi muốn đề ra một loại tập luyện khác cho tất cả anh chị em. Không phải là thứ trách cứ mình. Chắc chắn là chúng ta phải nhận ra khi chúng ta vô tâm và tự biện minh cho mình. Nhưng chúng ta đừng dừng lại ở đó. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta vượt qua sự thờ ơ ích kỷ và đi theo Con Đường. Chúng ta hãy xin Người cho chúng ta nhìn thấy và chạnh lòng thương những người chúng ta gặp trên đường đi. Đây là một ân sủng và chúng ta phải cầu xin Chúa: "Lạy Chúa xin cho con nhìn thấy, xin cho con biết chạnh lòng thương như Chúa nhìn thấy và chạnh lòng thương con." Đây là lời cầu nguyện tôi đề nghị với anh chị em. "Xin Chúa cho con nhìn thấy và cho con chạnh lòng thương, như Chúa nhìn thấy con và chạnh lòng thương con." Xin cho chúng ta chạnh lòng thương những người chúng ta gặp trên đường, trên hết là những người đau khổ thiếu thốn, để đến gần họ và làm những gì chúng ta có thể làm để giúp họ một tay.
Nhiều khi tôi gặp một Kitô hữu đến nói chuyện thiêng liêng, tôi hỏi người này có bố thí không. Người này trả lời “có”. Tôi nói: “Hãy nói cho tôi biết, bạn có chạm vào tay của người mà bạn cho tiền không?" - "Không, không, con ném ở đó." - "Và bạn có nhìn vào mắt người đó không?" - "Không, con không nghĩ tới." Nếu bạn bố thí mà không đụng chạm đến thực tế, không nhìn vào mắt người khốn khó, thì việc bố thí đó dành cho bạn chứ không phải cho người ấy. Hãy suy nghĩ về nó. Tôi có chạm vào những người khốn khổ không? Tôi có nhìn vào mắt những người cùng khổ, những người tôi giúp đỡ không? Tôi để lại cho anh chị em ý tưởng này: nhìn thấy và chạnh lòng thương.
Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với chúng ta trên hành trình tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng này. Xin Mẹ, Đấng "chỉ cho chúng ta Con Đường", tức là Chúa Giêsu, giúp chúng ta ngày càng trở thành "môn đệ của Con Đường".
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 15 Thường niên năm C (14/7/2019) - Đừng để mình bị sự vô cảm, ích kỷ lôi kéo
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Hôm nay, Tin Mừng thuật lại với chúng ta dụ ngôn nổi tiếng về “người Samari nhân hậu” (x. Lc 10,25-37). Được một tiến sĩ luật hỏi về điều cần thiết phải làm để được hưởng sự sống đời đời, Chúa Giêsu đã mời ông ta tìm câu trả lời trong Kinh Thánh: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình” (c. 27). Tuy nhiên, có những cách giải thích khác nhau về việc ai được xem là “người thân cận”. Thật sự là người đó còn hỏi: “Và ai là người thân cận của tôi?” (c. 29). Về điểm này, Chúa Giêsu trả lời bằng một dụ ngôn, một dụ ngôn rất đẹp. Tôi mời gọi anh chị em, hôm nay, cầm sách Tin Mừng Luca và đọc dụ ngôn ở chương 10 câu 25, là một trong những dụ ngôn hay nhất. Dụ ngôn này đã trở thành mô thức cho đời sống Kitô hữu và thành gương mẫu cho cách hành xử của một Kitô hữu. Nhờ thánh sử Luca chúng ta có được kho báu này.
Nhân vật chính trong trình thuật ngắn là một người xứ Samaria. Trên đường đi, ông đã gặp một người bị những tên cướp cướp của và đánh đập. Chúng ta biết rằng người Do thái khinh khi người Samaria, xem họ là dân ngoại bang so với dân tộc được tuyển chọn. Do đó không phải tình cờ mà Chúa Giêsu đã chọn chính người Samari như nhân vật chính diện của dụ ngôn. Bằng cách này, Chúa muốn vượt qua định kiến, chỉ cho thấy rằng ngay cả một người dân ngoại, ngay cả một người không biết Thiên Chúa thật và không đến đền thờ, có thể hành xử theo ý Chúa khi bày tỏ lòng xót thương đối với người anh em khốn khổ và cứu giúp anh ta với tất cả điều kiện mà ông có thể.
