Đức Thánh Cha tiếp kiến chung
Ngày 30.6.2021
ĐTC PHANXICÔ: KHI CHÚNG TA THEO CHÚA,
KHÔNG CÓ ĐIỀU GÌ TRONG CUỘC SỐNG LÀ TÌNH CỜ
Vatican News (30.6.2021) - Trong buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư
30/6/2021, Đức Thánh Cha nhắc rằng: khi chúng ta theo Chúa, không có điều gì
trong cuộc sống là tình cờ. Chúa thêu dệt lịch sử cuộc đời chúng ta, và nếu
chúng ta đón nhận kế hoạch cứu độ của Chúa, ân sủng của Người sẽ biển đổi tâm hồn
và cuộc sống của chúng ta và chỉ cho chúng ta những con đường mới.
Trong
buổi tiếp kiến chung cuối cùng trước khi bắt đầu tháng hè vào tháng 7,
Đức Thánh Cha trình bày bài giáo lý thứ hai trong loạt bài về thư thánh Phaolô
gửi các tín hữu Galát. Đức Thánh Cha suy tư về lời thánh Phaolô tự nhận mình là
tông đồ thật sự qua việc thực thi quyền tông đồ của ngài. Thánh Phaolô bảo vệ
thẩm quyền tông đồ của ngài bằng cách miêu tả cách trung thực hành trình hoán
cải của ngài - từ kẻ bắt bớ Giáo hội dữ dội, đến người được kêu gọi nhờ lòng
thương xót của Thiên Chúa để biết Chúa Giêsu Phục Sinh , và trở thành tông đồ
cho các dân tộc.
Khi
nhấn mạnh đến quyền năng của lòng thương xót Chúa hoạt động trong đời sống của
ngài, thánh Phaolô mời gọi chúng ta suy gẫm về cách Chúa đi vào cuộc sống của
chúng ta, làm chúng ta ngạc nhiên, đổi mới và biến đổi hoàn toàn chúng ta bởi
Chúa Thánh Thần, và củng cố chúng ta trở thành những môn đệ truyền giáo để loan
truyền Phúc Âm và sứ điệp giải phóng của Phúc Âm. Đức Thánh Cha nhắc rằng, Chúa
thêu dệt lịch sử cuộc đời chúng ta và nếu chúng ta đón nhận kế hoạch cứu độ của
Chúa, ân sủng của Người sẽ biển đổi tâm hồn và cuộc sống của chúng ta và chỉ
cho chúng ta những con đường mới.
Khẳng
định tính mới mẻ của Tin Mừng
Mở
đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhấn mạnh ý định của thánh Phaolô khi viết thư
cho các tín hữu Galát. Ngài giải thích: “Những Kitô hữu này gặp mâu thuẫn về
cách sống đức tin và thánh Phaolô bắt đầu viết Thư nhắc nhở họ về mối quan hệ
trong quá khứ của họ, về sự đau buồn khi phải xa họ và tình yêu không thay đổi
mà ngài dành cho mỗi người trong số họ. Tuy nhiên, ngài không thể không bày tỏ
mối quan tâm của ngài là muốn các tín hữu Galát nên đi theo con đường đúng đắn:
đó là mối quan tâm của một người cha, người đã sinh ra các cộng đoàn trong đức
tin. Ý định của ngài rất rõ ràng: cần phải nhắc lại tính mới mẻ của Tin Mừng mà
người Galát đã nhận được qua lời rao giảng của ngài, để xây dựng căn tính đích
thực làm nền tảng cho cuộc sống của họ”.
Không
dừng lại ở bề mặt của vấn đề
Đức
Thánh Cha nhận xét rằng, thánh Phaolô hiểu biết sâu sắc về mầu nhiệm của Chúa
Kitô. “Ngay từ đầu Thư của mình, ngài không theo những lý lẽ thấp kém được sử
dụng bởi những người gièm pha ngài. Ngài “bay cao”, và như thế, ngài chỉ cho
chúng ta thấy cách phải hành xử khi xung đột nảy sinh trong cộng đoàn.” Chỉ đến
cuối Thư, thánh Phaolô mới nói rõ trọng tâm của cuộc tranh luận là vấn đề cắt
bì, là truyền thống chính của người Do Thái. Đức Thánh Cha giải thích tiếp:
“Thánh Phaolô chọn đi sâu hơn, bởi vì điều đang bị đe dọa là chân lý của Phúc
âm và sự tự do của Kitô hữu”. Cách hành động của thánh nhân là: “Ngài không
dừng lại ở bề mặt của các vấn đề, như chúng ta thường bị cám dỗ để tìm ra giải
pháp tức thì, điều khiến chúng ta nghĩ cách sai lạc rằng: tất cả chúng ta đều
có thể đồng ý bằng một thỏa hiệp. Đây không phải là cách thức hoạt động của
Phúc âm, và thánh tông đồ đã chọn con đường thử thách hơn.”
Tìm
cách làm đẹp lòng Thiên Chúa
Thực
tế là thánh Phaolô không viết Thư để tìm sự hài lòng của con người nhưng là sự
đồng ý của Thiên Chúa, bởi vì như ngài viết: “Giờ đây, tôi tìm cách lấy lòng
người đời, hay lấy lòng Thiên Chúa? Phải chăng tôi tìm cách làm đẹp lòng người
đời? Nếu tôi còn muốn làm đẹp lòng người đời, thì tôi không phải là tôi tớ
của Đức Kitô” (Gl 1,10). Do đó, thánh Phaolô cảm thấy mình có nhiệm vụ
nhắc nhở người dân Galát rằng, ngài là tông đồ chân chính không phải bởi công
lao của mình, mà do lời kêu gọi của Thiên Chúa. Ngài kể lại lịch sử ơn gọi và
hoán cải của mình, trùng hợp với sự kiện Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra trong cuộc
hành trình đến Damas (Cv 9,1-9).”
