Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 13 Thường Niên năm B (30.06.2024) - Chúa Giêsu để mình được chạm và không ngại chạm con người

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 13 Thường Niên năm B (27.06.2021) - Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là thiếu tình yêu

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 13 Thường Niên năm B (01.07.2018) - Tin tưởng nơi Chúa Giêsu để được chữa lành

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 13 Thường Niên năm B (28.06.2015) - Đức tin là sức mạnh giải thoát và cứu rỗi

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 13 Thường Niên năm B (01.07.2012) - Chữa lành thể lý và tâm hồn


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 13 Thường Niên năm B (30.06.2024) - Chúa Giêsu để mình được chạm và không ngại chạm con người

Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!

Tin Mừng phụng vụ hôm nay kể cho chúng ta về hai phép lạ có vẻ đan xen nhau. Đang khi Chúa Giêsu đến nhà ông Giairô, một trong các trưởng hội đường, vì con gái nhỏ của ông bị bệnh nặng, thì trên đường đi một người phụ nữ bị băng huyết chạm vào áo choàng của Người, và Người dừng lại để chữa lành cho bà. Trong khi đó, người ta báo tin con gái của ông Giairô đã chết, nhưng Chúa Giêsu không dừng lại, Người đi đến nhà, đến tận nơi đứa trẻ nằm, nắm lấy tay và đỡ bé dậy, làm cho cô bé sống lại (Mc 5,21-43). Hai phép lạ, một chữa lành và một phục sinh người chết.

Hai sự chữa lành này được kể trong một trình thuật duy nhất. Cả hai đều xảy ra bằng việc tiếp xúc thể lý. Thật vậy, người phụ nữ chạm vào áo choàng của Chúa Giêsu và Chúa Giêsu nắm lấy tay đứa trẻ. Tại sao “sự tiếp xúc” này lại quan trọng? Bởi vì hai người phụ nữ này - một vì bị băng huyết và một vì đã chết - bị coi là không thanh sạch và do đó không thể tiếp xúc thể lý với họ. Nhưng thay vào đó, Chúa Giêsu để mình được chạm và Người không ngại chạm. Ngay cả trước khi chữa lành về thể lý, Người đã phá bỏ quan niệm tôn giáo sai lầm, theo đó Thiên Chúa phân biệt một bên là thanh sạch và một bên là ô uế. Ngược lại, Thiên Chúa không thực hiện sự phân chia này, bởi vì tất cả chúng ta đều là con cái của Người, và sự ô uế không đến từ thức ăn, bệnh tật, hay thậm chí từ cái chết, mà đến từ một con tim không thanh sạch.

Chúng ta hãy học điều này: trước những đau khổ về thể xác và tinh thần, những vết thương trong tâm hồn, những hoàn cảnh đè bẹp chúng ta, và ngay cả khi đối mặt với tội lỗi, Thiên Chúa không giữ khoảng cách với chúng ta, Người không xấu hổ vì chúng ta, Người không phán xét chúng ta; trái lại, Người đến gần để được chạm vào và Người chạm vào chúng ta, và luôn làm chúng ta sống lại từ cõi chết. Người luôn nắm tay chúng ta và nói với chúng ta: này con trai, này con gái, hãy chỗi dậy! (xem Mc 5,41), bước đi, tiến bước! Tôi có thể nói “Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi” – Nhưng Chúa trả lời: “Hãy tiến bước, Ta trở nên có tội vì con, để cứu con!”. – “Nhưng Chúa không phải là tội nhân” – “Không, nhưng ta nhận hết tất cả hậu quả của tội để cứu con”. Điều này thật đẹp!

Chúng ta hãy in sâu vào tâm hồn hình ảnh mà Chúa Giêsu dạy chúng ta: Thiên Chúa là Đấng nắm lấy tay bạn và nâng bạn dậy, là Đấng để mình chạm đến nỗi đau của bạn và chạm vào bạn để chữa lành bạn và ban lại cho bạn sự sống. Người không phân biệt đối xử với bất kỳ ai vì Người yêu tất cả mọi người.

