CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA
LỄ CHÚA BA NGÔI NĂM A
Bài 16: MẶC KHẢI VỀ BA NGÔI
Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng
Đại Diện TGP. Sài Gòn
và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ
WGPSG
(31.05.2023) - Bức i-côn “Troitsa - Chúa Ba Ngôi” của Andrei Rublev được xem
là một kiệt tác về nghệ thuật biểu tượng.
Bức tranh mô tả khái niệm thần học về một Thiên Chúa
duy nhất trong ba ngôi vị khác biệt. Hậu cảnh bức tranh được lấy từ câu
chuyện Đức Chúa, dưới hình dạng lữ khách, đã hiện ra với ông Áp-ra-ham tại cụm
sồi Mam-rê. Bấy giờ, ông Áp-ra-ham ngước mắt lên thì thấy “có ba người”
đứng gần ông. Nhưng ông đã bắt đầu thưa chuyện với các vị như chỉ với một người :
“Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà
không ghé thăm tôi tớ Ngài” (St 18,3) ; sau đó ông lại nói chuyện với các vị
như với ba người khi mời “các ngài” dừng chân, nghỉ ngơi và dùng bữa (x.
St 18,4.5.8). Cuối câu chuyện, khách đã hứa : “Sang năm, tôi sẽ trở
lại thăm ông, và khi đó bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai” (St
18,10).
Tuy Kinh Thánh không có hạn từ “ba ngôi” hay “ngôi vị” một
cách minh nhiên, nhưng Kinh Thánh tiết lộ Thiên Chúa là Đấng có bản vị. Danh của
Người là ĐỨC CHÚA với các đặc tính “nhân hậu, từ bi, hay nén giận, giàu nhân
nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Các đặc tính này giả định một tương quan nội tại
có tính ngã vị và liên vị.
Theo tư duy triết học, một ngôi vị : là có ý thức về
chính mình, có nhận thức về người khác, có tình cảm, lý trí, ý chí và có xúc cảm.
Kinh Thánh mô tả Thiên Chúa với lối nói như nhân : Đức Chúa nhớ lại (St
8,1) ; Đức Chúa chạnh lòng thương (Xh 34,6, Hs 1,7) ; Đức Chúa thấy,
nghe, và biết hết mọi sự (x. Xh 3,7 ; Tv 138,2) ; Đức Chúa như vị hôn
phu với “trái tim thổn thức, và ruột gan bồi hồi” khi bị hôn thê là Ít-ra-en phụ
bạc và thất tín (Hs 11,18 ; 3,1). Đức Chúa kiên định trong kế hoạch cứu độ
của Người : “Ta đã nói là Ta làm” (Ed 37,14) ; Đức Chúa đầy tình thương nồng
nhiệt đối với Ít-ra-en : “Ta sẽ quyến rũ nó” (Hs 2,16). Lời Chúa ở đây vén mở
cho thấy Thiên Chúa được mô tả như một ngôi vị.
Theo nguyên ngữ Híp-ri, Thiên Chúa là Ê-lô-him (אֱלֹהִים ʾĕlōhîm). Đây là
một danh từ số nhiều, nhưng được sử dụng như số ít (St 1,1). Ngay lúc khởi đầu
Thiên Chúa sáng tạo trời đất, Người không làm một mình. Thiên Chúa như bàn bạc
với chính mình : “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta”
(St 1,26). Lời Thiên Chúa, Thần Khí Thiên Chúa đồng hiện diện trong công
trình sáng tạo (St 1,2 ; St 2,7 ; Ga 1,3). Thiên Chúa là Đức
Chúa duy nhất, nhưng Người không đơn độc, Người được gọi là CHA - CON - THÁNH
THẦN. Mầu nhiệm này được tiết lộ ngay từ những trang đầu tiên của Kinh
Thánh, được Đức Ki-tô khẳng định rõ ràng trong các Tin Mừng, và được Hội Thánh
tuyên tín trong các bản văn Tân Ước.
