Tuyên ngôn về một số vấn đề liên quan đến đạo đức tính
dục
Bộ Giáo Lý
Đức Tin, 1975
I
Theo nghiên cứu khoa học đương thời, con
người chịu ảnh hưởng của tính dục một cách rất sâu xa, đến nỗi tính dục phải
được xem như một trong các yếu tố làm nên nét chính yếu của đời sống mỗi cá
nhân và là nét phân biệt người này với người khác. Thật vậy, chính từ tính dục
mà con người tiếp nhận các đặc tính mà, trên bình diện sinh học, tâm lý, và
thiêng liêng, làm thành con người là nam hay là nữ, và qua đó chúng điều kiện
hóa sự phát triển của người ấy hướng đến sự trưởng thành và sự hội nhập vào xã
hội. Như thế, rõ ràng đối với mọi người, ngày nay các vấn đề tính dục là một đề
tài được bàn thảo một cách thông thường và cởi mở trong các sách vở, báo chí,
và các phương tiện truyền thông xã hội khác.
Trong giai đoạn hiện tại, sự tha hóa luân lý gia tăng, và một trong các dấu chỉ nghiêm trọng nhất của sự tha hóa này là sự tán dương tình dục một cách buông thả. Hơn nữa, qua các phương tiện truyền thông xã hội và qua các giải trí công cộng, sự tha hóa này đã lên đến mức xâm nhập vào lãnh vực giáo dục và gây ô nhiễm não trạng chung.
Trong bối cảnh này, một số nhà giáo dục, các thầy cô giáo, và các nhà luân lý có thể đóng góp cho một sự hiểu biết và hội nhập tốt hơn vào đời sống của các giá trị riêng biệt cho mỗi phái tính; mặt khác có những người đã đẩy mạnh các khái niệm và loại hành vi cư xử trái ngược với đòi hỏi luân lý đích thật của con người. Một số người trong nhóm này còn đi xa hơn, là cổ vũ cho một chủ nghĩa khoái lạc phóng túng.
Hậu quả là trong vài năm, các giáo huấn, các tiêu chuẩn luân lý và lối sống vốn được giữ gìn một cách trung thành từ trước đến nay đã bị lung lay, ngay cả trong số các Kitô hữu. Ngày nay có nhiều người, khi chạm trán với các ý kiến rộng rãi đối nghịch với giáo huấn mà họ đón nhận từ Giáo Hội Công giáo, đã đi đến chỗ tự hỏi điều gì vẫn phải giữ lại như là chân thật.
II
Giáo Hội không
thể dửng dưng trước sự lẫn lộn này của đầu óc và sự thả lỏng của luân lý. Thật
vậy, đây là vấn nạn của một vấn đề quan trọng nhất cả cho đời sống cá nhân của
các Kitô hữu và cũng như cho đời sống xã hội của thời đại chúng ta. [1]
Có sự dẫn đưa các giám mục ngày ngày lưu tâm đến các khó khăn đang lớn dần mà các tín hữu gặp phải trong việc đạt đến hiểu biết toàn bộ giáo huấn luân lý, đặc biệt là trong các vấn đề tính dục, và các khó khăn ngày càng lớn mà các vị mục tử gặp phải trong việc rao giảng các giáo huấn này một cách có hiệu quả. Các giám mục biết rằng qua trách nhiệm mục tử, các vị được mời gọi để đáp ứng nhu cầu của các tín hữu trong vấn đề rất nghiêm túc này, và các tài liệu quan trọng xử lý vấn đề này đã được một vài giám mục hoặc Hội đồng Giám mục ban hành. Tuy nhiên do các ý kiến sai lầm và các lệch lạc từ sai lầm đó đang tiếp tục lan rộng khắp nơi, Bộ Giáo lý Đức Tin, với chức năng của mình trong Giáo Hội hoàn vũ [2] và với sự ủy nhiệm của Đức Thánh Cha, thấy cần thiết ban hành Tuyên Ngôn này.
III
Người dân thời đại chúng ta ngày càng tin rằng phẩm giá và ơn gọi con người đòi hỏi rằng họ cần khám phá, nhờ ánh sáng của trí thông minh riêng mình, các giá trị bẩm sinh trong bản tính của mình, và họ nên phát triển không ngừng các giá trị này và thực hiện chúng trong đời sống của họ, nhằm đạt đến sự phát triển lớn hơn bao giờ hết.
Trong các vấn
đề luân lý, con người không thể phán đoán giá trị theo ngẫu hứng cá nhân, mà
“Trong sâu thẳm của lương tâm, con người khám phá ra một luật mà con người
không áp đặt trên chính mình, nhưng nó buộc con người phải tuân theo… Bởi vì
con người có trong trái tim mình một luật được Thiên Chúa viết ra. Tuân theo
luật đó là chính phẩm giá con người; tùy theo đó mà con người sẽ bị phán xét.” [3]
Hơn nữa, qua
mạc khải của Người, Thiên Chúa đã làm cho chúng ta, các Kitô hữu, được biết kế
hoạch cứu độ của Người, và Người đưa đến cho chúng ta Đức Kitô, Đấng Cứu Độ và
Đấng Thánh Hóa, trong giáo huấn và mẫu gương của Ngài, như là Luật tối cao và
bất biến của đời sống: “Tôi là Ánh sáng thế gian, ai theo Tôi sẽ không bước đi
trong tối tăm, người ấy sẽ có ánh sáng ban sự sống.” [4]
Vì vậy không có thể có thăng tiến đích thật phẩm giá con người trừ khi trật tự chính yếu của bản tính con người được tôn trọng. Dĩ nhiên, trong lịch sử văn minh nhiều điều kiện và nhu cầu cụ thể của đời sống con người đã thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi. Nhưng mọi tiến hóa của luân lý và mọi lối sống phải được giữ gìn bên trong các giới hạn được ấn định bởi các nguyên tắc không thể thay đổi, dựa trên mọi yếu tố cấu thành con người và các tương quan chính yếu - các yếu tố và tương quan vượt trên sự tình cờ lịch sử.
