Bài 34: Chia trí, khô khan và lười biếng trong cầu
nguyện
Giuse Trần Đức Anh, O.P.
Lúc 9 giờ 15 sáng thứ Tư 19/5/2021, dưới trời mưa nhẹ, Đức Thánh
Cha Phanxicô đã tiếp kiến gần 500 tín hữu hành hương, tại sân thánh Damaso
trong khuôn viên dinh Tông tòa.
Tôn vinh Lời Chúa
Như thường lệ, buổi tiếp kiến được mở đầu với phần
tôn vinh Lời Chúa. Mọi người đã nghe đọc một đoạn ngắn, trích từ Tin mừng theo
thánh Luca (21,34-36):
“Chúa Giêsu nói: “Các con hãy coi chừng, để tâm
hồn các con không trở nên nặng về vì những chia trí, say sưa và những vất vả của
cuộc sống, để ngày ấy không bất ngờ đổ ập trên các con; thực vậy, như một mạng
lưới bất ngờ ập xuống trên tất cả những người ở trên toàn mặt đất. Các con hãy
tỉnh thức cầu nguyện trong mọi lúc, để các con có sức mạnh tránh thoát tất cả
những gì đang xảy đến và xuất hiện trước Con Người”.
Bài huấn giáo
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị
em thân mến, chào anh chị em!
Theo hướng đi của Sách Giáo lý, trong bài huấn
giáo này, chúng ta bàn về kinh nghiệm sống thực kinh nguyện, tìm cách chứng tỏ
một vài khó khăn rất thông thường cần xác định rõ và khắc phục.
Chia trí
Vấn đề đầu tiên thường xuất hiện đối với người cầu
nguyện là sự chia trí (Xc SLG, 2729). Kinh nguyện thường gặp phải sự chia trí.
Thực vậy, tâm trí con người khó dừng lâu vào một tư tưởng duy nhất. Tất cả
chúng ta cảm nghiệm cái dòng liên tục những hình ảnh và ảo tưởng luôn chuyển động,
thậm chí cả trong lúc chúng ta ngủ. Và tất cả chúng ta đều biết rằng không nên
chiều theo xu hướng lộn xộn này.
Hiện tượng chia trí trong mọi lãnh vực
Cuộc chiến đấu để chinh phục và duy trì sự tập
trung không phải chỉ liên hệ tới kinh nguyện mà thôi. Nếu ta không đạt tới một
mức độ tập trung đủ, thì ta không thể học hành hữu ích và cũng chẳng thể làm việc
cho nên. Các vận động viên biết rằng, không thể thắng trong các cuộc thi đua bằng
các cuộc tập luyện thể lý mà thôi, nhưng còn phải có kỷ luật tâm trí nữa: nhất
là với khả năng tập trung và giữ cho sự chú ý được tỉnh thức.
Cần bài trừ chia trí
Những chia trí không phải là điều tội lỗi, nhưng
cần phải bài trừ chúng. Trong gia sản đức tin của chúng ta, có một nhân đức thường
bị quên lãng, nhưng rất hiện diện trong Tin mừng. Đó là sự tỉnh thức
(vigilanza). Sách Giáo lý trưng dẫn đích thị điều này trong phần dạy về sự cầu
nguyện (Xc n. 2730). Chúa Giêsu thường nhắc nhở các môn đệ nghĩa vụ phải sống
tiết độ, được một tư tưởng hướng dẫn, đó là trước sau gì Chúa cũng sẽ trở lại,
như hôn phu từ tiệc cưới trở về hoặc như ông chủ du hành trở về. Nhưng vì không
biết ngày giờ ông trở về, nên mọi giờ phút trong cuộc sống chúng ta đều là quí
giá và không được phung phí trong những chia trí. Trong một khoảnh khắc mà
chúng ta không biết, sẽ vang dội tiếng Chúa nói: trong ngày ấy, phúc cho những
đầy tớ mà ông thấy đang chăm chỉ làm việc, đang tập trung vào những gì thực sự
là đáng kể. Họ không chia trí vì chạy theo những gì thu hút xuất hiện trong tâm
trí, nhưng họ đã tìm cách bước đi trên con đường công chính, chu toàn công tác
của mình.
Khô khan
Sang đến sự khô khan. Sách Giáo lý mô tả thời
gian này như sau: “Con tim không nhạy cảm, không hứng thú đối với tư tưởng, ký ức
và những tâm tình, kể cả những tâm tình thiêng liêng. Đó là lúc để có đức tin
tinh tuyền, ở lại với Chúa Giêsu trong cơn hấp hối và trong mộ” (n.2731).