1. Thiên Chúa là CHA
Thiên Chúa được gọi là Cha vì Người là Đấng sáng tạo vạn vật
từ hư vô với trí thông minh khôn dò khôn thấu (Tv 8,4 ; Tv 33,6 ; Tv
139,13-14). Thiên Chúa được gọi là Cha của mọi loài thụ tạo vì Người là Đấng
tác sinh và nuôi sống muôn loài. Người chăm sóc và mặc đẹp cho chúng ngay cả những
thụ tạo nhỏ bé nhất (Mt 6,26.28 ; Tv 104,11.14). Thiên Chúa được gọi là
Cha vì Người là Cha trong tương quan với con :
– Đối với Người Con Một là Đức Giê-su Ki-tô :
Cha luôn hài lòng và gọi Đức Giê-su là “con yêu dấu” (Mc 1,11). Cha không bao
giờ để Con cô độc (Ga 8,29). Cha ban cho Con toàn quyền trên trời dưới đất. Mọi
sự của Cha đều là của Con (Ga 16,15 ; Lc 10,22).
– Đối với Ít-ra-en : Đức Chúa gọi Ít-ra-en
là con đầu lòng : “Đối với Ít-ra-en, Ta là một người Cha, còn đối với Ta,
Ép-ra-im chính là con trưởng” (Gr 31,9 ; x. Xh 4,22-23). Ông Mô-sê đã cật
vấn Ít-ra-en về tình phụ tử của Đức Chúa : “Há chính Người chẳng phải
cha ngươi, Đấng dựng nên ngươi, Đấng tạo thành, củng cố ?” (Đnl 32,6).
Thiên Chúa tỏ mình là Cha qua việc chăm sóc con cái :
“Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên
muôn tinh tú, nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần
khi tối khi sáng” (Gc 1,17). Thánh Phao-lô xác tín rằng : “Đối với chúng
ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của
chúng ta” (1 Cr 8,6).
2. Thiên Chúa là CON
Thiên Chúa được gọi là Con vì được sinh ra bởi Chúa Cha.
Kinh Thánh Cựu Ước đã ngôi vị hoá Đức Khôn Ngoan giống như đứa trẻ nô đùa trước
Cha mình : “Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người. Ta đã
được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thuỷ trước khi có mặt đất, khi Người thiết
lập cõi trời, ta hiện diện bên Người như tay thợ cả. Ngày ngày ta là niềm vui của
Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi” (x. Cn 8,22-31). Đức Khôn Ngoan
được đồng hoá với Lời Thiên Chúa (Hc 24,3). Kinh Thánh Tân Ước ngôi vị hoá Lời
Thiên Chúa và nói về Ngôi Lời như về chính Thiên Chúa : “Ngôi Lời là Thiên
Chúa” (Ga 1,1) ; “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có
Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3). “Con là con của Cha, ngày hôm
nay, Cha đã sinh ra Con” (Ga 1,14 ; Tv 2,7 ; Lc 3,22).
Trong tương quan với Thiên Chúa Cha : Chỉ một
mình Con biết Cha là ai (Lc 10,22). Con luôn kính ái Cha. Lương thực của
Con là thi hành ý muốn của Cha. Con luôn luôn thuận theo ý Cha để hoàn tất công
trình sáng tạo và cứu độ của Người (Ga 4,34). Con là Lời của Cha (Ga 1,1). Lời
có khả năng hoàn tất những gì Cha trao phó (Is 55,10-11). Con là phản ánh vẻ
huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa Cha (Hr 1,3).