Các nguyên tắc nền tảng này, vốn có thể được lý trí nắm bắt, được chứa đựng trong “Luật Thiên Chúa - vĩnh cửu, khách quan và phổ quát - qua đó Thiên Chúa điều khiển, hướng dẫn và cai quản toàn thể vũ trụ và mọi đường lối của cộng đồng nhân loại, bởi một kế hoạch được quan niệm trong sự khôn ngoan và tình yêu. Con người được Thiên Chúa tạo dựng để tham dự vào luật này, với hậu quả rằng, dưới sự sắp xếp dịu dàng của Chúa Quan phòng, con người có thể đạt đến nhận thức ngày càng lớn hơn về chân lý bất biến.” [5] Tâm trí con người có thể đạt đến hiểu biết Luật Thiên Chúa này.
IV
Vì thế, nhiều người ngày nay sai lầm khi khẳng định rằng con người không thể tìm thấy, trong bản tính tự nhiên của mình hay trong luật được mạc khải, bất cứ một qui luật nào tuyệt đối và bất biến để áp dụng cho các hành động riêng biệt, ngoài qui luật diễn tả trong luật bác ái tổng quát và tôn trọng nhân phẩm. Như một chứng cứ cho sự khẳng định của họ, họ đẩy mạnh quan điểm cho rằng cái gọi là qui luật của luật tự nhiên hay các lệnh truyền của Kinh Thánh phải được nhìn nhận là cách thức diễn tả có sẵn của một nền văn hóa nhất định tại một thời điểm nhất định của lịch sử.
Nhưng thật ra, Mạc khải Thiên linh, và trong trật tự riêng của nó, và sự khôn ngoan triết học nhấn mạnh sự đòi hỏi đích thật của bản tính loài người. Thế nên, chúng biểu hiện một cách cần thiết sự tồn tại của những luật bất biến, được ghi khắc trong các yếu tố cấu thành bản tính loài người và được mạc khải để trở nên đồng nhất trong tất cả các hữu thể có lý trí.
Hơn nữa, Đức Kitô thiết lập Giáo Hội của Ngài như “cột trụ và điểm tựa của chân lý.” [6] Với sự trợ giúp của Thánh Thần, Giáo Hội không ngừng bảo tồn và lưu truyền không sai lầm các chân lý của trật tự luân lý, và Giáo Hội giải thích một cách đích thật không chỉ luật mạc khải nhưng còn giải thích “các nguyên tắc của trật tự luân lý vốn có nguồn gốc trong chính bản tính con người” [7] và quan tâm đến sự phát triển và thánh hóa trọn vẹn của con người. Thật vậy, ngày nay xuyên suốt lịch sử của mình, Giáo Hội đã luôn luôn xem một số lệnh truyền của luật tự nhiên là có một giá trị tuyệt đối và bất biến, và trong sự vi phạm luật, Giáo Hội xem đó là đối nghịch lại với giáo huấn và tinh thần của Tin Mừng.
V
Bởi vì đạo đức tính dục liên quan đến các giá trị nền tảng của đời sống con người và Kitô giáo, giáo huấn tổng quát này cũng áp dụng cho đạo đức tính dục. Trong lãnh vực này có các nguyên tắc và quy luật mà Giáo Hội đã luôn không ngần ngại truyền lại như là thành phần giáo huấn của mình, tuy nhiên nhiều ý kiến và luân lý của thế giới xem ra đối nghịch lại chúng. Các nguyên tắc và quy luật này không thể phát xuất từ một thể loại văn hóa nào, nhưng đúng hơn do từ sự hiểu biết Luật Thiên Chúa và bản tính con người. Do đó chúng không thể được xem như trở thành lỗi thời hay đáng ngờ, với cớ cho rằng một tình huống văn hóa mới đã nảy sinh.
Chính các
nguyên tắc này gợi hứng cho các tuyên ngôn và chỉ thị của Công Đồng Vaticanô II
về giáo dục và tổ chức đời sống xã hội, chú ý đến phẩm giá bình đẳng của người
nam và người nữ, đồng thời tôn trọng sự khác biệt của hai giới. [8]
Nói về “bản chất tính dục của con người và chức năng truyền sinh của con người,” Công Đồng lưu ý rằng chúng “vượt quá các khuynh hướng của các lối sống thấp kém hơn một cách tuyệt diệu.” [9] Vì thế Công Đồng chú ý riêng về việc rao giảng các nguyên tắc và các tiêu chuẩn liên quan đến tính dục trong hôn nhân, và các nguyên tắc này dựa trên mục đích của chức năng riêng biệt của tính dục.
Trong quan điểm này Công Đồng tuyên bố rằng sự thiện hảo luân lý của các hành vi dành riêng cho đời sống hôn nhân, các hành vi phải được sắp xếp theo nhân phẩm đích thật, “chúng không phụ thuộc đơn thuần vào ý hướng chân thành hay vào sự đánh giá các động cơ. Nó buộc phải được xác định bằng các tiêu chuẩn khách quan. Các tiêu chuẩn này, dựa trên bản tính và hành vi của con người, bảo tồn ý nghĩa trọn vẹn của sự tự hiến chính mình cho nhau và truyền sinh trong bối cảnh tình yêu chân thật.” [10]
Các lời cuối này tóm tắt ngắn gọn giáo huấn của Công Đồng - được rao giảng một cách đầy đủ hơn trong một phần trước đó của cùng Hiến Chương [11] – về mục đích của hành vi tình dục và về tiêu chuẩn chính yếu của tính luân lý của hành vi này: chính sự tôn trọng mục đích bảo đảm sự thiện hảo luân lý của hành vi này.
Nguyên tắc này,
mà Giáo Hội chủ trương từ Mạc khải Thiên linh và từ sự giải thích đích thật của
Giáo Hội về Luật Tự Nhiên, cũng là nền tảng của giáo lý truyền thống, vốn nói
rằng sự sử dụng chức năng tính dục có ý nghĩa chân thật và sự ngay chính luân
lý chỉ có trong hôn nhân chân thật.
[12]
VI
Tuyên Ngôn này không có mục đích là xử lý tất cả các vấn đề lạm dụng của chức năng tính dục, và không xử lý tất cả các yếu tố liên quan đến thực hành đức khiết tịnh. Đối tượng của Tuyên ngôn này đúng hơn là lập lại giáo lý của Giáo Hội về một số điểm đặc biệt, trong nhu cầu cấp bách là chống lại các sai lầm nghiêm trọng và các lối cư xử lệch lạc lan rộng.
VII
Ngày nay có nhiều người bào chữa quyền kết hợp thân xác trước hôn nhân, ít nhất là trong các trường hợp có ý hướng vững chắc đi đến hôn nhân, và một tình yêu sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân trong tâm lý của hai người đòi hỏi sự kết hợp này, vốn được họ xem là hợp tự nhiên. Đây đặc biệt là trường hợp khi việc cử hành hôn phối bị ngăn trở bởi hoàn cảnh hay là khi tương quan mật thiết này dường như cần thiết để duy trì tình yêu.
Ý kiến này trái ngược với giáo lý Kitô giáo, vốn dạy rằng mọi hành vi tình dục phải nằm trong khuôn khổ hôn nhân. Dù ý hướng đi đến hôn nhân có vững chắc đến thế nào của các người thực hiện quan hệ thân xác chưa chín muồi như thế, sự kiện tồn tại là các quan hệ xác thịt này không thể bảo đảm, trong sự chân thành và chung thủy, mối tương quan liên vị giữa người nam và người nữ, chúng cũng không thể bảo vệ cho tương quan của họ khỏi thay đổi thất thường. Chính là sự kết hợp vững bền mà Đức Giêsu đã muốn, và Ngài đã phục hồi đòi hỏi nguyên thủy của nó, bắt đầu với sự khác biệt tính dục. “Các ông không đọc thấy rằng thuở ban đầu Đấng Tạo Hóa đã dựng nên con người là nam, là nữ và Người đã phán: vì thế người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ để gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ nên một thân xác? Vì thế, những gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly.” [13] Thánh Phaolô nói rõ ràng hơn khi ngài cho thấy nếu các người chưa lập gia đình hoặc góa bụa không thể sống khiết tịnh, họ không có chọn lựa nào khác hơn là sự kết hợp vững bền trong hôn nhân: “…thà lập gia đình hơn là bị thiêu cháy bởi dục vọng.” [14] Thật vậy, qua hôn nhân, tình yêu của vợ chồng được biến đổi thành tình yêu mà Đức Kitô dành cho Giáo Hội Ngài một cách bền vững, [15] trong khi sự kết hợp tình dục tan rã [16] làm ô danh đền thờ của Chúa Thánh Thần nơi mỗi người Kitô hữu. Vì vậy sự kết hợp tình dục chỉ hợp pháp nếu một cộng đoàn đời sống bền vững đã được thiết lập giữa người nam và người nữ.
Đây chính là điều mà Giáo Hội luôn hiểu và giảng dạy, [17] và Giáo Hội tìm thấy một sự nhất trí sâu xa với giáo lý của mình trong suy tư loài người và trong các bài học của lịch sử.
Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng tình yêu phải tìm thấy sự bảo đảm trong tính ổn định của hôn nhân, nếu kết hợp thân xác là thật sự đáp ứng lại các đòi hỏi của mục tiêu của sự kết hợp thân xác và đòi hỏi của nhân phẩm. Những đòi hỏi này cần một hợp đồng hôn nhân được cho phép và được bảo đảm bởi xã hội - một hợp đồng thiết lập một thể chế đời sống có tầm quan trọng lớn, cả cho sự kết hợp chuyên thuộc giữa người nam và người nữ, và cho thiện ích của gia đình họ và của cộng đồng nhân loại. Thật vậy, thông thường nhất, các quan hệ tiền hôn nhân loại trừ khả năng sinh con cái. Điều tiêu biểu cho tình yêu phối ngẫu là không thể được, như nó tuyệt đối phải là, để phát triển thành tình yêu phụ tử và mẫu tử. Hay nếu điều đó có xảy ra, cũng là thiệt hại cho con cái, là các người bị tước đoạt khỏi môi trường ổn định mà lẽ ra chúng phải phát triển, để có thể tìm thấy con đường và phương tiện cho sự hội nhập của chúng vào xã hội.
Sự ưng thuận của các người ao ước được kết hợp trong hôn nhân do đó buộc phải được thể hiện ra bên ngoài, và theo thể thức làm cho sự ưng thuận có hiệu lực trong xã hội. Đối với các giáo dân, sự ưng thuận của họ để thiết lập một cộng đoàn đời sống phối ngẫu phải được diễn tả theo luật Giáo Hội. Chính sự ưng thuận làm cho hôn nhân của họ trở thành một bí tích của Đức Kitô.
VIII
Thời nay có nhiều người dựa trên các quan sát về trật tự tâm lý đã bắt đầu phán đoán một cách nhượng bộ, thậm chí xem như hoàn toàn không có lỗi, quan hệ đồng tính luyến ái giữa một số người. Điều họ làm này trái ngược với giáo huấn khẳng định của Huấn Quyền và với cảm thức luân lý của Kitô hữu.
Dường như với vài lý do, người ta phân biệt giữa các người đồng tính mà khuynh hướng đó đến do một sự giáo dục sai lầm, do thiếu sự phát triển tính dục bình thường, do thói quen, do gương xấu, hoặc do các nguyên nhân tương tự khác, và khuynh hướng này tạm thời, hoặc ít nhất không phải không chữa được; với các người đồng tính một cách vững bền do bởi bản năng bẩm sinh nào đó hay là do tình trạng bệnh lý xét là không chữa trị được.
Về các đối tượng thuộc phạm trù thứ hai này, một số người kết luận rằng khuynh hướng của họ rất tự nhiên đến mức nó biện minh trong trường hợp của họ, các quan hệ đồng tính với sự hiệp thông đời sống và tình yêu chân thành tương đồng với hôn nhân, trong chừng mực các người đồng tính này cảm thấy không thể chịu đựng đời sống cô độc.
