BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

Lễ thánh Phêrô và Phaolô
Ngày 29.06.2011

THẦY KHÔNG GỌI CÁC CON LÀ TÔI TỚ, NHƯNG LÀ BẠN HỮU

WHĐ (05.07.2011)Sáng 29.06.2019, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chủ sự Thánh lễ làm phép các dây Pallium cho các vị Tổng Giám mục chính tòa. Trong bài giảng, ngài suy tư về lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ trong bữa Tiệc ly: “Thầy không gọi các con là tôi tớ, nhưng là bạn hữu” (x. Ga 15,15). Qua đó ngài chia sẻ về xác tín của ngài qua kinh nghiệm 60 năm linh mục. Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha.

Anh chị em thân mến,

“Thầy không gọi các con là tôi tớ, nhưng là bạn hữu” (x. Ga 15,15).

Sáu mươi năm đã qua kể từ ngày tôi được thụ phong linh mục, một lần nữa tôi lại nghe thấy từ sâu thẳm lòng mình những lời Chúa Giêsu nói cùng anh em tân linh mục chúng tôi vào cuối buổi lễ truyền chức do Đức hồng y Tổng giám mục Faulhaber chủ sự, qua giọng nói hơi yếu ớt nhưng quả quyết của ngài. Theo cử hành phụng vụ thời ấy, Đức giám mục đọc lời ban năng quyền giải tội cho các tân chức: “Không còn là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu”: ngay lúc bấy giờ tôi đã hiểu rõ những lời này không chỉ là nghi thức, không đơn giản chỉ là nhắc lại một câu Sách Thánh. Tôi biết, vào đúng lúc ấy, chính Chúa đã nói với tôi một cách rất riêng tư. Trong bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức, Người đã đưa chúng ta lại kề bên Người, Người đã đón nhận chúng ta vào gia đình của Thiên Chúa. Nhưng điều đang diễn ra lúc này lại còn lớn lao hơn nữa. Chúa gọi tôi là bạn của Người. Chúa đón nhận tôi vào nhóm những người Chúa đã đặc biệt hiểu rõ, do đó cũng được nhận biết Chúa một cách rất đặc biệt. Chúa ban cho tôi một khả năng đáng sợ là thực thi điều mà chỉ một mình Người, Con của Thiên Chúa, mới có thể nói và làm một cách chính đáng: Ta tha tội cho con. Chúa muốn tôi – bằng quyền năng của Người – có thể nhân danh Chúa mà nói, (“Tôi” tha tội), đó không chỉ là lời nói, mà còn là một hành động, đang làm biến đổi thực tại ở mức sâu xa nhất, tôi biết đàng sau những lời đó là cả cuộc khổ nạn Chúa đã chịu cho chúng ta và vì chúng ta. Tôi biết cái giá của tha thứ: khi chịu khổ nạn, Chúa đã đi xuống tận vực sâu tăm tối gớm ghiếc các tội lỗi của chúng ta. Người phải đi vào bóng đêm của tội lỗi chúng ta, chỉ nhờ thế mà tình trạng tăm tối ấy mới được biến đổi. Và bằng cách ban cho tôi quyền tha tội, Chúa để cho tôi nhìn xuống vực thẳm của con người, nhìn vào nỗi đau đớn vô hạn Chúa phải chịu vì loài người chúng ta, và điều này khiến cho tôi nhận ra tình yêu vô hạn của Người. Người tin cậy tôi: “Không còn là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu”. Người uỷ thác cho tôi những lời truyền phép trong bí tích Thánh Thể. Người uỷ nhiệm tôi công bố lời Người, giải thích đúng lời Người và mang lời ấy đến cho mọi người hôm nay. Người ký thác chính bản thân Người cho tôi. “Các con không còn là tôi tớ, nhưng là bạn hữu”: Những lời này mang lại niềm vui nội tâm lớn lao, nhưng đồng thời, cũng đáng kinh sợ đến nỗi ta có thể cảm thấy sợ hãi khi đã trải qua mấy chục năm cảm nhận được sự yếu đuối của con người chúng ta và lòng nhân hậu vô biên của Chúa.

