Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 14 Thường Niên năm B (07.07.2024) - Scandal của đức tin

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 14 Thường Niên năm B (04.07.2021) - Chúng ta có nguy cơ không nhận ra Chúa khi Người đi ngang qua

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 14 Thường Niên năm B (08.07.2018) - Khiêm nhường lắng nghe

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 14 Thường Niên năm B (08.07.2012) - Không ai là tiên tri nơi quê hương của mình


Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 14 Thường Niên năm B (07.07.2024) - Scandal của đức tin

Anh chị em thân mến,

Để đánh thức lại niềm hy vọng của những tấm lòng tan vỡ và trợ giúp những khó khăn trên hành trình, Thiên Chúa luôn cho xuất hiện những vị ngôn sứ trong dân Người. Tuy nhiên, như Bài đọc 1 hôm nay kể cho chúng ta về các biến cố của ngôn sứ Êdêkien, các ngôn sứ thường gặp những dân nổi loạn, “những đứa con cứng đầu cứng cổ” (Ed 2,4), và các ngôn sứ đã bị loại trừ.

Chúa Giêsu cũng trải qua kinh nghiệm tương tự như các ngôn sứ. Người trở về quê hương Nazareth, giữa những người cùng lớn lên với Người, nhưng Người không được nhìn nhận, thậm chí còn bị từ chối: “Người đã đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu trở thành “scandal” đối với họ (Mc 6,3), nhưng từ “scandal” không ám chỉ điều gì thô tục hay khiếm nhã như chúng ta dùng ngày nay; “scandal” có nghĩa là “một tảng đá chắn đường”, tức là một cản vật, một trở ngại, một điều gì đó ngăn trở bạn tiến xa hơn. Chúng ta hãy tự hỏi: đâu là cản vật ngăn trở chúng ta tin vào Chúa Giêsu?

Lắng nghe những lời bàn tán của bà con lối xóm với Người, chúng ta thấy rằng họ chỉ dừng lại ở lịch sử trần thế, nguồn gốc gia đình của Người và do đó, họ không thể giải thích được làm sao con bác thợ mộc Giuse, một người bình thường, lại có sự khôn ngoan và cả khả năng làm những phép lạ như thế. Khi đó, scandal là nhân tính của Chúa Giêsu. Trở ngại ngăn cản những người này nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu là sự thật rằng Đức Giêsu là con người, chỉ đơn giản là con ông Giuse thợ mộc: làm sao Thiên Chúa, Đấng toàn năng, có thể tỏ mình nơi thân xác mỏng dòn của một con người? Làm sao một Thiên Chúa toàn năng và mạnh mẽ, Đấng đã tạo dựng trời đất và giải thoát dân Người khỏi ách nô lệ, lại có thể trở nên yếu đuối đến mức nhập thể nơi thân xác và cúi xuống rửa chân cho các môn đệ? Đây là scandal – là điều gây cản trở.

Anh chị em thân mến, đức tin được xây trên một Thiên Chúa con người, Đấng hạ mình xuống trước nhân loại, chăm sóc nhân loại, cảm động trước những vết thương của chúng ta, gánh lấy sự mệt mỏi của chúng ta, và tự bẻ mình ra cho chúng ta. Người là vị Thiên Chúa mạnh mẽ và quyền năng luôn ở bên tôi và làm thoả lòng tôi; Người cũng là vị Thiên Chúa yếu đuối, một Thiên Chúa chết trên thập giá vì tình yêu và cũng xin tôi vượt qua mọi ích kỷ và hiến dâng cuộc sống cho phần rỗi của thế giới; và đây là một scandal.

Tuy nhiên, khi đặt mình trước Chúa Giêsu và nhìn vào những thách đố đang chất vấn chúng ta, về nhiều vấn đề xã hội và chính trị cũng được thảo luận trong Tuần lễ Xã hội này, về đời sống cụ thể của dân tộc chúng ta và về những khó nhọc của nó, chúng ta có thể nói rằng ngày nay chúng ta chính xác cần scandal này. Chúng ta cần scandal của đức tin. Chúng ta không cần một tôn giáo khép kín, ngước mắt lên trời mà không quan tâm đến những gì xảy ra trên trái đất, và cử hành các phụng vụ trong đền thờ trong khi quên đi bụi bặm bay trên các con đường của chúng ta. Ngược lại, chúng ta cần scandal của đức tin, một đức tin bắt nguồn từ Thiên Chúa làm người, và do đó, một đức tin nhân bản, một đức tin xác thịt, đi vào lịch sử, chạm đến đời sống con người, một đức tin chữa lành những con tim tan vỡ, một đức tin trở thành men hy vọng và hạt mầm của một thế giới mới. Đó là một đức tin đánh thức lương tâm khỏi tình trạng hôn mê của họ, đặt ngón tay vào những vết thương, vào những vết thương của xã hội, vốn rất nhiều, một đức tin đặt ra những câu hỏi về tương lai của con người và lịch sử; đó là một đức tin không tĩnh tại, và chúng ta cần sống một cuộc sống không tĩnh tại, một đức tin chuyển động từ trái tim này sang trái tim khác, một đức tin đón nhận những vấn đề của xã hội từ bên ngoài, một đức tin không tĩnh tại giúp vượt qua sự tầm thường và lười biếng của trái tim, trở thành một cái gai đâm vào da thịt của một xã hội thường bị chủ nghĩa tiêu thụ làm tê liệt và choáng váng.

Và tôi muốn dừng ở vấn đề này một chút... Nói rằng xã hội của chúng ta bị chủ nghĩa tiêu thụ làm cho tê liệt và choáng váng, bạn hãy nghĩ xem liệu chủ nghĩa tiêu thụ có đi vào trái tim bạn không? Nỗi lo lắng về việc có, có nhiều thứ, có nhiều hơn nữa, và nỗi lo về việc lãng phí tiền bạc. Chủ nghĩa tiêu thụ là một bệnh dịch, một căn bệnh ung thư: nó làm con tim bạn phát bệnh, nó khiến bạn trở nên ích kỷ, nó khiến bạn chỉ biết nhìn vào chính mình. Anh chị em thân mến, trên hết, chúng ta cần một đức tin thay thế những toan tính ích kỷ của con người, một đức tin tố cáo sự ác, chỉ ra những bất công, làm xáo trộn âm mưu của những kẻ núp dưới bóng quyền lực, lợi dụng kẻ yếu đuối. Và có bao nhiêu người - như chúng ta biết - sử dụng đức tin để bóc lột con người. Đó không phải là đức tin.

