TÔNG THƯ
BAN HÀNH DƯỚI DẠNG TỰ SẮC
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI
VỀ MỘT SỐ THAY ĐỔI TRONG CÁC QUY TẮC
BẦU CHỌN GIÁO HOÀNG RÔMA
Với Tông hiến Universi Dominici gregis[1], được công bố ngày 22 tháng 2 năm 1996, vị Tiền nhiệm đáng kính Gioan Phaolô II đã đưa ra một số thay đổi trong các quy tắc giáo luật cần tuân thủ trong việc bầu chọn Giáo hoàng Rôma, được Đức Phaolô VI, vị tiền nhiệm quá cố, thiết lập[2]. Tại Số 75 của Tông hiến này, ngài quy định rằng, trong trường hợp đã thực hiện tất cả các vòng bỏ phiếu theo các quy tắc hiện hành vẫn không đưa đến kết quả, trong đó yêu cầu hai phần ba số phiếu của các vị hiện diện để cuộc bầu chọn Giáo hoàng hợp lệ, thì vị Hồng y Nhiếp chính sẽ tham khảo ý kiến các Hồng y cử tri về cách thức tiến hành và thực hiện theo quy tắc đa số tuyệt đối do các cử tri quyết định, nhưng vẫn duy trì nguyên tắc rằng cuộc bầu chọn sẽ có giá trị hoặc với đa số tuyệt đối số phiếu, hoặc bằng cách giới hạn phiếu bầu vào hai ứng viên đã nhận được nhiều phiếu nhất trong lần bỏ phiếu trước đó, và trong trường hợp thứ hai này cũng chỉ yêu cầu đa số tuyệt đối số phiếu.
Tuy nhiên, sau khi Tông hiến nói trên được ban hành, Đức Gioan Phaolô II đã nhận được không ít lời thỉnh cầu từ những người có thẩm quyền, xin phục hồi quy tắc được truyền thống xác nhận, theo đó Giáo hoàng chỉ được coi là được bầu chọn hợp lệ nếu ngài nhận được hai phần ba số phiếu của các Hồng y cử tri hiện diện.
Vì vậy, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề, chúng tôi quyết định và tuyên bố bãi bỏ các quy tắc được quy định tại Số 75 của Tông hiến Universi Dominici gregis của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, và thay thế bằng các quy tắc sau đây:
Nếu các vòng bỏ phiếu được quy định tại các Số 72, 73 và 74 của Tông hiến nói trên không đạt kết quả, thì sẽ dành một ngày cho việc cầu nguyện, suy niệm và đối thoại; sau đó, trong các vòng bỏ phiếu tiếp theo, vẫn giữ các quy định được xác lập tại Số 74 của cùng Tông hiến, chỉ hai Hồng y nhận được nhiều phiếu nhất trong lần bỏ phiếu trước đó mới có quyền thụ động[3]; và sẽ không được miễn trừ quy tắc rằng, ngay cả trong các vòng bỏ phiếu này, để cuộc bầu chọn có giá trị, cần có đa số phiếu đặc biệt[4] của các Hồng y hiện diện. Trong các vòng bỏ phiếu này, hai ứng viên có tên không có quyền bầu chọn.
Văn kiện này sẽ có hiệu lực ngay khi được công bố trên L’Osservatore Romano. Tôi quyết định và thiết lập như vậy, bất chấp mọi điều trái ngược.
Ban hành tại Rôma, gần Đền thờ Thánh Phêrô, ngày 11 tháng 6 năm 2007, năm thứ ba Triều đại Giáo hoàng của tôi.
BÊNÊĐICTÔ XVI
Bản dịch Việt ngữ của Tâm Bùi
và Phêrô Lê Minh Hải, OFM
Bản gốc: vatican.va
----------
[1] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông hiến Universi Dominici gregis, ngày 22.2.1996, AAS 88 (1996) 305-343, (DC 1996, số 2134, tr. 251 và tiếp theo), https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-hien-universi-dominici-gregis-ve-viec-tong-toa-trong-ngoi-va-cuoc-bau-chon-giao-hoang-roma-ngay-22021996
[2] Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Tông hiến Romano Pontifici eligendo, ngày 1.10.1975, AAS 67 (1975) 605-645, (DC 1975, số 1687, tr. 1001 và tiếp theo).
[3] Khả năng nhận được phiếu bầu trong cuộc bầu chọn.
[4] Đa số được ấn định ở mức cao hơn đa số đơn giản; ở đây là mức hai phần ba.