Bài 36: Chúa Giêsu, gương mẫu và linh hồn của mọi
lời cầu nguyện
Giuse Trần Đức Anh, O.P.
Sáng thứ Tư, ngày 02/6/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến hơn 500 tín hữu hành hương, tại sân thánh Damaso trong khuôn viên dinh Tông tòa.
Buổi tiếp kiến được ấn định bắt đầu vào 9 giờ
15, nhưng lúc gần 9 giờ Đức Thánh Cha đã vào sân và dành 25 phút, đi qua các lối
đi chính để thăm hỏi, ký tên vào sách hoặc đồ kỷ niệm, đặt tay chúc lành cho em
bé. Mọi người đều mang khẩu trang, trừ Đức Thánh Cha và ngài có vẻ bị sổ mũi. Tới
gần bục cao chủ tọa, Đức Thánh Cha còn bắt tay chào thăm tám linh mục thông dịch
viên.
Tôn vinh Lời Chúa
Như thường lệ, buổi tiếp kiến được mở đầu với phần
tôn vinh Lời Chúa. Mọi người nghe đọc một đoạn ngắn, trích từ Tin mừng theo
thánh Luca (22,28-29.31-32):
[Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói với các môn đệ]:
“Các con là những người đã kiên trì với Thầy trong những thử thách và Thầy đang
chuẩn bị cho các con một Vương Quốc, như Cha Thầy đã chuẩn bị cho Thầy [...]
Simon, Simon, này đây Satan đã sàng các con như sàng gạo, nhưng Thầy đã cầu
nguyện cho con, để niềm tin của con không bị thiếu sót. Và con, một khi hoán cải,
con củng cố các anh em của con”.
Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh Cha tiếp tục
loạt bài về việc cầu nguyện và bài thứ 36 ngài trình bày hôm 02/6, có chủ đề
là: “Chúa Giêsu, gương mẫu và linh hồn của mọi kinh nguyện”.
Bài huấn giáo
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Các sách Tin mừng tỏ cho chúng ta thấy cầu nguyện là điều cơ bản trong tương quan của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài. Chúng ta đã thấy điều đó trong việc chọn lựa những người sẽ trở thành tông đồ sau này. Thánh Luca cho thấy tiêu chuẩn của việc tuyển chọn các tông đồ: “Trong những ngày ấy, Chúa lên núi và cầu nguyện, trải qua đêm trường, Ngài cầu khẩn Thiên Chúa. Khi trời sáng, Ngài gọi các môn đệ đến và chọn mười hai người và Ngài gọi họ là tông đồ” (6.12-13). Chúa Giêsu chọn họ sau một đêm cầu nguyện. Dường như không có tiêu chuẩn nào khác trong việc chọn lựa này ngoài việc cầu nguyện, sự đối thoại với Chúa Cha. Rồi cứ xét theo cách cư xử của những người được chọn ấy, dường như đó không phải là một chọn lựa tốt nhất; vì tất cả họ bỏ chạy, họ để Chúa một mình trong Cuộc Khổ nạn; nhưng chính điều đó, đặc biệt là sự hiện diện của Giuđa, kẻ phản bội trong tương lai, chứng tỏ rằng những tên ấy đã được ghi trong kế hoạch của Thiên Chúa.
Lời cầu nguyện dành cho các bạn hữu của Chúa tiếp tục tái diễn trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Có vài lần các tông đồ làm cho Chúa lo âu, nhưng Chúa Giêsu, - như Ngài đã nhận lãnh họ từ Chúa Cha, - vẫn mang họ trong tâm hồn, cả trong những sai lầm của họ cũng như trong những sa ngã. Trong tất cả những điều đó, chúng ta khám phá Chúa Giêsu là người Thầy và người bạn của họ, luôn sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi sự hoán cải của môn đệ. Tột đỉnh của sự chờ đợi kiên nhẫn ấy là “tấm màn” tình thương mà Chúa Giêsu giăng lên quanh Phêrô. Trong Bữa Tiệc ly, Chúa nói với Phêrô: “Simon, Simon, này đây Satan sàng các con như sàng gạo; nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con, để lòng tin của con không bị thiếu sót. Phần con, một khi hoán cải, con sẽ củng cố các anh em của con” (Lc 22,31-32). Thật ấn tượng khi biết rằng vào lúc đó, trong thời điểm yếu đuối, tình thương của Chúa Giêsu không hề ngừng nghỉ.
– “Nhưng thưa cha, nếu con mắc tội trọng, Chúa Giêsu có yêu con không?”
– “Có”
– “Và Chúa Giêsu có tiếp tục yêu thương con không?”
– “Có”
– “Nhưng nếu con còn làm những điều tồi tệ hơn và phạm nhiều tội lỗi… liệu Chúa Giêsu có còn yêu con không?”