Một nhà thơ ở thành phố này, mô tả trong lời bài hát khi ông trở về nhà hằng đêm, rằng ông băng qua một con phố hơi tối tăm, một nơi xuống cấp nơi con người và hàng hóa của bến cảng chỉ là “những mảnh vụn”, nghĩa là rác thải của nhân loại; tuy nhiên ngay tại đây, ông viết thế này: “Khi đi ngang qua, tôi tìm thấy sự vô hạn trong sự khiêm nhường”, bởi vì cô gái điếm và người thủy thủ, người phụ nữ đang cãi vã và người lính, “đều là những thụ tạo của cuộc đời và nỗi đau; Chúa hoạt động trong họ, cũng như trong tôi” (U. SABA, “Città Vecchia”, trong Tập bài hát (1900-1954) bản sau cùng, Turino, Einaudi, 1961). Chúng ta đừng quên điều này: Thiên Chúa ẩn mình trong những góc tối của cuộc sống của thành phố chúng ta, anh chị em có nghĩ đến điều này không? Đến những góc tối trong cuộc sống của thành phố chúng ta? Sự hiện diện của Thiên Chúa được bộc lộ nơi chính những khuôn mặt bị phờ phạt vì đau khổ và nơi mà sự suy đồi dường như đang chiến thắng. Sự vô hạn của Thiên Chúa ẩn giấu trong nỗi khốn khổ của con người, Chúa hoạt động và hiện diện, và Người hiện diện thân thiết ngay trong thân xác bị thương tích của những người rốt cùng, những người bị lãng quên và bị loại bỏ. Nơi đó, Chúa thể hiện chính mình. Và chúng ta đôi khi bị sốc một cách vô ích bởi nhiều điều nhỏ nhặt. Ngược lại chúng ta nên tự hỏi: tại sao chúng ta không bị sốc khi đối diện với sự ác đang lan rộng, với cuộc sống bị sỉ nhục, với những vấn đề về công việc, những đau khổ của người di cư? Tại sao chúng ta vẫn thờ ơ và dửng dưng trước những bất công của thế giới? Tại sao chúng ta không bận tâm đến hoàn cảnh của các tù nhân, cũng đang vang lên từ thành phố Trieste này như một tiếng kêu đau khổ? Tại sao chúng ta không chiêm ngắm những nỗi khốn cùng, sự đau đớn, sự gạt bỏ của biết bao người dân trong thành phố? Chúng ta sợ, chúng ta sợ gặp Chúa Kitô ở đó.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã sống lời tiên tri của cuộc sống thường nhật trong chính thân xác của mình, Người đi vào cuộc sống và câu chuyện đời thường của con người, thể hiện lòng thương xót trong các sự việc, và Người đã tỏ cho thấy Thiên Chúa, Đấng có lòng thương xót. Và vì lý do đó, người ta đã vấp ngã vì Người. Người trở thành một chướng ngại vật, bị khước từ đến mức bị xét xử và kết án; tuy nhiên, Người vẫn trung thành với sứ mạng của mình, không ẩn sau thái độ nước đôi, không chấp nhận logic của quyền lực chính trị và tôn giáo. Với cuộc sống mình, Người đã hiến dâng tình yêu cho Chúa Cha. Chúng ta những Kitô hữu cũng vậy: chúng ta được mời gọi trở thành những ngôn sứ và những chứng nhân của Nước Thiên Chúa, trong mọi hoàn cảnh sống, ở mọi nơi chúng ta sống.

Anh chị em thân mến, từ thành phố Trieste này, nhìn về Châu Âu, nơi giao nhau của các dân tộc và văn hóa, một vùng đất biên cương, chúng ta nuôi dưỡng giấc mơ về một nền văn minh mới được xây dựng trên hòa bình và tình huynh đệ; xin vui lòng, đừng sốc về Chúa Giêsu, nhưng trái lại, chúng ta hãy phẫn nộ trước tất cả những tình huống trong đó cuộc sống bị chà đạp, bị thương tích và giết chết; chúng ta mang theo lời ngôn sứ của Tin Mừng trong xác thịt chúng ta, bằng những chọn lựa của chúng ta, thậm chí trước cả lời nói. Đó là sự nhất quán giữa chọn lựa và lời nói. Và với Giáo Hội Trieste này, tôi muốn nói: hãy tiến bước! Hãy tiếp tục dấn thân ở tiền tuyến để loan truyền Tin Mừng hy vọng, đặc biệt đối với những người đến từ tuyến đường Balkan và với tất cả những người, về thể xác hay tinh thần, cần được khuyến khích và an ủi. Chúng ta hãy cùng nhau dấn thân: để khi tái khám phá ra rằng chính mình được Chúa Cha yêu thương, chúng ta có thể sống như tất cả là anh chị em. Tất cả là anh chị em, với nụ cười chào đón và sự bình an trong tâm hồn. Xin cảm ơn.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 14 Thường Niên năm B (04.07.2021) - Chúng ta có nguy cơ không nhận ra Chúa khi Người đi ngang qua

