GIÁO PHẬN
LONG XUYÊN
THƯ MỤC VỤ THÁNG 9/2021
TRONG BỐI CẢNH DỊCH BỆNH, CÁC GIA ĐÌNH TRỞ THÀNH HỘI THÁNH TẠI GIA
Anh chị em thân quý!
Tình hình Covid
19 đã, đang, và còn tiếp tục làm thay đổi hầu hết mọi lãnh vực của cuộc sống
con người, cá nhân cũng như tập thể. Cuộc sống của các gia đình công giáo trong
Giáo Phận cũng đang đón nhận nhiều ảnh hưởng và đổi thay. Với đức tin, đức cậy
và đức mến, những ảnh hưởng và đổi thay có thể là cơ hội để canh tân gia đình
trở thành một Hội Thánh tại gia. Chính vì thế, chủ đề của Thư mục vụ tháng 9
là: Trong bối cảnh dịch bệnh, các
gia đình trở thành Hội Thánh tại gia.
Trước hết, chúng
ta dùng những tường thuật trong Tin Mừng về một cộng đoàn, cộng đoàn gia
đình ở Betania, làm chất liệu cho chúng ta suy tư với chủ đề của Thư mục vụ.
Cộng đoàn Bêtania
gồm 3 chị em, Matta, Maria, và Lazarô. Theo tin mừng Luca (Lc 10, 38-42), cộng
đoàn này đã từng tiếp đón Chúa và các Tông Đồ vào nhà mình; chứng tỏ là 3 chị
em sống đầy đủ về vật chất, về tình thương, và lòng hiếu khách. Đây là một cộng
đoàn gia đình, sống an vui và hạnh phúc, được Thiên Chúa chúc phúc, được nhiều
người quý mến, và đặc biệt là được Chúa Giêsu và các Tông Đồ dành cho nhiều ưu
ái bằng những cuộc ghé thăm.
Nhưng một sự cố xảy
ra cho gia đình này; Lazaro đau bệnh và, bi thảm hơn, Lazarô chết. Trong tình
hình bi thảm này, theo tin mừng Gioan (11, 1-45), hai chị em báo tin cho Chúa
Giêsu: “Thưa Thầy, người Thầy thương
mến đang đau nặng” (c.3). Họ chỉ báo tin mà không yêu cầu. Họ để Chúa
chủ động quyết định. Nhưng họ biết Chúa yêu họ, nên họ tin rằng mọi quyết định
của Chúa đều tốt hơn cả lòng họ dám mong ước. Hơn cả lòng họ dám mong ước khi Chúa Giêsu đã sử dụng tình trạng
bi thảm của họ cho một mục đích siêu việt: "Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh
quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn
vinh." (c.4).
Quả thật, trong
tình trạng bi thảm của cộng đoàn, Chúa Giêsu đã đến và hiện diện không chỉ như
người thân của gia đình, mà còn là Emmanuel –Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài
hiện diện để chia sẻ thân phận con người phải đau khổ và phải chết. Chính trong
bầu khí khóc than trước cái chết, mà Ngài tỏ lộ thần tính của Ngài: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin ta,
dù có chết cũng sẽ được sống, và hễ ai sống mà tin ta sẽ không chết bao giờ”.
Rồi sau khi cầu nguyện với Thiên Chúa Cha (c. 41-42), Chúa Giêsu đã truyền lệnh: “Lazaro, hãy ra khỏi mồ” (c.43) và
Lazaro sống lại. Hơn cả phép lạ kẻ chết sống lại, cái chết và sự sống lại của
Lazaro là tiên báo cho mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của chính Chúa Giêsu.
Hơn cả lòng họ dám mong ước, vì chính cộng đoàn này được mời gọi tham
dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu. Thật vậy, Matta, Maria và Lazarô tham
dự vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu trong bữa tiệc tại nhà ở Betania, và
trong bữa tiệc này việc xức dầu thơm cho Chúa được Chúa coi là lời tiên báo cuộc
an táng của Chúa (Ga 12, 1-11). Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Maria đã là người
đầu tiên gặp Chúa Giêsu Phục Sinh và là người được sai đi loan báo Tin Mừng Phục
Sinh cho các Tông Đồ (Ga 20, 11-18).
Trong bi thảm,
gia đình Betania đã trở thành Hội Thánh tại gia, một cộng đoàn đang thực hiện
cuộc hành trình đức tin để bày tỏ
vinh quang của Thiên Chúa” và để “Con
Thiên Chúa được tôn vinh".
Anh chị em thân mến!
Cùng chung hoàn cảnh
trong dịch bệnh đang hoành hành trên thế giới, trong đó có Việt Nam, các gia
đình công giáo của giáo phận Long Xuyên cũng đang phải đối diện với nhiều hệ quả
tiêu cực, trong hiện tại và tương lai với những diễn biến khó lường. Đó là những
hệ quả tiêu cực trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống gia đình, như hoảng sợ về sự
an toàn của gia đình, lo lắng về sự suy thoái kinh tế và sự khó khăn trong công
ăn việc làm, hoang mang lo cho tương lai của thế hệ con cháu… Cũng có những hệ
quả tiêu cực cho xã hội ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình, như sự nghèo đói cùng
với những tệ nạn xã hội gia tăng, những giá trị đạo đức truyền thống và văn hóa
bị suy thoái, lòng tin tưởng giữa con người với con người bị nghi ngờ, vô tâm
phòng thân trước nỗi khổ của tha nhân… Đó cũng còn là những hệ quả tiêu cực
trong đời sống đức tin, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, như thờ ơ với các sinh
hoạt tôn giáo, khủng hoảng đức tin vào Thiên Chúa và giáo hội, thậm chí mất
đức tin và xa rời giáo hội.
