Ăn chay hay sống chay?
Ăn chay
Người Công giáo ăn
chay kiêng thịt mỗi năm hai ngày, thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh. Trước
đây, luật Hội Thánh còn buộc kiêng thịt mỗi thứ sáu. Bây giờ ta được phép thay
việc kiêng thịt bằng một việc hy sinh hay một việc bác ái. Do-thái giáo có một
ngày ăn chay lớn, đó là Ngày lễ Kippour, Ngày lễ Xá tội (Lv 16,29-31). Nhưng
người Pharisêu đạo đức có thể ăn chay vào ngày thứ ba và thứ năm hàng tuần (x.
Lc 18,12). Hồi giáo dành cả một tháng Ramadan để ăn chay. Họ nhịn ăn uống từ
lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Sau khoảng thời gian ấy, họ mới dùng
bữa. Có những Phật tử ăn chay trường, hoàn toàn không ăn thịt cá trong một thời
gian dài.
Các môn đệ cùng sống với Đức Giêsu không ăn chay, khác với những môn đệ của ông Gioan hay của những người Pharisêu (Mc 2, 18-20). Nhưng chính Đức Giêsu đã ăn chay 40 ngày trước khi bắt đầu sứ mạng. Hai vị ngôn sứ Mô-sê (Xh 34,28) và Elia (1 V 19,8) cũng đã ăn chay lâu như thế. Sau khi Đức Giêsu về trời, Hội Thánh sơ khai đã giữ tập tục ăn chay đi liền với cầu nguyện (Cv 13,2-3; 14,23). Thánh Phaolô cũng ăn chay khi đi rao giảng (2 Cr 6,5; 11,27). Theo sách Điđakhê 8,1, các Kitô hữu ăn chay vào thứ tư và thứ sáu hàng tuần. Ăn chay không phải để cho người ta thấy mình đạo đức (Mt 6,16). Ăn chay cũng không chỉ để tập làm chủ chính mình bằng đời sống khổ hạnh, hay để có tiền lo việc bác ái. Người Kitô hữu ăn chay còn để thanh tẩy và chuẩn bị con người mình đón ngày Chúa Quang Lâm. Như thế ăn chay nhắm đến chính mình, tha nhân và Thiên Chúa.
Sống chay
Ngôn sứ Isaia nói
đến một cách ăn chay mới.
“Cách ăn chay mà ta
ưa thích chẳng phải là thế này sao:
Mở xiềng xích bạo
tàn, tháo gông cùm trói buộc,
Trả tự do cho người
bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?
Chẳng phải là chia
cơm cho người đói,
Rước vào nhà những
người nghèo không nơi trú ngụ;
Thấy ai mình trần
thì cho áo che thân,
Không ngoảnh mặt
làm ngơ trước trước người anh em cốt nhục” (Is 58,6-7).
Rõ ràng cách ăn
chay này thấm đượm tinh thần công bằng: giải phóng những người chịu áp
bức, và tinh thần bác ái: chia cơm, chia
nhà, chia áo. Như thế ăn chay không phải chỉ là chuyện bớt ăn bớt uống cho thân
xác, mà còn là chuyện có một thái độ tích cực đối với những người nghèo đói, bị
đàn áp bạo hành trong xã hội. Ăn chay thật sự đòi dấn thân cho tha nhân.
Khi viết thư cho
tín hữu ở Côrintô, thánh Phaolô đã ví cuộc sống Kitô hữu với một cuộc chạy đua
trên sân vận động. Mỗi Kitô hữu là một vận động viên trên đường chạy để đoạt
giải. Như thế, chuyện kiêng cữ của vận động viên là chuyện bình thường, thời
nào cũng thế.
“Anh em chẳng biết
sao: trong cuộc đua trên sân vận động, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có
một người nhận giải. Anh em hãy chạy thế nào để đoạt giải. Phàm là vận động
viên, thì phải kiêng cữ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt vòng hoa mau hư
nát; trái lại chúng ta nhằm điều không bao giờ hư nát (1 Cr 9, 24-25).
Kiêng cữ ở đây
không chỉ là kiêng cữ trong chế độ ăn uống, mà còn trong mọi sự khác của cuộc
sống riêng tư. Thánh Phaolô cho thấy ngài đã sống nghiêm túc như thế nào để
mong chiếm được phần thưởng là sự sống đời sau:
“Tôi bắt thân thể
phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại
bị loại” (1 Cr 9,27).
