Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 10 Thường Niên năm B (09.06.2024) - Trở nên siêu thoát như Chúa Giêsu đã siêu thoát

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 10 Thường Niên năm B (10.06.2018) - Hai loại hiểu lầm


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 10 Thường Niên năm B (09.06.2024) - Trở nên siêu thoát như Chúa Giêsu đã siêu thoát

Anh chị em thân mến, chúc Chúa nhật tốt lành!

Tin Mừng phụng vụ hôm nay (x. Mc 3,20-35) cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu, sau khi bắt đầu sứ vụ công khai, đã phải đối diện với một phản ứng kép: trước hết là sự lo lắng của những người thân, họ sợ rằng Người bị điên đôi chút, và sau đó là phản ứng của các nhà chức trách tôn giáo, họ cáo buộc Người hành động do sự thúc đẩy của ma quỷ. Thực tế, Chúa Giêsu đã rao giảng và chữa lành người bệnh bằng quyền năng của Thánh Thần. Và chính Chúa Thánh Thần đã làm cho Người có được sự tự do của Thiên Chúa, nghĩa là có khả năng yêu thương và phục vụ không giới hạn và vô điều kiện. Chúa Giêsu tự do. Chúng ta hãy dừng lại một chút để chiêm ngưỡng sự tự do này của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu được tự do trước của cải: Người đã rời bỏ sự an toàn của ngôi làng Nazareth để ôm lấy một cuộc sống nghèo khó đầy bất trắc (x. Mt 6,25-34), chăm sóc các bệnh nhân và bất cứ ai đến cầu xin Người giúp đỡ, Người không bao giờ yêu cầu đền trả bất cứ điều gì (xem Mt 10,8). Đây là tính vô vị lợi của Chúa Giêsu trong tất cả các sứ vụ của Người.

Người tự do trước quyền lực: thực tế, mặc dù kêu gọi nhiều người đi theo mình nhưng Người không bao giờ ép buộc ai phải làm như vậy, cũng như không bao giờ tìm kiếm sự ủng hộ của kẻ có quyền, mà Người luôn đứng về phía những kẻ rốt hết, và dạy các môn đệ làm như vậy, như Người đã làm (x. Lc 22,25-27).

Cuối cùng, Chúa Giêsu tự do với việc tìm kiếm danh tiếng và sự thừa nhận, và do đó, Người không bao giờ từ bỏ việc nói sự thật, ngay cả khi phải trả giá là không được hiểu (xem Mc 3,21), không được lòng dân chúng, cho đến cái chết trên thập giá, Người không để mình bị đe dọa, bị mua chuộc hay bị làm hư hỏng bởi bất cứ điều gì hoặc bất kỳ ai (xem Mt 10,28).

Chúa Giêsu là một người tự do. Và điều này cũng quan trọng đối với chúng ta. Thật vậy, nếu chúng ta để mình bị ảnh hưởng bởi việc tìm kiếm thú vui, quyền lực, tiền bạc hoặc sự hài lòng, thì chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho những thứ này. Tuy nhiên, nếu chúng ta để cho tình yêu tự do của Chúa lấp đầy và lớn lên trong trái tim chúng ta, và nếu chúng ta để nó tràn ngập một cách tự nhiên qua việc trao nó lại cho người khác, với trọn con người mình, mà không sợ hãi, tính toán và điều kiện, thì chúng ta sẽ lớn lên trong tự do, và chúng ta cũng sẽ lan tỏa hương thơm tốt lành của nó ra xung quanh chúng ta, nơi nhà chúng ta, trong gia đình và trong cộng đồng của chúng ta.

Bây giờ chúng ta có thể tự hỏi: tôi có phải là người tự do không? Hay tôi để mình bị giam cầm bởi những huyền thoại về tiền bạc, quyền lực và thành công, bằng cách hy sinh sự thanh thản và bình an của chính mình và của người khác cho những điều này? Tôi có lan tỏa làn gió trong lành của tự do, chân thành, tự phát trong môi trường sống và làm việc của tôi không?

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống và yêu thương như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, trong sự tự do của con cái Thiên Chúa (xem Rm 8,15.20-23).

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 10 Thường Niên năm B (10.06.2018) - Hai loại hiểu lầm

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay chỉ cho chúng ta thấy hai loại hiểu lầm Chúa Giêsu phải đương đầu: thứ nhất là của các luật sĩ và loại thứ hai là của chính những người thân của Ngài.