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Phúc âm Chúa Nhật hôm nay (Mc 6,1-6) thuật lại cho chúng ta về sự cứng lòng tin của những người đồng hương với Chúa Giêsu. Sau khi giảng dạy trong các làng của miền Galilê, Chúa đi sang Nazareth, nơi Người đã lớn lên cùng với Mẹ Maria và thánh Giuse. Vào một ngày Sa-bát, Chúa giảng dạy trong hội đường Do Thái. Nhiều người lắng nghe Chúa đã tự hỏi: “Bởi đâu ông ta được được khôn ngoan như vậy? Ông ta không phải là bác thợ mộc, con bà Maria, những người hàng xóm mà chúng ta quen biết rõ sao? (Mc 6, 1-3). Trước phản ứng của họ, Chúa Giêsu khẳng định một chân lý, điều đã trở thành một phần của sự khôn ngoan bình dân, đó là: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (c. 4).

Chúng ta hãy suy tư về thái độ của những người dân làng của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói rằng, họ biết Chúa Giêsu, nhưng họ không nhận biết Người. Có sự khác nhau giữa biết và nhận biết: chúng ta có thể biết nhiều điều về một người, điều này cho chúng ta một ý tưởng, dựa vào những gì người khác nói về người này, có thể là thỉnh thoảng chúng ta gặp người này trong khu phố; nhưng tất cả những điều này là không đủ. Đó là một sự hiểu biết bình thường, bên ngoài, không nhận ra sự độc đáo của người đó.

Tất cả chúng ta đều có nguy cơ rơi vào trường hợp này: chúng ta nghĩ rằng, chúng ta biết rõ về một người, và tệ hơn là, chúng ta dán nhãn cho họ và nhốt họ trong những định kiến của chúng ta. Tương tự như vậy, những người dân làng của Chúa Giêsu đã biết Người trong 30 năm, và nghĩ rằng họ biết tất cả. Trên thực tế, họ không bao giờ nhận ra Người thực sự là ai. Họ dừng lại ở mức độ bề ngoài và từ chối điều mới mẻ về Chúa Giêsu.

Và ở đây chúng ta đi vào chính trọng tâm của vấn đề: Khi chúng ta để cho sự thoải mái của thói quen và sự độc tài của các định kiến hướng dẫn mình, thì khó có thể cởi mở với điều mới lạ và để cho mình được ngạc nhiên. Trong cuộc sống, chúng ta thường chỉ tìm kiếm từ kinh nghiệm của mình, và thậm chí từ mọi người những gì phù hợp với ý tưởng và cách suy nghĩ của chúng ta để không bao giờ phải cố gắng thay đổi. Điều này thậm chí có thể xảy ra khi chúng ta nghĩ về Thiên Chúa, và ngay cả với chúng ta là những người tin Chúa, với chúng ta là những người nghĩ rằng chúng ta biết Chúa Giêsu, rằng chúng ta đã biết quá nhiều về Người và chỉ cần lặp lại những điều tương tự như mọi khi là đủ. Nhưng, nếu không cởi mở với những gì mới mẻ và trước sự ngạc nhiên của Thiên Chúa, nếu không có sự ngạc nhiên, đức tin sẽ trở thành một kinh cầu buồn tẻ và từ từ tàn lụi và trở thành một thói quen xã hội.

Ngạc nhiên là gì? Ngạc nhiên xảy ra khi chúng ta gặp Thiên Chúa: “Tôi đã gặp Chúa”. Nhiều lần chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng, những người gặp Chúa và nhận biết Người, họ cảm thấy ngạc nhiên. Và chúng ta, gặp gỡ Chúa, chúng ta phải cảm thấy ngạc nhiên. Điều này giống như chứng chỉ bảo đảm rằng, cuộc gặp gỡ đó là thật sự chứ không phải là thói quen.

Cuối cùng, tại sao dân làng của Chúa Giêsu không nhận ra và tin Người? Lý do là gì? Nói một cách ngắn gọn, chúng ta có thể nói rằng, họ không chấp nhận “xì-căng-đan” Nhập Thể. Điều trở thành cớ vấp phạm đối với họ, đó là sự vô biên của Thiên Chúa, sao lại được bày tỏ trong sự nhỏ bé của xác thịt chúng ta! Con Thiên Chúa lại là con của một người thợ mộc, thần thánh lại ẩn mình trong con người, Thiên Chúa lại mang lấy khuôn mặt, những lời nói, những cử chỉ của một con người giản dị! Đây là cớ vấp phạm: sự nhập thể của Thiên Chúa, sự cụ thể của Người, “cuộc sống hàng ngày” của Người.

