“Cầu nguyện khi không thấy
thích, vậy đó có thực sự là cầu nguyện không?”
Câu trả lời của thánh Josemaria Escriva
Việc cầu nguyện hay dâng lễ trong lúc bạn thực sự không muốn làm như vậy, có phải là đạo đức giả không? Hãy xem thánh Josemaria Escriva, vị sáng lập Hội Opus Dei, cho chúng ta lời giải đáp.
Thánh Josemaria Escriva
“Không cầu nguyện
thì làm gì cũng vô giá trị, cầu nguyện có giá trị hơn khi đi kèm với hy sinh” –
thánh Josemaria Escriva.
Thánh JoseMaria Escriva là một vị thánh của thời
đại cho người giáo dân hôm nay, vị sáng lập Hội Opus Dei, hội được thiết lập để
dạy mọi người về ơn gọi nên thánh và về cuộc sống đời thường có thể đưa đến sự
thánh thiện.
Trong suốt cuộc
đời, ngài được biết đến với khả năng liên kết với người khác, ngài ủng hộ sự
hiểu biết và đối thoại. Ngài đặc biệt nổi tiếng với khả năng kết nối với giới
trẻ, và là phụ trách việc cổ vũ thành lập nhiều trường học trên khắp thế giới.
Trong chuyến đi mục
vụ đến Brazil vào năm 1974, chỉ một năm trước khi ngài qua đời, ngài đã đến
thăm một trường đại học vào ngày 1 tháng 6. Ở đó, một sinh viên trẻ đã hỏi một
câu hỏi mà tất cả chúng ta có thể đã suy nghĩ cách này cách khác khi đối diện
với đời sống thiêng liêng bên trong chúng ta: “có phải đạo đức giả không khi chúng ta cầu nguyện mà không thực sự cảm
thấy thích điều đó?
Sau đây là những lời khôn ngoan thánh thiện từ cha Josemaria Escriva mà mỗi người Công giáo cần theo dõi lắng nghe:
Bản dịch của đoạn video:
Câu hỏi: Thưa Cha, con là một sinh viên, và mọi người trong lớp con thường nói rằng bạn chỉ nên đi lễ và cầu nguyện, khi bạn cảm thấy thích, bởi vì nếu bạn làm điều mà bạn không thích thì chỉ là đạo đức giả. Con có thể nói gì với họ? Làm thế nào con có thể chỉ ra điểm chưa đúng của họ?
Thánh Josemaria Escriva: Con của Cha, hãy nghe đây, Cha cũng rất hiếm khi cảm thấy thích cầu nguyện.
Chúng ta phải làm những việc mà chúng ta không muốn làm,
và tiếp theo, khi những điều đó dựa trên sự hy sinh, sự khó khăn, chúng sinh
hoa trái nhiều hơn cả và điều đó có giá trị nhiều hơn trước Chúa, chúng tỏa
sáng như những vì sao trong đêm.
Khi con đi cầu nguyện và con không cảm thấy thích việc
cầu nguyện hay không thể nghĩ bất cứ điều gì để nói với Chúa, hãy đặt mình
trong sự hiện diện của Chúa và thân thưa với Ngài. Như con đã nói với Cha, hãy
cầu nguyện rằng : “Lạy Chúa, con thực sự không muốn nói chuyện với ngài, con
không muốn dành một phút nào cho ngài cả, con cảm thấy như thể đang giúp ngài
làm gì đó vậy”
Và con sẽ chợt nghe thấy trong sâu thẳm trái tim con như
một tiếng thân thương nhưng mạnh mẽ,
Một tiếng nói từ Chúa:
“Chính Ta là người giúp đỡ con khi Ta mời gọi con phục vụ
Ta, khi Ta mời gọi con nói chuyện với Ta, khi Ta nói với con rằng Ta muốn kết
bạn với con, với chính linh hồn của con.”
Và sau đó, cho dù con có cảm thấy thích hay không, con sẽ
đi và dành thời gian cầu nguyện mỗi ngày, ở nhà, hoặc trên đường phố, tại văn
phòng, hoặc ở trường đại học, hay tại studio của con, trên đường cao tốc,
khi con đi du lịch, hoặc trong nhà thờ,
trước Nhà Tạm, Chúa Giêsu Kitô đang ở đó, Người Con của Mẹ Maria diễm phúc đồng
trinh;
Chúa Giêsu, Đấng đã sinh ra trong một chuồng ngựa, Đấng
đã lao tác với thánh Giuse, đã học cách làm việc từ ngài, rồi đi rao giảng,
chịu tử nạn trong cuộc Vượt Qua, đã chịu đóng đinh vì yêu và đã để cho mình
chịu gắn chặt vào cây thập tự.
Chúa Giêsu đang đợi chúng ta ở đó; bởi vì con và cha hiểu
biết với đức tin rằng những gì ẩn giấu trong các dấu chỉ bí tích là chính Chúa
Kitô.
Chúa Kitô ở đó: chính thân xác, máu của Người, linh hồn
và thiên tính của Người, một tù nhân của tình yêu.
Chúng ta sẽ đến với ngài ngay khi không cảm thấy thích
điều đó, nhưng biết rằng ngài đang lắng nghe chúng ta nói với ngài rằng chúng ta
không thích cầu nguyện – để rồi ngay lúc đó chúng ta đang cầu nguyện.
Và con sẽ thấy cách ngài nói chuyện với con, cách ngài
tác động lên con, cách con không còn phải học cách trò chuyện, trò chuyện với
Chúa chúng ta và ngày mà con thấy không nói chuyện với Chúa sẽ như thế nào.
Cho dù con có muốn hay không, ngày đó con sẽ háo hức đi
cầu nguyện, con sẽ cảm thấy cần phải cầu nguyện.
Tôma Phạm (Chuyển ngữ từ ucatholic.com)