Trên phương diện mục vụ, các người đồng tính này phải được đối xử với sự hiểu biết và nâng đỡ trong niềm hy vọng vượt qua được các khó khăn cá nhân và sự không có khả năng thích nghi trong xã hội. Lỗi phạm của họ phải được phán đoán với sự thận trọng. Nhưng không có một phương pháp mục vụ nào có thể được sử dụng để biện minh luân lý cho các hành động này, dựa trên cơ sở rằng các hành động đó phù hợp tương ứng với tình trạng của các người như thế. Bởi vì theo trật tự luân lý khách quan, các quan hệ đồng tính là các hành động thiếu một mục tiêu chính yếu và không thể thay thế được. Trong Kinh Thánh, các hành động này bị kết án như một sa đọa nghiêm trọng và ngay cả bị xem như một hậu quả đáng buồn của việc chối bỏ Thiên Chúa. [18] Sự phán đoán này của Kinh Thánh dĩ nhiên không cho phép chúng ta kết luận rằng tất cả những ai hứng chịu sự bất thường này là phải chịu trách nhiệm cá nhân cho điều đó, nhưng nó chứng thực rằng các hành vi đồng tính luyến ái là một rối loạn tự nội tại và không trường hợp nào có thể được chấp nhận.
IX
Giáo lý truyền thống Công Giáo cho rằng thủ dâm tạo nên một rối loạn luân lý nghiêm trọng ngày nay thường bị xem là đáng ngờ hay bị chối bỏ rõ ràng. Người ta nói rằng tâm lý học và xã hội học cho thấy rằng thủ dâm là một hiện tượng bình thường của sự phát triển tính dục, đặc biệt nơi người trẻ. Người ta nói rằng thủ dâm có lỗi thật sự và nghiêm trọng chỉ khi người đó cố tình tìm vui thú đơn độc đóng kín với chính mình, bởi vì trong trường hợp này hành vi thật sự là đối kháng tận căn với sự hiệp thông yêu thương giữa các người khác phái, là điều mà một số người cho rằng được nhắm đến chủ yếu trong việc sử dụng năng lực tình dục.
Ý kiến này trái ngược với giáo huấn và thực hành mục vụ của Giáo Hội Công Giáo. Bất kỳ sức mạnh nào của một số lý luận về bản chất sinh học và triết học, mà thỉnh thoảng được các nhà thần học sử dụng, thì cả Huấn Quyền - trong dòng truyền thống liên tục - và cảm thức luân lý của các tín hữu đều tuyên bố không chút ngần ngại rằng thủ dâm là một hành vi rối loạn tự nội tại và nghiêm trọng. [19] Lý do chính yếu là, với bất kỳ động cơ nào để hành động như vậy, sự sử dụng có chủ ý chức năng tình dục ngoài quan hệ vợ chồng bình thường là đối nghịch một cách chính yếu với mục đích của chức năng tình dục. Bởi vì nó thiếu mối tương quan tính dục mà trật tự luân lý đòi phải thực hiện, cụ thể là tương quan thực hiện “ý nghĩa trọn vẹn của việc tự hiến cho nhau và sự truyền sinh trong bối cảnh tình yêu chân thật.” [20] Tất cả các thực hành tính dục có chủ ý đều phải dành cho mối tương quan thông thường này. Ngay cả khi không thể chứng minh rằng Kinh Thánh kết án tội này, truyền thống Giáo Hội đã hiểu một cách đúng đắn nó bị kết án trong Tân Ước khi Tân Ước nói đến sự “không trong sạch,” “không khiết tịnh” và các tội khác chống lại đức khiết tịnh và sự tiết dục.
Các nghiên cứu xã hội học có thể cho thấy tần số của rối loạn này thay đổi tùy theo nơi chốn, quần chúng và hoàn cảnh được nghiên cứu. Theo cách này, các sự kiện được khám phá, nhưng sự kiện không tạo thành tiêu chuẩn để phê phán giá trị luân lý của hành vi con người. [21] Tần số của hiện tượng thủ dâm chắc chắn liên kết với sự yếu đuối cố hữu của con người sau tội nguyên tổ; nhưng nó cũng liên kết với sự đánh mất ý thức về Thiên Chúa, với sự sa đọa luân lý gây ra do việc thương mại hóa sự trụy lạc, với sự phóng túng không kìm hãm của quá nhiều cách giải trí và sách báo, cũng như sự lãng quên đức khiêm nhu, vốn là một bảo đảm cho đức khiết tịnh.
Về đề tài thủ dâm, tâm lý học hiện đại
cung cấp nhiều thông tin giá trị và hữu ích cho việc hình thành một phán đoán
quân bình hơn về trách nhiệm luân lý và cho việc định hướng hành xử mục vụ. Tâm
lý học giúp người ta thấy tính chưa trưởng thành của thiếu niên như thế nào
(điều này đôi khi có thể kéo dài sau lứa tuổi đó), sự mất quân bình tâm lý hay
thói quen có thể ảnh hưởng đến hành vi cư xử, làm giảm nhẹ đặc tính cố ý của
hành động và tạo ra tình huống trong đó một cách chủ quan thì đó có thể không
luôn luôn là một lỗi nghiêm trọng. Nhưng nói chung, sự thiếu vắng trách nhiệm
nghiêm trọng không được giả định; vì điều này có thể gây hiểu lầm về khả năng
luân lý của con người.
Trong công tác mục vụ, để có thể hình
thành một phán đoán đầy đủ trong các trường hợp cụ thể, hành vi quen thuộc của
con người sẽ được xem xét trong tổng thể của nó, không chỉ nhìn đến thực hành
đức ái và công bình của cá nhân, mà còn phải nhìn đến sự quan tâm của cá nhân
trong việc tuân giữ các qui luật riêng của đức khiết tịnh. Cách riêng, người ta
sẽ phải xét xem cá nhân có đang vận dụng các phương tiện cần thiết, cả tự nhiên
và siêu nhiên, mà sự khổ chế Kitô giáo từ kinh nghiệm lâu đời khuyên nhủ, để
khắc phục các đam mê và tiến bộ trong nhân đức.
X
Việc tuân giữ luật luân lý trong lãnh vực
tính dục và thực hành khiết tịnh đang bị gây nguy hiểm một cách đáng kể, đặc
biệt là nơi các Kitô hữu ít đạo đức, do bởi khuynh hướng hiện thời là làm giảm
thiểu nó càng nhỏ càng tốt, khi không thể chối bỏ thẳng thắn, thực tại của tội
trọng, ít nhất là trong đời sống thực tế của con người.
