ÁNH SÁNG HY VỌNG ĐƯỢC CÁC VỊ TỬ ĐẠO THẮP SÁNG
TIẾP TỤC CHIẾU SOI CON ĐƯỜNG GIÁO HỘI
Vatican
News
Vatican News (11.01.2024) – Trong nhiều thế
kỷ Giáo hội tưởng nhớ và chỉ ra nhiều người nam nữ đã không ngần ngại đổ máu vì
Chúa Kitô và vì Tin Mừng của Người. Đối với một số vị, Bộ Phong thánh xác nhận
chứng từ đức tin, đề xuất họ là mẫu gương cho Giáo hội hoàn vũ, nhiều người
khác vẫn chưa được nhiều người biết đến nhưng đối với Thiên Chúa chắc chắn các
vị được biết đến. Các vị là ánh sáng, không phô trương, tiếp tục soi sáng con
đường của Giáo hội.
Từ xa xưa, các cộng
đoàn Kitô hữu đã chôn cất một cách tôn kính những người đã làm chứng cho đức
tin đến mức hy sinh mạng sống.
Các Kitô hữu đã sớm bắt
đầu tôn kính các vị tử đạo của mình bằng cách quy tụ quanh ngôi mộ để cử hành
niềm vui an nghỉ, với các bài đọc và lời nguyện, và tiếp theo đó là cử hành
Thánh Thể. Tôn kính vị tử đạo có nghĩa là nhớ lại cách người tín hữu này đã đáp
lại lời kêu gọi của Chúa và coi Người là mẫu gương cho đời sống.
Kể từ thời các Tông đồ,
theo Truyền thống Giáo hội, vị tử đạo thường được xác định bằng câu nói của
Tertullian “Chúa Kitô ở trong vị tử đạo-Christus in martyre est”. Liên quan đến
Chúa Kitô, tử đạo là dấu chỉ tình yêu chứ không phải bạo lực. Khi các Kitô hữu
đi theo con đường được các vị tử đạo chỉ ra, ngay cả giữa áp bức và bạo lực, họ
không bao giờ đáp lại bằng hận thù và trả thù, nhưng bằng tình yêu và tình
huynh đệ. Cuối cùng, chứng từ của vị tử đạo không bao giờ vô ích, như trường hợp
của vị tử đạo tuyệt hảo, Chúa Giêsu Kitô.
Với xác tín này, trong
nhiều thế kỷ Giáo hội tiếp tục bước đi, tưởng nhớ và chỉ ra nhiều người nam nữ ở
mọi vùng lãnh thổ, trong mọi thời đại, đã không ngần ngại đổ máu vì Chúa Kitô
và vì Tin Mừng của Người. Đối với một số vị, Bộ Phong thánh xác nhận chứng từ đức
tin, đề xuất họ là mẫu gương cho Giáo hội hoàn vũ, nhiều người khác vẫn chưa được
nhiều người biết đến nhưng đối với Thiên Chúa chắc chắn các vị được biết đến; vẫn
còn những người khác tiếp tục rao giảng Chúa Kitô qua các việc làm của họ và di
sản dấn thân của họ được truyền lại cho con cái thiêng liêng. Có rất nhiều ánh
sáng, không phô trương, tiếp tục soi sáng con đường của Giáo hội và nhân loại
ngay cả trong những thời điểm có vẻ tăm tối và thiếu hy vọng.
Hãng tin Fides của Bộ
Loan báo Tin Mừng đề xuất những cơ hội và cách thức mà ngay cả trong thời hiện
đại, năm 2023, một năm vừa kết thúc, ký ức sáng ngời của nhiều vị tử đạo trong
thời gian gần đây đã soi sáng con đường của Giáo hội trong thời điểm hiện tại,
trên khắp các châu lục.