Đức
Thánh Cha nhận xét: “Thật thú vị khi quan sát những gì thánh nhân khẳng định về
cuộc đời của mình trước sự kiện đó: “Tôi đã quá hăng say bắt bớ và muốn tiêu
diệt Hội thánh của Thiên Chúa. Trong việc giữ đạo Do Thái, tôi đã vượt xa nhiều
đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các
truyền thống của cha ông” (Gl 1, 13-14). Thánh Phaolô dám khẳng định rằng,
trong Do Thái giáo, ngài vượt trội hơn tất cả những người khác, ngài là một
người Pharisiêu thực sự nhiệt thành, “về sống công chính theo Lề Luật, thì
chẳng ai trách được tôi” (Pl 3, 6). Hai lần ngài nhấn mạnh rằng: ngài là người
bảo vệ “truyền thống của cha ông” và là người “trung thành tuân thủ lề luật”.
Lòng
thương xót của Thiên Chúa đã biến đổi
Một
mặt, thánh nhân kiên quyết nhấn mạnh rằng, ngài đã bắt bớ Giáo hội dữ dội và
ngài là một “kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược” (1Tim 1, 13); mặt khác,
ngài nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa đối với ngài, điều đã khiến ngài
biến đổi triệt để, như tất cả đều biết. Ngài viết: “Nhưng lúc ấy các Hội thánh
Đức Kitô tại miền Giuđê không biết mặt tôi. Họ chỉ
nghe nói rằng: “Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức
tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt” (Gl 1, 22-23). Đức Thánh Cha nhận
định rằng: “thánh Phaolô nêu bật sự thật về ơn gọi của ngài qua sự tương phản
nổi bật đã được hình thành trong cuộc đời ngài: từ việc là người bắt bớ các
Kitô hữu vì không tuân giữ các truyền thống và lề luật, ngài được kêu gọi trở
thành tông đồ để loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.”
Trở
thành tông đồ nhờ ân sủng của Chúa
Đức
Thánh Cha nhận định: “Thánh Phaolô được tự do: tự do loan báo Tin Mừng và ngài
cũng được tự do thú nhận tội lỗi của mình. “Tôi đã như thế này: đó là sự thật
mang lại tự do cho trái tim, đó là sự tự do của Thiên Chúa”. Đức Thánh Cha nói
thêm: “Nghĩ lại câu chuyện này, thánh Phaolô hết sức ngạc nhiên và biết ơn.
Dường như ngài muốn nói với các tín hữu Galát rằng, ngài đã có thể là bất cứ
điều gì, ngoại trừ là một tông đồ”. Sự thật là từ khi còn là một cậu bé, ngài
đã được nuôi dưỡng để trở thành một người tuân giữ Luật Môsê hoàn hảo, và hoàn
cảnh đã khiến ngài phải chiến đấu với các môn đệ của Chúa Kitô. Tuy nhiên, một
điều bất ngờ đã xảy ra: “Thiên Chúa, bằng ân sủng của Người, đã mặc khải cho
thánh Phaolô về Con Người đã chết và sống lại, để ngài có thể trở thành sứ giả
giữa các dân ngoại (Gl 1, 15-6).
Đừng
quên khi Chúa đi vào cuộc đời chúng ta
Đức
Thánh Cha cảm thán: “Đường lối của Chúa thật khó hiểu biết bao! Chúng ta trải
nghiệm điều này mỗi ngày, nhưng cách đặc biệt nếu chúng ta nghĩ lại những lần
Chúa gọi chúng ta.” Và Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Chúng ta không bao giờ được
quên thời gian và cách thức Chúa bước vào cuộc đời chúng ta: chúng ta hãy luôn
ghi nhớ trong tâm hồn và tâm trí của chúng ta cuộc gặp gỡ ân sủng đó, khi Chúa
thay đổi cuộc sống của chúng ta.”
Được
kêu gọi để phục vụ Tin Mừng
Kết
thúc bài giáo lý, Đức Thánh Cha nêu lên câu hỏi: “Trước những hoạt động vĩ đại
của Chúa, thường xuất hiện câu hỏi: Làm sao Thiên Chúa lại sử dụng một người
tội lỗi, một người bất toàn yếu đuối, để thực hiện thánh ý Nguời?” Và Đức Thánh
Cha khẳng định rằng, không có điều gì là tình cờ. Ngài khuyến khích: “Bởi vì
mọi thứ đã được chuẩn bị trong kế hoạch của Thiên Chúa. Người thêu dệt nên lịch
sử của chúng ta và nếu chúng ta tin tưởng theo kế hoạch cứu độ của Người, thì
chúng ta sẽ nhận ra điều đó. Lời kêu gọi luôn bao hàm một sứ mạng mà chúng ta
được định sẵn; đó là lý do tại sao chúng ta được yêu cầu chuẩn bị bản thân một
cách nghiêm túc, biết rằng chính Thiên Chúa là Đấng sai chúng ta và hỗ trợ
chúng ta bằng ân sủng của Người. Chúng ta hãy để cho mình được dẫn dắt bởi nhận
thức này: tính ưu việt của ân sủng biến đổi cuộc sống và làm cho nó xứng đáng
được sử dụng để phục vụ Tin Mừng.”
Nguồn: vaticannews.va/vi/