Và chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có tin rằng Thiên Chúa là như thế không? Chúng ta có để cho mình được Chúa, Lời của Người, tình yêu của Người chạm đến không? Chúng ta có xây dựng mối tương quan với anh chị em mình bằng cách giúp họ tự đứng dậy trở lại hay chúng ta giữ khoảng cách và dán nhãn người khác dựa theo sở thích và ưu tiên của chúng ta? Chúng ta dán nhãn người khác. Tôi hỏi anh chị em một câu hỏi: Thiên Chúa, Chúa Giêsu, có dán nhãn người ta không? Mỗi người tự trả lời. Thiên Chúa có dán nhãn người ta không? Và tôi có không ngững dán nhãn người khác không?

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhìn vào trái tim của Thiên Chúa, để Giáo hội và xã hội không loại trừ bất kỳ ai, không xem bất cứ ai là “ô uế”, để mỗi người, với lịch sử riêng, đều được chào đón và được yêu thương, và không bị dán nhãn và không thành kiến. Chúng ta được yêu thương không với bất kỳ tính từ nào.

Chúng ta hãy cầu xin với Đức Trinh Nữ Rất Thánh: Lạy Mẹ hiền dịu, xin cầu bầu cho chúng con và cho toàn thế giới.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 13 Thường Niên năm B (27.06.2021) - Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là thiếu tình yêu

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay trong bài Tin Mừng (Mc 5,21-43), Chúa Giêsu gặp hai hoàn cảnh bi thảm nhất của chúng ta, là cái chết và bệnh tật. Từ những hoàn cảnh này, Chúa Giêsu đã giải thoát hai người: một bé gái, đã chết trong lúc cha cô bé đến cầu xin Chúa Giêsu giúp đỡ; và một phụ nữ bị băng huyết nhiều năm. Chúa Giêsu để cho mình được đụng chạm trước nỗi đau và cái chết của chúng ta, và thực hiện hai dấu chỉ chữa lành để nói với chúng ta rằng, chẳng phải đau khổ, cũng chẳng phải cái chết có lời cuối cùng. Người cho chúng ta biết rằng, chết không phải là hết. Người đã vượt thắng được kẻ thù này, là điều mà chúng ta không thể tự mình giải thoát.

Tuy nhiên, trong thời điểm này, lúc mà bệnh tật vẫn là tâm điểm của các bản tin, chúng ta chú ý đến một dấu chỉ khác, đó là sự chữa lành của người phụ nữ. Hơn cả vấn đề sức khỏe, điều làm tổn hại chị hơn cả là về mặt tình cảm: chị bị xuất huyết, và do đó, theo tâm lý thời đó, chị bị coi là không thanh sạch. Chị bị gạt ra ngoài lề xã hội, chị không thể có những mối quan hệ ổn định, một người bạn đời, một gia đình và những mối quan hệ xã hội bình thường. Chị sống một mình, với một trái tim đầy vết thương. Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là gì? Ung thư? Lao phổi? Đại dịch? Không. Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là thiếu tình yêu, là không thể yêu. Chị phụ nữ tội nghiệp này bị bệnh băng huyết, nhưng hệ lụy của nó là thiếu tình yêu, bởi vì không thể hòa vào xã hội với người khác. Và sự chữa lành quan trọng nhất là về tình cảm. Nhưng nhìn thấy nó như thế nào?