Như thế, có thể nói
người Công giáo không chỉ ăn chay mỗi năm hai lần, và sống Mùa Chay 40 ngày.
Giữa một thế gian đầy cám dỗ, chúng ta còn phải sống chay nữa. Sống chay là
sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian (Ga 17,14.16), không bị chi
phối bởi lối suy nghĩ, lối đánh giá thông thường của người đời (x. Mt 16,23),
không bị lôi kéo bởi những thứ hào nhoáng mau qua của nó như sắc đẹp, tiền bạc,
quyền lực… Sống chay là làm chủ được đôi mắt của mình trước vô số hình ảnh mà
thế gian luôn cung cấp cho chúng ta:
“Kẻ nào yêu thế
gian thì tình yêu của Chúa Cha không ở trong kẻ ấy,
vì mọi sự trong thế
gian: như dục vọng của tính xác thịt,
dục vọng của đôi
mắt và thói huênh hoang vì tiền của,
những cái đó không
phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian” (1 Ga 2,15-16).
Lời khuyên khôn
ngoan sau đây có thể giúp ta sống chay:
“Hãy canh chừng ý
nghĩ của bạn, vì nó sẽ thành lời.
Hãy canh chừng lời
của bạn, vì nó sẽ thành hành động.
Hãy canh chừng hành
động của bạn, vì nó sẽ thành thói quen.
Hãy canh chừng thói
quen của bạn, vì nó sẽ thành cá tính của bạn.
Hãy canh chừng cá
tính của bạn, vì nó sẽ thành định mệnh của bạn.”
Một vài gợi ý sống chay trong hoàn cảnh hiện tại
+ Không phung phí
những gì Chúa ban như đồ ăn, đồ mặc, sức khỏe, thời giờ, tiện nghi…
+ Yêu thích những
gì đơn sơ, không cần một điện thoại đắt tiền hay một bộ đồ hàng hiệu…
+ Thấy vẻ đẹp nơi
những gì bình thường, thậm chí tầm thường. Xa tránh những vẻ đẹp giả tạo.
+ Say mê vẻ đẹp cao
quý của tâm hồn hơn vẻ đẹp chóng qua của thân xác.
+ Không để mình bị
cuốn hút bởi lối đánh giá của xã hội về thế nào là tốt, là đẹp, là sang.
+ Điều độ trong
việc sử dụng những gì Chúa ban. Điều độ khi làm những điều được phép làm.
+ Hưởng dùng những
gì Chúa ban một cách vừa phải, với lòng biết ơn. Khi đi mua sắm, luôn nhớ đến
những người nghèo hơn mình.
+ Dành thời gian
nghỉ ngơi cho đôi mắt, để mắt được nghỉ ngơi khỏi mọi thứ màn hình.
+ Dành thời gian
nghỉ ngơi cho tai, để tai khỏi bị nghe liên tục đủ thứ âm thanh, nhờ đó tạo
được sự thinh lặng cho tâm hồn.
+ Tạo cho mình
những khoảng không gian và thời gian thích hợp để có thể hồi tâm, đọc sách và
sống sâu lắng một mình.
+ Chỉ ăn khi đói,
và ngừng ăn khi đã no.
+ Nói ít hơn, nghe
nhiều hơn. Chê ít hơn, khen nhiều hơn.
+ Luôn suy nghĩ tốt
về người khác. Không để những tình cảm tiêu cực như ghen ghét, tức giận, oán
thù, nghi ngờ, có chỗ trong tim mình.
+ Không để nỗi buồn
rầu, buông xuôi, thất vọng hay tuyệt vọng chi phối quyết định của mình.
+ Không để mình bị
ám bởi những hình ảnh xấu trên mạng. Không để khoái lạc xác thịt khiến mình bị
nô lệ cho tội.
+ Sẵn sàng làm một
điều mình không thích, chỉ vì điều đó có lợi cho tha nhân và đem lại vinh quang
Chúa.
Chắc mỗi người chúng ta đều được Chúa gợi ý về cách sống
chay trong thời buổi hiện tại.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN