Tiếp kiến chung 26-01-2022: Thánh Giuse biết cách nhận ra tiếng Chúa giữa nhiều tiếng khác nhau trong nội tâm
Đức Thánh Cha tiếp kiến chung
Ngày 26.01.2022
THÁNH GIUSE BIẾT CÁCH NHẬN RA TIẾNG CHÚA
GIỮA NHIỀU TIẾNG
KHÁC NHAU TRONG NỘI TÂM
Hồng Thủy
Vatican
News (26.01.2022) - Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 26/1/2022, Đức Thánh Cha khẳng định
với các tín hữu rằng: Thiên Chúa không bỏ mặc chúng ta trong khó khăn nhưng
luôn trợ giúp chúng ta. Ngài mời gọi các tín hữu noi gương thánh Giuse, cầu
nguyện để lắng nghe và tìm thấy tiếng Chúa và thánh ý của Người giữa rất nhiều
tiếng nói thôi thúc trong nội tâm của chúng ta.
Tiếp tục loạt bài giáo lý suy tư về thánh Giuse, Đức Thánh Cha suy tư về
thánh nhân trong những giấc mơ được thuật lại trong Tin Mừng thánh Mátthêu, những
giấc mơ mà qua đó, Thiên Chúa nói với thánh Giuse và mặc khải ý của Người cho
thánh nhân. Đức Thánh Cha nhận định rằng: gương mẫu của thánh Giuse về việc mở
lòng đón nhận tiếng nói của Thiên Chúa giúp chúng ta tìm thấy sự khôn ngoan để
đối phó với những điều không chắc chắn trong cuộc sống của chúng, tìm thấy can
đảm để đối mặt với những tình cảnh nguy hiểm khó khăn, và tìm thấy sự tin tưởng
để phó thác, ngay cả nỗi sợ hãi của chúng ta, cho sự chăm sóc quan phòng của
Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha cầu xin thánh Giuse chuyển cầu trợ giúp tất cả những ai cảm
thấy khó cầu nguyện, và khuyến khích chúng ta trau dồi đời sống nội tâm để kéo
chúng ta đến gần Chúa hơn, giúp chúng ta ngày càng ngoan ngoãn hơn với thánh ý
của Người và ngày càng cởi mở hơn với nhu cầu của anh chị em của chúng ta.
Nhận ra tiếng Chúa giữa những tiếng nói khác
Bắt đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha lưu ý rằng: “Trong Kinh Thánh, cũng
như trong các nền văn hóa của các dân tộc cổ xưa, giấc mơ được xem là một
phương tiện, qua đó Thiên Chúa mặc khải chính Người[1].
Giấc mơ tượng trưng cho đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta, không
gian nội tâm mà mỗi chúng ta được mời gọi vun đắp và gìn giữ, là nơi Thiên Chúa
mặc khải chính Người và thường nói với chúng ta.” Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cảnh
giác rằng: “trong nội tâm của mỗi người, chúng ta không chỉ có tiếng nói của
Chúa nhưng còn có nhiều tiếng nói khác. Ví dụ, tiếng nói của nỗi sợ hãi, của
kinh nghiệm quá khứ, của hy vọng của chúng ta; và cũng có tiếng nói của kẻ ác
muốn lừa dối và làm cho chúng ta hoang mang.” Do đó, “điều quan trọng là có thể
nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa giữa những tiếng nói khác. Thánh Giuse chứng tỏ
rằng ngài biết cách trau dồi sự im lặng cần thiết và trên hết, cách thế để đưa
ra quyết định đúng đắn trước Lời Chúa phán với ngài trong nội tâm.”
Cầu nguyện trong tình cảnh khó khăn để Chúa chỉ cho chúng ta điều phải
làm
Đức Thánh Cha nói rằng: việc đọc lại bốn giấc mơ trong Phúc Âm mà thánh
Giuse là nhân vật chính là điều tốt cho chúng ta, để giúp chúng ta hiểu cần đặt
mình trước mặc khải của Thiên Chúa như thế nào. Ngài suy tư về 4 giấc mơ của
thánh Giuse, bắt đầu với giấc mơ thứ nhất (Mt 1,18-25), khi thiên thần hiện ra
trong giấc ngủ của thánh Giuse và giúp ngài giải quyết được bi kịch đang tấn
công ngài, khi biết tin Mẹ Maria mang thai: “Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về,
vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh con trai,
và ông sẽ phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu; vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi
tội lỗi của họ” (cc. 20-21). Thánh nhân đáp lời ngay lập tức: “Khi tỉnh giấc,
ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy” (c. 24).
Đức Thánh Cha nhận định: “Nhiều khi cuộc sống đặt chúng ta vào những
tình huống mà chúng ta không hiểu và dường như không có giải pháp. Cầu nguyện
trong những thời điểm đó, có nghĩa là để Chúa chỉ cho chúng ta điều phải làm.