Trong tình hình cụ
thể, với những suy tư về cộng đoàn gia đình Betania, Thư mục vụ đề ra đường hướng
tu đức và mục vụ cho gia đình với 4 điểm chính để gia đình trở thành một hội
thánh tại gia:
Hội thánh tại gia là gia
đình ta trở thành một cộng đoàn yêu thương và hiệp nhất. Gia đình là một
cộng đoàn hiệp nhất nhờ tình yêu gia đình được thánh hóa bởi bí tích Hôn Phối.
Trong hoàn cảnh cách ly xã hội vì dịch bệnh, gia đình gồm ông bà, cha mẹ, vợ chồng,
anh chị em, con cháu, có cơ hội quy tụ sống và sinh hoạt với nhau. Đây là cơ hội
mọi thành viên trong gia đình quan tâm đến nhau, dành thời gian cho nhau. Đây
cũng là cơ hội thuận lợi để bậc phụ huynh như ông bà, cha mẹ, dạy và làm gương
cho con cái về sự quan tâm và phục vụ. Theo ý hướng này, bữa cơm gia đình là cơ
hội hữu hiệu để ta bày tỏ yêu thương, phục vụ, và hy vọng.
Hội thánh tại gia là gia
đình ta trở thành một cộng đoàn đức tin. Trong bầu không khí ấm cúng thương yêu, ông
bà, cha mẹ và con cái ý thức Chúa Kitô Phục Sinh đang hiện diện và đồng hành với
mọi thành viên trong gia đình. Trong tình hình cách ly xã hội vì dịch bệnh, các
thành viên trong gia đình có điều kiện dành thời gian để cùng nhau lắng nghe Lời
Chúa, và khuyên nhủ thúc giục nhau sống theo lương tâm ngay lành, sống theo luật
Chúa và giáo hội. Theo ý hướng này, việc học giáo lý trong gia đình là sinh hoạt
hữu hiệu để đào sâu đức tin và khích lệ nhau sống đức tin. Trong trường hợp
này, chính phụ huynh là các giáo lý viên, thông truyền đức tin, chia sẻ kinh
nghiệm sống đức tin, và khuyến khích nhau thực hành đức tin.
Hội thánh tại gia là gia
đình ta trở thành cộng đoàn cầu nguyện. Tin vào lời Chúa hứa: “Nếu trong các ngươi, hai người dưới đất đồng
thanh xin bất cứ việc gì thì Cha ta, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho. Vì ở đâu có
hai ba người hợp lại nhân danh Ta thì có Ta ở giữa họ” (Mt 18, 19-20).
Trong tình hình dịch bệnh, không còn những cử hành phượng tự tập trung tại nhà
thờ, thì chính gia đình chúng ta trở thành đền thờ để cho mọi thành viên gặp
Chúa và cầu nguyện với Chúa, gặp nhau để cầu nguyện với nhau và cho nhau. Như vậy,
thật là ích lợi khi gia đình cùng tham dự Thánh Lễ trực tuyến và cùng tham dự
Giờ Kinh gia đình. Đây cũng là cơ hội để gia đình cầu nguyện cho thế giới, cho
Việt Nam, cho giáo phận sớm thoát tình trạng dịch bệnh.
Hội thánh tại gia là gia
đình ta trở thành một cộng đoàn tông đồ được Chúa sai đi. Với ơn sủng của bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, gia đình Công Giáo có bổn phận làm tông đồ
theo lệnh Chúa truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng
cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Trong hoàn cảnh dịch bệnh, việc thực thi bác
ái là phương cách tốt nhất và hữu hiệu để gia đình ta thi hành sứ vụ loan báo
Tin Mừng. Với lòng bác ái Kitô giáo, gia đình ta có thể góp phần với cộng đoàn
giáo xứ, giáo hạt, và giáo phận để hỗ trợ tài chánh và thực phẩm cho những nạn
nhân của dịch bệnh, tại địa phương hay tại những nơi khác. Với ý thức cần chung
tay với toàn xã hội phòng chống dịch bệnh, gia đình ta khích lệ nhau nghiêm chỉnh
thực thi những quy định phòng chống dịch bệnh. Những việc làm cụ thể trên, kết
hợp với lời cầu nguyện và hy sinh, thì đây là những công việc thi hành sứ vụ
loan báo Tin Mừng cụ thể và hữu hiệu trong hoàn cảnh dịch bệnh.
Ước mong được như vậy!
Anh chị em thân
quý!
Các Giám mục và
các Linh mục của gia đình Giáo Phận phó thác gia đình anh chị em cho Thiên Chúa
Tình Yêu. Xin Thiên Chúa, qua lời bầu cử của Mẹ Maria và Thánh Giuse cùng với
các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúc lành cho gia đình anh chị em.
+ Giuse Trần Văn Toản
Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên