Chúa nhật 12 Thường Niên năm B (23.06.2024) - Chúa luôn đồng hành dù trong cơn bão táp
Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!
Hôm nay Tin Mừng trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu trên thuyền với các môn đệ ở Biển Hồ Tiberia. Một trận cuồng phong bất ngờ ập đến và con thuyền có nguy cơ bị chìm. Chúa Giêsu đang ngủ, Người thức dậy, ngăm đe gió và mọi sự trở nên tĩnh lặng trở lại (xem Mc 4,35-41).
Thực sự, người không thức dậy, mà họ đánh thức người! Các môn đệ hoảng sợ và đánh thức Chúa Giêsu. Chiều hôm trước, chính Chúa Giêsu đã bảo các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia. Họ là những chuyên gia, là những thợ đánh cá, và đó là môi trường sống của họ; nhưng một cơn cuồng phong có thể khiến họ gặp khó khăn. Có vẻ như Chúa Giêsu muốn thử thách họ. Tuy nhiên, Người không để họ đơn độc, Người cùng ở trên thuyền với họ, Người bình tĩnh, thậm chí còn ngủ. Và khi trận cuồng phong nổi lên, với sự hiện diện của Người, Người trấn an họ, củng cố họ, khích lệ họ thêm đức tin và đồng hành cùng họ vượt qua nguy hiểm. Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao Chúa Giêsu hành xử như thế?
Để củng cố đức tin của các môn đệ và làm cho họ thêm can đảm. Thực tế, từ kinh nghiệm này, các môn đệ nhận thức rõ hơn về quyền năng của Chúa Giêsu và sự hiện diện của Người giữa họ, và do đó họ mạnh mẽ hơn và sẵn sàng hơn để đối mặt với những trở ngại và khó khăn, bao gồm cả nỗi sợ hãi khi đi ra để loan báo Tin Mừng. Sau khi vượt qua thử thách này với Người, họ sẽ có thể đối mặt với nhiều thử thách khác, đến thập giá và tử đạo, để mang Tin Mừng đến cho mọi người.
Và Chúa Giêsu cũng làm như vậy với chúng ta, đặc biệt là trong Bí tích Thánh Thể: Người quy tụ chúng ta lại quanh Người, ban cho chúng ta Lời của Người, nuôi dưỡng chúng ta bằng Mình và Máu Người, rồi mời gọi chúng ta sang bờ bên kia, để truyền lại cho mọi người những gì chúng ta đã nghe và chia sẻ với họ những gì chúng ta đã nhận được trong cuộc sống hàng ngày, ngay cả khi khó khăn. Chúa Giêsu không cất khỏi chúng ta những nghịch cảnh, nhưng Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Người giúp chúng ta đối mặt với chúng. Người làm cho chúng ta can đảm. Do đó, chúng ta cũng vậy, khi vượt qua chúng với sự giúp đỡ của Người, chúng ta ngày càng học cách bám chặt vào Người, tin tưởng vào sức mạnh của Người vốn vượt xa khả năng của chúng ta, vượt qua những bất ổn và do dự, khép kín và định kiến, với lòng can đảm và tấm lòng cao thượng, để nói với mọi người rằng Nước Trời đang hiện diện, ở đây, và rằng với Chúa Giêsu bên cạnh, chúng ta có thể cùng nhau làm cho Nước Trời phát triển vượt qua mọi rào cản.
Vậy chúng ta hãy tự hỏi: trong những giây phút gặp thử thách, tôi có biết nhớ lại những lúc tôi cảm nghiệm được sự hiện diện và trợ giúp của Chúa trong cuộc đời mình không? Khi trận cuồng phong nào đó ập đến, tôi để mình bị choáng ngợp bởi sự khuấy động hay tôi bám vào Người - những trận cuồng phong nội tâm - tôi bám vào Người để tìm thấy bình tĩnh và bình an, trong cầu nguyện, trong thinh lặng, trong việc lắng nghe Lời Chúa, trong việc thờ phượng và trong việc chia sẻ đức tin huynh đệ?
Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã khiêm tốn và can đảm chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa, ban cho chúng ta, trong những lúc khó khăn, sự thanh thản của việc buông mình trong tay Người.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Chúa nhật 12 Thường Niên năm B (20.06.2021) - Thưa với Chúa về cơn sóng đang đe dọa cuộc đời
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa làm cho sóng biển yên lặng. Con thuyền, trên đó có các môn đệ đang vượt biển hồ, bị một trận cuồng phong đe dọa, các môn đệ sợ bị chìm. Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào gối và ngủ. Các môn đệ sợ hãi đánh thức Người dậy và nói: ‘Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?’ (c. 38).