Câu chuyện về người phụ nữ không tên này, mà chúng ta đều có thể nhìn thấy nơi tất cả chúng ta, là một ví dụ. Bản văn nói rằng chị đã hết sức quan tâm đến tình trạng của mình, “bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, đến tán gia bại sản, mà bệnh vẫn không thuyên giảm, lại còn thêm nặng là khác” (câu 26). Đã bao nhiêu lần chúng ta tự ném mình vào những biện pháp khắc phục sai lầm để tự thỏa mãn sự thiếu thốn tình yêu của mình? Chúng ta nghĩ rằng, thành công và tiền bạc làm cho chúng ta hạnh phúc, nhưng tình yêu không thể mua được. Chúng ta nương náu trong cái ảo, nhưng tình yêu lại cụ thể. Chúng ta không chấp nhận bản thân như mình là, và chúng ta ẩn sau những thủ đoạn của bề ngoài, nhưng tình yêu không phải là hình thức bên ngoài. Chúng ta tìm kiếm giải pháp từ các đạo sư và pháp sư, rồi chỉ thấy mình hết tiền và không bình an, giống như người phụ nữ này. Cuối cùng, chị chọn Chúa Giêsu và chen mình vào giữa đám đông để chạm vào áo choàng của Người. Nghĩa là, người phụ nữ tìm cách tiếp xúc trực tiếp, thể lý với Chúa Giêsu. Trên tất cả, vào thời điểm này, chúng tôi đã hiểu được tầm quan trọng của sự tiếp xúc, các mối quan hệ. Điều này cũng đúng với Chúa Giêsu: đôi khi chúng ta bằng lòng với việc tuân giữ một số giới luật và lặp đi lặp lại những lời cầu nguyện, nhưng Chúa chờ chúng ta gặp Người, mở lòng ra đón nhận Người, và giống như người phụ nữ, chạm vào áo choàng của Chúa để được chữa lành. Bởi vì, khi đi vào sự thân mật với Chúa Giêsu, chúng ta được chữa lành nơi tình cảm của mình.

Điều này cần đến Chúa Giêsu. Thật vậy, chúng ta đọc thấy rằng, mặc dù bị đám đông vây quanh, Người vẫn nhìn xung quanh để tìm xem ai đã chạm vào mình. Đó là cái nhìn của Chúa Giêsu: có rất nhiều người, nhưng Người vẫn tìm kiếm khuôn mặt và trái tim đầy lòng tin. Người không nhìn chung chung tất cả, nhưng nhìn vào con người. Người không dừng lại trước những vết thương và sai lầm của quá khứ, nhưng đi xa hơn những tội lỗi và định kiến. Tất cả chúng ta đều có một lịch sử, một bí mật của riêng mình, với những điều tồi tệ của lịch sử đời mình. Nhưng Chúa Giêsu nhìn vào chúng để chữa lành. Ngược lại, chúng ta thích nhìn vào những điều tồi tệ của người khác. Chúa Giêsu không dừng lại ở vẻ bề ngoài, nhưng chạm đến trái tim. Và Người chữa lành cho chị, kẻ bị mọi người từ chối. Người dịu dàng gọi chị là “này con” (câu 34) và ca ngợi đức tin của chị, khôi phục cho chị sự tự tin.

Anh chị em thân mến,

Hãy để Chúa Giêsu nhìn và chữa lành trái tim của bạn. Và nếu bạn đã kinh nghiệm được ánh mắt dịu dàng của Người dành cho bạn, thì hãy bắt chước Người, làm như Người. Hãy nhìn xung quanh bạn: bạn sẽ thấy rằng nhiều người sống bên cạnh bạn cảm thấy bị tổn thương và cô đơn, họ cần được yêu thương. Chúa Giêsu yêu cầu bạn một cái nhìn không chỉ dừng lại ở bề ngoài, nhưng đi vào trái tim; một cái nhìn không phán xét, nhưng chào đón. Vì chỉ có tình yêu mới hàn gắn cuộc sống. Xin Đức Mẹ, Đấng An ủi của những người đau khổ, giúp chúng ta có thể dịu dàng với những người bị tổn thương nơi con tim, mà chúng ta gặp trên bước đường của mình. Không phán xét về những thực tại cá nhân, xã hội của người khác. Thiên Chúa yêu thương tất cả! Đừng phán xét, nhưng để mình sống với người khác và tìm cách để gần gũi họ bằng tình yêu.

Nguồn: vaticannews.va/vi/

 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 13 Thường Niên năm B (01.07.2018) - Tin tưởng nơi Chúa Giêsu để được chữa lành

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (x. Mc 5,21-43) giới thiệu với chúng ta hai điều kỳ diệu Chúa Giêsu đã làm, bằng cách miêu tả chúng hầu như trong một loại diễn hành chiến thắng tiến về sự sống.