Trên thực tế, chính lời cầu nguyện rất thường xuyên mang lại cho chúng ta trực
giác về lối thoát, cách thức giải quyết vấn đề. Anh chị em thân mến, Chúa không
bao giờ để cho một vấn đề nảy sinh mà không ban cho chúng ta sự giúp đỡ cần thiết
để đối phó với nó. Người không ném chúng ta vào trong lò nóng một mình. Người
không ném chúng ta vào giữa bầy ác thú. Khi Chúa cho chúng ta thấy một vấn đề,
Người luôn ban cho chúng ta trực giác, sự trợ giúp, sự hiện diện của Người, để
thoát ra khỏi đó, để giải quyết nó.”
Cầu nguyện mang lại cho chúng ta lòng can đảm
Và giấc mơ thứ hai mà Chúa mặc khải cho thánh Giuse là khi mạng sống của
Hài nhi Giêsu đang gặp nguy hiểm. Thông điệp rất rõ ràng: “Hãy trỗi dậy, đem
Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại,
vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” Thánh Giuse vâng lời không
chút do dự: “Ông liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn
sang Ai Cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà” (cc.
14-15). Từ giấc mơ này Đức Thánh Cha suy tư rằng: "Trong cuộc sống, chúng
ta gặp phải những nguy hiểm đe dọa sự sống của chúng ta hoặc sự tồn tại của những
người chúng ta yêu thương. Trong những tình huống này, cầu nguyện có nghĩa là lắng
nghe tiếng nói có thể mang lại cho chúng ta lòng can đảm như thánh Giuse, đối mặt
với khó khăn mà không khuất phục.”
Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta vượt qua sợ hãi
Đức Thánh Cha giải thích tiếp các giấc mơ thứ ba và thứ tư: Tại Ai Cập,
thánh Giuse chờ đợi một dấu hiệu từ Thiên Chúa để ngài có thể trở về nhà, và
đây là nội dung của giấc mơ thứ ba. Thiên thần mặc khải cho ngài biết rằng, những
kẻ muốn giết Hài Nhi đã chết và ra lệnh cho ngài phải cùng Đức Maria và Chúa
Giêsu trở về quê hương (Mt 2,19-20). Thánh Giuse “liễn trỗi dậy, đưa Hài Nhi và
mẹ Người về đất Israel” (c. 21). Nhưng trên hành trình trở về, “khi nghe biết Áckhêlao đã
kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về
đó” (c.22). Và mặc khải thứ tư đến: “Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, và
đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét” (c.22-23).
Đức Thánh Cha nhận định: Sợ hãi cũng là một phần của cuộc sống và nó
cũng cần sự cầu nguyện của chúng ta. Thiên Chúa không hứa với chúng ta rằng,
chúng ta sẽ không bao giờ sợ hãi, nhưng hứa rằng, với sự trợ giúp của Người, sợ
hãi sẽ không phải là tiêu chí cho các quyết định của chúng ta. Thánh Giuse trải
qua nỗi sợ hãi, nhưng Thiên Chúa cũng hướng dẫn ngài vượt qua điều đó. Sức mạnh
của lời cầu nguyện mang ánh sáng vào những tình huống tăm tối.
Những lo lắng của các bậc cha mẹ
Từ câu chuyện cuộc đời của thánh Giuse, Đức Thánh Cha nghĩ về rất nhiều
người, những người đang bị đè bẹp bởi sức nặng của cuộc sống và không còn có thể
hy vọng hay cầu nguyện. Ngài xin Thánh Giuse giúp họ mở lòng ra để đối thoại với
Chúa, để tìm thấy ánh sáng, sức mạnh và bình an.
Đặc biệt, Đức Thánh Cha nghĩ đến các bậc cha mẹ khi đối mặt với những vấn
đề của con cái họ. Ngài nói: Những đứa con mắc nhiều bệnh, những đứa con đau ốm,
thậm chí mắc những căn bệnh kéo dài. Bao nhiêu đau đớn ở đó. Những bậc cha mẹ
nhìn thấy những khuynh hướng tính dục khác nhau ở con cái của họ; phải cư xử thế
nào và làm gì để đồng hành với con cái và không giấu ẩn một thái độ lên án. Cha
mẹ nhìn thấy con cái của họ chết vì một căn bệnh và còn buồn hơn, như chúng ta
đọc hàng ngày trên báo - những thiếu niên chơi bời và cuối cùng bị tai nạn với
chiếc xe của họ. Những cha mẹ thấy con cái không tiến bộ trong học hành và
không biết làm sao ... Thật là nhiều vấn đề cho các bậc cha mẹ. Chúng ta hãy
nghĩ về nó: làm thế nào để giúp họ.
Đừng sợ hãi!
Đức Thánh Cha nói với những người cha mẹ này: Đừng sợ hãi! Đúng là có
đau khổ. Rất nhiều. Nhưng hãy nghĩ đến Chúa, hãy nghĩ đến cách mà thánh Giuse
đã giải quyết các vấn đề và xin ngài giúp anh chị em. Đừng bao giờ lên án một đứa
trẻ.
