ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN CHUNG

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN

Bài 13: Chúa Giêsu, Thầy dạy cầu nguyện

Hồng Thủy

Vatican News (4.11.2020)Từ gương mẫu cầu nguyện của Chúa Giê-su, Đức Thánh Cha nêu lên bốn điểm chính và mời gọi hãy học hỏi Chúa Giê-su, bậc thầy về cầu nguyện. Chúng ta phải cầu nguyện vào sáng sớm, thường xuyên, trong thinh lặng và phó thác hoàn toàn cho Chúa.

Sau những buổi tiếp kiến chung trong hai tháng 9 và 10 được tổ chức có sự tham dự của giáo dân, do làn sóng nhiễm virus thứ hai đang dâng cao tại các nước châu Âu, từ buổi tiếp kiến sáng thứ Tư 4/11, Đức Thánh Cha lại phải trở lại các buổi tiếp kiến online, được truyền chiếu trực tiếp từ Thư viện Dinh Tông tòa, không có giáo dân tham dự.

Cầu nguyện cho các bệnh nhân Covid-19 và nhân viên y tế

Bắt đầu buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu tuân theo những chỉ định của các cấp chính quyền để bảo vệ mình trước đại dịch. Đồng thời ngài cũng kêu gọi dâng cho Chúa sự xa cách này vì ích lợi của tất cả và nghĩ đến tất cả các bệnh nhân, những người phải vào bệnh viện và bị xem như “đồ bỏ”, nhớ đến các bác sĩ, y tá, các tình nguyện viên, những người đang làm việc với các bệnh nhân. Sự sống của họ gặp nguy hiểm nhưng họ làm vì tình yêu tha nhân, như một ơn gọi. Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện cho họ.

Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha suy tư về cách Chúa Giê-su cầu nguyện. Ngay cả khi bận rộn chăm sóc cho người dân, Chúa không bao giờ lơ là trong việc trò chuyện với Chúa Cha, điều hướng dẫn mọi hành động và lời giảng dạy của Chúa. Trong thinh lặng cầu nguyện, Chúa nuôi dưỡng sự kết hiệp mật thiết yêu thương với Chúa Cha. Bắt đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giê-su không bao giờ lơ là việc trò chuyện với Chúa Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong suốt cuộc đời công khai, Chúa Giêsu không ngừng đến với sức mạnh của lời cầu nguyện. Các sách Phúc âm cho chúng ta thấy điều này khi Người đi tới những nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Đây là những quan sát chín chắn và kín đáo, giúp chúng ta hình dung được những cuộc đối thoại cầu nguyện đó. Tuy nhiên, chúng làm chứng rõ ràng rằng, ngay cả trong những lúc chăm sóc nhiều hơn cho người nghèo và người bệnh, Chúa Giêsu không bao giờ bỏ qua cuộc đối thoại thân mật của Người với Chúa Cha. Càng hòa mình vào nhu cầu của con người, Chúa càng cảm thấy cần được nghỉ ngơi trong sự Hiệp thông Ba Ngôi, để trở về với Chúa Cha và Thần Khí.

Cầu nguyện là bánh lái dẫn đường cho Chúa Giêsu

Do đó, trong cuộc đời của Chúa Giêsu có một bí mật mà đôi mắt con người, điểm tựa của mọi thứ, không thể thấy được. Việc cầu nguyện của Chúa Giêsu là một thực tại huyền bí, trong đó chúng ta chỉ cảm nhận được một điều gì đó, nhưng cho phép chúng ta đọc toàn bộ sứ mạng của Người từ một quan điểm đúng đắn. Trong những giờ đơn độc ấy - trước khi bình minh xuất hiện hay trong đêm tối - Chúa Giêsu đắm mình trong tình thân mật với Chúa Cha, nghĩa là trong Tình yêu mà mọi linh hồn đều khao khát. Đây là những gì nổi lên từ những ngày đầu tiên trong sứ vụ công khai của Người.

Ví dụ, vào một ngày thứ Bảy, thị trấn Ca-phác-na-um bị biến thành một "bệnh viện dã chiến": sau khi mặt trời lặn, họ mang tất cả những người bệnh đến với Chúa Giêsu, và Người chữa lành họ. Tuy nhiên, trước bình minh, Chúa Giêsu biến mất: Người lui vào một nơi vắng vẻ và cầu nguyện. Ông Simon và những người khác tìm kiếm Chúa và khi họ tìm thấy Người, họ nói: “Mọi người đang tìm kiếm Thầy!”. Chúa Giêsu trả lời thế nào?: “Tôi phải đi rao giảng trong các làng khác; vì điều này, tôi đã đến thế gian”(x. Mc 1,35-38). Chúa Giêsu luôn đi xa hơn một chút, xa hơn nữa trong lời cầu nguyện với Chúa Cha, và xa hơn nữa, đến những ngôi làng khác, những chân trời khác, để đi rao giảng, những dân tộc khác.

Cầu nguyện là bánh lái dẫn đường cho Chúa Giêsu. Không phải là những thành công, không phải là sự đồng thuận, không phải là câu nói đầy hấp dẫn: “tất cả mọi người đang tìm Thầy”. Lần theo con đường của Chúa Giêsu ta thấy đó là con đường ít thoải mái, nhưng vâng theo sự soi dẫn của Chúa Cha, Đấng mà Chúa Giêsu lắng nghe và đón nhận trong lời cầu nguyện trong thanh vắng của Người.

