NĂM 2016:
MẦU NHIỆM
GIÁNG SINH CHẤT VẤN VÀ KHUẤY ĐẢO CHÚNG TA
Đức Thánh
Cha Phanxicô thúc giục các Kitô hữu hãy để cho Hài nhi trong máng cỏ chất vấn
mình, và hãy để cho mình bị chất vấn bởi những trẻ em trong thế giới ngày nay:
biết bao em đang sống trong cảnh khốn khổ.
Trong bài
giảng Thánh lễ đêm Giáng sinh, thứ Bảy 24-12 tại Vương cung Thánh đường Thánh
Phêrô, Đức Thánh Cha nói đến “những trẻ không được nằm trong nôi, không được
cha mẹ yêu thương vỗ về, phải trú ẩn dưới lòng đất để tránh oanh kích, nằm trên
các vỉa hè, hay dưới đáy của những chiếc thuyền chở người nhập cư quá tải”. Và
cả “những trẻ em không được sinh ra, những trẻ em kêu khóc vì đói, những trẻ em
cầm trên tay không phải là đồ chơi mà là vũ khí”. Chúng ta hãy để cho những trẻ
em ấy chất vấn chúng ta.
Sau đây là
toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:
Anh chị em
thân mến,
Ân sủng của
Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tit 2,11). Lời của
Thánh Tông đồ Phaolô tỏ lộ mầu nhiệm của đêm thánh này: ân sủng của Thiên Chúa
đã được biểu lộ, đó là món quà tặng không; nơi Hài nhi được ban cho chúng ta
tình yêu của Thiên Chúa đã trở nên hữu hình.
Đó
là đêm của vinh quang, vinh quang được các thiên thần loan báo ở
Bêlem và ngày nay chúng ta cũng loan báo vinh quang ấy trên khắp thế giới. Đó
là đêm của niềm vui, bởi vì từ lúc ấy cho đến mãi về sau, Thiên
Chúa vô biên hằng hữu là Thiên Chúa ở cùng chúng ta: Ngài không ở
xa, chúng ta không phải đi tìm Ngài ở trên trời hoặc trong các khái niệm thần
bí; Ngài ở gần bên, Ngài đã làm người và sẽ không bao giờ xa cách nhân loại
chúng ta nữa, nhân loại mà Ngài đã nhận làm của mình. Đó là đêm của ánh
sáng: ánh sáng đã được tiên tri Isaia loan báo (9,1), ánh sáng sẽ soi chiếu
những người đi trong bóng tối, đã xuất hiện và bao phủ các mục đồng tại Bêlem
(x. Lc 2,9).
Các mục đồng
chỉ nhìn thấy “một trẻ thơ được sinh ra cho chúng ta (Is 9,5) và họ hiểu rằng tất
cả vinh quang này, tất cả niềm vui này, tất cả ánh sáng này đều quy vào một điểm
duy nhất, đó là dấu hiệu mà các thiên thần đã chỉ cho họ: “Các
ngươi sẽ thấy một em bé được bọc trong khăn và nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12).
Đây vẫn luôn là dấu chỉ để tìm gặp Chúa Giêsu. Không chỉ vào
thời ấy, mà cả ngày nay nữa. Nếu chúng ta muốn mừng lễ Giáng sinh một cách đích
thực, chúng ta phải chiêm ngắm dấu chỉ này: nét đơn sơ mỏng manh của một em bé
sơ sinh, sự êm ái của nơi em nằm, sự mềm mại dịu dàng của tấm khăn bao bọc em.
Thiên Chúa ở đó.
Qua dấu chỉ
này Phúc Âm cho thấy một nghịch lý: tuy nói về vị Hoàng đế, vị Thủ lãnh, là những
bậc quyền thế của thời ấy, nhưng Thiên Chúa lại không tỏ ra như thế; Người
không sinh ra trong cung điện hoàng gia, nhưng trong sự nghèo nàn của một chuồng
bò; không phải trong phô trương trình diễn, nhưng trong sự đơn giản của cuộc sống;
không tỏ ra uy quyền, nhưng lại nhỏ bé đến ngạc nhiên. Để gặp được Người, chúng
ta phải đến nơi Người đang ở: chúng ta phải cúi xuống, phải hạ mình, phải trở
nên bé nhỏ. Hài nhi mới sinh chất vấn chúng ta: Người kêu gọi chúng ta từ bỏ ảo
tưởng phù phiếm để đi vào điều chính yếu, từ bỏ những tham vọng vô độ, những bất
mãn không cùng và nỗi buồn bực vì điều gì đó chúng ta sẽ chẳng bao giờ có.
Chúng ta phải bỏ đi những điều ấy để tái khám phá bình an, niềm vui và ý nghĩa
của cuộc sống trong sự đơn sơ của Chúa Hài nhi.