Hiểu lầm thứ nhất. Các luật sĩ là những người thông thạo Kinh Thánh được giao phó nhiệm vụ giải thích Kinh Thánh cho dân. Một số người trong họ được sai từ Jerusalem đến miền Galilea, nơi tiếng tăm của Chúa Giêsu bắt đầu lan rộng, để làm mất uy tín của Ngài trước mặt dân chúng: họ đến để thi hành nhiệm vụ nói xấu, làm mất uy tín người khác, tước bỏ quyền thế, đó là điều xấu. Và những người được sai đến để thi hành điều ấy. Các luật sĩ đã đưa ra lời cáo buộc rõ ràng và kinh khủng - họ chẳng do dự, và đi thẳng vào trọng tâm vấn đề và nói thế này: “Ông ấy bị quỉ Beelzebul ám và đã trừ quỉ nhờ tướng quỉ” (v.22); điều này có nghĩa hơn kém thế này: “Ông ta là người bị quỉ ám”. Thực vậy, Chúa Giêsu chữa lành nhiều người bệnh và các luật sĩ ấy muốn làm cho người ta tin rằng Chúa trừ quỉ không phải với Thần Linh của Thiên Chúa, nhưng là do thần quỉ ma. Chúa Giêsu đã phản ứng lại bằng những lời mạnh mẽ và rõ ràng, Ngài không dung thứ điều ấy, vì các luật sĩ ấy có lẽ vô tình đang rơi vào tội nặng nhất, đó là phủ nhận và phạm thượng chống Tình Yêu của Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong Chúa Giêsu. Đó là tội chống lại Chúa Thánh Thần, là tội duy nhất không được tha, vì nó đi từ sự khép kín tâm hồn đối với lòng thương xót của Thiên Chúa hoạt động trong Chúa Giêsu.

Nhưng giai thoại này cũng chứa đựng một lời cảnh giác cho tất cả chúng ta. Thực vậy, có thể xảy ra cho chúng ta là một sự ghen tương mạnh mẽ đối với sự tốt lành và những công việc thiện của một người và lòng ghen ấy có thể thúc đẩy ta cáo gian người ấy. Ở đây, có một nọc độc chết người: sự gian ác qua đó người ta cố tình muốn hủy diệt thanh danh người khác. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cám dỗ kinh khủng ấy!. Và khi xét mình, chúng ta thấy cỏ dại này đang nảy mầm trong chúng ta, thì chúng ta hãy đi xưng thú ngay trong bí tích thống hối, trước khi nó phát triển và tạo nên những hậu quả tai ác, bất trị. Anh chị em hãy chú ý, vì thái độ ấy hủy hoại các gia đình, các tình bạn, các cộng đoàn và cả xã hội nữa.

Tin Mừng hôm nay cũng nói vơi chúng ta về một sự hiểu lầm thứ hai đối với Chúa Giêsu, một hiểu lầm rất khác biệt: đó là sự hiểu lầm của những người thân Chúa Giêsu. Họ lo lắng vì đời sống mới lưu động của ngài đối với họ là một sự điên rồ (Xc v.21). Thực vậy, Chúa tỏ ra sẵn sàng đối với dân chúng, nhất là với các bệnh nhân và người tội lỗi, đến độ không có giờ ăn uống nữa. Chúa Giêsu là như thế: dân chúng trước, phục vụ dân chúng, giúp đỡ họ, giảng dạy họ, chữa lành cho dân. Ngài chẳng có giờ để ăn uống. Vì thế những người thân của Ngài quyết định đến đưa Ngài về Nazareth. Họ đến nơi Chúa Giêsu đang giảng và sai người gọi Ngài. Người ta báo: “Này, Mẹ thầy, các anh chị em Thầy đang đứng ngoài kia tìm Thầy” (v.32). Ngài đáp: “Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?” và nhìn những người đang ngồi quanh để lắng nghe, Ngài nói tiếp: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi! Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em và là mẹ tôi” (vv.33-34). Chúa Giêsu đã thiết lập một gia đình mới, không còn dựa trên những liên hệ tự nhiên nữa, nhưng trên niềm tin vào Ngài, trên tình yêu của Ngài đón nhận và liên kết chúng ta với nhau, trong Chúa Thánh Thần. Tất cả những ai đón nhận Lời Chúa Giêsu đều là con cái Thiên Chúa và là anh chị em với nhau. Đón nhận Lời Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở nên anh chị em với nhau, làm cho chúng ta thành gia đình của Chúa Giêsu. Nói xấu người khác, hủy hoại thanh danh người khác, làm cho chúng ta thành gia đình của ma quỉ.

Câu trả lời này của Chúa Giêsu không phải là thiếu kính trọng đối với Mẹ và các thân nhân của Ngài. Trái lại, đối với Mẹ Maria đó là một sự nhìn nhận lớn hơn, vì chính Mẹ là môn đệ tuyệt hảo đã vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự.

Xin Đức Trinh Nữ giúp đỡ chúng ta luôn sống hiệp thông với Chúa Giêsu, nhìn nhận công trình của Chúa Thánh Thần hoạt động trong Người, để tái sinh thế giới vào một đời sống mới.

Nguồn: archivioradiovaticana.va