Thiên Chúa đã trở thành một con người, Giêsu Nazareth, trở thành bạn đồng hành, trở thành một người giữa chúng ta. Là một người giữa chúng ta, Người hiểu, đồng hành, tha thứ và yêu thương chúng ta rất nhiều. Trong thực tế, chúng ta dễ chấp nhận một vị thần trừu tượng và xa cách hơn, một vị thần không xen vào các tình cảnh và chấp nhận một đức tin xa rời cuộc sống, xa rời các vấn đề, xã hội. Hoặc chúng ta thậm chí muốn tin vào một vị thần có “hiệu quả đặc biệt”, người chỉ làm những điều đặc biệt và luôn khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ. Ngược lại, chính Thiên Chúa đã nhập thể: Thiên Chúa khiêm nhường, dịu dàng, ẩn mình, đến gần chúng ta, sống bình thường trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Và rồi, giống như những người dân làng của Chúa Giêsu, chúng ta có nguy cơ không nhận ra Chúa khi Người đi ngang qua.

Thánh Augustino nói: “Tôi sợ Thiên Chúa, sợ Chúa, khi Người đi ngang qua”. Nhưng tại sao thánh Augustino sợ? “Tôi sợ không nhận ra Người.” Chúng ta không nhận ra Chúa; đúng hơn, chúng ta cảm thấy Người là cớ vấp phạm.

Giờ đây, trong lời cầu nguyện, chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, người đã chào đón mầu nhiệm Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày của Mẹ ở Nazareth, cho đôi mắt và trái tim chúng ta không còn định kiến, và mở ra để ngạc nhiên trước sự ngạc nhiên của Thiên Chúa, trước sự hiện diện khiêm tốn và ẩn giấu của Người trong cuộc sống hàng ngày.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 14 Thường Niên năm B (08.07.2018) - Khiêm nhường lắng nghe

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trang Tin mừng hôm nay (x. Mc 6,1-6) kể lại việc Chúa Giêsu trở về làng quê Nadarét và Ngài giảng dạy trong hội đường Do thái vào ngày Sabát. Từ khi Chúa Giêsu rời khỏi Nadarét và bắt đầu rao giảng tại các làng và các làng mạc lân cận, Ngài chưa bao giờ đặt chân trở lại quê hương của mình. Hôm nay Ngài đã trở về. Do đó, có cả làng đến lắng nghe người con của xứ sở, người con mà danh tiếng của vị thầy khôn ngoan và người chữa lành quyền năng đã lan khắp vùng Galilê và xa hơn nữa. Nhưng điều có thể được xem như là một sự thành công, thì lại trở thành một sự từ chối mạnh mẽ, đến nỗi Chúa Giêsu không thể thực hiện phép lạ nào tại đó, mà chỉ chữa lành được một ít người (x. câu 5).

Thánh Máccô đã xây dựng cách chi tiết tiến trình của ngày hôm đó: đầu tiên dân làng Nadarét lắng nghe, rồi ngạc nhiên; sau đó họ bối rối tự hỏi: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là sao?”; và cuối cùng, họ vấp ngã vì Ngài, khi biết Ngài chỉ là người thợ mộc, con bà Maria và họ đã nhìn thấy Ngài lớn lên giữa họ (cc. 2-3). Bởi thế Chúa Giêsu kết luận với một thành ngữ đã trở thành ngụ ngôn: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình” (c.4).