Có những người đi xa đến mức khẳng định
rằng tội trọng, tội gây ra sự tách rời khỏi Thiên Chúa, chỉ có khi một cách
trực tiếp cố tình chống đối lại lời mời gọi của Thiên Chúa, hay trong sự ích kỷ
đóng lại chính mình đối với tình yêu tha nhân một cách hoàn toàn và cố ý. Họ
nói rằng có tội trọng, chỉ khi chạm đến sự chọn lựa nền tảng, đó là khi quyết
định đó làm cho con người hoàn toàn dấn thân, và nó là cần thiết để tội trọng
xảy ra; bằng chọn lựa này, con người, từ thẳm sâu của nhân vị, chọn lấy hoặc
xác nhận thái độ nền tảng đối với Thiên Chúa hay đối với con người. Ngược lại,
các hành động mà họ gọi là “ngoại vi” (người ta nói đó thường là không liên
quan đến sự chọn lựa mang tính quyết định) không đến mức thay đổi sự chọn lựa
nền tảng, vì thường thấy rằng chúng xảy ra do thói quen. Vì vậy các hành động
đó có thể làm yếu đi chọn lựa nền tảng, nhưng không đến mức độ thay đổi nó hoàn
toàn. Theo các tác giả này, một thay đổi chọn lựa nền tảng đối với Thiên Chúa
ít dễ dàng xảy trong lãnh vực hoạt động tính dục, phạm vi mà nói chung một
người vi phạm trật tự luân lý không theo một cách thức hoàn toàn cố tình và
mang tính trách nhiệm, cho bằng dưới ảnh hưởng của đam mê, yếu đuối, chưa
trưởng thành, thậm chí đôi khi do ảo tưởng về tình yêu biểu lộ cho một ai đó. Cùng
với các nguyên nhân này, thường có thêm áp lực của môi trường xã hội.
Trong thực tế, chính sự chọn lựa nền tảng
là phương sách cuối cùng để định rõ khuynh hướng luân lý của một người. Nhưng
sự chọn lựa nền tảng có thể hoàn toàn thay đổi bởi các hành động riêng biệt,
đặc biệt khi mà, như đã thông thường xảy ra, các hành động này đã được chuẩn bị
bởi các hành động hời hợt hơn trước đó. Bất kỳ trường hợp nào, đó là sai khi
nói rằng các hành động riêng biệt không đủ để tạo thành tội trọng.
Theo giáo huấn của Giáo Hội, tội trọng,
đối nghịch với Thiên Chúa, không chỉ bao gồm sự đối kháng cố tình và trực tiếp
với điều răn đức ái. Tội trọng cũng có thể thấy trong sự đối kháng với tình
thương đích thật, điều này xảy ra trong mọi cố tình vi phạm, vấn đề nghiêm trọng,
của mỗi luật luân lý.
Chính Đức Kitô đã chỉ ra điều răn kép của
tình yêu như là cơ bản của đời sống luân lý. Nhưng “toàn bộ Luật, cũng như các
Ngôn Sứ” phụ thuộc vào điều răn này. [22] Vì vậy nó bao gồm các qui luật riêng
biệt khác. Thật vậy, với người thanh niên đã hỏi, “…tôi phải làm điều tốt gì để
được sự sống đời đời?” Đức Giêsu trả lời: “… nếu anh muốn vào cõi sống, hãy giữ
các điều răn… Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi
không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính
mẹ, và ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.” [23]
Vì thế một người phạm tội trọng không chỉ
khi hành vi của người đó xảy ra do sự xúc phạm trực tiếp đến tình yêu đối với
Thiên Chúa và tha nhân, nhưng còn khi người ấy một cách ý thức và tự do, vì bất
cứ lý do gì, chọn lựa một điều nào rối loạn nghiêm trọng. Vì trong sự chọn lựa
này, như đã nói ở trên, đã bao gồm sự coi thường điều răn Thiên Chúa: con người
quay mình rời khỏi Thiên Chúa và đánh mất đức ái. Nay theo truyền thống Kitô
giáo và giáo huấn của Giáo Hội, và như lý trí đúng đắn cũng nhìn nhận, trật tự
luân lý của tính dục liên quan đến các giá trị cao cả của đời sống con người
đến nỗi mọi vi phạm trực tiếp đến trật tự này đều là nghiêm trọng một cách
khách quan. [24]
Đúng là trong các tội về trật tự tính
dục, trong cái nhìn về thể loại và nguyên nhân của chúng, thường dễ dàng xảy ra
là sự đồng thuận tự do lại không hoàn toàn; đây là một sự kiện đòi cần phải
thận trọng trong mọi nhận định như về trách nhiệm của chủ thể. Trong vấn đề
này, thật thích hợp cách riêng để nhắc lại các lời sau đây của Kinh Thánh:
“Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.” [25]
Tuy nhiên, mặc dù cần thận trọng khi phán đoán tính nghiêm trọng chủ quan của
một hành động tội lỗi riêng biệt, người ta không cách nào có thể cho rằng trong
lãnh vực tính dục, không xảy ra tội trọng.
Các mục tử của linh hồn vì vậy phải thực
hành đức kiên nhẫn và tính tốt lành; nhưng các vị không được phép làm cho điều
răn của Thiên Chúa hóa ra không, cũng không thể giảm thiểu một cách vô lý tính
trách nhiệm của người ta. “Giảm thiểu giáo huấn cứu độ của Đức Kitô không thể
nào tạo nên một hình thức cao độ của đức ái cho các linh hồn. Nhưng cần phải
kiên nhẫn và lòng lành, như chính Đức Chúa đã nêu gương khi đối xử với dân
chúng. Đến thế gian không phải để kết án nhưng để cứu độ, Ngài quả thật không
khoan nhượng với tội lỗi, nhưng thương xót đối với con người.” [26]
XI
Như đã nói ở trên, mục đích của Tuyên
Ngôn này là muốn các tín hữu trong các hoàn cảnh ngày nay chú ý vào một số sai
sót và lối cư xử mà họ phải chống lại. Tuy nhiên, nhân đức khiết tịnh không thể
nào chỉ gói gọn vào việc tránh các lỗi phạm đã liệt kê. Nhân đức khiết tịnh
nhắm đạt đến các mục tiêu cao hơn và tích cực hơn. Đó là một nhân đức liên quan
đến toàn thể nhân cách, cả về nội tâm và hành vi bên ngoài.