Trước hết thánh sử kể về một ông Jairo nào đó, một trong các thủ lãnh hội đường do thái, đến với Chúa Giêsu và khẩn nài Ngài đến nhà ông ta vì đứa con gái 12 tuổi của ông đang hấp hối. Chúa Giêsu chấp nhận và đi với ông. Nhưng dọc đường có tin cô bé đã chết. Chúng ta có thể tưởng tượng được phản ứng của người cha ấy. Nhưng Chúa Giêsu nói với ông: “Đừng sợ, hãy chỉ tin thôi!” (c. 36). Khi tới nhà ông Jairo, Chúa Giêsu cho dân chúng đang khóc ra ngoài, và cũng có có các phụ nữ được trả tiền để khóc lóc gào thét. Ngài vào phòng một mình với cha mẹ bé gái và ba môn đệ, rồi hướng về người đã chết và nói: “Bé gái, Ta truyền cho con, hãy đứng đậy!” (c. 41). Và lập tức cô dứng dậy, như vừa tỉnh sau một cơn ngủ say (c. 42).

Bên trong trình thuật phép lạ này thánh sử Marco lồng vào một phép lạ khác: đó là việc chữa lành một phụ nữ bị băng huyết, vừa khi bà ta đụng vào áo choàng của Chúa Giêsu (c. 27). Ở đây đánh động sự kiện lòng tin của người đàn bà này lôi kéo – và tôi muốn nói là “ăn trộm” - quyền năng cứu rỗi của Thiên  Chúa hiện hữu nơi Chúa Kitô, là Đấng, khi cảm thấy một sức mạnh phát xuất ra từ Ngài” (c. 34), tìm hiểu xem ai đã chạm vào gấu áo mình. Và khi người đàn bà tiến lên thú nhận tất cả với biết bao xấu hổ, Chúa nói với bà: “Hỡi con gái, lòng tin của con đã cứu con” (c. 34).

Đây là một câu chuyện lồng khung vào một câu chuyện khác, với một trung tâm duy nhất: đó là lòng tin; và nó chúng cho thấy Chúa Giêsu như suối nguồn sự sống, như Đấng tái trao ban sự sống cho ai hoàn toàn tin tưởng nơi Ngài. Cả hai nhân vật, nghĩa là người cha của bé gái và người đàn bà bị bệnh, không phải là môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng vì lòng tin của họ họ được nhận lời. Từ đó chúng ta hiểu rằng trên con đường của Chúa mọi người đều được chấp nhận: không có ai phải cảm thấy mình là một người bất hợp pháp, lạm dụng hay không có quyền. Để đến với trái tim của Chúa Giêsu chỉ có một đòi hỏi thôi: cảm thấy mình cần được chữa lành và tín thác nơi Chúa. Tôi xin hỏi anh chị em từng người trong chúng ta, chúng ta có cảm thấy cần sự chữa lành không? Chữa lành khỏi điều gì đó, khỏi tội lỗi nào đó, khỏi vấn đề nào đó? Và nếu cảm thấy, thì có tin nơi Chúa Giêsu không? Đó là hai đòi buộc để được chữa lành, để có thể đến với trái tim của Chúa: cảm thấy cần được chữa lành và tín thác nơi Chúa. Chúa Giêsu sẽ khám phá ra các người này giữa đám đông, và đưa họ ra khỏi sự vô danh, giải thoát họ khỏi sự sợ hãi sống và dám làm. Ngài làm với một cái nhìn và với một lời nói đặt để họ trở lại trên đường cuộc sống, sau biết bao nhiêu khổ đau và nhục nhã. Cả chúng ta cũng được mời gọi học hiểu và noi gương các lời giải thoát này và các cái nhìn tái trao ban trở lại ý muốn sống cho người không có nó.

