BÀI CHIA SẺ MỤC VỤ: NÀY LÀ VUA CÁC NGƯỜI (Ga 19,14)

Gm. Giuse Võ Đức Minh

WGPNT (16.11.2021) - Trong dòng lịch sử cũng như trong xã hội, chúng ta chỉ là những đoàn chiên bé nhỏ. Thế nhưng, nếu nhìn vào hướng dẫn trong linh đạo của thánh Gioan, chúng ta càng hết sức ngỡ ngàng. Bởi vì chúng ta khám phá ra chân lý: chính Chúa Giêsu, Đấng chúng ta tin và tôn thờ, Đấng chúng ta rao giảng và làm chứng bằng suốt cả đời sống chúng ta, Ngài là Vua vũ trụ. Kể từ biến cố lịch sử khi Philatô công bố: “Này là Vua các người”. Và khi Thập Giá Chúa Giêsu được dựng lên có tấm biển viết bằng tiếng Hy Lạp, tiếng La Tinh và tiếng Do Thái, mà truyền thống của Hội Thánh cắt nghĩa rằng: Ngài là Vua không những về mặt tôn giáo, văn hóa, mà là Vua vũ hoàn. Từ đó, Đức tin cho ta thấy rằng Đức Giêsu chính là chủ tể của vũ trụ, chủ của lịch sử. Không có một biến cố nào, không có một giai đoạn lịch sử nào ngoài quyền tối cao của Đức Giêsu Kitô. Những người không có đức tin khó có thể cảm nhận được điều đó, nhưng những người có đức tin và để cho Hội Thánh soi sáng và chỉ bảo, đặc biệt, khi đọc lại những dòng chữ tuyệt vời của thánh Gioan, và như tuần này chúng ta đang muốn tìm hiểu việc sống đạo hôm nay trong linh đạo của thánh Gioan, chúng ta lại ngỡ ngàng khi nhìn vào sự đóng góp của chúng ta đối với xã hội công bằng, dưới ánh sáng của Đức Giêsu Kitô là vua của chúng ta. Ngài không chỉ là vua của chúng ta mà thôi, nhưng như đức tin cho chúng ta biết, Ngài là Vua vũ hoàn, là chủ của lịch sử.

Trong chủ đề “Này là Vua các người” chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu, học hỏi nơi Chúa Giêsu để góp phần làm cho xã hội công bằng hơn khi nhận ra phẩm giá, tôn trọng những quyền căn bản của con người, để con người sống xứng đáng với tạo vật được Chúa yêu thương, được Chúa thăng tiến. Thật sự như vậy, trong đề tài này, nói tới vua là nói tới quyền lực, nói tới người đứng đầu để điều hành một trật tự ở trong xã hội, nói tới vua là một con người có tính rất bao quát.

1. Chúa Giêsu tỏ mình cho các môn đệ

Ngài bày tỏ vương quyền của Ngài và cuối cùng chỉ có ai đón nhận Chúa Giêsu là Vua mới có thể khám phá ra quyền năng của Chúa Giêsu. Còn người chưa đón nhận Chúa Giêsu thì mãi mãi thấy Ngài như Đấng chịu đóng đinh trên thập giá mà thôi. Vì vậy, người môn đệ phải hiểu Chúa Giêsu và tin thật Ngài là Vua không những về mặt tôn giáo, về mặt xã hội mà còn về mặt tầm vóc vũ hoàn, khi đó sự góp phần của người môn đệ của Chúa Giêsu đối với xã hội trần thế mới bắt nguồn từ chính Vua Giêsu.

Mặc dù Chúa Giêsu là Đấng quyền năng chức trọng, là Thiên Chúa uy quyền, nhưng gợi lên cho chúng ta Ngài càng lớn bao nhiêu thì càng trở nên khiêm tốn bấy nhiêu, gắn bó với các môn đệ. Đây là điều khó tìm ra trong xã hội loài người. Và mãi mãi Đức Giêsu Kitô là Vua. Chúng ta sẽ khám phá ra chân lý này: Ai đón nhận Đức Giêsu Kitô là Vua, sống theo sự hướng dẫn của Kitô Vua thì sẽ thấy bình an, hợp nhất và phát triển. Còn ai khước từ thì đối diện với Ngài trong tư cách Ngài là vị thẩm phán, không phải là Vua mà là thẩm phán. Đức Giêsu Kitô Vua trong đời sống chúng ta, mỗi người khi thấm nhuần sự hướng dẫn của Chúa Giêsu sẽ đầy tràn sự sống linh đạo của Đức Giêsu Kitô, chúng ta góp phần làm cho xã hội công bằng, nhân vị được phát triển, con người được đề cao và luôn đi trong sự thật, tránh sự gian dối.