Nạn nhân của lòng thù hận tôn
giáo
Danh sách tử đạo của
ba vị thừa sai Dòng Truyền giáo Xaverian đã được Bộ Phong thánh công nhận:
Luigi Carrara (1933-1964), Giovanni Didonè (1930-1964) và Vittorio Faccin
(1934-1964), nay được bổ sung thêm linh mục giáo phận của thời đó cha Albert
Joubert (1908-1964), Congo thuộc Bỉ. Cả bốn người đều bị giết vào
ngày 28/11/1964 gần các giáo xứ nơi họ làm việc, ở Baraka và Fizi, những
nạn nhân bạo lực của Simba, những người trong thời đó bị thúc đẩy bởi lòng căm
thù chống tôn giáo sâu sắc.
Tử đạo vì dấn thân cho người
nghèo ở Somalia
Ngày 05/10/2003,
giáo dân truyền giáo Annalena Tonelli, người đã sống cả đời ở châu Phi đã bị giết
tại bệnh viện Borama, Somalia. Năm 2023, nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của bà,
nhiều sự kiện, lễ kỷ niệm và hội nghị ở Ý và châu Phi đã tưởng nhớ những suy
nghĩ và công việc của vị tử đạo.
Annalena sinh ở Forlì
năm 1943, kể lại việc lựa chọn truyền giáo giữa những người nghèo ở châu Phi,
nơi bà đặt chân đến vào năm 1969: “Tôi đã chọn sống vì người khác, người nghèo,
người đau khổ, người bị bỏ rơi, những người không được yêu thương, tôi tin rằng
tôi sẽ tiếp tục cho đến cuối đời. Tôi chỉ muốn theo Chúa Giêsu Kitô. Không có
gì làm cho tôi quan tâm hơn điều này: Chúa và người nghèo trong Người”.
Hai mươi năm sau khi
qua đời, Annalena vẫn còn sống trong trái tim và tinh thần của nhiều người biết
đến bà, cũng như trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe mà bà thành lập ở một
vùng rất nghèo ở Kenya.
Tử đạo vì đấu tranh cho
Amazon thoát khỏi mọi hình thức bóc lột
Hàng năm, tại Brazil,
có hàng ngàn người tham dự cuộc tuần hành tưởng nhớ cha Ezechiele Ramin, nhà
truyền giáo Comboni, bị giết ở Cacoal, bang Rondònia của Brazil, vào
ngày 24/7/1985. Trong 38 năm qua, vào Chúa nhật gần ngày 24/7, cộng đoàn địa
phương, dẫn đầu bởi Giám mục Giáo phận thực hiện cuộc tuần hành này và kết thúc
bằng Thánh lễ.
Nhà truyền giáo trẻ đã
đấu tranh cho một Amazon thoát khỏi mọi hình thức bóc lột. Ngày nay, viện
Ezechiele Ramin, được đặt theo tên ngài, sản xuất hạt giống hữu cơ và đào tạo
nông dân về nông nghiệp không sử dụng chất độc trong nông nghiệp.
Tử đạo trong lúc cử hành
Thánh lễ
Bảy năm sau cái chết của
cha Jacques Hamel, bị giết trong lúc cử hành Thánh lễ tại Saint Etienne, ở
Normandy bên Pháp vào ngày 26/7/2016, ngôi nhà thờ nhỏ đó đã trở thành điểm
hành hương của các tín hữu. Nhiều người đến đây để cầu nguyện và suy niệm tại
nơi tử đạo dâng kính Thánh Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội. Để đáp ứng
nhu cầu này, một trung tâm tiếp đón đã được thiết kế, với một cuộc triển lãm tưởng
nhớ sự dấn thân cho đối thoại liên tôn của cha Hamel.
Hàng năm, có nhiều
sáng kiến được thực hiện để lưu giữ ký ức và thông điệp của vị tử đạo, đặc biệt
dành cho giới trẻ. Liên đoàn Truyền thông Công giáo Pháp đã công bố một giải
thưởng báo chí được đặt theo tên của vị linh mục bị sát hại, hiện đã tổ chức 6
lần, trao thưởng cho những tác phẩm đã góp phần vào hòa bình và đối thoại giữa
các tôn giáo, theo dấn thân của cha Hamel.
Tử đạo vì giúp mọi người hoà
giải
Ngày 26/4/2023,
Giáo hội Guatemala đã kỷ niệm 25 năm ngày Đức cha Juan José Gerardi Conedera bị
sát hại. Ngài bị giết vào đêm 26 rạng sáng ngày 27/4/1998, hai ngày sau
khi trình bày công khai kết luận của uỷ ban đã thu thập lời chứng của hàng trăm
nạn nhân của cuộc xung đột vũ trang ở Guatemala, với mục đích bắt đầu một tiến
trình hàn gắn, hỗ trợ các cộng đoàn tiến tới hoà giải.
Đức cha Gerardi
Conedera là Giám mục của Verapaz và sau đó là El Quiché đã thay mặt Giáo hội
đóng góp đáng kể cho tiến trình hoà bình, công lý và hoà giải. Vì thế trong
ngày kỷ niệm, các Giám mục Guatemala đã mời gọi các cộng đoàn lưu giữ ký ức sống
động về vị Giám mục can đảm này, một chứng nhân của tình yêu và liên đới. Thực
vậy, nhờ chứng tá của vị tử đạo, các tín hữu cảm thấy được khích lệ làm việc vì
một Guatemala khác, nơi những tội ác trong quá khứ không còn lặp lại nữa.
Các vị tử đạo của Giáo hội
Campuchia
Hàng năm, cộng đoàn
Công giáo nhỏ bé Campuchia tưởng nhớ những người đã hy sinh mạng sống vì đức
tin vào Chúa Kitô và là “hạt giống và những người cha” của các tín hữu
Campuchia ngày nay.
Với tinh thần này,
trong năm 2023, hơn 3.000 người Công giáo, được tháp tùng bởi các giám mục,
linh mục và tu sĩ của Hạt Đại diện Tông tòa Phnom-Penh, Hạt Phủ doãn Tông tòa
Battambang và Hạt Phủ doãn Tông tòa Kompong-Cham, đã tham dự Thánh lễ tưởng nhớ
các nạn nhân của cuộc nội chiến, được tổ chức tại Taing Kok, tỉnh Kampong Thom,
miền trung Campuchia.
Buổi cử hành diễn ra tại
nơi Đức cha Joseph Chhmar Salas đã dâng Thánh lễ cho đến khi ngài qua đời vào
năm 1976. Vào năm 2015, Giáo hội Campuchia đã chính thức mở giai đoạn cấp giáo
phận của tiến trình phong chân phước cho Đức cha Salas và 34 vị khác. Các vị là
những người bị giết hoặc bị bỏ mặc cho đến chết từ năm 1970 đến năm 1977, trong
thời kỳ Giáo hội bị bách hại dưới chế độ Pol Pot và Khmer Đỏ. 35 vị là linh mục,
giáo dân, giáo lý viên và thừa sai gốc Campuchia, Việt Nam và Pháp.
Tử đạo trong bối cảnh nội chiến
ở Mozambique
Đức cha Diamantino
Guapo Antunes, Giám mục của Tete (Mozambique), nhấn mạnh trong bài giảng Thánh
lễ kết thúc giai đoạn tiến trình phong chân phước cấp giáo phận của hai linh mục
Dòng Tên được mệnh danh là các vị tử đạo của Chapotera, rằng: “Các Tôi tớ Chúa
cha João de Deus Kamtedza và cha Silvio Alves Moreira là những mục tử nhân
lành, đã chịu đau khổ với dân tộc mình, luôn tìm kiếm hòa bình và hòa giải. Các
vị đã đặt những phẩm chất nhân bản và tinh thần của mình để phục vụ Thiên Chúa
và con người, sống lý tưởng truyền giáo”.
Thánh lễ được cử hành
vào ngày 12/8/2023, tại Đền thánh Zobuè, thuộc giáo phận Tete, với sự tham
gia của hàng trăm người Công giáo từ tất cả các giáo xứ trong giáo phận. Hai tu
sĩ Dòng Tên, một người Mozambique và một người Bồ Đào Nha, bị sát hại vào
ngày 30/10/1985 gần nơi ở của nhà truyền giáo Chapotera, các thừa sai
Lifidzi, ở Angonia (Mozambique), trong bối cảnh cuộc nội chiến đã đổ máu người
dân Mozambique và cộng đồng người Công giáo nói riêng.