Chúa luôn chia sẻ với chúng ta mọi điều xảy đến trong cuộc sống
Trước những thử thách, nhiều khi chúng ta cũng giống như các môn đệ, chúng ta kêu lên với Chúa: ‘Lạy Chúa, tại sao Chúa im lặng và không làm điều gì đó cho con?’. Điều này đặc biệt xảy đến khi chúng ta đã đặt tình yêu và hy vọng lớn vào một dự án, nhưng đã bị tan biến; hoặc khi chúng đang lo âu buồn phiền; hay khi chúng ta cảm thấy đang bị chìm ngập trong những vấn đề, hoặc lạc lõng giữa biển đời, cảm thấy không có hướng đi, không có bến đỗ. Hoặc thậm chí, trong những lúc chúng ta cảm thấy không đủ sức để tiếp tục bước đi, hoặc khi chúng ta hay người thân nhận được một chẩn đoán bất ngờ về một căn bệnh, làm cho chúng ta lo lắng đến sức khỏe của chính mình và người thân. Có nhiều lúc chúng ta cảm thấy mình đang ở trong cơn bão; khi chúng ta cảm thấy mình gần như đã bị suy sụp hoàn toàn.
Trong những tình huống này và trong nhiều hoàn cảnh khác, chúng ta cũng cảm thấy ngột ngạt vì sợ hãi, và giống như các môn đệ, chúng ta có nguy cơ mất đi điều quan trọng nhất. Thực tế, trên thuyền, ngay cả khi Chúa Giêsu ngủ, Người vẫn ở đó, và chia sẻ với các môn đệ mọi điều đang xảy ra. Một mặt, việc Chúa ngủ làm chúng ta ngạc nhiên, nhưng ở khía cạnh khác việc Chúa ngủ lại đưa chúng ta vào thử thách. Thật vậy, Chúa đang đợi chúng ta mời Người chiến đấu với chúng ta, đặt Người vào trung tâm của những gì chúng ta đang trải qua. Giấc ngủ của Chúa làm cho chúng ta thức giấc. Bởi vì, để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, tin Thiên Chúa hiện hữu thôi chưa đủ, chúng ta phải bước ra khỏi chính mình và ở với Người, kêu lên với Người. Hãy nhớ điều này: chúng ta phải kêu cầu Người. Cầu nguyện thường là tiếng kêu: “Lạy Chúa, xin cứu con!”. Tôi đang xem chương trình “In his Image”, hôm nay là Ngày Người Tị nạn, nhiều người đi trên những chiếc thuyền lớn và vào lúc sắp chết đuối, họ đã kêu lên: “Xin cứu chúng tôi!”. Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng hãy kêu xin điều tương tự: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con!”, và lời cầu nguyện trở thành tiếng kêu.
Thưa với Chúa về cơn sóng đang đe dọa cuộc đời
Hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: những cơn gió nào đang ập đến với cuộc đời tôi, những con sóng nào cản trở hành trình vượt biển của tôi? Chúng ta hãy thưa tất cả những điều này với Chúa Giêsu. Chúa khao khát điều đó, trước những cơn sóng gió bất thường của cuộc đời, Chúa muốn chúng ta chạy đến tìm trú ẩn nơi Người. Tin Mừng thuật lại rằng các môn đệ đến gần Chúa Giêsu, đánh thức Người và nói với Người. Đây là sự khởi đầu của đức tin: nhận biết rằng một mình chúng ta không thể đứng vững, chúng ta cần Chúa Giêsu như những thủy thủ cần những vì sao để tìm đường đi. Đức tin bắt đầu từ việc tin rằng tự sức mình chúng ta không thể làm được gì, đến việc cảm nhận chúng ta cần Chúa. Khi chúng ta vượt qua cám dỗ đóng kín chính mình, khi chúng ta vượt qua một tôn giáo sai lầm không muốn làm phiền Thiên Chúa, khi chúng ta kêu lên với Người, Người có thể làm nên điều kỳ diệu trong chúng ta. Đó là sức mạnh nhẹ nhàng và phi thường của cầu nguyện, đưa đến phép lạ.