Trước hết, Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệChúa Giêsu tỏ mình ra trong một mảnh vườn, thánh Gioan ghi lại trong Phúc âm của ngài rất rõ là Chúa Giêsu tỏ mình ra Ngài là Vualà Thiên Chúa trong một mảnh vườn. Sau khi rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu cùng với các môn đệ vào trong một mảnh vườn. Phúc Âm Nhất Lãm viết mảnh vườn đó là Giếtsêmani. Nhưng thánh Gioan đã chủ ý nói đó là một mảnh vườn. Vì nếu nói đó là vườn Giếtsêmani thì xác định nó là địa danh mà không thể hiểu nơi khác nữa. Nhưng khi nói tới nó là một mảnh vườn thì trong linh đạo của Gioan, trong cái nhìn của Thánh kinh thì Thiên Chúa tỏ mình ra trong một mảnh vườn, mảnh vườn của sách Khởi Nguyên.

Đọc lại sách Khởi Nguyên khi Thiên Chúa tạo dựng con người (Kn 3, 7). Thiên Chúa xuất hiện đàm đạo với con người, tỏ mình ra cho con người, gắn bó với con người, đồng hành với con người, trao ban tất cả quyền năng cho con người, không khước từ bất cứ điều gì với con người. Những gì Thiên Chúa có, Ngài đều trao cho con người. Trong sách Khởi Nguyên, điều lạ lùng là mọi tạo vật của Thiên Chúa đều tốt đẹp. Chúa nhìn thấy và Chúa nói đây là tốt đẹp những công trình của Thiên Chúa. Vậy mà sau khi Eva, Ađam bất tuân lệnh Chúa, khước từ giáo huấn của Chúa, thì hai ông bà làm một việc thật lạ lùng. Sau đó, hai ông bà “núp Thiên Chúa” , tìm mọi cách để tránh Thiên Chúa. Trong mảnh vườn đó, con người bất tuân lệnh Chúa, núp che giấu phẩm giá của mình đi, che dấu địa vị của con người là tạo vật tuyệt hảo của Thiên Chúa. Trong sách Khởi Nguyên có hai câu chuyện về Tạo dựng. Một câu chuyện nói tới cao điểm của tạo dựng là con người và câu chuyện thứ hai nói tới con người là tâm điểm của tạo dựng; như vậy, con người vừa là tràn đầy vinh quang đồng thời tràn đầy tình yêu thương; có tất cả vinh dự và huy hoàng mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Phẩm giá con người cao trọng vậy mà lại “núp” Thiên Chúa, che dấu đi, làm lu mờ đi. Vì vậy, lý do sâu xa để cho con người che giấu phẩm giá và địa vị của mình chính là tội lỗi. Chính vì tội lỗi mà lương tâm cảm thấy bất an. Từ đó ta hiểu được lời khuyên dạy của Hội thánh: “hãy huấn luyện lương tâm trong sáng, ngay thẳng để khám phá ra phẩm giá của mình”. Lời khôn ngoan nhắc bảo chúng ta: Hỡi Kitô hữu, hãy nhớ đến phẩm giá của mình, phẩm giá là con cái Thiên Chúa. Vì thế trong mảnh vườn của sách Khởi Nguyên, Thiên Chúa tỏ mình ra và khuôn mặt, địa vị của Thiên Chúa nơi con người đã bị méo mó, bị hoen ố, bởi sau khi phạm tội con người không dám đối diện với Thiên Chúa, con người  “núp” Thiên Chúa.

Thánh Gioan trình bày Đức Kitô xuất hiện công khai với môn đệ trong một mảnh vườn không ghi tên để chúng ta khi đọc, suy niệm lời Chúa, thì liên hệ tới mảnh vườn của sách Khởi NguyênChính trong mảnh vườn trước cuộc khổ nạn mà Chúa Giêsu đã tỏ mình ra. Bằng chứng là khi Giuđa dẫn đạo quân của thượng tế tới, thì chính Đức Giêsu đã chủ động hỏi: “Các ngươi tìm ai?” - Họ đã trả lời: tìm Giêsu Nazaret. Chúa Giêsu đã trả lời “Này là Ta” (Ego eimi ) .  Khi nghe lời này, quân lính lùi lại và ngã xuống đất.(Ego eimi  tiếng Hy lạp dịch chữ Yahweh tiếng Do Thái).

Không ai có thể đứng vững trước Thiên Chúa là Giavê. Ngài tỏ vinh quang và quyền lực của Ngài. Ngài tỏ mình là Thiên Chúa. Thánh Gioan đã tinh tế cho chúng ta thấy Giuđa vẫn ở chung với những người kia. Lẽ ra Giuđa nghe lời Người thì đã phải có một sự hồi tâm quay về, nhưng Giuđa vẫn ở chung với họ. Một chi tiết khác để thấy vương quyền của Chúa Giêsu: đó là thái độ của Phêrô. Thấy quân lính hỗn quá nên khi một tên tiến lại gần Chúa Giêsu, Phêrô liền rút gươm ra chém đứt tai. Chúa Giêsu đã nói với Phêrô hãy bỏ gươm vào bao và nói: “Chén Cha đã ban cho Ta, Ta lại không uống sao”Đây là cốt lõi của vấn đề, là trọng tâm của cuộc tử nạn.

Trong khi những người khác đem đèn đuốc và khí giới, là những khí cụ vũ lực của đêm tối, của thế gian và Phêrô rút gươm ra cũng là quyền lực của thế gian. Chúa Giêsu đi vào cuộc khổ nạn chính là thánh ý của Chúa Cha. Và Ngài bày tỏ sự vâng phục của Ngài. Ta liên hệ giữa mảnh vườn trong sách Khởi  Nguyên, nơi đó con người bất tuân lệnh Chúa, đi núp Chúa, làm khuôn mặt của Chúa nơi con người bị hoen ố. Vậy trong mảnh vườn này, Đức Giêsu Nazaret như hiện thân của con người mới, chiếu tỏa vinh quang của Giavê bằng thái độ vâng phục : “chén Cha đã ban cho Thầy, Thầy không uống hay sao?”  khi hiểu được điều này ta sẽ thấy được việc Chúa tỏ mình ra cho các môn đệ để mời gọi các môn đệ, muốn làm việc gì đối với thế gian, đừng quên mình có một phẩm giá hết sức cao cả, mình được yêu thương trong công trình tạo dựng và giờ đây mình càng được yêu thương hơn nữa trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúa tỏ mình ra cho các môn đệ trong mảnh vườn. Vì vậy, nỗ lực để góp phần xây dựng một xã hội công bằng nếu không có bóng dáng của Chúa trong đời sống mình thì không thể nào trong sáng, còn nếu để Chúa hiện diện trong sự vâng phục thánh ý của Thiên Chúa, bấy giờ sự đóng góp của người môn đệ của Chúa mới làm rạng sáng nhân vị, nhân cách, phẩm giá của con người cao trọng trước mặt Chúa trong lịch sử, trên vũ hoàn. Cái nhìn của Thánh Gioan thật lớn lao: vắng bóng Chúa mọi việc sẽ khác, có Chúa mọi việc sẽ khác.

2. Chúa Giêsu gắn bó với các môn đệ.

Điều này cũng thật lạ lùng. Chúng ta đọc nhiều lần bài tường thuật về cuộc khổ nạn của Chúa và tự nhiên chúng ta thấy, chính trong khi Chúa Giêsu bị điệu đến Caipha và mọi lời thẩm vấn hỏi cung của những người có trách nhiệm lúc bấy giờ  dồn vào Chúa Giêsu đều quy tụ lại nơi hai sự kiện: môn đệ và giáo thuyết của Ngài. ( Trong khi đó người môn đệ yêu dấu là Phêrô lại chối Chúa, chối tư cách môn đệ, chối lại giáo thuyết của Chúa Giêsu ).