Chúng ta tự hỏi mình: tại sao những người đồng hương với Chúa Giêsu lại từ ngạc nhiên trở nên không tin? Họ đã so sánh giữa nguồn gốc khiêm nhường của Chúa Giêsu và các khả năng hiện có của Ngài: một thợ mộc, không nghiên cứu như các kinh sư, nhưng giảng dạy hay hơn các kinh sư ký lục và thực hiện các phép lạ. Và thay vì mở lòng mình trước thực tại, họ lại vấp ngã. Theo dân thành Nadarét, Thiên Chúa quá cao cả để có thể hạ mình nói qua một con người đơn hèn như thế! Đó là sự vấp ngã của mầu nhiệm nhập thể: sự kiện khó chấp nhận khi một Thiên Chúa nhập thể làm người, suy nghĩ với tâm trí của con người, làm việc và hành động với đôi tay con người, yêu thương bằng trái tim con người, một Thiên Chúa lao nhọc, ăn uống ngủ nghỉ như một người trong chúng ta. Con Thiên Chúa đảo lộn kế hoạch của con người: không phải các môn đệ rửa chân cho Chúa, nhưng chính Chúa đã rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13, 1-20). Đây là lý do của sự vấp ngã và không tin, không chỉ của thời đại đó, mà của mỗi thời đại, ngay cả ngày nay.

Sự đảo lộn mà Chúa Giêsu thực hiện giúp cho các môn đệ ngày xưa và cả ngày nay kiểm tra chính cá nhân mình và cộng đoàn. Thật ra, ngay cả trong thời đại chúng ta, cũng có thể có những định kiến ngăn cản chúng ta đón nhận thực tế. Nhưng hôm nay Chúa mời chúng ta có thái độ khiêm nhường lắng nghe và ngoan ngoãn chờ đợi, bởi vì ơn Chúa thường đến với chúng ta theo cách bất ngờ, không giống như chúng ta chờ mong.

Ví dụ, chúng ta cùng suy nghĩ về Mẹ Têrêsa Calcutta. Một nữ tu bé nhỏ - không ai cho mẹ 10 lia – mà mẹ đã đi khắp các con đường để đón những người hấp hối để họ có một cái chết xứng đáng. Người nữ tu bé nhỏ này với lời cầu nguyện và hành động của mình đã thực hiện những điều kỳ diệu! Sự bé nhỏ của một phụ nữ đã cách mạng hoạt động bác ái trong Giáo hội. Đó là một mẫu gương cho chúng ta ngày nay.

Thiên Chúa không theo những định kiến. Chúng ta phải cố gắng mở tâm hồn và tâm trí để đón nhận thực tại thần linh xảy đến với chúng ta. Nó đòi phải có đức tin: thiếu đức tin là một cản trở đối với ơn của Thiên Chúa. Rất nhiều Kitô hữu sống như thể Thiên Chúa không hiện diện: họ lặp đi lặp lại các cử chỉ và dấu hiệu của đức tin, nhưng chúng không tương hợp với sự gắn bó thật sự với con người của Chúa Giêsu và Tin mừng. Ngược lại, mỗi Kitô hữu – tất cả chúng ta, mỗi người trong chúng ta - được mời gọi đào sâu sự thuộc về căn bản này khi tìm cách làm chứng cho nó với một lối sống thích hợp luôn được hướng dẫn bởi tình bác ái.

Chúng ta cầu xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Trinh nữ Maria, cởi bỏ sự cứng cỏi của trái tim và sự chật hẹp giới hạn của tâm trí, để chúng ta mở lòng ra với ân sủng, với chân lý và với sứ vụ thiện hảo và thương xót, được ban cho tất cả, không trừ một ai. (Rei 08/07/2018)

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 14 Thường Niên năm B (08.07.2012) - Không ai là tiên tri nơi quê hương của mình