Chúng ta
hãy để cho Hài nhi trong máng cỏ chất vấn chúng ta, nhưng chúng ta cũng hãy để
cho mình bị chất vấn bởi những trẻ em trong thế giới ngày nay, là những trẻ
không được nằm trong nôi, không được cha mẹ yêu thương vỗ về, mà phải nằm trong
“chiếc nôi phẩm giá bẩn thỉu”: trú ẩn dưới lòng đất để tránh oanh kích, nằm
trên vỉa hè của một thành phố lớn, chịu nhét dưới đáy của một chiếc thuyền chở
người nhập cư quá tải. Chúng ta hãy để cho mình bị chất vấn bởi những trẻ em
không được sinh ra, bởi những trẻ em kêu khóc vì không ai làm thoả mãn cơn đói
của chúng, bởi những trẻ em cầm trên tay không phải là đồ chơi mà là vũ khí.
Mầu nhiệm
Giáng Sinh -là ánh sáng và niềm vui- chất vấn và khuấy đảo chúng ta, vì vừa là
mầu nhiệm của hy vọng vừa là mầu nhiệm của đau buồn. Mầu nhiệm ấy
mang theo hương vị của nỗi buồn, bởi vì tình yêu không được đón nhận
và sự sống bị chối bỏ. Đó là điều xảy ra cho Thánh Giuse và Mẹ Maria, các ngài
chỉ gặp những cánh cửa đóng kín, nên phải đặt Chúa Giêsu trong máng cỏ “vì
không có chỗ cho các ngài trong nhà trọ” (c. 7). Chúa Giêsu sinh ra trong sự từ
chối của một số người và nhiều người khác dửng dưng. Ngày nay cũng có thể có sự
dửng dưng ấy, khi Giáng sinh trở thành một ngày lễ mà nhân vật chính là chính
chúng ta, chứ không phải là Chúa Giêsu; khi ánh đèn của thương mại đẩy ánh sáng
của Thiên Chúa vào trong bóng tối; khi chúng ta chỉ quan tâm đến quà cáp mà dửng
dưng với những người bị loại trừ.
Nhưng
hương vị chủ yếu của Giáng sinh là hương vị hy vọng bởi vì, dù
cuộc sống chúng ta nhiều u tối, ánh sáng của Thiên Chúa vẫn ngời sáng. Ánh sáng
êm dịu của Ngài không làm cho chúng ta sợ hãi; Thiên Chúa, Đấng yêu thương
chúng ta, lôi kéo chúng ta đến với Người bằng sự dịu dàng, sinh ra nghèo hèn và
mong manh giữa chúng ta, như một người trong chúng ta. Người sinh ra ở Bêlem,
nghĩa là “ngôi nhà bánh”. Như thể Chúa muốn nói với chúng ta rằng Người
sinh ra để làm tấm bánh cho chúng ta; Người đi vào cuộc sống để ban
cho chúng ta sự sống của Người; Người đi vào thế giới của chúng ta để ban cho
chúng ta tình yêu của Người. Người không đến để huỷ hoại hay chỉ huy nhưng để
nuôi dưỡng và phục vụ. Như thế có một sợi chỉ xuyên suốt nối liền máng cỏ và thập
giá, nơi mà Chúa Giêsu trở nên tấm bánh bị bẻ ra: đó là sợi chỉ
tình yêu tự hiến và cứu độ chúng ta, mang lại ánh sáng cho cuộc đời chúng ta và
bình an cho tâm hồn chúng ta.
Các mục đồng
hiểu rõ điều này trong đêm ấy. Họ thuộc về số những người bị gạt ra bên lề vào
thời ấy. Nhưng không ai trong số họ bị gạt ra khỏi cái nhìn của Thiên Chúa và
chính họ mới là những người được mời đến gặp Hài nhi Giêsu. Những kẻ cảm thấy tự
tin, tự mãn, lại đang ở nhà với tài sản của mình; còn các mục đồng thì “vội vã
ra đi” (Lc 2,16). Đêm nay chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu chất vấn và kêu gọi
chúng ta. Chúng ta hãy tin tưởng đến với Người, khởi đi từ chỗ chúng ta cảm thấy
mình bị loại trừ, từ những giới hạn của chúng ta. Chúng ta hãy chạm vào sự dịu
dàng có sức cứu thoát.
Chúng ta
hãy đến gần Thiên Chúa là Đấng đang đến với chúng ta, chúng ta hãy dừng lại để
chiêm ngắm máng cỏ, và hình dung sự kiện Chúa Giêsu sinh ra: ánh sáng, bình an,
nghèo đến tột cùng, và bị từ chối. Chúng ta hãy đi vào khung cảnh Giáng sinh thực
sự với các mục đồng, dâng cho Chúa Giêsu tất cả những gì mà chúng ta đang là: sự
tha hóa, những vết thương chưa được chữa lành. Để rồi, trong Chúa Giêsu chúng
ta sẽ được hưởng nếm hương vị tinh thần Giáng sinh thực sự: đó là vẻ đẹp vì được
Thiên Chúa yêu thương. Cùng với Đức Maria và Thánh Giuse, chúng ta hãy dừng lại
trước máng cỏ, trước Chúa Giêsu được sinh ra làm tấm bánh cho đời tôi. Khi
chiêm ngắm tình yêu khiêm tốn và vô biên của Người, chúng ta hãy nói với Người:
con cảm ơn Chúa, con cảm ơn Chúa vì Chúa đã làm tất cả những điều này vì con.
Minh Đức chuyển ngữ