Tiếp tục loan báo Tin Mừng dù
mạng sống bị đe doạ
Đại hội Truyền giáo Quốc
gia Nigeria lần thứ năm, được tổ chức vào tháng 11, có chủ đề “Đừng sợ hãi, có
Ta ở với ngươi” (Is 41,10), lấy cảm hứng từ tình trạng của đất nước, nơi nhiều
người đang sống trong sợ hãi. Giám mục của Yola, Đức cha Stephen Dami Mamza
khích lệ mọi người tiếp tục truyền bá và làm chứng cho Tin Mừng mặc dù có những
thử thách phức tạp mà đất nước đang trải qua, và nhắc lại rằng “chúng ta không
được sợ hãi, vì Chúa ở cùng chúng ta cho đến tận cùng của thời gian”.
Ban tổ chức cho rằng:
“Mục đích của Đại hội là nhắc nhở mọi Kitô hữu về trách nhiệm loan báo Tin Mừng
của mọi người đã được rửa tội, mặc dù có những thử thách trong khi thực hiện hoạt
động này; chủ đề của Đại hội là lời kêu gọi rõ ràng hãy kiên định, ngay cả khi
bị bách hại và tính mạng bị đe dọa”.
Trong Đại hội, chủ đề
lớn về các cuộc bách hại và máu các vị tử đạo như hạt giống sinh hoa trái của
Giáo hội cũng được đề cập. Nhìn nhận rằng sự tử đạo, nhờ ân sủng, có thể tạo ra
những hoa trái của cuộc sống trong đức tin, nên việc bắt đầu tiến trình phong
thánh cho những người bị giết vì họ là Kitô hữu và vì lòng căm thù đức tin đã
được khuyến khích.
Tử đạo vì bảo vệ các tín hữu
khỏi băng đảng vũ trang
Câu chuyện nhân bản và
Kitô giáo của cha Franco Ricci, linh mục diện Hồng ân Đức tin (fidei donum) của
Tổng Giáo Phận Bari-Bitonto ở Ý, bị giết ở Ethiopia vào ngày 19/6/1992, được
kể lại qua một vở kịch lấy cảm hứng từ nhiều lời chứng của những người gần gũi
với ngài đến “Abba Franco” trong sứ vụ của Soddu Abala. Cha bị giết bởi các
băng đảng vũ trang đang bách hại các tín hữu trong sứ vụ được giao phó cho cha
Ricci, người đã công khai bảo vệ họ. Giáo phận nhấn mạnh rằng việc kịch nghệ
hóa “là một dấu hiệu chứng từ bất diệt của ngài”.
Tử đạo vì dám chống lại mafia
Nhân kỷ niệm 30 năm
cái chết bi thảm của cha Pino Puglisi xảy ra vào ngày 15/9/1993 tại
Palermo ở Ý, dưới bàn tay của mafia, đã có nhiều cử hành và biểu tình để tưởng
nhớ sự dấn thân của ngài. Trong thông điệp nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô
muốn “tạ ơn Chúa ban mọi an ủi vì hồng ân của Chân phước Tử đạo, cha Pino
Puglisi”, nhắc lại rằng “theo gương Chúa Giêsu, cha Pino đã đi hết con đường
trong tình yêu”, “vị linh mục này đã không dừng lại, vì yêu thương đã hiến
thân, đón nhận Thánh Giá đến đổ máu”.
Những lời Kinh Thánh,
có thể được áp dụng cho cha Pino Puglisi và tất cả những người “đã đón nhận Thập
giá đến đổ máu”: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa, và chẳng cực
hình nào động tới được họ. Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi,
chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc. Lúc họ xa rời chúng ta, chúng tưởng là họ
bị tiêu diệt, nhưng thực ra, họ đang hưởng an bình…họ sẽ được hưởng ân huệ lớn
lao. Quả thế, Thiên Chúa đã thử thách họ và thấy họ xứng đáng với Người. Người
đã tinh luyện họ như người ta luyện vàng trong lò lửa và đón nhận họ như
của lễ toàn thiêu. Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như
tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy” (Kn 3, 1-7).
Nguồn:
vaticannews.va/vi