- "Vẫn có".
Tình yêu và lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dành cho mỗi người chúng ta không ngừng, không ngừng, nhưng trở nên mãnh liệt hơn, và chúng ta là trung tâm lời cầu nguyện của Người! Chúng ta phải luôn ghi nhớ điều này: Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi, bây giờ Người đang cầu nguyện trước Chúa Cha và làm cho Chúa Cha nhìn thấy những vết thương Người mang theo mình, để cho Chúa Cha thấy giá cứu độ mà Người dành cho chúng ta, đó là tình yêu Người dành cho chúng ta. Nhưng trong lúc này, mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ: trong lúc này, Chúa Giêsu có đang cầu nguyện cho tôi không? Có. Đây là một sự chắc chắn lớn lao mà chúng ta phải có.
Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trở lại đúng lúc quan trọng, trong hành trình của Ngài, khi kiểm chứng niềm tin của các môn đệ. Chúng ta cũng nghe thánh sử Luca nói tiếp: “Một hôm, Chúa Giêsu ở một nơi thanh vắng để cầu nguyện. Các môn đệ ở với Ngài và Ngài đặt câu hỏi đối với họ: “Dân chúng bảo Thầy là ai? Họ đáp: “Người thì nói là Gioan Tẩy Giả, những người khác thì nói là Elia, những người khác nữa cho là một trong các ngôn sứ xưa kia tái sinh”. Bấy giờ, Chúa hỏi họ: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Phêrô đáp: “Là Đức Kitô của Thiên Chúa [Đấng được Thiên Chúa xức dầu]”. Chúa nghiêm khắc truyền cho các ông không được nói với ai” (9,18-21). Những bước ngoặt lớn lao trong sứ mạng của Chúa Giêsu luôn được bắt đầu bằng lời cầu nguyện, nhưng không phải chỉ thoáng qua mà còn bằng lời cầu nguyện mãnh liệt và kéo dài. Luôn có lời cầu nguyện trong những khoảnh khắc đó. Sự kiểm chứng đức tin như thế có vẻ là một mục tiêu nhưng là một sự canh tân điểm khởi hành đối với các môn đệ, vì từ đó trở đi, giống như thể Chúa Giêsu gia tăng một cường độ trong sứ mạng của Ngài. Ngài nói với họ một cách công khai về cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Ngài.
Trong viễn tượng đó, phản ứng tự nhiên nơi các môn đệ là xa tránh khổ giá, cũng như nơi chúng ta là những người đọc Tin mừng, lời cầu nguyện là nguồn mạch ánh sáng và sức mạnh. Cần cầu nguyện khẩn trương hơn, mỗi khi con đường dẫn lên dốc.
Và thực vậy, sau khi tiên báo cho các môn điều đang chờ đợi Ngài tại Giêrusalem, có biến cố Chúa hiển dung. “Chúa Giêsu mang theo Ngài các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê và lên núi cầu nguyện. Trong lúc Ngài cầu nguyện, mặt Ngài biến dạng, và áo Ngài trắng như tuyết, sáng ngời. Và này đây có hai người truyện vãn với Ngài: đó là Môisê và Elia, hiện ra trong vinh quang, nói về cuộc xuất hành Ngài sắp thực hiện tại Giêrusalem (Lc 9,28-31) tức là Cuộc Khổ Nạn. Vì thế, sự biểu lộ trước vinh quang của Chúa Giêsu diễn ra trong khi cầu nguyện, trong khi Con Người chìm đắm trong sự hiệp thông với Chúa Cha và hoàn toàn tuân phục thánh ý yêu thương của Chúa Cha, kế hoạch cứu độ của Cha. Và từ việc cầu nguyện ấy, nảy sinh một lời rõ ràng đối với ba môn đệ chứng kiến: “Này là Con Ta, Người được tuyển chọn, các ngươi hãy nghe lời Người” (Lc 9,35).
Từ hành trình vắn tắt này qua Tin mừng, chúng ta nhận thấy rằng Chúa Giêsu không những muốn chúng ta cầu nguyện như Ngài cầu nguyện, nhưng còn đảm bảo cho chúng ta rằng cho dù những toan tính cầu nguyện của chúng ta hoàn toàn là hư vô và vô hiệu, chúng ta luôn có thể cậy dựa vào lời cầu nguyện của Chúa Giêsu.
Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu làm cho lời cầu nguyện Kitô giáo trở thành lời cầu xin hữu hiệu. Người là mẫu gương cho chúng ta; Người cầu nguyện trong chúng ta và cùng với chúng ta” (n. 2740). Và tiếp đó, sách Giáo lý dạy thêm rằng: “Chúa Giêsu còn đứng vào vị trí của chúng ta để cầu nguyện cho chúng ta. Mọi lời cầu xin của chúng ta đều được thâu tóm lại, một lần cho mãi mãi, trong tiếng kêu lớn của Người trên Thập Giá và đã được Chúa Cha nhậm lời trong cuộc Phục sinh của Người; và do đó, Người không ngừng chuyển cầu cho chúng ta bên Chúa Cha” (n.2741).
Chúng ta phải ý thức điều này: Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi. Có lần, một vị giám mục tốt lành nói với tôi rằng trong một thời điểm rất tồi tệ của cuộc đời ngài, một thử thách lớn, một khoảnh khắc đen tối, ngài nhìn lên Vương cung thánh đường và thấy được dòng chữ: “Phêrô! Thầy sẽ cầu nguyện cho con”. Và điều này đã mang lại cho vị giám mục ấy sức mạnh và sự bình an. Và điều này xảy ra mỗi khi mỗi người chúng ta biết rằng Chúa Giêsu cầu nguyện cho mình. Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta. Trong khoảnh khắc này, ngay trong khoảnh khắc này. Xin hãy ghi nhớ và lặp lại điều này. Khi có một khó khăn, khi anh chị em cảm thấy bị lôi kéo bởi những điều xao lãng thì hãy nhớ: Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi.
– “Nhưng thưa cha, điều này có đúng không?”
– “Đúng”
Chính Chúa Giêsu đã nói điều đó. Chúng ta đừng quên rằng điều nâng đỡ mỗi người chúng ta trong cuộc sống là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho mỗi người chúng ta, cùng với mỗi người chúng ta, với tên từng người chúng ta, Người hiện diện trước Chúa Cha, cho Chúa Cha thấy những vết thương mà Người chịu làm giá cứu rỗi của chúng ta.
Ngay cả khi những lời cầu nguyện của chúng ta chỉ là lắp bắp, nếu chúng bị tổn hại bởi một đức tin dao động, chúng ta không bao giờ ngừng tin tưởng vào Chúa Giêsu: Tôi không biết cầu nguyện nhưng Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi. Được hỗ trợ bởi lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, những lời cầu nguyện rụt rè của chúng ta đậu trên đôi cánh phượng hoàng và bay lên Thiên đàng. Đừng quên: Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi. Hiện nay! Lúc này. Trong lúc thử thách, trong lúc tội lỗi, ngay cả trong lúc đó, Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi với biết bao tình yêu.
Chào thăm và nhắn nhủ
Nối tiếp bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám
linh mục thông dịch viên lần lượt chuyển ý tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha,
kèm theo lời chào thăm của ngài.
Bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh Cha nhắc đến và hiệp
ý với các bạn trẻ, từ 25 năm nay vẫn tụ tập tại đền thánh Đức Mẹ Lenidca, nơi
nguồn mạch phép rửa của Ba Lan, để canh tân lòng gắn bó của họ với Chúa Kitô. Đức
Thánh Cha nói: “Các bạn trẻ thân mến, năm nay chủ đề cốt yếu cuộc gặp gỡ của
các bạn là “Hãy lắng nghe!”. Trong Kinh thánh, lời này dẫn vào Mười Giới răn,
làm cho lương tâm nhạy cảm và kêu gọi lắng nghe và yêu mến Chúa với trọn tâm hồn,
trọn linh hồn và toàn sức lực (Dnl 6,4-5). Xin Chúa Thánh Linh đồng hành với
các bạn trong kinh nguyện, mở rộng con tim để lắng nghe, khơi lên lòng yêu mến
của các bạn đối với Chúa Kitô và củng cố lòng trung thành của các bạn đối với Lời
Chúa! Tôi chân thành chúc lành cho các bạn!
Bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha nói: “Tôi thân ái
chào các tín hữu nói tiếng Ý, đặc biệt các tân linh mục thuộc giáo phận Verona
và các tín hữu hành hương của giáo phận Chiogga, do Đức giám mục Adriano
Tessarollo, kỷ niệm 50 năm linh mục của ngài. Anh chị em thân mến, ngày mai
03/6 Giáo hội mừng lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa Kitô, lễ này tại Italia và các
nước khác được dời sang Chúa nhật tới 06/6. Ước gì anh chị em tìm thấy nơi
Thánh Thể, mầu nhiệm tình thương và vinh quang, nguồn mạch ân thánh và ánh sáng
soi chiếu những nẻo đường đời.”
“Sau cùng, như thường lệ, tôi nghĩ đến những người
già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Ước gì Mình và Máu Thánh Chúa
Kitô trở thành sự hiện diện và nâng đỡ cho mỗi người anh chị em giữa những khó
khăn, sự an ủi tột đỉnh trong đau khổ hằng ngày và bảo chứng sự sống lại vĩnh cửu.”
Buổi tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha
và phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh Cha ban trên mọi người.
Nguồn: vietnamese.rvasia