Anh chị em thân mến,

Tôi muốn dừng lại một lát về đoạn Tin Mừng chúa nhật hôm nay, một đoạn từ đó người ta rút ra câu nói thời danh “không ai là tiên tri nơi quê hương của mình”, nghĩa là không có tiên tri nào được đón nhận nơi những người đã nhìn thấy tiên tri ấy lớn lên (Xc Mc 6,4). Thực vậy, sau khi Chúa Giêsu, - lúc ấy khoảng 30 tuổi -, từ giã Nazareth và đi giảng đạo và chữa bệnh ở nơi khác trong một thời gian, ngài trở về làng cũ và bắt đầu giảng dạy trong Hội đường. Những người đồng hương của ngài “ngỡ ngàng” vì sự khôn ngoan, và vì họ biết ngài là “con của bà Maria”, là người thợ mộc đã sống giữa họ, nên thay vì tin nhận và đón tiếp ngài, họ lại xấu hổ vì ngài (Xc Mc 6, 2-3). Sự kiện này dễ hiểu vì sự quen thuộc trên bình diện con người làm cho người ta khó đi xa hơn và cởi mở đối với chiều kích thần linh (...). Chúa Giêsu giống như một thí dụ điển hình về kinh nghiệm của các tiên tri của Israel, các vị bị coi rẻ nơi quê hương, và Chúa đồng hóa với các vị ấy. Do sự khép kín tinh thần như thế, Chúa Giêsu không thể thực hiện tại Nazareth “một phép lạ nào, nhưng ngài chỉ đặt tay trên vài bệnh nhân và chữa lành họ” (Mc 6,5). Thực vậy, các phép lạ của Chúa Kitô không phải là một sự biểu dương quyền năng, nhưng là những dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa, được thể hiện tại nơi mà tình thương ấy gặp được niềm tin của con người. Origène đã viết: “Cũng như có một sự thu hút tự nhiên từ phía một số người này đối với người khác, như sự thu hút của nam châm đối với sắt… niềm tin cũng thực hiện một sự thu hút như thế đối với quyền năng của Chúa” (Chú giải Tin Mừng theo thánh Mathêu 10,19).

Vì vậy, như người ta nói, Chúa Giêsu có vẻ coi sự ngược đãi mà ngài gặp ở Nazareth là có lý. Nhưng thực ra, vào cuối trình thuật, chúng ta thấy một nhận xét ngược lại. Thánh sử Phúc âm viết rằng Chúa Giêsu “ngỡ ngàng về sự cứng lòng tin của họ” (Mc 6,6). Sự kinh ngạc của Chúa Giêsu tương ứng với sự ngỡ ngàng của những người đồng hương. Cả Chúa, theo một nghĩa nào đó, cũng lấy làm điều đau buồn! Mặc dù ngài biết không tiên tri nào được đón nhận nơi quê hương mình, nhưng sự khép kín tâm hồn của những người đồng hương đối với ngài thật là tăm tối, không thể hiểu nổi: làm sao mà họ không nhận ra ánh sáng chân lý như thế? Tại sao họ không cởi mở đối với lòng từ nhân của Thiên Chúa là Đấng muốn chia sẻ nhân tính của chúng ta? Thực tế, con người của Đức Giêsu thành Nazareth phản ánh Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa cư ngụ trọn vẹn. Và trong khi chúng ta luôn luôn tìm kiếm những dấu chỉ khác, những phép lạ khác, chúng ta không nhận ra rằng Dấu Chỉ đích thực chính là Ngài, là Thiên Chúa làm người, chính Ngài là phép lạ lớn nhất của vụ trụ: toàn thể tình thương của Thiên Chúa được cô đọng trong một con tim nhân trần, trong khuôn mặt của một người.

Người đã hiểu được đích thực thực tại này chính là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ có phúc vì đã tin (Xc Lc 1,45). Mẹ Maria không lấy làm đau buồn vì Con của Mẹ: sự kinh ngạc của Mẹ đối với Chúa tràn đầy niềm tin, đầy tình thương và vui mừng, khi Mẹ thấy Người nhân trần dường ấy và đồng thời thần linh dường nào. Nơi Mẹ, là Mẹ chúng ta trong đức tin, chúng ta hãy học cách nhận ra trong nhân tính của Chúa Kitô mạc khải hoàn hảo về Thiên Chúa.

Nguồn: archivioradiovaticana.va