“Tiếng kêu và niềm hy vọng của người nữ” trong cuộc triển lãm tại Vatican

04/05/2023

Phụ nữ Việt Nam đang vá lưới

TIẾNG KÊU VÀ NIỀM HY VỌNG CỦA NGƯỜI NỮ” TRONG CUỘC TRIỂN LÃM TẠI VATICAN

Vatican News

Được khai mạc vào ngày 2/5/2023 tại dãy cột Bernin, ở quảng trường thánh Phêrô, một cuộc triển lãm gồm 26 bức ảnh được chụp bởi tám nhiếp ảnh gia nổi tiếng quốc tế, minh họa tình trạng kiên cường của nữ giới ở những nơi xa xôi nhất trên hành tinh, trong đó có Việt Nam. Một hành trình được thiết kế bởi bà giám đốc Lia Beltrami cho Đài quan sát nữ giới trên thế giới, cộng tác với Bộ Truyền thông của Tòa Thánh.

Nếu Chúa Giêsu đã có một sự yêu thương nào đó đối với người nữ, ngay cả đối với người phụ nữ Samari, người phụ nữ tội lỗi, bà góa thành Naim, Maria Mađalêna…thì làm sao có thể được cho rằng rất nhiều phụ nữ trên thế giới ngày nay cảm thấy rằng Giáo hội không yêu thương họ?” Chính bằng những lời này mà Maria Lia Zervino, chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Nữ giới Công giáo Thế giới UMOFC-WUCWO, đã giới thiệu tại phòng báo chí Tòa Thánh, buổi giới thiệu cuộc triễn lãm hình ảnh “Tiếng kêu của người nữ”, sẽ diễn ra cho đến ngày 28/5.

Những người nữ kiên cường trong thảm kịch, những người nữ của hy vọng

Theo ý hướng của những người khởi xướng, cuộc triển lãm muốn nhắm đến một dấu hiệu theo cách thức cho thấy ngày nay Giáo hội muốn ôm lấy tất cả các phụ nữ trên thế giới, cho dù họ là tín hữu hay không, và cho mọi người nhận ra họ, để cải thiện cuộc sống của họ và của dân tộc họ.

 Các phụ nữ kiên cường được nhấn mạnh để họ có thể tạo ra “một nghị lực biến đổi, có chân trời là tình huynh đệ nhân loại”. Người nữ thường bị cuốn vào các hoạt động của cuộc sống thường ngày, thường là trong các hoàn cảnh thảm kịch hay mệt mỏi, trong cuộc sống đời  thường của họ ở các vùng ngoại vi khác nhau của hành tinh.


Phụ nữ Togo

Sức mạnh của cái nhìn của người nữ

Lia Beltrami là người sáng tạo ra cuộc triển lãm, vốn nằm trong khuôn khổ rộng lớn hơn của dự án “Emotions to Generate Change” (Cảm xúc để tạo ra sự thay đổi). Trong thành tích của mình, bà đã là người phụ trách gian hàng của Tòa Thánh tại Expo Milano 2015, bà đã chỉ đạo cuộc triển lãm ảnh ở Expo Astân 2017 và thành lập “Liên hoan phim Tôn giáo ngày nay”. Bà nhấn mạnh rằng tiếng kêu của người nữ cho thấy sức mạnh của cái nhìn của nữ giới, vốn là một cái nhìn kết nối và tương quan, từ đó khẳng định rằng một xã hội lành mạnh chỉ có được khi không còn sự phân biệt đối xử về cái nhìn, một sứ mạng mà tất cả mọi người đều phải cảm nhận vì lợi ích của tất cả mọi người. Chuẩn bị cho cuộc khai mạc,  bà giải thích: “Mỗi hình ảnh đưa chúng ta vào một thế giới của những người nữ mạnh mẽ và mong manh, mang trên mình những gánh nặng to lớn, nhưng nói với chúng ta về vẻ đẹp”.


Một phụ nữ được cứu sau khi băng qua Địa Trung hải

Các nhiếp ảnh gia làm nổi bật tiềm năng của một cuộc sống bên lề xã hội

Các nhiếp ảnh gia tham gia dự án là: Asaf Ud Daula, được tạp chí Forbes bình chọn là nhiếp ảnh gia chụp ảnh xanh tốt nhất thế giới (sau khi được phát hiện chụp cho gian hàng của Tòa Thánh ở Expo 2015 ở Milan); Luca Catalano Gonzaga, nhiếp ảnh gia từng đoạt nhiều giải thưởng cấp thế giới; Vassilis Ikoutas, ở Rhodes; Ferran Paredes Rubio, giám đốc nhiếp ảnh người Catalan. Caterina Borgato, nhà thám hiểm, luôn quan tâm đến nhân loại và thế giới của những người nữ vô danh, nhiếp ảnh gia Silvia Tenenti. Người đã vẽ nên chân dung của các phụ nữ sống ở vùng trũng sa mạc Dancalia của Ethiopia, trên hòn đảo Socotra (Yemen) không thể tiếp cận, trên cao nguyên xa xôi của Tây Mông Cổ, ở giáp biên Siberia, nói rằng cô muốn tập trung vào “sự mất cân bằng và  tan rã mà, ngay cả trong các xã hội thịnh vượng nói chung, chứ không chỉ trong các xã hội cực đoan, vẫn còn khiến cho người nữ khó khẳng định mình trong xã hội”.

