Bài 08: Lời cầu nguyện của Đa-vít
Hồng Thủy
Sáng thứ Tư 24/06, trong buổi tiếp kiến chung
được truyền chiếu trực tiếp từ Thư viện Dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha Phanxicô
tiếp tục loạt bài giáo lý về đề tài cầu nguyện với “Lời cầu nguyện của vua
Đa-vít”. Ngài mời gọi cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, như vua Đa-vít, khi thánh
thiện cũng như khi là tội nhân.
Khi còn là cậu
bé, Đa-vít hàng ngày ra đồng chăm sóc đàn chiên của cha mình. Cậu bé Đa-vít
cũng là người yêu thích âm nhạc và thi ca; chính điều này giúp cậu nhận ra sự
nhiệm mầu của thiên nhiên và từ đó phát sinh việc cầu nguyện.
Là mục tử và là
vua, Đa-vít là hình ảnh báo trước của Chúa Giê-su Mục tử tốt lành và Vua hoàn
vũ; mối quan hệ cầu nguyện với Cha trên trời đã nâng đỡ toàn cuộc sống của Chúa
Giê-su.
Đa-vít vừa là
thánh nhân vừa là tội nhân, cuộc đời ông đầy những mâu thuẫn; tuy nhiên trong
ơn gọi lãnh đạo dân Chúa, ông luôn kiên trì cầu nguyện trò chuyện với Chúa.
Đức Thánh Cha nhận
xét rằng cuộc đời của chúng ta cũng ghi dấu bởi những điều mâu thuẫn và những động
lực bất nhất. Ngài mời gọi các tín hữu noi gương vua Đa-vít, hãy luôn hiện diện
trước Chúa, tín thác nói với Chúa niềm vui và nỗi buồn, khiếm khuyết và đau khổ,
tạ ơn về mỗi ơn lành chúng ta nhận được. Khi cảm nhận được Chúa luôn đồng hành
với chúng ta trong mọi hoàn cảnh sống, chúng ta có thể chia sẻ niềm vui này với
người khác.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Trong hành trình tìm hiểu giáo lý về cầu nguyện, hôm nay chúng ta gặp Vua Đavít. Được Thiên Chúa yêu quý
từ khi còn là một cậu bé, Đa-vít được chọn để thi hành một sứ vụ duy nhất; ông sẽ
đảm nhận vai trò trung tâm trong lịch sử của dân Chúa và đức tin của chúng ta.
Trong Tin mừng, Chúa Giêsu được gọi nhiều lần là "con vua Đa-vít"; thật
ra, giống như ông, Chúa được sinh ra tại Bê-lem. Theo lời hứa, Đấng Mê-si-a sẽ
xuất phát từ dòng dõi của Đa-vít: một vị Vua hoàn toàn theo ý muốn của Thiên
Chúa, trong sự vâng phục Chúa Cha hoàn toàn, ông trung thành thực hiện kế hoạch
cứu độ của Chúa (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2579).
Đa-vít: một mục tử
Câu chuyện của
Đa-vít bắt đầu trên những ngọn đồi xung quanh Bê-lem, nơi ông chăm sóc đàn
chiên của cha, ông Giê-sê. Đa-vít vẫn là một cậu bé, người em út của nhiều anh
em. Đến nỗi khi tiên tri Samuel, theo lệnh của Thiên Chúa, lên đường tìm kiếm vị
vua mới, cha của Đa-vít dường như đã quên mất đứa con trai út đó (x. 1 Sm
16,1-13). Cậu làm việc ngoài đồng: chúng ta nghĩ anh ấy là một người bạn của
gió, của các âm thanh của thiên nhiên, của những tia nắng mặt trời. Cậu chỉ có
một người bạn để an ủi tâm hồn mình, đó là cây đàn, và trong những ngày dài đơn
độc, cậu ta thích chơi đàn và ca hát ngợi khen Chúa. Cậu cũng thích chơi với
cái ná.
Do đó, Đa-vít trước
hết là một mục tử: một người chăm sóc các thú vật, người bảo vệ chúng khi gặp
nguy hiểm, người cung cấp thức ăn nuôi dưỡng chúng. Khi theo ý muốn của Thiên
Chúa, Đa-vít sẽ phải chăm sóc cho dân Chúa, việc ông làm sẽ không khác lắm với
những điều này. Đó là lý do tại sao hình ảnh người mục tử thường xuất hiện
trong Kinh Thánh. Chính Chúa Giêsu cũng định nghĩa mình là "mục tử tốt
lành", người hành động khác với những người chăn thuê; Chúa hiến mạng sống
mình vì chiên, Người hướng dẫn họ, biết tên của từng con chiên (x. Ga
10,11-18).
Đa-vít đã học được
rất nhiều từ công việc trước đây của mình. Vì vậy, khi ngôn sứ Na-tan quở trách
ông vì tội lỗi rất nặng nề của ông (x. 2 Sm 12,1-15), Đa-vít hiểu ngay rằng ông
là một mục tử xấu, rằng ông đã cướp lấy con chiên duy nhất, yêu quý của một người
khác, rằng ông không còn là một tôi tớ khiêm nhường, mà là một người điên cuồng
vì quyền lực, một kẻ săn trộm giết người và cướp bóc.
