Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 5 Phục sinh năm B (28.04.2024) - Chỉ hiệp nhất với Chúa Giêsu mới sinh hoa trái
Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu là cây nho, chúng ta là cành. Và Thiên Chúa, Người Cha nhân hậu và tốt lành, làm việc với chúng ta như một người nông dân kiên nhẫn để cuộc sống của chúng ta sinh nhiều hoa trái. Vì thế, Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy bảo vệ món quà vô giá là sự liên kết với Người, vì sự sống và hoa trái của chúng ta phụ thuộc vào đó. Người lặp đi lặp lại: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. […] Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,4). Chỉ những ai tiếp tục hiệp nhất với Chúa Giêsu mới sinh hoa trái. Chúng ta dừng lại ở điểm này.
Chúa Giêsu sắp kết thúc sứ mạng trần thế của Người. Trong Bữa Tiệc Ly với các tông đồ, cùng với Bí tích Thánh Thể, Người ban cho họ một số lời quan trọng. Một trong những lời đó là: “ở lại”, giữ cho mối liên kết với Thầy được sống động, giữ sự hiệp nhất với Thầy như cành với cây nho. Bằng cách sử dụng hình ảnh này, Chúa Giêsu sử dụng một ẩn dụ Kinh thánh mà dân chúng đã biết rõ và họ cũng gặp khi cầu nguyện, như trong thánh vịnh nói: “Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại / tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem / xin Ngài thăm nom vườn nho cũ” (Tv 80,15). Israel là vườn nho được Chúa trồng và chăm sóc. Và khi dân chúng không sinh hoa trái tình yêu như Chúa mong đợi, thì tiên tri Isaia đưa ra lời buộc tội bằng dụ ngôn người nông dân làm vườn nho của mình, dọn sạch đá và trồng những cây nho quý để sinh ra rượu ngon, nhưng ngược lại nó chỉ tạo ra nho chua. Và vị tiên tri kết luận: “Vườn nho của ĐỨC CHÚA các đạo binh / chính là nhà Ít-ra-en đó ; / cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, / ấy chính là người xứ Giu-đa. / Người những mong họ sống công bằng, / mà chỉ thấy toàn là đổ máu ; /đợi chờ họ làm điều chính trực, / mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than” (Is 5,7). Chính Chúa Giêsu, dùng lời ngôn sứ Isaia, kể dụ ngôn đầy bi kịch về những tá điền giết người, cho thấy sự tương phản giữa công việc kiên nhẫn của Thiên Chúa và sự từ chối của dân Người (xem Mt 21,33-44).
Vì vậy, ẩn dụ về cây nho, diễn tả sự yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa đối với chúng ta, mặt khác, lại cảnh báo chúng ta, bởi vì, nếu chúng ta cắt đứt mối liên kết này với Chúa, chúng ta không thể sinh ra hoa trái là một cuộc sống tốt lành và chính chúng ta có nguy cơ trở thành những cành nho khô và bị quăng đi.
Anh chị em thân mến, theo hình ảnh được Chúa Giêsu sử dụng, tôi cũng nghĩ đến lịch sử lâu đời liên kết Venezia với công việc của những vườn nho và việc sản xuất rượu nho, với sự cần mẫn của nhiều người làm rượu nho và với vô số vườn nho trên các đảo của Vịnh và trong các khu vườn giữa các con đường của thành phố, và với công việc của các đan sĩ sản xuất rượu nho cho cộng đoàn của họ. Trong ký ức này về nho và rượu, không khó để hiểu sứ điệp của dụ ngôn về cây và cành nho: niềm tin vào Chúa Giêsu, sự liên kết với Người không giam cầm sự tự do của chúng ta, nhưng trái lại, mở ra cho chúng ta đón nhận nhựa tình yêu của Thiên Chúa, là thứ làm nhân lên niềm vui của chúng ta, chăm sóc chúng ta với sự cần mẫn của một người làm rượu giỏi và làm cho những mầm non mọc lên ngay cả khi mảnh đất cuộc đời chúng ta trở nên khô cằn. Nhiều lần trái tim của chúng ta trở nên khô cằn.
Nhưng ẩn dụ xuất phát từ trái tim của Chúa Giêsu cũng có thể được đọc bằng cách nghĩ về thành phố được xây dựng trên mặt nước này, và được nhận biết, bởi tính độc đáo của nó, là một trong những nơi mang lại nhiều cảm xúc nhất trên thế giới. Venezia là một thành phố nổi mọc lên từ nước, và nếu không có sự chăm sóc và bảo vệ cho khung cảnh tự nhiên này, thì nó thậm chí có thể không còn tồn tại. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy: chúng ta cũng vậy, luôn được dìm mình trong những nguồn tình yêu của Thiên Chúa, đã được tái sinh trong Bí tích Rửa tội, chúng ta đã được tái sinh vào cuộc sống mới nhờ nước và Chúa Thánh Thần và được tháp nhập vào Chúa Kitô như những cành nho. Nhựa của tình yêu này chảy trong chúng ta, nếu không có nhựa, chúng ta sẽ trở thành những cành khô không sinh hoa trái. Chân phước Gioan Phaolô I, khi còn là Thượng phụ của thành phố này, đã từng nói rằng Chúa Giêsu “đã đến để mang lại sự sống đời đời cho loài người […]”. Và ngài nói tiếp: “Sự sống đó ở trong Người và truyền từ Người cho các môn đệ, như nhựa được đẩy lên thân rồi đến cành. Đó là nguồn nước mát mà Chúa ban, một nguồn nước không ngừng tuôn chảy” (A. LUCIANI, Venezia 1975-1976. Tác phẩm Toàn tập. Các bài phát biểu, bài viết, bài báo, tập VII, Padua 2011, 158).
Anh chị em thân mến, đây mới là điều quan trọng: ở lại trong Chúa, ở trong Người. Và động từ này - ở lại - không nên được hiểu như một điều gì đó tĩnh tại, như thể muốn nói chúng ta hãy ở yên, đứng lại trong sự thụ động; thực tế, động từ này - ở lại - mời gọi chúng ta di chuyển, bởi vì ở lại trong Chúa có nghĩa là lớn lên trong mối tương quan với Người, đối thoại với Người, đón nhận Lời Người, bước theo Người trên con đường dẫn đến Nước Thiên Chúa. Do đó, đây là việc để mình bước theo sau Người, để cho mình được chất vấn bởi Tin Mừng của Người và trở thành chứng nhân cho tình yêu của Người.
Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu nói rằng ai ở lại trong Người thì sinh hoa trái. Và đây không phải là bất kỳ loại trái cây nào! Trái của những cành có nhựa lưu thông là trái nho, và trái nho làm nên rượu nho, đó là một dấu chỉ thiên sai tuyệt hảo. Thật vậy, Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai được Chúa Cha sai đến, đã mang rượu tình yêu của Thiên Chúa vào tâm hồn con người và làm cho họ tràn đầy niềm vui và hy vọng.
Anh chị em thân mến, đây là hoa trái mà chúng ta được kêu gọi mang lại trong cuộc sống, trong các mối tương quan của chúng ta, ở những nơi chúng ta thường lui tới hàng ngày, trong xã hội của chúng ta, trong công việc của chúng ta. Nếu chúng ta nhìn vào thành phố Venezia ngày nay, chúng ta ngưỡng mộ vẻ đẹp kỳ diệu của nó, nhưng chúng ta cũng lo lắng về nhiều vấn đề đang đe dọa nó: biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến vùng nước của vịnh này và lãnh thổ của nó; sự mong manh của các tòa nhà, của các di sản văn hóa cũng như của con người; khó khăn trong việc tạo ra một môi trường theo tiêu chuẩn con người thông qua quản lý du lịch thích hợp; và mọi thứ khác tạo ra nguy cơ rạn nứt về mặt quan hệ xã hội, chủ nghĩa cá nhân và sự cô đơn.