Trong trang tin mừng này giao thoa các đề tài đức tin và cuộc sống mới, mà Chúa Giêsu đã đến để cống hiến cho tất cả mọi người. Sau khi vào trong nhà nơi bé gái nằm chết, Ngài đuổi ra ngoài những người giao động và than khóc (c. 40) và nói: “Bé gái không chết, nhưng nó ngủ” (v. 39). Chúa Giêsu là Chúa, và trước Ngài cái chết thể lý giống như một giấc ngủ: không có lý do để tuyệt vọng. Có một cái chết khác cần phải sợ: đó là cái chết của con tim, bị sự dữ làm cho chai cứng. A! khỏi cái chết đó thì, vâng, chúng ta phải sợ! Khi chúng ta cảm thấy có con tim chai cứng, con tim chai cứng, và tôi cho phép mình dùng từ này con tim đã bị ướp xác. Chúng ta phải sợ con tim ấy. Đây là cái chết của trái tim. Nhưng cả tội lỗi, cả con tim bị ướp xác, đối với Chúa Giêsu cũng không bao giờ là tiếng nói cuối cùng, bởi vì Ngài đã đem đến cho chúng ta lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa Cha. Và cả khi chúng ta quỵ ngã xuống sâu đi nữa, tiếng nói dịu hiền và mạnh mẽ của Chúa vẫn tới với chúng ta: “Ta truyền cho con, hãy đứng dậy!”. Thật là đẹp lời Chúa Giêsu nói với từng người trong chúng ta: “Ta truyền cho cọn: hãy chỗi dậy!. Hãy bước đi. Hãy đứng lên, can đảm lên. Hãy chỗi dậy!” Và Chúa Giêsu trao ban sự sống trở lại cho bé gái, và trao ban sự sống trở lại cho người đàn bà được lành bệnh: sự sống và lòng tin cho cả hai người.

Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với chúng ta trên con đường lòng tin và tinh yêu thương cụ thể, đặc biệt đối với những ai đang cần được giúp đỡ. Và chúng ta hay khẩn nài sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ cho các anh chị em đang đau khổ trên thân xác và trong tinh thần.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 13 Thường Niên năm B (28.06.2015) - Đức tin là sức mạnh giải thoát và cứu rỗi

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Phúc Âm hôm nay giới thiệu trình thuật sống lại của một bé gái 12 tuổi, con của một trong những trưởng hội đường do thái. Ông gieo mình dưới chân Chúa Giêsu và van nài Người: “Đứa con gái của tôi đang chết; xin hãy đến đặt tay trên nó để nó được cứu và sống” (Mt 5,23). Trong lời cầu này chúng ta cảm nhận được nỗi lo lắng của mọi người cha đối với sự sống và hạnh phúc của con cái mình. Nhưng chúng ta cũng cảm thấy niềm tin to lớn của ông nơi Chúa Giêsu. Và khi tin con gái đã chết đến, Chúa Giêsu nói với ông: “Đừng sợ, hãy tin thôi!” (c. 36). Lời này trao ban can đảm. Ngài cũng nói với chúng ta biết bao nhiêu lần: “Đừng sợ, hay chỉ tin thôi!”

Vào nhà, Chúa đuổi mọi người đang khóc than ra, rồi hướng tới bé gái đã chết và nói: “Bé gái, Ta truyền cho con hãy dậy!” (c. 41). Và cô bé tức thì ngồi dậy và bắt đầu bước đi. Ở đây ta thấy quyền năng tuyệt đối của Chúa Giêsu trên cái chết, mà đối với Ngài nó như là một giấc ngủ từ đó có thể thức dậy.

Bên trong câu chuyện này thánh sử đã lồng vào một giai thoại khác: đó là việc chữa lành người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm. Vì căn bệnh này mà theo nền văn hóa thời đó khiến cho bà bị  ô uế, bà phải tránh đụng chạm mọi người: người đàn bà tội nghiêp, bà đã bị kết án chết trên bình diện dân sự. Người đàn bà vô danh này giữa đám đông theo Chúa Giêsu, tự nhủ: “Nếu tôi chỉ sờ vào gấu áo Người thôi, thì tôi sẽ được cứu thoát” (c. 28). Và đã xảy ra như vậy: nhu cầu được giải thoát thúc đẩy bà dám làm, và có thể nói đức tin giật được từ Chúa ơn khỏi bệnh. Ai tin sờ vào Chúa Giêsu, thì kín múc được từ Ngài Ơn thánh cứu thoát. Đức tin là điều này: sờ vào Chúa Giêsu và kín múc từ Ngài ơn thánh cứu thoát. Ngài cứu chúng ta, Ngài cứu sự sống tinh thần, Ngài cứu chúng ta khỏi biết bao vấn đề. Chúa Giêsu nhận ra điều đó và Ngài tìm gương mặt của người đan bà này giữa đám đông. Bà đến trước mặt Ngài run rẩy và Ngài nói với bà: “Này con, đức tin của con đã cứu con” (c.34). Đó là tiếng nói của Cha trên trởi nói nơi Chúa Giêsu: “Con gái, con không bị chúc dữ, con không bị khai trừ, con là con gái Ta”. Mỗi khi Chúa Giêsu đến gần chúng ta, và chúng ta tới gần Ngài, chúng ta nghe các lời này: “Con là  con Cha. Cha cứu con. Con đã được khỏi. Và mỗi lần Chúa Giêsu đến gần chúng ta, khi chúng ta đi đến với Ngài với niềm tin, chúng ta cảm thấy điều này từ Thiên Chúa Cha: “Hỡi con, con là con trai Ta, con là con gái Ta! Con đã được khỏi. Ta tha cho tất cả, cho mọi người. Ta chữa lành mọi người và chữa lành tất cả”.