Trên con đường ấy, trước người Samaritano, đã có một tư tế và một thầy Lêvi đi ngang qua. Họ nhìn thấy con người đáng thương nằm trên đất, họ đã đi ngang qua mà không dừng lại, có thể là để không bị ô uế bởi máu của người bị nạn. Họ đã đặt luật con người, bị trói buộc với nghi lễ, lên trên trước giới răn quan trọng của Chúa, là giới răn muốn lòng thương xót trước hết.
Do đó, Chúa Giêsu đã xem người Samari như là gương mẫu, một người không có đức tin! Chúng ta cũng hãy nghĩ đến rất nhiều người mà chúng ta biết, họ làm điều tốt. Chúa Giêsu đã chọn một người không có đức tin để làm gương mẫu. Người này, khi yêu thương anh em như chính mình, chứng tỏ mình yêu mến Thiên Chúa với tất cả tâm hồn và sức lực và đồng thời, vừa diễn tả tinh thần tôn giáo thật sự vừa diễn tả tấm lòng hết sức nhân đạo.
Sau khi đã kể dụ ngôn rất hay này, Chúa Giêsu lại hướng về vị tiến sĩ luật đã hỏi Chúa “ai là người thân cận của tôi?”, và nói với ông: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (c. 36). Bằng cách này, Chúa đã đảo lộn câu hỏi của người hỏi và cũng là đảo lộn lối lý luận của tất cả chúng ta. Nó giúp chúng ta hiểu rằng không phải chúng ta, dựa trên những tiêu chuẩn của chúng ta, định nghĩa ai là người thân cận và ai không phải, nhưng chính người ở trong hoàn cảnh hoạn nạn là người phải có thể nhận biết ai là người thân cận của mình, nghĩa là “người có lòng thương xót với mình” (c. 37). Có khả năng thương xót: đây là chìa khóa.
Nếu bạn đứng trước một người hoạn nạn mà bạn không có lòng thương xót, nếu trái tim bạn không rung động, thì có nghĩa là có điều gì đó không ổn. Bạn hãy chú ý, chúng ta phải để ý. Đừng để chúng ta bị sự vô cảm ích kỷ lôi kéo. Khả năng thương xót trở thành hòn đá thử vàng của Kitô hữu, đó là giáo huấn của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu là lòng trắc ẩn của Chúa Cha đối với chúng ta. Nếu bạn đi xuống phố và thấy một người đàn ông vô gia cư đang nằm đó, và bạn đi qua mà không hề nhìn anh ta, hoặc có lẽ bạn nghĩ: "Chà, tác dụng của rượu. Một người say rượu”. Đừng tự hỏi xem người đàn ông đó có say không; hãy tự hỏi xem trái tim bạn có bị chai cứng không, trái tim bạn có trở thành băng giá không.
Kết luận này chứng tỏ rằng lòng thương xót đối với cuộc sống con người đang khốn khổ là gương mặt thật sự của tình yêu. Và như thế họ trở thành các môn đệ thật sự của Chúa Giêsu và tỏ bày gương mặt của Chúa Cha: “Các con hãy có lòng thương xót, như Cha các con là đấng thương xót” (Lc 6,36). Thiên Chúa, Cha của chúng ta có lòng thương xót, bởi vì Người cảm thương; Người có khả năng thương xót, đến gần với nỗi đau của chúng ta, với tội lỗi, tính xấu và sự khốn cùng của chúng ta.