Thường thường, chúng ta không biết tại sao lại
khô khan: có thể nó không tùy thuộc chúng ta, nhưng cũng tùy thuộc Thiên Chúa,
Ngài cho phép một số hoàn cảnh của đời sống bên ngoài hay nội tâm. Các bậc thầy
tu đức mô tả kinh nguyện đức tin như một sự liên tục luân chuyển giữa thời kỳ
an ủi và thời kỳ buồn sầu; những lúc tất cả mọi sự đều dễ dàng, trong khi những
lúc khác thì ta cảm thấy rất nặng nề.
Lười biếng
Về sự lười biếng, nó là một cám dỗ đích thực chống
lại kinh nguyện, và nói chung, nó đi ngược đời sống Kitô. Lười biếng là “một
hình thức xuống tinh thần do sự lỏng lẻo trong sự khổ chế, do sự thiếu tỉnh thức,
thiếu gìn giữ tâm hồn” (SGL 2733). Đó là một trong bảy mối tội đầu, vì nó được
nuôi dưỡng bằng sự kiêu ngạo, có thể dẫn tới cái chết của linh hồn.
Vượt thắng lười biếng
Vậy phải làm thế nào trong sự nối tiếp những
hăng hái và chán nản như thế? Ta phải học cách luôn tiến bước. Tiến bộ đích thực
của đời sống thiêng liêng không hệ tại gia tăng những lúc xuất thần, ngất trí,
nhưng là khả năng kiên trì trong những thời kỳ khó khăn. Chúng ta hãy nhớ dụ
ngôn của thánh Phanxicô về niềm vui hoàn hảo: không phải theo số lượng những gia
sản vô biên từ trời rơi xuống, mà người ta đo lường sự tài giỏi của một tu sĩ,
nhưng là tùy theo sự kiên trì tiến bước, cả khi không được nhìn nhận, cả khi bị
ngược đãi, và kể cả khi bị mất hoàn toàn sở thích ban đầu. Tất cả các thánh đã
trải qua “thung lũng tối” như thế, và chúng ta đừng lấy làm gương mù khi đọc nhật
ký của các vị, chúng ta nghe kể lại những buổi tối cầu nguyện chán nản, không
chút hứng thú. Cần học nói rằng “Lạy Chúa, kể cả khi Chúa có vẻ làm mọi sự để
con ngừng tin nơi Chúa, con vẫn tiếp tục cầu khẩn Chúa”. Các tín hữu không bao
giờ dập tắt sự cầu nguyện! Kinh nguyện nhiều khi có thể giống như kinh nguyện của
ông Gióp, ông không chấp nhận Thiên Chúa đối xử bất công với ông, ông phản đối
và kiện cáo Chúa.
Cả chúng ta cũng vậy, chúng ta ít thánh thiện và
kiên nhẫn so với ông Gióp. Chúng ta biết rằng sau cùng, vào cuối thời kỳ chán nản,
trong đó chúng ta gióng lên trời cao những tiếng kêu câm nín và bao nhiêu câu hỏi
“tại sao?”, Thiên Chúa sẽ trả lời chúng ta. Và cho dù những tiếng kêu của chúng
ta gay gắt và cay đắng nhất, Chúa vẫn đón nhận những tiếng kêu ấy với tình
thương của một người Cha, và coi chúng như một hành vi đức tin, một kinh nguyện.
Chào thăm và nhắn nhủ
Nối tiếp bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám
linh mục thông dịch viên lần lượt chuyển ý tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha,
kèm theo lời chào thăm của ngài.
Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha nói: “Lễ
Chúa Thánh Thần hiện xuống đang đến gần, tôi khuyến khích anh chị em hãy sốt sắng
cầu xin Chúa Thánh Linh, để Ngài đổ đầy tâm hồn con người bằng tình thương của
Ngài, làm cho ánh sáng của Ngài chiếu tỏa rạng ngời trên thế giới và khơi lên
nơi mọi người những quyết tâm và hành động hòa bình.
“Sau cùng, như thường lệ, tôi nghĩ đến những người
già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Tôi cầu khẩn Chúa Thánh Linh
xuống trên mỗi người để với ơn thánh của Chúa, họ được nâng đỡ và an ủi trong
cuộc sống”.
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép
lành của Đức Thánh cha.
Nguồn: vietnamese.rvasia