Sự dịu dàng xuất phát từ lòng can đảm của tình mẹ
Ngài chia sẻ rằng: một lần ở Buenos Aires, khi đi xe buýt ngang qua trước
nhà tù, ngài nhìn thấy một hàng người, xếp hàng dài để vào thăm các tù nhân. Và
có những người mẹ ở đó. Ngài nói rằng, những người mẹ này đã khiến ngài cảm thấy
ấm lòng. Họ phải đối diện với vấn đề của đứa con lầm lỗi, đang ở trong tù;
nhưng họ không để con một mình mà đồng hành cùng con. Lòng can đảm này, lòng
dũng cảm của người cha và người mẹ luôn đồng hành cùng con cái của họ. Ngài xin
Chúa ban cho tất cả những người cha và người mẹ sự can đảm này như Người đã ban
cho thánh Giuse và cầu nguyện để xin Chúa giúp chúng ta trong những giây phút
này.
Cầu nguyện và việc bác ái
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc các tín hữu rằng: cầu nguyện không bao giờ
là một cử chỉ trừu tượng hoặc thuần túy nội tại, nó luôn gắn bó chặt chẽ với hoạt
động bác ái. Chỉ khi kết hợp lời cầu nguyện với tình yêu thương dành cho tha
nhân, chúng ta mới có thể hiểu được các sứ điệp của Chúa. Thánh Giuse đã cầu
nguyện, lao động và yêu thương - 3 điều tuyệt vời dành cho các bậc cha mẹ - và
vì điều này, ngài luôn nhận được những gì ngài cần, để đối mặt với những thử
thách trong cuộc sống. Chúng ta hãy phó thác chính mình cho Người và cho sự
chuyển cầu của Người. Và Đức Thánh Cha cùng các tín hữu cầu nguyện cùng thánh
Giuse:
Cầu nguyện cùng thánh Giuse:
Lạy thánh Giuse, ngài là con người của những giấc
mơ,
xin dạy chúng con phục hồi đời sống thiêng liêng
như là không gian nội tâm nơi Thiên Chúa mặc khải chính mình và cứu độ chúng
con.
Xin loại bỏ khỏi chúng con ý tưởng cho rằng cầu nguyện là điều vô ích;
xin giúp mỗi người chúng con sống theo những điều Chúa tỏ cho chúng con.
Xin cho tâm trí chúng con được ánh sáng của Thánh Linh chiếu sáng,
xin cho tâm hồn chúng con được khích lệ bởi sức mạnh của Người
và xin lòng thương xót của Người giải thoát nỗi sợ hãi của chúng con. Amen.
Cầu nguyện cho Ucraina
Kết thúc bài giáo lý, trong lời chào các tín hữu nói tiếng Ý trước khi
đọc kinh Lạy Cha, Đức Thánh Cha mời họ cầu nguyện cho hòa bình ở Ucraina và thường
xuyên cầu nguyện cho điều này trong ngày hôm nay. Ngài nói: “Chúng ta tha thiết
cầu xin Chúa để miền đất đó có thể thấy được tình huynh đệ nảy sinh và thắng vượt
những vết thương, nỗi sợ hãi và sự chia rẽ. Ước gì những lời cầu nguyện và lời
khẩn cầu dâng lên trời cao hôm nay sẽ chạm đến tâm trí và trái tim của những
người có trách nhiệm trên trái đất, để họ làm cho đối thoại vượt thắng và lợi
ích của tất cả mọi người được đặt trước lợi ích đảng phái.”
Và Đức Thánh Cha mời các tín hữu đọc kinh Lạy Cha cầu nguyện cho hòa
bình. Ngài nói: “Đây là lời cầu nguyện của những người con hướng về cùng một
Cha, đó là lời cầu nguyện khiến chúng ta trở thành anh em, đó là lời cầu nguyện
của anh em cầu xin sự hòa giải và hòa hợp.”
[1] Xem St 20,3;
28,12; 31,11.24; 40,8; 41,1-32; Ds 12,6; 1 Sm 3,3-10; Đn 2;
4; Gióp 33,15.
Nguồn: vaticannews.va/vi/
- Diễn văn của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ các nạn nhân bạo lực ( 02/02/2023)
- Cập nhật tin Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Congo và Nam Sudan ( 01/02/2023)
- Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ tại sân bay Ndolo, Kinshasa ( 01/02/2023)
- Diễn văn của Đức Thánh Cha trước đại diện chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn CHDC Congo ( 01/02/2023)
- Nam Sudan: Các vị lãnh đạo Giáo hội tìm kiếm hòa bình tại một đất nước đang gặp khủng hoảng ( 31/01/2023)
- Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức cha Robert Francis Prevost làm Tổng trưởng Bộ Giám mục ( 31/01/2023)
- Chương trình Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Congo và Nam Sudan ( 31/01/2023)
- Đức Thánh Cha trước những thách đố của Congo và Nam Sudan ( 29/01/2023)
- Đức Hồng Y Parolin: Đức Thánh Cha viếng thăm châu Phi để thúc đẩy hoà giải ( 29/01/2023)
- Tuyên bố Abu Dhabi truyền cảm hứng cho đối thoại liên tôn ở Indonesia ( 27/01/2023)