Và chúng ta, những Kitô hữu, là những cành nho hợp nhất với thân nho, vườn nho của Thiên Chúa, Đấng chăm sóc nhân loại và đã tạo dựng thế giới như một khu vườn để chúng ta có thể lớn lên và sinh hoa trái. Với tư cách là các Kitô hữu, chúng ta đáp lại thế nào? Bằng cách luôn hiệp nhất với Chúa Kitô, chúng ta sẽ có thể mang những hoa trái của Tin Mừng vào thực tại mà chúng ta đang sống: hoa trái của công bằng và hòa bình, hoa trái của tình liên đới và sự quan tâm lẫn nhau; những lựa chọn cẩn thận để bảo vệ di sản môi trường cũng như di sản nhân loại: đừng quên di sản nhân loại, nhân loại lớn của chúng ta mà Thiên Chúa trao để cùng bước đi với chúng ta; chúng ta cần các cộng đoàn Kitô hữu, các khu dân cư, các thành phố của chúng ta, trở thành những nơi hiếu khách, thân thiện và hòa nhập. Và Venezia, nơi luôn là nơi gặp gỡ và trao đổi văn hóa, được mời gọi trở thành một dấu chỉ vẻ đẹp mà tất cả mọi người có thể tiếp cận, bắt đầu từ điều nhỏ nhất, là dấu hiệu của tình huynh đệ và sự quan tâm đến ngôi nhà chung của chúng ta. Venezia, vùng đất tạo nên huynh đệ. Xin cảm ơn!
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 5 Phục sinh năm B (02.05.2021) - Ở lại trong Chúa Giêsu
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ V mùa Phục Sinh (Ga 15,1-8), Chúa Giêsu giới thiệu: Người là cây nho thật và gọi chúng ta là những cành nho mà nếu không kết hiệp với Người sẽ không sống được: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (c. 5). Sẽ không có cây nho nếu không có các cành nho, và ngược lại. Các cành không tự nó sống nhưng hoàn toàn dựa vào cây nho, nguồn sống của chúng.
Chúa Giêsu nhấn mạnh đến động từ “ở lại”. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa lặp lại động từ này bảy lần. Trước khi từ giã thế giới này và trở về với Chúa Cha, Chúa Giêsu muốn trấn an các môn đệ rằng: họ có thể tiếp tục được kết hiệp với Người. Chúa nói: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (c. 4). Đây không phải là ở lại cách thụ động, “ngủ yên” trong Chúa, để chính mình bị cuộc đời ru ngủ. Không phải như thế. Chúa Giêsu đề nghị ở lại cách tích cực và hỗ tương. Tại sao? Bởi vì những cành nho không có cây nho thì không thể làm gì được, chúng cần nhựa sống để sinh trưởng và kết trái; nhưng cây nho cũng cần cành, vì quả không mọc trên thân cây. Đó là sự cần thiết lẫn nhau, là vấn đề ở lại trong nhau để sinh hoa kết trái.
Chúng ta cần Chúa
Trước hết, chúng ta cần Chúa. Chúa muốn nói với chúng rằng, trước khi tuân giữ các điều răn của Người, trước các mối phúc thật, trước các hoạt động thương xót, cần kết hiệp với Người, ở lại trong Người. Chúng ta không thể là Kitô hữu tốt nếu chúng ta không ở lại trong Chúa Giêsu. Nhưng với Người, chúng ta có thể chịu được mọi sự (xem Pl 4,13).
Chúa cần chúng ta: một ý tưởng táo bạo?
Nhưng Chúa Giêsu, giống như cây nho cần cành nho, cũng cần chúng ta. Đối với chúng ta, có vẻ táo bạo khi nói điều này, và vì vậy, chúng ta tự hỏi: Chúa Giêsu cần chúng ta theo nghĩa nào? Người cần chứng tá của chúng ta. Giống như cành nho, hoa trái mà chúng ta cần mang lại chính là làm chứng về đời sống của Kitô hữu. Sau khi Chúa Giêsu trở về với Chúa Cha, nhiệm vụ của các môn đệ, cũng là nhiệm vụ của chúng ta, là tiếp tục loan báo Tin mừng, bằng lời nói và việc làm, về Vương quốc của thế giới. Và họ làm việc này bằng cách làm chứng cho tình yêu của Chúa: hoa trái được sinh ra chính là tình yêu. Được gắn kết với Chúa Kitô, chúng ta nhận các ơn Chúa Thánh Thần, và bằng cách này chúng ta có thể làm điều tốt cho tha nhân và xã hội, cho Giáo hội. Chúng ta nhận ra cây nhờ trái của nó. Một đời sống Kitô hữu thật sự có thể làm chứng cho Chúa Kitô.
Hoa trái tốt của cuộc sống nhờ vào cầu nguyện
Chúng ta có thể làm điều này bằng cách nào? Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (c. 7). Cuộc sống của chúng ta mang lại hoa trái tốt là nhờ vào cầu nguyện. Chúng ta có thể xin được suy nghĩ như Chúa, hành động như Người, nhìn thế giới và mọi thứ bằng đôi mắt của Chúa Giêsu. Và như thế, yêu thương anh chị em của chúng ta, bắt đầu từ những người nghèo nhất và những người đau khổ nhất, như Chúa đã làm, và yêu thương họ bằng cả trái tim và mang đến cho thế giới những hoa trái của sự tốt lành, bác ái và hòa bình.
Chúng ta hãy phó thác cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ luôn luôn kết hợp hoàn toàn với Chúa Giêsu và Mẹ đã mang lại nhiều kết quả. Xin Mẹ giúp chúng ta ở lại trong Chúa Kitô, trong tình yêu và trong lời của Người, để làm chứng cho Chúa Phục Sinh trong thế giới.
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 5 Phục sinh năm B (29.04.2018) - Thầy là cây nho, anh em là nhành
Lời Chúa trong Chúa nhật thứ 5 mùa Phục Sinh này tiếp tục chỉ cho chúng ta con đường và những điều kiện để thành cộng đoàn của Chúa Phục Sinh. Chúa nhật tuần trước đã làm nổi bật tương quan giữa tín hữu và Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Hôm nay Tin Mừng trình bày cho chúng ta lúc Chúa Giêsu tự giới thiệu như thân cây nho đích thực và mời gọi chúng ta hiệp nhất với Ngài để mang lại nhiều hoa trái (Xc Ga 15,1-8). Thân cây nho là một cây họp thành một toàn bộ với các ngành, và các ngành nho chỉ được phong phú nếu gắn liền vào thân nho. Tương quan này là bí quyết đời sống Kitô và thánh sử Gioan biểu lộ qua động từ “ở lại”, động từ được lập đi lập lại bảy lần trong đoạn Tin Mừng hôm nay.
Vấn đề ở đây là ở lại với Chúa Giêsu để tìm được can đảm ra khỏi chính mình, ra khỏi những thoải mái tiện nghi, ra khỏi không gian chật hẹp và được bảo bọc của chúng ta, để tiến ra biển khơi với những nhu cầu của tha nhân và mang lại một đà tiến rộng rãi cho chứng tá Kitô của chúng ta trên thế giới. Sự can đảm ra khỏi chính mình tự nó nảy sinh từ niềm tin nơi Chúa Phục Sinh và từ niềm xác tín Thánh Linh của Chúa đồng hành với lịch sử chúng ta. Một trong những hoa trái chín mùi nhất nảy sinh từ sự thông hiệp với Chúa Kitô chính là sự dấn thân bác ái đối với tha nhân, yêu thương anh chị em trong tinh thần quên mình, đến độ chấp nhận những hậu quả cuối cùng, như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Năng động bác ái của tín hữu không phải là kết quả của chiến lược, không nảy sinh từ những lời kêu gọi từ bên ngoài, như những yêu cầu xã hội hoặc ý thức hệ, nhưng từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu và do việc ở lại trong Chúa Giêsu. Đối với chúng ta, Ngài chính là thân cây nho từ đó chúng ta kín múc nhựa sống, nghĩa là ”sự sống” để mang lại trong xã hội những cách thức sống và xả thân, đặt mình ở chỗ rốt cùng.