Hai giai thoại này – một việc khỏi bệnh và một sự sống lại – có một trung tâm duy nhất: đức tin. Sứ điệp rõ ràng và có thể được tóm tắt trong một câu hỏi: chúng ta có tin rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành chúng ta và có thể đánh thức chúng ta dậy từ cái chết hay không? Toàn Phúc Âm được viết trong ánh sáng của niềm tin này: Đức Giêsu đã sống lại, đã chiến thắng cái chết, và vì chiến thắng của Ngài chúng ta cũng sẽ phục sinh. Niềm tin này đối với các kitô hữu tiên khởi đã chắc chắn, có thể bị lu mờ đi và trở thành không chắc chắn đến độ có vài người lẫn lộn sự sống lại với việc tái đầu thai. Lời Chúa Chúa Nhật này mời gọi chúng ta sống trong xác tín về sự sống lại: Đức Giêsu là Chúa, có quyền trên sự dữ và cái chết, và muốn đưa chúng ta về nhà Cha, nơi sự sống ngự trị. Chúng ta tất cả sẽ gặp nhau trên nhà Cha. Và ở đó chúng ta sẽ gặp mọi người, tất cả chúng ta ở quảng trường này hôm nay, chúng ta sẽ gặp nhau trong nhà Cha, trong sự sống Chúa Giêsu ban cho chúng ta.

Sự sống lại của Chúa Kitô hoạt động trong lịch sứ như nguyên lý của sự canh tân và niềm hy vọng. Bất cứ ai thất vọng và mệt mỏi cho tới chết, nếu tín thác nơi Chúa Giêsu và tình yêu Ngài, có thể bắt đầu sống trở lại. Cả việc bắt đầu trở lại một cuộc sống mới, thay đổi cuộc sống cũng là một kiểu sống dậy, phục sinh.

Đức tin là một sức mạnh của sự sống, nó trao ban sự tràn đầy cho nhân loại tính của chúng ta; và ai tin nơi Chúa Kitô phải được nhận ra, bởi vì họ thăng tiến sự sống trong mọi hoàn cảnh, để làm cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người yếu đuối nhất, sống kinh nghiệm tình yêu thương giải phóng và cứu thoát của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy xin Chúa, qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, ơn đức tin mạnh mẽ và can đảm, thúc đẩy chúng ta trở thành những người phổ biền niềm hy vọng và cứu sống giữa các anh chị em khác.

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 13 Thường Niên năm B (01.07.2012) - Chữa lành thể lý và tâm hồn