Như vậy chúng ta có thể nói Chúa Giêsu đã tín nhiệm các môn đệ trước mặt Chúa Cha cũng như trước mặt thế gian. Trong khi người môn đệ nếu thiếu khiêm tốn như kinh nghiệm rõ ràng của Thánh Phêrô có thể vấp ngã một cách không bao giờ ngờ, tại nơi mình không ngờ. Do sự tự phụ, do thể diện mà Phêrô vấp ngã có thế thôi để rồi trong việc thi hành cái quyền ở các lãnh vực đạo cũng như đời nếu thiếu sự khiêm tốn, nếu chỉ muốn bảo vệ cái thể diện nhiều khi mình vấp bằng những cách mình không ngờ, tại nơi mình không ngờ.

Chúng ta đọc lại câu chuyện người môn đệ yêu dấu lẽo đẽo theo chân Chúa Giêsu vào trong dinh thượng tế khi Chúa Giêsu đã bị bắt vào trong dinh của Anna. Không hiểu tại sao người môn đệ này vào trước còn Phêrô ở chỗ nào đó. Khi thấy ở bên trong không có gì nguy hiểm người môn đệ này ra nói với cô giữ cổng rồi đem Phêrô vào. Vừa thấy Phêrô người nữ tỳ giữ cửa hỏi ngay: “Cả ông nữa, ông cũng là môn đệ của người đó sao?” Khi đọc lại câu này thì chúng ta thấy đây đâu phải là câu hạch hỏi Phêrô. Cả ông nữa, ông cũng là môn đệ của người đó như như bạn Gioan này hay sao. Thậm chí có thể hiểu rằng: Cả ông nữa ông cũng là môn đệ của người đó như tôi là nữ tỳ giữ cổng dinh thượng tế hay sao. Bằng chứng là Phêrô chỉ nói một câu: “Có đâu, không có”, rồi đi vào ngồi sưởi với nhóm quân hầu, thuộc hạ của thượng tế. Một người trong nhóm cũng hỏi một câu y như vậy và Phêrô trả lời: “không có, tôi không biết người đó” (Yn 17, 15-27). Chối tư cách môn đệ của mình và vấp ngã tại nơi mình không ngờ.

Lạy Thánh Phêrô, bây giờ trên thiên đàng nếu thánh Phêrô thấy cô nữ tỳ giữ cửa năm xưa mà Ngài đã trực diện và đã chối Chúa, chắc Phêrô sẽ nói: “À, biết bao nhiêu người bé mọn đã tin vào Chúa Giêsu, còn tôi đây vì sĩ diện của mình, vì sự tự phụ của mình tôi đã vấp ngã”. Không trong sáng, dễ vấp ngã vô cùng. Sự hiện diện và đóng góp của chúng ta trong lòng xã hội, nếu thiếu sự trong sáng, và nhiều khi nếu quá tự phụ và thậm chí nếu giữ cái sĩ diện bên ngoài của mình, thì có thể vấp ngã tại những nơi và với những cách mà mình không bao giờ ngờ. Điều này không dám nói thêm nữa. Trong những nơi và những cách không ngờ chúng ta vấp ngã, và vì sĩ diện mà mình không vươn lên được. Chỉ khi chúng ta khiêm tốn, khi chúng ta để cho Chúa tác động tâm hồn của mình chúng ta mới làm được việc. Và tôi nghĩ không đâu trong đời sống lại đảm bảo sự tín nhiệm cho chúng ta cho bằng Giám mục của chúng ta. Vì lẽ sống của Giám mục là yêu thương phục vụ anh em linh mục của mình. Gánh nặng của Giám mục không phải chỉ là điều hành mà nhiều khi còn là gánh lấy những gánh nặng của anh em mình nữa. Khiêm tốn trong sáng với Giám mục và với Hội Thánh thì chúng ta sẽ thấy rằng sự góp phần của mình để làm cho môi trường mình đang sống, và ngay cả xã hội của mình có công bằng, tôn trọng phẩm giá và nhân cách con người nhiều hơn.

3.       “Này là vua các người”.

