5 cách Chúa Giêsu ứng xử với những người
khó chịu
Nữ tu Theresa Aletheia Noble
Maria Ngà chuyển ngữ từ Aleteia
WGPSG (1.7.2020) - Chúa Giêsu đặt câu hỏi,
chứ không phòng thủ và biết khi nào nên bỏ qua điều gì.
Phải ứng xử với những người khó chịu như thế nào? Một số người trong cuộc đời tỏ
ra khó chịu với ta đơn giản chỉ vì họ muốn thách thức ta. Hoặc họ khó chịu vì họ
khác biệt. Hay họ khó chịu có thể vì chúng ta sống gần họ (sống gần nhau nên thấy
rõ những nhược điểm của nhau). Hoặc họ khó chịu vì ta khó chịu và có những điều
ở nơi ta chạm vào họ không đúng cách. Hay đơn giản, họ đúng là người khó chịu.
Nhưng bất kể họ là như thế nào, chúng ta vẫn có thể đón nhận những bất tiện,
phi lý và phiền phức ấy trong cuộc sống - không chỉ như những phiền toái - mà
như là những quà tặng.
Heather King viết: Khi chúng ta cởi mở và tiếp nhận tất cả những gì thế giới
cống hiến và dạy dỗ chúng ta, thì mọi thứ sẽ được chiếu sáng từ bên trong. Rồi
thì chúng ta sẽ thấy rằng tất cả mọi thứ đều sẽ, hoặc có thể, liên hệ đến công
cuộc tìm kiếm vẻ đẹp và trật tự của chúng ta. Tất cả mọi thứ đều có liên quan với
ta: những búp bê cũ kỹ, những trang nhật ký tơi tả, những cái khuy rơi rớt, những
kẻ khó chịu… Nhìn những người khó chịu trong ánh sáng tích cực như thế quả là
không dễ. Nhưng chúng ta có thể bắt đầu bằng cách học ứng xử với người khác
theo cung cách giống như Đức Kitô. Thánh Kinh dạy chúng ta một số cách Chúa
Giêsu đã dùng để ứng xử với những người khó chịu:
1. Chúa Giêsu đặt câu hỏi
Trong chương 12 của Phúc âm Luca, Chúa Giêsu được yêu cầu giải quyết tranh chấp
gia đình và Ngài đã trả lời cách cơ bản: Bạn nghĩ tôi là ai, là người xử kiện
hay sao? (lời dịch ở đây là khá thoáng, chỉ để cho dễ hiểu). Thật thú vị khi
lưu ý rằng Chúa Giêsu đặt ra rất nhiều câu hỏi trong Kinh thánh. Các câu hỏi của
Chúa Giêsu đôi khi mang tính hùng biện, hoặc thách đố, và có lúc Ngài cũng thực
sự muốn được phản hồi. Bằng cách sử dụng các câu hỏi, Chúa Giêsu nhấn mạnh sự cởi
mở của mình với người khác.
Thật buồn cười, nhưng con người chúng ta lại có xu hướng không đặt nhiều câu hỏi.
Chúng ta thường khẳng định, khăng khăng cho mình là đúng, lên mặt dạy đời, theo
dõi, ngắt lời và phán xét. Chúng ta hiếm khi sắp xếp để đặt câu hỏi cho người
khác. Tôi nghĩ rằng, khi thường xuyên sử dụng các câu hỏi, Chúa Giêsu đang làm
gương cho ta với hành vi của một người giao tiếp tốt, một người quan tâm đến kẻ
khác đủ để gắn kết với họ và thách đố họ. Thậm chí, và có lẽ đặc biệt là khi họ
tỏ ra khó chịu.
2. Chúa Giêsu không bao giờ bị dồn vào
chân tường
Trong chương 6 của Phúc âm Luca, Chúa Giêsu đang đi dạo ngày Sabát với các môn
đệ thì những người Pharisêu thình lình xuất hiện và buộc tội các môn đệ phá luật
ngày Sabát khi bứt bông lúa. Chúa Giêsu không bối rối. Ngài không bao giờ sợ những
người cố gắng làm cho Ngài trượt ngã hoặc nghĩ xấu về Ngài, vì Ngài không chú
tâm đến những gì họ nghĩ.
Đôi khi mọi người dồn chúng ta vào những giả định và phán xét của họ, khiến
chúng ta có thể bắt đầu tự hỏi liệu cách họ nhìn chúng ta có khách quan hơn so
với cách chúng ta nhìn về bản thân của mình hay không. Thật khó khi chúng ta cảm
thấy như những người khác hiểu lầm chúng ta hoặc không dành thời gian để tìm hiểu
chúng ta trước khi phán xét. Nhưng, giống như Chúa Giêsu, chúng ta không cần phải
cảm thấy bị định hình bởi những dự đoán của người khác. Căn tính của chúng ta
là ở nơi Chúa và được tìm thấy trong Chúa, chứ không phải trong những gì người
khác cố gắng đẩy chúng ta vào.
3. Chúa Giêsu biết khi nào cần làm
ngơ
Bạn có nhớ lúc Chúa Giêsu khiến cho tất cả hàng xóm và bạn bè cũ của mình ở quê
nhà Nadarét phải bực tức không? Họ phẫn nộ đến nỗi quyết định xô Ngài xuống vực.
Thấy rằng không cần cãi lý với những người này, Chúa Giêsu đã băng qua giữa họ
mà đi, phớt lờ cơn thịnh nộ của họ, và tiếp tục thản nhiên đi trên con đường của
mình (Luca chương 4).
Đôi khi những kẻ khó chịu bỗng nổi cơn thịnh nộ, nói năng gắt gỏng hoặc lăng mạ
chúng ta (điều này luôn thường xảy ra trên mạng). Đây là dấu hiệu để ta rút lui
và bỏ đi. Chúa Giêsu luôn biết cách kiềm chế cảm xúc và hướng mắt về mục tiêu.
Dĩ nhiên, nếu chúng ta cần phải đích thân giải quyết dứt khoát với ai đó, thì một
cuộc thảo luận trực tiếp may ra mới giúp ích. Nhưng cuộc gặp trực tiếp này sẽ
thực hiện sau đó chứ không phải lúc này.
4. Chúa Giêsu không phòng thủ
Trong chương 10 của Phúc âm Máccô, Thánh Giacôbê và Thánh Gioan nói với Chúa
Giêsu rằng: "Chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp
xin đây". Ồ, nói về những điều vượt quá giới hạn đây mà! Nhưng Chúa Giêsu
không bị lệ thuộc vào ai, nên sự túng quẫn hay vượt quá giới hạn không thể đe dọa
được Ngài. Chúa biết khi nào cần nói ‘không’, khi nào cần nói ‘có’, và biết
cách không tự làm hại bản thân khi khiến cho người khác không hài lòng.
Đôi khi người khác có thể yêu cầu nhiều hơn so với những thứ chúng ta có thể
cho họ. Họ cố gắng thống trị chúng ta với những cạm bẫy này. Trước khi khám phá
ra điều đó, chúng ta đã thấy mình đang ra sức tìm cách thỏa mãn một người đang
túng quẫn hoặc đang gây sự (người hiếm khi vừa ý!). Nhưng Chúa Giêsu không hề cố
gắng làm cho con người vui lòng. Chúa Giêsu không cần bảo vệ mình trước người
khác; Ngài coi Ý Chúa chính là sự an toàn cho bản thân. Chính vì thế nên Ngài
thấy không cần phải bảo vệ bản thân.
5. Chúa Giêsu cư xử linh động
Trong chương 15 của Phúc âm Mátthêu, người phụ nữ Canaan xin Chúa Giêsu chữa
lành cho con gái bà và Chúa Giêsu nói không. Nhưng sau đó Chúa lại động lòng trắc
ẩn trước phản ứng đức tin của bà và chữa lành cho cô con gái của bà. Chúa Giêsu
tiếp cận người khác với tâm hồn cởi mở. Ngay cả khi đã có những ý tưởng định sẵn,
Ngài vẫn cho phép Thánh Linh điều khiển Ngài.
Khi một người khó chịu tới gần ta, ta có thể nghĩ: “Ôi Chúa ơi, lại nữa rồi”,
hoặc “Tôi biết mà, tôi biết những gì sắp diễn ra”, nhưng Chúa Giêsu đã giữ tâm
hồn cởi mở khi người khác đến với Ngài. Bạn không biết được đâu. Thánh Linh có
thể điều khiển bạn, hoặc điều khiển những người khó chịu, để có những hành động
hoàn toàn khác cách bất ngờ. Khép kín với người khác đồng nghĩa với việc đóng cửa
giữa ta với Chúa Thánh Thần, Đấng đang hoạt động trong chúng ta và trong người
khác.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con nhìn thấy Chúa trong mọi người, ngay cả những người
thách thức con. Xin thắp sáng con bằng tình yêu rạng ngời của Chúa để con có thể
nhìn thấy Chúa ngay cả trong những người khó chịu nhất. Vì mỗi người đều được tạo
ra theo hình ảnh của Chúa. Xin giúp con nhận ra Chúa và yêu Chúa trong họ.
Nguồn: WGPSG