Xin Đức Maria giúp chúng ta hiểu và nhất là luôn sống hơn nữa mối liên kết không thể phá vỡ giữa tình yêu dành cho Thiên Chúa, Cha của chúng ta, và tình yêu cụ thể và quảng đại đối với anh em của chúng ta và xin Người ban cho chúng ta có lòng thương xót và lớn lên trong sự cảm thương.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 15 Thường niên năm C (10/7/2016) - Đức tin sinh hoa trái qua các công việc lành
Anh chị em thân mến,
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta câu chuyện ngụ ngôn về "Người Samaritano nhân hậu", được trích từ Tin mừng Luca (10:25-37). Trình thuật dụ ngôn đơn sơ và kích thích này cho thấy một kiểu sống, mà trọng tâm không phải là chính chúng ta mà là các người khác, với các khó khăn của họ, mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời và họ gọi hỏi chúng ta. Những người khác gọi hỏi chúng ta; và khi họ không gọi hỏi chúng ta, thì có cái gì đó không ổn; có cái gì đó không là kitô trong con tim ấy. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này trong cuộc đối thoại với một tiến sĩ luật, liên quan tới giới răn hai chiều cho phép bước vào cuộc sống đời đời: yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu mến tha nhân như chính mình (cc.25-28). “Đúng, ông tiến sĩ luật trả lời, nhưng xin cho tôi biết ai là người thân cận của tôi? (c. 29). Cả chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi: ai là người thân cận của tôi? Ai là người tôi phải yêu mến như chính tôi? Cha mẹ tôi? Bạn bè tôi? Các người đồng hương với tôi? Các người có cùng tôn giáo với tôi? Ai là người thân cận của tôi?
Và Chúa Giêsu trả lời với dụ ngôn này. Có một người kia, từ Giêrusalem xuống Giêricô, đã bị cướp tấn công, hành hung và bỏ rơi. Trên con đường đó trước hết có một tư tế đi qua, rồi một lêvi, là những người tuy trông thấy người bị thương, nhưng không dừng lại và đi thẳng (cc.31.32). Rồi có một người Samaritano đi ngang qua, nghĩa là một dân thành Samaria, và như là người Samaritano họ bị người do thái khinh bỉ, bởi vì họ không tuân giữ tôn giáo thật; nhưng trái lại, chính ông ta là người “cảm thương”, khi trông thấy kẻ bị nạn tội nghiệp ấy. Ông tới gần, băng bó các vết thương… đem tới một quán trọ và lo lắng cho người ấy” (cc. 33-34); và ngày hôm sau ông ta phó thác người ấy cho chủ quán trọ săn sóc, trả tiền cho chủ quán và nói rằng ông cũng sẽ trả mọi sự còn lại (c. 35).
Tới đây Chúa Giêsu quay qua hỏi vị tiến sĩ luật: “Ai trong ba người – vị tư tế, thầy lêvi, người samaritano – đối với ông là ngưòi thân cận của kẻ đã bị rơi vào tay bọn cướp?” Và dĩ nhiên là người thông minh ông ấy trả lời: “Đó là người đã cảm thương anh ta?” (cc. 36-37), Trong cách thế đó Chúa Giêsu đã lật ngược hoàn toàn viễn tượng ban đầu của vị tiến sĩ luật - và cũng là của chúng ta ! -: tôi không được lên danh sách các người khác để quyết định ai là người thân cận của tôi – tuỳ thuộc tôi có là, hay không là người thân cận của người tôi gặp và cần được giúp đỡ, cả khi có là người xa lạ hay thù nghịch. Và Chúa Giêsu kết luận: “Ông hãy đi và làm như vậy” (c. 37). Thật là bài học đẹp! Và Chúa Giêsu lập lại với từng người trong chúng ta: “Con hãy đi và cũng hãy làm như vậy”. Làm các việc lành, chứ không chỉ nói các lời bay trong gió mà thôi. Tôi nghĩ tới một bài hát: “Lời nói, lời nói, lời nói”. Không, hãy làm, hãy làm. Và ĐTC khẳng định:
Chính qua các việc lành chúng ta làm cho người thân cận với tình yêu thương và niềm vui mà đức của chúng ta nẩy mầm và sinh hoa trái. Chúng ta hãy tự hỏi – mỗi người hãy tự trả lời trong tim – chúng ta hãy tự hỏi: đức tin của chúng ta có phong phú không? Đức tin của chúng ta có sản xuất các việc tốt lành không? Hay nó cằn cỗi và vì thế chết hơn là sống? Tôi có tới gần không hay chỉ đi qua bên cạnh? Tôi có thuộc số những người tuyển lựa người ta theo sở thích riêng không? Thật là tốt đặt ra các câu hỏi này cho chính chúng ta, và đặt ra thường xuyên, bởi vì sau cùng chúng ta sẽ bị phán xử dựa trên các công việc của lòng thương xót. Chúa sẽ có thể nói với chúng ta: “Còn con, con có nhớ lần ấy trên đường từ Giêrusalem xuống Giêricô không? Người dở sống dở chết đó đã là Cha? Con có nhớ không? Đứa trẻ đói khát đó đã là Cha. Con có nhớ không? Người di cư, mà biết bao người muốn đuổi đi đó, đã là Cha. Các ông bà nôji ngoại cô đơn, bị bỏ rơi trong các nhà hữu dưỡng đó đã là Cha. Người đau yếu cô đơn trong nhà thương không có ai đến thăm đó đã là Cha.
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta bước đi trên con đường của tình yêu thương, tình yêu thương quảng đại đối với nhũng người khác, con đường của người samaritano nhân lành. Xin Mẹ giúp chúng ta sống giới răn chính yếy mà Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta. Và đây là con đường để bước vào cuộc sống vĩnh cửu.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 15 Thường niên năm C (14/7/2013) - Hãy bắt chước chính lòng thương xót của Thiên Chúa
Anh chị em thân mến,
Bài Tin Mừng hôm nay, trong chương thứ 10 của Thánh Luca, là một dụ ngôn nổi tiếng về người Samaritanô nhân hậu. Người đàn ông này là ai? Là một người nào đó, đi từ Giêrusalem tới Giêricô trên con đường ngang qua sa mạc Giuđêa. Trước đó ít lâu, trên con đường này, có một người bị bọn cướp tấn công, bị cướp hết mọi thứ, bị đánh đập và bị bỏ mặc nửa sống nửa chết.
Trước khi người Samaritanô đi ngang qua, có một thầy Tư tế và Lêvi cũng đi ngang qua, họ là những người tham gia vào việc phụng tự trong đền thờ của Thiên Chúa. Họ cũng thấy người đàn ông tội nghiệp này, nhưng họ đi ngang qua mà không dừng lại. Trong khi đó, người Samaritanô đi ngang qua, ông đã thấy, và “chạnh lòng thương” (Lc 10,33). Ông đến gần và băng bó vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc và trả mọi chi phí cho anh. Vì thế, người này quan tâm chăm sóc anh ta: ông chính là một mẫu gương về tình yêu đối với tha nhân. Nhưng tại sao Đức Giêsu lại chọn người Samaritanô là nhân vật chính của dụ ngôn? Bởi vì những người Samaria là những người bị người Do thái xem thường, vì sự khác biệt về truyền thống tôn giáo. Thế nhưng Đức Giêsu lại chỉ ra rằng, trái tim của người Samaritano đầy tốt lành và quảng đại – không giống như những thầy tư tế và Lêvi – ông đã thực hành ý muốn của Thiên Chúa, vốn ưa thích lòng nhân hơn của lễ (Mc 12,33). Thiên Chúa luôn muốn lòng thương xót và không kết án ai. Ngài muốn lòng thương xót của con tim, vì Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và Ngài hiểu rất rõ những đau khổ, những khó khăn cũng như tội lỗi của chúng ta. Ngài trao cho tất cả chúng ta trái tìm giàu lòng thương xót này! Người Samaritanô đã làm điều này: bắt chước chính lòng thương xót của Thiên Chúa, lòng thương xót hướng đến những ai cần đến.
Một người đã sống trọn đời sống của người Samaritanô nhân hậu trong bài Tin Mừng hôm nay là vị thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay: Thánh Camilo Lellis, Đấng sáng lập Dòng Tôi Tớ Các Bệnh Nhân, vị thánh bổn mạng các bệnh nhân và những người chăm sóc sức khỏe. Thánh Camilo mất vào ngày 14 tháng 7 năm 1614, và hôm nay mở ra thời gian mừng kính 400 năm mà sẽ đạt đến đỉnh cao trong một năm. Tôi xin hết lòng chúc mừng đến những người con thiêng liêng của thánh Camilo, những người sống đặc sủng đức ái của ngài ngang qua các mối tương quan thường nhật với bệnh nhân. Anh chị em hãy trở thành những người Samaritanô nhân hậu! Và với các thầy thuốc, các y tá, và những người làm việc trong các bệnh viện và bệnh xá, tôi hy vọng anh chị em cũng được nuôi dưỡng bởi cùng một tinh thần ấy. Chúng ta cùng tín thác vào lời cầu bầu của Mẹ Maria.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 15 Thường niên năm C (11/7/2010) - Lý luận của tình yêu
Anh chị em thân mến,
Bài Tin mừng Chúa nhật hôm nay mở đầu với một thắc mắc do một luật gia đặt ra cho Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để thừa hưởng đời sống vĩnh cửu?" (Lc 10,25). Biết rằng ông ta là một chuyên gia về Kinh thánh, Chúa yêu cầu ông ta hãy tự tìm câu giải đáp. Thực vậy, ông ta đã trình bày rất chính xác khi tóm lược hai giới răn chính: Mến Chúa hết lòng, hết trí, hết sức và mến người thân cận như bản thân. Thế rồi ra như để tự biện minh, luật gia hỏi thêm: "Ai là người thân cận của tôi?" (Lc 10,29). Lần này Chúa Giêsu trả lời với dụ ngôn thời danh về người Samari nhân hậu (x. Lc 10,30-37), để chỉ cho chúng ta biết cách trở nên "thân cận" đối với bất cứ ai đang cần được giúp đỡ. Thực vậy, người Samari đã quan tâm đến thân phận của một kẻ vô danh đã bị quân cướp bỏ rơi nửa sống nửa chết bên vệ đường, đang khi một tư tế và một thầy Lêvi đã tránh né, có lẽ bởi vì họ sợ sẽ bị ô uế khi chạm đến máu, dựa theo điều luật Môsê. Vì thế dụ ngôn này thôi thúc chúng ta hãy biến đổi não trạng của mình cho phù hợp với lý luận của Chúa Kitô, tức là lý luận của tình yêu: Thiên Chúa là tình yêu, và phụng thờ Chúa có nghĩa là phục vụ anh em với lòng yêu thương chân thành và quảng đại.
Trình thuật Tin mừng hôm nay cung cấp một "tiêu chuẩn đo lường", nghĩa là "tình yêu đại đồng dành cho người túng thiếu mà ta gặp cách tình cờ" (x. Lc 10,31), bất cứ họ là ai (Thông điệp Deus caritas est số 25). Bên cạnh quy luật phổ quát đó còn có một yêu sách của Giáo hội nữa, đó là "trong Giáo hội, xét là một gia đình, không ai phải chịu đau khổ do sự túng thiếu". Chương trình của một người Kitô hữu, được đào tạo từ lời dạy của Chúa Giêsu, là "một trái tim biết mở đôi mắt" nhìn thấy ở đâu đang cần tình thương, và theo đó mà hành động.