Thú thật tới bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao Philatô lại nói câu nói trên. Trong linh đạo của Gioan tất cả cuộc đàm thoại chất vấn diễn ra tại dinh Philatô đều nói về vương quyền của Chúa Giêsu, về tư cách của con người gọi là Vua. Khi Philatô đem Chúa Giêsu ra ngoài để nói rằng: Này người đó “Ecce Homo” và buộc người Do Thái phải trả lời tại sao học quyết định khai trừ Chúa Giêsu. Bấy giờ,  các thượng tế đã nói: Chúng tôi có luật và căn cứ theo luật chúng tôi thì nó phải chết bởi vì nó xưng mình là Con Thiên Chúa (Yn 18, 28 – 19, 11). Nếu đứng về một khía cạnh, chúng ta giải thích rằng các thượng tế kết án Chúa Giêsu vì tội phạm thượng. Nhưng sau này chúng ta sẽ hiểu thêm, không phải là tội phạm thượng, mà đó chỉ là cái cớ để giết Chúa Giêsu. Bởi vì trong câu nói của Philatô: Này là vua các người. Đối với người Do Thái, dân ưu tuyển của Thiên Chúa, vua duy nhất là Thiên Chúa. Vậy mà khi Philatô nói này là vua các người các thượng tế xúi dục dân chúng la lên: “Đem đi, đem đi đóng đinh nó đi đóng đinh nó đi”. “Ta đóng đinh vua các người sao”? - Chúng tôi không có vua nào khác ngoại trừ hoàng đế César.

Chắc hẳn trong lòng của Philatô, một vị quan dân ngoại cười thầm, từ trước đến nay nghiên cứu về các ngươi, các ngươi cứ lấy nguyên tắc thế này, nguyên tắc thế kia, nói rằng Thiên Chúa là Vua các ngươi để không tòng phục hoàng đế César của Rôma. Không nộp thuế cho Rôma, không làm mọi việc cho Rôma vì các ngươi nói các ngươi chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa là Vua duy nhất. Vậy bây giờ đây này là vua các người, các người trả lời chúng tôi không có vua nào khác ngoài hoàng đế César. Chính là lời tuyên bố công khai từ bỏ Thiên Chúa, bỏ Đạo; họ không muốn có bóng dáng Thiên Chúa trong đời sống của mình. Do đó , họ quyết khai trừ Đấng Thiên Chúa sai đến là Giêsu Kitô.

Nếu đem Thiên Chúa vào trong đời sống sẽ mọi việc sẽ khác đi. Nếu khai trừ Thiên Chúa khỏi đời sống thì chúng ta sẽ ở trong tình trạng không trong sáng nữa.

4. Vua Giêsu trong đời sống của người môn đệ.

Và điều cuối cùng xin chia sẻ đó là vua Giêsu trong đời sống của người môn đệ. Vâng kể từ khi các người Do Thái khước từ Thiên Chúa là vua thật của mình thì họ đã khai trừ khỏi cuộc đời của họ Đấng Thiên Chúa sai đến là Giêsu Nazaret. Và chính vì lẽ đó, Philatô dầu không muốn, cũng phải giao Chúa Giêsu cho họ đi đóng đinh vào thập giá. Hành động đó nói rằng Đức Giêsu vẫn luôn luôn trung thành với ý định của Chúa Cha. Thánh Gioan nói: Đức Giêsu mang lấy khổ giá cho mình, chính Ngài vác thập giá ra khỏi dinh tổng trấn, ra khỏi thành Giêrusalem. Sau này mới có ông Giuse Arimathia vác đỡ Chúa Giêsu, nhưng ngay từ cái giây phút đầu tiên thập giá như là một bản án. Chúa Giêsu đón nhận cho mình và một khi Ngài đón nhận cho mình thì như lời các thánh Giáo phụ, Ngài thánh hóa thập giá. Thập giá không còn là  hình phạt, không còn là khổ nhục, nhưng thập giá trên vai, trong đời của Đấng muốn làm rạng danh Chúa Cha, muốn phục hồi phẩm giá, giá trị, nhân vị đích thực của con cái Thiên Chúa thì thập giá trở thành Thánh Giá. Thập giá đặt trong Chúa Giêsu, trong con người của Ngài, nhờ sự vâng phục của Ngài, nên Thập giá trở nên như món quà tình yêu, món quà tuyệt hảo. Từ đó Thập giá như món quà Chúa Cha trao ban cho Chúa Giêsu, nếu được phép nói như thế. Và việc Chúa Giêsu đón nhận Thập giá như món quà tình yêu thương từ Chúa ChaNgài mở ra một cộng đoàn tình thương. Ngài xây dựng văn minh tình thương, tình huynh đệ. Ngài đem lại sự hòa giải, sự bình an, sự hiệp nhất và mở ra con đường hạnh phúc lớn lao.