Các cá nhân nên có được nhân đức này tùy
theo bậc sống: đối với một số người đó nghĩa là trinh khiết hay độc thân thánh
hiến cho Thiên Chúa, vốn là một lối sống dễ dàng tận hiến cho một mình Thiên
Chúa với một trái tim không chia sẻ. [27] Đối với một số người khác, khiết tịnh
sẽ mang hình thức xác định bởi luật luân lý, tùy theo họ kết hôn hay độc thân.
Nhưng trong bất cứ bậc sống nào, đức khiết tịnh không đơn giản là một trạng
thái bên ngoài; mà nó phải làm cho trái tim con người trong sạch hòa hợp với
những lời của Đức Kitô: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn
Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ và thèm muốn, thì trong
lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” [28]
Đức khiết tịnh bao hàm trong sự tiết dục
mà Thánh Phaolô kể ra trong số các ân sủng của Chúa Thánh Thần, khi ngài kết án
khoái lạc nhục dục như một điều xấu cách riêng không xứng đáng với Kitô hữu, và
khiết tịnh là hành động mở đầu việc bước vào Nước Trời. [29] “Ý muốn của Thiên
Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm, mỗi người trong anh em hãy
biết sử dụng thân xác thuộc về anh em theo cách thức thánh thiện và trong danh
dự, chứ không buông theo dục vọng ích kỷ như dân ngoại, là những người không
biết Thiên Chúa. Đừng ai làm tổn thương hay lừa dối người anh em mình… Thiên
Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện. Vậy ai khinh
thường những lời dạy trên, thì không phải khinh thường uy quyền người phàm,
nhưng khinh thường Thiên Chúa, Đấng hằng ban cho anh em Thánh Thần của Người.”
[30] “Chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, anh em phải tránh chúng dưới
mọi hình thức, như thế mới xứng đáng là những người trong dân thánh… Anh em
phải biết rõ điều này: không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào- mà tham
lam cũng là thờ ngẫu tượng- được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Thiên
Chúa. Đừng để ai lấy lời hão huyền mà lừa dối anh em, chính vì những điều đó mà
cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống những kẻ không vâng phục. Vậy anh em
đừng thông đồng với họ. Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh
em lại là ánh sáng; vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng, mà ánh sáng đem
lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật.” [31]
Thêm nữa, thánh Tông Đồ chỉ ra động cơ
Kitô giáo đặc biệt cho việc thực hành đức khiết tịnh, khi ngài kết án tội tà
dâm không chỉ vì hành vi này gây tổn thương cho tha nhân hay cho trật tự xã
hội, nhưng bởi vì người tà dâm chống lại Đức Kitô Đấng đã cứu chuộc người ấy
bằng chính Bửu Huyết của Ngài, và người ấy là phần thân thể của Ngài, và người
ấy chống lại Thánh Thần mà chính người ấy là Đền Thờ. “Nào anh em chẳng biết
rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao…Mọi tội người ta phạm
đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình.
Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao.
Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho
anh em. Như thế anh em đâu thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà
chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.” [32]
Người tín hữu càng đánh giá cao giá trị
của đức khiết tịnh và vai trò cần thiết của nó trong đời sống của họ với tư
cách vợ chồng, thì họ sẽ càng hiểu hơn, nhờ bởi một loại bản năng thiêng liêng,
các đòi hỏi và lời khuyên luân lý của đức khiết tịnh. Cũng như thế, người tín
hữu sẽ hiểu biết tốt hơn làm thế nào để chấp nhận và thực hiện, trong một tinh
thần ngoan ngoãn dễ dạy đối với giáo huấn của Giáo Hội, những gì mà một lương
tâm ngay thẳng ra lệnh trong các trường hợp cụ thể.
XII
Thánh Phaolô Tông đồ mô tả bằng những từ
ngữ sống động sự xung đột nội tâm đau đớn của con người bị nô lệ cho tội lỗi:
cuộc xung đột giữa “luật của lý trí” và “luật của tội vẫn nằm sẵn trong các chi
thể của người đó” và giam hãm người đó. [33] Nhưng con người có thể được giải
thoát khỏi “thân xác phải chết” nhờ ân sủng của Đức Giêsu Kitô. [34] Ân sủng
này được đón nhận bởi những ai đã được bàu chữa nhờ ân sủng này, và những ai
được “luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Giêsu Kitô đã giải thoát khỏi
luật của tội và sự chết.” [35] Chính vì lý do này mà Thánh Tông Đồ cổ vũ họ:
“Chính vì vậy anh em hãy đừng để cho tội lỗi thống trị thân xác phải chết của
anh em nữa, đừng để cho tội lỗi sai khiến anh em nghe theo những dục vọng của
thân xác.” [36]
Sự giải thoát này, chuẩn bị cho con người
phục vụ Thiên Chúa trong sự mới mẻ của đời sống, tuy nhiên không đè nén sự ham
muốn nhục dục phát sinh từ tội nguyên tổ, cũng không thúc giục sự xấu trong thế
gian, nơi “nằm dưới ách thống trị của Ác thần.” [37] Đây là lý do tại sao Thánh
Tông Đồ cổ vũ tín hữu vượt qua các cám dỗ bằng quyền lực của Thiên Chúa [38] và
để “đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ” [39] bằng đức tin, tỉnh thức
cầu nguyện [40] và sự khổ chế của đời sống giúp thân xác phục tùng Thần Khí.
[41]
Sống đời sống Kitô hữu bằng cách theo
bước Đức Kitô đòi hỏi mọi người phải “từ bỏ chính mình và vác thập giá mình hằng
ngày,” [42] được nâng đỡ bởi niềm hy vọng được thưởng công vì “nếu ta cùng chết
với Người, ta sẽ cùng hiển trị với Người.” [43] Hòa hợp với các lời cổ vũ thúc
bách này, tín hữu thời nay, và thật vậy, ngày nay hơn bao giờ hết, phải sử dụng
các phương thế mà Giáo Hội đã luôn khuyên bảo, để sống đời sống khiết tịnh. Các
phương thế này là: kỷ luật của giác quan và tâm trí, tỉnh thức và thận trọng
tránh dịp tội, tuân giữ đức khiêm tốn giản dị, điều độ trong giải trí, nghề
nghiệp lành mạnh, chuyên cần cầu nguyện, và thường xuyên đón nhận bí tích Hòa
Giải và Thánh Thể. Người trẻ một cách đặc biệt nên nhiệt tình thúc đẩy sự dâng
hiến cho Mẹ Thiên Chúa Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, và noi gương đời sống của các
Thánh, của cả những tín hữu khác, cách riêng những người trẻ, những ai thực
hành nhân đức khiết tịnh.
Quan trọng cách riêng là mọi người nên
đánh giá cao nhân đức khiết tịnh, vẻ đẹp và sức mạnh hấp dẫn của nhân đức này.
Nhân đức này làm gia tăng phẩm giá con người và làm cho con người có khả năng
yêu mến thật sự, vô vị lợi, không ích kỷ và lòng tôn trọng người khác.
XIII
Các giám mục cần thực hiện việc giáo dục
các tín hữu về các giáo huấn luân lý liên quan đến luân lý tính dục, tuy nhiên
các khó khăn có thể lớn lao trong việc thực hiện nhiệm vụ này khi phải đối đầu
với các tư tưởng và thực hành nói chung đang thắng thế ngày nay. Giáo lý truyền
thống này phải được nghiên cứu một cách sâu xa hơn. Giáo huấn này phải được
truyền thụ theo một cách thức có thể soi sáng thích đáng lương tâm của những ai
đang phải đương đầu với các tình huống mới mẻ, và nó phải được làm phong phú
thêm với sự nhận định tất cả các yếu tố có thể giúp mang lại ý nghĩa và giá trị
của tính dục con người một cách đích thật và hữu ích. Nhưng các nguyên tắc và
quy luật của đời sống luân lý mà Tuyên Ngôn này tái khẳng định, phải được gìn
giữ và giảng dạy một cách trung thành. Việc giảng dạy sẽ đặc biệt cần thiết để
giúp tín hữu hiểu được rằng Giáo Hội gìn giữ các nguyên tắc này không phải như
là sự mê tín cũ xưa và bất khả xâm phạm, cũng không phải do một loại thành kiến
kiểu phái Manichaen, như nó thường bị cho là như thế, nhưng đúng hơn là, bởi vì
Giáo Hội xác tín rằng những nguyên tắc và quy luật này hoàn toàn hòa hợp với
trật tự tạo dựng của Thiên Chúa và với tinh thần của Đức Kitô, và do đó cũng
hòa hợp với phẩm giá con người.
Cũng vậy, sứ vụ của các giám mục là phải
thấy rằng một giáo lý đích thật được soi sáng bởi đức tin và được hướng dẫn bởi
Huấn Quyền của Giáo Hội phải được giảng dạy trong các phân khoa thần học và
trong các đại chủng viện. Các giám mục cũng phải bảo đảm rằng các vị giải tội
soi sáng lương tâm của dân chúng và sự giảng dạy giáo lý phải hoàn toàn trung
thành với giáo lý Công Giáo.
Các giám mục, linh mục và các cộng tác
viên phải cảnh giác các tín hữu chống lại các ý kiến sai lạc thường được trình
bày trong các sách báo và các cuộc hội họp quần chúng.
Trước hết là cha mẹ, cũng như các thầy cô
giáo của các người trẻ phải nhiệt tình dẫn dắt con cái và học trò của họ, bằng
con đường của một sự giáo dục toàn diện, để có được sự trưởng thành tâm lý, xúc
cảm và luân lý thích hợp với lứa tuổi của chúng. Cha mẹ và thầy cô giáo vì thế
sẽ một cách thận trọng cung cấp cho chúng các thông tin thích hợp với lứa tuổi;
và huấn luyện cho người trẻ ý hướng phù hợp với luân lý Kitô giáo, không chỉ
bằng lời khuyên răn mà trên hết bằng chính mẫu gương đời sống của cha mẹ và các
vị thầy cô, cậy dựa vào sự trợ giúp của Thiên Chúa qua lời cầu nguyện. Cũng
thế, cha mẹ và giáo viên bảo vệ người trẻ khỏi nhiều nguy hiểm mà chúng thật
không ý thức.
Các nghệ sĩ, văn sĩ, và tất cả những ai
sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội nên thực hành nghề nghiệp của họ
phù hợp với đức tin Kitô giáo và với sự ý thức rõ ràng về sức ảnh hưởng to lớn
mà họ có thể có được. Họ nên nhớ rằng “tính ưu tiên của trật tự luân lý khách
quan phải được xem như là tuyệt đối bởi tất cả mọi người,” [44] và là sai trái
khi họ dành ưu tiên vượt trên trật tự đó cho cái gọi là mục đích thẩm mỹ, hay
thuận lợi vật chất, hay sự thành công. Dù là vấn đề của công trình nghệ thuật
hay văn chương, giải trí công cộng hay cung cấp thông tin, mỗi cá nhân trong
lãnh vực riêng của mình phải biểu lộ sự lịch thiệp, kín đáo, trung dung và một
ý nghĩa thật sự của các giá trị. Với cách thức này, không thêm vào sự dễ dãi về
hành vi đang tăng dần, mỗi cá nhân sẽ đóng góp trong việc kiểm soát hành vi và ngay
cả tạo ra bầu khí luân lý của xã hội lành mạnh hơn.
Về phần mình, tất cả giáo dân, do quyền
lợi và nghĩa vụ của họ trong công cuộc tông đồ, nên hăng hái hành động theo
cùng một cách thức.
Cuối cùng, cần nhắc nhở mọi người lời của
Công Đồng Vaticanô II: “Công Đồng thánh thiện này cũng khẳng định rằng trẻ em
và những người trẻ có quyền được khuyến khích để cân nhắc các giá trị luân lý
với một lương tâm ngay thẳng, và theo đuổi chúng bằng chọn lựa cá nhân, để hiểu
biết và yêu thương một cách đầy đủ hơn. Vì vậy Công Đồng khẩn nài tha thiết tất
cả những ai thực thi việc điều hành dân chúng hay chỉ đạo công việc giáo dục
phải thấy rằng giới trẻ không bao giờ có thể bị lấy đi quyền thánh thiêng này.”