4 đặc điểm của việc cầu nguyện Ki-tô giáo

Sách Giáo lý nói rằng: "Khi Chúa Giêsu cầu nguyện, thì Người đã dạy chúng ta cầu nguyện" (số 2607). Vì vậy, từ gương mẫu của Chúa Giêsu, chúng ta có thể rút ra một số đặc điểm của việc cầu nguyện Ki-tô giáo.

Cầu nguyện trên hết là lắng nghe và gặp gỡ Thiên Chúa

Trước hết, nó có một tính ưu việt: cầu nguyện là mong muốn đầu tiên trong ngày, điều được thực hiện vào lúc bình minh, trước khi thế giới thức giấc. Nó đưa linh hồn trở về với điều mà nếu thiếu nó thì linh hồn không sống được. Một ngày sống mà không cầu nguyện có nguy cơ trở thành một trải nghiệm khó chịu hoặc buồn tẻ: mọi thứ xảy ra đều có thể trở thành một định mệnh áp đặt và mù quáng đối với chúng ta.

Thay vào đó, Chúa Giêsu dạy tuân theo thực tế và do đó, lắng nghe. Cầu nguyện trên hết là lắng nghe và gặp gỡ Thiên Chúa. Vì vậy, những vấn đề hàng ngày không trở thành chướng ngại vật, nhưng chính là lời Thiên Chúa kêu gọi chúng ta lắng nghe và gặp gỡ những người đang ở trước mặt chúng ta. Vì thế, những thử thách trong cuộc sống trở thành cơ hội để tăng trưởng trong đức tin và đức ái. Cuộc hành trình hàng ngày, bao gồm cả những nỗ lực, có chiều kích của một "ơn gọi". Cầu nguyện có sức mạnh biến đổi thành tốt lành điều mà trong cuộc sống, nếu không có cầu nguyện thì sẽ là một lời kết án; lời cầu nguyện có khả năng mở ra một chân trời rộng lớn cho tâm trí và mở rộng trái tim.

Cầu nguyện là một nghệ thuật cần được thực hành với sự kiên trì

Thứ hai, cầu nguyện là một nghệ thuật cần được thực hành với sự kiên trì. Chính Chúa Giêsu nói với chúng ta: hãy gõ, gõ, gõ. Tất cả chúng ta đều có khả năng cầu nguyện trong những biến cố, phát sinh từ cảm xúc của một khoảnh khắc; nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta một kiểu cầu nguyện khác: cách cầu nguyện có kỷ luật, tập luyện và là quy luật của cuộc sống. Sự cầu nguyện bền bỉ tạo ra sự biến đổi ngày càng tiến bộ, làm cho chúng ta mạnh mẽ trong lúc hoạn nạn, ban cho chúng ta ơn được nâng đỡ bởi Đấng luôn yêu thương và bảo vệ chúng ta.

Thanh vắng tĩnh mịch cần cho việc cầu nguyện

Một đặc điểm khác của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là sự thanh vắng tĩnh mịch. Những người cầu nguyện không trốn tránh thế gian, nhưng thích những nơi vắng vẻ. Ở đó, trong sự thinh lặng, nhiều tiếng nói mà chúng ta giấu kín trong lòng có thể nổi lên: những ước muốn bị kìm nén nhất, những sự thật mà chúng ta vẫn cố kìm nén, v.v. Và trên hết, Thiên Chúa nói trong thinh lặng. Mỗi người cần có một khoảng không gian riêng, nơi có thể trau dồi đời sống nội tâm của chính mình, nơi các hành động tìm lại được ý nghĩa. Không có đời sống nội tâm, chúng ta trở nên hời hợt, kích động, lo lắng - lo lắng làm chúng ta đau đớn biết bao! Vì điều này, chúng ta phải cầu nguyện; không có cuộc sống nội tâm, chúng ta trốn tránh thực tại, và chúng ta cũng trốn tránh chính mình. Chúng ta là những người luôn chạy trốn.

Nhận thức rằng mọi sự đến từ Thiên Chúa

Cuối cùng, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là nơi mà chúng ta nhận thức rằng mọi sự đều đến từ Thiên Chúa và trở về với Người. Đôi khi con người chúng ta tin rằng chúng ta là ông chủ của mọi thứ, hoặc ngược lại chúng ta đánh mất tất cả lòng tự trọng của bản thân. Cầu nguyện giúp chúng ta tìm ra chiều kích thích hợp trong mối tương quan với Thiên Chúa, Cha của chúng ta, và với mọi tạo vật. Và cuối cùng, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là phó mình trong tay Chúa Cha, như Chúa Giêsu trong vườn ô liu, trong nỗi thống khổ đó: “Lạy Cha nếu có thể được… nhưng xin cho ý Cha được thực hiện”. Thật đẹp khi chúng ta đang bị xao động, lo lắng một chút, và Chúa Thánh Thần biến đổi nội tâm chúng ta và hướng dẫn chúng ta đi đến phó thác trong tay Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho ý Cha được thực hiện”.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy khám phá lại, trong Tin Mừng, Chúa Giêsu Ki-tô là người dạy cầu nguyện, và chúng ta hãy học ở trường của Người. Tôi đảm bảo với anh chị em rằng chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và sự bình an.

Nguồn: vaticannews.va/vi