Điểm nhấn mạnh mẽ và nổi bật nhất của bài Huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đối với các Đức Giám mục Việt Nam dịp ad Limina 2009 nằm trong lời Ngài mời gọi các Giám mục Việt nam và cả Giáo Hội của Chúa Kitô tại Việt nam hãy tập trung tầm nhìn vào việc phục vụ dân tộc của mình, bằng cách góp phần vào việc phát triển toàn diện mỗi con người và cả đất nướcNgay từ phần mào đầu, Ngài nói với các Giám mục như sau: “Chớ gì gương thánh thiện, khiêm nhường, lối sống đơn sơ của các Vị Mục tử vĩ đại trên quê hương của anh em trở nên nguồn động viên  anh em trong sứ vụ giám mục nhằm phục vụ Dân tộc Việt nam”. Chính Đức Thánh Cha chân thành bày tỏ lòng trân trọng sâu sắc đối với các tín hữu Việt Nam và  đối với cả Dân tộc Việt Nam chúng ta nữa.

Điểm nhấn này được ngài liên kết với Năm Thánh 2010 kỷ niệm 50 Năm thiết lập hàng Giáo Phẩm tại đất nước chúng ta, và với lá Thư Chung năm 1980 của HĐGMVN. Lần này cũng vậy, ngài xác nhận và củng cố đường hướng mục vụ của  Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Ngài nắm bắt chính xác trọng điểm của Thư Chung 1980 là “nhấn mạnh đến Giáo Hội Chúa Kitô ở giữa Dân tộc của mình”, đúng như các Giám mục năm 1980 đã tuyên bố: “Chúng tôi đề ra đường hướng mục vụ sau đây: chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam” (Thư Chung 1980, số 8). Ngài nói: “Nét đặc thù trong sứ mạng và ơn gọi của Giáo Hội cũng như phần đóng góp đặc thù của Giáo Hội cho đất nước Việt Nam là hăng say chia sẻ niềm vui đức tin với tất cả đồng bào của mình, bằng cách loan báo Phúc Âm và làm chứng về Chúa Kitô. Chính điều này đóng góp vào việc phát triển nhân bản và tâm linh của con người, đồng thời đóng góp vào sự phát triển đất nước. Đức Thánh Cha tiếp nối giáo huấn của hai vị tiền nhiệm là Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II và Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, khi khẳng định rằng: phải phát huy những giá trị tâm linh để bổ túc cho những giá trị nhân bản, thì mới thực hiện được một sự phát triển nhân bản toàn diện . Và chính sự phát triển nhân bản toàn diện này của mỗi con người, chứ không chỉ đơn thuần sự tăng trưởng vật chất của xã hội, tạo tiền đề cần thiết cho sự phát triển đích thực và bền vững của Đất Nước. Từ đó Ngài  kết luận: “Bằng việc loan báo Tin Mừng và làm chứng về Chúa Kitô, Giáo Hội hiến tặng cho Đất nước Việt Nam sự phục vụ cao nhất”. Và việc phục vụ cao nhất ấy là một cách thể hiện “tình yêu thương đến cùng” đối với đồng bào và dân tộc của mình vậy. Với cách hiểu như thế, Ngài mời gọi các Giám mục và toàn thể Giáo Hội tại Việt Nam hãy “canh tân và làm mới lại các dấn thân truyền giáo của mình” vì yêu mến Đất Nước Quê Hương của mình.

Xem thêm bài: “Này là Vua các người”: Bài phân tích Gioan 19,13-15

Nguồn: giaophannhatrang.org (16.11.2021)