“Những bức ảnh lay động sự vô cảm để xây dựng tình huynh đệ”

Mỗi bức ảnh đều được liên kết với một câu trong thông điệp Fratelli Tutti: Đó không phải là một chú thích đơn giản, nhưng là một hành trình hội nhập hướng đến tình huynh đệ, như Paolo Ruffini, Tổng trưởng Bộ Truyền thông của Tòa Thánh, nhấn mạnh. “Những hình ảnh này giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn”, ông tuyên bố bằng cách trích dẫn ĐHY Martini (thư mục vụ Effatà): “Làm thế nào chúng ta có thể hiện diện trong thế giới truyền thông mà không bị choáng ngợp bởi những dòng sông ngôn từ và một biển hình ảnh?” Vì “nghịch lý của xã hội thông tin phì đại của chúng ta chính là biết mọi thứ và không biết gì cả. Những hình ảnh này lay động sự vô cảm của chúng ta, chúng chất vấn chúng ta, chúng không cho chúng ta câu trả lời”, nhưng “chúng khiến chúng ta đối diện với sự mù quáng của mình. Chúng bóc trần chiếc áo giáp đạo đức giả”. Paolo Ruffini nhận xét: “Tiếng kêu của người nữ dạy cho chúng ta biết nhìn thấy sự dữ để không trở thành tù nhân của nó, để cứu vớt nó. Những bức hình này cho chúng ta thấy một con đường” và, “để lấy lại lời nói của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng hỏi chúng ta liệu chúng ta đang bước đi trong niềm hy vọng hay trong sự cam chịu; chúng cho chúng ta thấy sự mong manh để hỏi chúng ta những gì chúng ta đang bận tâm”.


Bà Lia Beltrami (áo xanh) và ông Paolo Ruffini

Một tiếng kêu cứu rỗi đến từ tận cùng của hành tinh

Trên một tấm áp phích thể hiện tiếng kêu của các phụ nữ ở Togo, một sáng kiến của Sebastiano Rossitto, tác giả của một số bức ảnh khác được triển lãm. Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Thổ Nhĩ Kỳ Neșe Ari là bức ảnh nổi bật ở phía trong quảng trường: các phụ nữ Việt Nam đang làm việc, vá lưới của ngư dân. Rồi, có một người nữ được cứu thoát khỏi chuyến vượt biển Địa Trung Hải; một bé gái ở nhà ga xe lửa Lviv, mỉm cười bất chấp thảm kịch của cuộc xung đột ở Ucraina; cả một gia đình gồm những người nữ (bà, mẹ, dì, cháu gái) trồng sắn ở trung tâm của Amazon. Cũng có một cụ bà nhìn vào cánh cửa của một ngôi làng ở Hy Lạp, một em bé Ấn Độ đang biểu diễn động tác thăng bằng, một cô gái hai mươi tuổi bị trục xuất khỏi khu rừng tổ tiên của bộ tộc Batwa, phải vật lộn với thiên chức làm mẹ trong cảnh nghèo khó cùng cực. Cũng có Ấn Độ, Anatolia. Những góc khuất bị quên lãng, với phụ nữ ở hàng đầu, ở Rôma, Venice, New York, Rwanda. Một trong những hình ảnh được chúng ta vào những mâu thuẫn của một khu ổ chuột đầy bạo lực ở Brazil: một nhóm phụ nữ múa nhảy là hiện thân của tất cả sức mạnh và ước muốn cứu rỗi. Đó chính là các cô gái đã tạo ra buổi biểu diễn Laudato Si’ Amazon: họ sẽ có mặt tại Vatican vào ngày 24/5 để dự buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha, sẽ múa hát giữa các bức ảnh triển lãm, và sẽ tỏ lòng kính trọng Đức Thánh Cha Phanxicô với chiếc mũ xanh, được thể hiện trên bức ảnh của Maria Ausiliadora, được chế tạo bởi các phụ nữ bản địa vùng Amazon.


 2 nữ tu Togo

Đấng sáng lập của chúng tôi đã khắc cốt ghi tâm các hoàn cảnh bên lề xã hội và cứu rỗi này. Tôi thấy mình trong Giáo hội của chúng ta để cố gắng trả lời cho những hoàn cảnh này”, nữ tu Fiorella thuộc Dòng Chúa Quan Phòng nói như thế khi nhìn các bức ảnh xác nhận đặc sủng và sự hài lòng của mình đối với sự quan tâm của Đức Thánh Cha đối với vai trò của người nữ trong Giáo hội. Sơ nói: tin tức gần đây được thông báo cho Thượng hội đồng về tính hiệp hành làm nổi bật sự nhạy cảm này: “Nó khiến chúng tôi cảm thấy sâu sắc hơn nhu cầu rung động với Giáo hội và với Đức Thánh Cha”. Cùng với sơ, nữ tu Edoarda cũng nhấn mạnh rằng “tình huynh đệ mở chúng ta ra với một thế giới mà chúng ta cần biết đến”. Và sơ mong muốn rằng ước gì Giáo hội làm nổi bật những gì bị ẩn giấu để nâng cao ý thức tập thể của chúng ta và cũng giúp chúng ta làm phong phú thêm bản thân.

 Tý Linh
(theo Vatican News)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (04.05.2023)

LỊCH PHỤNG VỤ