Đa-vít với tâm hồn thi sĩ
Một đặc điểm thứ
hai cũng có trong ơn gọi của Đa-vít là tâm hồn thi sĩ của ông. Từ sự quan sát
đơn sơ này, chúng ta có thể suy luận rằng Đa-vít không phải là một người đàn
ông thô tục, như thường xảy ra với những người bị buộc phải sống cô lập với xã
hội trong thời gian dài. Ngược lại, ông là một người nhạy cảm, yêu âm nhạc và
ca hát. Chiếc đàn hạc của ông luôn ở bên ông: đôi khi để dâng lên Chúa một bài
thánh thi vui mừng với (x. 2 Sm 6,16), những lần khác để bày tỏ một lời than thở,
hoặc thú nhận tội lỗi của chính mình (x. Tv 51,3).
Chiêm niệm mầu nhiệm cuộc sống
Thế giới xuất hiện
trước mắt ông Đa-vít không phải là một khung cảnh câm lặng: khi mọi thứ được
bày tỏ trước mắt ông, ông nhận thấy một mầu nhiệm lớn hơn. Đó chính là nơi cầu
nguyện phát sinh: từ xác tín rằng cuộc sống không phải là thứ bất ngờ xảy đến với
chúng ta, mà là một mầu nhiệm đáng kinh ngạc truyền cảm hứng cho thơ ca, âm nhạc,
lòng biết ơn, lời khen ngợi, thậm chí là than thở và cầu xin trong chúng ta.
Khi một người thiếu chiều kích thi ca thì tâm hồn người đó bị khập khểnh. Do
đó, theo truyền thống, Đa-vít là nghệ sĩ vĩ đại trong việc sáng tác các Thánh vịnh.
Nhiều Thánh vịnh, ngay từ đầu đã đề cập rõ ràng đến vị vua của Israel và đến một
số sự kiện ít nhiều nổi bật trong cuộc đời ông.
Do đó, vua Đa-vít
có một giấc mơ: giấc mơ của một mục tử tốt. Đôi khi ông có thể thực hiện tốt
nhiệm vụ đó, đôi khi ít thành công hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong bối
cảnh của lịch sử cứu độ, chính ông là một lời tiên tri về một vị Vua khác, người
mà ông chỉ loan báo và là hình bóng.
Cầu nguyện: trò chuyện với Chúa về mọi điều trong
cuộc sống
Chúng ta hãy nhìn
ngắm vua Đa-vít, hãy suy nghĩ về ông. Thánh thiện và tội lỗi, bị bắt bớ và là
người bắt bớ, nạn nhân và kẻ giết người. Đa-vít là tất cả những điều này. Và
trong cuộc sống của mình, chúng ta cũng đã ghi lại những sự kiện thường trái
ngược nhau; trong cuộc sống, tất cả mọi người thường phạm tội vì sự không nhất
quán. Có một sợi chỉ đỏ duy nhất chạy suốt cuộc đời vua Đa-vít, liên kết mọi thứ
xảy ra: đó là lời cầu nguyện của ông. Đó là tiếng nói không bao giờ bị dập tắt.
Đa-vít thánh thiện, cầu nguyện; Đa-vít tội lỗi, cầu nguyện; Đa-vít người bách hại,
cầu nguyện; Đa-vít nạn nhân, cầu nguyện. Ngay cả Đa-vít bạo chúa, cầu nguyện.
Đây là sợi chỉ đỏ trong cuộc sống của ông. Một con người cầu nguyện. Đó là tiếng
nói không bao giờ tắt: nó là những giai điệu tưng bừng hay than thở, nó luôn
luôn là lời cầu nguyện, chỉ có giai điệu thay đổi. Khi làm như vậy, vua Đa-vít
dạy chúng ta hãy đưa mọi sự vào cuộc đối thoại với Chúa: niềm vui cũng như cảm
giác tội lỗi, tình yêu cũng như đau khổ, tình bạn cũng như bệnh tật. Tất cả mọi
thứ có thể trở thành một lời thốt ra với “Ngài”, Đấng luôn lắng nghe chúng ta.
Cầu nguyện đặt chúng ta trong bàn tay Chúa
Vua Đa-vít, người
đã biết về sự đơn độc, trong thực tế lại không bao giờ cô đơn! Cuối cùng, đây
là sức mạnh của lời cầu nguyện nơi tất cả những người biết dành chỗ cho cầu
nguyện trong cuộc sống của họ. Cầu nguyện làm cho bạn trở nên cao thượng, và
Đa-vít cao thượng bởi vì ông cầu nguyện. Nhưng ông là một đao phủ, ông cầu nguyện,
ăn năn và ông trở lại cao quý nhờ lời cầu nguyện. Cầu nguyện cho chúng ta sự
cao quý: nó có khả năng đảm bảo mối quan hệ của họ với Thiên Chúa, là Người Đồng
hành thực sự trên hành trình của mỗi người, giữa muôn ngàn nghịch cảnh của cuộc
sống, tốt lành hay xấu xa: nhưng luôn luôn cầu nguyện. Con cảm ơn Chúa. Con sợ
Chúa. Lạy Chúa xin hãy giúp con. Lạy Chúa, xin tha thứ cho con. Đa-vít rất tín
thác đến nỗi khi bị bắt bớ và phải chạy trốn, ông đã không để ai bảo vệ mình:
"Nếu Chúa của tôi làm nhục tôi như thế này, Người biết", bởi vì sự
cao quý của cầu nguyện để chúng ta trong tay Chúa. Đôi tay chịu thương tích của
tình yêu, và đôi tay an toàn duy nhất mà chúng ta có.
Nguồn: vaticannews.va/vi