[45]
Trong cuộc tiếp kiến Hồng Y Bộ trưởng Bộ
Giáo lý Đức Tin ngày 7/1/1975,
Đức Thánh Cha Phaolô VI đã chuẩn y Tuyên Ngôn
“Về một số vấn đề liên quan đến đạo đức tính dục” này,
khẳng định và ra lệnh ban hành Tuyên Ngôn.
Ban hành tại Rôma, tại Bộ Giáo lý Đức
Tin, ngày 29/12/1975
Hồng Y Franjo Seper
Bộ trưởng
TGM Jerome Hamer, O.P.
Tổng giám mục Hiệu tòa Lorium
Thư ký
––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
[1] Xem Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế
Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới hiện đại, Gaudium et Spes, 47.
[2] Xem Tông hiến “Regimini Ecclesiae Universae,” 29 (ngày 15/8/1967).
[3] Hiến chế “Gaudium et Spes,” 16.
[4] Ga 8, 12.
[5] Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, Tuyên Ngôn
“Dignitatis Humanae,” 3.
[6] 1Tm 3, 15
[7] “Dignitatis Humanae,” 14; xem Đức Giáo Hoàng Piô
XI, Thông Điệp “Casti Connubii,” (31/12/ 1930); Đức Giáo Hoàng Piô XII,
allocution of 2/11/1954; Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Thông Điệp “Mater et
Magistra,” 15/5/ 1961; Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông Điệp “Humanae Vitae,” 4,
(25/7/1968).
[8] Xem Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, Tuyên Ngôn
“Gravissimum Educationis,” 1, 8; “Gaudium et Spes,” 29, 60, 67.
[9] Hiến chế “Gaudium et Spes,” 51.
[10] Ibid; x. 49.
[11] Ibid, 49, 50.
[12] Tuyên ngôn này không đi sâu vào chi tiết về các
qui định của đời sống tính dục trong hôn nhân, vì các qui định này đã được dạy
rõ trong tông thư “Casti Connubii” và “Humanae Vitae.”
[13] Xem Mt 19, 4-6.
[14] 1 Cr 7, 9.
[15] Xem Ep 5, 25-32.
[16] Giao hợp ngoài hôn nhân bị chính thức lên án
trong 1 Cr 5, 1; 6, 9; 7:2; 10, 8 Ep. 5, 5; 1 Tm 1, 10; Dt 13, 4; và với các lý
do minh nhiên 1 Cr 6, 12-20.
[17] Xem Innocent IV, thư “Sub catholica professione,”
ngày 6/3/1254; Đức Giáo Hoàng Piô II, “Propos damn in Ep Cum sicut accepimus”
ngày 13/11/1459; các sắc kệnh của Tòa Thánh, ngày 24/9/1665; ngày 2/3/1679; Đức
Giáo Hoàng Piô XI, tông thư “Casti Connubii,” ngày 31/12/1930.
[18] Rm 1, 24-27 “Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ
buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn. Thay
vì Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả; họ đã tôn thờ những loài thọ
tạo, thay vì chính Đấng Tạo Hoá. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. A-men.
Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan
hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không
quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn
ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc
của mình”. Cũng xem những gì thánh Phaolô nói về “masculorum concubitores”
trong 1 Cr 6, 10; 1Tm 1, 10.
[19] Xem Đức Giáo Hoàng Leo IX, Thư “Ad splendidum
nitentis,” vào năm 1054, sắc lệnh của Tòa Thánh, ngày 2/3/ 1679; Đức Giáo Hoàng
Piô XII, “Allocutio,” ngày 8/10/1953; ngày 19/5/1956.
[20] Hiến chế “Gaudium et Spes,” 51.
[21] “. . .Các thăm dò xã hội học là cần thiết để khám
phá tốt hơn các đặc điểm tư tưởng của con người ở một vị trí đặc biệt, các lo
âu và nhu cầu của những người mà chúng ta rao truyền Lời Chúa cho họ, và sự
chống đối với điều này bởi lý luận hiện nay, thông qua khái niệm phổ biến cho
rằng ngoài khoa học không có hình thức hiểu biết hợp pháp nào nữa, tuy nhiên
các kết luận rút ra từ các thăm dò này không thể tạo ra một tiêu chuẩn xác định
cho sự thật”, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, tông huấn “Quinque iam anni.” 8/12/
1970.
[22] Mt 22, 38. 40.
[23] Mt 19, 16-19.
[24] Xem chú thích 17 và 19 ở trên, sắc lệnh Tòa
Thánh, ngày 18/3/1666; Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, “Humanae Vitae,” 13, 14.
[25] 1 Sm 16, 7.
[26] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, “Humanae Vitae,” 29.
[27] Xem I Cr 7, 7. 34; Công đồng Trentô, khóa XXIV,
can. 10; Công đồng Vaticanô II, Hiến chế “Lumen Gentium,” 42, 43, 44; Thượng
hội đồng Giám mục, “De Sacerdotio Ministeriali,” phần II, 4, b.
[28] Mt 5, 27-28.
[29] Xem Gl 5, 19-23; 1 Cr 6, 9-11.
[30] 1 Tx 4, 3-8; x. Cl 3, 5-7; 1Tm 1, 10.
[31] Ep 5, 3-8; x. 4, 18-19.
[31] 1 Cr 6, 15. 18-20.
[33] Xem Rm 7, 23.
[34] Xem Rm 7, 24-25.
[35] Xem Rm 8, 2.
[36] Rm 6, 12.
[37] 1 Ga 5, 19.
[38] Xem 1 Cr 10, 13.
[39] Ep 6, 11.
[40] Ep 6, 16. 18.
[41] 1 Cr 9, 27.
[42] Lc 9, 23.
[43] 2 Tm 2, 11-12.
[44] Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, sắc lệnh
“Inter Mirifica,” 6.
[45] “Gravissimum Educationis,” 1.
BS Trần Như Ý-Lan chuyển dịch từ
bản tiếng Anh:
PERSONA HUMANA, DECLARATION ON CERTAIN QUESTIONS
CONCERNING SEXUAL ETHICS,
Congregation for the Doctrine of
the Faith
Tháng
1/2011