“Không còn là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu”: lời này tự thân chứa đựng trọn cả một chương trình cho một đời linh mục. Tình bạn là gì? Idem velle, idem nolle – muốn những điều giống nhau, ghét những điều giống nhau: đó là cách diễn tả tình bạn thời cổ xưa. Tình bạn là một sự hiệp thông trong tư duy và trong ý muốn. Chúa cũng nói chính điều đó cho chúng ta cách rõ ràng hơn hết: “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14). Vị Mục Tử gọi tên từng con chiên của mình (x. Ga 10,3). Người biết tên tôi. Tôi không phải là một hiện hữu vô danh trong vũ trụ vô cùng. Người đích thân biết tôi. Tôi có biết Người không? Tình bạn mà Người đoái ban cho tôi chỉ có thể có nghĩa rằng chính tôi cũng ra sức hiểu biết Người nhiều hơn; rằng trong Kinh Thánh, trong các Bí Tích, trong kinh nguyện, trong sự hiệp thông với các thánh, trong những ai đến với tôi, do Chúa gửi đến, tôi ra sức ngày một nhận biết Người hơn nữa. Tình bạn không chỉ là biết về một con người, nhưng trên hết, là sự thông hiệp của ý chí. Nghĩa là ý muốn của tôi càng ngày càng tương hợp với thánh ý Chúa. Vì thánh ý Chúa không phải điều gì ở bên ngoài và xa lạ với tôi, điều mà hầu như tôi muốn phục tùng hay từ khước cũng được. Không, trong tình bạn, ý muốn của tôi nên một với thánh ý Chúa, và thánh ý Chúa trở nên ý muốn của tôi: đây chính là cách tôi thực sự trở nên chính mình. Vượt lên và trên cả sự thông hiệp tư duy và ý muốn, Chúa còn nhắc đến yếu tố thông hiệp thứ ba: Chúa hiến mạng sống mình cho chúng ta (x. Ga 15, 13; 10, 15). Lạy Chúa, xin giúp con hiểu biết Chúa ngày một hơn. Xin giúp con nên một với thánh ý Chúa ngày một hơn. Xin hãy giúp con sống cuộc đời con không phải cho bản thân con, nhưng trong sự hiệp nhất với Chúa để sống cuộc đời con cho tha nhân. Xin hãy giúp con trở nên bạn của Chúa ngày một hơn.

Lời của Chúa Giêsu về tình bằng hữu cần phải được nhìn trong bối cảnh của diễn từ về cây nho. Chúa liên kết hình ảnh cây nho với nhiệm vụ được trao cho các môn đệ: “Thầy cắt cử anh em để anh em ra đi sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15,16). Nhiệm vụ đầu tiên cho các môn đệ – cho bạn hữu Người – là ra đi, bước ra khỏi bản thân và đi tới tha nhân. Ở đây chúng ta nghe vang vọng những lời của Chúa Phục sinh nói với các môn đệ ở cuối Tin Mừng theo Thánh Matthêô: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…” (x. Mt 28,19tt). Chúa đòi chúng ta ra khỏi lằn ranh thế giới của riêng mình và đem Tin Mừng đến cho tha nhân, để cho Tin Mừng được loan đi khắp nơi và từ đây thế giới được mở ra cho Nước Thiên Chúa. Chúng ta được nhắc bảo rằng Thiên Chúa còn bước ra khỏi địa vị của Người, gạt bỏ vinh quang của mình để đi tìm chúng ta, mang lại cho chúng ta ánh sáng và tình yêu của Người. Chúng ta muốn theo bước Thiên Chúa là Đấng đi theo đường lối này, chúng ta muốn rời bỏ sức ì của thói lấy mình làm trung tâm, để Chúa có thể bước vào thế giới chúng ta.

Sau lệnh truyền lên đường, Chúa Giêsu nói tiếp: sinh hoa trái thì hoa trái còn tồn tại. Chúa mong đợi hoa trái nào nơi chúng ta? Hoa trái tồn tại là hoa trái nào? Giờ đây, hoa trái của cây nho là quả nho và chính từ quả nho mà rượu nho được làm ra. Chúng ta cùng suy nghĩ một chút về hình ảnh này. Để trái nho được chín tốt, cần có nắng, nhưng cũng cần có mưa nữa, cả ngày lẫn đêm. Để cho nho quý thành rượu, các quả nho cần phải được ép, cần phải kiên nhẫn chờ nước nho ép lên men, cần có sự chăm sóc cẩn thận để giúp cho quy trình hóa rượu. Rượu nho quý được đánh giá không chỉ bởi độ ngọt, nhưng còn bởi những vị phong phú và tinh tế, hương thơm đa dạng sinh ra trong quá trình chín muồi và lên men. Đó chẳng phải là hình ảnh của nhân sinh, và đặc biệt là của đời sống linh mục chúng ta sao? Chúng ta cần cả nắng lẫn mưa, cả lúc hân hoan cũng như khi gặp nghịch cảnh, cả khi chịu thanh luyện và thử thách cũng như lúc vui mừng được đồng hành với Tin Mừng. Khi suy nghĩ lại, chúng ta có thể tạ ơn Chúa về cả hai đàng: về những thử thách và những niềm vui, về những lúc u tối và những ngày tươi sáng. Cả hai đàng, chúng ta đều có thể nhận biết được sự hiện diện bền vững của tình yêu Thiên Chúa không ngừng nâng đỡ và bảo vệ chúng ta.

Tuy nhiên bây giờ chúng ta phải đặt câu hỏi: Chúa mong chờ thứ hoa trái nào nơi chúng ta? Rượu nho là hình ảnh của tình yêu: đó là hoa trái đích thực và tồn tại, thứ hoa trái mà Thiên Chúa mong muốn nơi chúng ta. Nhưng đừng quên trong Cựu Ước, thứ rượu nho được mong chờ từ trái nho quý, hơn tất cả, là hình ảnh về sự công chính, phát xuất từ một đời sống tuân giữ luật Chúa. Đó là điều không được bãi bỏ vì cho rằng nhãn quan Cựu ước đã lỗi thời – không, điều này vẫn còn đúng. Nội dung đích thực và gồm tóm mọi Lề luật vẫn là lòng mến Chúa và yêu thương tha nhân. Nhưng tình yêu song đôi này không chỉ là ngọt ngào, mà còn mang trong mình của cải quý giá là lòng kiên nhẫn, sự khiêm hạ và được lớn lên khi biết bỏ ý riêng mình mà sống theo thánh ý Thiên Chúa, theo ý của Đức Giêsu, người bạn của chúng ta mong muốn. Chỉ bằng cung cách này, khi toàn thể con người chúng ta mang lấy những phẩm tính của sự thật và sự chính trực, thì tình yêu mới trở nên chân thực, chỉ khi đó mới là trái chín. Trung thành với Đức Kitô và Hội Thánh của Người là đòi hỏi nội tại phải thực thi và điều đó luôn bao gồm đau khổ. Đây chính là cách mà niềm vui đích thực được lớn lên. Ở mức độ sâu xa, bản chất của tình yêu, của hoa trái đích thực, tương hợp với ý niệm lên đường, tiến bước: nghĩa là quên mình, tự hiến, nơi bản thân điều đó đã mang dấu chỉ thập giá. Về điểm này, Đức Grêgôriô Cả đã từng nói: nếu bạn đang gắng sức đến với Chúa, hãy cẩn thận đừng đến với Người duy một mình bạn mà thôi – một câu châm ngôn mà linh mục chúng ta cần ghi nhớ mỗi ngày (H Ev 1:6:6 PL 76, 1097tt).

Các bạn thân mến, có lẽ tôi đã dừng lại quá lâu với những suy niệm nội tâm của mình về sáu mươi năm thừa tác vụ linh mục. Bây giờ đến lúc chúng ta lưu tâm đến phận sự đặc biệt phải thực hiện ngày nay.

Trong ngày lễ mừng hai Thánh Phêrô và Phaolô, lời cầu chúc thân ái nhất của tôi trước tiên xin dành cho Đức Thượng phụ Bartholomaios I và Phái đoàn ngài đã cử đến, là những người tôi muốn bày tỏ lời cám ơn chân thành về chuyến viếng thăm được hoan nghênh nhất của các ngài nhân dịp phúc lộc này là lễ các Thánh Tông đồ Bổn mạng của Rôma. Tôi cũng xin chúc mừng quý Đức Hồng y, Giám mục hiền đệ của tôi, quý vị đại sứ và quý giới chức dân sự, cũng như quý linh mục và quý linh mục đồng khóa, quý tu sĩ và giáo dân. Tôi xin cám ơn tất cả quý vị về sự hiện diện của quý vị và những kinh nguyện của quý vị.

Quý Đức Tổng giám mục trưởng giáo tỉnh được bổ nhiệm kể từ lễ kính hai Thánh Tông Đồ năm ngoái, bây giờ sẽ nhận lãnh dây Pallium. Điều này có ý nghĩa gì? Trước hết có ý nhắc nhở chúng ta về ách êm ái Chúa Giêsu trao cho chúng ta (x. Mt 11, 29tt). Ách của Chúa Giêsu cũng chính là tình bạn của Người. Đó là ách của tình bạn và do đó là “ách ngọt ngào”, nhưng như thế cũng chính là ách đòi phải nỗ lực, cái ách tôi luyện con người chúng ta. Cái ách của thánh ý Chúa, vốn là ý muốn của chân lý và tình yêu. Đối với chúng ta, trước hết và trên hết, đó là ách dẫn đưa người khác tới tình bạn hữu với Đức Kitô và sẵn sàng phục vụ tha nhân, chăm sóc họ như những mục tử. Dây Pallium còn gợi cho chúng ta ý nghĩa: dây được dệt bằng len của những con chiên được ban phép lành vào ngày lễ kính Thánh Anê. Như vậy dây Pallium nhắc nhở chúng ta về một Đấng Mục tử, vì yêu chúng ta, đã tự mình trở thành một Chiên Con. Dây Pallium nhắc nhở chúng ta về Đức Kitô, Đấng đã lên đường băng qua núi non và hoang mạc, nơi có con chiên là nhân loại bị lạc lối. Dây Pallium còn nhắc chúng ta về Đấng đã vác chiên con – nhân loại – tôi - lên vai của mình, để mang tôi về nhà. Như vậy dây Pallium nhắc nhở, cả chúng ta nữa, là những mục tử đang đảm nhận sứ vụ của Chúa, cũng phải mang tha nhân theo với chúng ta, vác họ trên vai và đưa về cho Chúa Kitô. Dây Pallium nhắc chúng ta rằng chúng ta được gọi làm mục tử coi sóc bày chiên của Chúa, bày chiên vốn luôn mãi là của Chúa chứ không trở thành bày chiên của chúng ta. Sau cùng, Pallium cũng có nghĩa một cách cụ thể là sự thông hiệp của các mục tử trong Hội Thánh với Phêrô và với các vị kế tục ngài – có nghĩa là chúng ta phải là những mục tử cho sự hiệp nhất và trong sự hiệp nhất, và chỉ trong sự hiệp nhất do Phêrô đại diện mà chúng ta thực sự dẫn đưa mọi người về với Đức Kitô.

Các bạn thân mến, có lẽ tôi đã nói quá dài về sáu mươi năm sứ vụ linh mục. Nhưng vào lúc này tôi cảm thấy được nhắc bảo phải nhìn lại những gì đã ghi dấu ấn trong sáu thập niên vừa qua. Tôi cảm thấy được nhắc bảo phải nói với anh em, với tất cả các linh mục, giám mục và với các giáo hữu của Hội Thánh, lời của hy vọng và khích lệ; lời đã chín muồi trong trải nghiệm lâu dài nhận biết Thiên Chúa là Đấng tốt lành nhường nào. Tuy nhiên, trên hết mọi sự, đây là thời gian để cảm tạ tri ân: cảm tạ Chúa vì tình bằng hữu Người đã ban cho tôi và Người mong ước ban cho tất cả chúng ta. Cảm tạ tất cả những ai đã huấn luyện và đồng hành với tôi. Và tất cả những điều đó được gồm tóm trong lời nguyện xin một ngày kia Chúa sẽ đón nhận chúng ta trong sự thiện hảo của Người và mời chúng ta chiêm ngưỡng niềm vui của Người. Amen.