Giáo lý về cầu nguyện - Bài 32: Cầu nguyện chiêm niệm

06/05/2021

ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN CHUNG

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN

Bài 32: Cầu nguyện chiêm niệm

 Giuse Trần Đức Anh, O.P.

Sáng thứ Tư, 05/5/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến chung dưới dạng trực tuyến như những tuần lễ trước đây, tại thư viện ở dinh Tông Tòa. Đây là buổi tiếp kiến thứ mười bốn tính từ đầu năm nay và chỉ có tám linh mục thuộc phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh hiện diện.

Tôn vinh Lời Chúa

Buổi tiếp kiến bắt đầu lúc 9 giờ 15 phút sáng, với bài đọc ngắn trích từ thánh vịnh thứ 8 (2.4-6.10):

“Lạy Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên toàn trái đất! Uy phong Ngài vượt quá trời cao... Ngắm tầng trời tay Chúa dựng nên, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến? Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần minh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên. [...] Lạy Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp địa cầu!”

Bài huấn giáo

Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài về việc cầu nguyện và bài thứ 32 ngài trình bày lần này có chủ đề: “Kinh nguyện chiêm niệm”.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý này, tôi muốn nói về việc cầu nguyện chiêm niệm.

Chiêm niệm trong cuộc sống

Chiều kích chiêm niệm của con người - chưa phải là kinh nguyện chiêm niệm - phần nào cũng như “muối” cho cuộc sống: nó mang lại hương vị cho những ngày của chúng ta. Ta có thể chiêm niệm khi nhìn mặt trời mọc lúc bình minh, hoặc nhìn cây cối xanh tươi trong mùa Xuân; ta có thể chiêm niệm khi nghe âm nhạc hoặc tiếng chim hót, đọc sách, đứng trước một tác phẩm nghệ thuật hoặc một kiệt tác là khuôn mặt con người... Carlo Maria Martini, khi được gửi đến làm Giám mục tại Milano, đã đặt tựa đề cho thư mục vụ đầu tiên của ngài là “Chiều kích chiêm niệm của cuộc sống”: thực vậy, ai sống trong một thành phố lớn, nơi mà tất cả là nhân tạo và nhắm tới các chức năng, có nguy cơ đánh mất khả năng chiêm niệm. Chiêm niệm, trước tiên không phải là một cách hành động, nhưng là một cách sống, hiện hữu.

Kinh nguyện chiêm niệm

Là người chiêm niệm không tùy thuộc đôi mắt, nhưng tùy thuộc con tim. Ở đây, kinh nguyện can dự vào, như một hành vi tin và yêu, như “hơi thở” của tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Kinh nguyện thanh tẩy con tim, và qua đó, chiếu sáng cả cái nhìn, giúp lãnh hội thực tại dưới một phương diện khác. Sách Giáo lý mô tả sự biến cải tâm hồn từ phía kinh nguyện, khi trích dẫn chứng từ thời danh của cha sở họ Ars, khi cầu nguyện trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa. [...] Ánh sáng cái nhìn của Chúa Giêsu soi sáng đôi mắt của tâm hồn chúng ta; dạy chúng ta nhìn mọi sự dưới ánh sáng chân lý và sự cảm thương của Chúa đối với mọi người” (SGL 2715). Tất cả nảy sinh từ đó: từ một con tim cảm thấy được nhìn với tình yêu thương. Khi ấy thực tại được chiêm ngắm với đôi mắt khác.

“Tôi nhìn Ngài, và Ngài nhìn tôi!”. Đó là thế: trong chiêm niệm yêu thương, là tiêu biểu của kinh nguyện thân mật nhất, không cần nhiều lời: chỉ cần một cái nhìn, chỉ cần xác tín rằng cuộc sống chúng ta được một tình yêu lớn lao và trung thành hơn bao phủ và không gì có thể tách rời chúng ta khỏi tình yêu ấy.

Chúa Giêsu dạy chiêm niệm

Chúa Giêsu là Thầy dạy cái nhìn ấy. Trong cuộc sống của Ngài không bao giờ thiếu thời giờ, có những không gian, thinh lặng, hiệp thông yêu thương giúp cho cuộc sống không bị tàn phá vì những thử thách không thiếu, nhưng gìn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp. Bí quyết của Ngài là tương quan với Cha trên trời.

Chúng ta hãy nghĩ đến biến cố Chúa Hiển dung. Các sách Tin mừng đặt giai thoại này trong lúc sứ mạng của Chúa Giêsu gặp khó khăn, khi sự chống đối và phủ nhận đối với Ngài gia tăng. Thậm chí nhiều người trong số các môn đệ của Ngài cũng không hiểu Ngài và bỏ ra đi; một trong nhóm Mười Hai lại nuôi dưỡng những ý tưởng phản bội. Chúa Giêsu bắt đầu nói công khai về những đau khổ và cái chết đang chờ đợi Ngài ở Jerusalem. Chính trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu lên núi cao với các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Tin mừng theo thánh Marco kể lại: “Ngài hiển dung trước mặt họ và áo Ngài trắng sáng: không có thợ giặt nào trên trái đất có thể làm cho áo trắng như thế” (9,2-3). Chính trong lúc Chúa Giêsu không được cảm thông, chính khi tất cả dường như bị lu mờ trong cơn lốc hiểu lầm, ánh sáng thần linh chiếu tỏa rạng ngời. Đó là ánh sáng tình thương của Chúa Cha tràn đầy tâm hồn Chúa Con và làm cho toàn con người của Chúa Con được hiển dung.

Chiêm niệm không đối nghịch với hành động

Một số tôn sư tu đức trong quá khứ đã hiểu sự chiêm niệm đối nghịch với hành động và đã đề cao những ơn gọi xa tránh trần thế, với các vấn đề của thế gian và hoàn toàn chuyên chăm cầu nguyện. Trong thực tế, trong Chúa Giêsu Kitô và trong Tin Mừng không có sự đối nghịch giữa chiêm niệm và hành động. Sự đối nghịch ấy xảy ra có lẽ do ảnh hưởng của vài triết gia tân Platon, nhưng chắc chắn đó là một thứ nhị nguyên không thuộc vào sứ điệp Kitô giáo.

Yêu thương và chiêm niệm đồng nghĩa với nhau

Có một lời kêu gọi lớn duy nhất trong Tin Mừng và đó là lời kêu gọi theo Chúa Giêsu trên con đường yêu thương. Đó là tột đỉnh và là trung tâm mọi sự. Theo nghĩa đó, yêu mến và chiêm niệm đồng nghĩa với nhau, nói lên cùng một sự việc. Thánh Gioan Thánh giá chủ trương rằng, một hành vi yêu mến thanh khiết bé nhỏ thì hữu ích cho Giáo hội hơn tất cả những công việc khác cộng lại. Điều này nảy sinh từ kinh nguyện chứ không từ sự tự phụ của cái tôi. Điều này được thanh tẩy nhờ sự khiêm tốn, cho dù một hành vi yêu thương là riêng rẽ và thầm lặng, thì đó vẫn là phép lạ lớn nhất mà một Kitô hữu có thể thực hiện.

Chào thăm và nhắn nhủ

Nối tiếp bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh Cha qua các sinh ngữ chính.

Đặc biệt với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng: “Tháng Năm, tháng Đức Mẹ vốn là điều anh chị em rất quí trọng. Theo truyền thống của tổ tiên, anh chị em tụ họp nhau tại nhà thờ, trong gia cư, và trước các ảnh tượng Đức Mẹ, được đặt tại các quảng trường, ngã tư đường và trong các nhà nguyện tại gia, để chiêm ngắm vẻ đẹp, tình thương và lòng từ nhân của Đức Mẹ. “Xin Đức Mẹ Vô Nhiễm giải thoát nhân loại khỏi thảm trạng đại dịch và hướng dẫn tổ quốc cũng như gia đình anh chị em đến cùng Chúa Con, Chúa Giêsu Kitô.

Đức Thánh Cha cũng đưa ra lời kêu gọi như sau: “Được các Đền thánh ở các nơi trên thế giới hướng dẫn, trong tháng Năm này, chúng ta đọc kinh Mân côi để cầu xin cho đại dịch chấm dứt và mở lại các hoạt động xã hội và lao công. Hôm nay, hướng dẫn cuộc đọc kinh là Đền thánh Đức Mẹ ở Nam Dương (Namyang), Nam Hàn. Chúng ta hiệp nhau với tất cả những người tụ họp tại Đền thánh ấy, cầu nguyện đặc biệt cho các trẻ em và các thiếu niên”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhớ các tín hữu nói tiếng Ý về truyền thống bình dân vẫn dành tháng Năm để kính Đức Mẹ. Ngài nói: “Tôi nhắn nhủ anh chị em hãy đọc kinh Mân côi, qua đó, Đức Mẹ được đặc biệt tôn kính. Tôi mời gọi anh chị em hãy hiệp ý với buổi cầu khẩn Đức Mẹ Mân côi sẽ được cử hành vào thứ Bảy 8/5 này, vào giữa trưa, tại Đền thánh Đức Mẹ Pompei.

“Sau cùng, như mọi khi, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Anh chị em hãy cầu xin Mẹ Maria, mẫu gương đức tin và là chứng nhân chuyên cần về Lời Chúa Kitô, để được sức mạnh Kitô trong những chọn lựa và giữa những khó khăn của cuộc sống.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

 Nguồn: vietnamese.rvasia

LỊCH PHỤNG VỤ