Khi chúng ta kết hiệp thâm sâu với Chúa, như thân nho và các ngành kết hiệp mật thiết với nhau, thì ta có khả năng mang lại những hoa trái sự sống mới, hoa trái từ bi thương xót, công lý và hòa bình, xuất phát từ sự phục sinh của Chúa. Đó là điều các thánh đã làm, những người đã sống trọn vẹn đời sống Kitô và chứng tá bác ái, vì họ là những ngành nho đích thực của thân cây nho của Chúa. Nhưng để nên thánh, ”không nhất thiết phải là các giám mục, linh mục hoặc tu sĩ. [..] Tất cả chúng ta đều được kêu gọi nên thánh bằng cách sống yêu thương và mỗi người làm chứng tá giữa những công việc thường nhật, nơi mình đang sống” (Tông Huấn Gaudete et exsultate, 14). Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh. Chúng ta phải nên thánh với sự phong phú mà chúng ta đã nhận được từ Chúa Phục Sinh. Mọi hoạt động - làm việc hay nghỉ ngơi, đời sống gia đình và xã hội, việc thi hành các trách nhiệm chính trị, văn hóa và kinh tế, - mỗi hoạt động, nếu được sống trong sự kết hiệp với Chúa Giêsu và với thái độ yêu thương và phục vụ, chính là cơ hội để sống trọn vẹn bí tích rửa tội và sự thánh thiện theo tinh thần Tin Mừng.
Xin Mẹ Maria là Nữ Vương Các Thánh và là mẫu gương về sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Con của Mẹ giúp đỡ chúng ta. Xin Mẹ dạy chúng ta ở lại trong Chúa Giêsu, như những ngành gắn liền với thân cây nho và không bao giờ tách rời khỏi tình yêu của Chúa. Thực vậy, chúng ta không thể làm nếu không có Chúa, vì đời sống chúng ta chính là Chúa Kitô hằng sống, hiện diện trong Giáo Hội và trên thế giới.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 5 Phục sinh năm B (03.05.2015) - Kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu
Anh chị em thân mến
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, trong lúc Ngài biết rằng cái chết đã gần kề. “Giờ” của Ngài đã đến. Ngài ở với các môn đệ lần chót, và vì thế Chúa muốn ghi tạc vào tâm trí họ một chân lý cơ bản: đó là cả khi Ngài không còn hiện diện thể lý giữa họ, họ vẫn có thể kết hiệp với Ngài một cách mới mẻ, và nhờ đó mang lại nhiều hoa trái. Và tất cả chúng ta có thể kết hiệp với Chúa một cách mới mẻ. Nếu một người đánh mất sự hiệp thông ấy với Chúa, thì sẽ trở nên son sẻ, và gây hại cho cộng đoàn nữa. Đâu là cách thế mới mẻ ấy? Để diễn tả thực tại ấy, Chúa Giêsu dùng hình ảnh gốc nho và các ngành: “Cũng như ngành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với gốc nho, các con cũng thế nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là gốc nho và các con là ngành” (Ga 15,4-5). Với hình ảnh đó, Chúa dạy chúng ta cách ở lại trong Ngài, kết hiệp với Ngài, mặc dù Chúa không hiện diện thể lý.
Chúa Giêsu là gốc nho, và qua Ngài, như nhựa sống của cây, được chuyển đến các ngành tình thương của chính Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh. Và chúng ta là ngành, và qua dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn làm cho chúng ta hiểu tầm quan trọng của sự kết hiệp với Ngài. Các ngành cây không độc lập nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào gốc nho, trong đó có nguồn sống. Cũng thế đối với các tín hữu Kitô chúng ta. Được tháp nhập vào Chúa Kitô nhờ phép rửa, chúng ta nhận được từ nơi Chúa một cách nhưng không hồng ân sự sống mới; và chúng ta được ở trong tình hiệp thông sinh tử với Chúa Kitô. Cần phải trung thành với phép Rửa, và tăng trưởng trong tình bạn với Chúa nhờ kinh nguyện, kinh nguyện hằng ngày, lắng nghe và ngoan ngoãn vâng Lời Chúa, đọc Tin Mừng, tham gia các bí tích, nhất là phép Thánh Thể và Hòa Giải.
Nếu một người kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, thì được hưởng những ơn của Chúa Thánh Linh, như thánh Phaolô đã nói, những ơn này là “tình thương, vui mừng, hòa bình, quảng đại, hiền lành, từ nhân, trung thành, dịu hiền, tự chủ” (Gl 5,22); đó là những ơn được ban cho chúng ta, nếu chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu và vì vậy một người kết hiệp như thế với Chúa thì mưu ích nhiều cho tha nhân và xã hội, đó là một Kitô hữu chân thực. Thực vậy, qua những thái độ ấy người ta biết đó là một Kitô hữu đích thực, cũng như qua hoa trái người ta biết được cây thế nào. Hoa trái của sự kết hiệp sâu đậm với Chúa Giêsu thật là tuyệt vời; toàn thể con người chúng ta được biến đổi nhờ ơn Chúa Thánh Linh: linh hồn, trí tuệ, ý chí, tình cảm, và cả thân thể nữa, vì tinh thần và thân xác chúng ta là một. Chúng ta nhận được một cách sống mới, sự sống của Chúa Kitô trở nên cuộc sống chúng ta: chúng ta có thể nghĩ như Chúa, hành động như Chúa, nhìn thế giới và sự vật với đôi mắt của Chúa Giêsu. Do đó, chúng ta có thể yêu thương anh chị em chúng ta, như Chúa đã làm, đã yêu mến họ, bắt đầu từ những người nghèo khổ nhất, với con tim của Chúa, và nhờ đó mang vào thế giới những hoa trài của lòng từ nhân, bác ái và hòa bình.
Mỗi người chúng ta là một ngành của một gốc nho duy nhất; và tất cả chúng ta đều được kêu gọi sinh hoa trái của sự cùng thuộc về Chúa Giêsu và Giáo Hội.
Chúng ta hãy phó thác bản thân cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, để chúng ta có thể là những cành cây sống động trong Giáo Hội, và làm chứng về đức tin của chúng ta bằng cuộc sống hợp với niềm tin ấy, với ý thức rằng tùy theo ơn gọi đặc thù, tất cả chúng ta đều tham dự vào sứ mạng cứu độ duy nhất của Chúa Giêsu Kitô.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 5 Phục sinh năm B (06.05.2012) - Tự do và việc phụ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng Chúa Nhật thứ năm mùa Phục sinh mở ra cho chúng ta hình ảnh vườn nho. "Chúa Giê-su nói với các môn đệ:'Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho'" (Ga 15,1). Trong Kinh Thánh, rất nhiều lần dân It-ra-en được so sánh với vườn nho sai trái khi trung tín với Thiên Chúa; nhưng một khi họ xa Chúa, sẽ trở thành khô héo, không còn khả năng làm ra "loại rượu làm phấn khởi lòng người", như chúng ta đọc thấy trong Thánh vịnh 104, câu 15. Vườn nho thật của Thiên Chúa, cây nho thật là Chúa Giê-su, với tình yêu hy sinh, đã đem lại ơn cứu chuộc cho chúng ta và mở đường cho chúng ta đến vườn nho thật. Như Đức Ki-tô ở lại trong tình yêu của Chúa Cha, các môn đệ cũng thế, những người được cắt tỉa nhờ Lời của Thầy mình. Nếu các môn đệ gắn kết với Thầy cách thâm sâu, họ trở thành những nhành nho sai trái, làm cho vụ mùa bội thu. Thánh Phan-xi-cô de Sale viết: "Cành liên kết với thân và sinh trái không bởi tự chính nó nhưng là nhờ thây cây: hiện nay chúng ta được gắn kết trong tình mến với Đấng Cứu Độ như chi thể với đầu. Vì thế, những việc lành phúc đức hưởng nhờ từ Ngài đem lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu" (Trattato dell’amore di Dio, XI, 6, Roma 2011, 601).
Trong ngày chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội, Giáo Hội đã tháp nhập chúng ta như những nhành cây vào Mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giê-su, đồng thời cũng trong Cuộc thương khó của Người. Từ cội rễ này chúng ta nhận lãnh nhựa sống hầu được tham dự vào cuộc sống vĩnh hằng. Như các môn đệ, chúng ta cũng vậy, nhờ sự trợ giúp của các Mục tử trong Giáo Hội, chúng ta lớn lên trong vườn nho của Chúa, được bao bọc trong tình yêu của Người. "Nếu hoa trái của chúng ta là tình yêu, thì điều tạo ra hoa trái này chính là việc "ở lại" cách thâm sâu và trung tín với Chúa" (Gesù di Nazaret, Milano 2007, 305). Điều quan trọng là luôn gắn kết với Chúa Giê-su, phụ thuộc vào Người bởi không có Ngài chúng ta không thể làm được gì (x. Ga 15,5). Trong một lá thư của Ngôn sứ Gio-an, người sống trong hoang mạc ở Gaza vào thế kỷ thứ năm, một tín hữu hỏi ngài rằng: Làm thế nào để dung hoà giữa tự do của con người và việc phụ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa? Vị ẩn tu trả lời: Nếu con người nghiêng lòng mình vào sự thiện và xin Chúa giúp đỡ, họ sẽ nhận được sức mạnh cần thiết để làm được điều ấy. Bởi tự do của con người và quyền năng của Thiên Chúa song hành với nhau. Điều này khả thi bởi sự thiện đến từ Thiên Chúa nhưng sự thiện được thực thi nhờ người tín hữu. (x. Ep. 763, SC 468, Paris, 2001, 206). "Ở lại" trong Chúa Ki-tô cách đích thực được đảm bảo trong lời cầu nguyện liên lỉ, như vị Chân phước Dòng Xi-tô Guerrico d'Igny đã nói: "Lạy Chúa Giê-su, không có Ngài chúng con chẳng làm được gì. Ngài chính là người làm vườn, người sáng tạo đích thực; Người trồng tỉa và chăm sóc vườn nho của Ngài. Ngài đã ươm mầm bằng lời của mình, tưới bằng thần linh và làm cho lớn mạnh nhờ quyền năng của Ngài" (Sermo ad excitandam devotionem in psalmodia, SC 202, 1973, 522).
Các bạn thân mến,
Mỗi người chúng ta là một nhành nho và chỉ sống mạnh nếu lớn lên mỗi ngày trong cầu nguyện, tham dự các Bí tích, trong việc thiện và gắn kết với Thiên Chúa. Ai yêu mến Chúa Giê-su, Đấng là cây nho thật, sẽ sinh hoa trái đức tin cho một vụ mùa bội thu những hoa trái thiêng liêng.
Chúng ta cùng hướng đến Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa hầu chúng ta có thể ở lại trong Chúa Giê-su cách liên lỉ và để mỗi hành động của chúng ta được khởi sự và hoàn tất trong Người.
Nguồn: archivioradiovaticana.va