Xin ơn không mệt mỏi khi tìm kiếm Chúa
Chúa Giêsu, khi được các môn đệ kêu xin, đã làm yên sóng gió. Và ngài hỏi họ một câu hỏi, một câu hỏi cũng liên quan đến chúng ta: “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có đức tin sao?”. Các môn đệ đã để cho nỗi sợ hãi xâm chiếm, bởi vì các ông tập trung vào con sóng hơn là chú tâm vào Chúa Giêsu. Chúng ta cũng như thế: biết bao lần, thay vì đến với Chúa và phó thác nơi Người những khó khăn của chúng ta, chúng ta lại chú tâm vào các vấn đề! Biết bao lần chúng ta để Chúa ở một góc, dưới đáy con thuyền cuộc đời, chỉ đánh thức Người trong lúc cần thiết! Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin ân sủng đức tin không bao giờ mệt mỏi khi tìm kiếm Chúa, đến gõ cửa Trái Tim Người.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng trong cuộc đời không bao giờ ngừng tin cậy nơi Thiên Chúa, khơi dậy trong chúng ta nhu cầu thiết yếu là phó thác nơi Chúa mỗi ngày.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Chúa nhật 12 Thường Niên năm B (21.06.2015) - Tình yêu Thiên Chúa bền vững và chắc chắn
Anh chị em thân mến!
Trong Lời nguyện đầu lễ, chúng ta đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, Chúa sẽ chẳng bỏ rơi bao giờ”. Các bài đọc chúng ta vừa nghe cho chúng ta thấy cách mà tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta: đó là một tình yêu chung thủy, một tình yêu tái tạo mọi sự, một tình yêu bền vững và chắc chắn.
Một tình yêu chung thủy
Thánh Vịnh mời gọi chúng ta tán tạ Chúa vì “đức từ bi Người còn muôn thuở”. Như vậy, một tình yêu trung tín, một tình yêu chung thủy: đó là một tình yêu không làm thất vọng, không bao giờ thất bại. Chúa Giêsu là hiện thân của tình yêu này, Người là Chứng Nhân. Người không bao giờ mệt mỏi yêu thương chúng ta, nâng đỡ chúng ta, tha thứ cho chúng ta, và nhờ đó, Người đồng hành với chúng ta trên những nẻo đường cuộc sống, theo như lời Người đã hứa với các môn đệ: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Vì yêu mà Người đã làm người, vì yêu mà Người đã chết và đã sống lại, và vì yêu mà Người luôn ở bên cạnh chúng ta, trong những lúc tươi đẹp cũng như những lúc khó khăn. Chúa Giêsu luôn yêu thương chúng ta cho đến cùng, không giới hạn và không thể đo lường. Và Người yêu thương tất cả chúng ta, đến mức mỗi người trong chúng ta có thể nói: “Người đã hiến mạng sống vì tôi”. Cho tôi! Lòng trung tín của Chúa Giêsu không phai tàn, ngay cả trước sự bất trung của chúng ta. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta điều này: “Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2 Tm 2:13).
Chúa Giêsu vẫn trung tín, ngay cả khi chúng ta phạm lỗi, và Người chờ đợi để tha thứ cho chúng ta: Người là gương mặt của Người Cha Nhân Lành. Đây là một tình yêu chung thủy.
Một tình yêu tái tạo mọi sự
Khía cạnh thứ hai: tình yêu của Thiên Chúa tái tạo mọi sự, nghĩa là Ngài đổi mới mọi sự, như chúng ta được nhắc nhở trong Bài đọc thứ II. Nhận ra những giới hạn của chúng ta, những điểm yếu của chúng ta, là cánh cửa mở ra sự tha thứ của Chúa Giêsu, cho tình yêu của Người, tình yêu có thể đổi mới sâu sắc chúng ta, có thể tái tạo chúng ta. Sự cứu rỗi có thể đi vào tâm hồn khi chúng ta cởi mở với sự thật và nhận ra những lỗi lầm, tội lỗi của mình; bây giờ chúng ta hãy trải nghiệm, trải nghiệm đẹp đẽ về Đấng đến không phải vì những người khỏe mạnh mà vì những người đau ốm, không phải vì những người công chính mà là vì những tội nhân (x. Mt 9:12-13); chúng ta hãy cảm nghiệm sự kiên nhẫn, sự dịu dàng, ý chí muốn cứu rỗi tất cả của Ngài. Và dấu hiệu là gì? Dấu hiệu cho thấy chúng ta đã trở nên “mới” và đã được biến đổi bởi tình yêu Thiên Chúa, đó là chúng ta cởi bỏ bộ quần áo cũ kỹ của mối hận thù và ganh ghét để khoác lên mình chiếc áo sạch sẽ của sự hiền lành, thánh thiện, phục vụ người khác, của sự bình an trong tâm hồn, và của ơn được làm con cái Thiên Chúa. Tinh thần của thế gian luôn tìm kiếm điều gì đó mới mẻ, nhưng chỉ có lòng trung tín của Chúa Giêsu mới có khả năng đổi mới thực sự, làm cho chúng ta trở thành những con người mới, có thể tái tạo chúng ta.
Một tình yêu bền vững và chắc chắn
Cuối cùng, tình yêu của Thiên Chúa thì bền vững và chắc chắn, như những bờ đá làm nơi ẩn trú khỏi những cơn sóng dữ dội. Chúa Giêsu biểu lộ điều này nơi phép lạ được kể lại trong Tin Mừng, khi Ngài làm yên bão tố, ra lệnh cho gió và biển im lặng(x. Mc 4:41). Các môn đệ sợ hãi vì họ nhận ra rằng họ sẽ chống lại những bão tố và sóng gió đó, nhưng Chúa mở lòng họ và ban cho họ lòng can đảm của đức tin. Trước mặt những con người phải hét lên: “Tôi không thể làm gì được nữa”, thì Chúa gặp họ, trao ban “tảng đá” tình yêu của Ngài, tảng đá mà mọi người có thể bám vào, yên tâm không bị ngã. Đã bao lần chúng ta cảm thấy mình không thể gì làm được nữa! Nhưng Ngài vẫn ở gần chúng ta, với bàn tay dang rộng và trái tim rộng mở.
Anh chị em Turin và Piedmont thân mến, tổ tiên của chúng ta đã biết rõ thế nào là “đá tảng”, và “đoàn kết” nghĩa là gì.
Nhà thơ nổi tiếng của chúng ta đã đưa ra một lời chứng đẹp: “Họ bề ngoài thẳng thắn và chân thực: đầu cao, tay vững vàng và gan khỏe, họ nói ít nhưng biết nói gì, dù đi chậm nhưng họ đi xa. Những người không tiếc thời gian hay mồ hôi – Dòng dỏi tự do và kiên cường của chúng ta – Cả thế giới biết họ là ai và khi họ vượt qua ... cả thế giới đều theo dõi họ”.
Chúng ta có thể tự hỏi liệu hôm nay chúng ta có đứng vững trên tảng đá tình yêu Thiên Chúa này không? Làm sao chúng ta sống cho xứng với tình yêu thành tín của Thiên Chúa đối với chúng ta? Luôn có nguy cơ quên đi tình yêu cao cả mà Chúa đã tỏ cho chúng ta. Ngay cả những Kitô hữu chúng ta cũng có nguy cơ để mình bị tê liệt bởi những lo sợ về tương lai và tìm kiếm sự an toàn trong những điều đã qua, hoặc trong một mô hình xã hội khép kín có xu hướng loại trừ nhiều hơn là hòa nhập. Nhiều vị thánh và chân phước lớn lên ở vùng đất này đã nhận được tình yêu của Thiên Chúa và truyền bá tình yêu đó khắp thế giới, những vị Thánh tự do và kiên cường. Theo bước chân của những chứng nhân này, chúng ta cũng có thể sống niềm vui Tin Mừng bằng cách thực thi lòng thương xót; chúng ta có thể chia sẻ những khó khăn của rất nhiều người, của nhiều gia đình, đặc biệt là những người yếu thế nhất và bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế. Các gia đình cần cảm nhận được sự chăm sóc từ mẫu của Giáo hội để tiến bước trong đời sống hôn nhân, trong việc nuôi dạy con cái, trong việc chăm sóc người già cũng như trong việc truyền đạt đức tin cho các thế hệ trẻ.
Chúng ta có tin rằng Chúa là Đấng trung tín không? Chúng ta sống sự mới mẻ của Thiên Chúa, Đấng biến đổi chúng ta hàng ngày như thế nào? Làm thế nào chúng ta sống cho xứng với tình yêu trung tín của Chúa, tình yêu được đặt làm rào cản an toàn chống lại sự kiêu ngạo và đổi mới sai lầm? Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta luôn ý thức được tình yêu “đá tảng” này, tình yêu làm cho chúng ta vững vàng và mạnh mẽ trong những đau khổ lớn nhỏ, xin cho chúng ta không khép mình trước những khó khăn, biết can đảm đương đầu với cuộc sống và nhìn về tương lai với tinh thần lạc quan. Như trên Biển hồ Galilê, ngày nay trên biển đời của chúng ta, Chúa Giêsu đã chiến thắng các thế lực sự dữ và những đe dọa tuyệt vọng. Sự bình an mà Người ban cho chúng ta, cũng là cho tất cả mọi người; cho rất nhiều anh chị em đang chạy trốn chiến tranh và đàn áp để tìm kiếm bình an và tự do.
Các bạn thân mến, hôm qua các bạn đã cử hành Lễ Đức Mẹ An Ủi, la Consolà, “Mẹ ở đó: khiêm nhường và rắn rỏi, không hào hoa: giống như một Người Mẹ nhân lành”.
Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ con đường của xã hội và giáo hội trên trái đất này: Xin Mẹ giúp chúng ta bước theo Chúa để chúng ta có thể trung tín, được đổi mới và vững vàng trong tình yêu. Amen.