Các bạn thân mến, tôi muốn nhắc nhớ rằng hôm nay Giáo hội kính nhớ thánh Bênêđictô Norcia - thánh Bổn mạng của triều giáo hoàng của tôi - là tổ phụ và nhà lập pháp của các đan sĩ Tây phương. Thánh Grêgôriô Cả mô tả người như là "một con người có cuộc đời thánh thiện do tên gọi và nhờ ơn thánh". Người đã viết một bản luật cho các đan sĩ, như tấm gương phản chiếu lời dạy phát ra từ con người của mình: thực vậy vị thánh không dạy điều gì khác với điều mà mình đã sống". Đức Thánh cha Phaolô VI đã tuyên bố thánh Bênêđictô làm bổn mạng châu Âu ngày 24 tháng 10 năm 1964, nhìn nhận công trình to tác của người đối với việc đào nặn văn minh châu Âu.
Chúng ta hãy ký thác cho Đức Trinh nữ Maria con đường lữ hành đức tin, đặc biệt là trong thời gian nghỉ ngơi này, ngõ hầu tấm lòng chúng ta đừng bao giờ bỏ qua Lời của Chúa và những anh em đang túng thiếu.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 15 Thường niên năm C (15/7/2007) - Tình yêu thương là trọng tâm của cuộc sống Kitô hữu
Anh chị em thân mến,
Mỗi kitô hữu tốt lành đều biết rằng kỳ hè là thời gian thích hợp để cho thân xác được thư giãn, nhưng cũng là thời gian dưỡng nuôi tinh thần, qua những lúc dài hơn dành cho việc cầu nguyện, suy niệm, để lớn lên trong tương quan cá nhân với Chúa Kitô và ngày càng sống phù hợp với các giáo huấn của Chúa hơn. Chẳng hạn hôm nay, phụng vụ mời gọi chúng ta suy tư về dụ ngôn nổi tiếng của người Samaritano nhân hậu (x. Lc 10,25-37). Dụ ngôn dẫn đưa chúng ta vào trọng tâm của sứ điệp tin mừng: đó là tình yêu thương đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Nhưng ai là người thân cận của tôi? người đối thoại hỏi Chúa Giêsu. Và Chúa trả lời qua dụ ngôn, bằng cách chỉ cho thấy rằng mỗi một người trong chúng ta phải là người thân cận với người chúng ta gặp trên đường đời. ”Anh hãy di và làm như vậy” (Lc 10,37). Chúa Giêsu nói: yêu thương là có cung cách hành xử như người Samaritano nhân hậu. Ngoài ra chúng ta cũng biết rằng Người Samaritano nhân hậu tuyệt bảo là chính Chúa Giêsu: tuy là Thiên Chúa, Người đã không ngần ngại hạ mình xuống tới độ làm ngươi và trao ban sự sống cho chúng ta.
Như thế, tình yêu thương là trung tâm của cuộc sống kitô; thật vậy, chỉ có tình yêu thương, do Chúa Thánh Thần khơi dậy nơi chúng ta, mới khiến cho chúng ta trở thành chứng nhân của Chúa Kitô. Tôi đã muốn đề nghị trở lại sự thật tinh thần quan trọng này trong Sứ Điệp cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII, sẽ được công bố vào thứ sáu 20 tháng 7 tới này: ”Các con sẽ có được sức mạnh từ Chúa Thánh Thần, sẽ xuống trên các con và các con sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8). Các bạn trẻ thân mến, đây là đề tài tôi mời gọi các bạn suy tư trong các tháng tới đây, để chuẩn bị cho cuộc hẹn sẽ xảy ra tại Sydney bên Australia, cũng vào những ngày tháng 7 này, trong đúng một năm nữa. Các cộng đoàn của quốc gia thân yêu này đang hăng hái làm việc để tiếp đón các bạn, và tôi biết ơn nỗ lực tổ chức các cộng đoàn này đang làm. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria, mà ngày mai chúng ta kêu cầu như là Trinh Nữ núi Camelo, phó thác cho Mẹ lộ trình chuẩn bị và diễn tiến cuộc gặp gỡ của người trẻ toàn thế giới. Hỡi các bạn trẻ của mọi châu lục, tôi mời gọi các bạn tham gia đông đảo Ngày Quốc Tế Giới Trẻ này.
Nguồn: archivioradiovaticana.va