Anh chị em thân mến,

Chúa nhật hôm nay, thánh sử Marcô kể lại cho chúng ta trình thuật hai cuộc chữa lành bệnh một cách lạ lùng mà Chúa Giêsu thực hiện cho hai người nữ: trước tiên là con gái của một thủ lãnh Hội đường tên là Giairo, và tiếp đến là một phụ nữ bị bệnh băng huyết (Xc Mc 5,21-43). Đó là hai giai thoại trong đó ngươi ta có thể đọc ở hai bình diện: bình diện thể lý thuần túy: Chúa Giêsu cúi mình trên đau khổ của nhân loại và chữa lành thân xác; và bình diện thiêng liêng: Chúa Giêsu đến để chữa lành tâm hồn con người, ban cho họ ơn cứu độ và kêu gọi họ hãy tin nơi Ngài. Thực vậy, trong giai thoại thứ nhất, khi hay tin con gái của Ông Giairo đã chết, Chúa Giêsu nói với viên thủ lãnh Hội đường: “Đừng sợ, nhưng hãy tin!” (v.36), ngài dẫn ông đi vào nơi em bé gái đang nằm và Ngài kêu lên: “Hỡi bé gái, Ta bảo con: hãy chỗi dậy!” (v.41). Và em bé chỗi dậy, bước đi. Thánh Giêrônimô chú giải những lời này, nhấn mạnh đến quyền năng cứu độ của Chúa Giêsu: “Hỡi em bé, hãy chỗi dậy cho Ta: không do công trạng của con, nhưng do ơn thánh của Ta. Vậy con hãy trỗi dậy cho Ta: sự kiện được chữa lành không tùy thuộc sức mạnh của con” (Omelie sul Vangelo di Marco,3).

Giai thoại thứ hai, - người đàn bà bị bệnh băng huyết, - lại làm nổi bật thể thức Chúa Giêsu đến để giải thoát con người trong toàn thể. Thực vậy, phép lạ diễn ra theo hai giai đoạn: trong giai đoạn thứ nhất diễn ra sự chữa lành thể lý, nhưng giai đoạn này có liên hệ chặt chẽ với sự chữa lành sâu xa hơn, sự lành bệnh mà ơn thánh của Chúa ban cho những người cởi mở tin tưởng nơi Ngài. Chúa Giêsu nói với phụ nữ: “Hỡi con, đức tin đã cứu con. Con hãy đi bình an và được lành khỏi bất hạnh của con!” (Mc 5,34).

Hai giai thoại lành bệnh này, đối với chúng ta, là một lời mời gọi hãy vượt lên trên quan niệm hoàn toàn theo chiều ngang và duy vật về cuộc sống. Chúng ta xin Chúa giải thoát khỏi bao nhiêu vấn đề, khỏi những khốn khó cụ thể, và đó là điều chính đáng, nhưng điều mà chúng ta phải nài nỉ cầu xin, chính là một niềm tin ngày càng vững chắc, xin Chúa đổi mới cuộc sống chúng ta và xin một niềm tín thác vững mạnh nơi tình yêu, nơi sự quan phòng của Chúa, Ngài không bỏ rơi chúng ta.

Chúa Giêsu quan tâm đến đau khổ của con người, ngài cũng giúp chúng ta nghĩ đến tất cả những người đang giúp các bệnh nhân vác thánh giá của họ, đặc biệt là các bác sĩ, các nhân viên y tế và các vị tuyên úy nhà thương. Họ là “những kho dự trữ tình thương” mang lại thanh thản và hy vọng cho những người đau khổ. Trong thông điệp “Deus caritas es”, Thiên Chúa là tình yêu, tôi đã nhận xét rằng trong việc phục vụ quí giá ấy, trước tiên cần có khả năng nghề nghiệp chuyên môn - đó là một nhu cầu cơ bản đầu tiên, - nhưng khả năng này tự nó không đủ. Thực vậy, con người còn cần tình người và cần sự quan tâm của người khác. “Vì thế, ngoài việc chuẩn bị về nghề nghiệp, các nhân viên y tế ấy còn cần đặc biệt một sự “huấn luyện về tâm hồn”: cần dẫn đưa các bệnh nhân đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, trong Chúa Kitô là Đấng khơi dậy nơi họ tình thương và cởi mở tâm hồn họ đối với tha nhân” (n.31).

Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria tháp tùng hành trình đức tin của chúng ta và sự dấn thân yêu thương cụ thể của chúng ta, nhất là đối với những người đang ở trong tình trạng khốm khó, đồng thời chúng ta cầu xin sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ cho các anh chị em đang chịu đau khổ trong thân xác và tinh thần.

Nguồn: archivioradiovaticana.va