Thánh Phê-rô đã xác quyết : “Đức Giê-su mà anh em đã
treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô” (Cv
2,36). Kinh Thánh Tân Ước đã tôn vinh Đức Giê-su với những tước vị và danh hiệu
chỉ dành riêng cho Đức Chúa của Cựu Ước : “là Đấng hiện hữu” (Xh 3,14//Ga
8,24 ), “là An-pha và là Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng”
(Kh 22,12-23//Is 44,6). Danh hiệu ĐỨC CHÚA, A-đô-nai - יהוה của tiếng Híp-ri
dịch ra tiếng Hy-lạp là KYRIOS đã được dùng để tuyên xưng Đức
Giê-su Ki-tô với tất cả sự viên mãn của thần tính (Pl 2,11 ; Cl
2,9). “Ai thấy Con là thấy Cha, Con và Cha là một” (Ga 14,9).
3. Thiên Chúa là THÁNH THẦN
Thần Khí trong tiếng Híp-ri là ru-akhרוּחַ – rûªḥ bao
gồm nhiều ý nghĩa như gió, hơi thở, sinh khí, tinh thần. Sách Sáng thế mô tả Thần
Khí là nguyên lý của sự sống, là hơi thở của Thiên Chúa, là sinh khí làm cho con
người được sống và cử động (St 1,2 ; 2,7 ; Kn 15,11). Kinh Thánh mô tả
Thần Khí ban sự sống cho tất cả mọi loài, hồi sinh các vong linh, và tái sinh
con người (Ga 6,63 ; Ed 37, 9 ; Rm 8,11 ; 1 Pr 3,18).
Thần Khí chiếm ngự hồn xác và hướng dẫn hoạt động nơi những người được Thiên
Chúa tuyển chọn (Ds 27,18 ; Tl 6,34 ; 1 Sm 16,13 ; Is
16,1-3 ; Lc 1,35).
Trong tương quan với Chúa Cha và Chúa Con. Thần Khí
phát xuất từ Chúa Cha, được Chúa Con sai đến để tôn vinh, làm chứng và loan báo
những gì thuộc về Người (Ga 15,26 ; Ga 16,26). Thần Khí không tự mình nói
nhưng chỉ nói những gì đã nghe được (Ga 16,13-15). Kinh Thánh Tân Ước cho thấy
Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa (1 Cr
12,11). Chúa Con ban Thần Khí cho các môn đệ khi Người thổi hơi và
phán : “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,
22 ; Cv 13,2).
Đối với các môn đệ, Thần Khí luôn ở giữa và ở
trong các môn đệ (Gl 5,22 ; Ga 14,17). Thần Khí nhắc nhở, dạy dỗ, hướng
dẫn, thúc đẩy các môn đệ ra đi công bố Tin Mừng, và dẫn đưa họ đến sự thật toàn
vẹn (Cv 5,27-32 ; 8,29 ; 13,2-7 ; Ga 16,13).
Anh chị em thân mến, Thiên Chúa là CHA-CON-THÁNH THẦN diễn
tả tương quan hiệp thông chứ không nhằm diễn tả sự hơn kém giữa các ngôi vị. Sẽ
không có hiệp thông nếu như mỗi ngôi vị không riêng biệt là chính mình. Kinh
Tin Kính Các Tông Đồ tuyên xưng Đức Chúa Trời là Cha, Đức Chúa Giê-su
Ki-tô là Con, và Đức Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa.
Thánh Âu-tinh suy tư về Mầu Nhiệm Ba Ngôi
Thánh A-tha-na-xi-ô minh định sâu hơn về một Thiên Chúa có
ba ngôi vị khác biệt, mỗi một ngôi vị có trọn vẹn bản thể Thiên Chúa, uy quyền
như nhau, nhưng ba ngôi vị không phải là ba Thiên Chúa mà chỉ có một Thiên Chúa
là Đức Chúa duy nhất (x. Đnl 6,4 ; Đnl 32,39 ; Is 43,10 ; Is
45,21-22). Mầu nhiệm này đã được Công đồng Ni-xê-a định tín năm 325 và được
tái khẳng định ở Công đồng Con-tan-ti-nô-pô-li năm 381.
“Cầu chúc toàn thể anh chị em được đầy tràn ân sủng của Chúa
Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần.
A-men” (2 Cr 13,13).
Nguồn: tgpsaigon.net